Hôm nay,  

Di Dân Việt Và Lễ Độc Lập Mỹ

7/8/200600:00:00(View: 4401)

Mục di trú và bảo lãnh do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách hằng tuần, nhằm mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý vị nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Mọi đóng góp ý kiến xin liên lạc 1-800-411-0495

Đường phố khắp nơi trên đất Mỹ đang chào đón ngày Độc Lập với cờ Hoa Kỳ và nhất là những quầy bán pháo tràn ngập. Nhân ngày Độc Lập Hoa Kỳ, báo chí cũng nhắc đến thổ dân da đỏ, những người có mặt đầu tiên trên đất Mỹ, và những người di dân đầu tiên từ khắp nơi trên thế giới đến lập nghiệp. Trong những cộng đồng di dân quan trọng, người ta đã nói đến cộng đồng di dân Việt Nam. Nhân ngày lễ đặc biệt này, Văn phòng Robert Mullins International xin hân hạnh giới thiệu bài viết "Di Dân Việt Và Lễ Độc Lập Mỹ" của nhà văn Giao Chỉ.

"Một lần nữa chúng ta chào đón July 4 hàng năm. Ngày 4 tháng 7 là ngày lễ trọng đại nhất của Hoa Kỳ. Ngày Mỹ quốc đưa ra bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 và bắt đầu cuộc chiến tranh cách mạng chống lại Anh quốc sau 6 năm. Anh và Mỹ ký thỏa ước ở Paris và công nhận Hoa Kỳ độc lập. Người Mỹ đã chiến thắng trận chiến tranh đầu tiên của lịch sử Hiệp Chủng Quốc.

Là công dân gốc Việt trong đợt di dân cuối cùng của thế kỷ 20, chúng ta cần tìm hiểu về đất nước mà chúng ta lập nghiệp. Các di dân tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ đã được dự ngày kỷ niệm 200 năm lập quốc vào năm 1976. Đến bây giờ nước Mỹ đã già thêm 30 năm. Dù mới có hơn 200 năm nhưng lịch sử trẻ trung của Hiệp Chủng Quốc rất phong phú và cũng rất độc đáo. Hoa Kỳ là quốc gia bao gồm tất cả các sắc dân, các ngôn ngữ, các tập tục văn hóa. Nước Mỹ đã có các kỷ niệm vừa hung bạo vừa nhân từ. Tiêu diệt da đỏ, bắt da đen làm nô lệ, kỳ thị da vàng, đem quân đi làm cảnh sát trên thế giới, đi đến đâu là gây sóng gió ở đó. Hoa Kỳ cũng là quốc gia phát huy tự do dân chủ toàn cầu, viện trợ kinh tế, quân sự, giáo dục, xã hội, văn hóa cho toàn thể các quốc gia chậm tiến trên thế giới. Và bây giờ vào thời điểm 2005, việc truyền bá tự do và dân chủ ở Trung Đông đang gặp nhiều kinh nghiệm đắng cay.

Biên cương của Hoa Kỳ trên địa cầu là một vùng đất bao la tiếp giáp với hai đại dương Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ là ải địa cầu trấn giữ Bắc Băng Dương. Biên giới không gian của Hoa Kỳ lên đến mặt trăng và Mỹ quốc cũng đã đặt cọc đất trên Hỏa tinh. Hai ngàn vệ tinh kinh tế thương mại và quân sự của Hoa Kỳ canh gác toàn vùng khí quyển của quả đất. Đế quốc nhân văn của Hiệp Chủng Quốc thống trị thế giới bằng các tòa đại sứ và lãnh sự quán luôn luôn tấp nập các khách hàng vào xin visa.

Cơ sở ngoại vi của các đại sứ quán Hoa Kỳ là những chỗ bán thức ăn Fast Food McDonald, Coke, nhạc Rock và quần Jeans. Mỹ phát thực phẩm cho dân nghèo toàn thế giới nhưng đi đến đâu cũng bị đuổi về nhà: Yankee go home.

Đó là Hoa Kỳ ngày nay, sau 230 năm lập quốc. Đó là đất nước mà chúng ta đang mang nhãn hiệu công dân có đứng lên tuyên thệ bảo vệ và tuyệt đối trung thành.

Dù muốn hay không, chúng ta cũng nên biết qua lịch sử lập quốc của quê hương mà phần đông chúng ta sẽ cùng các thế hệ tiếp theo ở lại đời đời.

Một câu hỏi đặt ra: Ai là người Mỹ đầu tiên trên đất Mỹ"

Câu trả lời của các nhà nhân chủng học cho biết 12 ngàn năm trước, khi các lục địa còn dính liền cuối thời băng giá thì Á châu và Mỹ châu nối tiếp ở phía Bắc. Con người tiền sử Á Châu đi tìm đường sống đã từ Á qua Mỹ. Sau đó quả đất chuyển đổi, băng tan, nước biển dâng cao và hai lục địa không còn dính liền nhau nữa. Các người Á châu tiền sử ở lại và trở thành thủy tổ của các bộ lạc ở Bắc Mỹ.

Nhiều nền văn minh đã được kiến tạo, nhiều bộ lạc đã tàn lụi. Sau cùng chỉ còn các bộ lạc da đỏ tồn tại cho đến thời kỳ năm 1500 các sắc dân Tây phương mới đến Mỹ bằng đường biển. Nổi danh nhất là nhà hàng hải Columbus năm 1492 đi tìm Á châu và khám phá ra Mỹ châu. Rồi tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh Cát Lợi, Pháp, Đức rồi đến Nga và các quốc gia Đông Âu.

Các cuộc chiến đẫm máu, triền miên ở tân lục địa giữa người địa phương và dân giang hồ mới đến. Chiến tranh giữa các thế lực xâm lấn Tây phương. Sau cùng Anh quốc ổn định được phần lớn miền Đông Hoa Kỳ và các di dân bắt đầu lên đường. Con tàu Hoa Tháng Năm tức Mayflower nổi tiếng đến Mỹ năm 1620 vỏn vẹn có 35 người trở thành biểu tượng của cuộc định cư trên đất mới.

Năm 1621 di dân được mùa đã cùng tổ chức Lễ Tạ Ơn và ăn uống với dân da đỏ trong một lễ Thanksgiving đầu tiên của nhân loại.

Nhưng rồi những ngày vui qua mau. Thổ dân tại Mỹ chết dần vì bị giết, bị đói, bị bệnh, có thể do các mầm bệnh từ Tây phương đem đến.

Trong khi đó từ năm 1620 đến 1732 tức là hơn 100 năm. Một nước Mỹ thuộc Anh đã hình thành với 13 tiểu bang liên hiệp ở miền Đông. Phần lớn làm nghề nông, trồng thuốc lá, trà, và lúa. Các vùng khác thuộc Tây Ban Nha, Pháp vẫn còn tranh chấp.

Cuộc chiến giữa Pháp và Anh giành đất trong 7 năm từ 1754. Sau cùng Anh thắng và mở rộng biên cương thuộc địa của đế quốc hùng cường nhất thế giới.

Tiếp theo nước Anh cần tiền cho mẫu quốc nên đánh thuế các thuộc địa, thu tiền các nhà sản xuất và các đồn điền tại Hoa Kỳ.

Chính sách thuế của Anh ban hành năm 1774 trở thành mầm mống cho cuộc chiến dành độc lập tại Hoa Kỳ. Tướng Washington nhận trách nhiệm lãnh đạo chiến tranh cách mạng vào năm 1775 và chính thức đứng ra tuyên bố độc lập 1776.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Thomas Jefferson đại diện tiểu bang Virginia viết ra lúc ông 33 tuổi được coi là một áng văn tuyệt tác nhất của nhân loại và mở đầu cuộc chiến giành độc lập cho đến chiến thắng cuối cùng bằng hiệp định Paris 1782.

Tiếp theo Hoa Kỳ có 5 năm xây dựng dân chủ từ 1782 - 1787 để Hiến Pháp ra đời với 9 tiểu bang chính thức rồi đến 13 tiểu bang thỏa hiệp. Những lá cờ Mỹ đầu tiên có 9 ngôi sao rồi 13 ngôi sao và bây giờ là 50 ngôi sao.Suốt từ buổi bình minh của Hiệp Chủng Quốc cho đéán nay, nước Mỹ đã trải qua biết bao nhiêu là biến động.Từ hơn 4 triệu dân vào năm 1800 trở thành gần 300 triệu vào năm 2005. Trên giấy tờ tính đến nay là 229 năm lập quốc nhưng thực sự quốc gia này đã nảy mầm từ trên 300 năm.

Phải chăng Hoa Kỳ là một đĩa rau trộn gồm đủ mọi sắc thái nhưng tía tô vẫn là tía tô, rau giấp cá vẫn nồng nàn mùi tanh của biển mặn. Hay đây là nồi cháo mà mọi thứ thực phẩm đã được hòa tan thành một hương vị mới. Cái đó còn tùy hoàn cảnh, địa phương và thời gian.

Nước Mỹ đã trải qua các giai đoạn hành động tàn nhẫn với các sắc dân thiểu số. Vào thế kỷ thứ 19, da trắng buộc dân da đỏ phải tập trung vào các khu vực ấn định. Thảm kịch diễn ra trên con đường mòn được gọi là: Đường mòn nước mắt.

Da đỏ già trẻ lớn bé đều phải ra đi, bỏ nhà cửa, vườn trại để vào các khu đồng khô cỏ cháy xa cách vạn dặm. Hàng chục ngàn người đã chết.

Trong khi đó ở miền Nam Hoa Kỳ, dân da đen bị bắt làm nô lệ đem từ Phi châu qua đã trở thành một lực lượng lao động quan trọng. Những bàn tay đen đủi đã xây dựng nên nền nông nghiệp miền Nam nuôi cả nước Mỹ vào thời kỳ lập quốc với những vườn bông trắng xóa. Nhưng cũng chính da đen là vấn nạn cho cuộc chiến tranh tương tàn Nam Bắc. Những người da đen bỏ trốn các nông trại đã bị đánh roi cho đến chết. Câu chuyện Uncle Tom với bài ca da đen lừng danh: Let my people go - Hãy cho dân tôi đi. Trở thành một vấn nạn trong lương tâm Hoa Kỳ.Da đỏ xin ở lại thì bị đuổi đi. Da đen xin đi thì bị giữ lại. Ngay khi nội chiến chấm dứt, da đen được giải phóng mà vẫn còn bị kỳ thị. Cuộc chiến đấu vĩ đại của một đàn bà lẩm cẩm da đen năm 1955 không chịu ngồi phía sau xe bus đã trở thành một cuộc tổng đình công tẩy chay xe bus tại Hoa Kỳ. Từ cuộc đình công này, da đen có được một nhà lãnh đạo đầy huyền thoại là mục sư King mà tên tuổi trở thành một ngày quốc lễ.

Rồi đến lịch sử Tây tiến làm đường xe lửa đem da vàng Nhật Bản và Trung Hoa nhập cuộc. Các tiền nhân di dân châu Á cũng đã ngậm đắng nuốt cay ở miền Tây Hoa Kỳ trong suốt thời lịch sử cận đại.

Sau cùng đến lượt chúng ta. Việt Nam có hơn một triệu người tại Hoa Kỳ. Sau đợt di tản 75 tiếp đến là 10 năm thuyền nhân từ 1980 đến 1990 rồi là các HO, ODP nhập cư cho đến cuối thế kỷ thứ 20. Mười quận hạt có dân số đông đảo nhất là Orange, Santa Clara, Los Angeles, Houston, San Diego, Seattle, Oakland, DC, Dallas và Fort Worth (Texas).

Với 5 vị tổng thống can dự vào chiến tranh Việt Nam, bắt đầu từ Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon và Ford, người Mỹ gọi đây là Cuộc chiến của các vị tổng thống - The War of the Presidents. Ý nói là cuộc chiến riêng tư của các vị tổng thống, không can dự gì vào nước Mỹ và dân Mỹ. Làn sống chống chiến tranh của dân Mỹ dâng cao với các cuộc xuống đường hàng triệu người.

Năm 1967 sa lầy tại chiến trường Việt Nam, chính ông Johnson đã uất ức nói rằng: Đây không phải là cuộc chiến của riêng tôi. Đây là cuộc chiến của nước Mỹ, nếu ngày mai tôi chết đột quỵ, thì chiến tranh vẫn còn mãi với các anh.

Bây giờ sống tại đây chúng ta mới có thể hiểu được là lòng dân của Mỹ quốc thực sự ảnh hưởng đến chính quyền ra sao. Không cần đúng hay sai, không cần giữ lời cam kết. Đối với dân chúng Hoa Kỳ, lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng, hy sinh rất giới hạn. Đánh không xong thì rút, sống chết mặc bay. Từ các quan niệm đó, định mệnh đưa chúng ta đến Hoa Kỳ.

Sau ông Ford, dân tỵ nạn lần lượt sống với 5 vị tổng thống của thời hậu chiến. Bắt đầu từ ông Carter, tổng thống thứ 39, ông già hiền lành đạo đức chính là vị ân nhân đầu tiên mở cửa nước Mỹ cho thuyền nhân từ các trại tỵ nạn vào Hoa Kỳ.

Khi đoàn biểu tình Việt Nam thắp nến đi trước Bạch Cung để than khóc cho thuyền nhân thì ông Carter đã mở cửa ban công ngó xuống vẫy tay chào. Nước mắt dân tỵ nạn Việt Nam di tản đợt đầu, nhỏ giọt xuống đại lộ Constitution đã làm động lòng ông tổng thống chuyên cất nhà Homeless.

Lệnh tổng thống ban ra từ đây các tàu chiến của hạm đội Bảy bắt đầu xua đuổi hải tặc và vớt người di tản, các phái đoàn Mỹ đến phỏng vấn tại trại tỵ nạn Đông Nam Á.

Rồi tiếp đến ông thứ 40 là Reagan suốt 8 năm đưa ra các đạo luật tỵ nạn, khởi sự các buổi thảo luận thả tù, để sau này ông Bush số 41 chỉ tiếp tục mở rộng tấm lòng nhân đạo.

Bước qua thập niên 90, triều đại Bill Clinton, tổng thống thứ 42 là thời kỳ của hòa giải và hàn gắn. Clinton mở đường hiệp thương, giải tỏa cấm vận, đưa tay dắt đường cho Hà Nội trở về với thế giới tự do. Sau cùng ông Clinton chấm dứt nhiệm kỳ bằng một chuyến công du cuối cùng dưới hình thức qua Việt Nam để trình diễn một màn Workshop dân chủ đi từ Hà Nội đến Sài Gòn.

Qua đến ông Bush hiện nay, vị tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ đã đem bài học Việt Nam ra để đánh trận Trung Đông.

Chúng ta không phải là sắc dân cuối cùng, và chúng ta không phải là sắc dân duy nhất có quê hương cố quốc. Di dân tỵ nạn Việt Nam có người mang theo quê hương, có người bỏ lại quê hương. Tùy theo hoàn cảnh và cảm nghĩ. Tuy nhiên quả thực chúng ta không thể khác những người di cư khác trong các trách nhiệm xây dựng đất mới.

Sắc dân nào cũng có những niềm tự hào của họ. Ai cũng có các hãnh diện về truyền thống văn hóa, ngôn ngữ của cội nguồn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phong cách đối xử và tìm hiểu để hội nhập. Chúng ta phải cảm ơn những người đi trước đã mở đường. Kể cả người xấu lẫn người tốt đã sống và đã qua đi trong công cuộc chinh phục đất nước vĩ đại này.

Một lần nữa, đợt người Việt đầu tiên ở Mỹ sẽ là nhưng cây tràm cây đước giữ chặt đất cho một cộng đồng tương lai phát triển. Con cháu chúng ta sẽ vừa nhớ ơn ông cha đã đến đất này mà cũng không hổ thẹn về những đóng góp của chúng ta trong những giai đoạn đầu tiên. Bỏ lại phía sau con sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long và dãy Trường Sơn. Bây giờ ta phải làm quen với con sông Sacramento và rặng Rocky Mountain để có ngày con cháu ta sẽ phải đứng lên đáp lời sông núi mới.

Xin hãy công bình với hoàn cảnh. Mỗi năm hãy lưu tâm ngày 4 tháng 7 của Hoa Kỳ. Phải bước ra khỏi cái Ghetto của cộng đồng nhỏ hẹp. Tham dự vào cái xã hội vĩ đại đã đem phúc lợi cho chúng ta. Đó là cách hay nhất để xây dựng cùng một lúc cộng đồng tại Mỹ và quê hương bỏ lại ở Việt Nam. Bao gồm cả giấc mơ tự do và dân chủ".

Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM và sáng Chủ Nhật từ 11:00AM, trên các làn sóng 860AM, 1430AM, 1500AM, và 106.3FM. Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933, San Jose (408) 294-3888, Oakland-San Francisco: (510) 533-8228, Sacramento (916) 393-3388 hay qua Email: [email protected].

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
(Robert Mullins International) Cẩm Nang Ghi Nhận Chính Sách của Sở di trú USCIS hiện đang được cập nhật và phiên bản mới được cung cấp cho các viên chức di trú nhiều cách hơn để trì hoãn hoặc từ chối đơn xin thẻ xanh. Hành pháp hiện nay tiếp tục sử dụng bốn chữ "an ninh quốc gia" như một cái cớ để trì hoãn và hạn chế vấn đề di trú. Nhưng, nhiều người cho rằng những ngày tốt đẹp hơn đang đến và chúng ta tin tưởng rằng với sự lãnh đạo mới, Sở di trú USCIS sẽ trở lại là một cơ quan dịch vụ thay vì một cơ quan thực thi pháp luật.
Chiếu khán H-1B cho phép các công nhân có năng khiếu được tuyển dụng tạm thời làm việc tại Hoa Kỳ và cuối cùng có thể xin quy chế thường trú nhân. Chiếu khán H-1B cũng cho phép sinh viên quốc tế bảo đảm việc làm trong khi hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục và cuối cùng trở thành công dân Hoa Kỳ. Ông Biden muốn xóa bỏ giới hạn theo quốc gia đối với những chiếu khán dựa trên việc làm. Ngoài ra, sinh viên nước ngoài tốt nghiệp từ các trường đại học Hoa Kỳ với bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực STEM sẽ được miễn giới hạn chiếu khán H1-B hàng năm.
Tổng thống đắc cử Biden đang có kế hoạch nhanh chóng ký một loạt lệnh hành pháp sau khi tuyên thệ nhậm chức, ngay lập tức cho thấy nền chính trị của Mỹ đã thay đổi và nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ được hướng dẫn bởi những ưu tiên rất khác nhau.
(Robert Mullins International) Lệnh cấm chương trình cấp chiếu khán (visa) làm việc H1B của hành pháp được nhiều người xem là chính sách chống di trú, chống lại sinh họat kinh doanh và chống lại đời sống của người dân Hoa Kỳ. Tòa Bạch Ốc đã gây ra bao nhiêu thiệt hại? Hành pháp Trump quyết định đình chỉ chương trình chiếu khán H1B đã làm giảm giá trị cổ phiếu của một số công ty lớn. Giá trị cổ phiếu mất mát này ước tính lên tới 100 tỷ mỹ kim.
- Hơn 23 triệu công dân Hoa Kỳ nhập tịch tại Hoa Kỳ đủ điều kiện bỏ phiếu - Khoảng 1/10 cử tri đủ điều kiện ở Hoa Kỳ - mức cao kỷ lục - Số lượng công dân nhập tịch có thể ghi danh bầu cử đã tăng lên 193% kể từ năm 2000
* Hủy bỏ lệnh ngưng chiếu khán H1-B, giới hạn tỵ nạn * Bộ Nội An ra quy luật củng cố thủ tục duyệt xét Bảo Trợ Tài Chánh I-864 *Lịch cấp chiếu khán di dân tháng 10, 2020. (Robert Mullins International) Vào ngày 29 thánh Chín năm 2020 vừa qua, Chánh án Liên bang Jeffery White tại tiểu bang California đã ra phán lệnh ngưng thực hiện tất cả lệ phí mới của Sở di trú dự trù tăng từ ngày 2 tháng Mười vừa qua. Chánh án White nói rằng việc tăng lệ phí gây khó khăn cho những đương đơn nghèo khó. Những đương đơn muốn có những dịch vụ di trú vẫn có thể trả tiền theo những lệ phí cũ cho đến khi vấn đề này được tòa án quyết định nếu Sở di trú muốn đưa sự vụ ra tòa.
(Robert Mullins International) Vào tháng Ba năm 2020 vừa qua, tất cả Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ đều đón cửa vì đại dịch Covid-19. Qua tháng Tư năm 2020, Tổng thống Hoa Kỳ thông báo lệnh Đình Hõan Nhập Cảnh hầu hết các lọai chiếu khán (visa) di dân và một số chiếu khán phi di dân. Lệnh Đình Hõan này kéo dài đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.
- Tình Trạng Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn/ - Sở Di Trú đưa ra một tuyên bố khác về chương trình DACA/ - Tân Giám đốc cơ quan ICE là một người tỵ nạn Việt Nam/ - Tiểu bang California đưa các môn học về dân tộc vào hệ thống đại học/ - Lịch cấp chiếu khán di dân tháng 9-2020
- Một tòa phúc thẩm cho phép quy luật gánh nặng Xã hội vẫn được áp dụng / - Sở di trú sẵn sàng sa thải hai phần ba số nhân viên vì thiếu hụt ngân sách/ - Chính phủ hoa Kỳ loan báo sẽ nhẹ nhàng hơn với lệnh cấm du lịch những diện h-1B và L1
- Những cuộc hẹn khẩn cấp nào được Lãnh sự Hoa Kỳ tiếp xúc? - Những Con Số Chiếu Khán Đầu Tư EB-5 Trong Tài Khóa 2020 và 2021 - Nghị Trình Di Trú Của TT Trump Và Ông Biden Ra Sao? - Lịch cấp chiếu khán và chuyển diện cư trú tại Hoa Kỳ tháng 8/2020
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.