Hôm nay,  

PHẢI CÓ VANG GÌ VỚI NÚI SÔNG

01/03/201300:00:00(Xem: 4437)
Bồ Nông là loại thủy điểu tức là loài chim yêu nước. Nhưng tác giả Bồ Nông thì yêu rượu hơn nước, và trong các loại rượu ông lại mê rượu vang hơn cả. Ngày Xuân được yêu cầu chuốc chén rượu hồng, theo tiếng Quảng Đông là "hùng chẩu" hay hồng tửu, ông chỉ nói về rượu vang. Mà phải vang Tây cơ. Núp dưới chân Nguyễn Công Trứ ở câu "phải có danh gì với núi sông", ông giúp độc giả vang danh là sành rượu một chút lạc thú đầu năm....
bo-cong_1
Ngày xưa, ông bà ta có câu "Vô Tửu Bất Thành Lễ". Mọi cơ hội giỗ chạp tiệc tùng hay quan hôn tang tế thì phải có rượu mới "thành". Vì vậy Tết đến cũng phải có rượu. Nhưng nên biết tự chế thì khỏi bị cảnh sát phiền hà và bắt mình bù lỗ cho ngân sách. Vui vẻ nhất là ta "chỉ thượng đàm binh", bàn trên giấy trắng mực đen, vừa an toàn mà cũng vừa có chất men để đón ba ngày Tết, dù chỉ là chất men "ảo".

Ngày nay, để hành lễ chúng ta không còn như các bậc tiền bối là dùng rượu Cúc, hay Trúc Diệp Thanh, Cao Lương Hồng Tửu, hoặc rượu đế đậu nành gốc Gò Đen, mà dùng Cognac của Pháp. Vừa tiện lợi mà cũng vừa hợp khẩu vị của những người dự tiệc, những người "ăn thừa lộc Thánh. Nhưng vào buổi đầu Xuân, chúng ta không bàn về các thứ rượu trên.

Ngày Tư ngày Tết phải có mầu đỏ cho nó hên, nên hãy nói về rượu đỏ, hay rượu chát đỏ, tức là rượu "vang". Mà nói về vang hay "vanh", thì có lẽ Pháp là quốc gia tiên tiến nhất trong việc ép nho làm rượu.

Người Pháp, hay đúng hơn, người dân Gaulois xa xưa đã biết một cách thô lậu kỹ thuật này trước khi đế quốc La Mã của Hoàng Đế Julius Caesar xâm chiếm trọn xứ Gaule từ năm 58 trước Công Nguyên. Người La Mã đã có công giúp dân Pháp cải tiến kỹ thuật trồng nho và ủ men nước ép từ quả nho ra để chế cất một loại "nước uống của Thần linh". Chính người La Mã cũng phổ biến kỹ thuật trồng nho và phương pháp làm rượu nho cho xứ Pháp thời ấy.

Ngoài ra các loại rượu mạnh được chế cất từ nước nho như các lại rượu Cognac, Marc, hay Eaux-de-Vie, người ta còn sản xuất một loại rượu nho nhẹ hơn để dùng trong bữa cơm hay các bữa tiệc như vang và loại mọc tăm sủi bọt, mà ta quen gọi là "sâm banh", vì được sản xuất trong vùng Champagne.

Rượu vang được chia làm ba loại chính: vang trắng (thật ra màu hơi vàng), rượu hồng (vin rosé) và rượu đỏ. Trong bài viết này, ta chỉ nói về rượu đỏ, Tết nhất mà lị! Dù vậy, do khuôn khổ một bài báo Tết, chỉ có thể nói phớt qua một cách phiến diện thôi.

Vì biết làm rượu từ sớm, nên người Pháp có nhiều kinh nghiệm và với sự tiến bộ khoa học, nhất là môn Hóa Học Hữu Cơ, rượu vang Pháp đã chiếm lĩnh ngôi cao trên "nền trời nhậu nhẹt" của thế giới trong nhiều thế kỷ. Chỉ cách đây vài thập kỷ thôi, thì Hoa Kỳ, Chí lợi, ACăn Đình, Úc, Nam Phi … mới nhảy vào cuộc chơi. Nhưng người Hoa Kỳ, nhất là trong tiểu bang California, nhờ thời tiết và ánh mặt trời tuyệt vời, đã biểu diễn màn ngoạn mục là "vừa làm thử đã nên thầy", một "coup d'essai, coup de maitre", như thành ngữ Pháp, và sản xuất được khá nhiều rượu vang đỏ thuộc hạng "đàn anh" trong làng nhậu.
bo-cong_2
Hai chai Bordeaux kề bên đệ nhất Champagne là chai Dom Perignon 996*
Những vùng sản xuất rượu vang Pháp

Nếu không kể vùng Champagne, thì Pháp có chín vùng sản xuất rượu vang chính. Đó là (theo thứ tự các mẫu tự):

1- Vùng ALSACE
2- Vùng BORDEAUX
3- Vùng BOURGOGNE
4- Vùng Cao Nguyên JURA và SAVOIE
5- Vùng LANGUEDOC-ROUSSILLON
6- Vùng LOIRE
7- Vùng PROVENCE
8- Vùng RHÔNE, và
9- Vùng SUD-OUEST (Tây Nam),


Rượu sản xuất ở mỗi vùng đều có sắc thái đặc biệt riêng tư của từng nơi, các cụ gọi đó là "thổ ngơi". Trên thực tế rượu từ mỗi một khu đất trong một vùng cũng đã có "căn cước" riêng. Phẩm chất rượu nho được căn cứ trên cuộc đất cây nho được trồng, giống của loại nho, và khí hậu, thủy thổ của khu đất. Đất trên đồi khác với đất bên dưới, đất thịt khác với đất cát, đất vôi khác với đất sỏi, đất sốp khác với đất thó. Cũng vậy, nho trồng tại nơi khí hậu ẩm thấp có phẩm chất khác giống nho cùng loại nhưng được trồng ở nơi thoáng mát. Nho trồng tại nơi thiếu mặt trời khác hơn nho tắm dưới nắng vàng. Ánh sáng mặt trời và thời tiết đã chứng minh tại sao cùng cây nho trồng trên cùng một cuộc đất, của cùng một nhà sản xuất mà rượu lãi ngon hơn khi được sản xuất năm 1986 so với rượu sản xuất năm 1979, mặc dù có "qui luật bất thành cú" là rượu cũ ngon hơn rượu mới.

Có một điểm đặc biệt là rượu vang sản xuất tại Pháp, không như các nhà sản xuất rượu trên thế giới, không dùng một loại nho thuần túy, trừ trường hợp rượu vang vùng Alsace mà chúng ta sẽ đề cập sau. Họ trộn nhiều loại nho với nhau theo một tỷ lệ mà chỉ có những người nắm "bí quyết" của hãng sản xuất rượu mới biết được. Do đó chúng ta thấy trên nhãn hiệu những chai vang đỏ của California, của Úc, hay Á Căn Đình… có tên loại nho Cabernet Sauvignon, Merlot hoặc Shiraz. Còn rượu Pháp thì không. Bí mật nghề nghiệp mà.

Vùng sản xuất rượu Alsace, tọa lạc trong miền Tây Bắc của Pháp, giáp giới với Đức, dài 180 cây số, trải dài từ thành phố Marlenheim phía Bắc, cho đến Thann về phía Nam, phần nhiều chỉ sản xuất vang trắng, trừ rượu đỏ làm từ nho Pinot Noir mà thôi. Người mê rượu có thể ngao du dọc "Con Đường Rượu Vang" của Alsace trong vài ba ngày, để từ nhà sản xuất này qua nhà khác nếm thứ rượu vang trắng còn thơm mùi nho với vị hơi ngọt.

Đặc điểm thứ nhì của rượu trong địa phương này là được chế cất với từng loại nho riêng biệt, như Gewurztraminer, hoặc Riesling, Muscat, Pinot Gris hoặc Pinot Blanc. Một vài hãng rượu không làm người tiêu thụ thất vọng là Hugel & Fils, với bảo tửu Gewurztraminer Hugel, Domaine Ostertag, Albert Boxler… Rượu vùng Alsace tương đối đều sàng sàng, ngang tài ngang sắc với nhau chứ không hãng nào quá trội quá xoàng. Rượu vùng Alsace được vào chai màu nhạt và thon hơn chai các vùng khác, nhưng lại cao cổ, với đôi vai xuôi, nên ai nhìn cũng biết đó là đặc sản Alsace.

Trái với vùng Alsace, vùng Bordeaux nằm cạnh bờ biền Đại Tây Dương về phía Nam thì đa số chỉ sản xuất rượu đo, và không dùng đơn thuần một giống nho. Đây là vùng có nhiều nhà sản xuất, các Châteaux nổi tiếng nhất tại các khu đất nổi tiếng nhất như Graves, Saint Emilion, Pomerol, Saint Julien, Saint Estèphe, Médoc, Pauillac, Margaux… với loại rượu đỏ bất hủ như Léoville Poyferré, Mouton Rothschild, Haut Brion, Poujeaux, Cheval Blanc, Phélan Ségur, Leoville Barton…

Rượu vang đỏ danh tiếng Bordeaux thì rất nhiều, mà chỉ kể ra chừng này thôi.

Tuy Bordeaux là vùng sản xuất vang đỏ, nhưng cũng có vang trắng với tỷ lệ rất nhỏ như rượu Sauterne nổi danh. Các loại nho được trồng trong địa phương đa số là Cabernet, như Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc, Malbec, Merlot, Petit Verdot. Về vang trắng thì người ta dùng nho Sauvignon Blanc và Sémillon. Rượu vang vùng Bordeaux được vào chai màu xanh đậm, để giới hạn phần nào ánh sáng không vào làm "hại" rượu, có vai ngang, nên rất dễ nhận diện. Dung tích tiêu chuẩn của mỗi chai là 750 millilitres, hay là ba phần tư của lít.

Vùng Bourgogne sản xuất một số vang đỏ và vang trắng với một tỷ lệ xấp xỉ gồm các khu đất như Chablis, Côte de Nuits, Côte de Beaune, Côte Chalonnaise, Macon và Beaujolais. Nhưng chỉ có hai vùng là 1) Côte de Nuits với các "minh tinh" Vosne - Romanée, Nuits Saint Georges, Clos Vougeot hay Gevrey-Chambertin, không nhường bước nào với đồng nghiệp đất Bordeaux, và 2) là vùng Côte de Beaune với Pommard, Volnay và Puligny-Montrachet, là có những sản phẩm với phẩm chất thượng hạng.

Có lẽ vì vậy mà hai khu Côte de Nuits và Côte de Beaune được nhập lại và gọi là Côte d'Or. Và về phái vang trắng thì Meursault là một hiệu vang trắng mà người viết cho là vua của gia đình vang trắng, vì vậy nên mặc dù bị dị ứng với loại vang trắng, khi gặp một chai Meursault thì vẫn phải hy sinh mà dấn thân.

Rượu vùng Bourgogne được vào chai cùng chiều cao với rượu Bordeaux, nhưng vai xuôi, nên đường kính hơi lớn hơn một chút. Dung tích của chai rượu cũng là 750 ml.

Jura-Savoie là một vùng núi bên phía Đông của Pháp, nên rượu vùng này có nhiều đặc điểm vì khí hậu và thủy thổ. Tuy nhiên số sản xuất và phẩm chất không nhiều nên ít được để ý. Đôi khi người ta sát nhập Chablis và các vùng rượu dưới chân của núi Savoie vào vùng Jura-Savoie, nhưng việc này không đúng vì yếu tố thổ nhưỡnng và ánh sáng mặt trời.

Vùng sông Loire, tên con sông dài nhất nước Pháp, được mệnh danh là "Khu Vườn của Pháp" vì đất bằng và dọc theo dòng nước nên rất trù phú. Tuy nhiên, nho vùng Loire chỉ cho loại rượu "uống được" chứ không cực ngon. Đây là vùng sản xuất rượu đều nhất, với lượng trắng và hồng (vin rosé) cộng lại bằng lượng rượu đỏ. Có lẽ nhờ ảnh hưởng khí hậu mát mẻ của Đại Tây Dương khiến vị nho hơi chua, vùng Loire sản xuất được hai loại rượu trắng: một loại khá đậm đặc và một loại khá ngọt. Loại đậm chiếm đa số, được sản xuất để dùng ngay chứ không lưu giữ được lâu. Các loại rượu trắng có tầm vóc trong vùng Loire gồm có Sancerre, Puilly Fumé thuộc nhóm đậm đặc, và Vouvray, Montlouis, và Savennières thuộc nhóm rượu hơi ngọt. Riêng rượu đỏ thì có Saumur Champigny của Domaine Filliatreau, và các sản phẩm của Château du Hureau. Rượu trong vùng Loire được vô chai như các loại rượu từ Bourgogne với dung tích là 750 phân khối.

Sông Rhône bắt nguồn từ trên vùng núi Alpes của Thụy Sĩ và chảy xuôi miền Nam để đổ ra Địa Trung Hải, và là dây liên lạc nối liền các địa điểm sản xuất rượu của thung lũng sông Rhône. Các loại rượu vang đỏ được sản xuất trong vùng được hệ thống hoá và chia làm ba tầng lớp với phẩm chất khác nhau. Thấp nhất là từ các địa phương gọi là Côtes du Rhône, với một số khá nhiều rượu được gọi là rượu sông Rhône. Kế đó là địa phương được gọi là Côte du Rhône-Villages, và cao nhất là một loạt 13 thứ rượu được gọi bằng danh xưng của nhà sản xuất.

Nổi danh nhất là nhà Hermitage vắt vẻo trên các triền đồi khá dốc, và Côte Rôtie ở mạn thượng lưu sông Rhône, và nhà sản xuất danh tiếng Châteauneuf-du-Pape về phía Nam.

Tại đây vào thế kỷ thứ XIV các Giáo Hoàng cư ngụ tại Avignon quyết định xây một lâu đài mới và ra lệnh chọn các loại nho tốt nhất trong thung lũng sông Rhône để thiết lập một vườn nho cung cấp rượu vang và rượu lễ cho Dinh Giáo Hoàng. Khi trận chiến giữa Công Giáo và Tin Lành xảy ra tại Pháp, từ năm 1562 đến năm 1589, thì tất cả công trình xây cất chỉ còn trơ những bức tường. Tuy nhiên, khung cảnh rất đẹp nơi đây lại thu hút một số người đến cư ngụ và khai thác vườn nho sẵn có. Nhờ vậy mà bây giờ chúng ta có khá nhiều các nhà sản xuất rượu đỏ. Căn bản của rượu đỏ nơi đây là nho loại shiraz nên rượu rất đậm đà và "đầy đặn".

Một vòng cung khổng lồ bao vòng miền Nam nước Pháp (từ biên giới với Tây Ban Nha ở hướng Tây cho đến thành phố Nice của vùng Côte d'Azur gần biên giới Ý Đại Lợi) có hai vùng sản xuất rượu Languedoc-Roussilon và Provence. Từ một trăm năm sau này, hai vùng ấy đã sản xuất hàng loạt loại rượu đỏ với phẩm chất tương đối thường, thuộc hạng "rượu để dùng bữa".

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, một số nhà sản xuất rượu năng động với nhiều sáng kiến đã dùng kỹ thuật mới và cách pha chế nho để làm sống dậy rượu đỏ miền Nam, với phẩm chất hơn xưa. Thậm chí một số các nhà sản xuất trong vùng Montpellier đã dùng máy gặt nho và chuyển thẳng vào bồn rửa trước khi mang đi ép, mà khỏi cần nhân công. Mọi việc đều hoàn toàn tự động. Khí hậu ấm áp và lượng mặt trời khiến nho sản xuất được một loại rượu có nồng độ cao và mùi thơm đặc thù của vùng biển Địa Trung Hải và đất của miền Nam nước Pháp.
bo-cong_3
Gặp chai Bourgogne này là phải bắt, đắt rẻ không kể
Một vài dữ kiện về rượu vang đỏ

Khi mua một chai rượu vang của Pháp, chúng ta cần phải chú ý đến rượu được sản xuất từ vùng nào, do hãng nào sản xuất, nếu là rượu có phẩm chất cao thì do "Château" nào chế cất, nho làm rượu được hái từ năm nào, nơi rượu được "vô chai", rượu thuộc hạng (classe) nào, nồng độ của rượu là bao nhiêu. Có nhiều nhà sản xuất rượu còn đánh số các chai rượu được sản xuất nữa, và rượu đỏ tại vùng Bordeaux lại được đánh giá bằng giá trị riêng trong Vùng.

Thí dụ trên một nhãn hiệu, chúng ta có thấy ghi:

- "MIS EN BOUTEILLE AU CHÂTEAU", có nghĩa là rượu được vô chai tại nhà sản xuất, để phân biệt với các loại rượu bán trong thùng, rồi được các đại lý chiết ra.

- "CHÂTEAU MARGAUX" cho người mua biết là rượu được sản xuất từ hãng này, với một hình của Château Margaux (có thể là hình thật hoặc là một lối vẽ cách điệu).

Ngay bên dưới là con số, thí dụ 1962, là năm nho sản xuất ra rượu được gặt hái.

- "PREMIER GRAND CRU CLASSÉ", là giá trị so với các rượu khác trong vùng. "PREMIER GRAND CRU CLASSÉ" có phẩm chất cao hơn "GRAND CRU CLASSÉ" và cao hơn "GRANDCRU".

- "MARGAUX" địa danh nơi rượu được sản xuất.

- "APELLATION MARGAUX CONTRÔLÉE" cho biết hạng (classe) của rượu. Bây giờ phải nói về hạng để quý độc giả dễ chọn rượu ngày Xuân...

Theo luật định, rượu được sản xuất tại Pháp và bán ra hàng quán hoặc cửa hiệu được chia ra làm bốn hạng. Một là "VIN DE TABLE", tức rượu để dùng bữa, là hạng rượu có phẩm chất thấp nhất. Hai là "VIN DE PAYS" tức là rượu trong địa phương nơi rượu được bán ra. Cao hơn nữa là "VIN DÉLIMITÉ DE QUALITÉ SUPÉRIEURE", hay VDQS là rượu sản xuất có hạn với phẩm chất cao. Hạng có phẩm chất cao nhất là "APPELLATION D'ORIGINE CONTRÔLÉE", hay AOC là loại rượu với xuất xứ được kiểm soát, tức không phải rượu sản xuất tại nơi khác nhưng lạm dụng danh hiệu để bán.

Hạng sau này là một cách xác định phẩm chất của chai rượu. Trong thí dụ bên trên "Appellation Margaux Contrôlée" có nghĩa là danh hiệu xuất xứ của chai rượu là Margaux đã được kiểm soát do luật định. Còn một hạng nữa, không phải do luật định mà do các hàng quán dùng là "VIN DE MAISON". Đây là một cách gọi tổng quát, rượu bán ra không nhất thiết phải là Vin de Table, Vin de Pays, VDQS, hay AOC, nhưng là loại rượu, hay một hỗn hợp rượu mà chủ nhà hàng dùng để phục vụ khách. Thông thường thì những hàng ăn có tiếng thường dùng loại rượu khá để khỏi mất tiếng tăm, cho nên chúng ta cứ gọi loại Vin de Maison cũng an toàn, nếu không muốn tốn quá nhiều tiền.

Bây giờ, xin hãy đọc tiếp nhãn hiệu trước khi bồng một chai hay bưng một thùng về ăn Tết.

Góc dưới của nhãn hiệu thường ghi dung tích của chai rượu: thông thường thì rượu Pháp chỉ có 750 ml, ngoại trừ các chai Magnum thì lít rưỡi hoặc hai lít tùy theo hãng rượu. Cũng tại góc dưới, một bên có ghi nồng độ của rượu, thí dụ 13,5% có nghĩa là trong một lít rượu thì có 135 phân khối hay ml. rượu nguyên chất (alcool titré à 100 degrés). Thông thường rượu Pháp tùy theo vùng và tùy theo nhà sản xuất, có nồng độ từ 12,5% cho đến 14%.

Ngay khi khui một chai rượu vang, người ta cũng có thể đoán được phẩm chất của chai rượu bằng cách nhìn chiều dài của nút chai. Nếu nút chai dài hơn loại nút thông dụng một phân, thì phẩm chất của chai rượu đó cao hơn tiêu chuẩn.

Rượu vang đỏ là một thứ rượu càng để lâu càng ngon, với điều kiện chúng ta biết bảo tồn chai rượu. Trước hết, điều tối kỵ là không để chai rượu ở nơi có ánh mặt trời chói chang, hoặc nơi quá nóng, vì nhiệt độ là yếu tố xúc tác trên chất cồn trong rượu (alcool éthylique). Kế đó ta không nên lưu trữ chai rượu trong tư thế đứng, vì lâu ngày chày tháng, nút rượu bằng bấc sẽ kho, và teo lại, khiến không khí với chất oxy len lỏi vào trong và tác động lên chất cồn "alcool éthylique" để biến rượu thành "acide acétique" hay là giấm.

Do đó, chai rượu không được lưu trữ đúng cách chẳng những không ngon hơn chút nào, mà còn không uống được, vì "chua như giấm". Chúng ta phải giữ rượu trong vị thế nằm, dưới hầm càng tốt, vì không có ánh sáng mặt trời và khí hậu mát hơn.

Còn một điều một số chúng ta hay thắc mắc nữa là ăn món nào thì phải uống rượu gì, và uống rượu có nên ướp lạnh hay pha nước đá không. Về điểm thứ nhất thì "xưa kia", qui luật là ăn đồ biển, phải uống rượu vang trắng, rượu Champagne hay rượu vang hồng, được ướp lạnh trước, còn ăn thịt thì uống rượu vang đỏ. Nhưng theo một số chuyên gia ẩm thực tân tiến ngày nay thì "Tùy khẩu vị, thích thì cứ làm": nếu chúng ta dùng đồ biển, mà thích uống rượu đỏ, thì xin cứ tự nhiên, do đó trong một bữa tiệc nhà hàng phục vụ cả hai thứ rượu và hỏi thực khách dùng rượu nào họ sẽ thỏa mãn. Nói chung, rượu đỏ từ nho Pinot Noire (hay Bourgogne) thì uống với thịt trắng (tôm, cá hay gà) và hồng (thịt heo bò) đều ngon cả.

Về điểm thứ nhì thì các chuyên viên ẩm thực đều đồng ý: "Tuyệt đối không nên cho đá vào rượu, hoặc pha nước (couper) vào rượu" vì lẽ hiển nhiên là cho đá hoặc nước vào rượu thì sẽ làm loãng rượu và hủy hoại cả công trình nhà sản xuất rượu đã chăm nom từng li từng tí để chúng ta có một chai rượu có phẩm chất cao.

Thêm một qui luật của ẩm thực của người Pháp là với những món ăn được nấu bằng vang đỏ, như Poulet Chasseur, Boeuf Bourguignon, hay Civet Lapin… thì phải uống rượu đỏ có nồng độ cao hơn rượu dùng để nấu. Thí dụ rượu nấu có nồng độ 12,5%, thì ta phải uống vang đỏ có nồng độ tối thiểu là 13% hay 13,5%. Rắc rối chưa!

Kỹ nghệ rượu là một kỹ nghệ lớn, với số thu rất lớn, vì vậy, phẩm chất rượu là một điều kiện tiên quyết của các nhà sản xuất. Nhưng ai, hay cơ quan nào có trách nhiệm đánh giá rượu?

Trong nước Pháp, có hai đoàn thể hết sức riêng tư để làm việc đó là thứ nhất "Hiệp Hội các Hiệp Sĩ Nếm Rượu", tiếng Pháp là Confrérie des Commanderie de Bordeaux". Các chuyên viên Nếm Rượu của hai đoàn thể này có thể cho chúng ta biết rượu được chế tạo tại vùng nào, do nhà sản xuất nào chế ra, và được thành hình với nho hái vào năm nào. Trăm lần thì họ chỉ sai vài lần, một xác xuất hết sức tuyệt vời.

Trong một quốc gia mà rượu vang đỏ là vua, các chuyên viên Nếm Rượu này cũng được trọng vọng như "thần thánh". Năm nào mà nhà sản xuất nào được các ông Hiệp Sĩ Nếm Rượu chấm, thì chẳng những đó là một vinh dự vô biên mà còn là một cuộc liên hoan dài suốt năm, và một "cây cờ" rất lớn với hàng chữ "Rượu của các Hiệp Sĩ Nếm Rượu" thêu lên trên, được treo trước trụ sở như một lá quốc kỳ.

Kính chúc chư liệt vị một cái Tết Quý Tỵ nhiều may mắn, phúc lộc an khang và chọn đúng chai như chọn người tình đầu năm.

Bồ Nông

bo-cong_4
Nghệ Thuật Nếm Rượu Vang Vàng
Một nhà sản xuất rượu thuộc giới danh gia của Pháp mới pha chế được một loại vang đỏ với một hỗn hợp nho chưa từng có. Mọi người háo hức chờ xem sản phẩm mới ra sao. Khi rượu đã "chín" thì người nếm rượu chuyên nghiệp của hãng bị bệnh phải giải phẫu nên hãng thiếu người. Nếu nhờ một tay bên ngoài thì sợ lộ mật nên ban giám đốc băn khoăn khổ sở. Cuối cùng đành nghe lời một đề nghị là treo bảng "cầu hiền".

Nếm rượu không là nghề dễ ăn. Người nếm phải có vị giác, thị giác và khứu giác bén nhạy và một tài Trời cho, nên ít ai hy vọng có sẽ sớm có "thí sinh". Bất ngờ là hôm sau đã có một người đến xin thử.

Trước mặt ban giám đốc, đó là một người trung niên, quần áo lôi thôi lếch thếch, lại nặng mùi nữa, nên mọi người đều muốn từ chối. Nhưng thí sinh năn nỉ là cứ thử tài đã, rồi hãng có quyết định thì cũng không muộn.

Thế là cuộc khảo thí bắt đầu: ba lần, ba thứ rượu của ba vùng khác nhau được đưa ra, và ba lần, người xin việc đều đoán trúng phóc, nho vùng nào, hái năm nào, làm tại "château" nào, với các đặc điểm về hương, vị và màu sắc trước sau của rượu. Mọi người đều hể hả đồng ý.

Riêng ông Tổng Giám Đốc mà cũng là chủ nhân của cơ sở thì ngần ngại vì ngoại diện quá tệ của thí sinh. Chẳng có lý do nào để từ chối, ông gọi cô thư ký riêng lên nói thầm vài câu. Cô đi xuống hầm rượu, mang lên một chai và một cái ly.

Ông Tổng Giám Đốc bèn khen tặng thí sinh và cho biết đây là lần thử cuối, nếu qua được thì sẽ vào nhận việc. Điều kiện là phải bịt mắt lại để thử rượu. Thế là rượu được rót ra ly đưa cho thí sinh.

Mắt bị bịt kín, ông này lắc lắc ly tượu, đưa lên mũi ngửi, rồi từng ngụm, từng ngụm uống ly rượu. Nhưng trước khi nói về loại rượu này, thí sinh yêu cầu mọi người ra khỏi phòng trừ ngài Tổng Giám Đốc. Với một cái phẩy tay vương giả của ông chủ, mọi người đi hết.

Chừng đó, người nếm rượu mới nói: "Thưa ông giám đốc, chỉ riêng việc tôi uống hết 'cốc rượu' ông đưa cho đã nói lên tôi cần việc làm đến mức nào, vì đâu có phải là rượu mà là nước tiểu của một cô gái tóc vàng, từ 25 đến 26 tuổi, đang mang thai ba tháng. Và nếu tôi không được việc, tôi sẽ phổ biến tên người cha của bào thai".

Năm phút sau, thí sinh làm thủ tục nhận việc, với mức lương cao bất ngờ.

Nhấn Vào Đây Để Tải Tập Tin PDF

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tác giả Ngô Mai Hương là phu nhân của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, một nhà hoạt động dân chủ đang bị nhà nước cộng sản cầm tù tại Việt Nam. Ngày 7-4-2012, khi vừa từ Hoa Kỳ về Sàigon, ông Quân bị bắt tại phi trường và nhà nước cộng sản hiện đang cố dàn dựng một phiên toà ghép tội. Trước thềm năm mới, bài viết nói lên ý chí đi tới và niềm tin ở tương lai tốt đẹp.
Tác giả tham gia chuyến đi của một phái đoàn y sĩ thiện chí, trong số này có các tín hữu Cao Đài giáo thuộc nhiều sắc dân, gồm cả người háp, người Mỹ, người Bangladesh... Du ký này ghi lại cuộc hành trình đường bộ từ thủ đô xứ Chùa Tháp qua "cửa khẩu" Mộc Bài, thăm Bà Đen về Tây Ninh, thánh địa Cao Đài, tham dự những lễ hội văn hoá cổ truyền và tìm hiểu về hình tượng những bà mẹ thiêng của dân gian.
Những người đàn bà khác, có lẽ sợ tấm gương hơn sợ thời gian Tấm gương phản chiếu lặng lẽ Thời gian thì vô hình
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ.
Đồi Vọng Cảnh Huế tọa lạc ngay bên bờ sông Hương, bên cạnh núi Ngự Bình, cách Thành Phố Huế chừng 7, 8 km, không xa lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, là vị trí tuyệt vời để từ trên đỉnh đồi, chúng ta có thể ngắm bao quát một vùng rộng lớn từ phía Tây dãy Trường Sơn chạy dọc từ Bắc vào Nam, phân ranh địa giới Lào và Việt Nam, đến phía đông Thành Phồ Huế ra tận cửa biển Thuận An.
Hội An là một thành phố cổ. Khoảng thế kỷ 15, 16 đã là thương cảng phồn vinh của miền Nam thời Chúa Nguyễn. Các thương thuyền ngoại quốc thường ghé trao đổi hàng hóa. Người Nhật, người Tàu, người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha có đại diện thương cục ở đấy.
Hôm đi phỏng vấn công việc, nếu không nhờ Jennifer, có lẽ tôi đã không có được cái job này, bởi vì thật ra tôi vốn không đủ kinh nghiệm. May mắn cô leader của nhóm Engineering group bỗng dưng kết tôi và quyết định mướn.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Rồng Cháu kể chuyện tình hai họ Pháp Viêt đề huề chờ cháu bé vào đời cuối năm Thìn.
Tôi thường muốn bắt đầu những bài viết của mình hiện nay bằng hình ảnh một con bé. Có lẽ cái gần gũi nhất mà cũng xa xăm nhất, quen nhất mà cũng lạ nhất, là hình ảnh của mình khi còn nhỏ. Một con bé, nghe cũng hay hay, không nghĩ đó là mình.
Tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết từ 2001, “Trung Uý Nuôi Tôm.” Sau tháng Tư 1975, Trung Uý Toàn, phi công VNCH cùng đồng đội đi vào trại cải tạo.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.