Hôm nay,  

Từ Darwin đến H5N1

19/07/200800:00:00(Xem: 27295)

Vịt trời và vi khuẩn cúm  H5N1.

Virus bệnh cúm không ngừng biến hóa một cách khó hiểu được.

Về căn bản, bệnh cúm do virus Influenza gây ra, và gồm có 3 nhóm chính:  Influenza A, Influenza B và Influenza C.

Trong 3 nhóm này, chỉ có Influenza A là quan trọng nhất vì nó là nguyên nhân của bệnh cúm ở các loài chim.

Trong thực tế, virus Influenza A rất phức tạp hơn người ta tưởng. Nó còn được chia ra làm rất nhiều nhóm phụ (subtypes) bằng cách kết hợp 2 loại protein nằm ở mặt ngoài của virus. Đó là protein H (Hemagglutinin) và protein N (Neuraminidase)...

H có dưới 16 dạng và được đánh số từ H1, H2…H16.

N có 9 dạng và được đánh số từ N1, N2…N9. 

Virus gây bệnh cúm gia cầm Á châu H5N1 là virus có được qua sự kết hợp giữa  H5 với N1.

Không những chỉ gây bệnh cho chim và gia cầm, virus Influenza A còn có thể gây bệnh cúm cho người, và một vài loại động vật như chó, heo, ngựa,  hải cẩu và cá voi...

Các chủng virus mang chữ số H5, H7, H9 có thể lây nhiễm bệnh cúm cho người.

Chủng H5N1 nguy hiểm nhất, gây dịch cúm gia cầm tại Á châu hiện nay và đã lây lan sang Âu châu và Phi châu... Chủng H9N2 gây dịch cúm gia cầm tại Hong Kong năm 1999... Chủng H7N7 gây dịch cúm gia cầm Hòa Lan (2003)... Chủng H7N3 gây dịch cúm tại tỉnh bang British Columbia Canada (2004).

Từ 30 năm qua, H5 và H7 được ghi nhận là thường có khả năng đột biến đặc biệt từ thể gây bệnh nhẹ (low pathogenic) sang thể rất độc hại (very high pathogenic).

Đến giờ phút này thì chỉ có H5N1 là virus đáng sợ nhất, vì nó gây tử vong hầu như 100% cho gia cầm và trên 50% cho người.

Trong số các loài thủy cầm, vịt trời là vật chứa tự nhiên (carrier) của virus  bệnh cúm. Cách sống thành từng đàn và sự di chuyển thường xuyên từ nơi nầy đến nơi khác là những yếu tố thuận lợi để đem gieo rắc virus đến các loài chim và gia cầm khác.

Tại Canada, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến 2 chủng virus có tầm tác hại cao, đó là H5 và H7. Để có một mô hình chung về các chủng virus Influenza A mà loài thủy cầm có thể mang chứa, Canada mới đây đã cho thực hiện một cuộc xét nghiệm (survey) rộng lớn ở 7 tỉnh bang. Có tất cả 4.800  thủy cầm, mà đa số là các loài vịt trời khỏe mạnh đã được nghiên cứu.

Người ta đã sử dụng que bông gòn (swab) để lấy mẩu phân trong hậu môn của vịt trời và sau đó mẩu bệnh được gởi về phòng thí nghiệm để tìm sự hiện diện của virus Influenza.

Sau nhiều tháng làm việc, ngày 31 tháng 10 năm 2005, kết quả sơ khởi đã được đúc kết. Trong số 782 mẩu xét nghiệm của tỉnh bang Quebec, có 28 mẩu biểu lộ phản ứng dương tính với H5. Riêng tỉnh bang Manitoba có 5 mẩu dương tính với H5 trong tổng số 548 mẩu được xét nghiệm. Không thấy có sự hiện diện của H7.

Cục Kiểm Tra Thực Phẩm Canada (CFIA) lập tức trấn an dư luận, và tuyên bố một cách chắc chắn là những chủng virus H5 nói trên không nằm cùng nhóm với chủng H5N1 Á châu.

Được biết theo kết quả các xét nghiệm có được từ trước tại Bắc Mỹ, trong điều kiện bình thường thì từ 0% đến 7,4% chim rừng đều có dương tính với H5 một cách tự nhiên.

Kết quả H5 tìm thấy tại Quebec theo ý nghĩa thống kê là 7% tức là vẫn còn nằm trong giới hạn bình thường mà thôi.

Vịt trời là loài chim thường mang trong mình virus Influenza A mà không hề bị bệnh. Trong cơ thể loài vịt, nhờ tác dụng của một loại enzyme đặc biệt nên virus mới có thể định vị được trong thành ruột. Tuy virus có phá hại thành ruột, nhưng nhờ vận tốc tái tạo của tế bào ruột nhanh hơn vận tốc phá hại cho nên con vật không hề hấn gì. Đến một lúc nào đó, vì một lẽ bí hiểm của tạo hóa, virus tự nhiên thay đổi cơ cấu, khoa học gọi là đột biến (mutation), và trở thành một dạng virus khác độc hại hơn nên có thể đi xâm lấn các cơ phận khác của con vịt và giết chết nó.

Hiện tượng đột biến đã tạo điều kiện cho virus thích nghi dễ dàng vào môi trường mới, đồng thời cũng giúp nó cơ hội để bành trướng thêm lên mãi...

Phải chăng virus H5N1 đã theo đúng con đường của thuyết tiến hóa và chọn lọc tự nhiên mà nhà bác học Darwin đã đề xướng cách nay gần 200 năm"

Các nhà khoa học trên thế giới đều không còn nghi ngờ gì hết về sự xuất hiện của một đại dịch toàn cầu, nhưng vấn đề ở đây là không biết…chừng nào sẽ xảy ra mà thôi!

Montreal, July 18, 2008

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.