Hôm nay,  

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

03/01/202000:00:00(Xem: 5820)

 

 

 

MỘT MÌNH. NHƯ MƠ

 

… Bất bị nhân khiên xả
Thử tâm chung bất dao…

Nguyễn Du

 

 

Mênh mông mặt hồ trắng

Vô vọng sóng

Giấu ai trong nỗi một mình

Ơi ánh trăng câm…

 

Nhẹ tiếng bóng. Xô tôi

Tiếng lá thở dài tiếng gió

Đêm va vào tối

Những nỗi cô đơn

Chạm nhau. Không lời

 

Ném xuống

Tia nhìn hoài niệm

Mặt hồ thời gian

Gợn lên tiếng chào

Những vì sao tiền kiếp

Không nguôi lời sáng. Để đêm nay…

 

Ném xuống

Những hạt lệ

Sóng nụ cười lay động

Tưởng lòng ta xưa

Soi tỏ lại cùng trăng. Niềm yêu dấu cũ…

 

 

 

 

 

Ném xuống

Những hạt buồn vỡ tan

Mặt hồ giấc mơ

Lan tỏa những vòng tròn đồng tâm

Thao thức một điểm

Nhịp tim vừa thức

Gọi tên người, Ban Mai tinh sương…

 

Ô dường như đêm nay

Đâu nói chuyện một mình…

 

2019

 
***


Tranh Đinh Cường - Ngoài Trời Mù Sương
NGÔN NGỮ XANH ĐINH CƯỜNG

 

– Thử vạch một đường xem tới đâu…

(thơ Đinh Cường)

 

 

Dường như

Đó là đường biên vô tận của mầu xanh

Người họa sĩ thao thức cõi bình lặng

Những mảng mầu nức nở

 

Chiều ấy rất nhiều gió

Đàn chim nhớ phố bay về(1)

Trên tháp chuông trên hàng cây già

Chiều Sài Gòn những hạt mưa xanh

Rơi vào mắt cô gái hai mươi. Sững lệ

Tôi yêu mầu xanh từ ngây thơ ấy

Từ tranh người mầu sắc cũng chiêm bao

 

Ký ức mới như vệt mầu vừa phết

Như còn đó thời gian

Những chàng lãng tử đi qua

Những bước chân phác thảo

Xanh trời. Xanh tiếng đàn đêm. Xanh gió cao nguyên(2)

Mầu xanh một thời của những bản tình ca

Chứng tích những trái tim pha lê. Long lanh và dễ vỡ

 

Cuốn vào giấc ngủ bầy chim

Giữa kiêu hãnh nụ hoa đỏ và nét cong run rẩy dưới tà áo

Những mảnh trăng xà cừ

Phản chiếu từ ánh mắt cô gái. Thẳm xanh và im lặng(3)

Có thể mùa hoa ấy cô chỉ đến một lần thôi

Trên tay đóa quỳ vàng, quà tặng của một chàng thi sĩ

Hạnh phúc như viên đá xanh trên ngực. Topaz mầu biển

                                                                                   tự do

 

Cho tình yêu cất cánh

Buổi chiều nâu. Và ảo ảnh của họa sĩ nhảy múa(4)

Mọc lên hoàng hôn tím

Khung tranh rạn vỡ những chân trời

 

Mải miết. Đường xanh rất buồn

Nơi dòng sông Potomac

Ánh mắt người từng ngày rơi xuống. Hạt lệ Đà Lạt

Khúc hoài hương vỗ sóng(5)

Những cánh chim ngược gió. Thổ giọng tuyết khô

Người hát bằng sắc mầu thao thiết quê hương một thời

                                                                           khói lửa(6)

Người hát bằng đường cọ mềm đong đưa tán lá

Trong giấc mơ của loài chim. Phố xanh yên bình

                                                                          mộng mị(7) 

 

Mộng du vào đường rung âm thanh

Khoảnh khắc sắc đêm

Ngân nga bóng tối. Ngân sóng núi đồi. Ngân muối mặn lệ

Cũi phố và những con chim mầu đỏ(8)

Cắt đêm mảnh mảnh thủy tinh         

Lóe sáng nơi tháp chuông góc trời xa  

Như có thể, tôi sẽ thắp lên trên ấy những đóa bluebell

                                 để rơi xuống nhạc chuông xanh biếc               

Hợp âm những nét cọ ẩn chìm lưới phố(9)

Tôi thấy mình ngồi yên trong giáo đường khuya

Dưới bàn tay vỗ về của thánh ca

Vĩnh hằng nỗi cô đơn và những ra đi

Ban mai của tôi. Trôi ra ngoài khung tranh buồn thẳm(10)

 

 

 

 

 

 

 

Dường như

Đường vạch buồn nghi vấn

Trên nửa vầng trăng đầy mầu sắc trần gian

Và có phải rất cao nên người không nghe được

Hồi chuông lúc nửa đêm. Và quên mất giờ về

Chắc trong khung cửa sổ gầy kia có người thắp đèn

                                                                              ngồi đợi

Đèn chờ nhau nên hy vọng ánh xanh(11)

 

Dịu dàng ẩn mật

Trong tỉnh thức giấc mơ. Cô gái có con mắt cá không

                                                                      bao giờ ngủ(12) 

Đó là bức tranh tôi muốn treo lên

Trên tường. Nơi chiếc ghế tôi vẫn nằm viết những bài thơ

                                                                        về giấc mộng

Cho tôi thấy những đường chim bay

Tha mây về đầy căn phòng(13)

 

Đó là ngôn ngữ xanh. Và. Tín ngưỡng xanh

Trả lại cho tôi thời gian

Lúc người ta còn tin vào những chuyện thần tiên,

           những lời thơ nói về vẻ đẹp vĩnh cửu. Của trái tim

 

Mùa thu, 9.2014

 

 

Cảm xúc từ những bức tranh của họa sĩ Đinh Cường:

 

(1) Phố Sài Gòn; (2) Thời Ở Dran, Lạc Lâm, Tiếng Đàn Dưới Ánh Trăng; (3) Đêm, Thiếu Nữ; (4) Hoa Quỳ Rừng; (5) Nhà Bên Sông Potomac, Đà Lạt Nostalgia; (6) Chân Dung Tự Họa, Dấu Tích; (7) Phố, Chim Yêu Dấu, Thành Phố Xanh; (8) Chim Đỏ; (9) Để Nhớ Nhà Thờ Dran; (10) Nguyện Cầu; (11) Phố Đêm; (12) Mật Ngôn; (13) Chim Tha Mây.

 

 

*** 

 

SÁNG. TỐI

 

 

1.

 

Tôi đã mở cửa ban mai. Bằng nụ cười  
Tôi đã đóng cửa ban mai. Bằng tiếng khóc
Thì đâu là nơi. Của ánh sáng. Của bóng tối
Ngoài tôi

 

 

2.

 

Tôi che ánh nắng
Để tìm một bóng mát

Qua khe hở của tấm màn
Sót một đường sáng mong manh

Đường chỉ sáng. Long lanh hơn cái ánh sáng nó che
Cũng tựa như vậy. Khi tôi ngồi trong bóng tối

 

3.

 

Đừng bật thêm đèn nữa

Ngày đã sáng lắm rồi

(Xin lỗi) hay vì con mắt tôi

Đã quen rồi bóng tối…

 

2002

 

 

 

 

 

 

4.

 

Người vẫn không ngừng
Nhóm lửa câu thơ
Đôi khi. Sểnh cửa
Gió lọt vào bóng tối

Vẫn trên con đường
Vẫn bình minh bầu bạn
Sao có khi
Người để sau lưng mình. Ánh sáng?

 

2013

 

*** 

 

NHỮNG NGÀY NẰM BỆNH


Bầu trời chỉ vừa đúng một khung cửa
một mét nhân một mét hai nắng buổi sáng
và cũng chừng đó mét vuông
cho gió buổi chiều
buổi trưa thì thành cái lò nướng
lửa nắng hướng tây
từ khi có dịch cúm gà
không còn nghe tiếng gà gáy mỗi sớm

từ phía nhà tù vọng sang
chỉ còn mảng cựa quậy nhất là bóng lá
đổ vào vách nhà bên
động đậy cái nhìn chay tịnh
…, rồi tiếng nhạc quen quen
từ phòng đứa con trai
…, rồi tiếng chân chồng tôi
bước vào phòng mỗi trưa mỗi tối…
riết rồi tôi chỉ còn là cái tai

nghe ngóng tiếng động
Và. Chờ.

có lúc mỏi
muốn gõ vào đâu đó
một tiếng kêu
một tiếng kêu
…, cơn bệnh là nhà tù
giấc mơ tôi là đôi cánh
– Cánh của chim cánh cụt –

 

Sài Gòn,1998


*** 

 

HẠT THỜI GIAN


Ngày Thứ Hai. Khóc
Khóc như chưa từng
Ngày Thứ Ba. Khóc
Khóc dài xâu chuỗi
Ngày Thứ Tư. Khóc
Khóc cong dấu hỏi
Ngày Thứ Năm. Khóc
Khóc mòn hơi mắt

Trĩu nặng ngày Thứ Sáu
Đẫm lệ và quay đi

Ngày Thứ Bảy
Đoanh tròng phút giây biển muối

Ngày thứ n, khóc
Người diễn viên tập hoài
Một vở kịch. Một hồi. Y hệt như hồi tôi đang sống

Buồn buồn

Sẽ phải tìm đến ai khi người duy nhất có thể khiến ta ngừng rơi lệ lại là người khiến ta khóc?*

 

12.2014

 

 

* Who do you turn to when the only person in the world that can stop you from crying is the one making you cry?  (Khuyết danh)

 

*** 

 

HÃY TRỞ VỀ ANH NGHE

 

 

Hãy đem tôi vào lời anh đang nói

Những điều tôi, sẽ được cất lên

 

Hãy đưa tôi vào buổi sáng anh đi

Tôi sẽ chỉ nơi. Đêm còn ủ giấc mơ

 

Hãy đem tôi vào thời gian anh cất kỷ niệm

Tôi sẽ gìn giữ. Những điều anh có thể quên

 

Hãy đem tôi vào cõi mộng mơ

Sợi tóc xanh thần chú

Gọi anh tuổi hai mươi trở lại

 

Hãy đem tôi vào nỗi u buồn

Tôi sẽ im lặng. Cùng mực thời gian bôi xóa

 

Hãy đem tôi vào nụ cười

Tôi sẽ giữ lại cho anh ít nhiều. Hạt lệ

 

Hãy rơi xuống hạt nước mắt

Em sẽ đưa anh về

Thềm khuya mọc những ánh sao

Hãy trở về trở về anh nghe

Bên em. Bước chân của gió

Chúng ta cùng thắp nửa vầng trăng diễm ảo. Đêm xanh

 

*** 

 

LẠ LẪM XỨ NGƯỜI

 

Cùng Bảo Chương

 

 

Lạ lẫm xứ người

Học ăn. Học nói

Học gói tâm tư

Học mở nụ cười

Chắt chiu niềm vui

Để dành kể lể

Cùng cha cùng mẹ

Cùng bạn quê nhà…

 

Lạ lẫm xứ người

Nước mắt mình khóc

Dường mặn hơn xưa

Tiếng cười mình vừa

Thốt ra, bỗng lặng…

 

Lạ lẫm xứ người

Nhìn ngược nhìn xuôi

Đôi khi bâng quơ

Lạc hai con mắt

Nghe tin nghe ngờ

Đôi khi thẫn thờ

Hai tai điếc đặc

Chào nhau, câu lơi

Bước đi tất bật

Cái nồng cái ấm

Lạ quá, xứ người

 

 

 

 

 

Mẹ đi líu ríu

Theo con tới trường

Con dẫn qua đường

Dặn dặn dò dò

… mẹ ơi mẹ nhớ

đèn trắng* đèn đỏ…

Lại nhớ ngày xưa

Đưa con đi học

Lần đầu, mẹ dỗ

hoài con vẫn khóc

Giờ con dẫn mẹ

đi học. Con cười.

(Làm) mẹ buồn muốn khóc

Ô hay!

 

2007

 

 

* Đèn trắng hình người, dành cho người đi bộ qua đường.


***

 

QUÊ NGƯỜI

 

 

Ấp úng những điều mới mẻ

Gượng cười mà đứng mà đi

Chờ nghe quê người bén rễ…

 

Một mình sáng nay trong nắng

Một mình đi trong thầm lặng

Riết rồi một mình, cũng quen…

 

Quen rồi, nhịp đi hối hả

Quen rồi, lạnh tanh xứ lạ

Nhìn nhau gió thoảng mây bay…

 

Đôi khi mềm lòng ngồi nhớ

Bao điều ngày xửa ngày xưa

Có gì trong tim, như vỡ…

 

Quê người nắng nồng gió lạnh

Quê ta dưới vòm mây trắng*

Nhịn lòng. Ngó cánh chim bay…

 

Quê người xuân dậy cờ hoa

Chân mình quen hơi đất lạ

Ngậm đau một nỗi nhớ nhà…

 

2010

 

 

* Nơi chiến trường xưa có vị tướng Trung Hoa đã chỉ vào trời xa mà nói với quân lính rằng: dưới vòm mây trắng kia là nhà ta…

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chính quyền CSVN vẫn còn rất sợ vụ Đồng Tâm sẽ bùng nổ lớn vì sự bất mãn của người dân đối với cách hành xử bạo tợn của công an nên đã ra lệnh phong tỏa tài khoản phúng điếu dịp tang lễ ông Lê Đình Kình, theo bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết hôm 18 tháng 1.
Vào cuối tháng 12 năm 2019, nhiều tài hải giám Trung Quốc đã hộ tống hơn 30 chiếc tàu đánh cá vào vùng biển đảo Natuna của Nam Dương.
WESTMINSTER (VB) -- Nhà xuất bản Văn Học Press cho biết vừa ấn hành thi tập mới của Trầm Phục Khắc, nhan đề "Gã tình nhân & Vở kịch không dành cho sân khấu"...
Cư sĩ Nguyên Giác, tức nhà văn Phan Tấn Hải, cho biết trong hai ngày qua ông đã đích thân cầm một số ấn bản tới dâng cúng các bậc tu hành tôn quý tại Quận Cam
Đến nay đã 46 năm, Biển Đông dậy sóng, bao ngư dân ra khơi bị tàu Trung Cộng cướp giết và đế quốc kia lại muốn chiếm thêm quần đảo Trường Sa và toàn bộ Biển Đông.
chúng ta cũng đã từng dùng thuốc thiên nhiên rồi. Đó là thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Ta hay còn gọi là thuốc “Vườn”... Sau 75, danh từ thuốc Dân tộc đã được dùng để chỉ những loại thuốc được sản xuất và bào chế từ cây cỏ ở Việt Nam
ra mắt vào ngày 8 tháng 3 năm 2020 tại Viện Việt Học Nam Cali. Lạ là vì đây là một tác phẩm mang hồn Việt đến từ Pháp Quốc! Tác phẩm mang tên cũng đặc biệt, gây tính tò mò cho độc giả: "Một lối đi riêng vào cõi thơ"!
Vào những ngày đầu Xuân các hội đoàn, cộng đồng thường tổ chức những buổi tiệc tùng, hợp nhóm, hợp bạn…để đón Xuân và cũng để hoài niệm, nhớ thương về quê hương, đồng bào thân yêu còn bên kia chân trời xa thăm thẳm.
Một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam vừa được Viện Việt Học trình bày trước công chúng: ấn hành tác phẩm “Tuồng Kim Vân Kiều: Truyện Kiều ở Nam Kỳ Lục Tỉnh” (Hồi 1/3) vừa được Giáo sư Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu
Phiên xử luận tội lần thứ 3 trong lịch sử Hoa Kỳ đã bắt đầu vào Thứ Năm, 16 tháng 1 năm 2020 giữa một loạt các cáo buộc mới về các thương lượng của TT Trump với Ukraine, mà nhiều nhà lập pháp Cộng Hòa đã vội vã hạ thấp mức độ quan trọng khi họ bác bỏ các lời kêu gọi của những nhà lập pháp Dân Chủ đòi điều tra thêm.
Trong vòng một thập niên qua, số lượng – và chiều kích – của viện bảo tàng, phòng trưng bày, hội chợ nghệ thuật, và trường nghệ thuật trên khắp thế giới đã gia tăng dữ dội, và người ta cảm thấy an tâm để nói rằng nhiều nghệ thuật đã được sáng tạo trong vòng 10 năm qua hơn bất cứ thời gian nào khác trong lịch sử nhân loại.
Nghệ sĩ không phải chỉ là người sáng tạo nên tác phẩm. Nghệ sĩ còn là kẻ sáng tạo nên bản thân mình. Không ngừng. Họa sĩ Võ Đình khằng định như vậy trong cuốn Mây Chó. Về cuối đời ông viết nhiều hơn vẽ. Sau 10 năm sống ở Pháp sang Mỹ năm 1960 qua nhiều tiểu bang, nơi đâu ông cũng thích ngụ ở vùng thôn dã.
Lời tòa soạn: Từ Franz Kafka đến Milan Kundera, hai nhà văn kiệt xuất của thế kỷ XX. Cả hai đều có chung một nền tảng văn hóa, một khảo hướng và một chủ hướng văn học: làm mới văn chương và dùng tiểu thuyết để nói những điều chỉ tiểu thuyết mới nói được. Cả hai đều để lại cho hậu thế những kiệt tác văn học, ảnh hưởng bao trùm gần như toàn thể nhân loại. Kafka sống vào đầu thế kỷ, Kundera vẫn còn tại thế dù năm nay, 2020, đã trên 90 tuổi. Việt Báo hân hạnh gửi đến độc giả Việt bốn phương ít dòng tiêu biểu của hai nhà văn lừng lẫy này qua phần chuyển ngữ và giới thiệu của dịch giả Trịnh Y Thư.
Nhà văn Dương Hùng Cường sinh ngày 1/10/1934 tại Hà Nội. Ông gia nhập Không quân và học về cơ khí tại Pháp năm 1953. Ông là hạ sĩ quan phục vụ ở nhiều đơn vị từ 1955, đến những năm 1960 mang cấp bậc Chuẩn úy, làm việc tại Phòng Tâm lý chiến, Bộ Tư lệnh Không quân VNCH.
Một đất nước mà chính quyền bao che cho quan chức từ cao xuống thấp cướp đất của dân để trở thành quốc nạn là điều bất hạnh cho dân tộc, và hiện tượng này đã không dừng ở đó mà còn đi xa hơn nữa để biến nó thành mối hận thù giữa dân oan và nhà nước như trường hợp xảy ra trong tuần qua tại xã Đồng Tâm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.