Nữ thi sĩ Maya Angelou

23/09/202200:00:00(Xem: 1781)

f4cf1b1c0377f06a09104991b709ed19
Nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, giảng sư, nhà báo, nhà làm phim, ca sĩ, diễn viên, và là nhà hoạt động nhân quyền MAYA ANGELOU.

 

Maya Angelou tên thật là Marguerite Ann Johnson, sinh ngày 4/4/1928 tại St. Louis, Missouri. Bà mất ngày 28/5/2014 tại Winston-Salem, North Carolina. Bà là nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, giảng sư, nhà báo, nhà làm phim, ca sĩ, diễn viên, và là nhà hoạt động nhân quyền. Bà được mệnh danh là Nữ Thi Hào Da Đen của nước Mỹ, và được học giả Joanne M. Braxton gọi là người phụ nữ da đen viết tự truyện xuất sắc nhất của nước Mỹ.
 
Bà nổi tiếng với bộ tự truyện 6 cuốn. Quyển thứ nhất nổi tiếng nhất trên thế giới viết về 17 năm đầu đời của bà, I Know Why The Caged Bird Sings (1969), bà nói: “Đầu tiên người đời phải học cách chăm sóc chính mình để rồi có thể chăm sóc người khác. Đó là lý do làm cho “chim trong lồng hót”. Với tự truyện này bà được xem là một trong những phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên dám công khai bạch hóa đời riêng của mình. Maya Angelou được chọn làm “Người Phụ Nữ của Năm 76” (Woman of the Year) về Truyền Thông của tạp chí Ladies’ Home Journal. Giải Thưởng Matrix của Hội Women in Communications, Inc. vào năm 1983, Giải Thưởng Văn Chương North Carolina vào năm 1987, Giải Thưởng Candace 1990 của Cơ Quan Liên Minh Quốc Gia Phụ Nữ Da Đen (The National Coalition of Black Women).
 
Hai bài thơ của bà, bài On The Pulse of Morning được chính bà đọc trong lễ Tuyên Thệ Nhậm Chức của Tổng Thống Bill Clinton năm 1993. Bài thơ Still I Rise được ông Nelson Mandela đọc tại lễ nhậm chức Tổng Thống Nam Phi của ông năm 1994. Chủ đề nổi bật trong các tác phẩm của bà nói về sự gian khổ bất công, tệ nạn phân biệt chủng tộc, đồng thời toát lên niềm hy vọng, tính quả cảm, kiên trì, tự tin, nhờ đó mà người ta vượt qua nghịch cảnh để vươn lên, chiến thắng cái ác, nhìn nhau bằng tình thương và tha thứ. Tất nhiên Maya Angelou cũng có những bài thơ viết về tình yêu, những mối tình nở ra rực rỡ nhưng bị vùi dập trong mưa bão cuộc đời.
 
Thơ dịch từ MAYA ANGELOU
 
 
NHỮNG GIỌT LỆ
 
Những giọt lệ
như những mảnh thủy tinh vỡ
của một tâm hồn rách rưới. khổ đau
hay tiếng khóc than
của khúc hát thiên nga
giã từ giấc mộng hư...
 
(Nguyễn Xuân Thiệp dịch)
 
 
THÁNG MƯỜI MUỘN
 
Từ từ
một cách cẩn thận
những chiếc lá mùa thu
rắc xuống
những âm thanh bé nhỏ của nỗi chết
Và bầu trời thì
no nê
với những hoàng hôn tím đỏ
những bình minh ửng hồng
bầu trời ấy
bị khuấy đục không ngừng
trong màu xám của những mạng nhện
rồi đổi sang màu đen
yên nghỉ
 
Chỉ những người yêu nhau
nhìn thấy mùa thu
một dấu hiệu tận cùng
như một báo hiệu sỗ sàng
cho những ai không hay biết
rằng đã tới lúc chấm dứt
cho một khởi đầu khác.
 
(Nguyễn Xuân Thiệp dịch)
 
CUỘC ĐỜI TÔI BỖNG HÓA XANH XAO
 
Mùa hè của tôi đã đi qua
Những ngày vàng nắng đã tắt
Những bình minh màu hồng
khi thức giấc bên anh
giờ đây đã chuyển qua màu xám
Và cuộc đời tôi bỗng hóa xanh xao
 
Những thảm cỏ xanh ngày xưa
giờ đầy sương giá
con chim màu đỏ đã bay. về phương nam
còn lại một mình
cuộc đời tôi bỗng hóa xanh xao
 
ai đó nói rằng
mùa đông rồi cũng sẽ qua
mùa xuân báo hiệu
rồi hạ hồng sẽ tới thôi
nhưng cho tới khi nào
thấy anh nằm trên cỏ mượt
cuộc đời tôi vẫn xanh xao
 
(Nguyễn Xuân Thiệp dịch)
 
VÀ TÔI VẪN ĐỨNG LÊN
 
Các người có thể viết đời tôi trong truyện sử bằng những lời cay đắng và những                                                                                                          dối trá điêu ngoa,
Các người có thể giẫm tôi xuống đất đen, nhưng tôi vẫn sẽ đứng lên từ bụi đất...
Như mặt trăng mặt trời và thủy triều miên viễn,
Như hy vọng vút cao, tôi đứng lên...
Các người có thể giết tôi bằng sự thù ghét,
Nhưng tôi – như khí trời – vẫn sẽ đứng lên
Từ những túp lều của sự tủi hổ trong lịch sử – tôi đứng lên
Từ một quá khứ bắt rễ trong khổ đau – tôi đứng lên
Tôi là một mặt biển đen, dậy sóng và trải rộng mênh mông, tôi là thủy triều trào dâng
 Mang cho đời những tặng phẩm do tổ tiên chúng tôi trao lại, tôi chính là giấc mơ
 là hy vọng của những người nô lệ...
 
(Nguyễn Xuân Thiệp dịch một đoạn của bài ‘And Still I Rise’)
 
Nguồn: Phovanblog
  
TÔI HIỂU VÌ SAO CHIM TRONG LỒNG HÓT
 
Con chim tự do soãi trên lưng gió
Thả trôi mình lướt xuống cuối dòng
Nó nhúng cánh vào nắng hồng rực rỡ
Và nhận trời cao là thuộc riêng mình
 
Nhưng có con chim cuồng cẳng trong lồng
Không hình dung được mình ngoài then song
Cánh bị cắt ngắn, đôi chân bị cột
Còn sót tiếng ca trong cổ họng buồn
 
Tiếng ca chim lồng dội âm sợ hãi
Của điều không hiểu nhưng vẫn ước ao
Đồi ở xa xăm vọng nghe tiếng hát
Tiếng của chim lồng khao khát tự do
 
Con chim tự do nghĩ làn gió khác
Chú sâu béo tròn trên cỏ bình minh
Mùa gió đổi chiều hàng cây than thở
Gọi bầu trời cao là của riêng mình.
 
Đứng trên nấm mồ của những giấc mơ
Chiếc bóng chim lồng hét cơn mộng dữ
Cánh bị cắt ngắn, đôi chân bị cột
Còn sót tiếng ca trong cổ họng buồn
 
Tiếng ca chim lồng dội âm sợ hãi
Của điều không hiểu, nỗi lặng yên chờ
Đồi ở xa xăm vọng nghe tiếng hát
Tiếng của chim lồng khao khát tự do
 
(Trần Mộng Tú dịch)
 
 
HỌ TRỞ VỀ NHÀ
 
Họ trở về nhà, kể cho vợ nghe
rằng chưa bao giờ trong đời sống,
họ gặp một phụ nữ như tôi,
Nhưng… họ đều trở về nhà.
 
Họ nói nhà tôi sạch sẽ vô cùng,
mỗi lời tôi nói đều mang ý nghĩa,
và tôi có sắc khí huyền bí,
Nhưng… Họ đều trở về nhà.
 
Tất cả đàn ông đều khen ngợi tôi
thích tôi cười, bờ mông, sự dí dỏm
họ ở lại một, hai, ba ngày.
Nhưng mà…
 
(Ngu Yên dịch)
 
*Nguồn: Văn Việt
 
 
NGƯỜI PHỤ NỮ PHI THƯỜNG
 
Những người phụ nữ đẹp thường hay tự hỏi
đâu là bí mật của tôi
tôi không dễ thương hay có ba vòng đo của người mẫu
nên khi tôi bắt đầu nói với họ
họ cứ nghĩ rằng tôi nói dối
tôi nói
đó chỉ là những điều trong tầm tay của tôi
vòng hông của tôi, bước chân đong đưa của tôi
cái bĩu môi của tôi
tôi là một người phụ nữ
phi thường
người phụ nữ phi thường đó
là tôi
tôi bước vào một căn phòng
tỉnh bơ như không
và đến gần một chàng
những anh chàng hoặc vẫn đứng
hoặc khuỵu
Rồi họ cứ vây quanh tôi
như đàn ong thấy mật
tôi nói
ánh mắt tôi nồng nàn như lửa
và hàm răng tôi cười như tỏa nắng
sự đong đưa của vòng eo
niềm vui trong mỗi bước chân tôi
làm họ nghiêng ngả
tôi là một người phụ nữ
phi thường
người phụ nữ phi thường đó
là tôi

những người đàn ông ấy đã tự hỏi mình
họ tìm thấy gì ở tôi.
họ cố gắng rất nhiều nhưng không sao biết được
những bí ẩn của tôi
dù tôi cũng cố gắng chỉ cho họ
họ vẫn không thể thấy
tôi nói
nó ở trong cái ưỡn lưng tinh nghịch của tôi
mặt trời trong nụ cười tôi
sự bềnh bồng của hai bầu ngực
vẻ dịu dàng trong phong thái
của tôi
tôi là một người phụ nữ
phi thường
người phụ nữ phi thường đó
là tôi
bây giờ bạn hiểu
chỉ cần đầu của tôi tại sao không phải cúi
tôi không đong đưa hay nhún nhảy
hay cố nói thật lớn
khi bạn nhìn thấy tôi đi qua
nó làm bạn tự hào
tôi nói
mỗi một cái bén gót của tôi
hay lọn tóc loăn xoăn buông thả của tôi
lòng bàn tay ấm mồ hôi của tôi
nhu cầu tự chăm sóc của tôi
bởi vì tôi là một người phụ nữ
phi thường
người phụ nữ phi thường đó
là tôi
 
(Lê Vĩnh Tài dịch)
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong vũ điệu day dứt của hoang mạc gió, lữ khách dừng lại, gõ cửa. Căn nhà trống mùa đông. Bàn tay lạnh quẹt một que diêm, nhen lên nỗi buồn, thảng thốt những ước mơ ngày cũ theo tro bụi bay lên, buồn bã như những lời em sắp nói, như ánh lửa lụi tàn, như tuổi thơ đi qua… Có tiếng chuông xa đâu vọng về, đơm hoa trong bóng tối lời nguyện cầu, lữ khách cảm thấy móng vuốt của băng giá tan ra bởi niềm khát khao cháy bỏng… Tuyết rơi trên ô cửa sổ, lấp lánh một nỗi chờ.
Khi mặt trời bỏ đi / tuyết đầu mùa tìm đến / những cánh tay màu trắng / cầm trái tim trẻ em
Một chút gì gợn lên nơi mùi cà phê sáng, nơi tách trà nhâm nhi buổi xế chiều, nơi ly vang đỏ nồng đêm tối, làm cồn cào nhớ đến câu thơ đã đọc từ lâu lắm, thơ xưa chăng, nhưng sao cái rung động hôm nay về nó vẫn làm ta xao xuyến đến vậy.
Mùa thu dẫu vừa khảy đôi ba nhịp vàng trên tàn cây. Mùa thu dẫu đang đốt hết mình trên hàng cây maple đỏ lá suốt dặm dài. Và mùa thu cho dù cũng vừa khép cánh cửa để ra đi, khép rất nhẹ nhàng như sợ làm thức giấc ai đó đang say ngủ. Tất cả. Những bổng trầm của mùa thu đều rúng động mấy tầng cung bậc cảm xúc của ta. Phiến lá vàng óng kia ẩn mật điều gì. Dấu chân vàng ố chiếc lá cuối thu như thể là những dấu chân cuối cùng để – nhẹ hẫng về mai sau – Ngọn gió của mùa thu ly tan nào vẫn thảng thốt trong nỗi chờ đợi. Hạt mưa nào xám tro quán phố. Và người ngồi nghe gió mùa thu về như – tiếng thổn thức của thời gian. Bạn ơi, xin lắng lòng trong buổi đêm tịch mịch để nghe cảm xúc bạn hòa âm thế nào với âm vang thu, để biết tác động mãnh liệt của thu – phù vân thôi cũng nát đời như chơi…
Phần lớn các nhà thơ nữ sinh sau cột mốc đau thương 1975, đã dường như nhẹ nhàng hơn, những ám ảnh của chiến tranh, ít bị day dứt hơn vấn đề ý thức hệ. Họ ít nhiều đã hưởng được quả ngọt của nữ quyền, thoát ra khỏi khung cửa chật hẹp của định kiến, góp phần nở rộ một dòng thơ mạnh mẽ, tự tin, khao khát tự do, và bản lĩnh, nói rất thực nhân sinh quan của mình về những mối tương quan trong một thế giới vật chất như hiện nay. Họ cũng rất phóng khoáng thể hiện những cảm xúc đam mê dạt dào nữ tính. Mang những trạng thái có vẻ như đối nghịch nhau như thế khiến dòng thơ của lớp thơ nữ này tỏa sức quyến rũ lạ lẫm, tạo nên một lớp độc giả với cảm thụ thi ca mới mẻ.
Khi toàn quốc chiến đấu, người phụ nữ cũng xuất hiện trên các chặng đường của đất nước. Chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ trong cuộc chiến ở Ukraine trên truyền hình, trên YouTube. Họ là các y tá, những chị bếp, hay người nữ chiến binh… nghĩa là tất cả những phương tiện phục vụ cho chiến trường chống lại quân Nga. Nơi đó, giữa những tiếng súng chúng ta nghe được từ màn hình TV, giữa những lời kêu gọi tác chiến, vẫn có những lời thơ đầy nữ tính từ đất nước đau khổ Ukraine. Nhà nghiên cứu Julia Friedrich của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Công Toàn Cầu (Global Public Policy Institute - GPPi) tại Berlin trong bài nghiên cứu về hình ảnh phụ nữ tại Ukraine, nhan đề “Feminist Activism in Ukraine Usually Means Demanding More Weapons” (Hoạt động nữ tính tại Ukraine thường có nghĩa là xin thêm vũ khí) đăng trên tạp chí Tagesspiegel Online bằng tiếng Đức ngày 6/8/2022 cho thấy ngoài làn sóng di tản ra hải ngoại, còn rất nhiều phụ nữ ở lại Ukraine để trở thành trụ cột cho một giềng mối mới
Langston Hughes và Maya Angelou là hai tên tuổi lớn của nền thi ca da đen. Trang thơ xin bắt đầu với Langston Hughes. Ông sinh ở Joplin, Missouri, là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch. Thơ của ông kết hợp nhiều thể loại, mang đậm nét những bài hát dân gian da đen. Ông tôn vinh nền văn hóa người Mỹ gốc Phi châu trong thời kỳ được gọi là Thời kỳ Phục Hưng Harlem.
Là một nhà thơ, một nhà văn, và là một nhà báo. Hẳn là quá nhiều cho một đời người. Và rồi trở thành chiến binh, sau khi quân Nga tiến vào chiếm bán đảo Crimea và tấn công miền Đông Ukraine năm 2014: nhà thơ Borys Humenyuk đã tình nguyện ra trận chống quân Nga. Một số bài thơ của ông được dịch sang tiếng Anh trong tuyển tập Poems From The War, do hai dịch giả Oksana Maksymchuk và Max Rosochinsky thực hiện. Borys Humenyuk ra đời năm 1965 tại ngôi làng Ostriv, thị trấn Ternopil, miền tây Ukraine. Ông là một nhà thơ, nhà văn và nhà báo. Humenyuk đã tham gia tích cực vào những cuộc biểu tình cuối năm 2013 để dẫn tới Cách mạng Nhân phẩm (Revolution of Dignity) của Ukraine trong tháng 2/2014. Những câu chuyện về chiến tranh được kể trong thơ Borys Humenyuk là có thật, không hư cấu.
Chúng ta đều biết rằng Belarus là một nhà nước toàn trị, tuy mức độ cai trị không khắc nghiệt như ở Nga nhưng vẫn là độc tài hơn hầu hết các nước ở Châu Âu. Tuy nhiên văn học Belarus lại là một lĩnh vực không liên hệ bao nhiêu tới những cam kết chính trị của nhà nước Belarus trong nỗ lực hỗ trợ cuộc chiến của Putin tại Ukraine. Những bài thơ được dịch từ tiếng Belarus sang tiếng Anh đang phổ biến trên nhiều mạng trong học giới Hoa Kỳ cho thấy một khuôn mặt văn học Belarus rất mực thơ mộng của một dân tộc đang tìm tới chân, thiện, mỹ. Belarus có khoảng 9 triệu dân, thủ đô là Minsk, từng là một phần của Liên Xô cho tới năm 1991 tới tách ra, được cai trị bởi Tổng Thống Alexander Lukashenko từ năm 1994 (quá lâu, tới 28 năm nắm quyền tối cao). Biên giới Belarus vây quanh bởi Nga, Ukraine, Ba Lan, Lithuania và Latvia. Hơn 40% trong 207,600 cây số vuông (80,200 dặm vuông) là rừng. Belarus bị Thế Chiến 2 tàn phá, mất 1/3 dân số và hơn ½ tài nguyên kinh tế.
Di sản nghệ thuật của nhạc sĩ Cung Tiến không nằm ở số lượng, mà đầy ở phẩm chất. Ngoài những ca khúc, tấu khúc thuần tuý giá trị về âm nhạc, ông còn để lại những bài viết, tiểu luận dưới nhiều đề tài văn học, kinh tế, và truyện dịch. Chúng ta đã đọc, đã nghe khá nhiều về tài hoa và khả năng sáng tác của Cung Tiến từ tuổi 15 cho đến những năm tháng sau cùng. Trong những quà tặng ông để lại tôi đặc biệt yêu thích nghệ thuật phổ thơ thành nhạc của ông, chẳng những cho chúng ta thưởng thức giai điệu bán cổ điển tây phương, ngủ âm đông phương, mà còn mang thơ Thanh Tâm Tuyền, một trong vài thi sĩ hàng đầu trong thời đại của ông đến giới thưởng ngoạn nhạc nghệ thuật và lưu trữ vào kho tàng âm nhạc Việt. Thơ Thanh Tâm Tuyền không dễ phổ thành nhạc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.