Hôm nay,  

Đọc “Dòng Đời” (Lê Lạc Giao, 2024): Hành Trình Kiên Khổ Qua Tàn Tích Lịch Sử Để Tìm Lại Bản Thân

8/3/202411:08:00(View: 5165)
blank 

Đọc “Dòng Đời” (Lê Lạc Giao, 2024):

 Hành Trình Kiên Khổ Qua Tàn Tích Lịch Sử Để Tìm Lại Bản Thân

  

Tô Đăng Khoa

  

"Những gì chúng ta đã trải qua, và những gì chúng ta sẽ phải đối diện, đều là những vấn đề nhỏ nhặt so với những gì nội tại trong chính con người của chúng ta." – Ralph Waldo Emerson.

  

"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao, lấy cảm hứng từ sự tuôn chảy của một dòng sông để phác họa nhiều dòng chảy khác sâu kín, phức tạp, đa chiều trong nội tâm của Hiểu, nhân vật chính trong tiểu thuyết. Hiểu lạc trôi theo vận nước, bước qua những tàn tích của lịch sử, qua những bóng ma quá khứ, những khoảnh khắc cô đơn tuyệt vọng để tìm lại bản thân, hội nhập, đối diện với những thử thách mới trong hiện tại và tương lai.
 

"Dòng Đời" là câu chuyện về sự sống còn, về sự kiên cường của tâm thức con người khi trải qua bao nhiêu nghịch cảnh khốc liệt như đi qua một mùa địa ngục. Đó là câu chuyện rất thật về những nỗi đau, mất mát và sự chịu đựng mà nhiều người Việt Nam đã trải qua trong suốt quá trình lịch sử đầy biến động. Đó là câu chuyện về sự kiên định của con người trong việc đi tìm ý nghĩa của đời sống giữa một biển đời toàn những điều phi lý. Tác giả Lê Lạc Giao, thông qua Hiểu, không chỉ kể lại câu chuyện của một cá nhân mà còn là câu chuyện của một thế hệ, một dân tộc. Và ở một bình diện khác: đó là câu chuyện ngàn đời của nhân loại về sự tìm kiếm ý nghĩa của đời sống và tìm lại bản thân giữa muôn vàn nghịch cảnh và vạn điều phi lý.
 

Trong "Dòng Đời", Hiểu đóng vai trò vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân của một thời điêu linh mà Hiểu và thế hệ của Hiểu bị ném vào. Qua câu chuyện của Hiểu, nhà văn Lê Lạc Giao phác họa những nét chung, nét riêng của lịch sử đầy biến động của Việt Nam, từ những hệ lụy vô hình sâu kín của chiến tranh đến những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của một xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Sự chú ý tỉ mỉ của Lê Lạc Giao đến từng chi tiết làm sống lại cảnh sắc, âm thanh và cảm xúc của thế hệ của Hiểu, đưa người đọc trở về một khung trời cũ với sự ngậm ngùi trong miền hồi tưởng.
 

Tính trung thực trong việc miêu tả nội tâm và kiến tạo các nhân vật của Lê Lạc Giao khiến cho tác phẩm vừa mang tính sử liệu vừa cưu mang giá trị nhân bản và tính phổ quát cao. Chính nhờ những tư duy trăn trở trong nội tâm của tác giả về vận nước, từ những trải nghiệm cá nhân đến những quan sát tinh tế, đã sinh ra nhân vật Hiểu với tất cả những phức tạp và đa chiều của con người. Vì thế, khi đọc "Dòng Đời" chúng ta có cảm tưởng nó không còn là những câu chuyện cá nhân mà là câu chuyện chung cho một thế hệ. Chúng ta nhận ra chính chúng ta và những người thân của chúng ta trong câu chuyện kể, những người vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng lịch sử cho một thời điêu linh.
 

Một trong những điểm son của cuốn sách nằm ở việc phơi bày những tác động và hệ lụy của các sự kiện lịch sử đến cuộc sống cá nhân như là những “hậu chấn” âm ỉ rất lâu dài trong tâm thức cộng đồng của thế hệ của Hiểu. Câu chuyện của Hiểu đan xen với câu chuyện lớn hơn của lịch sử Việt Nam, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về thể cách mà biến động đời sống cá nhân và tập thể giao thoa. Nỗi đau của chiến tranh, sự mất mát và cuộc tìm kiếm, tái thiết lập ý nghĩa của hiện hữu là những chủ đề lặp đi lặp lại và càng lúc càng sâu sắc thêm qua từng dòng chảy tư duy của Hiểu, làm nổi bật sự kiên cường và sự phức tạp của tâm thức con người khi đối diện với mất mát và khổ đau.
 

Trong một xã hội độc đoán, chuyên quyền và áp bức, ý thức nạn nhân cùng với sự chấp nhận truyền thống mà không hề cật vấn, thường khiến con người không vượt qua được lề lối suy nghĩ tiêu cực mang tính cam chịu, chịu đựng và quên đi sự đấu tranh để thay đổi số phận. Tuy nhiên, thông qua việc mô tả giấc mơ và cuộc sống của Hiểu, tác giả Lê Lạc Giao đã trình bày khả năng nhân chứng của con người như là một sự lựa chọn cốt thiết nhất: Sự lựa chọn giữa nhân chứng và nạn nhân chính là sự lựa chọn giữa tự do và nô lệ. Từ đó, mục tiêu của Lê Lạc Giao là làm nổi bật vai trò nhân chứng của người sáng tạo qua nhân vật tiểu thuyết, biến người cầm bút thành chứng nhân của một sân khấu cuộc đời mà định mệnh của nó gắn liền với định mệnh của chính tác giả.
 

"Dòng Đời" mở đầu bằng một đoản thơ trong bài “Đời Tôi Một Nhánh Sông” của Phan Nhật Tân, cũng là một thành viên trụ cột của nhóm trietvan.com do nhà văn Lê Lạc Giao chủ biên.
 

“..chảy đi sông ơi chảy đi sông ơi chảy lên đồi cao cuốn thuyền trông đợi đá tượng đưa tay mắt người vời vợi chảy qua thang mây thành trận cuồng phong chảy về nhân gian nước mắt ròng ròng chảy về địa ngục hồn oan thương khóc cháy đỏ buồn đau còn mất được thua chảy qua bốn mùa vàng phai nắng cũ hồn nhiên xanh rêu bình yên sóng vỗ đá thành cuội cát đêm thở than lời nỉ non than van dâu biển thay rồi”
 

Nếu “Đời tôi một nhánh sông” thì điều không thể tránh khỏi là phải “chảy đi sông ơi.” Chảy chính là thay đổi và biến dịch, là làm mới chính mình. Ví như trong câu nói dân gian “sông có khúc, người có lúc,” con sông có khúc gầm thét, tung tóe bọt nước khi qua thác ghềnh, có lúc sạt lở bờ bên này đem phù sa bồi đắp bờ bên kia, có lúc lững lờ an bình trôi thanh thản soi bóng nguyệt.
 

Cũng vậy, thế hệ của Hiểu đã “chảy qua” những thương yêu những ly biệt của “thuyền trông đợi,” của “đá tượng đưa tay,” của “mắt người vời vợi.” Thế hệ đó đã “chảy qua” những tang thương của “nhân gian nước mắt ròng ròng.” Họ đã “chảy qua” những thống khổ của địa ngục trần gian với những “hồn oan thương khóc cháy đỏ buồn đau.” Để rồi sau bao nhiêu thăng trầm vượt thác ghềnh, tâm thức nhân chứng giúp thế hệ của Hiểu chợt nhận ra rằng: những còn mất được thua chẳng qua cũng chỉ như sự chảy qua của bốn mùa vàng phai nắng cũ. Chính sự nhận ra này của tâm thức nhân chứng, đã cho Hiểu và những người thuộc thế hệ của anh tìm lại chính bản thân sau khi kinh qua bao nhiêu khổ nạn. Tâm thức họ trở nên “hồn nhiên xanh rêu bình yên sóng vỗ đá thành cuội cát.”
 

Có thể nói rằng nếu “Dòng Đời” của Lê Lạc Giao là một bức vẽ lớn với nhiều màu sắc, bố cục đa dạng và chi tiết về tâm thức của thế hệ Hiểu, thì “Đời Tôi Một Nhánh Sông” của Phan Nhật Tân là bức tranh thủy mặc nhưng cũng hàm chứa những nét chấm phá đặc thù và có tính phổ quát cao. Tuy hai hình thức khác nhau, nhưng điểm tương đồng của cả hai tác giả là họ đều là chứng nhân của thời cuộc. Họ lên ghềnh xuống thác theo dòng đời, nhưng không hề bị dòng đời cuốn trôi. Câu chuyện của họ kể là câu chuyện về hành trình kiên khổ của một thế hệ đi qua tàn tích lịch sử và chiến tranh để tìm lại bản thân.
 

Trong "Dòng Đời," Lê Lạc Giao phơi bày bản chất của dòng chảy cuộc sống, nơi mỗi khoảnh khắc đều là sự tiếp nối của quá khứ và là tiền đề cho tương lai. Lê Lạc Giao đã tạo nên một câu chuyện vừa mang tính cá nhân rất gần gũi với đời thường vừa mang tính phổ quát cao. Câu chuyện nhắc nhở người đọc về những kết nối sâu xa giữa cuộc sống của chúng ta và thế giới xung quanh. Văn phong của nhà văn Lê Lạc Giao vừa trữ tình vừa sâu lắng, mời gọi người đọc tham gia vào những độc thoại nội tâm và những đấu tranh cảm xúc của Hiểu. Giọng văn suy tư của câu chuyện cho phép người đọc kết nối sâu sắc với nhân vật chính, làm cho cuộc hành trình tự khám phá của bản thân của Hiểu trở nên hấp dẫn hơn. Mỗi khi Hiểu gợi lại những ký ức hay tư duy để đối mặt với thực tại, người đọc bị cuốn vào một sự phản quan sâu sắc về bản Ngã, sự thuộc về và sự trôi chảy của thời gian.
 

Xuyên suốt câu chuyện của Hiểu, "Dòng Đời" đồng thời cũng mang đến một bức tranh sống động về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Những mô tả chi tiết của nhà văn Lê Lạc Giao về cuộc sống hàng ngày, về các phong tục truyền thống và cảnh quan thay đổi của Việt Nam cung cấp một ngữ cảnh văn hóa quý giá làm tăng tính chân thực của câu chuyện. Cuốn sách như một cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, mang lại những hiểu biết sâu sắc về di sản của lịch sử Việt Nam đối với những thế hệ mai sau.
 

Làm thế nào để có thể trút bỏ tâm thức nạn nhân, trầm tĩnh đóng vai trò của nhân chứng để bước tiếp trên hành trình kiên khổ qua những tàn tích của lịch sử để tìm lại bản thân? Làm thế nào để “những nấm mồ của quá khứ” sẽ không nhuộm đen quãng đời còn lại của một thế hệ bị ném vào lò lửa của chiến tranh? Đó là những câu hỏi mà người đọc có thể tìm thấy câu trả lời khi đọc "Dòng Đời." Với tôi, tác phẩm thứ sáu "Dòng Đời" của nhà văn Lê Lạc Giao là một bước tiếp nối trên hành trình sáng tạo bền bỉ của chính anh. "Dòng Đời" gói trọn tinh hoa của sự kiên cường con người và cuộc tìm kiếm tự thân và ý nghĩa của đời sống. Cuốn sách này phơi bày sức mạnh của việc kể chuyện như là nhân chứng cho một thời điêu linh có thật trong lịch sử Việt Nam, nó soi sáng tình trạng con người khi bị ném vào bối cảnh khốc liệt đó. "Dòng Đời" là một cuốn sách phải đọc cho bất kỳ ai muốn hiểu những phức tạp của bản sắc, ký ức và lịch sử Việt Nam cận đại. Xin cảm ơn nhà văn Lê Lạc Giao và trân trọng giới thiệu tác phẩm mới nhất của Anh với quý độc giả.

 

 Sách có thể mua ở đây:
https://www.barnesandnoble.com/w/dong-doi-lac-giao-le/1146022254?ean=9798895049204 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Kể từ ngày 19 tháng 3 năm 2020, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Sài Gòn sẽ huỷ tất cả các cuộc hẹn phỏng vấn xin chiếu khán (visa) định cư và chiếu khán không định cư. Phòng chiếu khán sẽ hoạt động lại bình thường ngay khi có thể nhưng hiện tại chưa có thông tin ngày mở cửa cụ thể. Lệ phí xin chiếu khán của qúy vị có hiệu lực tại Việt Nam trong vòng một năm kể từ ngày đóng.
Hiện nay, phong trào dùng cây cỏ thiên nhiên với mục đích chữa bệnh đang gia tăng trong dân chúng. Có người dùng theo lời giới thiệu cuả bạn bè. Có người vì bệnh không chữa được bằng tây y, đã đi tìm thầy thuốc cổ truyền. Nhưng cỏ cây dù thiên nhiên, có loại an toàn, công hiệu, cũng có loại không có công dụng gì, đôi khi nguy hiểm vì tác dụng phụ. Nên nếu đã dùng, thì ta cần biết qua về thảo chất, về dược tính của cỏ cây đó. Trong bài này, dựa vào các tài liệu đáng tin cậy, chúng tôi xin trình bầy đặc tính mấy món dược thảo đang rất phổ thông, mà có thể một số quý vị đang dùng.
Tóc bạc có nguyên nhân chính là di truyền từ ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, còn có rất nhiều những nguyên nhân khác làm tóc sớm bạc như tâm lý bất ổn, căng thẳng thần kinh (Stress), bi quan, lo lắng, mất ngủ, cũng làm cho tóc sớm bạc. Nhân vật Ngũ Tử Tư qua một đêm lo lắng đã bạc cả mái tóc trong truyền thuyết Trung Hoa là chuyện có thể xảy ra. Sau đó ông dùng hà thủ ô cùng vài vị thuốc khác chữa được tóc bạc. Nhưng những phương pháp này không chắc chắn có hiệu quả bởi những nguyên nhân kể trên.
H: Hội Đồng Thẩm Mỹ (HĐTM) có nghĩa là gì trong phạm vi hành nghề? Trả lời: Phạm vi hành nghề đề cập đến các dịch vụ khác nhau mà người có bằng hành nghề được phép làm việc theo luật. Ở California, ngành nghề thẩm mỹ được định nghĩa trong Mục 7316 của Bộ luật Kinh doanh và Nghề nghiệp.
Mùa xuân đã về, qua những ngày đông giá. Thời trang mùa xuân với những màu tươi sáng, vải thêu ren trên váy, những màu mạ non, nâu lợt, trắng mát … không bao giờ lỗi thời. Màu tóc khác lạ cũng làm nổi bật nét xuân. Trang Thời Trang & Thẩm Mỹ Việt Báo xin mời các bạn đọc đóng góp thêm hình ảnh các loại: Hình học nghề, hành nghề, tự trang điểm, diện quần áo đẹp, v.v…
Ôn dịch là một trong những thảm họa lớn của nhân loại mà một khi xuất hiện sẽ cướp đi vô số mạng người và để lại vô vàn đau thương và mất mát. Đó chính là những gì cơn đại dịch COVID-19 đang gieo rắc kinh hoàng cho toàn thế giới, không phải chỉ tuần qua mà nhiều tháng trước và sẽ còn kéo dài không biết chừng nào chấm dứt trong những ngày sắp tới.
Hãng thông tấn CNN đã trả lời cho hàng chục ngàn độc giả trên khắp thế giới hỏi về nhiều vấn đề liên quan đến dịch corona. Việt Báo xin trích dịch một số để giúp cho độc giả hiểu rõ hơn về dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành. Mua thức ăn từ nhà hàng đem về có an toàn? Vâng, an toàn, nhưng bạn có thể lau sạch lại bên ngoài gói đựng thức ăn để an tâm. Không có bằng chứng cho thấy vi khuẩn corona được lây lan qua thực phẩm, theo Cơ Quan CDC của Mỹ cho biết. Thông thường nó lây qua các giọt nước phun ra từ hệ thống hô hấp lúc người bị nhiễm vi khuẩn corona ho hay nhảy mũi. Nhưng vẫn tốt để khử trùng những đồ đựng thức ăn và rửa tay sau đó, theo Trưởng Ban Y Tế của CNN là Bác Sĩ Sanjay Gupta cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng vi khuẩn corona là vi khuẩn đường hô hấp, và nó rất dễ dính vào mặt của bạn mà không biết. Chúng ta giữ khoảng cách nơi công cộng cho đến bao lâu? Có lẽ nhiều tháng. Nhưng bạn có thể phải làm điều đó “dài dài,” vì dịch bệnh có thể đến trong nhiều đợt.
Kính thưa quý phụ huynh, Để tuân theo lời kêu gọi của chính quyền trong nỗ lực chống dịch Corona, Ban Tổ Chức cuộc thi Ước Mơ Việt xin công bố vài thay đổi như sau
Các quốc gia khối G20 cam kết “mặt trận thống nhất” hôm Thứ Năm, 26 tháng 3 trong trận chiến chống vi khuẩn corona, nói rằng họ bơm 5,000 tỉ đô la vào kinh tế toàn cầu để chống lại đại dịch giữa những dự đoán suy thoái sâu rộng, theo AFP cho biết.
Tính tới Thứ Năm, 26 tháng 3, Hoa Kỳ đã có 83,545 trường hợp được báo cáo bị lây corona tại 50 tiểu bang và lãnh thổ Mỹ, theo tài liệu từ Đại Học Johns Hopkins cho biết. Hoa Kỳ hiện đã qua mặt số trường hợp bị lây vi khuẩn corona của Hoa Lục và Ý, trước đây là cao nhất trên thế giới. Các nước có người bị lây corona cao kế tiếp là Tây Ban Nha, Pháp, Đức, và Iran.
Một bác sĩ Mỹ gốc Việt tại thành phố Garden Grove là một trong những vị bác sĩ đầu tiên tại Hoa Kỳ bắt đầu cung cấp thử nghiệm vi khuẩn corona nhanh mà được phổ biến tại Á Châu có thể cung cấp các kết qủa trong vòng 10 phút bằng cách thử nghiệm mẫu máu lấy từ ngón tay, theo bản tin của Báo Orange County Register cho biết hôm Thứ Tư và cập nhật hôm Thứ Năm.
Hà Nội đã ra lệnh hạn chế tụ tập nơi công cộng và đóng cửa các dịch vụ không quan trọng cho đến khi có thông báo khác như một phần của các biện pháp giảm bớt lây lan của vi khuẩn corona, theo thông tin từ chính quyền Hà Nội mà Reuters cho được cho biết hôm Thứ Tư.
Với tỉ số phiếu 96 trên 0, Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua gói thỏa hiệp kích thích kinh tế lên tới 2,000 tỉ đôla ngay trước giữa đêm Thứ Tư, 25 tháng 3 năm 2020, chấm dứt nhiều ngày bế tắc và gửi dự luật tới Hạ Viện – mà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói là sẽ sớm thông qua dự luật lịch sử để mang tài trợ tới cho các cá nhân, tiểu thương, và đại công ty “với sự hậu thuẫn mạnh của lưỡng đảng.”
Việt Nam đã đưa hàng chục ngàn người vào các trại cách ly khi làn song công dân từ hải ngoại trở về nhà để trốn đại dịch vi khuẩn corona lây lan tại Châu Âu và Hoa Kỳ, theo bản tin của Reuters cho biết hôm Thứ Năm, 26 tháng 3.
Thiệt là đại họa. Trong họa có phúc nếu Tập Cận Bình nhận thức được rằng khi chưa có khả năng kiểm soát được một con vi khuẩn thì chớ có nuôi tham vọng làm bá chủ toàn cầu. Qua coronavirus, tôi cũng hy vọng rằng dân tộc Trung Hoa (nói riêng) và nhân loại (nói chung) sẽ không tiếp tục để yên cho một thằng điên đẩy hết cả mọi người xuống hố.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.