Hôm nay,  

LOCKER BÍ MẬT TRONG PHÒNG HÌNH

06/03/201300:00:00(Xem: 5980)
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009
pham-hoang-chuong_1
1990. Thành phố Lexington thuộc tiểu bang Kentucky , mùa hè nóng ẩm, nhưng lạnh và tuyết rơi về mùa đông. Vùng ngoại ô xa xa có nhiều cánh đồng bát ngát, nhiều trại nuôi ngựa, nhưng đường vào thành phố rất đẹp, khang trang, đồ sộ, nhà cửa buildings cao ngất. Bác sĩ Đại, tên Mỹ là David, chưa tới 40 tuổi, có một nhà thương nhỏ của riêng ông, East Clinic, ở ngoại ô Lexington. Đại chuyên trị các bệnh về xương và bàn chân. Anh đàng hòang, chịu khó, nhân hậu, khách hàng rất quí mến. Vợ là Nẫm, rất đẹp, có bầu lớn sắp sanh. Hôm đó tháng chạp, trời lạnh tuyết rơi lất phất ngoài cửa sổ, nửa đêm ngủ Nẫm chợt tỉnh dậy, đau bụng nôn nao muốn sinh. Đại vội chở vợ tới clinic làm, vì nhà thương lớn xa quá, đường xá lại trơn trựợt nguy hiểm. Anh gọi phone nhờ cô y tá người Việt tên Kim tới gấp clinic phụ tá giúp. Anh dìu vợ vào phòng mổ, đặt nằm trên bàn, hấp tấp bật đèn sáng, chuẩn bị các thứ, nấu nước sôi, lăng xăng mặc áo, rửa tay, đeo găng, đích thân đỡ đẻ cho vợ.

Trần Kim Đôn là nguời Việt duy nhất trong nhóm 3 cô y tá Đại mướn. Kim vốn có cảm tình với Đại từ lâu nên nghe gọi, sốt sắng tới phòng mổ ngay. Nẫm đau đớn rên la, mặt ướt đẫm mồ hôi, không ngờ đau tới mức đó, mặc dù biết trước sẽ sanh đôi . Đại luôn miệng thúc dục "ráng lên", "ráng lên"... một lát đầu đứa baby thò ra, nhớp nháp máu mủ, rồi hai tay ngo ngoe, rồi tiếng khóc thét oe oe vang lên inh ỏi.

-"Con trai", Đại mừng rỡ kêu lên.

Nẫm tuy mệt cũng nhỏen cười, ngóc đầu lên nhìn xuống, yếu ớt nói:

- Đặt tên Paul, nghe anh...

Đại cắt rún xong thì Kim tới bế ngay đi rửa. Mấy phút sau, Nẫm lại đỏ mặt hổn hển vì đau, sinh tiếp đứa thứ nhì. Đại loay hoay lôi đưa bé ra, kêu:

- Con gái...anh đặt tên là Stella nghe...

Nẫm gật đầu nhoẻn cừời, nhưng rồi mệt quá, nghiêng đầu qua một bên nhắm mắt thiếp đi. Đại bỗng khựng lại, tái mặt nhìn chăm chăm vào mặt đứa nhỏ. Cái trán vồ, hai con mắt lợt lạt, đờ đẫn khờ khạo, cái mặt đần độn nhớp nháp máu mủ, rõ ràng là hình dạng trẻ bị Down's Syndrome. Kim tò mò tới gần nhìn, thấy mặt mũi đứa bé cũng sững sốt, nhìn Đại, rồi lại nhìn xuống đứa bé. Trong một thoáng, Đại nhớ lại đứa em gái ruột cùng một chứng bệnh đó lúc mới sanh, chết lúc 5 tuổi. Đại nhớ lại ngày chàng còn nhỏ, theo mẹ ra nghĩa địa chôn em, trời mưa ướt át lầy lội, mẹ gục đầu tóc tai tơi tả kêu la thảm thiết trên nấm mộ đất mới đắp. Có sự di truyền từ ông bà cha mẹ truyền xuống đời anh em chàng, rồi bây giờ tới đứa bé gái này. Chàng bế đứa bé giao cho Kim:

- Cô rửa ráy nó rồi mang sang phòng bên kia dùm. Tôi chưa muốn cho vợ tôi biết.

Kim bế đứa bé tới góc phòng rửa ráy, lau khô, qua phòng bên. Đại lấy kim tiêm cho Nẫm mũi thuốc ngủ, đầu óc suy nghĩ rất nhanh, mặt đanh lại. Phải có quyết định cấp tốc. Trẻ con mang chứng này y học gọi là Mongoloid, có cái mặt bè bè giống người Mông cổ, ngơ ngẩn khó coi, không sống được lâu, tốt hơn là mang đem cho nhà thương điên để tránh tiếng chê cười của đồng nghiệp và khách hàng. Đại nắm tay Kim, thừa biết Kim thầm yêu mình, thì thầm:

- Tôi nhờ Kim giữ kín chuyện này, đừng cho bất cứ ai hay, kể cả Nẫm...

Kim đang ngơ ngác thì chàng bỏ con bé vào cái hộp giấy, nói khẽ:

- Con nít bệnh này không có hy vọng chữa khỏi, và gia đình cũng không đủ phương tiện nuôi được. Em lái xe đưa nó tới cho" Institution dị tật" ở Louisville gấp cho anh, để đây lâu không tiện. Anh sẽ bảo Nẫm là nó chết ngay lúc mới sanh...Đi gấp.

Lúc đó khuya khoắt, không có ai khác còn thức ngoài hai nguời. Kim bưng hộp "baby" ra xe, rồ máy chạy. Louisville cách đó 20 miles. Đêm ngoài tối đen, đèn đường hiu hắt, tuyết rơi ào ào. Trời bão, gió thổi tơi bời. Tuyết trắng từng đợt đập vào kính xe trước mặt, cây gạt vùn vụt qua lại liên hồi. Kim chốc chốc nhìn con bé mắt mở thao láo nằm im trong hộp, thấy tội nghiệp quá. Không biết nhận làm việc này có phạm luật không, có bị Nẫm sau này kiện ra tòa không, chỉ vì yêu Đại mà không ngại nguy hiểm giúp chàng . Đại là "father", là bác sĩ, thượng cấp Kim, thì tất nhiên có quyền quyết định và hứng trách nhiệm ông gánh, nếu sau này có chuyện gì. Kia rồi, nhà nuôi người dị tật. Kim đỗ xe, bế hộp "baby" chạy vào, thấy đèn đuốc leo lét, có một bệnh nhân nam đang la rống kêu gào, bị cô y tá Mỹ cố sức ghì chặt hai tay, ép nằm xuông giừờng, ràng dây giữ rịt hai tay xuôi theo thân mình. Kim vừa đặt xuống bàn cái hộp, bên trong đứa bé ngo ngoe, hai mắt đen thui non nớt ngước lên, bỗng thấy một ông già hốc hác thểu não như thây ma lù lù tiến đến, nhìn chòng chọc vào mặt, khiến nàng sợ hãi lùi lại, lại giựt mình thấy trong góc phòng một người lùn tịt nhỏ xíu, xấu xí quái đản, đang ngồi chồm hổm, hai mắt trô trố. Thấy Kim, cô y tá hét lên:

- Tới giúp tôi cái coi! Chị là y tá mới hả?

- Không...tôi đem tới một đứa bé bác sĩ David gởi...

- Hôm nay thiếu người làm, chờ tôi trị thằng cha này yên rồi đi gọi y tá truởng gặp chị...
pham-hoang-chuong_2
Kim bỗng nghe tiếng rên hừ hừ, quay lại thấy một bà lão tóc tai xơ xác trắng lưa thưa hai mắt trừng trừng nhìn mình, lại có một đứa nhỏ 10 tuổi ngồi xổm ở cửa buồng tắm, đầu to cầm nhọn , bất động vô hồn như ma quỉ. Kim rùng mình, làm sao con bé mới sinh, hiền khô đáng thương này có thể sống trong một thế giới ma quỉ gớm ghiếc chập chờn xung quanh như vầy, vội bưng cái hộp lên, cắm cổ chạy ra xe , rồ máy phóng ra đường thật nhanh. Dọc đường, thấy có một tiệm supermarket còn mở đèn bán, nàng ngừng xe, chạy vào mua bình sữa, chai sữa tươi, núm vú, vài cái tả mang ra chui vô xe, quấn tả cho con bé ấm, chế sữa vô bình cho nó chóp chép mút, tự nhiên trong lòng dâng lên tình thương mẫu tử bao la. Con bé chưa bú xong thì tiệm đóng cửa tắt đèn. Nguời manager chợ hối hả bỏ chạy ra ngoài, co ro khóa cửa , leo lên xe rồ máy chạy. Tuyết rơi lất phất, bốn bề vắng tanh. Kim rồ ga không nổ, coi lại thì hết xăng, hốt hỏang bế đứa bé chui ra nhìn quanh quất coi có ai không. Chẳng có ai, Kim định đi kiếm coi có "public phone" gần đây để gọi Đại thì bỗng xuất hiện một người đàn ông Mỹ trắng ở xa chạy tới:

- Ê, cô có cần tôi giúp không? Tôi là tài xế xe truck xuyên bang, đi giao hàng, xe đậu đàng kia.

- May quá...Xe tôi hết xăng rồi...Xin ông làm ơn ... cho đi nhờ xe, chở tôi về nhà gần đây được không?

Người tài xế thấy có cái gì cộm cộm trong áo khoác Kim, vạch cổ áo ra coi, thấy đứa baby đỏ hỏn, lật đật kéo Kim chạy tới xe tải , đỡ leo lên ngồi.

- My God, đứa nhỏ mấy tháng rồi?

- Mới sanh.

- Trời đất, khuya khoắt lạnh lẽo thế này mà hai mẹ con ở đâu lạc ra đây...Tôi là Albert. Còn cô?

- Tôi là Kim, y tá ở Lexington. ..Xin ông giúp cho đi nhờ xe, chở tôi về nhà gần đây được không? Cảm ơn ông nhiều.

Albert sốt sắng đưa Kim về căn hộ nàng ở Lexington. Kim bảo khuya rồi, cứ ở lại ngủ qua đêm ngoài salon, sáng mai hãy lên đường. Al ngoan ngoãn nghe lời. Sáng ra, Kim thức giấc đã thấy anh chàng lục đục dưới bếp, chiên trứng 'ốp la", nấu điểm tâm, pha sữa cà phê dọn lên bàn, mời Kim tới ăn.

- Xin lỗi, tôi tự tiện nấu nướng vì coi đây cũng như nhà mình. Cô là người Việt?

Kim cười gật đầu. Al hớn hở kể:

- Ba tôi ngày xưa đi lính bên Việt nam. Ổng kể Việt nam đẹp lắm. Ổng chết rồi. Tôi có nhà ở Pittsburg, ở có một mình, lái xe truck chuyên chạy xuyên bang, chở hàng tới các tiểu bang lân cận, năm ba ngày mới về nhà một lần.

Tự nhiên Kim thấy có cảm tình ngay với chàng Mỹ mau mắn siêng năng tốt bụng này. Albert to cao, mắt sáng, mũi cao, cầm rộng, nói chuyện tươi tắn, nhanh nhẩu, tỏ ra con người tháo vát, tử tế, ai mới gặp cũng thích.

- Thế này nhé, tôi đã gọi bạn tôi đem "can" xăng tới chờ truớc chợ đó lúc 10 giờ, lát nữa tôi chở cô tới, nó đổ xăng vô, cô lái xe về. Tôi còn độc thân chưa có vợ, thấy hòan cảnh cô bị phụ rẫy phải ra nông nỗi này, một mình nuôi con, tôi rất ái ngại. Lát nữa, tôi phải đi Pittsburg ở Pensylvania giao hàng. Tụi mình tình cờ gặp nhau giữa đường giữa xá như vầy chắc cũng có duyên nợ gì đây. Nếu có dịp, mời Kim lên nhà tôi chơi ở Pittsburg, cách đây có 6 tiếng, thành phố rất đẹp...

Kim cúi đầu tủm tỉm cười . Albert quay lại tủ, lấy miếng giấy, cẩn thận ghi số phone mình lên, đưa Kim:

- Đây là số cell phone tôi. Tôi ở có một mình. Kim gọi tôi nghe, tôi thích nghe cô nói chyện lắm, tôi giàu tình cảm, chứ không sở khanh như cái anh chàng nào đó...bỏ Kim như vầy đâu. Nhưng...đôi lúc tôi cũng có tánh xấu...

- Tôi không nghĩ vậy. Anh là người tốt, mới nhìn là biết ngay... Tôi mang ơn anh nhiều lắm. Không có anh tối qua, giờ này không biết 2 mẹ con ra sao nữa...Thật cảm ơn anh nhiều lắm.. Tôi sẽ gọi thăm anh và tìm cách lên đó chơi. Xin hứa. Albert đi rồi, buổi tối, Đại lái xe tới nhà Kim hỏi tin, giựt mình thấy đứa bé còn trong cái hộp, tức giận:

- Tôi đã dặn cô. Trẻ mắc bịnh này không sống
qua 10 tuổi. Không ai muốn nuôi những đứa như
vầy cả.

- Anh không sợ chị nhà biết sẽ đau lòng lắm sao? Tôi không thể bỏ nó ở cái nhà thuơng điên đó được.

- Tại sao không?

- Anh thấy chỗ đó chưa? ...Kinh khủng lắm, như là duới địa ngục, ma quỉ chập chờn dễ sợ...Để tôi nuôi nó. Tôi sẽ là mẹ nó, anh đừng lo... Biết không thuyết phục được Kim, Đại thở dài, rút ra một tờ giấy:

- Thôi được, đây là giấy khai sanh có đóng dấu nhà thương và chữ ký sẵn, nhưng chưa điền tên tuổi vô, tôi đặt tên nó là Stella, cô điền vô, khai cô là mẹ nó, cho nó lấy họ cô, muốn nuôi thì tìm chỗ nào thích hợp ở rồi nuôi, tùy ...

Anh móc túi lôi ra một xấp tiền bạc trăm, dúi vào tay Kim:

- Cô lấy tiền này lo dùm tôi..

- Tôi không cần tiền của anh...

Đại lắc đầu,"Tiền không phải cho cô, mà cho nó", rồi quay ra cửa tính về... Kim hỏi:

- Anh không thèm nhìn nó một lần cuối?

Đại nghẹn ngào:

- Nhìn một lần trong nhà thương đêm qua là quá đủ....Nhìn nữa chỉ thêm đau lòng...
pham-hoang-chuong_3
Anh hấp tấp xuống lầu ra xe về, Kim ngồi với đứa bé cả đêm, suy nghĩ rất lung. Nếu ở lại đây làm việc , ban ngày ai giữ đứa nhỏ? Tự dưng mà có con, sớm muộn gì thiên hạ cũng biết, đồn tới tai đồng nghiệp, người quen, cảnh sát, rồi tới tai Nẫm làm bà ta nghi ngờ tìm tới hỏi, sẽ thêm rắc rối. Chưa kể rồi đây Đại lui tới thường xuyên, thiên hạ tưởng mình dan díu có con với anh ấy, phá hại gia cang người ta. Nẫm khi phát giác sự thật, sẽ bắt đứa bé lại, hay kiện đòi quyền nuôi đứa bé rồi bỏ vào cô nhi viện, làm sao nàng xin lại được. Kim nhớ tới Albert, con người mới gặp đã có tình cảm ngay, tháo vát, khỏe mạnh, vui vẻ, xuề xòa, đúng là một ông chồng lý tuởng biết lo cho vợ con, mặc dù đứa bé không phải con ruột .. Hắn xem ra cũng thích mình.... Mình đã ngoài 30 rồi, còn chờ đợi ai, còn kén chọn gì nữa ở cái thành phố ít người Á châu này. Chỉ tòan thợ thuyền Mỹ trắng, Mỹ đen...Hay đây là cơ hội Trời cho mình đổi đời, buớc sang một ngả rẽ khác.

Sáng hôm sau, Kim lấy can đảm gọi Albert, nói thật đứa bé không phải con ruột nàng, rồi cũng thú thật luôn lànàng đang bối rối không biết tính sao, rồi hỏi anh có thể tới với tôi không. Ngay buổi trưa, Albert lái xe tới. Kết quả là sau nghe nàng tỉ mỉ bàn tính tuơng lai đâu ra đấy nghe rất hợp ý, chàng sung suớng cừời nói rổn rảng "Ok..Ok" lia lịa.

- OK...Ba hôm nữa cuối tuần, anh sẽ lái xe xuống đón em và đứa nhỏ lên Pittsburg. Em liệu thu xếp đồ đạc , cái nào không cần đem cho hàng xóm, hay kêu Salvation Army tới chở hết bàn ghế đồ đạc cồng kềnh đi. Trên này, anh đã có đủ hết...

Vậy là chỉ trong chớp mắt, mọi sự diễn ra theo ý nàng dự tính một cách xuông xẻ như có Trời giúp. Hai ngày sau , nghe y tá bạn gọi , kể vợ chồng David có làm đám chôn cất cho đứa gái sinh đôi ở nghĩa địa Holy Village, rủ Kim đi đám, Kim lấy cớ bệnh, không đi. Như vậy cũng hay, tránh khỏi đóng kịch buồn rầu giả dối che mắt thiên hạ.

Tuần lễ sau, Đại lái xe tới thăm . Thấy công nhân Salvation Army chộn rộn khuân vác khiêng ra xe truck lớn các đồ đạc bàn ghế của Kim, Đại tái mặt. Hàng xóm nói Kim trả phòng, dọn đi đâu không biết.

Lúc đầu, hai vợ chồng Đại xem ra sống hạnh phúc với đứa con trai kháu khỉnh còn lại. Giường êm, nệm trắng, gối thơm, dồ chơi xanh đỏ treo đầy, thằng bé không thiếu một thứ gì. Đôi lúc, Nẫm nhớ tới đứa con gái xấu số, sụt sùi khóc , Đại phải tới bên, vuốt ve, nhỏ nhẹ an ủi. Sau rồi chính Đại cũng hay khóc thầm, vì lương tâm dằn vặt. Việc bỏ con non nớt bệnh họan cho kẻ khác ngày đêm ám ảnh trong đầu , mỗi lần nhìn Paul mập tròn khỏe mạnh mau lớn, anh lại nhớ tới con em song sinh, không biết có đau bệnh gì không, Kim có hết lòng chăm sóc không, hay mất kiên nhẫn đã bỏ vào nhà thương điên nào rồi cho rảnh tay. Anh tự nhốt mình trong phòng sách sau giờ làm việc, đọc sách, coi phim, trầm tư phiền muộn, ít khi muốn chạm mặt vợ, ngại phải đóng kịch vui vẻ giả dối. Thấy chồng mặt không vui, Nẫm mua tặng cái camera đắt tiền để giải trí, chụp cu Paul, chụp vợ con quanh nhà, hay chụp đó đây tiêu khiển ngòai giờ làm việc. Nàng thấy Đại hay thẩn thờ suy nghĩ, đăm chiêu âu sầu, ít cuời, ít nói, đóan chắc nhớ đứa con gái đã chết, nên không muốn hỏi, hay nhắc lại chuyện đó, sợ làm không khí trong nhà thêm nặng nề, u ám. Đại dọn dẹp, biến cái phòng đựng sách và linh tinh thành một phòng rửa hình chuyên nghiệp, cất hình, giấy tờ, album gia đình, đủ thứ hình chân dung trong các ngăn tủ theo thứ tự, đôi khi phóng đại các tấm hình đặc sắc, treo kẹp trên dây, trên tường la liệt.

Ba tháng sau, chàng ở clinic nhận được một phong bì lớn của Kim từ Cleveland gửi về, trong có 7 tấm hình màu polaroid chụp bé Stella lúc 3 tháng và một lá thư ngắn, trong đó Kim kể đã lập gia đình với một chàng Mỹ trắng và sống hạnh phúc, chồng nàng thương Stella như con đẻ. Đại bồi hồi ngắm mãi khuôn mặt con, cái trán cao, hai má bầu bĩnh, hai con mắt khờ khạo, đôi môi dày. Chàng thở dài, lấy dây thun ràng lại xấp hình, bỏ vào một locker có chìa khóa riêng, đề phòng Nẫm nếu có vào lục lọi , sẽ không mở được. Trên tủ locker đó, Đại để khung hình đen trắng chụp mẹ và em gái ngày xưa khi còn sống, mỗi lần nhìn, Đại lại nhớ đến đứa con gái xấu số. Sợ có ai vào bất tử, chàng nói dối vợ lúc rửa phim cần đóng kín cửa cho tối, treo một tấm bảng ngòai cửa phòng ghi hàng chữ"DO NOT ENTER WHEN RED LIGHT", bật đèn đỏ mỗi khi coi hình Stella.

Vào tháng 8 , Đại lại nhận được xấp hình polaroid khác Kim gửi về, lần này từ Atlanta, Stella lên 6 và 8 tháng. Đại coi xong, lại ràng dây cột thành một xấp khác, đề ngày, cất vô locker, lâu lâu ngắm nghía một mình thật lâu. Có lần Nẫm vô đột ngột, thấy chồng vội vã khóa cái ngăn kéo đó, buột miệng hỏi đựng gì, Đại nói dối đựng giấy tờ bảo hiểm nhà cửa, xe cộ. Nửa năm sau, lại nhận từ Píttburgh gửi xuống hình Stella đầy năm, mặc áo đầm đứng hai tay cầm bó hoa nhỏ trứoc một cái bánh ngọt có ngọn nến thắp sáng. Rồi hình Stella lên hai, lên ba, mỗi năm một lớn, một khác ra, cũng như Paul, đứa con trai sống với hai vợ chồng, cũng lớn, cũng khác , khỏe mạnh ra... Ngoài phong bì luôn luôn địa chỉ ngừời gửi là số hộp thư bưu điện PO Box ở Pittsburgh, không có địa chỉ nhà, mà con dấu đóng trên con tem lại mang tên các thành phố khác nhau, nên Đại không bíết Kim thực sự ở đâu . Chắc Kim không muốn cho gặp, sợ đòi con lại. Anh chỉ biết thở dài, dàu dàu nét mặt, gửi check đều đều mỗi tháng lên cho Kim nuôi con, với vài hàng chữ hỏi thăm vắn tắt. Trong lòng luôn ray rứt khiến anh như mắc bệnh trầm cảm, canh cánh bên lòng mặc cảm phạm tội, làm ảnh hưởng đời sống sinh lý không còn bình thường như trước . Không còn ham muốn làm tình nữa, vì hối hận ăn năn, vì sợ có con lại. Chuyện chăn gối vợ chồng trở nên thưa thớt, hững hờ,lạnh nhạt do tâm lý hối hận đã vứt bỏ đứa con Trời cho, cọng với sự lo lắng đẻ con khác lại dị dạng giống như Stella. Nhiều đêm Nẫm ôm chặt lấy chàng, hỏi "Sao anh thay đổi khác trước?", "Sao ở trong phòng hình hoài, có chuyện gì xảy ra?", " Sao anh ngủ không ôm em nữa?" Đại lúng túng không biết nói sao. Mỗi lần Nẫm muốn làm tình, David chỉ nhẹ nhàng đẩy tay vợ ra, ôm hờ, hay nằm thụ động mặc cho nàng hôn hít, âu yếm, đổ thừa công việc quá bận rộn làm thân xác uể oải. Có lần Nẫm thủ thỉ:

- Paul đã 5 tuổi rồi ...Em muốn có thêm một đứa nữa".

Đại phải nói, "Anh không khỏe, để lúc khác", rồi cứ vậy mà hẹn lần, hẹn lần...

Khi Paul lên 6, Nẫm chán cảnh ở nhà giữ con mãi, xin đi làm ở hãng du lịch. Nàng tươi tắn, xinh đẹp, mũm mĩm, khuôn mặt duyên dáng, nên được job ngay. Hai vợ chồng thay nhau đưa đón con tới nhà trẻ, mẫu giáo. Ở trên Pittsburg, Kim cũng bỏ thì giờ kèm con gái học Alphabet, đọc chữ, đếm số ban ngày, kể chuyện cổ tích cho con ban đêm, vì không có truờng mẫu giáo nào nhận trẻ con bị bệnh như vậy. Năm Stella lên 6, Kim đưa con xin học lớp Một, học khu ở Pittsburgh không nhận. Một số cha mẹ có con dị tật như Kim gặp nhau họp mặt, bàn tính làm đơn xin Học khu mở cuộc họp để khiếu nại. Kim đại diện, đứng lên dõng dạc nói:

- Con tôi biết đọc,biết đếm, biết vẽ, tự chải tóc, đánh răng một mình, sao lại không học truờng công được?

Mấy phụ huynh khác cũng đứng dậy hùa theo phản đôi, la ó nhao nhao. Học khu nói chúng là trẻ Mongoloids, không cách chi lãnh hội nỗi chương trình giáo khoa Bộ đề ra, và đây là luật không tranh cãi được.

Thế là Kim phải tự dạy lấy con học đọc, học viết, làm tóan, tối tối nằm kể truyện cổ tích cho con nghe, hỏi con để nghe con trả lời, xem có hiểu câu truyện không. Mới 6 tuổi, Stella đã phải đeo kính cận, trán cao, tóc tai thưa thớt như các trẻ Down's Syndrome thường thấy. Nó không thông minh lắm, nhưng cũng chẳng khờ dại. Có điều con bé rất ngoan, luôn vâng lời cha mẹ, nên Albert rất cưng . Có lần Albert đem về cho Kim cái thư David gửi, trong có cái check 500$ và lá thư ngắn, hỏi vợ:

- Tại sao em không để tên địa chỉ nhà cho thư tới nhanh hơn, khỏi mắc công ghé bưu địện lấy?

- Em sợ ổng biết nhà, lên bắt con lại... Albert nhún vai trề môi:

- Còn khuya...Hãy bước qua xác tôi trước đã ....

Năm 2004, Stella đã 14 tuổi, trổ mã ra dáng cô gái mới lớn, tóc dày ra, cột thành 2 túm 2 bên mang tai, thùy mị, xinh xắn, lễ phép, đeo kính chững chạc, biết nấu ăn dọn lên cho cha mẹ, dọn dẹp nhà cửa bếp núc, tập hát... Kim tối nào cũng bỏ thì giờ dạy con các môn căn bản: đọc, viết, spelling, tóan, để theo kịp trình độ Middle school của học trò công lập. Nàng cạy cục hai lần làm đơn xin Thượng nghị sĩ tiểu bang cho phép Stella vào public school, kèm theo các bài làm mẫu của con ở trình độ lớp 9 để họ cứu xét. Đơn sau cùng được chấp thuận, Stella được vào lớp 9 trừờng công, đi học bằng xe bus, chiều về xe "drop" gần nhà, đi bộ về.

Cặp Đại và Nẫm cũng không sinh thêm con, vì Đại không muốn có con nữa, sợ lại sinh trúng một đứa nữa mắc bệnh di truyền y như Stella. Paul, con một, được cưng chìu, đang tuổi dậy thì, trở thành một teenager bứớng bỉnh. Nó rất thông minh, có khiếu về âm nhạc, chơi đàn guitare rất khá, nhưng cảm thấy cha mẹ như có những lo toan riêng, lạnh nhạt với nhau, ít để ý quan tâm tới sở thích nó. Đại đắm chìm trong những ưu tư, lương tâm cắn rứt chuyện quá khứ. Nẫm thì càng ngày càng đẹp ra, đi làm chưng diện lộng lẫy, nhan sắc như trái cây đã chín mùi. Cuộc sống no đủ nhàn hạ, nhưng thiếu ái ân mặn nồng với chồng khiến ở tuổi 38, nàng thèm những cảm giác lạ, cười cợt với những khách hàng đàn ông ở hãng và được nhiều ông còn khỏe mạnh, sung sức, chiêm nguỡng, liếc mắt đưa tình với những câu nói bóng gió, lả lơi, cố ý đụng chạm ở tay, vai, tóc, hay eo lưng nàng. Một hôm, trong một chuyến du lịch ngắn hạn ở bãi biển Cancun, hai vợ chồng làm quen với một người đàn ông mới ly dị vợ khỏang 45 tuổi còn phong độ, tên Richard, lạ thay cũng cùng ở vùng Lexington. Rich có râu mép đen, thân hình trần trụi lực lưỡng , lông ngực rậm đen, hay khôi hài cười nheo mắt. Thấy hắn đăm đăm nhìn thân thể trắng trẻo mình đang hở hang nằm trên cát, Nẫm vội kéo khăn tắm che bụng và đùi lại, giả vờ nhìn ra biển, nhưng không bỏ sót cử chỉ nào của người đàn ông vạm vỡ . Richard nói chuyện với Đại, nhưng hai mắt lại láo liên liếc nhìn Nẫm, khiến nàng rờn rợn da thịt, nhưng lại thấy thích thích. Khi ba người dạo chơi trên biển lúc hòang hôn, Nora đi giữa, Rich thừa cơ nắm vuốt rờ rẫm cánh tay nàng không cho Đại thấy, Nẫm để yên không phản ứng, làm Rich càng đụơc thể, sờ nắn, bóp chặt thêm như một cách tỏ tình trắng trợn.

Thế là khi về lại Lexington, Richard ghé nhà gia đình David chơi rất thừờng, khen Paul đàn giỏi, khen Đại chụp hình có mỹ thuật để lấy cảm tình. Nẫm và Richard lén lút trao đổi những ánh mắt bí mật "tình trong như đã, mặt ngòai còn e". Hai ngừoi liên lạc nhau, rồi hẹn hò gặp gỡ chỗ này chỗ kia, ở quán ăn, ở hotel, ăn trưa. Nẫm lén lút ngoại tình, bù lại những năm tháng trống vắng, tình cảm thể xác không đuợc thỏa mãn với chồng. Không biết Đại có nghi ngờ không, riêng Paul đang lớn, để ý thấy mẹ có thái độ cử chỉ khác thường với Richard. Nói chuyện với ai đó trên cell phone cả giờ. Hay cười nũng nịu, lẳng lơ như thiếu nữ mới lớn. Có lần Paul nghe ai gọi phone cho mẹ ở phòng ngủ, Nẫm liếc ra thấy nó, vội khép cửa lại không cho tiếng nói lọt ra ngòai. Paul nhanh trí nhấc cái phone trong nhà bếp nghe lóm coi ai. Khi Nẫm xong cuộc điện đàm với tình nhân, mở cửa ra thì thấy Paul vừa đặt phone xuống cái cụp, rồi chạy vụt ra cửa. Nàng rụng rời hồn vía đưa tay che miệng, sợ xanh mặt, sợ con kể lại với chồng. Trong khi đó, Đại và Paul cũng có những hục hoặc mâu thuẫn. Cha con cãi nhau hoài về dự dịnh tương lai của Paul. Nó muốn trở thành nhạc sĩ, còn Đại muốn con học y khoa để ra bác sĩ nối nghiệp cha, bớt chơi đàn lại. Có lần Đại lái xe chở nó đi đâu, anh lại lôi chuyện đó ra nó, khiến nó nổi tức, to tiếng đòi Đại ngừng lại bỏ nó xuống đi bộ. Đại chỉ biết nhẫn nhịn, lắc đầu, nghĩ thầm số mình khổ vì con, có lúc nghĩ quẩn phải chăng tại mình bỏ rơi con gái nên bây giờ lãnh quả báo bị con trai hỗn láo, vô lễ... Paul giận cả mẹ lẫn cha, hay la cà với bạn, ít khi về nhà. Về nhà cha mẹ chẳng ai hiểu nó, làm nó cảm thấy bất hạnh hơn các bạn học khác. Nẫm và Đại, và đứa con đang lớn, cứ thế, hờ hững sống với nhau như ba cái bóng trong ngôi nhà rộng.

Có lần cha mẹ đi vắng, Paul đưa thằng John bạn học về, lẻn vào phòng rửa hình của cha, chỉ cho bạn coi hình của Đại cất, hình mẹ áo tắm hở hang, hình hai mẹ con lúc nó còn nhỏ, hình các cô gái lạ đủ mọi góc cạnh, hình đen trắng bà nội và cô nó trên nóc tủ. John khen hình Nẫm:

- Má mày đẹp "ác".

Rồi chỉ tấm hình vẽ bằng bút chì năm lớp 3 Paul
vẽ nguệch ngọac về gia đình, có 4 người: cha,
mẹ, Stella và nó, tò mò hỏi:

- Con nhỏ nào đây? Stella là ai?

- Em song sinh của tao, chết hồi mới sanh.

Nghĩ tới cha mẹ có cũng như không, em thì chết non, không có ai hiểu mình, tự nhiên nó tủi thân, nổi tức lên, túm lấy tấm hình cũ đó xé toạc ra bốn năm mảnh, rồi hất cái này đổ, đá cái kia lăn, làm rớt bức hình lộng kiếng của bà nội và cô nó xuống bể tan tành, kéo bạn bỏ chạy ra ngòai. Chiều tối, Đại về thấy phòng hình tanh bành tung tóe, biết ngay Paul làm, không muốn la lối làm căng thẳng thêm liên hệ cha con, lặng lẽ lấy chổi quét dọn, thu vén, đặt mọi thứ lại vị trí cũ. Paul thấy vậy, hối hận rón rén bước vào, lí nhí xin lỗi :

- Con xin lỗi ba, con cũng không hiểu tại sao tự nhiên hồi trưa con nổi khùng, muốn đạp đổ mọi thứ cho hết bực dọc trong lòng. Con không kiềm chế được...

Đại từ tốn nhìn con,không nói gì. Paul chỉ cái khung hình nó làm vỡ, hỏi:

- Cô con,... tên gì đó, hồi nhỏ chết vì bệnh gì vậy ba, con quên rồi.

- Cô Hòa. Cô bẩm sinh có lỗ hổng trong trái tim, nên không sống đuợc lâu. Bác sĩ nói sớm muộn gì cũng chết, chỉ là vấn đề thời gian.

Thế là hai cha con làm lành lại. Đại đi gặp bác sĩ tâm lý cố vấn chuyện gia đình, ông này khuyên cứ để Paul thích học gì thì học, đừng ép nó học cái nó không có khiếu, chỉ gây nên gia đình lục đục. Nó học cho nó, đâu phải cho mình. Đứa trẻ đang chuyển mình trở thành thanh niên, tự ái cao, mình chỉ nên hướng dẫn, không nên ép, sẽ khiến nó quẩn trí làm bậy rồi cả mình cả nó sẽ ân hận suốt đời. Biết đâu nó lại trở thành ngôi sao sáng về âm nhạc, nổi tiếng thì tha hồ có vô số hãng tới ký contract làm ăn với nó, đâu phải chỉ làm bác sĩ, luật sư mới là tốt. Đại nghe lời, để mặc con, riêng anh cũng dồn hết đam mê vào nghệ thuật nhiếp ảnh, nhiều tờ báo nổi tiếng đăng hình của anh, quảng cáo, phổ biến. Chẳng mấy chốc, bác sĩ Đại kiêm nhiếp ảnh viên nghệ thuật nổi tiếng trong quận, rồi tiếng tăm lan ra cả tiểu bang Kentucky, lan dần lên các tiểu bang lân cận.

Năm 2008, một hôm Kim đọc báo sửng sốt thấy hình bác sỹ David đăng to ở trang nhất với quảng cáo một cuộc triễn lãm hình chụp ở Winsler Gallerry, Pittsburg, do Hội nhiếp ảnh và nghệ sĩ thành phố bảo trợ. Cả một trời kỉ niệm đi làm y tá và tình yêu thầm kín thời trẻ ở Lexington sống dậy trong lòng nàng. Trông hinh, Đại vẫn đẹp trai, hiền hậu, phảng phất nét buồn u ẩn. Tự dưng Kim muốn đi dự, coi lại Đại bây giờ ra sao, coi anh có còn nghĩ tới Stella, tới nàng không. Đám đông kẻ ngồi, nguời đứng vỗ tay râm ran trong phòng họp rộng, Kim chen vô. Đại kìa, đứng trên bục, mặc đồ veste đen, không khác xưa mấy, tuy mặt có nhiều nét suy tư già dặn mà hồi đó không có. Khi chàng phát biểu mấy lời khai mạc xong, Kim đi rảo các phòng coi photos Đại chụp, thấy anh nói chuyện với một phụ nữ, bèn bước tới chào. Đại quay lại nhìn, ngơ ngác không nhận ra. Kim cười buồn:

- Bộ em thay đổi nhiều lắm sao?

Đại bỗng giựt mình, kinh ngạc thốt lên:

- My good God...Kim, té ra cô ở đây sao? Chàng vội xin lỗi cô khách, kéo Kim vào một phòng nhỏ đựng dụng cụ, đóng cửa lại, nói dồn dập:

- Bao nhiêu năm nay tôi đi tìm cô, Atlanta, Cleveland..nhận hình cô gửi, coi dấu bưu điện ở đâu là tìm tới. Stella vẫn còn ở với cô chứ?

- Chồng em lái xe truck xuyên bang đi lung tung, nên em nhờ ảnh tiện đâu gửi hình đó. Stella vẫn khỏe, thông minh, rất ngoan, học lớp 12 public school. Nó ưa ca hát, nó biết thêu thùa. Anh đoán hòan tòan sai . Ngòai nét mặt "Down's syndrome", sức khỏe nó rất tốt, không có vấn đề gì hết.

- Hồi đó, tôi tới căn hộ cô, thấy Salvation Army chất đồ lên xe, hỏi... họ không biết cô đi đâu.

- Bộ anh muốn bắt Stella lại hả?

- Không...Tôi ...cũng không biết nữa.

- Anh viết thư rất ngắn, và gửi rất nhiều tiền, nhưng không hề hỏi han gì về Nó, hay về Em cả...Có lần anh còn viết lung tung... có ý như muốn đưa nó về Lexington ở nữa...Nói thật anh điều này: còn lâu em mới giao nó cho anh.

- Sao cô tới đây, mà lại không cho tôi tới gặp nó? Nó 18 rồi, cho tôi được nhìn mặt nó một lát. Kim lúng túng: "Em cũng không biết tại sao".

Nghĩ vài giây, lại nói tiếp:

- Em tới đây chỉ để muốn "make sure" không còn thương anh nữa, để gạt hình ảnh anh ra khỏi đầu óc em. Ngày xưa, em đã si tình, yêu anh biết bao nhiêu, ngay khi có chồng rồi cũng vậy, nhưng bây giờ thì hết rồi.

- Cô nói gì? Hồi đó, cô đâu có tỏ ý gì với tôi đâu, cho tới khi tôi lập gia đình...

- Đúng, em không tỏ ý gì... nhưng mà thực ra... tỏ rất nhiều, chỉ vì anh khôngmuốn biết thôi.

Bỗng nàng lạnh lùng lắc đầu:

- Em lầm... Lẽ ra em không nên tới đây gặp anh. Rồi quày quả đẩy mạnh cửa , bỏ đi thẳng ra đường. Đại chạy rượt theo không kịp, bị hai người khách trờ tới bắt tay vồn vã hỏi han. Về hotel đêm đó, anh gọi văn phòng thám tử tư đìều tra tìm giùm địa chỉ Kim, truờng học Stella. Chỉ hai ngày sau đã có kết quả, thám tử cho biết địa chỉ nhà và tên trường High school Stella học.

Đại tới truờng lúc ba giờ chiều, đứng đợi sau bụi cây lưa thưa bên kia đường, cầm camera đứng dưới bông tuyết lạnh lất phất để chờ nhìn con, chụp hình con. Bốn giờ, chuông reo tan học, học trò tuôn ra đường.. Đại nhìn dáo dác...ngó kỹ mặt từng đứa nữ sinh một, đứa mặc áo đỏ, đứa áo xanh, áo đen... kia rồi Stella, đúng là nó, nhỏ con, mặt Down's Syndrome, đội nón len vàng, áo ấm hồng phủ kín người, mặc váy đen, chân mang vớ dài lên quá gối, mặt mày phúng phính, hai mắt nheo nheo. Đại bồi hồi, băm máy chụp con lia lịa. Click! Click! Click!...Stella thấy tự nhiên có người lạ cười tử tế, chụp hình mình, toe toét nhe răng cười lại. Về nhà tối đó, nó hí hửng kể ba má nghe có một ông theo chụp hình khi ra khỏi trường. Kim đang rửa chén, tay dừng ngay lại : -Stella, Má đã dặn con bao nhiêu lần rồi, không được nói chuyện với người lạ..

- Con đâu có nói chuyện, nhưng... ổng hiền và "nice" lắm.

- Ổng đi theo con hả?

- Không, ổng đứng bên kia đường, không có tới gần con.

Kim và Albert nhìn nhau. Albert nhỏ giọng bảo con:

- Stella, sỡ dĩ ba má không cho con tiếp xúc người lạ là sợ con bị xâm hại , ngòai xã hội có nhiều người xấu lắm, minh phải cẩn thận cho chắc ăn...

- Con biết, con lớn rồi mà ba má cứ coi như còn con nít hòai.

Nó giận lẫy, bỏ đi một mạch ra bàn học, ngồi thêu khăn tay. Qua hôm sau, Stella tan học ra, lên xe buýt, Đại cũng theo sau lên xe búyt như các hành khách khác, ngồi một chỗ khuất , kín đáo quan sát con, mắt mũi, tóc tai, cầm, miệng, tay chân... Xe stop, Stella xuống xe cắm cúi đi. Đại cũng xuống theo sau đó một phút, hồi hộp nhìn dáng con xăng xái bước . Anh chầm chậm theo con cách quãng, băng qua một cái bãi đất phủ trắng tuyết. Bỗng Stella lấy tay gỡ cái dây len đỏ cột tóc ra, nhét vào túi áo. Cái dây rớt xuông tuyết mà nó không biết, cứ tiếp tục đi. Đại bước tới cúi nhặt lên, gọi: "STELLA". Con bé quay lại thấy Đại, nhe răng cười. Đại sung suớng cười lại, bỗng Stella nhớ lại điều gì, nghiêm mặt la thật to:

- Go away...go away… You are a bad man.. (Đi đi..đi đi...ông là ngừời xấu...) tôi không thèm nói chuyện với ông...

Nụ cười tắt ngấm trên môi Đại. Anh tiu nghỉu, thấy hai ba học sinh gần đó quay lại nhìn mình với con mắt ác cảm, bèn nhét cái dây len cột tóc vô túi, chụp Stella vội mấy tấm hình rồi về.

Đại về lại Lexington, vợ cho hay Paul đã giận dỗi chuyện gì, lái xe bỏ đi ba ngày nay không về. Nó vừa tốt nghiệp trung học hè rồi, Đại mua cho cái xe mới. Hai người đổ thừa cho nhau đã không gần gũi con, tìm hiểu, theo dõi tâm tình và khuyến khích nó.

- Lỗi tại anh, không chịu đi chơi với nó, nói chuyện với nó, bỏ bê nó...

- Anh vẫn đi câu cá với nó, chơi bóng rỗ với nó..

- Nó chúa ghét bóng rỗ. Lâu nay nó đâu có đi
câu nữa đâu...

- Vậy chứ anh không chỉ dẫn cho nó học ra bác sĩ sao? Nó bỏ nhà đi vì anh huớng dẫn cho nó một tương lai tốt đẹp sao?

- Nó muốn trở thành nhạc sĩ, Trời ạ. Anh cứ bắt nó học Y khoa. Chính nó ghét anh ở chỗ đó. Em nói thật, mình đã "mất " nó rồi.

- Chắc gia đình mình phải đi gặp "counseling" (hội dồng tư vấn) quá..nhờ họ giúp đỡ.

Nẫm lắc đầu, mặt đanh lại:

- Quá trễ rồi anh ạ. Ngay cả với em cũng "trễ" rồi, đừng nói chi con.

Hôm sau, cảnh sát gọi Đại lên đồn bảo lãnh Paul về. Nó đói quá, ăn cắp đồ ăn trong chợ bị manager bắt, gọi cảnh sát nhốt. Đại được đưa vô phòng giam thăm, thấy Paul hốc hác ngồi trong bóng tối, tới gần cúi xuống, hai tay ôm lấy con, vỗ về sau lưng. Paul cảm động, chòang tay ôm lại. Vừa lúc đó, Nẫm chạy vào, hỏi viên cảnh sát:

- Nó có phải ở tù không ông?

- Chủ tiệm đã đồng ý tha tội, không muốn kiện nó làm chi.

Nẫm lớn tiếng đòi cấm cửa Paul mấy ngày vì tội lấy xe đi hoang, gây rắc rối. Paul hất tay mẹ ra:

- Còn lâu. Con phải đi tập dượt đờn guitare với bạn để lên diễn "audition" lần nữa cho họ coi tuần tới. Họ cho hẹn rồi.

-Cái gì? Hư hỏng như vầy mà còn đòi đi đâu?

- Con thà ở tù, hay thà chết... còn hơn về nhà.

- Mày nói thiệt hay giỡn, Paul?

Mặt Paul đanh lại, nó gỡ tay mẹ ra, nhìn chòng chọc vào mặt Nẫm, cười gằn:

- Mẹ mới là hư hỏng. Con khinh mẹ lắm...

Nẫm tái mặt, xấu hổ với viên cảnh sát và chồng đứng đó, cúi mặt chạy ra ngòai. Khi Đại chở con trên xe về nhà, anh từ tốn hỏi:

- Tại sao con làm vậy?

- Con làm đơn xin vô trường Âm nhạc Julliard không cho ba biết. Jonh đã chở con lên Chicago trình diễn thử tuần rồi và họ đã chấp thuận cho con học...

- Tốt, như vậy là tốt...Cái gì con thích thì cứ ráng học...

- Con tuởng ba giận con lắm...

- Không, cái gì con thích thì con cứ theo đuổi, cứ ráng học...Ba rất hãnh diện về con..

Paul cảm động thấy cha lần này tỏ ra thông cảm, khuyến khích mình, chợt ứa nước mắt nghẹn ngào nói:

- Ba, mẹ có "boyfriend" đó, ba biết không, không phải mới nguời thứ nhất...

-"Ba biết", Đại thản nhiên trả lời.

Paul kể lại những gì nó biết về việc hẹn hò của mẹ mấy năm truớc với Richard, rồi mới đây, với Frederick, một thuơng gia giàu hay đi du lịch các nước, quen Nẫm ở office nàng làm. Đại buồn buồn nín thinh nghe, không nói gì. Trong lòng anh, tình yêu đối với vợ đã nguội lạnh, chỉ còn có Stella và Paul là nguồn an ủi duy nhất. Anh "drop" con trước cửa nhà rồi chạy xe tiếp. Paul hỏi đi đâu, anh không trả lời, chạy ra nghĩa địa Holy Village, đi bộ vào thăm mộ con gái, cái mộ "giả" 18 năm nay đã phủ rêu xanh bụi bặm đen thui vì ít ai tới săn sóc. Đại bật khóc to, rống lên, đá lia lịa vào cái bia đá mộ con gái, rồi hai tay ôm đầu, cười sằng sặc một mình.

-'Go away...Go away...You are a bad man." Câu nói xua đuổi hắt hủi của con gái hôm kia trên Pittsburg còn văng vẳng đâu đây, như mũi tên đâm vào trái tim đang rướm máu của anh. Phải, Ba đúng là người xấu, ba bỏ rơi con 18 năm nay...Ba đáng bị trừng phạt lắm.

Những ngày sau đó, biết chồng con đều đã rõ hết chuyện tình vụng trộm của minh, Nẫm tuyên bố đòi ly dị. Đại không phản đối. Lỗi thực ra cũng không phải ở Nẫm. Tại anh. Anh lặng lẽ đi làm mỗi ngày, chiều về nhà chui vào phòng hình, coi mấy tấm hình, tới lui đi lại, chịu đựng cho số phận chính mình đã tự an bài ra. Vừa vặn lúc Paul lên Chicago học nhạc ở Viện đại học âm nhạc Julliard.

Năm 2011, sau 3 năm học , Paul tốt nghiệp và được "offerred" một job khá tốt ở Píttsburg. Stella cũng đã lên đại học, lại có 'boyfrriend" cùng học chung lớp . Boyfriend này tên Robert, cũng 'Down's Syndrome" như nó, hai mắt đờ đẫn khờ khạo, tóc phủ xuông che một bên trán, tánh tình hiền lành, hay tới nhà Kim chơi luôn. Một hôm Kim đi đâu về, thấy hai đứa ôm hôn mùi mẫn trên sofa phòng khách, la lên:

- Stop, đủ rồi. Đứng dậy Stella ...

Hai đứa buông ra. Stella nói:

- Tụi con chỉ "kiss" thôi mà. Má thương ba, má cũng hôn ba vậy.

- Cái "hôn" này đi hơi quá xa rồi đó con .

- Tụi con thương nhau mà.... Tụi con muốn kết hôn.

- Không được.

-"Tại sao không? " Stella ngơ ngác hỏi.

- Chuyện kết hôn rất phức tạp. Phải có việc làm, có nhà cửa...Tụi con sẽ ở đâu?

- Ở đây với má...

Thằng bồ Stella chen vô nói:

- Con sẽ kiếm việc làm...Stella cũng vậy. Tụi con sẽ có nhiều babies...

Kim phì cười, nhìn hai đứa trẻ nói chuyện kết
hôn, đi làm, đẻ con, mà mặt mũi ngây ngô khờ
khạo như trẻ lên mười, cắt nghĩa:

- Nếu con có baby, con phải bỏ job ở nhà để giữ baby, tiền đâu trả tiền nhà, tiền ăn, sữa, tả cho baby?

Stella phụng phịu:

- Tại sao thương nhau mà không cho lấy nhau chứ? Ai ngòai kia cũng làm vậy hết. Thật không "fair" chút nào.

- Phải, ở đời có nhiều cái không "fair" chút nào con ạ, nhưng mình phải chấp nhận. Thôi, đứng lên thay đồ, đi nghe hòa nhạc với ba má.

Tối đó có buổi trình diễn âm nhạc ở hí viện lớn Pittsburg do chỗ Paul làm tổ chức, có Paul, tên tuổi mới nổi, chuyên đàn guitar. Paul tham gia tới ba mục trong chương trình. Kim tò mò muốn đi coi, xem con trai của Đại bây giờ ra sao, lớn tới đâu, có giống cha và Stella không. Kim loay hoay sửa lại cà vạt cho chồng thẳng thớm, mặc áo veste cho chồng. Albert hỏi:

- Sao em không để Stella dọn ra ở riêng, cho nó quen đi?

- Lỡ nó có bầu thì sao? Em già rồi, không muốn nuôi con nít nữa.

- Hồi anh mới gặp em, em nói mong sao cho nó lớn khôn, sau này đựợc xã hội tiếp nhận một cách bình thường như những đứa trẻ khác mà...Sao em không cho nó thử một lần...

- Bởi vì...bởi vì...em không muốn cho nó đi...Em chưa bao giờ tưởng tượng có thể sống mà thiếu nó bên cạnh...

Kim và 2 đứa nhỏ, Stella và Robert, nghe lời Al, sau cùng chuyển lên ngồi hàng ghế đầu nhìn lên sân khấu. Lúc đầu nàng cứ sợ ngồi hàng đầu, Paul sẽ nhận ra em gái nó, một điều Al cho hết sức là vô lý, hai anh em xa nhau từ khi còn trong trứng nước... Kim nhìn Paul, để tóc dài, cao ráo đẹp trai, dáng dấp nghệ sỹ, bùi ngùi nhớ lại đêm nào bế nó đỏ hỏn từ tay Đại, rửa ráy quấn tả cho nó. Mới thoáng đó mà đã 20 năm, cả 2 đứa đều đã thành nhân.....Paul chơi đàn rất chuyên nghiệp, đàn một lúc 3 bài khác nhau mà thính giả vẫn chăm chú say mê nghe. Stella há hốc mồm nhìn nó đàn. Tiếng đàn buồn u ẩn, đôi lúc như gợi nó nhớ lại một cái gì rất gần gũi, rất quen thuộc mà nó mơ hồ không biết rõ. Khi mọi người đứng dậy vỗ tay khen ngợi, nó vỗ tay lâu nhất, và tình cờ Paul chú ý nó. Nhìn đôi mắt hiền khờ khạo, Paul thấy nao nao, thấy cái gì như chính nó ở trong đôi mắt đó, thấy cái gì rất thân quen, cái gì như thần giao cách cảm, làm nó xao xuyến bồi hồi.

Sau khi khán thính giả về hết, Paul nhớ lại hôm nay là sinh nhật mẹ, bèn gọi phone cho ba nhớ gọi mẹ chúc mừng. Đại gọi hỏi vợ có ước muốn điều gì cho ngày sinh nhật không. Nẫm cám ơn, cho hay sẽ làm đám cưới nay mai với Fred, qua Pháp sống, và muốn bán cái nhà đang ở.

- Em muốn 2 đìều. Thứ nhất, muốn anh dọn sạch cái phòng tối rửa hình của anh mà anh đã hứa mấy năm nay. Thứ hai, anh kiếm ai tới sửa giùm chỗ nước "leak"nhỏ giọt tí tách dưới cái sink nhà bếp dùm. Em có gọi plumber, nhưng ông ta đi vacation rồi.

- No problem. Chuyện nhỏ.

Đại ở clinic ra, về thẳng nhà, thấy phone bàn đèn đỏ nhấp nháy, nhấc nghe message có một cái Frederic chúc Nẫm " Happy Birthday", một cái Paul chúc mẹ "sinh nhật vui vẻ". Anh buồn nhìn lên vách, thấy hình Fred và Nẫm chụp tươi tắn cạnh nhau trông rất hạnh phúc. Bên kia, hình của Paul, hai mắt mơ màng, dáng rất nghệ sĩ, đang ôm cây đàn guitar. Anh nghĩ như vậy cũng yên cho vợ con, chỉ còn Stella ở xa, hình ảnh lúc nào cũng ám ảnh trong đầu. Năm nay anh đã gần 60 , ít vận động nên già sớm, đi đứng bắt đầu chậm chạp, tóc lốm đốm hoa râm, gần đây hay chóng mặt mỗi khi chăm chú thái quá. Lẽ ra anh gọi thợ tới sửa 'sink" cho vợ, nhưng muốn đích thân làm việc này cho vợ nhân ngày sinh nhật cuối cùng Nẫm còn ở nhà, trước khi hai người chia tay . Anh tự nhiên nảy ra ý muốn cho vợ biết chuyện của Stella. Anh bỏ hộp đồ nghề ở bếp, rồi ra bàn lấy cuốn notebook cạnh điện thoại, viết mấy chữ:

Con gái mình không có chết. Anh gửi Y tá Kim Trân mang đi nuôi nó từ lúc mới sinh tới giờ.

Nghĩ sao, Đại lấy bút xóa đi, sợ Nẫm làm phiền tới Kim, viết lại câu khác:

Anh đã cho người ta con gái mình từ lúc mới sinh.

Lại thấy không ổn, lại xóa đi. Anh vào bếp, cởi áo khoác, nằm chui đầu dưới sink, ngước lên cầm kìm vặn mở ống nuớc hình chữ U. Lâu ngày cái ngàm bị rỉ sét nên cứng ngắc, Đại phải nghiến răng lấy hết sức vặn. Bất ngờ, nước đọng trên ống chảy xòa xuống mặt, Đại quay mặt nghiêng để tránh, nhưng nước vẫn chảy tong tỏng vô mũi, vô miệng anh. Đại sặc sụa, mặt đỏ bừng, cựa quậy đầu, rồi hình như có một mạch máu nào đó trên đầu bị bể ra chảy trong đầu, khiến anh mê đi bất tỉnh, hai chân duỗi ra dẫy dẫy rồi cả người xuôi xị bất động trên sàn gỗ. Nửa giờ sau, Nẫm lái xe về, vào nhà thấy cái "note" chồng viết bôi xóa đen, không đọc ra được chữ gì, gọi "Anh Đại, anh Đại", không nghe ai trả lời, vào bếp thì thấy chồng nằm dưới đất, lật đật gọi 911.

....Paul đang bận rộn ký tên cho các "fan" trên rạp hát thì nghe phone mẹ gọi:

- Paul, ba bất tỉnh, đã chở nhà thương rồi, bác sĩ nói ba bị neurosis..

- Là bệnh gì?

- Là "loạn thần kinh chức năng", bác sĩ nói ba con có cái gì đau đớn chất chứa trong lòng nhiều năm mà không thổ lộ cho ai biết, bây giờ tới lúc... nó "bể" ra.

- Rồi ba đã qua khỏi cơn nguy chưa?

- Paul...Paul...Ba con chết rồi ....

Paul sững sờ, mở to mắt, miệng mếu máo ....

Một tuần sau, chôn cất Đại xong, hai mẹ con Nẫm mở cửa phòng rửa hình của Đại ra thám hiểm lục lọi trước khi "clean up". Paul ngắm nghía cái hình cũ cha mẹ hồi mới lấy nhau trẻ đẹp tươi cười hạnh phúc, lấy đưa mẹ coi. Nẫm đưa con coi cái hình ngộ nghĩnh lúc Paul 5 tuổi, hai mẹ con chụm đầu lại, mỉm cười nhớ lại những ngày hạnh phúc đã qua. . Paul xin cái khung hình bà nội và cô nó làm kỉ niệm. Nẫm lấy camera của Đại bỏ lại, đưa cho con. Paul lục một ngăn kéo, thấy cả trăm tấm hình khổ lớn toàn chụp các thiếu nữ khác nhau đủ các vị trí đi, đứng, nằm, ngồi... Hinh ai ở đâu mà chụp lu bù, tòan kẻ lạ, sao ba mình lại sưu tầm để đây làm chi nhiều vậy. Nẫm thấy cái chìa khóa mở locker trên bàn, có buộc sợi dây len đỏ cột tóc con gái còn mới, đưa con mở tủ coi bên trong có gì.

- Ba nói ngăn đó đựng tất cả các giấy tờ bảo hiểm đủ thứ...con mở coi.

Paul mở ra, thấy mấy tấm hình Đại mới chụp Stella cách đây vài hôm ở Pittsburg, cầm coi thấy mặt quen quen, ngờ ngợ nhớ có gặp con nhỏ lờ đờ mắc bệnh Down's syndrome này ở đâu rồi. Nó thấy nhiều xấp hình polaroid khác ràng dây thun la liệt , hình baby gái vài tháng nằm, hình baby gái biết đứng, biết đi, bé gái đeo kiếng cận thị chơi búp bê, cầm sách đọc, rồi cũng baby đó trở thành thiếu nữ 12, mười lăm tuổi, nét mặt khác lần, nhưng rõ ràng đều là hình của một người từ bé tới lớn.

- Mẹ coi lạ chưa, tất cả đều cùng là hình chụp một đứa con gái duy nhất, từ nhỏ tới lớn. Con nhỏ này là ai? Là gì của ba, mà ba cất kỹ trong locker này nhiều năm nay? Mà tòan hình polaroid...Ba đâu có máy hình polaroid...Hình như là ai gửi tới cho ba.

Nẫm cũng ngạc nhiên, chăm chú nhìn mặt đứa nhỏ trong các xấp hình, lớn dần lên theo năm tháng, nhíu mày suy nghĩ. Paul lật ra đàng sau 2 tấm, thấy ghi ngày tháng chụp, nét chữ đàn bà, rồi phát giác ra một xấp phong bì thơ cũ nhét trong sâu, lôi ra coi tên người gửi, hỏi mẹ:

- Có thư nữa mẹ à. KIM TRẦN là ai? Má biết ai không?

Nẫm sực nhớ đến cô nữ y tá Việt nam này xưa phụ chồng đỡ đẻ mình, tên KIM, tái mặt. Sau khi Nẫm sanh con thì cô ta xin nghỉ việc, đổi đi xa làm. Tại sao Đại lại cất giữ hình đứa nhỏ này, nó có liên hệ gì với Đại mà cô ta liên tục gửi các hình này cho Đại. Như vậy Đại đã từng có "affair" với cô ta và đây là hình đứa con riêng của hai người sao?....Nẫm lật đật mở một lá thư ra đọc, sững sờ, chớp mắt lia lịa, rồi bỏ xuông, giựt ngay một lá khác nữa ra đọc, mặt xanh như tàu lá, càng lúc càng kinh hãi. Bỗng nàng òa ra khóc hù hụ, một tay ôm mặt, một tay ôm chặt lấy bụng, loạng choạng thụt lùi lại, đụng lưng vào mép bàn, khóc ngất lên đau đớn. Paul vội ôm đỡ lấy mẹ. Nẫm gục đầu vào vai con, 2 bàn tay bấu chặt vào cánh tay con, khóc nức nở:

- Oh, my daughter...my poor daughter...

Khóc xong, Nẫm bắt đầu nổi cơn thịnh nộ. Đứa con là con chung, sao Đại lại dối gạt nàng trắng trợn và tự quyết định một chuyện động trời không hỏi ý nàng... Nàng túm mấy xấp hình, xấp thư, tất cả các sưu tập hình lớn từ các ngăn tủ hất liệng tung tóe xuống đất , miệng chửi chồng inh ỏi rồi ngồi phịch xuông ghế thở hổn hển, nước mắt ràn rụa.... Paul lục thấy mảnh giấy có ghi địa chỉ của Kim Trân do ba nó viết mới đây, ngồi xuống an ủi mẹ:

- Má bớt giận... Má biết không, cả trăm tấm hình ba chụp kia, tòan là những đứa con gái khỏe mạnh của thiên hạ mà ba không được may mắn có. Ba cũng nhớ Stella lắm, y như má vậy, nên ba đã chụp hình con gái thiên hạ khắp nơi cất đây, mỗi ngày lấy ra coi cho đỡ nhớ Stella. Má tưởng Ba không đau lòng sao? Con tìm thấy địa chỉ cô Kim rồi, ở Pittsburg. Mai mình lên đó tìm em.

Xe ngừng trước căn nhà Albert, sô 413. Hai mẹ con nhìn vào. Cửa trước đóng kín, có một chậu hoa nở vàng. Hai mẹ con đi vòng ra hàng rào hông nhà thấy trong vườn, một người đàn bà Việt nam khoảng 50 tuổi đang cúi xuống xúc đât vô hai cái chậu để bỏ hoa cúc vào trồng. Nẫm nhận ra Kim, đã già đi nhiều, kêu to:

- Chị Kim.

Người đàn bà ngước mặt lên, thấy Nẫm, hết sức ngạc nhiên.

- Tôi tìm thấy thư từ của chị trong studio anh Đại. Kim nhìn nguời thanh niên đứng cạnh Nẫm, nhận ra Paul. Paul lễ phép cúi đầu chào. Nẫm nói tiếp:

- Anh Đại mới chết cách đây hơn một tuần. Kim thảng thốt nhìn Nẫm, hai tay ôm ngực thốt lên 2 tiếng:" Oh, My God!"rồi lặng ngừơi đi một lúc. Bỗng có tíếng gọi "MOM" từ phía cửa hông cuối vườn, Nẫm nhìn qua vai Kim, thấy một cô gái hơi lùn, mặc áo len hồng xuất hiện, tay cầm bó hoa tươi vàng rực. Paul cũng nhìn theo, xúc động nhận ra cô bé đêm nào vỗ tay nghe nó trình diễn ở Pittsburg. Thấy khách lạ, Stella ngoắc tay gọi Kim lại:

- Má... tới đây, tới đây. Con có món quà cho má. Kim quay lại đi tới con. Stella chìa bó hoa ra tặng mẹ:

- Happy Mother's Day.... Hoa này con không có hái đâu. Con mua với tiền bỏ ống của con đó. Nẫm từ xa mếu máo nhìn con, đứa con gái bằng xương bằng thịt do nàng đẻ ra, tuởng chết 20 năm nay, bây giờ xuất hiện trước mặt như một phép lạ, như một món quà Trời cho. Kim dìu con tới gặp Nẫm.

- 'Hello, Stella", Nẫm cất tiếng chào trước.

- 'Hello, bà là ai vậy?" Stella thật thà hỏi.

Kim đỡ lời, bảo con:

- Đây là mẹ ruột con, Stella.

- Không, bà ấy đâu phải, Má mới là mẹ con.

Kim ôm lấy con nghẹn ngào. Stella kêu lên:

- Sao má khóc? Má làm sao vậy?

- Phải,...má là mẹ con, nhưng hồi xưa, con nằm trong bụng của mẹ Nẫm đây...trước khi con về ở với má. Hồi đó con còn nhỏ quá, nên má không kể chuyện này, sợ con hoang mang ..chứ má... lúc nào... má cũng thương con hơn bất cứ cái gì trên đời này..

Kim dìu con lại truớc mặt Nẫm chào. Con bé nhận ra Paul đứng cạnh người đàn bà sang trọng mà má nó bảo là mẹ ruột , chỉ mặt, cười:

- Eh, I know you. Em biết anh mà. Anh chơi đàn guitar đêm nọ. Anh chơi đàn hay lắm...

- Cảm ơn em.

Nẫm nhìn Stella bảo:

- Đây là Paul, anh ruột của con. Hai con là anh em sinh đôi.

Stella ngỡ ngàng mấy giây, nhoẻn miệng cười nhìn Paul rồi chìa tay ra bắt tay anh thật chặt:

- Nice to meet you.

Rồi nó quay lại, tách bó hoa ra làm hai phần bằng nhau, cầm trong hai tay, đưa ra cho hai bà mẹ, tuơi cười cất tiếng chúc mừng:

- Happy Mother's Day.

Nẫm thấy nghẹn ở cổ, ứa nước mắt. Stella hớn hở nhìn mọi nguời, mời vào nhà chơi, uống nước chanh đường nó mới làm. Nó nắm tay Paul kéo đi trước , miệng liến thoắng:

- Anh vô coi phòng em. Em cũng thích nhạc lắm. Em mới có cái máy hát mới, Robert tặng.

- "Robert là ai?",Paul hỏi.

- Bạn trai em.

Hai đứa nắm tay bước vô cửa hông vào nhà. Còn lại hai người lớn, Kim ấp úng giải thích:

- Stella đã lên đại học. Chị biết...Lúc nó sinh ra, anh Đại cứ tưởng là.....nó không cách gì sống được lâu. Ảnh nghĩ đem cho nó đi.... để tránh cho chị và ảnh khỏi đau khổ về sau, lỡ sau này nó chết..., như em gái của ảnh khi xưa....Nhưng ảnh đã lầm...Khi người ta lầm, người ta ráng sửa chữa, và lướt qua đựợc. Anh Đại thì không.... Sai lầm, đau khổ, dằn vặt, cố gắng...nhưng không thể sửa được. Mà tôi thì coi Stella như con đẻ, không thể sống xa nó một giờ một phút nào ...mong chị tha thứ.

Nẫm mếu máo chảy hai hàng nước mắt, gật đầu lia lịa, lấy tay bóp chặt tay Kim, rồi bỗng khóc nức nở, gục mặt vào cổ, ôm choàng lấy Kim, tỏ lòng biết ơn người đã thay nàng nuôi duỡng đứa con tàn tật với tất cả tấm lòng bao la của một người mẹ hiếm có....

Phạm Hoàng Chương
(Dựa theo tiểu thuyết của Kim Edwards: The Memory Keeper's Daughter, xuất bản năm 2006)

Nhấn Vào Đây Để Tải Tập Tin PDF

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nói về thơ Nguyễn Chí Thiện, thường người ta chỉ chú ý tới những ngôn từ khô khốc, lạnh lùng, đanh thép để hài tội cộng sản của ông. Điều này có thể hiểu được. Bởi vì ngay từ đầu thập niên 80,
Không có gì quý hơn sự sống. Không những các nhà đạo đức, thần học, tu hành tôn giáo nói thế mà cả các nhà khoa học cũng xác định như vậy. Điều khác biệt là các nhà bác học đặt vấn đề nặng nề phần vật lý hơn đạo lý.
“…Và bạn tôi, ông phải vẽ thôi (tôi hay kêu ông bằng tiếng kêu thân mật) khi xem bức tranh “Trên Ngọn Buồn Thánh Thót, Treo cao,” ghi tháng 5-2012 trên website của Hạnh Tuyền (người bạn đời hỗ trợ Du Tử Lê không ít về việc rẽ qua thế giới hội họa, tôi nghĩ vậy) tôi như gặp lại mối đồng cảm của sự cô đơn cùng tận, và phải chăng như tiếng hát đớn đau của Billie Holiday nghe lại những ngày này,
Người minh hoạ Việt Báo Tết Quí Tỵ, 2013 là hoạ sĩ Đinh Cường. Ông sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một - Việt Nam. Sống ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn cho đến 1989. Hiện cư ngụ tại Burke, Virginia. Hoa Kỳ. Studio: 9826 Natick Road , Burke - Virginia 22015. Phone: 703 323 5046
“Nhịp điệu uy nghi hùng dũng mà trong sáng êm dịu.”
Nguồn tin cuối cho biết họ đã tìm ra cha tôi, bằng cách đơn giản nhất là đảo nghịch tên tôi: A M A B O K C A R A B < = > B A R A C K O B A M A
Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Vietnamese International Film Festival – ViFF) do hai tổ chức bất vụ lợi là Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) và Hội Văn Hóa và Ngôn Ngữ (Vietnamese Language & Culture) tại đại học UCLA thực hiện cách mỗi năm một lần, kể từ năm 2003.
Người Việt từ lâu thường nói tới 4000 năm văn hiến, nhưng chỉ là truyền thuyết. Đây là lần đầu tiên, từ những xương cốt cổ, có thể mô tả thấy được nếp sống văn hiến thời ấy, dựa trên những bằng chứng và luận cứ khoa học.
Một ngày nhàn rỗi trước tuần lễ Giáng Sinh ở New York, tôi tỉnh dậy khoảng 2 giờ trưa, tôi cố thức dậy pha ly cà phê đen. Liếc qua trang bìa tờ Science Time, một phụ bản của báo New York Times, hình ảnh một cái xác chôn ở tư thế thai nhi nằm trong bào thai đập vào mắt tôi.
Mặt bàn và cả nhà đều nám bụi. Không sao. Thân thong thả lôi trong túi đồ nghề thầy thuốc ra từng món. Sau ống nghe, dụng cụ đo huyết áp, là một chai cognac.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.