Hôm nay,  

Bầu Cử Tại Hoa Kỳ Và Việt Nam

07/11/200600:00:00(Xem: 29296)

Bầu Cử Tại Hoa Kỳ Và Việt Nam

Nếu không kịp được quy chế PNTR, Việt Nam có khi bị vạ lây vì phản ứng bảo hộ mậu dịch của Quốc hội mới...

Hôm nay thứ Ba mùng bảy tháng 11, Hoa Kỳ có cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ; đúng 10 ngày sau, Tổng thống Mỹ George W. Bush chính thức thăm viếng Việt Nam nhân dịp tới Hà Nội tham dự Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC, một chuyến thăm viếng được coi là lịch sử.

Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về ảnh hưởng của cuộc bầu cử ấy đối với quan hệ Mỹ-Việt qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện. Nhà kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cũng là nhà quan sát và bình luận thời sự quốc tế. Ngày thứ ba tuần sau ông sẽ được trao tặng một giải thưởng của Hiệp hội truyền thông của người thiểu số ở Hoa Kỳ, cho bài báo của ông về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. 

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, hôm nay dân Mỹ đi bầu giữa nhiệm kỳ - vì cuộc bầu cử được tiến hành ở giữa nhiệm kỳ của Tổng thống. Thế giới rất quan tâm đến cuộc bầu cử này, và dư luận Việt Nam có thể cũng quan tâm, vì mối quan hệ đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và vì đúng 10 ngày sau đó, Tổng thống George W. Bush sẽ chính thức thăm viếng Việt Nam nhân dịp tham dự Thượng đỉnh APEC. Vì vậy, chúng tôi xin đề nghị là kỳ này ta sẽ cùng tìm hiểu về ảnh hưởng của cuộc bầu cử tại Mỹ đối với quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. 

Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi thuộc về bối cảnh của vấn đề, ông có nhận xét tổng quát gì về cuộc bầu cử năm nay tại Hoa Kỳ"

- Theo các thống kê về bầu cử tại Mỹ từ sau Thế chiến II đến nay, tức là từ hơn nửa thế kỷ vừa qua, thì trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là khi vị tổng thống vẫn còn tại chức và không ra tranh cử, đảng của tổng thống thường bị mất phiếu tại Quốc hội. Ngoại lệ có xảy ra, như trong năm 2002, nhưng rất hy hữu. Cũng theo thông lệ thì đảng nào kiểm soát Hành pháp còn thất cử nặng hơn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của nhiệm kỳ hai, khi Tổng thống Mỹ cầm quyền được sáu năm liên tục. Một vị tổng thống được lòng dân như ông Ronald Reagan vào năm 1988, khi nước Mỹ không có chiến tranh và kinh tế phát triển tốt đẹp, đảng Cộng hoà của ông không bị tai tiếng gì mà cũng mất sáu ghế tại Thượng viện vào năm thứ sáu của ông. Sau cùng, cũng theo kinh nghiệm cũ, khi tỷ lệ ủng hộ tổng thống sụt dưới 50% thì đảng của ông ta phải mất ít nhất 15 ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

- Hỏi: Vậy mà kỳ này, tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Bush lại chỉ mấp mé 40% và đảng Dân chủ đối lập chỉ cần chiếm thêm được 15 ghế Hạ viện là có thể kiểm soát được Hạ viện phải không"

- Kỳ này đảng Dân chủ chỉ cần đoạt thêm 15 ghế tại Hạ viện và sáu ghế tại Thượng viện là kiểm soát được cả hai viện, và từ đó chi phối được các quyết định của Hành pháp thuộc đảng Cộng hoà. Điều đáng chú ý lần này là cho đến những ngày cuối - thậm chí giờ cuối và có thể còn kéo dài vài ngày nữa nếu số phiếu quá khít khao và cần kiểm lại theo thủ tục bất thường - chưa ai rõ là đảng Dân chủ có thắng lớn tại cả hai viện hay không. Mà kinh nghiệm cho thấy là các viện thăm dò dư luận đều có thể lầm, lần mới nhất là về cuộc bầu cử tổng thống năm 2004. Vì vậy, đây là một trong những cuộc bầu cử ly kỳ nhất đối với dư luận Hoa Kỳ.

Cho đến Thứ Hai, tức là hôm qua, 24 tiếng trước khi các phòng phiếu mở cửa, đa số các cuộc thăm dò ý kiến đều cho là đảng Dân chủ có thể thắng tại Hạ viện, số ghế nhiều ít thì tùy trung tâm thăm dò. Nhưng tại Thượng viện thì đến giờ chót tình hình chưa ngã ngũ là đảng Dân chủ có đoạt thêm được sáu ghế Nghị sĩ từ đảng Cộng hoà hay không.

- Hỏi: Một câu hỏi cuối về cuộc bầu cử trước khi ta nói đến quan hệ Mỹ-Việt sau bầu cử. Những vấn đề gì đã ảnh hưởng mạnh nhất đến lá phiếu cử tri Hoa Kỳ lần này"

- Năm 1992, thân phụ của đương kim tổng thống ra tái tranh cử cho nhiệm kỳ hai lại thất cử, dù ông George H. Bush này vừa giải quyết tốt đẹp cuộc chiến 1991 tại Iraq. Lý do chỉ vì kinh tế suy trầm nhẹ năm 1991 và đã hồi phục mà cử tri chưa biết. Năm đó, ông Bill Clinton bất ngờ thắng Tổng thống Bush cha nhờ khẩu hiệu xin nôm na gọi là “kinh tế mới là quyết định”.

Năm nay, kinh tế tăng trưởng tốt đẹp với tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 4,4%, thấp hơn bình quân của bốn chục năm qua, và với năng suất lao động gia tăng nên cải thiện được mức lương cho đa số người dân. Nhưng cử tri thất vọng về Tổng thống Bush, về cuộc chiến tại Iraq và nhiều tai tiếng trong đảng Cộng hoà. Đảng Dân chủ lại tập trung khai thác sự thất vọng ấy nên có thể chiếm đa số trong Quốc hội từ tháng Giêng năm tới. 

- Hỏi: Chúng ta trở lại đề mục chính dù kết quả chưa ngã ngũ: Những gì có thể xảy ra trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nếu như đảng Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội kỳ này"

- Về bối cảnh, đảng Dân chủ có thể kiểm soát được Quốc hội, hoặc chỉ Hạ viện, nhưng ông Bush thuộc đảng Cộng hoà vẫn lãnh đạo Hoa Kỳ đến tháng Giêng năm 2009. Từ nay tới đó, Hoa Kỳ còn có tổng tuyển cử mùng bốn tháng 11 năm 2008 để bầu Tổng thống mới, tất cả 435 Dân biểu, một số Nghị sĩ và Thống đốc mãn nhiệm, chưa kể các chức vụ dân cử khác ở địa phương. Tổng tuyển cử 2008 mới thực sự có ý nghĩa toàn quốc và toàn cầu vì sẽ bầu lên lãnh đạo mới. Cuộc bầu cử năm nay chỉ là một phần tổng diễn tập cho năm 2008 mà thôi.

Về mối quan tâm của chúng ta là quan hệ Mỹ-Việt, xin nói lẽ thật là trong cục diện hiện nay của Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ có mức ưu tiên thấp so với bao mối quan tâm khác của người dân, cử tri và lãnh đạo Mỹ. Điều thứ hai là, về đại thể, đối sách của Hoa Kỳ với Việt Nam có sự thống nhất giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, trong tiểu tiết mới có sự khác biệt. Với Hành pháp vẫn thuộc đảng Cộng hoà, nếu Quốc hội có do đảng Dân chủ kiểm soát thì Mỹ vẫn không có nhiều thay đổi trong từng chính sách với Việt Nam.

- Hỏi: Tức là nếu đảng Dân chủ có chiếm đa số tại Quốc hội sau cuộc bầu cử này thì điều ấy cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng thống Bush"

- Về đại thể, đối sách của Mỹ với Việt Nam có tính lưỡng đảng, có sự ủng hộ của cả hai đảng. Vì vậy tầm quan trọng của chuyến đi sắp tới của Tổng thống Bush là điều hiển nhiên.

Nhưng tình hình nội bộ Mỹ có thể dẫn đến nhiều khác biệt về tiểu tiết. Tôi xin lấy một thí dụ: một số dư luận tại Mỹ cho là Việt Nam chưa được quy chế mậu dịch bình thường và vĩnh viễn, gọi là PNTR, vì nhiều nhân vật Dân chủ trong Quốc hội không muốn ông Bush tới Việt Nam với một món quà có ý nghĩa rất đẹp khả dĩ làm lu mờ chuyến đi của ông Clinton năm 2000. Sự bận rộn của Quốc hội Mỹ vào mùa bầu cử và cả những khiếm khuyết của Hà Nội về mặt nhân quyền và dân chủ có thể là lý do, nhưng những tính toán trong hậu trường chính trị Mỹ vào mùa bầu cử cũng có ảnh hưởng riêng mà người ta cần nhìn ra. Đáng lẽ Việt Nam sớm biết và tránh để bị kẹt vào thời cơ gay go tế nhị này của Hoa Kỳ.

- Hỏi: Nhưng thật ra nếu ta nhìn từ phía Việt Nam thì dù có gay go Việt Nam cũng phải khai thác những thuận lợi lớn hơn ở thời gian này, vào lúc khách đến nhà không quà thì cũng bánh. Tức là Tổng thống Mỹ muốn đem làm quá cái bánh WTO và có thể cả PNTR, nếu may mắn cho Việt Nam mà ông nghị sĩ ở Florida không dìm cái PNTR này vì Việt Nam giam giữ và đòi xét xử một công dân gốc Việt của tiểu bang Florida. Phải không ông" Nhưng để trở lại ý kiến của ông, đề nghị ông trình bày cho rõ hơn, rằng đại thể như thế nào và tiểu tiết như thế nào"

- Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều muốn bình thường hoá quan hệ mọi mặt với Việt nam để giúp Việt Nam chuyển hướng qua kinh tế thị trường, phát triển dân chủ và ổn định được bên trong hầu khỏi gây nguy cơ bất ổn khác trong khu vực Đông Nam Á. Lộ trình bình thường hóa do chính quyền George H. Bush, gọi là Bush 41, vị Tổng thống Cộng hoà lãnh đạo từ 1988 đến 1992, đã được chính quyền Clinton xúc tiến sau đó để tiến tới việc tái lập bang giao rồi Hiệp định Thương mại với Việt Nam. Chính quyền Bush ngày nay, gọi là Bush 43, thúc đẩy tiếp việc đó qua nỗ lực hợp tác mọi mặt, kể cả quốc phòng, hay hồ sơ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và quy chế PNTR hoặc viện trợ để ngăn ngừa bệnh Liệt kháng và vi khuẩn HIV. Về đại thể, lý do của đối sách lưỡng đảng này là vì đảng Dân chủ có mặc cảm đã vụng dại can thiệp vào Việt Nam dưới các chính quyền Kennedy và Johnson. Còn đảng Cộng hoà thì tin là giải phóng kinh tế theo quy luật tự do sẽ góp phần dẫn đến thay đổi xã hội và chính trị tốt đẹp hơn. Và nói chung, dân Mỹ ủng hộ việc đó vì muốn hàn gắn lại về tâm lý.

- Hỏi: Đó là về đại thể. Còn về tiểu tiết thì sao" Khi đảng Dân chủ kiểm soát được Quốc hội thì có gì thay đổi không"

- Tôi thiển nghĩ rằng có, vì triết lý chính trị lẫn quan điểm kinh tế của đảng Dân chủ, nhất là vì nhiều thay đổi dưới hạ tầng cơ sở của đảng, ngày càng cực tả và chống toàn cầu hoá. 

Về đại lược, đảng Dân chủ có triết lý “hữu vi” vì chủ trương là chính quyền phải can thiệp vào thị trường để chủ động điều chỉnh những bất toàn của quy luật cung cầu hầu bảo vệ được công bằng xã hội. Đi vào áp dụng, chủ trương ấy dẫn tới phản ứng bao cấp bên trong và bảo hộ mậu dịch bên ngoài. Thí dụ nóng hổi nhất là lập trường chống làm gia công tại nước ngoài.

Lý luận của họ là công nhân các nước nghèo cướp mất việc làm của thợ thuyền Mỹ. Thí dụ như các doanh nghiệp dệt may của Mỹ mà đầu tư vào Việt Nam để ráp chế hàng may mặc và tái xuất khẩu về Mỹ có thể gặp khó khăn. Đây không là một giả thuyết.

Giữa cuộc tranh cử, nhiều Nghị sĩ Dân biểu của đảng đã báo trước là nếu chiếm được đa số trong Quốc hội, họ sẽ xét lại các cam kết về ngoại thương của chính quyền Bush nếu chúng làm công nhân Mỹ mất việc. Họ nêu ra cụ thể là thương ước Hoa Kỳ đã ký với Việt Nam và Peru hoặc đang đàm phán với Colombia, Malaysia và Nam Hàn và sẽ đòi trừng phạt chế độ ngoại hối của Trung Quốc mà họ cho là để ngầm yểm trợ xuất khẩu.

Tháng Sáu tới, đạo luật cho phép Tổng thống được rộng quyền thương thảo về mậu dịch theo thủ tục nhanh gọn sẽ hết hạn và khó được tái tục nếu đảng Dân chủ kiểm soát được Quốc hội. Nếu không kịp giành được quy chế PNTR, Việt Nam có khi bị vạ lây vì phản ứng bảo hộ mậu dịch của Quốc hội mới. Tình hình tranh cử càng gay go, hơn thua chỉ có vài ngàn hay vài trăm phiếu, thì phản ứng bảo hộ mậu dịch sẽ càng mạnh. Nói rộng ra, vòng đàm phán Doha của WTO lại bị đình hoãn, với hậu quả bất lợi cho các nước nghèo, trong đó có cả Việt Nam.

- Hỏi: Ông nêu ra một vấn đề bất ngờ trong cái điều mà ông gọi các tiểu tiết. Ngoài phản ứng bảo hộ mậu dịch, người ta còn có thể gặp những đổi thay gì khác hay không"

- Dù nhận được sự yểm trợ tài chính của các tập đoàn lớn, chẳng kém gì đảng Cộng hoà, đảng Dân chủ vẫn có thói quen thiên tả là nghi ngờ quy luật thị trường và chủ nghĩa tư bản nên kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp. Từ nhiều năm nay, cơ sở của đảng còn chuyển dịch mạnh hơn về cánh tả, tìm điểm tựa vào công đoàn, triệt để bảo vệ môi sinh đồng thời hợp tác với các cơ quan ngoài chính phủ mà ta hay gọi tắt theo Anh ngữ là NGO.

Trong tương lai, ít ra là từ nay đến cuộc bầu cử 2008, các nhóm áp lực từ phía công đoàn, môi sinh và các NGO sẽ có thế mạnh để xem xét và can thiệp vào thị trường, tại Hoa Kỳ và ở nước ngoài. Họ đặt ra tiêu chuẩn nghiêm khắc hơn về lao động, môi sinh, phúc lợi xã hội và cả quản trị kinh doanh nữa. Trong giả thuyết ấy, người ta nên chờ đợi những đòi hỏi mới, hoàn toàn khác và khó thỏa mãn hơn, khi tiếp cận với thị trường Mỹ và khi liên doanh với doanh nghiệp Mỹ. Điều ấy, Việt Nam sẽ sớm biết kể từ đầu năm tới trở đi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ứng cử viên Dân biểu liên bang Jim Brandt chiều Thứ Bảy đã mở cuộc tiếp xúc với cử tri gốc VN
Khoảng 12 giờ trưa Thứ Sáu 20-10, non 18 ngày trước bầu cử, cảnh sát Bộ Tư Pháp tiểu bang California
Trong mùa bầu cử sắp tới, cử tri trên toàn California sẽ có cơ hội biểu quyết một số các dự luật trưng cầu dân ý
NSW: Cựu vô địch quyền anh thế giới Anthony Mundine đang chuẩn bị ra ứng cử vào quốc hội với tư cách độc lập trong cuộc bầu cử tiểu bang tháng Ba năm tới. “The Man” sẽ tranh cử ở Marrickville, chiếc ghế hiện đang được nắm giữ bởi Bộ trưởng Giáo dục Carmel Tebbutt
Còn quá sớm để bàn về cuộc tranh cử tổng thống 2008 tại Hoa Kỳ. Nhưng kỳ bầu cử này là một biệt lệ. Nếu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau làm chủ tòa Bạch Ốc thì năm 2008 đảng Dân chủ có nhiều cơ hội nắm lại tòa Bạch Ốc đã ở trong tay đảng Cộng hòa 8 năm, và đang gặp
Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Iraq có hai hình ảnh khác nhau… Trong năm 2005, người dân Iraq đã ba lần đội bom đi bầu và hoàn tất được một bản Hiến pháp, bầu ra một Quốc hội và sau cùng Quốc hội chỉ định được một Thủ tướng để lập xong một Nội các vào đúng ngày trùm khủng bố của al-Qaeda là Abu Musab al-Zarqawi bị hạ.
Cử tri Đoàn Văn Hoàng bỏ phiếu cho ông Chuck Reed trong ngày bầu cử thứ Ba vừa qua. Không muốn tin nhưng rồi hình như cũng phải tin. Bởi vì khi ba số 6 cùng nhập vào ngày thứ Ba bầu cử vừa qua – thì đó cũng là điềm xấu cho người này và điềm tốt cho người khác. Tất cả những dự đoán
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.