Hôm nay,  

Chuyến Xe Đò

13/12/201910:25:00(Xem: 5679)

Ông thích lái xe chạy ra khỏi thành phố. Với ông, thành phố đồng nghĩa với tù hãm. Nếu được ngồi ghế trước trên chiếc xe đò chạy đường xa, cỡ bự, hơn 60 ghế, để nhìn trời cao đất rộng thì càng tốt. Tha hồ mở mắt. Chứ loanh quanh mãi tại nhà như con gà ăn quẩn cối xay, chán lắm. Nhiều khi muốn khùng luôn. Hết ngó cái vườn hoa cũ, lại nhìn ngôi nhà xưa, ngày này đến ngày khác. Buồn tình ngẩng mặt trông lên, thấy mây cũng “già”. Mây già nua – hình như một thi sỹ nào nói vậy ông tình cờ nghe loáng thoáng qua một thằng sính thơ. Và bỗng nhiên nhớ. Thường ông hay quên những chuyện ruồi bu, nhưng thơ thì cố nhớ. Mà nghĩ cũng đúng, mây bay đã ngàn năm, Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay, hay lâu hơn, lâu hơn là cái chắc, không già sao được.

Ông thuộc một ít thơ, nhờ cố đọc đi đọc lại cho đến khi thuộc lòng, loại thơ học ở nhà trường thời Trung Học. Chỉ thế thôi cũng đủ loè người mới quen. Có khi tò mò đọc thơ bây giờ, chẳng hiểu gì, nói gì đến cảm xúc, hoặc dùng để tán láo. Đọc vài dòng điên cái đầu. Nghe người ta ca tụng Truyện Kiều, ông lớn tiếng, Biết Rồi, Nói mãi (Còn có hai chữ Khổ Lắm chen vào giữa nhưng ông không nói để tỏ ra rằng mình không bắt chước ai cả). Ông phán, Truyện Kiều đương nhiên là hết sẩy, là đỉnh cao nhất, khỏi phải rườm lời. Thật ra ông chỉ đọc mấy đoạn được trích dẫn làm bài giảng văn năm lớp Đệ Tứ (lớp 9), rồi lớp Đệ Nhị (lớp 11). Ông định bụng sẽ đọc hết Truyện Kiều, biết đâu có dịp đem nó ra thi thố, nhưng nó dài quá. Mấy trăm câu nhỉ? Hay mấy ngàn, mấy vạn? Nên hẹn rày, hẹn mai, như hẹn những món nợ mà ông nhất định quỵt. 

Hôm nay, có việc đi lên miền Bắc, ông ra bến xe đò sớm, để chiếm chỗ ngồi đằng trước, tha hồ phóng tầm mắt. 8 giờ 30 sáng xe khởi hành, 7 giờ 45 ông đã có mặt. Thế mà khi “hồ hởi” bước lên xe, đã thấy có người ngồi tại một trong hai chiếc ghế ngay sau ghế của tài xế. 

Thấy còn một ghế trống bên cạnh, ông huơ huơ tay ra dấu. Anh chàng hành khách liếc ngược một cái, mặt khó đăm đăm, uể oải gật đầu, rồi quay ra phía cửa nhìn dáo dác. Làm bộ tìm ai hả? Gai cái mặt của tui không thèm ngó hả? Hỗn láo! Hắn khoảng trên dưới 70, cái đầu bù xù thấy ớn, cái cằm lờ vờ mấy cọng râu. Kỳ quái, tóc nhiều mà râu không rậm. Rồi ông cố nhìn con mắt của nó, chẳng khác gì người ta hay quan sát mắt ông, rồi bàn ra tán vào. Cặp mắt tên này bất thường, không tập trung, chỉ muốn điều tiết thật xa, nhìn ông mà có lẽ không thấy ông. Nó người tầm thước, ăn mặc xuềnh xoàng, áo quần nhăn khúm. Dường như có một thứ mùi gì thoang thoảng bốc ra từ nó. Mùi mồ hôi? Không phải. Mùi nước hoa rẻ tiền? Không phải. Mùi thiếu vệ sinh? Có lẽ đúng phần nào. Đúng hơn, nói chung là mùi tởm lợm? Ông thường phán đoán ngang ngạnh như thế. Tóm lại, theo ông, hắn là một thằng khó ưa, mà đáng ghét nhất vẫn là cái đầu bù xù.

Thế ông dễ thương? Đầu hói, mặt lưỡi cày, luôn luôn gờm gờm. Trước kia, khi còn trẻ, còn nhiều ảo tưởng, chủ quan, thơ ngây, nghĩ mình cũng không đến nỗi. Bảo là khá dễ thương cũng không sai mấy, và cũng có thể gọi là đẹp trai nếu được nhìn từ xa hay trong bóng tối. Bây giờ ông tự biết khó ai ưa mình. Mặt mày luôn luôn nhăn nhó, cau có. Cặp mắt thì nói lên rất nhiều. Có khi vô tình soi vào gương, thấy nó đầy nét nghi ngờ, xoi bói, hống hách, sẵn sàng gây hấn bất cứ ai. Nham hiểm nữa. Đã thế, một nét đặc trưng ít người theo kịp, vâng, nó pha chút giễu cợt, hoạt kê nửa mùa của một thằng hề lỡ bộ, ấm ớ, chẳng ra môn, chẳng ra khoai. Dễ thương thế quái nào được.

Biết thế, những khi muốn lấy lòng ai, ông cố gắng nặn ra một cái nhìn thật hiền từ. Ông biết cái nhìn chưa đủ sức thuyết phục, nó còn phải được hỗ trợ bởi “những bắp thịt mặt” thật thư giãn, mềm mại, tiếng nói thật êm ái, du dương, cử chỉ thật dịu dàng, quyến luyến. Và ông thành công. Ngắn thôi. Nghĩa là người đối thoại với ông cũng cảm thấy vui lòng trong giây lát khi mới gặp nhau. Sau một khoảnh khắc ngắn, đâu hoàn đấy, ông không thể che giấu mãi chân tướng. Người ta lại “né” ông. 

Ông cũng thích châm chọc, đố kỵ, và tìm cách hạ thấp giá trị của đối phương, thậm chí hạ nhục người nào tài giỏi hơn ông. Khoái trá khi làm tổn thương kẻ khác, dù lạ hay quen. Nhưng đối với những ai thua kém, ông tìm cách ve vãn, dụ dỗ, ngọt ngào, ban ơn. Lại có cái tật khoe khoang, phách lối, nhận vơ thành công của kẻ khác. Như một hệ luận, khi thất bại, tìm cách chống chế, thậm chí vu cáo. Nhưng lại bộp chộp, hớ hênh, trở mặt, bội bạc, nóng nảy, ưa mắng nhiếc. Chà, lắm chuyện quá. Nhưng chưa hết. Nổi tiếng nhất, đúng hơn tai tiếng nhất, đấy là nói dối liên miên, xoen xoét, xoèn xoẹt, “dối người, dối mình, giả nhân, giả nghĩa” không chút ngượng ngùng, áy náy. Không biết, hay không cần biết phải trái, tốt xấu, đúng sai, chỉ hành động theo cảm tính.

Có khi ông chột dạ, hoạ hoằn lắm, tự hỏi những nhận xét đó của “tha nhân”e có đúng phần nào chăng. Nhưng sao là đúng, sao là sai, giới hạn của hai thứ đó rất mù mờ. Đúng sai lộn tùng phèo. Cho nên ông thường nhắc cái gọi là danh ngôn mà ông hiểu lờ mờ, Đúng nơi này, sai nơi khác; Đúng hôm nay, sai ngày mai. Lại nữa, cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nói cách khác, tính của ông là tính trời. 

Nhớ hồi bé, và cả hồi niên thiếu, ông rụt rè, thẹn thùng, ngoan ngoãn, rất dễ thương. Rồi ông thay đổi tính tình một cách quái lạ và bí ẩn. 180 độ. Cái thay đổi đó xẩy ra vào lúc nào nhỉ? Khi vào đại học chăng, đấy là khi bỗng dưng ngưỡng mộ một thằng mới quen biết. Nó hào hùng, vênh váo, ẩu tả, coi trời bằng vung. Nhìn lại mình, thấy mình thiếu “đàn ông tính“. Ông bắt chước nó. Dần dần phát triển khác, tự chuyển biến. Hay là khi cái “con nhỏ khốn nạn” đó mà ông hết lòng yêu dấu bỗng trở chứng coi thường mình, lạnh nhạt với mình, bỏ đi theo một thằng bạn còn khốn nạn hơn, để lại một mình mình với vết thương không bao giờ thành sẹo? Hay là khi lớn lên tự nhiên mình thay đổi tính tình, như có loại cỏ cây đến thời kỳ thì trổ vỏ, trổ gai, như có loại cầm thú đến thời thì kỳ mọc nanh, mọc vuốt. Mấy lần ông thử lắng lòng dò tìm nguyên do cái thay đổi quái lạ bí ẩn đó, mà không tìm thấy. Câu hỏi vẫn còn nguyên. Ông tâm đắc câu thành ngữ tiếng Anh: The question remains. Nó biến thành người bạn đồng hành của ông.  

Có thể kể thêm, kể không hết đâu, ông thích ăn miếng trả miếng. Ăn một trả hai. Vậy lỗ vốn sao? Còn khuya! Nó cắn ta đau một, ta phải cắn nó đau hai. Hoặc nó dộng ta  một cái, ta dộng nó hai cái. Đó là phương châm hành động của ông. Nghĩa là ông thích đốp chát liền một khi, không chút chần chừ. Và thù dai. Và không quên trả thù.

Ừ, thằng bù xù này hỗn láo. Mình chắc chắn lớn hơn tuổi nó, đàn anh của nó, sao nó không biết kính trọng, dám ngoảnh mặt làm lơ? Muốn “sinh sự”? Ta “sự sinh”. Hắn gốc người nước nào nhỉ? Phi, Mễ hay Ba Tây? Cũng có thể Việt Nam, Lào, Thái hay Tàu? Nhưng “số đông áp đảo” trên loại xe đò Hoàng này, khác với loại xe đò Greyhound ông thỉnh thoảng đi, là người Việt, hay đúng hơn, người Mỹ gốc Việt. Cũng có khá nhiều người Việt mới qua chưa có quốc tịch Mỹ. Chắc thằng đầu xù này cùng quê cũ với mình, cũng con Rồng cháu Tiên, cũng thích cắn xé nhau, rồi mỗi người đi một ngả. Đoàn kết là chết hết, chia rẽ là sống lẻ tẻ, câu nói thường nói hồi vượt biển nghe ra cũng không sai. Tổ tiên ta đã thế, ta nối chí thôi. Ăn thua đủ. Cãi cọ đến cùng. Không chừng nhờ thế mà cuộc sống vốn làng nhàng có thêm chút ý vị, khác gì trách cá kho ngon hơn nhờ trái ớt phá phách cay xé miệng. Không lẽ đây lên đó suốt 7 tiếng câm miệng hến? Đường xa cãi nhau, thời gian qua mau. Miễn là đừng để sự cố thoát ra khỏi tầm tay trở nên trầm trọng như vẫn thường xẩy ra từ trước đến giờ. Ông nghĩ tới những trận cãi cọ, xô xát, đập lộn trong đời mình. U đầu, sứt trán, nguy hiểm. Vài lần vào tù. Vâng, ông đi từ Orange County lên San Jose.

Nhớ lần sắp xa quê hương không có ngày về, ông đáp chuyến xe lửa từ Nha Trang vô Sài Gòn mất đến 12 tiếng đồng hồ, lâu hơn chuyến này đến 5 tiếng. Đối với lần đi đặc biệt đó, ông hạ quyết tâm làm một việc trái với thói quen của mình. Thay vì đi lân la đấu láo, cà khịa, ông quyết để dành trọn vẹn thời gian hiếm hoi ngồi yên một chỗ ghi lại những gì đáng nhớ của quê hương. Ôi quê hương thân yêu nay đành bỏ nó mà đi! Câu nói thấm đẫm tình tự ấy làm dậy lên lòng yêu nước trong ta, cho nên ta phải ghi nhớ lại thật kỹ, trong lòng, trong bụng, trong tim, trong đầu, những  gì ta sợ quên, hay những gì ta cho là quan trọng. Nếu cần, lấy sổ tay ra ghi. Để làm gì vậy? Để nhớ. Nhưng nhớ để làm gì? Để khỏi quên. Lại lẩn thẩn, lòng vòng. Hay là để kể lại cho vài thằng bạn cho chúng nó nghe, và mong chúng thấu rõ nỗi lòng ta. Tránh hiểu lầm hả? Cần quái gì. Nhưng phải kể.

  Ông chỉ có vài ba thằng bạn, không thân, và ông cũng thừa biết rằng những gì ông cho là quan trọng, là đáng nhớ, thì mấy thằng khốn nạn đó sẽ làm bộ đón nghe và tỏ vẻ quan tâm một cách vờ vĩnh. Chúng sẽ nghe lỗ tai này qua lỗ tai kia. Ông phải “kiểm chứng” lại. Mười lần như một, chúng chả nhớ, chả biết ông nói gì. Thế là ông nổi cáu, kiếm chuyện, cãi cọ, xỉ vả. Vậy cố gắng lắng lòng nhớ chuyến đi để làm gì vậy? Ghi chép cái gì, và để làm gì? Những câu hỏi đó không có câu trả lời. Và còn có quá nhiều câu hỏi khác nữa. Ông sính tiếng Anh. Những câu ngắn gọn, dễ nhớ, không sợ hiểu sai, là ông tìm dịp xổ ra cho ra vẻ ta đây là bậc thâm ... không lẽ bậc thâm Anh như người xưa vẫn nói bậc thâm Nho. Vậy mà cũng có khi trật, bị chúng nó bêu riếu. Nay ông băn khoăn tự hỏi liệu câu cụt ngủn trên có thể kéo dài thêm đôi chút cho thích hợp với sự kiện mình có lắm câu hỏi mà không có câu trả lời. Vâng, liệu có thể nói, Lots of questions remain? 

  Bỗng từ bên kia bàn, một anh chàng đầu bù xù, lại cái đầu bù xù thấy muốn lộn ruột, muốn vày một cái cho nó long tóc gáy, nó ngồi cùng vợ, bỗng chồm người tới, ân cần hỏi han:

  “Anh ơi, tôi gọi anh là anh được chớ. Anh có điều gì lo nghĩ?”

  Ông hơi thảng thốt:

  “Ủa, tại sao anh nói vậy?”

  Vợ hắn ngồi cạnh nhanh nhẩu tranh lời:

  “Anh ơi, thấy cái điệu bộ của anh, em đoán ra ngay. Chau mày, lắc đầu, thở dài. Trông ... trông tội nghiệp quá.”

   Ông quắc mắt, lầm bầm trong cổ họng:

  “Đồ dư hơi.”

  Cặp vợ chồng có vẻ không hiểu, lúng túng. Người chồng ngần ngại hỏi:

              “Anh nói cái gì vậy anh? Tui nghe không được rõ.”

  “Tui nói rõ anh nghe đây. Anh dư hơi hả. Và chị kia nữa.”

  Anh chồng khựng lại, ngả người lui, mím miệng. Chị vợ hơi tái mặt, tay đè lên ngực, hỏi nhỏ nhẹ:

  “Em ... tôi vẫn chưa ... Nhưng dư hơi? Sao lại dư hơi, thưa anh?”

  Ông đưa hai tay lên trời, lắc đầu, tỏ vẻ vô cùng thất vọng:

  “Dư ... dư hơi mà không hiểu sao. Chỉ có lũ dư hơi như, như ... thì mới ưa chỏ mũi vào chuyện của người khác.”

  Anh chồng không nén giận nổi, đập bàn, nói như hét:

  “Ô hay cái thằng cha này!”

  Chị vợ níu tay chồng, nói lắp bắp:

  “Thôi anh, thôi anh.”

  Ông nhún vai, mắt giễu cợt:

  “Thằng con của tui lại muốn sửng cồ?”

  “Nè! Coi chừng.” Hắn trợn mắt, gằn giọng. “Con? Con cái gì? Sao lại con?”

  Ông làm bộ ngạc nhiên:

  “Sao chậm hiểu thế! Có cái thằng cha này thì phải có cái thằng con kia.”

  Thế là anh chồng gầm lên một tiếng chồm tới, người vợ hai tay ôm chặt lấy chồng, mếu máo. Mấy người ngồi gần đó đều đứng dậy. Ông tỉnh bơ cười mỉa. Anh chồng phân bua với mọi người. Lời qua tiếng lại. Anh chồng dần dần bớt lời, chị vợ ngồi im thin thít, nhưng ông vẫn lè nhè, lảm nhảm theo thói quen. Đúng ra ông độc thoại, miệng nói tai nghe, tai gần miệng, chứ chẳng chịu nghe đối phương. Nếu có nghe là bất chợt nghểnh mặt nghe tiếng gió hú từng hồi ngoài kia, hú to gấp ngàn lần tiếng heo bị chọc tiết, và tiếng bánh sắt lăn trên đường sắt. Xà và nà khẹt, xà và nà khẹt, a, tên một thành phố Lào. Ông bật cười thành tiếng, nhớ Trần Văn Trạch chu mồm trước mi-crô thổi thổi, nói nói, bắt chước tiếng xe lửa. Cái hình ảnh tưởng như chìm khuất đâu mất trong quá khứ xa lắc bỗng dưng hiện lên. Ông không nín được cười, và nghe rõ tiếng cười lạc lõng của mình. Hoặc có khi đang tranh luận gay go, bỗng đùng một cái, ông nhắc tới tỷ số chung cuộc của trận đá banh giữa hai đội tranh giải vô địch. Trong lúc mọi người thắc mắc chẳng biết ông định giở cái trò gì, ông liền trở lại cuộc tranh luận đang dở dang.

Thì bây giờ vấn đề vẫn còn đó, cái đầu bù xù vẫn lù lù trước mặt. Ô, nghĩa là trận chiến vẫn còn tiếp diễn - Câu nói ông nhớ nằm lòng lúc ông đi tù cải tạo. Vậy là ta lại tiếp tục nói thôi.

Thời gian cứ thế trôi qua, trôi qua. Có lẽ đã nửa khuya rồi. Bỗng ông lên giọng lè nhè như người say rượu:

“Tôi nói là tôi nói chung, chẳng mắc mớ ai cả. Chuyện đời mà. Chuyện trên trời dưới đất mà. Trời kêu ai nấy dạ. Có những đứa con hiếu thảo, lễ nghĩa, thì cũng có những đứa con trời đánh thánh vật, coi cha mẹ như ngang hàng, muốn mắng là mắng, muốn nhiếc là ...”

Anh chồng chịu không thấu, vùng đứng dậy co chân đạp mạnh cái bàn về phía ông. Chị vợ hốt hoảng níu cái bàn lại mà không nổi, liền chạy tới chỗ để hành lý, xách va-li, và ráng sức kéo chồng đi qua toa khác.

Còn lại một mình nhìn cái mặt bàn nằm nghiêng ngửa, ông cười khoái trá. Thế là tụi nó co vòi cả rồi, đáng đời. Mình lại thắng trận vẻ vang như mọi khi. Ông cười to. Tiếng cười lại hòa lẫn trong tiếng gió hú, tiếng còi tàu chốc chốc, tiếng bánh sắt quay nhanh, và kêu rầm rầm mỗi khi tàu chạy qua cầu. Toa xe thì lắc lư như con đồng đang lên, hành khách thì đã từ lâu ngủ khò, ngáy khì. Có người mớ ú ớ. Những thứ hỗn độn và rất quen thuộc đó trên toa xe lửa bỗng nhắc nhở ông mục đích của chuyến đi này. Ôi, chuyến xe lửa cuối cùng trên quê hương thân yêu. Lòng ái quốc, khi vừa bước lên tàu, đã có dịp trỗi  dậy. Hãy lắng nghe, lắng nghe. Thế  mà ... Ôi cái tụi khốn nạn! Bọn chó má đã làm tiêu hao hết thì giờ thiêng liêng của mình! Ông càng nén giận xuống, cơn giận càng dâng lên. Nó như than hồng dưới lớp tro mỏng, lâu lâu bùng lên thành ngọn lửa. Thành tiếng gầm gừ nơi cửa miệng của ông. Tụi mắc dịch hiện nằm ngủ như chết tại toa nào nhỉ? Mình có nên tìm đến ăn thua đủ? Ông cảm thấy mệt rã rời, và ngủ thiếp lúc nào không hay, hai cánh tay vòng trên mặt bàn nghiêng, đầu ngoẹo kê vào một cánh tay, miệng há hốc. 

Tiếng chân bước vội vàng, xao xác, khua động; tiếng người kêu ơi ới, loáng thoáng lúc gần lúc xa; tiếng la hét nghèn nghẹn như có ai bị siết cổ; tiếng gầm gừ động cơ xục xà, xục xịch - những thứ tiếng hỗn tạp đó vang vang trong cái đầu đờ đẫn của ông. Mệt lả. Muốn nghẹt thở. Vùng vẫy mãi không thoát nổi bóng đè. Bỗng như mũi tên bật tung ra khỏi dây cung, ông giật bắn choàng người tỉnh giấc, đầu ngóc lên khỏi mặt bàn. Mắt mở ra được. Ngọn đèn ma quái trên trần toa xe nhểu ra chút ánh sáng tù mù vàng khè. Mồ hôi tươm ướt cả mái tóc, ướt cả thân áo. Ông ráng ngồi thẳng người lại, mắt thao láo nhìn quanh ngơ ngác. Xe lửa đã đến ga Sài Gòn.

*

Nhiều năm tháng đã trôi qua, biết bao chìm nổi đã xẩy đến với đời ông. Tóc ông  chen hai thứ, muối nhiều hơn tiêu, mặt mày nhàu nát, đôi mắt mệt mỏi, đi đứng lụm cụm, thế nhưng bọn người xấu miệng vẫn bảo ông chẳng khác gì củ gừng, càng già càng cay.

Nay lên chiếc xe đò lại gặp một tên đầu bù xù. Cái đầu bù xù thấy muốn lộn ruột. May là chỉ có một mình nó ngồi lù lù một đống như con khỉ đột. Bị vợ bỏ chăng? Bỗng cô bán vé bước nhanh lên xe hất hàm hỏi ông:

“Chú đi đâu?”

“San Jose.”

Cô ta không nói gì thêm, lại nhảy lẹ xuống xe. Tên hành khách bỗng quay nhìn kỹ vào mặt ông, rồi vồn vã, liến thoắng:

“Vậy mà tui cứ tưởng anh là Tàu khựa. Coi cái mặt anh kìa. Nó ... nó khó nói quá. Chắc chắc anh lớn tuổi hơn tui. Hơn ba bốn tuổi hả? Không chừng tui phải kêu anh là chú. Nhất tuế như huynh, tam tuế như thúc. Mà anh có biết chữ Nho không? Có biết lễ nghĩa Thánh hiền không? Còn tui, tui biết lễ nghĩa, bao giờ cũng kính trọng người lớn tuổi hơn. Như anh chẳng hạn ...”

Ông bực mình chận lại:

“Anh nói nhiều quá ...”

Người kia ngắt lời ngay:

“Dạ, dạ, anh nói không sai. Anh cũng giống như nhiều người khác cứ biểu tui nói nhiều. Nhưng có miệng để ăn để nói thì khi không ăn miệng rảnh nói. Có sao đâu. Mà anh tuổi con gì? Con trâu phải không? Phải biết tuổi mới dễ kêu. Tui kêu anh là kêu đại, chẳng biết trúng trật, xin anh tha lỗi. Tui con rồng, tuổi thìn. Thiệt ra đầu năm con rắn nhưng tui thích rồng hơn. Anh trâu hay chuột. Chắc anh hơn tui bốn năm tuổi, lẽ ra tui phải kêu anh là chú. Nhất tuế như …“

Ông quát:

“Thôi! Thôi!“

“Cho tui nói tiếp vì tui chưa nói hết. Tui nói tới đâu quên mẹ nó rồi? À, à, hồi nãy tưởng anh là Tàu khựa, nói dơ miệng. Mà anh phải biết Tàu khựa là cái gì đã. Nó không giống Tàu thường. Tàu không khựa dễ thương vô cùng. Tui quen con nhỏ dễ thương lắm. Quen chay thôi, chớ không có gì khác. Nó là người ...”

Ông lắc đầu thở dài:

“Nhức cả đầu cả óc.”

“Ô, ô, chết chưa. Đàn em có ve dầu gió trị bá bịnh mà không phải là dầu Nhị Thiên Đường ba Tàu ngày xưa đâu.” Lúi húi tìm ve dầu trong túi xách tay để ngay dưới chân. Mở nắp, đưa ông. “Trong uống ngoài xoa tức thì hiệu nghiệm. Xoa trước uống sau cũng được. Nói là uống chớ thiệt ra chỉ cần chấm mút một cái là đủ. Uống nhiều lủng bụng. Hay để tui xoa cho. Xoa 3 chỗ, mũi, cổ, màng tang.”

Anh ta nhón người đứng dậy định thoa dầu cho ông. Ông la lớn:

“Không được đụng vào người tôi!”

“Dạ, dạ, không xoa vô người. Tui chỉ xoa trên cổ, mũi, và màng tang. Nếu cần xoa thêm cái ót. Chắc chắn không xoa vô người, không xoa vô lỗ rún. Đau bụng, hoặc ăn không tiêu, mới xoa dầu vô lỗ rún.”

Ông trợn mắt:

“Anh cất chai dầu đi ngay!”

“Dạ, dạ, tui cất ngay. Mà anh hết đau chưa? Đau gì như giả đò vậy. Ô mà anh đi đâu? Xe này chạy Cao Lãnh phải không. Tui đi Sa Đéc. Tới Cao Lãnh lại phải đón xe khác đi thêm. Phiền quá phải không anh.”

Hành khách đã lên đầy xe từ lúc nào. Cô hồi nãy lại bước nhanh lên cắt ngang cuộc nói chuyện giữa hai người, hỏi to:

“Hai chú ăn bánh mì hay xôi.”

Ông trả lời bánh mì. Anh ta vui vẻ nói, Đúng ra tui ăn chay, ăn chay suốt cả tháng chín này, nhưng anh ăn bánh mì thì tui cũng ăn bánh mì. Tui nịnh anh mà, anh đừng kiêu ngạo tui nghe. Nói như vậy là trật phải không anh. Cũng cứ nói. Có sao đâu. Tui thấy cái mặt của anh coi bộ tài ba ghê gớm lắm, anh tha thứ cho những cái trật lất của tui. Nghe anh, nghe anh.”

Tài xế là người cuối cùng bước lên xe. Anh ta nói một câu tiếng Anh chào mừng hành khách, dặn dò giờ đến, nơi đến, không chút vấp váp, rồi tự dịch ra tiếng Việt. Hình như chẳng ai để ý nghe. Xe từ từ lăn bánh.

“Hay quá, xe chạy sớm. Mà mấy giờ rồi, tui không có đồng hồ. Thiệt ra tui gốc Tân Uyên chớ không phải Sa Đéc. Hồi nhỏ lần đầu được đi Sài Gòn ban đêm thấy đèn điện tui sợ quá, đòi về nhà ngay. Bị ba tui cho một cù loi. Tân Uyên thuộc Biên Hoà chắc anh biết. Coi tướng mặt là tui biết anh biết. Mà qua bên này mới thấy lạ lùng thiệt, lạ hơn Sài Gòn nhiều. Ai đời các cô gái dễ thương, các đàn bà dễ thương, và bà già nữa cũng bắt chước bé gái con nít con nhà giàu người mình mặc áo đầm, tóc bum bê, chạy cà tưng cà tửng. Học xong tiểu học ba tui dọn nhà lên Tây Ninh ở. Gần Tòa Thánh. Nhờ vậy lớn lên tui lấy vợ Tây Ninh. Vợ tui dễ thương lắm, hiền như cục đất. Ở Tây Ninh gọi Toà Thánh là Tòa Thánh, các nơi khác kêu Thánh Thất. Thánh Thất nhỏ hơn, có cái nhỏ như cái nhà tui ở …”

Ông buột miệng hỏi:

“Anh theo đạo Cao Đài?”

“Đạo nào tui cũng theo. Đạo Phật, Đạo Chúa, Đạo Cao Đài, Đạo Hoà Hảo, Đạo Nho, tui đều theo. Người ta theo đạo nào cũng đều kêu tui là đạo hữu. Hữu là có. Tui có đạo, chớ không phải vô thần. Anh đạo gì?”

Ông cươì khẩy, gằn giọng:

“Chữ hữu có nghĩa là bạn.”

“Vậy là anh bù trớt chữ Nho. Hữu là có, vô là không, ai cũng biết, chỉ có anh là không biết. Không biết thì phải nghe lời người biết mới giỏi thêm. Tui có học chữ Nho dượng Ba dạy hồi nhỏ trong xóm, tay cầm bút lông thỏ se tròn và nhọn hoắc xỉa thẳng vô quyển ngoáy ngoáy. Dượng rung đùi nói: Ai về học lấy chữ Nhu, Nhu tức là Nho, Chín trăng em đợi ba thu em chờ. Vậy mà em tui, tức là vợ tui chớ không phải em gái tui, nói theo Cải Lương mà, chờ tui lâu gấp đôi, tới sáu thu, bảy thu lận.” Mắt muốn rưng rưng. “Tui tù cải tạo ở Sa Đéc tưởng mút mùa. Em thăm nuôi, bới xách, khổ em lắm em ơi. Nay đỡ đỡ thì đứa con ...” Anh nghẹn lời, không nói tiếp được.

Ông ngẫm nghĩ, Thằng cha này điên chẳng ra điên, khùng chẳng ra khùng. Nói năng ngang như cua. Mình không thể nào giở lý lẽ ra. Đành phải ngồi chịu trận hay sao đây. Được cái nó điên hiền. Ông thấy vui vui hỏi:

“Hồi nãy anh nói đi Sa Đéc. Sao lại đi Sa Đéc? Xe này đi San Jose đấy nhé.”

“Đi San Jose? Không phải đi Sa Đéc? Chết cha. Ô, không sao. Tui ở Tây Ninh chớ đâu phải Sa Đéc. Sau cũng có về Sa Đéc tìm vợ con. Cách 3 cây số tới núi Bà Đen. Ở trong Trại Đường. Thiệt ra tới Trại Đường bữa trưa thôi chờ ăn. Bữa trưa thôi. Hướng Đạo Sinh họ học ở đó, chơi ở đó, được ăn trưa, ăn cơm, ăn đồ ăn, uống nước chế từ trong bình đàng hoàng, no nê, đi đái đi ỉa. Bà già làm bếp dễ thương lắm, bà rất già, rất cũ. Lúc nào còn dư cơm bả vét cho tui ăn với nước tương xé chút ớt. Hết cơm thì nhịn đói, nhưng tới chiều cũng phải tới bả kiếm cơm cháy mà ăn. Bả để dành cơm cháy. Không ăn đi bộ về nhà sao nổi. Mà cái bà cũ đó có bà con gì với tui đâu. Tui ở đó buổi trưa để đi học. Và chờ ăn.”

“Bà đó tên Cũ?”

“Ai nói với anh như vậy? Cũ nghĩa là già. Tui có biết tiếng Anh đôi chút, chớ không phải chỉ chữ Nho. Tui ở Quy Thiện cách 20 cây số. Về sau người ta có làm cái sân bay ở Quy Thiện. Có lần tui được ba tui dẫn đi lên núi Bà Đen thăm anh hai tui. Ảnh là lính của tướng Trình Minh Thế đóng quân trên núi Bà Đen. Trong núi ảnh chui ra, ông già và tui chờ trong quán hủ tíu. Thím bán quán dễ thương lắm. Ba tui biểu, Nhỏ tới đây húp một miếng. Nhỏ là tui đó. Ở nhà ba tui kêu con ra đường kêu nhỏ. Ảnh được ăn nguyên một tô, xít xa ngon. Thăm xong ảnh vô núi đi đường khác. Tui hỏi sao vậy? Ảnh nói về đường cũ Việt Minh nó biết khi mình ra thì khi mình vô nó rình chặt cổ. Vậy mà về sau ảnh cũng bị chặt cổ như thường. Ba tui không bao giờ khóc mà cũng khóc. Hồi đó tui nghĩ ba tui không biết khóc, hai tay che lấy mặt, không nghe tiếng khóc mà chỉ thấy nước mắt ứa ra từ những kẽ ngón tay. Thiệt thiệt lạ lùng. Tui khóc theo, khóc ré. Mà anh có biết tướng Trình Minh Thế không?”    

Ông bỗng dưng muốn tham gia vào câu chuyện, vui vẻ trả lời:

“Biết, tôi có nghe tiếng ông tướng đó. Ông ta theo ông Diệm đánh Bình Xuyên, bị bắn chết tại cầu gì gì đó ở Sài Gòn. Ai bắn, ai giết, anh biết không?”

“Cái đó tui nói thiệt tui không biết. Cái số nó thế, không ma giết thì quỷ giết, chạy sao nổi. Đức Hộ Pháp đã nói mà ổng không chịu nghe, ổng  không chịu chờ. Ra sớm quá là trật. Thì mới bỏ núi mà đi có hai ba tháng rồi chết thảm... Anh ơi, vợ tui hiền như cục đất. Tui đánh nhẹ một cái, bả la lên, tui nói tui đánh nựng mà, bả nói già dịch. Chớ có phải đánh thiệt đâu. Mình đánh vợ thì nhục nhã là về phần mình, phải không anh. Tui đã nghĩ như vậy từ lâu chớ không phải chờ đến khi ... Tụi nó khác, bọn đánh vợ thiệt, bị bắt đi học. Chớ tui không phải vậy.”

“Đi học cái gì vậy?”

“Thì đi học vì đánh vợ. Cô giáo dễ thương lắm. Cô nói nghe lọt lỗ tai lắm. Nhục nhã, nhục nhã ... Không, không ... anh không được chận họng tui, để tui nói tiếp. Trường học đi trên đường Tully qua khỏi cầu quẹo trái một cái là tới. Đóng 25 đô một buổi học Thứ Năm mỗi tuần từ năm giờ rưỡi tới sáu giờ rưỡi chiều. Được cho uống đầy đủ nhưng ăn thì chán bỏ mẹ. Chỉ có bánh khô, kẹo cứng, ăn no sao được. Sau buổi học lại phải đi quất một tô gì gì. Nè vợ tui nhét thêm tiền vô ví tui nè để đói bụng ăn thêm. Học 16 tuần. Tui, tui không phải như tụi nó, học dưới 16 tuần thôi. Mà học hơn mười tuần rồi... Nè, nè, để tui nói tiếp. Cấm tui nói, tui khổ lắm. Vợ tui hiền như cục đất. Bả nói với người ta ổng nựng tui mà. Đồ mắc dịch. Không phải, đồ già dịch.” Nước mắt bỗng lưng tròng. “Nhưng tui cũng cứ phải đi học. Bả đi theo năn nỉ mãi không được. Tuần này là tuần thứ mười một. Còn bốn năm tuần nữa thôi, rồi tui sẽ tới ở với con lâu hơn.”

Giọng nói của hắn thỉnh thoảng chen tiếng khóc, mỗi lúc một thảm thiết. Ông bực mình xẵng  giọng:

“Tôi không nghe anh nói nữa.”

“Tui xin anh nghe. Lạy anh, cho tui nói. Anh không chịu nghe thì tui không biết nói cái gì. Tui nói tui xả hơi. Hay là anh muốn tui gọi bằng chú? Anh hơn tui mấy tuổi? Đáng lý ra tui phải kêu anh bằng chú. Mà tui kêu là anh cho nó thân thiết, gần gũi. Tui ở tù tại Sa Đéc là vì bả. Trước đó tui đóng quân ở đâu bả đi theo tới đó. Đeo dính như con đỉa hút máu. Lo cơm lo nước, giặt giũ, và ngủ với nhau.

Ở Sa Đéc chưa được một năm, tui phải đổi gấp ra Phú Quốc vào cái thời gian bọn người mình sắp sửa đứt bóng. Hơn sáu ngàn đồng bào miền Trung được chở ra Phú Quốc tỵ nạn. Đói khát đã đành, nhưng không có nước tắm. Tui thì dĩ nhiên có đủ. Thấy có mấy đứa con gái người Huế, người Quảng Trị nói líu lo như chim kêu dễ thương quá mà tui có hiểu gì đâu, mà áo quần rách rưới và hôi hám, tui nhường nước tắm của tui. Trưa nào, giờ nghỉ trưa, cũng cho mấy nhỏ vô phòng làm việc của tui, đóng hết cửa lại, nhất là cửa sổ, và tắm trong cái thau nhựa bự như người ta rửa rau, rửa trái cây, trái xoài, trái bưởi. Tháng tư mà, trời nóng muốn chết, thấy tụi nó tắm xì xà xì xụp mà thèm.”

Ông ngắt lời:

“Thế con trai, đàn ông không tắm sao?”

“Con trai, đàn ông không cần. Cứ việc ở trần, mặc xà lỏn, lấy khăn nhúng chút nước lau mồ hôi là ngon rồi.”

“Hết nước tắm, tui đành phải thức khuya, nửa đêm mặc nguyên áo quần lính lội ra biển tắm nước mặn, xong lên nằm bãi cát nửa tiếng khô queo.

Rồi có lệnh tàu bỏ Phú Quốc ra khơi đem theo hơn sáu ngàn người. Tui đi theo thì được ngay. Tụi nó, dễ thương quá, rủ tui đi. Nhưng để bả lại một mình ở Sa Đéc sao được. Quay về với bả, thì vô tù. Bả hiền như cục đất, thăm nuôi bảy tám năm. Tui ra tù, bả sinh đứa con gái. Đứa con độc nhất của tụi tui. Dễ thương lắm.”

Khóc thành tiếng.

Ông nhìn ngơ ngác, hiểu lờ mờ. Anh ta buồn rầu nói tiếp:

“Rồi tui, vợ, và con, gia đình quấn quýt ba người, vượt biên mấy lần đều bể. Sau đó, Trời Phật ngó lại, tụi tui đi Mỹ theo diện máy bay. Qua đây, bả đi nấu ăn mướn, tui gác dan, nó đi học. Rồi ... rồi ... nó chết ...”

Anh ngừng kể nén tiếng khóc chực bung ra. Người anh rung lên như con chó lạc chủ đứng một mình ngoài mưa ướt ngó quanh. Ông nghĩ rằng câu chuyện đến đây là hết. Nhưng không. Sau cơn xúc động, anh thì thầm kể tiếp:

“Tui không đánh bả mà hàng xóm cứ đổ hô. Bả đi theo năn nỉ không xong. Tui cưng nó. Hành lý mang theo không có bao nhiêu mà tui cũng đem theo đôi giày cũ rách của nó nhỏ bằng hai ngón tay này này. Để làm kỷ niệm. Con búp bê gãy một chân. Và đặc biệt là trái banh te-nít. Bàn tay nó nhỏ xíu tui phải bứt trái banh trụi nỉ trụi lông cho vừa tay nó đánh thẻ. Mà nó kêu cũng còn to. Làm sao nhỏ như trái banh bông, nhưng trái banh bông quá nhẹ, vồng ẩu, gió bay. Chừng đó thôi. Phi trường đi, phi trường đến xét thấy hỏi lung tung tui không biết trả lời làm sao. Nay nó lại đi, để mấy thứ đó lại làm gì, tui chôn theo.”

Lại khóc nghèn nghẹn.

“Nó sốt dữ lúc nửa khuya. Mà vì tui hay vì bả cho uống thuốc ẩu? Có trời biết. Tui điên lên, đập phá lung tung. Tui muốn chết theo nó cho xong cuộc đời này. Rồi tui nghĩ tui chết bả sống một mình với ai. Như cái hồi tui tính nhảy lên tàu ở Phú Quốc. Vậy tui theo nó hay theo bả? Tui không thể trả lời câu hỏi đó. Tui tìm dì Ba. Dượng đã chết rồi, có dượng thì chắc ăn hơn. Dì biểu cháu đừng có điên. Người sống phải theo người sống chớ.

Không có nó, cái phòng vắng teo, rộng rinh, buồn thiu. Buồn muốn chết. Hai vợ chồng cãi lộn hết ngày qua đêm. Bả hết hiền rồi hả? Không phải vậy, bả cũng còn hiền như ... như cục đất, nhưng ưa khịa mà thôi. Hồi đó tui ở dưới này, tức là Santa Ana, chôn nó ở đó. Buồn quá trở lại Sa Đéc sống được với bả chưa tới một tuần lễ... Ô lộn. Dọn nhà lên San Jose mà nhớ nó quá phải về thăm hoài. Lần này cũng về từ hôm Thứ Hai, hôm nay Thứ Năm đi học một mình, bả không đi theo tui, bả bận theo nó, ở lại thuê người xây lại mộ. Chủ Nhựt bả mới lên với tui.

Anh ơi, tui phải chịu khó học thêm năm sáu tuần cho hết khóa rồi tìm cách dọn nhà về Santa Ana ở luôn với nó. Bả cũng đồng ý, theo tui. Tui đi đâu bả theo đó, suốt nhiều nơi chỗ tui đóng quân. Dù nhỏ bây giờ không còn. Anh thấy chưa, tui nhớ ba tui, tui kêu con gái tui là nhỏ khi tui nói chuyện với anh, tức là với người ngoài.

Bây giờ tui nhớ nhớ quên quên, đầu óc lộn lạo, chớ trước kia đâu đến nỗi. Tui nói thiệt đó mà chú có tin không? Ô, chú ngủ gục hả? Kệ chú, chú giả đò ngủ tui cũng cứ nói cho biết mặt.”

 

Ông ngủ chập chờn. Giật mình tỉnh dậy tai lại vẫn tiếp tục nghe tiếng kể chuyện đều đều thỉnh thoảng chen tiếng khóc nghèn nghẹn. Nó kéo dài lê thê như những trận mưa dầm nơi quê cũ thời thơ dại, khơi dậy một vài kỷ niệm êm đềm tưởng đã rơi vào quên lãng.

Dường như mình không mấy khó chịu vì tên đồng hành ba hoa trên chuyến xe đò này. Bỗng chốc thay đổi tính tình? Vô lý. Hay là vì nỗi bất hạnh to lớn của hắn đã đánh mình gục ngã? Hay là vì cái tâm hồn đơn sơ, mộc mạc của một thằng điên, điên không biết gian dối, đã như một thau nước lạnh đổ lên cái đầu rối rắm này. Xưa nay mình chịu thua ai đâu, lại ghét đàn bà, không ưa đàn ông. Tại sao? Có lẽ câu trả lời đang hiện lên. Tại vì cái “con nhỏ khốn nạn” đó chăng, hay đấy là lý do chính trong những lý do khác? Để quên, thì rượu và rượu. Để trả thù, sao lại trả thù, thì sống một mình, không vợ không con. Lè nhè khi say cũng như khi tỉnh. Nhưng Khi Tỉnh rượu, lúc tàn canh, thấy không an tâm. Cuộc đời sa mạc hoang vắng, tịch liêu. Vậy sao cứ lì lợm, sắt đá, gây hấn? Muốn che giấu cái gì? Phải chăng cái yếu đuối và nỗi sợ không tên.

Quay nhìn lại anh chàng bù xù ràn rụa nước mắt, ông cười buồn. Một thứ tình cảm mới lạ bỗng như vừa nẩy nở trong ông. Ông có cảm tưởng ông không phải là ông nữa.  

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Các triệu chứng thần kinh bí ẩn ảnh hưởng đến các nhà ngoại giao và quan chức Hoa Kỳ kể từ năm 2016 được gọi là Hội chứng Havana (Havana Syndrome) có thể liên quan đến Đơn vị GRU 29155 của Nga, theo một cuộc điều tra của CBS, The Insider và Der Spiegel được công bố vào cuối Chủ nhật.
Cùng với những nỗ lực đang được tiến hành để dọn sạch hàng ngàn tấn mảnh vụn sắt thép từ vụ sập cầu ở cảng Baltimore, Thống đốc Maryland Wes Moore kêu gọi cả hai Đảng cùng hợp tác làm việc để thông qua nguồn kinh phí tái thiết cây cầu và hồi phục kinh tế cảng, theo Reuters.
Nhóm khủng bố Hồi giáo Hamas cáo buộc Fatah đã cài người vào miền bắc Gaza dưới vỏ bọc của các xe tải chở hàng viện trợ. Cáo buộc này đã bị một viên chức Chính quyền Palestine phủ nhận, theo Reuters.
Indiana: Cảnh sát cho biết bảy thanh niên trong độ tuổi từ 12 đến 17 đã bị thương trong vụ nổ súng bên ngoài trung tâm mua sắm ở trung tâm thành phố Indianapolis vào tối thứ Bảy. Các cảnh sát đang tuần tra khu vực đã nghe thấy tiếng súng nổ gần Trung tâm thương mại Circle Center ngay sau 11:30 tối. Cảnh sát tìm thấy "một số đông trẻ vị thành niên" tại hiện trường, trong đó có 7 em bị thương do đạn bắn và đã được vào bệnh viện.
Ứng cử viên tổng thống được cho là của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã bị chỉ trích hôm thứ Sáu vì đăng một đoạn video lên mạng xã hội có hình ảnh Tổng thống Joe Biden bị trói kiểu trói heo (hog-tied) trên cửa sau của một chiếc xe tải chạy qua. Ban tranh cử của Biden đã nhanh chóng lên án đoạn video gợi ý tổn hại về thể chất đối với tổng thống đương nhiệm của đảng Dân chủ.
EMS đã có buổi họp báo nhằm vinh danh những nhà lãnh đạo tổ chức cộng đồng, vừa vinh dự nhận giải thưởng James Irvine Foundation Leadership Award năm 2024.
Buổi gây quỹ đêm qua cho Tổng Thống Joe Biden ở Thành phố New York có sự góp mặt của 2 cựu Tổng Thống Barack Obama, Bill Clinton và nhiều tên tuổi lớn khác đã thu về số tiền kỷ lục hơn 26 triệu USD cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden. Không khí tại Radio City Music Hall sôi động khi Obama ca ngợi sự sẵn sàng tìm kiếm điểm chung của Biden và nói, "Đó là kiểu tổng thống mà tôi muốn."
Ngày 19 tháng 3 năm 2024, các nhà lập pháp ở Hồng Kông đã thông qua luật an ninh mới, trao cho các cơ quan chính quyền ở thành phố bán tự trị quyền lực mạnh mẽ hơn để trấn áp những người bất đồng chánh kiến. Luật mới, theo Điều 23 (Article 23), đã mất hàng thập niên để hoàn thiện, nhưng cũng vấp phải sự phản đối trong một thời gian dài. Nhiều người đã biểu tình để phản đối Article 23 vì lo ngại luật sẽ hạn chế quyền tự do dân sự ở Hồng Kông, một khu vực hành chánh đặc biệt ngày càng bị Bắc Kinh kiểm soát gắt gao.
Đối với nhiều người, buổi sáng sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu một ly cà phê. Theo báo cáo của Hiệp Hội Cà Phê Quốc Gia (National Coffee Association), người dân Hoa Kỳ trung bình uống hơn 3 ly cà phê mỗi ngày. Và cũng có một số người chọn nạp caffeine qua nước tăng lực hoặc thuốc có chứa caffeine (caffeine pills). Dù rằng khả năng dung nạp của mỗi người là khác nhau, nhưng vẫn có mức giới hạn về lượng caffeine có thể hấp thụ trong cơ thể. Những dấu hiệu phổ biến cho thấy quý vị đã tiêu thụ caffeine quá mức là ngón tay rung rẩy và tim đập nhanh. Trong một số trường hợp hiếm gặp, tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể dẫn đến tình trạng gọi là ngộ độc caffeine (caffeine intoxication) hay quá liều caffeine (caffeine overdose).
Một nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc trong ngày, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, so với những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi về già.
Vào lúc 11 giờ 30 trưa chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024 trước khu Thương Xá Phước Lộc Thọ, Thành phố Westminster, kể từ nay hằng ngày lá Cờ Việt Nam Cộng Hòa sẽ tung bay cùng lá cờ Hoa Kỳ, trong một buổi lễ khánh thành trụ cờ và Thượng Kỳ được long trọng tổ chức trước sự vui mừng trong niềm xúc động của hàng trăm đồng hương và các cựu quân nhân QL/VNCH.
Tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant, Nam California vào tối Chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024, Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới (THPTVTTG) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 32 năm thành lập và kết thúc đại hội Quốc Tế Võ Thuật 2024. Khoảng 400 quý vị Chưởng Môn, Võ Sư, Võ sinh thuộc các môn phái từ khắp nơi trên thế giới về tham dự
Vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore đã nêu bật một vấn đề cấp bách: cần phải tăng cường bảo vệ các cấu trúc nền móng của các cây cầu, đặc biệt là những trụ cầu đỡ các nhịp cầu bắc qua những khúc tàu thuyền thường qua lại, theo Reuters.
Hoa Kỳ đang lập danh sách các nhà sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc bị cấm nhận các công cụ quan trọng cần thiết cho quá trình sản xuất chip, nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ để sản xuất chip, theo Reuters.
Sáng nay, ngày 28 tháng Ba, nhà thơ Viên Linh đã bỏ cuộc nhân sinh từ giã chúng ta vào lúc 11:11 giờ sáng, tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Việt Báo nhận được tin từ bà Dương Nghiễm Mậu, theo tin từ bà Thúy Diệm nhắn. Tin này cũng đã được gia đình và thân hữu xác nhận. Được biết, từ đầu tuần, hôm thứ Hai, Viên Linh đã hôn mê và được chuyển vào hospice, với thân nhân bên cạnh chăm sóc vào những ngày cuối đời.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.