Hôm nay,  

Dùng Trí Tuệ Nhân Tạo Và Hình Ảnh Vệ Tinh Để Theo Dõi Các Hoạt Động Trên Đại Dương

1/19/202400:00:00(View: 3482)
dai duong
Rất nhiều tàu đánh cá thương mại không báo cáo vị trí của họ khi đang trên biển hoặc không bị bắt buộc phải báo cáo. (Nguồn: pixabay.com)
 
Con người đang đua nhau khai thác tiềm năng to lớn của đại dương nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế toàn cầu. Trên toàn thế giới, các ngành công nghiệp dựa vào đại dương như đánh bắt cá, vận chuyển và sản xuất năng lượng tạo ra ít nhất 1.5 ngàn tỷ MK trong hoạt động kinh tế hàng năm và hỗ trợ 31 triệu việc làm. Giá trị này đã tăng theo cấp số nhân trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
 
Việc giám sát “gia tốc xanh” một cách minh bạch là rất quan trọng để ngăn chặn suy thoái môi trường, khai thác quá mức nguồn tài nguyên thủy hải sản và các hành vi bất chánh như đánh bắt cá bất hợp pháp và buôn người. Thông tin minh bạch cũng sẽ giúp các quốc gia có thể kiểm soát tốt hơn các nguồn tài nguyên đại dương quan trọng. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, việc theo dõi các hoạt động công nghiệp trên đại dương rộng lớn vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
 
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, kết hợp hình ảnh vệ tinh, dữ liệu GPS của tàu và trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các hoạt động công nghiệp của con người trên đại dương trong khoảng thời gian 5 năm. Các nhà nghiên cứu tại Global Fishing Watch, một tổ chức vô vụ lợi hướng tới thúc đẩy quản trị đại dương thông qua tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động của con người trên biển, đã dẫn đầu nghiên cứu này, phối hợp với Đại học Duke, Đại học California, Santa Barbara và SkyTruth.
 
Họ nhận thấy rằng có một lượng lớn các hoạt động diễn ra bên ngoài hệ thống giám sát công cộng. Bản đồ và dữ liệu mới cung cấp bức tranh công khai toàn diện nhất hiện có về việc sử dụng đại dương trong các ngành công nghiệp.
 
Hoạt động trong bóng tối
 
Nghiên cứu mới được xây dựng dựa trên công nghệ hiện có để cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh hơn nhiều so với những gì đang có cho đến nay.
 
Thí dụ, nhiều tàu biển sử dụng một thiết bị AI gọi là hệ thống nhận dạng tự động (automatic identification system – AIS), để tự động phát sóng thông tin của tàu, như vị trí, lộ trình và tốc độ. Các thiết bị này liên lạc với nhau khi ở gần để giúp giảm nguy cơ va chạm trên biển. Chúng cũng truyền tới các bộ thu phát sóng trên bờ và vệ tinh, có thể được sử dụng để giám sát các hoạt động khai thác và đánh bắt.
 
Tuy nhiên, hệ thống AIS này không hoàn hảo vì một số tàu không cần phải sử dụng chúng, hoặc một số vùng biển nhất định có sóng thu yếu, hoặc các tàu thực hiện các hoạt động bất hợp pháp có thể tắt hay làm giả dữ liệu vị trí. Ngoài ra, một số công trình ngoài khơi, như giàn khoan dầu và tua-bin gió, cũng sử dụng AIS để hướng dẫn các tàu dịch vụ, giám sát giao thông của tàu gần đó và cải thiện an toàn hàng hải. Tuy nhiên, dữ liệu vị trí của các công trình ngoài khơi thường không đầy đủ, lỗi thời hoặc được giữ bí mật vì lý do quan liêu hoặc thương mại.
 
Làm rõ các hoạt động trên biển
 
Để khắc phục vấn đề này, nhóm nghiên cứu sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để phân loại tàu đánh cá, tàu không phải đánh cá và cơ sở hạ tầng cố định trong 2 triệu gigabyte hình ảnh radar dựa trên vệ tinh và hình ảnh quang học chụp trên biển giữa năm 2017 và 2021. Họ cũng đối chiếu các kết quả này với 53 tỷ báo cáo vị trí tàu sử dụng AIS để xác định tàu nào có thể theo dõi công khai vào thời điểm chụp ảnh.
 
Kết quả khá bất ngờ. Có khoảng 75% số tàu đánh cá được phát hiện không xuất hiện trong hệ thống giám sát AIS công cộng, đặc biệt là ở khu vực Châu Phi và Nam Á. Số lượng tàu ‘vô hình’ này thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết về quy mô, phạm vi và vị trí của hoạt động đánh cá.
 
Thí dụ, dữ liệu AIS công cộng hiện cho rằng Châu Á và Châu Âu có lượng đánh bắt cá tương tự nhau. Nhưng bản đồ của nhóm đã chỉ ra rằng thực tế là Châu Á chiếm số lượng nhiều hơn: cứ mỗi 10 tàu đánh cá mà họ tìm thấy trên biển, có 7 tàu ở Châu Á và chỉ có 1 tàu ở Châu Âu. Tương tự, dữ liệu AIS cũng cho thấy các hoạt động đánh bắt cá bên phía Châu Âu nhiều hơn khoảng 10 lần so với bên phía Châu Phi ở khu vực Địa Trung Hải - nhưng bản đồ của chúng tôi chỉ ra rằng các hoạt động đánh bắt cá gần như bằng nhau ở cả hai khu vực.
 
Đối với các loại tàu khác, chủ yếu là tàu vận tải và liên quan đến năng lượng, khoảng 25% bị thiếu trong hệ thống giám sát AIS công cộng. Nhiều tàu không xuất hiện đều nằm ở những vùng biển không có tín hiệu thu AIS mạnh, có thể tàu đã phát sóng nhưng vệ tinh không nhận được tín hiệu này.
 
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng xác định được khoảng 28,000 công trình ngoài khơi – chủ yếu là các giàn khoan dầu và tua-bin gió, các cơ sở hạ tầng khác như cơ sở nuôi trồng thủy sản và các công trình nhân tạo khác. Số lượng cơ sở hạ tầng dầu khí ngoài khơi đã tăng nhẹ trong khoảng thời gian 5 năm, trong khi số lượng tuabin gió tăng hơn gấp đôi, chủ yếu ở Bắc Âu và Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu ước tính số lượng tua-bin gió trên đại dương có thể sẽ vượt qua số lượng cơ sở hạ tầng dầu khí vào cuối năm 2020.
 
Hỗ trợ cho các nỗ lực thực tế
 
Dữ liệu này được cung cấp miễn phí thông qua cổng thông tin Global Fishing Watch và sẽ được duy trì, cập nhật và mở rộng theo thời gian. Họ kỳ vọng một số lĩnh vực mà thông tin có thể sẽ hữu ích cho việc giám sát trên thực địa:
 
·        Đánh bắt cá ở những vùng thiếu dữ liệu: Hệ thống giám sát trên tàu quá đắt đỏ để có thể triển khai rộng rãi ở nhiều nơi. Các nhà chức trách ngư nghiệp ở các nước đang phát triển có thể sử dụng dữ liệu này để theo dõi áp lực đối với nguồn lợi thủy hải sản địa phương.

·        Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định: Các tàu đánh cá công nghiệp đôi khi hoạt động ở những nơi không được phép, chẳng hạn như các khu vực bảo tồn biển. Dữ liệu mới có thể giúp các cơ quan thực thi xác định các hoạt động bất hợp pháp và tập trung vào các nỗ lực tuần tra.

·        Các hoạt động thương mại vi phạm lệnh trừng phạt: Dữ liệu mới có thể giúp làm sáng tỏ những hoạt động hàng hải vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế. Thí dụ, các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên xuất cảng sản phẩm thủy hải sản hoặc bán quyền đánh bắt cá cho các nước khác. Nghiên cứu trước đây đã phát hiện hơn 900 tàu đánh cá có nguồn gốc từ Trung Quốc ở vùng biển phía đông Bắc Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ.
 
Họ phát hiện ra rằng vùng biển phía Tây của Bắc Triều Tiên có nhiều hoạt động đánh bắt cá không công khai hơn, có thể cũng có nguồn gốc từ nước ngoài. Các hoạt động chưa được định vị đạt đỉnh điểm hàng năm vào tháng 5, khi Trung Quốc cấm đánh bắt cá trong vùng biển của mình, và đột ngột giảm vào năm 2020 khi Bắc Triều Tiên đóng cửa biên giới vì đại dịch COVID-19.
 
·        Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu: Dữ liệu mới có thể giúp định lượng quy mô phát thải khí nhà kính từ lưu thông tàu thuyền và phát triển năng lượng ngoài khơi. Thông tin này rất quan trọng để thực thi các chương trình giảm thiểu biến đổi khí hậu.

·        Tác động đến năng lượng ngoài khơi: Dữ liệu không chỉ cho thấy những nơi đang diễn ra hoạt động phát triển năng lượng ngoài khơi mà còn cho thấy cách tàu thuyền tương tác với các tuabin gió và dàn khoan dầu khí như thế nào. Thông tin này có thể làm sáng tỏ dấu ấn môi trường từ việc xây dựng, bảo trì và sử dụng các công trình này. Nó cũng có thể giúp xác định nguồn gốc của các vụ tràn dầu và ô nhiễm biển khác.
 
Đại dương lành mạnh là nền tảng của sự phát triển của con người theo nhiều cách khác nhau. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng nghiên cứu mới sẽ hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên bằng chứng và giúp cho việc kiểm soát đại dương trở nên công bằng, hiệu quả và bền vững hơn.
 
Nguồn: “We used AI and satellite imagery to map ocean activities that take place out of sight, including fishing, shipping and energy development” được đăng trên trang TheConversation.com.
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Được nhiều người coi là bản sao của Twitter, trong vòng hai tiếng ra mắt vào tối Thứ Tư, 4 tháng 7, Threads đã có 2 triệu lượt tải xuống. Đến sáng Thứ Sáu, số lượt ghi danh đã hơn 70 triệu, vào thứ Hai, chỉ sau 5 ngày ra mắt, số lượt ghi danh đã vượt qua 100 triệu, con số này “vượt xa sự mong đợi” của giám đốc CEO Mark Zuckerberg. Dựa trên dữ liệu nội bộ của công ty, người dùng đã đăng hơn 95 triệu bài đăng với 190 triệu lượt “like” trên Threads.
Vào đầu tháng 6, Apple đã ra mắt Vision Pro, một loại thiết bị mới tăng cường thực tế bằng cách kết hợp nhuần nhuyễn thế giới thực với thế giới kỹ thuật số. Thực tế tăng cường (augmented reality, viết tắt là AR, là góc nhìn trực tiếp hay gián tiếp về môi trường vật lý, thực tế nơi mà các yếu tố được "tăng cường" bởi thông tin nhận thức do máy tính tạo ra). Vài ngày sau khi Tim Cook giới thiệu sản phẩm mới, 800 nhà nghiên cứu tập trung tại một sự kiện kém rầm rộ hơn ở Gothenburg, Thụy điển. Đây là hội nghị mạng di động hàng năm của EU, năm thứ ba, tập trung vào 6G.
Một trong vài triết gia dẫn đầu trong thế kỷ 20, Martin Heidegger nhận xét rằng, khoa học luôn luôn mang đến con người những kiến thức thực tế, mà tư tưởng (triết học) đã suy nghĩ chuẩn bị trước đó*. Điều này giải thích, triết học đi trước khoa học. Thậm chí, Heidegger còn nhấn mạnh, khoa học bắt nguồn từ triết học. Nghĩa là, khoa học sinh hoạt dưới sự quan sát và “kiềm chế” của triết học, của ý tưởng thẩm mỹ về đạo đức. Nhưng câu hỏi hiện nay là: Chuyện gì sẽ xảy ra khi khoa học thoát ra khỏi phạm vi canh phòng của triết học? Sẽ như thế nào khi khoa điện tử độc lập và tiến hành không bị ràng buộc bởi ý tưởng đạo đức hoặc đạo lý? Chúng ta có thể tiên đoán: nếu nó không trở thành thiên thần, thì sẽ là ác quỉ; nếu không thành rồng, sẽ là chó dại. Hôm mùng 2 tháng 5, tin tức tổng hợp cho biết, nhà khoa học Geoffrey Hinton, người được mệnh danh là cha đỡ đầu của A.I., sinh thể trí tuệ nhân tạo, tuyên bố rời bỏ vị trí trong tập đoàn Google
Một lượng mưa nhỏ nhoi thôi cũng mang ý nghĩa lớn trong sự khác biệt giữa khó khăn và thành công. Trong gần 80 năm, về mặt lý thuyết, một phương pháp được gọi là ‘Cloud Seeding” (tạm dịch là Đơm Mây) hứa hẹn sẽ mang đến cho con người khả năng có được nhiều mưa và tuyết hơn từ các cơn bão, và giảm độ nghiêm trọng của những cơn mưa đá. Nhưng chỉ gần đây, các khoa học gia mới có thể quan sát kỹ lưỡng các đám mây và bắt đầu thấy được việc tạo mây thực sự có hiệu quả như thế nào.
ChatGPT là một ứng dụng về hỏi đáp sử dụng trí tuệ nhân tạo, nôm na là một siêu AI, trò chuyện, tương tác trực tiếp với người sử dụng. Điểm đặc biệt của AI này nằm ở kỹ thuật diễn giải ngôn ngữ một cách rất tự nhiên cùng với kho kiến thức mà ChatGPT có được từ bộ dữ liệu huấn luyện ban đầu do OpenAI dựng sẵn.
Trí tuệ nhân tạo đang phát triển với tốc độ ngoạn mục, nhưng dường như ít người thực sự quan tâm đến ý nghĩa của điều này, rằng cái gì có thể xảy ra chỉ trong vài thập kỷ nữa đối với chúng ta, với giống loài của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta cứ làm như đó là một con chó đang tập xe đạp: một điều thú vị đang giải trí cho chúng ta. Chúng ta vỗ tay vui vẻ ca ngợi, và cố gắng để nó giải quyết được nhiều thủ đoạn hơn nữa.
Xuyên suốt Sứ Mệnh Apollo, Hoa Kỳ đã đưa 12 phi hành gia lên Mặt Trăng; tất cả đều là đàn ông, và tất cả đều là người gốc da trắng. Phần lớn đến từ các lực lượng Hải Quân và Không Quân, những phi hành gia này minh họa cho lý tưởng của Hoa Kỳ về lòng dũng cảm và sự chính trực, nhưng đồng thời cũng có tính thiên vị. Khi tàu Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng vào năm 1969, nhiều người Mỹ gốc da đen không mảy may quan tâm đến sự kiện này. Liên Xô, đối thủ của Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua vào không gian, đã đưa một phụ nữ bay vào vũ trụ vào năm 1963. Nhưng Hoa Kỳ đã không làm điều đó mãi cho đến năm 1983, Sally Ride trở thành người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên bay vào vũ trụ bằng tàu con thoi Challenger, đồng thời còn có phi hành gia người Mỹ gốc Phi đầu tiên, Guion Bluford
Sau 13 năm, cuối cùng thì Bác sĩ David Sinclair và các đồng nghiệp đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì thúc đẩy quá trình lão hóa? Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell vào ngày 12 tháng 1 năm 2023, Sinclair, giáo sư di truyền học và đồng giám đốc của Paul F. Glenn Center for Biology of Aging Research tại Trường Y Harvard (Harvard Medical School), đã phác họa ra một chiếc đồng hồ lão hóa, khi ta vặn chiều kim là có thể đẩy nhanh hoặc đảo ngược quá trình lão hóa của các tế bào.
Dù NASA đã có những thành công vẻ vang với chương trình thám hiểm Mặt Trăng Artemis vào cuối năm ngoái, thực tế thì họ vẫn còn một thách thức chưa vượt qua: Con tàu vũ trụ chưa có chở theo người thật. Chỉ mang theo mấy con người mẫu, tàu vũ trụ Orion được phóng lên không gian để thử nghiệm xem nó sẽ hoạt động như thế nào trong hành trình bay tới Mặt Trăng và quay trở lại Trái Đất.
Ai đang khởi động các sứ mệnh lên Mặt trăng? Ấn Độ có kế hoạch khởi động sứ mệnh Chandrayaan 3 lên Mặt trăng vào tháng 6/2023. Ấn Độ lần đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2008 với Chandrayaan 1. Nga có kế hoạch khởi động sứ mệnh Luna 25 vào tháng 7/2023, đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng để thu thập các mẫu đất đá từ vùng cực nam của nó.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.