Khánh Ly và thân hữu trong đêm Mừng Sinh Nhật 80 Tuổi tại Bowers Museum, California. Photo: Nguyễn Lập Hậu.
Người ta thường gói ghém một cuộc đời trong dăm ba trang giấy để gọi là hồi ký. Người ta cũng thường dùng thước đo của 10 năm, 20 năm, 30 năm… để hoài niệm một điều gì đó, cho dù là hạnh phúc hay mất mát. Nhưng không dễ gì để tái hiện cả một cuộc đời dài 80 năm, trong đó có lịch sử, có tình yêu, có nhân quả, có triết lý sống, có ân tình, có nghệ thuật, có tài năng… chỉ trong một đêm. Vậy mà, Đêm-Khánh-Ly-80-Tuổi, đã làm được điều đó.
Bắt đầu từ Khánh Ly của buổi chiều năm 1967, trong một quán café đơn sơ với nền gạch cũ, được dựng lên ở phía sau trường đại học văn khoa Sài Gòn, tên gọi quán Văn, giọng hát khàn đục ma mị cất lên những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Bên dưới, đầy kín những sinh viên ngồi bệt trên nền đất, ngây ngất hoà cùng những tình khúc Trịnh và Ca Khúc Da Vàng.
Cho đến 60 năm sau, buổi chiều tháng Ba năm 2025 tại Bowers Museum.
Người từ phương xa, có người xa cả nửa địa cầu. Người cùng thế hệ với bà. Người nhỏ hơn bà gần nửa thế kỷ. Tất cả làm cho khán phòng không còn chỗ trống. Có người phụ nữ kia, cố tình chọn một chiếc áo dài gam màu tối, đơn giản vì “nhớ rằng cô Khánh Ly hay mặc màu tối khi lên sân khấu.”
Khánh Ly bước ra. Bà cúi đầu chào, cười với bất cứ ai bà định vị được trong tầm mắt của mình. Không cần phải quen, thân, sơ, lạ. Đó là nụ cười đẹp nhất mà chỉ có thể tìm thấy ở trẻ thơ.
Khánh Ly ngồi xuống. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong nghiệp dĩ, bà ngồi trên chiếc ghế tựa, trước hàng trăm khán giả. Gương mặt ngẩng cao, bàn tay hướng về phía khán giả, vô cùng nền nã – một phong cách nghệ sĩ nhã nhặn của một thời vàng son hoa lệ.
Khánh Ly cất tiếng nói, trong tâm trạng “có quá nhiều điều muốn nói, và không muốn nói” nên “không biết bắt đầu như thế nào.” Mười năm trước, cũng hàm ý này, nhưng bà diễn đạt khác, trong một cuộc điện thoại:
“Trong đời mình không phải điều gì mình làm cũng đúng cả. Không phải là mình không có những hối tiếc. Có chứ. Mình hối tiếc vì ngay bây giờ mình không có thời gian được thực hiện hết những gì mình mơ ước. Vì mơ ước thì nhiều lắm, rất là bao la, rộng lớn, nhưng đời sống của con người thì ngắn.”
Có thể đây cũng là lần rất hiếm hoi bà nghẹn lời trong hơn 60 năm đứng trên sân khấu. Khánh Ly vốn được bằng hữu văn nghệ sĩ ghi nhận là “người nói chuyện rất hay” dù bà cứ hay tâm sự với khán giả của mình rằng tôi là người "ít học.”
Rồi, Khánh Ly đứng lên khi chưa nói hết câu. Có lẽ bà không quen ngồi trước khán giả của mình để nói chuyện? Ngày xưa, bà cũng từng ngồi hát, nhưng trong một tư thế khác, bên cạnh là người nhạc sĩ với cây đàn Tay Ban Cầm đệm nhạc. Đêm nay, bà tôn trọng những người đã vượt nghìn trùng xa đến đây với mình. Vịn một tay vào cây trụ mircophone làm điểm tựa, bà đứng lên. Dáng đứng liêu xiêu của “tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay.” Không ít gương mặt đã thấm nhòe nước mắt. Nhưng Khánh Ly, thì không. Đêm nay, bà chỉ muốn dành cho khán giả của mình những nụ cười rạng rỡ.
Khánh Ly hát liên khúc Trịnh Công Sơn với Nguyễn Hoàng Hà và ban nhạc với hòa âm của nhạc sĩ Sỹ Dự. Photo: Nguyễn Lập Hậu
Và cuối cùng, Khánh Ly hát. Tiếng hát của “Diễm Xưa.” Bà lần nhẹ bước sang với bản nhạc bên cạnh, đứng phía sau chiếc ghế để dùng lưng ghế làm điểm tựa. Gần nửa tiếng đồng hồ, sân khấu vẫn là của Khánh Ly như đã từng trong hơn nửa thế kỷ qua. Bà “đốt cháy” sân khấu bằng tình yêu với khán giả, với bạn hữu, với âm nhạc, với người chồng quá cố bà gọi là “nhà tôi”, đặc biệt, với người âm tri kỷ họ Trịnh mà xưa nay bà vẫn ân cần gọi là “ông Sơn.”
Rất nhiều người đã nói “nghe Khánh Ly là nghe ký ức, nghe hoài niệm.” Thì cũng là một cách nghe, một cách yêu. Bất cứ khi nào tiếng hát Khánh Ly cất lên, thì trong tâm tưởng của mỗi một người trong các thế hệ Việt Nam là một ký ức khác nhau. Chính bà đã từng nói, 10 năm trước: “Khi mà người ta yêu thích một tiếng hát hay một điều gì đó có thể xem như đó là mối tình đầu của mình. Nhưng mà trong đời không phải chỉ có một mối tình mà thôi.” Thế là, bà đã đi “Ru Tình” trong suốt hơn 50 năm và đến nay, 80 tuổi, bà vẫn Ru Tình. Đó là sự an bày của định mệnh.
80 năm của đời người và hơn 50 năm ca hát, là một con đường rất dài. Nhưng đủ, đầy hay chưa còn tuỳ theo nhân sinh quan của mỗi con người. Nói một cách khác, khi dừng chân lại phía bên kia con dốc, thì mỗi chúng ta có quyền lựa chọn để giữ lại hoặc “để gió cuốn đi” những gì gọi là kỷ niệm trên từng quãng đường mình đã đi qua.
Và Khánh Ly, là một phần của miền ký ức mà các thế hệ giữ lại trong ngăn tủ cuộc đời. Cho dù, cũng chính bà đã nói: “Đừng vì mối tình đầu đó mà hờ hững. Những tiếng hát trẻ là tương lai, mà cô là quá khứ. Cô là quá khứ rồi. Cô là kỷ niệm. Cô là những gì đã đi qua trong đời sống này.” Bà nói đúng phần nào, nhưng mấy ai 'đi qua' mà không hề đánh mất, đi qua và để lại, để gieo hạt vun xới cho những bông hoa ven đường. Ai có mặt trong rạp nghe tiếng hát của cô bé Hân Holidays cất lên cùng các bạn trẻ của mình đều nhìn thấy, đều cảm được sự tiếp nối kỳ diệu này.
Ban Nhạc Hân Holiday mở đầu chương trình với liên khúc nhạc Trịnh: Han Holiday (giữa), Jayden Nguyễn (phải) và Duy Khang (trái). Photo: Nguyễn Lập Hậu.
Thế thì tại sao chúng ta không yêu nhau như hôm nay là ngày bắt đầu? Vì buồn đau hay hạnh phúc, khóc than hay mỉm cười thì tất cả cũng sẽ là kỷ niệm, khi mà chúng ta đã đi qua nó. Để rồi khi dừng chân nhìn lại, nói lời giã từ thì sẽ thấy mình hạnh phúc vì đã làm được những gì mình mong muốn, cho dù đó là cuộc đời của viên đá cuội lăn mãi những vết lăn buồn.
Ở tuổi 80, trong Đêm-Khánh-Ly-80-Tuổi, không còn là Khánh Ly với sức hát hàng chục ca khúc như nhiều năm về trước. Nhưng ngược lại, chỉ chưa đầy nửa giờ đồng hồ, bà đã RU cả khán phòng với trái tim nồng nàn “ru người ngồi mãi cùng tôi.” Những lời tự sự cuối trên sân khấu chân thành như bà đang ngồi ở Khánh Ly Tự, giới thiệu cho khán giả về không gian đi về của riêng bà. Khánh Ly nói, như chưa từng được nói. Khánh Ly cười, như muốn ôm trọn không gian. Ngắm nhìn bà từ hàng ghế bên dưới, một cuộc đời hoá kiếp của hạt bụi, và cuối cùng thì đến một buổi chiều, tóc cũng bạc trắng như vôi.
Nói và viết về Khánh Ly thì bút mực nào đếm cho hết theo dòng thời gian? Nghe Khánh Ly hát thì nếu các thế hệ cộng lại, cũng dài gần bằng lịch sử chiến tranh đau thương của dân tộc Việt Nam. Do thế, viết về đêm sinh nhật 80 tuổi của bà, mà viết về bà, về tiếng hát có bà, thì chẳng khác nào “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.”
Khánh Ly thổi bánh sinh nhật 80 cùng gia đình, bạn bè và thân hữu, Bowers Museum, California. Photo: Nguyễn Lập Hậu
Những gì trong Đêm-Khánh-Ly-80-Tuổi, đơn giản là, chúng ta cần có nhau, trong cuộc đời này, qua những biến thiên của quá khứ và hiện tại, thì “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.”
Cần nhau trong tâm tưởng. Cần nhau trong hơi thở. Cần nhau qua ký ức. Cần nhau trong hiện tại. Cần nhau một cách ân cần. Cần nhau những món nợ đã trót vay trong đời. Cần như như những lời Ru Tình không bao giờ cạn.
“Tôi có rất nhiều tật xấu. Chỉ được một điều, đã tự cho là mình nợ ai một món nợ, dù ly nước, tấm bánh, một lời hỏi han an ủi, thì ngàn đời không quên.” (Trích 31. Xin trả nợ người – Hồi Ký Khánh Ly)
Kalynh Ngô Chiều 7 tháng Ba, 2025 Bowers Museum, California
Về những “khoảnh khắc” trong nhiếp ảnh của Sue Công
(Trích nhận định của hoạ sĩ Đông Duy)
Cuộc chạy đua đuổi theo khoảnh khắc của nhiếp ảnh gia Sue Công thật là mệt mỏi nhưng cũng đầy hứng thú.
Với vị thế hiện là cơ sở resort/casino lớn nhất ở Bờ Tây Hoa Kỳ, Pechanga Resort Casino đang cống hiến quý khách đến vui chơi một mức độ sang trọng thỏa đáng kết hợp những yếu tố tinh tế của di sản Bộ Tộc bản địa vào những cảm nghiệm kiến trúc và vui nghỉ resort.
Pechanga Resort Casino hân hạnh giới thiệu Chương Trình "Nhạc Hội Tươi Vui" tại Pechanga Summit vào ngày Thứ Bảy 20 Tháng Bảy lúc 8 PM. Danh ca Lâm Tử Tường sẽ làm quý vị sống lại những kỷ niệm tươi đẹp của mình trong 40 năm qua, với những ca khúc quen thuộc nổi tiếng được nhiều người yêu mến.
Nếu ai đến định cư ở tiểu bang Oklahoma, nhất là trong giai đoạn 1975 cho đến 1990 thì dù ở những thành phố cách xa thủ phủ Oklahoma City (OKC) như Tulsa hay Lawton chắc hẳn đều nghe đến cái tên “Thầy San”.
WESTMINSTER (PTH/VB) -- Chương-trình Mạn-đàm Văn-chương chủ đề "Truyện Thạch Sanh Lý Thông: Một Cách Nhìn Khác" đã được tổ chức sôi nổi tại trụ sở Viện Việt-Học vào Chủ-nhật, ngày 26 tháng Năm, 2019.
Viện Việt-Học kính giới thiệu đến các quí-vị chương-trình Mạn-đàm Văn-chương, về đề tài: "TRUYỆN THẠCH SANH LÝ THÔNG: MỘT CÁCH NHÌN KHÁC" Diễn-giả: GS Nguyễn Văn Sâm Với sự góp mặt của: Nhà văn Phan Tấn Hải – GS Trần Văn Chi – GS Nguyễn Trung Quân - Lời ngỏ: Soeur Trần Nữ
khoảng 30 tác phẩm -- Fourth Element Gallery. 210 N. Broadway, Santa Ana CA 92701 Khai mạc triển lãm: Thứ Bảy ngày 4 tháng Năm, 2019. Từ 7giờ chiều -10 giờ tối.
Người đàn ông tuổi đã 83 mà vẫn còn nét thư sinh, tóc vẫn nhiều tiêu hơn muối, có giọng nói dịu ngọt như thủ thỉ, thầm thì cho riêng người yêu trên đài phát thanh ngày xưa, ra tận cửa đón tôi.
Pechanga Resort Casino hân hạnh kính mời quý vị đến tham dự chương trình văn nghệ chủ đề Nhạc Trẻ US Tour vào ngày thứ Bảy 9 tháng Ba, 2019 tới đây qua hai xuất trình diễn lúc 3 giờ trưa và 7 giờ chiều tại sân khấu Pechanga Theater.
LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.
*** Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện,
Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.
Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.
Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.
Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.
Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.
Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.
Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.
Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.
Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.
Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.
Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.
Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.
Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.
Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.
Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.
Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu. Derek Trần
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.