Hôm nay,  

Iraq Và Bầu Cử 2006

16/06/200600:00:00(Xem: 20039)

Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Iraq có hai hình ảnh khác nhau…

Trong năm 2005, người dân Iraq đã ba lần đội bom đi bầu và hoàn tất được một bản Hiến pháp, bầu ra một Quốc hội và sau cùng Quốc hội chỉ định được một Thủ tướng để lập xong một Nội các vào đúng ngày trùm khủng bố của al-Qaeda là Abu Musab al-Zarqawi bị hạ.

Sau khi Zarqawi bị hạ, Liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo đã mở ra mấy trăm vụ tảo thanh, bắt được hơn 400 tay khủng bố và rất nhiều tài liệu, trong đó quan trọng nhất là chiến lược của al-Qaeda do al-Zarqawi đề xướng là gây ra cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Iran.

Những sự kiện trên đang tác động vào chính trường Hoa Kỳ, với cao điểm là các cuộc tranh luận tại hai viện trên và dưới của Quốc hội Mỹ vào ngày Thứ Tư 14.

Sau kỳ bầu cử sơ bộ tuần trước, người dân Hoa Kỳ sẽ có bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 này. "Giữa nhiệm kỳ" là giữa nhiệm kỳ bốn năm của Tổng thống.

Trong cuộc bầu cử 2006 này, đảng Dân chủ mong là sẽ giành lại đa số bị mất từ 1994 tại Hạ viện và nếu có thể tại cả Thượng viện để lãnh đạo Lập pháp. Bài toán của đảng là làm sao kiểm soát được Quốc hội cho tới cuộc bầu cử kế tiếp vào năm 2008, để có thể nắm được cả Lập pháp và Hành pháp.

Còn năm tháng nữa là đến kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ, cả hai đảng đều tự chuẩn bị cho cuộc tranh cử ấy và vì 35% dân Mỹ (hiện đang) coi chuyện Iraq là quan trọng nhất (trên chuyện xăng dầu 28% và di dân 26%), Quốc hội đã chụp lấy chuyện Iraq làm đề tài tranh luận.

Trong đảng Dân chủ, vốn thiên tả hơn đảng Cộng hoà, người ta có thể phân biệt cánh tả lý tưởng và phản chiến, điển hình là các Nghị sĩ Ted Kennedy và John Kerry, với cánh tả thực tiễn mà điển hình là Nghị sĩ Hillary Clinton. Về lập trường và lý luận, cả hai xu hướng đang cố tìm ra chương trình hành động để quốc dân chọn lựa và trong các nơi vận động, có Trung tâm Progressive Policy Institute là một lò trí tuệ Dân chủ theo xu hướng ôn hoà và thực tiễn so sánh với tổ chức "Campaign for America's Future" thiên tả và chủ hoà hơn.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa được biết một cách cụ thể là đảng Dân chủ đề nghị những gì với quốc dân, ngoài những lập luận phê phán chính quyền Bush và đảng Cộng hoà. Trong ba ngày qua, 12 đến 14, nhiều nhân vật trong đảng cũng đã tham dự cuộc Hội thảo "Take Back America" để trình bày những chủ điểm của đảng hầu giành lại đa số tại Quôc hội. Kết quả hội thảo ấy là một sự khác biệt quá lớn giữa hai phe tả, lý tưởng và thực tiễn, ở trong đảng. Bà Clinton còn bị ồn ào phản đối vì chỉ phê bình chính quyền chứ không phản đối cuộc chiến tại Iraq, như ông Kerry đã làm, sau khi đã "lầm lẫn đồng ý"!

Bên phía Cộng hoà, trước những biến cố có vẻ thuận lợi về tình hình Iraq và nhất là sự thiếu thống nhất bên đảng Dân chủ đối với hồ sơ Iraq, các đại biểu dân cử đã một lúc tung ra hai đòn.

Tại Thượng viện, khi Nghị sĩ John Kerry tính đưa ra dự luật định ngày rút quân, thì các Nghị sĩ Cộng hoà chặn đầu bằng đề nghị của mình, là đòi Mỹ phải rút quân vào cuối năm nay. Kết quả bỏ phiếu là 93 vị chống, sáu vị thuận đều là Nghị sĩ Dân chủ.

Tại Hạ viện, các Dân biểu Cộng hoà đệ nạp dự luật H.R. 861 với nội dung lồng vấn đề Iraq vào toàn bộ cuộc chiến chống khủng bố của xu hướng Hồi giáo cực đoan và với mục đích chặn đứng yêu cầu bên đảng Dân chủ là định ngày rút quân. Đảng Dân chủ khéo nói theo giọng của Dân biểu chủ hoà John Murtha là "tái phối trí" redeployment, thực chất vẫn là định ngày rút. Và cuộc tranh luận kéo dài suốt ngày Thứ Tư, với các Dân biểu Dân chủ nhắc lại những đả kích đã quen thuộc và phe Cộng hoà phản pháo bằng những dữ kiện mới nhất, kể cả các dữ kiện do bộ Quốc phòng kín đáo cung cấp.

Nhận xét của người viết khi theo dõi các cuộc tranh luận này là Quốc hội Mỹ vừa thoát khỏi một vụ Việt Nam nữa! Ít ra lần này.

Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng Sáu này, năm tháng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đã không quyết định tháo chạy như đã từng quyết định trước đây về vụ Việt Nam.

Đảng Dân chủ phải tìm ra ưu thế khác để giành lại quyền kiểm soát Quốc hội.

Ngay cả trong giả thuyết lạc quan là đảng này chiếm đa số tại Quốc hội vào đầu năm 2007, vấn đề an ninh đối ngoại vẫn thuộc phạm vi quyết định của Tổng thống cho đến đầu năm 2009, và đảng này chỉ có thể tác động khi có tin xấu. Hoa Kỳ càng gặp thất lợi ngoài chiến trường, tại Afghanistan, Iraq hay với các chế độ hung đồ như Iran, Bắc Hàn, thì đảng Dân chủ càng có lợi thế, nhưng là một lợi thế tai hại.

Đó là tự chuyển dịch về phía cực tả, trở thành đồng lõa với xu hướng kịch liệt chống Mỹ trong chính trường hay dư luận Mỹ, hoặc lấy việc tấn công chính quyền Bush làm mục tiêu. Nếu như có thể thắng vào năm 2006 - xác suất cực thấp - đảng Dân chủ sẽ trả giá nặng vào năm 2008, hy vọng chiếm lại đa số trong cả Lập pháp lẫn Hành pháp sẽ tiêu tan.

Lại càng sớm tiêu tan nếu từ nay đến đó, quân khủng bố cố giáng được một đòn tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ, là điều vẫn có thể xảy ra dù với xác suất thấp.

Ưu thế khác để đảng Dân chủ giành lại đa số trong Quốc hội là gì"

Là những đề tài thuộc về nội chính, như xã hội, môi sinh, năng lượng. Chuyện xăng dầu tăng giá và hiện tượng nhiệt hoá địa cầu có thể là đề tài ăn khách để lồng chung vào một đề nghị hấp dẫn cho quần chúng bình dân và xu hướng bảo vệ môi sinh chẳng hạn. Chuyện nâng đỡ di dân đồng thời bảo vệ quyền lợi của dân thiểu số có thể là một ý hướng khác để thỏa mãn nhiều thành phần cử tri - nhất là trấn an cử tri da đen rằng việc thông cảm với di dân nhập lậu sẽ không gây thiệt hại cho đồng lương của người lao động da đen thiếu tay nghề…

Nhưng, muốn tìm ra chương trình ăn khách như vậy thì phải có thời gian và nhất là khả năng giải thích và vận động dư luận. Chuyện ấy khó hoàn tất được trong vài tháng và càng khó đạt kết quả nếu đảng Dân chủ chỉ lấy việc đả kích Hành pháp hay khai thác tin xấu ngoài chiến trường làm mục tiêu tranh cử.

Sau khi loại bỏ được al-Zarqawi, chính phủ mới của Iraq đang phải xử lý với một bài toán nhức đầu, đó là làm sao đòi hỏi phe Shia đang chiếm đa số cũng nhượng bộ như phe Sunni đã nhượng bộ. Trong nội bộ phe Shia này, xu hướng độc lập với Iran đang có mâu thuẫn với xu hướng thân Iran và việc giải giới dân quân hay lực lượng võ trang của các giáo phái Shia để thành lập một quân đội và hệ thống an ninh "trung lập" có thể là một thách đố lớn cho tương lai, sau những thành quả nhất thời từ vụ al-Zarqawi bị hạ.

Nhưng, mặc dù như vậy và nhất là sau khi chứng kiến những tranh luận tại Hoa Kỳ về chuyện Iraq, người ta có thể thấy rằng các đại diện dân cử tại Iraq đáng kính trọng hơn nhiều.

Họ đang nhặt từng viên gạch để xây dựng cơ chế dân chủ chưa từng có cho xứ sở, và làm việc ấy trong khung cảnh bạo động, với rất nhiều áp lực từ mọi phía. Chúng ta không biết họ là những ai, thuộc phe nào, nhưng biết là Iraq có ổn định hay không, Hoa Kỳ có thể bắt đầu rút quân hay chưa và ảnh hưởng của khủng bố Hồi giáo có suy giảm hay không tại Trung Đông, v.v… chính là nhờ những người này.

Mưu lược và nhất là sự can đảm của họ có lẽ vượt xa nhiều vị đại diện dân cử của Hoa Kỳ đã kịch liệt tranh cãi với luận điệu hàm hồ tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ vào ngày Thứ Tư 14 hôm qua. Phải chăng điều ấy cũng giải thích vì sao chỉ có 22% dân Mỹ tin tưởng vào cơ chế có đầy uy quyền của nền dân chủ Hoa Kỳ là Quốc hội"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sinh hoạt dân chủ ở Mỹ là trong tinh thần mỗi cử tri một lá phiếu. Bầu chọn cho ai là quyền công dân và mỗi lá phiếu đều quan trọng. Không tin bạn cứ hỏi ông dân biểu liên bang của Quận Cam
Ứng cử viên Dân biểu liên bang Jim Brandt chiều Thứ Bảy đã mở cuộc tiếp xúc với cử tri gốc VN
Khoảng 12 giờ trưa Thứ Sáu 20-10, non 18 ngày trước bầu cử, cảnh sát Bộ Tư Pháp tiểu bang California
Trong mùa bầu cử sắp tới, cử tri trên toàn California sẽ có cơ hội biểu quyết một số các dự luật trưng cầu dân ý
NSW: Cựu vô địch quyền anh thế giới Anthony Mundine đang chuẩn bị ra ứng cử vào quốc hội với tư cách độc lập trong cuộc bầu cử tiểu bang tháng Ba năm tới. “The Man” sẽ tranh cử ở Marrickville, chiếc ghế hiện đang được nắm giữ bởi Bộ trưởng Giáo dục Carmel Tebbutt
Còn quá sớm để bàn về cuộc tranh cử tổng thống 2008 tại Hoa Kỳ. Nhưng kỳ bầu cử này là một biệt lệ. Nếu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau làm chủ tòa Bạch Ốc thì năm 2008 đảng Dân chủ có nhiều cơ hội nắm lại tòa Bạch Ốc đã ở trong tay đảng Cộng hòa 8 năm, và đang gặp
Cử tri Đoàn Văn Hoàng bỏ phiếu cho ông Chuck Reed trong ngày bầu cử thứ Ba vừa qua. Không muốn tin nhưng rồi hình như cũng phải tin. Bởi vì khi ba số 6 cùng nhập vào ngày thứ Ba bầu cử vừa qua – thì đó cũng là điềm xấu cho người này và điềm tốt cho người khác. Tất cả những dự đoán
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.