Hôm nay,  

Phỏng Vấn Một Bà Lợn

19/03/201900:05:00(Xem: 4999)

Con lợn trong biến tấu tranh tô màu cho trẻ em
Xin bộc bạch: Năm mới, thay vì phỏng vấn ông lợn thì người viết lại chọn phỏng vấn một bà lợn, việc này không có chủ ý trọng nữ khinh nam hay phân biệt nam – nữ. Mà cũng không có ý phân biệt Bắc – Nam với Heo hay Lợn. Nó cho thấy Tính Thể Mẹ vẫn là vấn đề cần được xem trọng và điều này rất quan trọng, có tính quyết định đi đến phát triển hay tồn tại èo ọp. Mọi thứ đều do người mẹ chi phối. Trong cuộc sống này, nếu không có Tính Thể Mẹ thì người cha chỉ đóng vai trò một cái cây biểu tượng cho cánh rừng trong tủ gương. Bài phỏng vấn này xem như là sự tri ân của cánh đàn ông trước rất nhiều hy sinh của quý bà, quý cô cho cuộc sống. Và kính chúc quý bà, quý cô một năm mới thật mạnh khỏe, sung mãn thanh xuân như… năm Hợi!


Phóng viên (PV):

Thưa bà, năm Tuất đi qua, năm Hợi đang tới, người ta nói với nhau là ai sanh nhằm năm Hợi thì rất sung sướng, cả đời nhàn cư vi hưởng thụ?

Bà Lợn (BL): Sao cậu không chọn một ông lợn để phỏng vấn mà lại chọn một kẻ chỉ biết sanh đẻ, nuôi con như tôi mà hỏi, tôi biết trả lời gì với cậu đây?! Đất nước này có những tay hoạn lợn vĩ đại và những con lợn vĩ đại không kém, sao cậu không hỏi họ?!

PV: Dạ, có rất nhiều điều mà phái lợn nam không thề nói được, chỉ có cánh lợn nữ mới thấu hiểu, chẳng hạn như vấn đề bà vừa nói và Tính Thể Mẹ nơi bà. Nhưng tôi muốn hỏi lại bà là cái câu hỏi vừa rồi theo bà nhận định ra sao?

BL: Ở câu hỏi đầu, cậu cũng có cái đúng nhưng chỉ đúng một nửa, trong cuộc đời này, không có thứ gì là không trả giá, mọi thứ đều có cái giá của nó. Con lợn nào càng ăn không ngồi rồi, nằm mát ăn bát vàng, ăn xong lăn ra ngủ rồi lại được dậy ăn thì tuổi thọ nó cũng ngắn ngủi và bi thảm lắm. Tôi ví dụ, lợn rừng suốt ngày đi đào trùn, kiếm ăn, nó được sống tự do trong rừng và khỏi phải lo lắng chuyện giờ nào mình rơi vào tay ông bảy đáp, chỉ cần đề phòng thợ săn là đủ. Ngược lại, lợn thịt người ta nuôi, tắm táp, cho ăn, vỗ béo, bữa nào cho ăn thật no là bữa đó sắp lên bàn cân, vào lò. Tôi nghĩ, cuộc đời này phải nói đúng theo tinh thần con người là “nhàn cư vi bất thiện” chứ không thể là “nhàn cư vi hưởng thụ” như lợn được! Đứa nào cứ sống tà tà, cứ nhàn cư vi hưởng thụ thì cái lò ngày một hiện rõ trước mắt. Nhưng vấn đề ở đây là cách hành xử của con người với nhau nhiều khi giống lợn và giữa lợn với nhau lại rất người!

PV: Tôi chưa hiểu ý bà? Xin bà giải thích rõ hơn!

BL: Thì anh thấy đó, bây giờ mọi thứ đều quy ra cám, cám càng nhiều, càng ngon thì càng được phục tùng. Con người cứ mang tiền bạc, mang quyền lực ra để nói chuyện, khoe mẽ với nhau chứ có mấy ai hết lòng với nhau đâu. Hai chữ “hết lòng” là người ta nói theo thói quen, nói trên cửa miệng đến mức quên mất là mình đang nói gì! Hơn nữa, đất nước này là một cái lò mổ lớn mà ông bảy đáp đã bày sẵn, con nào càng nhanh béo càng mau chết!

PV: Vẫn chưa hiểu ý bà về hai chữ này?

BL: Thì người ta luôn nói “hết lòng” vì một thứ gì đó mà chả có bỏ tí lòng nào ra để mà hết, nói trên cửa miệng với nhau cho nó êm tai thôi. Ví dụ như “hết lòng phục vụ nhân dân” chẳng hạn! Người ta quên mất rằng nói trên cửa miệng mãi, năng thuyết bất năng hành thì trước sau cũng gặp tai nạn. Ví dụ như một ông chủ quán bán cháo lòng nổi tiếng ngon bấy lâu nay và kiệm lời, chỉ biết phục vụ khách, yêu quí khách… Mọi thứ chỉ thể hiện bằng hành động, việc làm, bằng nhiệt huyết làm món ăn ngon, chỉn chu làm ăn, chăm lo công việc. Thế rồi khi ăn nên làm ra, tính hưởng thụ trỗi dậy, tính xảo trá cũng trội lên, bắt đầu xảo ngôn, cái gì cũng hết lòng yêu thương, hết lòng tôn trọng, hết lòng phục vụ… Rồi nói không cũng chưa đủ mà phải viết lên bảng như một tuyên ngôn của quán “Hết lòng phục vụ quí khách”. Hậu quả là mỗi lần ông ta treo bảng lên, không có khách nào tới quán, bởi người ta nghĩ là quán đã hết lòng (lợn) để bán. Thấy quán ế, tìm hiểu ra thì ông ta lại bỏ chữ “hết” mà thêm chữ “còn” vào viết thành “còn lòng phục vụ quí khách”. Kết quả là các ông tới quán ăn thì ít mà uống rượu, nói xàm thì nhiều, các bà xa lánh cái quán “còn lòng” này… Quán lại thêm phần ảm đạm. Vì sao ra nông nỗi này? Vì người ta đã đánh mất cái nhiệt tâm tự sâu thẳm mà bắt đầu khoa trương bằng chữ nghĩa. Chữ nghĩa trở thành cái xác vô hồn, điều này khiến cho quán cháo lòng mất đi sức hấp dẫn. Mà nguyên nhân chính lại nằm ở ông chủ quán bắt đầu thích nhàn cư!

PV: Ui, câu chuyện nghe ra cũng rất li kì, bà cho tôi hỏi thêm là theo bà, tình hình đất nước bước sang năm Hợi có gì vui không bà?

BL: Câu hỏi này thừa, nói công bằng, cậu là phóng viên, cậu sẽ có thói quen phản biện xã hội nếu cậu là người tử tế. Nhưng phản biện sa đà và bới lông tìm vết, cố nặn cho ra lỗi thì đó không còn là tử tế nữa mà là tế toái. Nói như vậy để thấy rằng sau gần nửa thập kỷ, về mặt vật chất cũng không đến nỗi nghèo đói, èo ọp nữa. Nhưng tinh thần của chúng ta thì không những đói mà băng hoại, hư hỏng đến độ không còn gì để mất!

PV: Câu này bà nói nghe càng rối mù!?


BL: Có một sự thật khác là khi người ta trở nên giàu có về tiền bạc nhưng không có đủ nội lực văn hóa, văn minh, người ta càng mặc cảm hơn và tính lợn được phát triển mạnh hơn. Nói tính lợn phát triển là tôi muốn nói đến tính mặc cảm. Bởi vì trải qua quá trình nghèo khổ, đói kém, miếng ăn chi phối, người ta thấy miếng ăn, vật chất trở thành chân lý. Và khi thoát khỏi cảnh nghèo đói thì người ta vẫn bị cái bóng ma đói kém thuở xưa ám ảnh, người ta vẫn chưa bao giờ thấy mình lớn hơn hay trưởng thành hơn, người ta phải cố gắng tỏ ra mình to lớn hơn người khác, phải làm một cái nhà thật to, phải mua một cái xe thật oách, phải đặt mình ngồi trên địa vị và thân phận của người khác, phải làm một tô mì quảng to nhất thế giới, dĩa bê thui khổng lồ hay bát hủ tiếu vĩ đại, phải ăn một bữa ăn tiền triệu, chục triệu cho xứng đẳng cấp… Tất cả những kiểu làm này đều cho thấy con người chưa thoát khỏi tâm cảm nhỏ nhoi, mặc cảm của mình, vì thấy mình nhỏ bé nên người ta luôn cố gắng làm một thứ gì đó to tát, lớn hơn bình thường và có khả năng bất chấp sự thô lậu. Trong khi đó, với một tâm lý an nhiên, đủ vững chãi và không còn thấy mình nhỏ bé thì người ta sẽ làm một thứ gì đó tinh tế, thẩm mỹ. Chẳng có ai khen một ái áo lụa Hà Đông to bằng cái nhà cả, cho dù nó rực rỡ sặc sỡ cỡ nào. Nó chỉ cho thấy sự tốn kém và vô ích của nó. Nhưng người ta sẽ cảm phục, ngưỡng mộ trước một chiếc khăn lụa hay một chiếc áo lụa Hà Đông mà nhìn vào đó, dù đứng ở bất kì phương trời nào, người ta cũng nhìn thấy đất Hà Nội xưa yêu dấu của mình trong đó, người ta ngửi thấy mùi núi rừng Ba Vì, cảm nhận cái hơi gió thổn thức của quê nhà cuối năm trong từng đường kim, múi chỉ… Đó mới là vấn đề. Cũng như người Nhật, để cảm tạ đất Mẹ, người nghệ sĩ đã khắc ba ngàn chữ Mẹ vào một hạt gạo, đó mới là tinh tế, công phu! Sự vĩ đại nằm ở tính giản dị và không mang bóng dáng mặc cảm!

Phong van ba lon
PV: Nhưng thưa bà, giữa tính mặc cảm và tính lợn phát triển mà bà vừa nêu có mối liên hệ nào? Và hơn nữa là nó liên quan gì đến dự đoán phong thủy, vận hạn của năm Kỷ Hợi 2019?

BL: Sở dĩ tôi nói nhiều về chuyện mặc cảm hay các kì tích kiểu bát mì, bát hủ tiểu hay dĩa bê thui, cái nhà to tổ chảng với một đống nợ là vì tôi muốn nói đến chữ Phát Triển. Nước Việt không còn cảnh nghèo đói tràn lan như trước đây vài mươi năm. Đây là điều đáng lấy làm mừng và cố gắng giữ gìn để tiếp tục phát triển. Tôi nói đến chữ giữ gìn là muốn nói đến tinh thần của chúng ta, đừng bao giờ để tính lợn phát triển, nhất là năm tới là năm con lợn nữa. Khi thoát cái đói, cái nghèo và sự cơ cực, người ta dễ dàng hưởng thụ và phó mặc cho bản năng phát triển tùy thích. Chính vì vậy mà những người được xem hoặc tự xem là cán cân, giềng mối cho văn hóa, xã hội lại có tính lợn nhiều hơn người, bù cho khi khó khăn, người ta lại có vẻ như người nhiều hơn lợn! Và không có gì đáng sợ hơn khi người ta di chuyển bằng hai chân, ăn trên ngồi trốc nhưng lại hành xử bằng bộ điều khiển của loài bốn chân. Mà số đông các ông, các bà nắm cán cân quyền lực đều rất lợn!

PV: Bà có vẻ gay gắt hơn tôi nghĩ! Và lẽ nào con lợn nó xấu xí như vậy hay sao mà bà nói toàn cái xấu của nó vậy?

BL: Ấy ấy, bình tĩnh, đừng nổi nóng, vì cậu ngay từ đầu đã nói với tôi là cậu phỏng vấn tôi vì Tính Thể Mẹ của tôi nên tôi mới nói cho cậu rõ. Một người mẹ tử tế phải nhìn thấy cái sai, nhìn thấy sự hư hỏng của con mình để điều chỉnh, tu sửa và dạy dỗ. Cái tốt thì cứ để nó phát triển tự nhiên, cần gì mình điều chỉnh nữa! Trong điều kiện vật chất ngày càng phì đại, thì người mẹ quan tâm điều gì nhất? Đó là quan tâm đến phẩm giá của con mình và của cả bản thân. Muốn có phẩm giá, người ta phải biết vượt qua mặc cảm, vượt qua sự nhỏ nhoi, nhược tiểu trong sâu thẳm linh hồn mình mà đi tới!

PV: Bà có cao kiến nào chăng?

BL: Cái này thì mượn lời của người xưa thôi: Phú Quí Bất Năng Dâm; Bần Tiện Bất Năng Di; Vũ Uy Bất Năng Khuất. Nghĩa là khi giàu có, dư dả, đừng để mình rơi vào hoang dâm vô độ; Khi khó khăn, nghèo hàn, đừng để mình trở thành kẻ ăn mày, xin xỏ mà phải tự thân vận động, tự vượt qua cái khó của mình; Và trước quyền lực, trước sức mạnh cường hào thì đừng bao giờ khòm lưng khuất phục mà phải làm cho mình trở nên mạnh mẽ, cường tráng để ngẩng cao đầu mà đi! Một quốc gia cường thịnh không chỉ giàu có vật chất mà còn phải văn minh, văn hóa, chữ Cường nằm ở sức mạnh tinh thần, chữ Thịnh nằm ở sức mạnh vật chất. Tôi tin vào năm Kỷ Hợi nên tôi mới nói nhiều như vậy!

PV: Bà có gửi gắm lời nào đến thế hệ trẻ?

BL: Có chứ, chúng ta có sức trẻ, chúng ta bước đi thênh thang trên con đường thế giới nhưng chúng ta vẫn còn không ít bạn trẻ vui quá độ, đi bão, rồi khỏa thân chạy giữa đường sau mỗi trận bóng là một hành vi rất lợn. Sắp bước sang năm lợn, chúng ta đừng quá lợn như vậy! Nhưng nói vậy thôi, chứ nếu học được cái hay của lợn như tính hồn nhiên, vô tư, tính vị tha, bao dung, không nhiều chuyện, không soi mói hay đố kị… Đó là những đức tính quí của năm Hợi. Và con lợn cũng là biểu tượng phồn thịnh, sung túc! Xin chúc một năm sung túc, an vui và ấm áp!

PV: Xin cảm ơn bà! Chúc bà năm mới an vui, mạnh khỏe, luôn giữ Tính Thể Mẹ!

Hỷ Long

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hình ý quyền là gì? Là một trong ba hệ thống nội gia quyền có nguồn gốc Thiếu Lâm của võ học Trung Hoa: Thái Cực, Bái Quái và Hình Ý Quyền.
Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước.
Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.
Ở đây thăm thẳm hiên đời Mù sương quyện đất với trời dưới chân
chàng là ai, ai định nghĩa được chàng chàng là trăng là sao là mênh mang
Trong đầu hắn vẽ ra cảnh một người đàn ông trần truồng rơi vào giữa khoảng trống của hai bức tường, bị bức tường kẹp dính lại ở giữa, lưng ở bức tường phía sau, ngực ở bức tường phía trước, phía sau màu trắng, phía trước màu đen
Nhưng gần hai thế kỷ trước, Phật Giáo đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Mỹ qua phong trào triết lý và văn học American Transcendentalism (Phong Trào Siêu Việt Mỹ), với các văn thi sĩ lừng danh như Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Henry David Thoreau (1817-1862), Walt Whitman (1819-1892).
Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.
Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát súng lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.