Hôm nay,  

Bầu Cử Hoa Kỳ - Thế Và Lực

08/11/200600:00:00(Xem: 28511)

Bầu Cử Hoa Kỳ - Thế Và Lực

Thế giới nhức tim chờ đợi kết quả bầu cử Hoa Kỳ...

Nước Mỹ tổ chức bầu cử vào tháng 11, vì cái gốc nông nghiệp của quốc gia này. Đây là tháng mà việc gặt hái đã xong xuôi. Trong tháng 11, ngày đi bầu là Thứ Ba nối tiếp Thứ Hai đầu tiên trong tháng. Cái luật rắc rối ấy sở dĩ đặt ra vì các gốc sùng đạo của quốc gia này, để tránh bầu cử vào ngày mùng một tháng 11, là ngày Lễ Các Thánh. Nếu ngày Thứ Ba mà rơi vào mùng một thì dân chúng sẽ đi bầu vào Thứ Ba mùng tám, sau ngày Thứ Hai đầu tiên!

Chuyện lắt nhắt này chỉ đáng cho các sử gia hay nhà báo thiếu tin chú ý. Thế giới bên ngoài không biết và có lẽ cũng chẳng cần biết đến chuyện đó, nhưng lại biết rất rõ là bầu cử tại Mỹ có thể làm thay đổi lãnh đạo và chánh sách của Hoa Kỳ. Kẻ thù thì khấp khởi mừng thầm mà đồng minh thì phập phồng lo sợ.

Nếu đem thống kê ra mà nói, các lãnh tụ đồng minh của Mỹ thường có tuổi thọ kém hẳn các lãnh tụ kẻ thù của Mỹ. Và sự nghiệp hoặc có khi mạng sống của họ thường kết thúc cũng do những cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Fidel Castro tại Cuba hay Daniel Ortega tại Nicaragua hiện vẫn còn sống, dù đã từng đối đầu với John Kennedy và Ronald Reagan. Còn Ngô Đình Diệm, Quốc vương Palahvi của Iran hay Phác Chung Hy của Nam Hàn, và biết bao người khác nữa…hồn ở đâu bây giờ"

Vì vậy, ngày Thứ Ba vừa qua, cả nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới đều chờ đợi một trân động đất.

Theo vòng quay của địa cầu và kim chỉ giờ của đồng hồ, động đất sẽ chạy từ Đông sang Tây. Người ta chờ đợi động đất vì đảng Dân Chủ sẽ thắng lớn. Thứ nhất vì sự mệt mỏi của quốc dân với đảng đang cầm quyền, trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống - nhất là nhiệm kỳ hai tức là sau sáu năm cầm quyền - đảng của tổng thống thường bị mất ghế nặng. Thứ hai, dân Mỹ hết kiên nhẫn với Tổng thống George W. Bush và chuyện Iraq nay chưa ngã ngũ mà chỉ làm lính Mỹ ngã gục trong khi Tổng thống cứ nói là mình sẽ thắng. Thứ ba, dân Mỹ không tha thứ được những tai tiếng tầy trời bùng nổ trong đảng Cộng Hoà, xưa nay tự xưng và thường được coi là có chuẩn mực đạo đức cao hơn. Vì vậy, mặc dù kinh tế phát đạt, đảng Dân Chủ vẫn tràn trề hy vọng "giành lại đất nước" (theo lời nói của Nghị sĩ Chuck Schumer, chiến lược gia tranh cử Thượng viện của đảng Dân Chủ), tức là chiếm thêm 15 ghế Dân biểu và sáu ghế Nghị sĩ của đảng Cộng Hoà. 

Cho đến giờ này, khi việc kiểm phiếu bắt đầu tại miền Đông, người ta chưa thấy đất trời rung chuyển và các đại diện dân cử của Cộng Hoà rơi rụng như sung. Có lẽ phải đợi đến khuya, hoặc nhiều ngày nữa nếu kết quả quá khít khao sẽ dẫn tới tranh cãi và kiện tụng về việc kiểm phiếu. Cuộc bầu cử 2006 đạt kỷ lục ở số tiền vận động và những thủ đoạn tranh cử tồi tệ, cho nên kiện cáo sẽ là sự thường.

Nghị sĩ Dân Chủ Thomas P. O'Neill  từng khuyên bảo từ nhiều thập niên trước, rằng mọi kết quả bầu cử đều tùy thuộc vào tình hình địa phương. Lần này, chiến lược tranh cử của đảng Dân Chủ lại hướng vào một vấn đề toàn quốc, thậm chí toàn cầu: bầu cho Dân Chủ để bất tín nhiệm chính quyền Bush. Vì vậy, túi khôn cổ điển của mọi người có thể gặp bất ngờ. Và nếu đảng Dân Chủ không thắng lớn, hoặc chỉ chiếm được Hạ viện, thì lại bi coi là thất bại.

Ngược lại, đảng Cộng Hoà biết rõ là mình sắp bị làm thịt nên dồn sức khai triển sở trường là huy động cơ sở đi bầu thật đông, thật nhiều. Nỗi lo Cộng Hoà có thể đã đánh thức quần chúng và cử tri của đảng nên trong hai ngày trước bầu cử, các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy mức thất thế của đảng được thu hẹp - nhưng vẫn là thất thế. Và thất cử mấy ghế thì dân chưa bầu là ta chưa biết. Mà các cuộc thăm dò dư luận thường nổi tiếng là đoán trật, cho nên kết quả có thể gây bệnh nhức tim, sau một đêm mất ngủ.

Đệ nhất siêu cường thực thi dân chủ tất cũng phải có nét khác với thiên hạ.

Nhìn từ bên ngoài, thế giới gãi tai không hiểu.

Đảng Cộng Hoà bị cử tri trừng phạt vì một Dân biểu lưu manh gian dối phạm tội tình dục với  một thiếu nhi nam phái, Mark Foley của Florida, hoặc vì một Nghị sĩ có lời đùa cợt khiếm nhã với một người thiểu số (macaque, có thể phỏng dịch là "khỉ gió", "ma gà") là George Allen của Virginia. Hoặc dân Mỹ bỏ phiếu chọn người lãnh đạo các địa phương như South Dakota, South Carolina hay Wisconsin vì những vấn đề thế giới cho là vô hại, phụ thuộc, hôn nhân đồng tính chẳng hạn.

Toàn quốc hay cục bộ địa phương, vì lý do nào đi nữa thì dân Mỹ đang hành xử quyền dân chủ và đưa lên một tầng lớp lãnh đạo mới để kiểm soát, ngăn chăn hoặc chia bớt quyền lực của một Tổng thống Cộng Hoà và một Lập pháp Cộng Hoà.

Lá phiếu của người dân Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chánh sách của lãnh đạo. Vì sức nặng của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, chánh sách mà thay đổi, nhiều quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng.

Rất nhiều Dân biểu Mỹ được bầu lên vì lý do dân sinh bình thường ở địa phương và xưa nay chỉ xuất ngoại để du lịch và có sự hiểu biết tầm thường về thế giới nhưng vẫn có thể lấy những quyết định làm thế giới bị rung chuyển. Chúng ta gọi đó là cái thế.

Dù chỉ hai năm mọc lại một lần, ngọn cỏ trên đỉnh núi luôn luôn cao hơn cây thông già dưới đáy vực. Nhìn từ bên ngoài, nhiều dân biểu Mỹ cũng vậy.

Nếu đảng Dân Chủ thắng cử tại Hạ viện, người ta chờ đợi là Tổng thống Bush và ban tham mưu sẽ bị điều tra truy tố vì tội chểnh mảng với nhiệm vụ diệt trừ khủng bố khiến nước Mỹ bị tấn công năm 2001, sau đó lại gian đối đánh lừa dư luận về lý do tấn công Iraq. Việc điều tra ấy giúp cho đảng này khỏi đưa ra một giải pháp thay thế hay cứu vãn, có khi gây ảnh hưởng bất lợi cho cuộc tổng tuyển cử 2008 (trong đó sẽ bầu cả tổng thống). Đấy là chính trị lẽ thường của Hoa Kỳ.

Nhưng, việc điều tra ấy tất nhiên dẫn đến rất nhiều tiết lộ hoặc biện hộ có thể gây họa cho các quốc gia khác. Chẳng hạn, lãnh đạo các nước hợp tác về tình báo với Mỹ sẽ ngồi trên lửa. Dù là điều tra hay điều trần mật, nhiều chi tiết sẽ được các chính khách hay nhân viên xì ra cho truyền thông để tác động vào chính trường và đồng minh với Mỹ sẽ hết đất trốn.

Ngược lại, nhiều quốc gia chống Mỹ bằng mồm với lý cớ là không đồng ý với đường lối của Bush cũng hết đất chạy. Nếu đảng Dân Chủ giành được cả đa số trong Quốc hội, họ sẽ chi phối được đối sách ngoại giao của Mỹ và kêu gọi các nước cùng hợp tác theo chiều hướng đa phương thay vì đơn phương ngang ngược kiểu Bush. Lúc đó, còn lý cớ gì để thoái thác không"

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có phản ứng chống Mỹ vì những lý do chẳng liên hệ đến ông Bush. Bây giờ, Tổng thống Mỹ trở thành con vịt què -- theo lối nói thông dụng của chính trường Mỹ, lại bị cắt cánh, các nước này sẽ ăn nói làm sao" Nước Pháp chẳng hạn, đã đòi rút quân khỏi Afghanistan, nếu Hoa Kỳ thay đổi chánh sách và kêu gọi Pháp đình hoãn quyết định ấy, Tổng thống Chirac sẽ trả lời ra sao"

Và nếu đảng Dân Chủ có thế mạnh tại Quốc hội, nước Mỹ sẽ còn mạnh miệng đấu tranh với Liên hiệp Âu châu và các nước khác về ngoại thương. Khi tranh cử, nhiều Dân biểu Nghị sĩ Dân Chủ đã đả kích chánh sách kinh tế tự do của ông Bush và muốn có biện pháp bảo hộ mậu dịch quyết liệt hơn. Đạo luật "fast track" mà ông Clinton vận động không nổi và chỉ được thông qua năm 2002, đã cho Tổng thống được rộng quyền thương thuyết về ngoại thương với các nước. Đạo luật ấy sẽ mãn hạn vào tháng Sáu năm tới và nhiều phần sẽ không được tái tục. Mâu thuẫn và xung đột về mậu dịch sẽ bùng nổ, và sẽ lại gây ra phản ứng chống Mỹ.

Trong kỳ bầu cử này, người dân Mỹ đã bỏ phiếu vì những lý do rất đời thường, quyền phá thai hay mua súng chẳng hạn, nhưng cái thế quá lớn của Hoa Kỳ khiến lá phiếu của họ có sức nặng ngàn cân với nhiều quốc gia khác.

Điều này, nhiều người Mỹ không biết mà cũng chẳng cần biết, cho nên không hiểu vì sao thiên hạ nhiều người ghét Mỹ!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Virus bệnh cúm không ngừng biến hóa một cách khó hiểu được. Về căn bản, bệnh cúm do virus Influenza gây ra, và gồm có 3 nhóm chính: Influenza A, Influenza B và Influenza C.
Ký giả Trương Minh Đức đã được điều trị. Bản tin sau do Đảng Vì Dân phổ biến như sau.
Tháng Ba năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam bốc lên cõi ảo, với chỉ số VNIndex tại Sàigòn chờn vờn đỉnh cao 1.170 điểm.
Báo Zimbabwe đưa tin kết quả tái kiểm phiếu đầu tiên cho thấy đảng của TT Mugabe thắng thêm 1 ghế dân biểu
Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona) -- người được nhìn như ứng viên Cộng Hòa hàng đầu để tranh chức Tổng Thống Mỹ năm 2008
LTS. Các quan điểm trong bài này là của riêng nhà văn Chu Tất Tiến, không phản ánh quan điểm Việt Báo. Đặc biệt, tác giả nhận xét rằng luật sư Dina Nguyễn
Hoa Kỳ có cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ; đúng 10 ngày sau, Tổng thống Mỹ George W. Bush chính thức thăm viếng Việt Nam nhân dịp tới Hà Nội tham dự Thượng đỉnh của Diễn đàn
Cuộc tranh cử vào chức vu. Thượng nghị sĩ địa hạt 34 đang hồi gay cấn giữa hai đối thủ kỳ cựu: bà Dân biểu Lynn Daucher thuộc đảng Cộng hoà và ông Giám sát viên Lou Correa thuộc đảng
Tôi rất đồng tình với bài viết "Từ Cú Sốc Vụ Tân Nguyễn" (Việt Báo Thứ Hai, 10/30/2006) của tác giả Vi Anh.  Chúng ta nên đi bầu.  Tôi không đề nghị chúng ta nên bỏ phiếu
Sinh hoạt dân chủ ở Mỹ là trong tinh thần mỗi cử tri một lá phiếu. Bầu chọn cho ai là quyền công dân và mỗi lá phiếu đều quan trọng. Không tin bạn cứ hỏi ông dân biểu liên bang của Quận Cam
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.