Hôm nay,  

PHƯƠNG TRÌNH MỚI ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC

05/03/201300:00:00(Xem: 3022)
Phải nói ngay đầu đề ở trên có thể gây hiểu lầm đây là bài thuyết giảng của một vị lãnh đạo tôn giáo hay những lời khuyên răn của một vị cố vấn hôn nhân nào đó. Thực ra, day chỉ là tên của một cuốn sách mới xuất bản hồi tháng Tư năm 2012, của hai vị kỹ sư: Manel Baucells, giáo sư Kinh tế và Doanh thương tại Đại học Pompeu Fabra, Barcelona, Tây ban nha, và Rakesh Sarin, giáo sư môn Quản trị tại UCLA, thuộc hệ thống Đại học California ở Los Angeles. Tên cuốn sách bằng tiếng Anh như trang bìa cho thấy, là "Kiến Tạo Hạnh Phúc / Phương cách mới để xây dựng một cuộc sống tươi vui."
hanh-phuc_1
Trước đây đã có nhiều sách viết về chủ đề hạnh phúc, nhưng có thể nói đây là cuốn đầu tiên do hai vị kỹ sư viết ra. Theo như hai tác giả cho biết trong lời tựa, trước khi trở thành những giáo sư dạy Kinh tế và Quản trị, họ xuất thân là những kỹ sư, mà nhiệm vụ chính của kỹ sư là ứng dụng kiến thức về khoa học kỹ thuật vào việc thiết kế, xây dựng, cũng như điều hành những công trình cung ứng tiện nghi cho xã hội hay sản xuất những máy móc nhằm nâng cao giá trị cuộc sống. Cầu cống, xa lộ, trường học, bệnh viện, nhà cao tầng, v.v…và các loại phương tiện chuyên chở như xe hơi, tàu thủy, máy bay, hoặc móc như truyền hình, máy điện toán, điện thoại cầm tay… đều thuộc trách nhiệm của kỹ sư. Tóm lại, kỹ sư là người thích tìm tòi, giải đáp những vấn nạn, những câu hỏi hiểm hóc đầy thách thức, nhờ đó mà ngành kỹ sư đã đạt được những thành tựu tốt đẹp về kỹ thuật như ta đã thấy.

Cách đây hơn mười năm, hai vị giáo sư tác giả cuốn sách cũng đã tự thách thức mình với vấn đề kiến tạo hạnh phúc. Liệu người kỹ sư có thể vận dụng kiến thức của mình cùng những điều kiện cụ thể, có thực trong cuộc sống để giải quyết một vấn đề khó nắm bắt như hạnh phúc không? Trước hết là tìm hiểu thế nào là hạnh phúc, cái gì tạo nên hạnh phúc, và sau đó là làm thế nào đánh giá hạnh phúc của người này so với hạnh phúc của người kia. Nói cách khác, mục đích của hai tác giả khi tự đặt cho mình câu hỏi trên là làm sao khám phá được những đặc tính của hạnh phúc qua những phân tích có hệ thống và có thể định nghĩa được.

Cuốn sách vừa xuất bản là thành quả công trình nghiên cứu của họ, nhằm chia sẻ với chúng ta nhiều khám phá lý thú, quan trọng nhất là điều khẳng định "hạnh phúc có thể kiến tạo được".

HẠNH PHÚC = THỰC TẠI - KỲ VỌNG

"Thực tại" ở đây gồm hoàn cảnh thực tế quanh ta, những điều kiện, cơ sở vật chất cũng như tinh thần đang tồn tại trong cuộc sống của chính ta, thân thế, sự nghiệp, địa vị xã hội của ta vào một giai đoạn nhất định nào đó trong cuộc đời, kể cả tuổi tác, sức khoẻ, trình độ, khả năng, mức sống, v.v… Còn "kỳ vọng" là những gì ta mong mỏi, hy vọng, trông chờ, hay mong đợi.

Từ phương trình trên, ta có thể hiểu mức độ hạnh phúc ta có thể có được tùy thuộc vào hai biến số trong vế thứ hai. Kỳ vọng càng cao so với thực tại thì mức độ hạnh phúc càng thấp, có khi là số âm, hoặc ở một mức độ làm ta cảm thấy đau khổ, hay thiệt thòi. Trái lại, kỳ vọng càng thực tế thì mức độ hạnh phúc càng dễ đạt được, cảm nhận được.

Phương trình trên đây mới chỉ là phần căn bản. Muốn tạo hạnh phúc, hai tác giả cuốn sách còn lần lượt phân tích những liên hệ tất yếu và phức tạp giữa các hiện tượng nội tâm và sắp xếp chúng thành 6 quy luật hạnh phúc làm thay đổi hai vế trong phương trình trên, giúp ta hiểu chính xác hơn và có thể áp dụng phương trình đó sao cho có hiệu quả trong các lựa chọn của đời sống.

Hạnh phúc thường được ví von như một quả lắc, hết quay qua trái lại quay qua phải, và trước sau gì cũng sẽ trở về vị trí ở giữa, ngụ ý là ta không thể làm gì khác hơn được. Như vậy là sau những xao xuyến ban đầu, ta sẽ quen dần với một mức độ hạnh phúc nào đó và không còn thấy có gì đặc biệt, khác lạ nữa. Nhưng hai tác giả cuốn sách không nghĩ như vậy. Họ so sánh hạnh phúc như một chiếc thuyền buồm trên biển mà gió bão cũng như các dòng nước ngầm có thể gây tác động và ảnh hưởng đến hướng đi của con thuyền, nhưng người ở trên thuyền vẫn làm chủ được tay lái nếu biết khéo léo kiểm soát, điều khiển nó. Những qui luật mà hai tác giả đưa ra có thể được hiểu như là tay lái trên thuyền sẽ giúp hướng dẫn con thuyền đến bến bờ hạnh phúc.

Chung qui có được cuộc sống an lạc hay không chỉ là một vấn đề chọn lựa. Nếu hiểu thế nào là hạnh phúc và nắm vững những qui luật được giải thích trong sách, người ta sẽ có đủ cơ sở để có những quyết định đúng đắn trong chọn lựa hầu có được một cuộc sống an lành, vui vẻ, như ý.

Hạnh phúc là gì?

Trước hết hai tác giả phân tích một kinh nghiệm đã được báo chí tường thuật trước đây để trả lời câu hỏi "Tiền có mua được hạnh phúc không?" Chắc nhiều người còn nhớ câu chuyện Andrew Jackson Whittaker, Jr. trúng số Powerball jackpot $315 triệu vào ngày Giáng Sinh 2002. Andrew lớn lên trong một gia đình nghèo ở West Virginia và phải bắt đầu làm việc từ lúc mới 14 tuổi, nhưng nhờ chuyên cần làm việc nên sau này anh thành lập được một công ty lắp đặt hệ thống ống nước khá thành công. Nếu vẫn tiếp tục sống và làm việc như bình thường, chắc hẳn anh và gia đình đã có những thăng tiến càng ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng anh lại trúng số độc đắc, và cuộc đời anh đã thay đổi.

Thay đổi như thế nào? Hai vợ chồng anh đã chọn cách lãnh một lần $170 triệu thay vì lãnh trong nhiều năm. Sau khi trừ thuế, họ còn được khoảng $112 triệu. Anh biếu các nhà thờ ở West Virginia 10% số tiền đó, mua cho người phụ nữ đã bán cho anh tấm vé số may mắn một căn nhà, và mướn lại 25 nhân viên mà anh đã phải cho nghỉ việc trước đó. Tất cả đều nghe như trong chuyện thần tiên.

Nhưng chuyện gì đã xảy ra hai năm sau? Tên tuổi anh lại được nhắc đến hằng ngày trên báo, cũng như các đài truyền thanh, truyền hình, nhưng lần này thì toàn những tin tức không hay. Anh đã bị cảnh sát bắt hai lần vì tội lái xe lúc đang say rượu và anh phải chữa trị trong một trung tâm phục hồi. Ngoài ra anh còn bị liên can đến nhiều rắc rối khác như cờ bạc và gái điếm. Năm năm sau, vợ anh bỏ anh, và tiếp theo là cô cháu yêu quý của anh chết vì nghiện ngập do chơi với bạn xấu.

Tại sao cuộc đời của một người tương đối thành công và giàu có như anh, ngay cả trước khi trúng số, lại xuống dốc đến như vậy? Có lẽ là do vận may bất ngờ anh được thừa hưởng một món tiền quá lớn mà không biết cách sử dụng đúng đắn nên anh đã có những quyết định thiếu chín chắn, nhất là anh không được chuẩn bị chu đáo, khôn ngoan trong cách ứng xử.

Hạnh phúc hoá ra là một vấn đề không đơn giản. Có thể hình dung nó như một trò chơi lắp ghép hình phức tạp với nhiều mảnh nhỏ hình thù khác nhau, dài ngắn khác nhau phải tìm cách chắp lại thành một khuôn mẫu nào đó theo ý muốn. Làm được hay không tuỳ thuộc vào khả năng thiên phú và tài khéo léo của người chơi.

Nếu hỏi hạnh phúc là gì thì chắc ai cũng nghĩ là mình hiểu vì đã nghe, đã sử dụng danh từ này khá nhiều lần trong các dịp đám cưới, đám hỏi, lễ bạc, lễ vàng, hay trong những ngày Tết, mừng Xuân Mới, v.v… Thông thường ai cũng nghĩ hạnh phúc phải là những tình cảm, xúc động, tâm trạng, cùng nhận thức có tính cách tích cực như sự sung sướng về vật chất cũng như tinh thần, sự thích thú, vui vẻ, hài lòng, vừa ý, hay thoả mãn…

Tuy nhiên, hai tác giả không hoàn toàn đồng ý như vậy.

Sau khi nghiên cứu một khối lượng lớn sách báo đã xuất bản về các phương pháp đánh giá hạnh phúc (cao/thấp, nhiều/ít) và tìm hiểu những yếu tố thường được xem là có ảnh hưởng đến hạnh phúc như văn hoá, lương bổng, tuổi tác, trình độ giáo dục, tỷ lệ tự sát, và các thay đổi của tế bào thần kinh trong não bộ tuỳ theo tâm trạng vui hay buồn, họ tiếp cận vấn đề một cách khác, coi hạnh phúc như một tổng thể các sự vui buồn, sướng khổ trong một thời gian nhất định nào đó, chứ không chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.

Họ triển khai hai khái niệm liên quan đến định nghĩa danh từ hạnh phúc mà họ đã sử dụng khi nghiên cứu vấn đề này. Thứ nhất là hạnh phúc nhất thời (moment happiness), là niềm vui hay nỗi buồn, sự sung sướng hay điều đau khổ mà ta cảm nhận được cường độ của nó vào một thời điểm nhất định. Thứ hai là hạnh phúc thật sự (total happiness), được kể như là kết số của tất cả những tình cảm tích cực trừ đi những tình cảm tiêu cực sau một thời gian.

Hãy lấy ví dụ về Skydiving (một nhóm sinh viên tham gia môn thể thao nhảy từ trên máy bay và rơi tự do cho đến khi có thể an toàn mở dù) để hiểu cụ thể hơn. Họ sử dụng một biểu đồ thăm dò hạnh phúc gồm hai trục tung và hoành. Trục tung chỉ cường độ của cảm xúc trước khi nhảy, trong khi nhảy, và sau khi nhảy, từ -10 (cực đau khổ) đến +10 (cực sung sướng), được tính bằng "happidons", đơn vị đo lường hạnh phúc do chính họ nghĩ ra. Trục hoành chỉ thời gian, trên đó ghi những xúc cảm có tính tích cực như: háo hức/hưng phấn, thiết tha/nhiệt tình, nhẹ nhõm/hết lo âu, hãnh diện, vui vẻ... có lẫn cả những xúc cảm trái ngược có tính tiêu cực như: căng thẳng, bứt rứt/bối rối, lo lắng, sợ hải, kinh hoảng. Theo dõi và ghi nhận những tín hiệu biến chuyển trong tâm trạng người tham dự từ những giờ phút chuẩn bị và chờ đợi đầy lo lắng cũng như háo hức ban đầu, qua những thay đổi của tình cảm theo trục thời gian, cho đến những cảm giác nhẹ nhõm hay ngây ngất sau khi hoàn tất, họ mới tính ra số "happidons" từ kinh nghiệm Skydiving của nhóm sinh viên nói trên, nghĩa là hạnh phúc nhiều hay ít.

QUY LUẬT 1: SO SÁNH TƯƠNG ĐỐI

Rõ ràng là từ nhỏ đã có cái khuynh hướng so sánh mình với người khác cạnh mình. Hạnh phúc hay đau khổ cũng từ đó mà khởi sinh. Một ví dụ thực tế: Một cô học sinh 17 tuổi nhận được điểm cuối năm 8/10, coi như là điểm tốt, nhưng cô vẫn khóc sụt sùi, có vẻ không bằng lòng. Khi hỏi tại sao, cô trả lời: "Mấy bạn con được điểm 9 hoặc 9.50."

Bất cứ một sự so sánh nào cũng có hai điểm đối chiếu: Thực tại khách quan và kỳ vọng (điều mình mong đợi). Trong ví dụ trên, điều cô gái mong đợi và lấy đó làm cơ sở để so sánh là số điểm của các bạn cô. Nếu các bạn cô đều được điểm 7 thay vì điểm 9, hẳn là cô đã thấy sung sướng với điểm 8 của cô rồi.

Từ ví dụ trên, họ đề ra Quy luật 1 mà họ cho là quan trọng nhất:

Quy luật 1: Có hạnh phúc hay không có hạnh phúc đều do so sánh mà ra.

Vì có so sánh, phương trình hạnh phúc được giản lược như sau:

HẠNH PHÚC = NHỮNG GÌ TA CÓ - NHỮNG GÌ NGƯỜI KHÁC CÓ

Tình cảm ở trong ta thường được khởi động khi thực tại bên ngoài không ngang tầm với điều ta mong đợi. Nếu mức độ khác biệt có chiều nghiêng về hướng tích cực, nghĩa là thực tại ta đang sống phong phú hơn, dồi dào, nặng ký hơn thì trong tâm trí ta sẽ khởi phát những tình cảm như vui mừng, hãnh diện, dễ chịu, thích thú… Ví dụ như khi máy bay của chúng ta đến sớm hơn giờ đã ghi thì ta thấy vui. Trái lại, nếu máy bay đến trể, ta sẽ cảm thấy khó chịu, bực bội.

So sánh về mặt xã hội thường là so sánh với những người cùng trang lứa, cùng ngành nghề, cùng giai tầng xã hội. Ít khi ta so sánh với những người thuộc các tầng lớp trên ta. Vậy có khi nào ta so sánh với những người kém may mắn hơn để thấy ta sung sướng hơn không? Tom Gilovich và các đồng nghiệp trong một nghiên cứu có liên quan đến các vận động viên được huy chương ở Olympics đã giúp trả lời điều đó. Họ nhận thấy rằng trong khi các vận động viên được huy chương bạc thường hối tiếc đã đến gần mức thắng mà lại không thắng thì các vận động viên được huy chương đồng lại thấy rộn ràng vui vì được huy chương trong khi bao nhiêu vận động viên khác cùng tham dự cuộc tranh tài lại không được gì cả.


Có 4 phương sách có thể kiềm chế được khuynh hướng muốn so sánh mình với người khác:

1. Chọn bạn trong cùng một giới ngang tầm với mình.

2. Biết so sánh có chọn lọc, đừng ganh tị.

3. Nên sống tử tế và sẵn sàng giúp đỡ người kém may mắn.

4. Tập khen ngợi người hay chuyện đáng khen.

QUY LUẬT 2: KỲ VỌNG THAY ĐỔI

Quy luật 2: Kỳ vọng thay đổi theo chiều hướng của thực tại mới.

Trở lại với phương trình hạnh phúc, một khi thực tại thay đổi thì kỳ vọng cũng thay đổi theo. Ví dụ rõ rệt nhất là khi được tăng lương thì cũng mong được hưởng thụ nhiều hơn. Hay khi còn là sinh viên đi học bằng chiếc xe cũ cũng không sao vì chung quanh hầu như ai cũng thế. Nhưng sau khi tốt nghiệp và làm việc một thời gian, khi đồng nghiệp cùng sở lái xe nhập cảng kiểu mới loại BMW hay Mercedes-Benz mà ta vẫn tiếp tục chạy chiếc xe cũ ấy thì chẳng còn hợp với lối sống mới tí nào, làm sao vui được. Tại sao? Vì cuộc đời đã khác nên kỳ vọng cũng phải khác đi, nhất là khi nhìn chung quanh, ta thấy muốn có những gì bạn bè và đồng nghiệp đã có. Do đó, phương trình hạnh phúc có thể viết lại như sau:

HẠNH PHÚC = NHỮNG GÌ CÓ BÂY GIỜ - NHỮNG GÌ CÓ TRƯỚC ĐÂY

Nhưng con người vốn có một khả năng đặc biệt là dễ thích ứng, thuận lợi hay khó khăn, hoàn cảnh tốt hay xấu, rồi cũng quen dần. Bởi vậy khi kỳ vọng và thực tại không còn chênh lệch nhau nữa thì những tình cảm ban đầu, tích cực hay tiệu cực, cũng mờ nhạt đi, không còn được cảm nhận ở cường độ đáng kể nữa. Phương trình hạnh phúc, do đó, cũng có thể trình bày lại như sau:

HẠNH PHÚC = THỰC TẠI - KỲ VỌNG ĐÃ THAY ĐỔI

Điều quan trọng cần phân biệt là ta có thể thích ứng với những gì ta có, nhưng tùy loại mà mức độ thích ứng có khác nhau. Khi nói đến những tiện ích căn bản như thực phẩm, nghỉ ngơi, quan hệ tình dục, sức khoẻ, thể dục, liên hệ với bạn bè, gia đình… thì mức độ cảm khoái của ta ít có dấu hiệu thay đổi, vì đó là những nhu cầu thiết yếu. Nhưng với những thứ tiện ích không căn bản như đồ đạc trang trí trong nhà, máy móc, áo quần, nữ trang mới thì sự háo hức ban đầu suy giảm đi rất nhanh. Nếu biết như vậy việc chọn lựa sẽ dễ dàng hơn, không phải chạy theo những sản phẩm tiêu dùng mà trước sau gì rồi cũng chán.

QUY LUẬT 3: SỢ THUA THIỆT

Khuynh hướng tự nhiên của con người là sợ thua thiệt, không bao giờ muốn thấy mình thiệt thòi hơn người khác. Vì vậy mà cường đô cảm thấy vui khi "được" $10.00, nếu tính bằng happidons, sẽ thấp hơn cường độ cảm thấy "buồn" vì mất cũng số tiền đó.

Quy luật 3: Nỗi sợ bị thua lỗ sâu đậm hơn niềm vui khi được cùng một vật sở hữu có giá trị tương đương.

Khuynh hướng này khá phổ biến và đã được ghi nhận cũng như khai thác trong nhiều lãnh vực như thể thao, cờ bạc, hay kinh doanh. Chính khuynh hướng này đã ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn và cách hành xử trong cuộc sống. Xin kể thêm vài ví dụ.

Hai Giáo sư Ian Ayres và Dean Karlan thuộc Đại học Yale đã đề ra một phương cách giúp người mập giảm cân rất hiệu nghiệm dựa trên khái niệm sơ khởi là "ai cũng cố gắng tối đa để khỏi mất $500.00, hơn là được $500.00", sau khi tự nguyện bỏ số tiền đó vào một chương mục của một cơ quan trung gian quản lý và bắt đầu tập theo một chế độ ăn kiêng. Nếu đạt mục đích giảm cân sau thời gian quy định, số tiền ký gởi sẽ được hoàn trả nguyên vẹn. Ngược lại, số tiền đó sẽ được tặng cho một cơ quan từ thiện.

Về chuyện cai thuốc lá thì ứng dụng như sau. Người nghiện ký gởi số tiền vẫn chi dùng cho thuốc lá vào một chương mục tiết kiệm. Sau sáu tháng, nếu thử nghiệm máu cho thấy không còn chất nicotine, số tiền tiết kiệm sẽ còn nguyên. Nếu không, số tiền đó sẽ được biếu cho một cơ quan từ thiện. Chương trình cai nghiện này cũng rất thành công vì không ai muốn mất đi số tiền tiết kiệm của mình. Hiểu rõ cách vận hành của quy luật thứ ba về nỗi sợ này trong cách hành xử hằng ngày cũng sẽ giúp đạt được những quyết định và lựa chọn đúng đắn.

QUY LUẬT 4: CƯỜNG ĐỘ CẢM THỤ GIẢM THAY VÌ TĂNG

Trúng số thì hẳn là vui rồi. Nhưng vấn đề mà hai Giáo sư muốn gỉải thích bằng toán học ở đây là khi trúng $100,000.00 thì nỗi vui có tăng gấp 10 lần so với khi chỉ trúng có $10,000.00 không? Đặt vấn đề như vậy là để chứng minh rằng khi bàn về có hạnh phúc hay không có hạnh phúc, không nên hiểu tâm lý chuyển biến theo một đường thẳng, do đó mới cần nói thêm với Quy luật thứ tư:

Quy luật 4: Mức độ hạnh phúc không tương ứng với sự khác biệt giữa thực tại và kỳ vọng vì lý do cường độ cảm thụ giảm, thay vì tăng, do đó mà khi thực tại vượt quá xa kỳ vọng thì mức độ hạnh phúc cảm nhận không tăng theo cùng một nhịp độ như ta tưởng.

Quy luật này cho thấy rằng nhân đôi nguồn kích thích không hẳn sẽ gây ra một phản ứng cũng gấp đôi trong xúc cảm. Chính vì vậy mà miếng kem lạnh đầu tiên vào một ngày nóng bức mới thiệt là ngon, trong khi miếng thứ hai tuy cũng còn ngon nhưng ít hơn một chút, và miếng thứ ba sẽ ít ngon hơn miếng thứ hai. Ăn hết kem vẫn thấy ngon, nhưng mức độ cảm nhận cái ngon giảm dần.

Mức độ cảm nhận còn tùy thuộc vào nhịp độ thích ứng của từng người trong từng sinh hoạt khác nhau, nhanh hay chậm, khi thực tại và kỳ vọng thay đổi.

Vận dụng thêm những yếu tố mới này vào phương trình hạnh phúc bằng toán học, hai tác giả đã đưa ra 'công thức dự đoán hạnh phúc' (formula for happiness) và cho biết bí quyết bảo đảm đưa đến hạnh phúc là chiến lược tiệm tiến (crescendo strategy), ngăn không cho tạo ra thói quen làm giảm đi những thích thú trong cuộc sống, mà trái lại phải luôn luôn gia tăng và thay đổi các sinh hoạt trong đời sống để lúc nào cũng nhận thấy hôm nay khác hôm qua, và dành phần tốt nhất cho giai đoạn cuối (saving the best for last).

QUY LUẬT 5: CẢM GIÁC BÃO HOÀ

Con người là một sinh vật có khuynh hướng sống theo thói quen. Muốn có hạnh phúc phải vượt ra khỏi vòng kiềm tỏa của thói quen qua việc khai hoạt mới mẻ, đa dạng. Chính đây mới là những gì mang lại hương vị cho cuộc đời và cũng là nội dung của Quy luật 5:

Quy luật 5: Vì lý do bảo hoà, những cảm nhận thích thú có được khi mới thụ hưởng sẽ càng lúc càng giảm với thời gian; ngược lại, những cảm nhận khó chịu khi mới kiêng nhịn sẽ làm tăng mức độ thích thú khi sắp được thụ hưởng.

Ứng dụng vào thực tế ta sẽ thấy ngay. Nếu mới từ Bahamas trở về Arizona sau một tuần nghỉ ngơi, tắm biển bên đó mà lại được mời về một thành phố trên bờ biển Nam California nghỉ cuối tuần thì chắc chắn là không hấp dẫn lắm. Hay cụ thể hơn, mới ăn cưới ở một nhà hàng quen thuộc, hôm sau phải tham dự họp bạn cũng tại nhà hàng đó và thực đơn của nhóm tổ chức cũng y như đêm trước thì hương vị ăn uống chắc không còn mấy đậm đà.

Chúng ta đã thấy nhịp độ thích ứng của từng người có khác nhau. Nhịp độ bảo hoà cũng vậy, nhưng tuỳ thuộc loại tiện ích. Có thể nói rằng một khi thói quen đã hình thành thì sự thích ứng sẽ làm giảm đi cảm giác bảo hòa. Ví dụ ai thích nhạc cổ điển thì có thể nghe suốt ngày mà không thấy chán, vì đã quen như vậy. Ngược lại thì chỉ năm, mười phút là đã muốn chuyển qua một loại hình thưởng ngoạn khác.

Trong các mục hưởng thụ như hội hè, ăn uống, du lịch, v.v… cũng cần tính toán, chừng mực, làm sao để hiện tượng bão hòa không làm mất đi sự háo hức, chờ đợi thích thú trong cuộc sống hằng ngày.

QUY LUẬT 6: MA LỰC HIỆN TẠI

Gọi là ma lực hiện tại hay tính đương thời (presentism) vi cái cảm tưởng nhất thời, như sự sung sướng, lạc quan vì mới trúng số sẽ tạo kỳ vọng lệch lạc là sẽ tiếp tục được sung sướng, lạc quan như thế nữa. Nhưng trong thực tế, tâm trạng hồ hởi, phấn khởi đó không kéo dài như ta tưởng. Đó là nôi dung của Điều luật 6.

Điều luật 6: Vì ma lực hiện tại, ta dự đoán là những gì ta thích hay tình cảm của ta trong tương lai sẽ tương tự như những gì ta thích hay tình cảm của ta trong lúc này.

Câu cuối cùng trong những câu chuyện thần tiên mà ta đã đọc hồi còn nhỏ thường là "…và từ đó về sau họ sống hạnh phúc bên nhau." Thực tế có như vậy không? Làm sao dự báo được tương lai một cách lạc quan như vậy? Hãy tưởng tượng nếu Romeo và Juliet còn sống và thành vợ chồng như bao nhiêu cặp tình nhân khác, liệu cuộc đời họ sẽ chỉ có toàn những yêu thương, hay cũng có những vui buồn, những xung đột thường tình như bao nhiêu gia đình khác?

Nhưng đó là một lỗi lầm rất phổ biến, được gọi là thiên kiến về thích ứng (adaptation bias), cho rằng những gì ta kỳ vọng sẽ không thay đổi mà quên mất trên thực tế, kỳ vọng của ta cũng sẽ thay đổi. Phương trình hạnh phúc, do đó, phải được biểu thị như sau:

HẠNH PHÚC THẬT SỰ = THỰC TẠI TRONG TƯƠNG LAI - KỲ VỌNG TRONG TƯƠNG LAI

Ngoài ra còn phải nói đến vấn đề thiên kiến về bảo hòa (satiation bias), thường khiến ta nghĩ lầm rằng mức độ bảo hòa mà ta đang cảm nhận sẽ không thay đổi. Vì hiểu rõ tâm lý này nên ngành tiếp thị kinh doanh đã khai thác khách hàng một cách có hệ thống. Ví dụ như tại các trung tâm thể dục thường có các chiêu dụ vào dịp Giáng Sinh hay Năm Mới với lệ phí hội viên hằng tháng thật thấp rất hấp dẫn. Nhiều người ký hợp đồng dài hạn vì nghĩ mình được lợi và hăm hở tham gia. Đi tập được một hoặc hai tháng thì sự hăng hái, chuyên cần giảm sút dần, cuối cùng chỉ có trung tâm thể dục là được lợi vì hội viên vẫn phải tiếp tục đóng lệ phí dù không còn đi tập thường xuyên nữa.

Trên đây là phần tóm lược những nét chính trong công trình nghiên cứu của hai vị Giáo sư Đại học mà người viết đã giới thiệu. Phần còn lại nói về cách ứng dụng phương trình hạnh phúc cũng như 6 Quy luật hạnh phúc mà họ đã phân tích, để làm sao thiết thực tạo được hạnh phúc tối đa trong cuộc sống. Đây là một cuốn sách nặng tính hàn lâm nhưng đọc rất thích, vì hai tác giả đã khéo sử dụng rất nhiều ví dụ cụ thể, lấy ra từ các bài giảng trong lớp, từ nhiều giai thoại lý thú trong công trình nghiên cứu của các nhà chuyên môn khác, cùng những chuyện kể hấp dẫn, những câu trích dẫn uyên thâm của các danh nhân về vấn đề hạnh phúc, hay những huyền thoại đầy tính ẩn dụ sâu sắc từ kho tàng văn hoá thế giới.

Đề cập đến hạnh phúc là một điều không dễ, vì khó có được sự đồng thuận do mỗi người mỗi quan niệm khác nhau, nhưng nội dung cuốn sách phản ảnh một lối tiếp cận vấn đề rất độc đáo và hiện đại. Hạnh phúc, như hai tác giả nhận định, là "một sự cố gắng làm đầy ly từng chút một, chứ không phải có được do thừa hưởng một cái ly đầy". Và họ đã kết thúc như sau:

"Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý khởi sinh từ cảm nhận rằng mình không còn thèm khát một nhu cầu nào chưa được thỏa mãn. Tuy nhiên chúng ta lại có khuynh hướng tự tạo cho mình những nhu cầu mới dù mình có tích lũy đến bao nhiêu đi nữa. Bởi vậy, muốn cho hạnh phúc 'nở hoa', chúng ta cần nhìn bầu trời và xem như đang có một phần bị mây che phủ, nhìn cái ly trước mặt và xem như ly đang đầy một nửa, nhìn cuộc đời chúng ta và xem như đang thập phần sung túc."

Ngày xuân, xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị độc giả.

Nguyễn Văn Sở

Nhấn Vào Đây Để Tải Tập Tin PDF

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tác giả tên thật David Huỳnh, cư dân Los Angeles, là một "chức sắc" của Hội Đi Câu tại Hoa Kỳ, từng nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012 với loạt bài kể chuyện đi câu đủ nơi, đủ loại, từ cá sấu gar Houston tới cá tầm California, câu tới Alaska, sang Mễ, qua tận Thái Lan, và nay thì câu về đến quê cũ.
Trương Ngọc Anh (hình bên) đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002. Bài và hình ảnh được thực hiện theo lời kêu gọi của chương trình Foodbank tại Quận Cam: "Nếu biết ai đó cần sự giúp đỡ, xin vui lòng hướng dẫn vào chương trình trợ giúp của chúng tôi."
Nếu viết về con rồng, thật dễ có văn chương bay bướm, kiến thức bao trùm thiên hạ, ai đọc cũng phục lăn. Vì sao? Vì con rồng chẳng hề có trên thế gian, chẳng ai thấy, nên cứ viết tào lao thiên địa, không ai bắt bẻ được. Giống như chuyện ma. Có hàng triệu chuyện ma mà chẳng ai thấy ma bao giờ.
Alice Springs? Gớm! Cái phố nhỏ như mắt muỗi, có đốt đuốc cháy mười ngày cũng chẳng nom thấy đâu trên bản đồ nước Úc.
"Hơn bốn mươi năm sau khi xuất hiện, Dương Nghiễm Mậu vẫn còn là nhà văn avant-garde đối với văn học Việt Nam bởi những suy tưởng và cách đặt vấn đề của ông vẫn còn nguyên những mấu chốt bí mật, nhiều truyện ngắn với lối cấu trúc rất lạ, chưa ra khỏi vòng trăn trở tìm tòi của người viết hôm nay." (Thụy Khuê viết về Dương Nghiễm Mậu, Con Người Nội Soi)
Nếu bạn có một người yêu, yêu rất yêu, bạn có muốn nói về người ấy không, có muốn giới thiệu người ấy cho cả “thế giới” biết không. Tôi chắc chắn bạn sẽ “lật đật” nói rằng có. Không cần hỏi, tôi đã thấy cả triệu người trên mặt đất này đã và đang làm việc đó.
Tác giả tên thật Vũ Văn Cẩm; Vượt biển năm 1981. Đến Mỹ 1982, hiện là cư dân Oklahoma từ 2003. Nghề Nghiệp: Electrical Engineer. tại Công Ty American Airlines, M&E Center, Tulsa, OK. Bài viết -trích từ Việt Báo Tết QWuý Tỵ - là một chuyện tình đẹp.
Tác giả là một luật gia và nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm 1934, tại Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Luật khoa Saigon 1958. Du học tu nghiệp tại Mỹ 1961-62. Nghề nghiệp tại Saigon: Chuyên gia luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62),
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Mới đây, Khánh Vân đã hoàn tất việc đón ba má, và vợ chồng người em trai sang đoàn tụ. Bài tết năm nay của cô là chuyện vui.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.