Hôm nay,  

GẶP NHAU Ở SYDNEY

22/02/201300:00:00(Xem: 5291)
Mãi đến bây giờ, quá tuổi thất thập cổ lai hy, tôi mới đi thăm Úc châu lần đầu tiên. Trong gần 40 năm trời làm việc cho đài VOA, tôi đã được gửi tới rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa một lần nào được phái đi Úc. Rồi lại còn thêm những chuyến du lịch riêng tư, mỗi năm mấy lần, thế mà vẫn chưa hề đặt chân đến xứ Down Under này. Có lẽ là vì cái cơ duyên chưa đến lúc thôi.

Tôi lựa chọn đi bằng tàu thủy cho thoải mái, khởi hành từ Singapore và chấm dứt ở Sydney. Cruise có ghé lại nhiều bến và mỗi bến đỗ đều là một địa danh đáng chú ý, như Bali, một nơi nghỉ mát rất được ưa chuộng với bãi cát chạy dài, nước biển trong xanh và hàng dừa cao bóng mát. Hay Cairns, với Great Barrier Reef, một bãi san hô lớn nhất hoàn cầu, nơi sinh sống của những đàn cá nhiệt đới màu sắc lộng lẫy bơi lội tung tăng ngay mặt nước.
le-van_1
Tác giả Lê Văn, nguyên chủ biên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Sau gần 40 năm làm cho VOA, đi khắp nơi viếng thăm Úc Châu.
HAI BA BỐN ANH CÙNG ÔM MỘT CÁI EO

Có lẽ vì méo mó nghề nghiệp nên khi tàu đi ngang qua eo biển Malacca, giữa Indonesia và Úc, nơi được mô tả như là yết hầu của dòng sinh hoạt hàng hải thương mại quốc tế từ xưa đến nay, tôi nghĩ ngay đến cuộc tranh hùng hiện giờ giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ để nắm quyền bá chủ trên Thái Bình Dương. Trung Cộng, với lực lượng hải quân ngày càng hùng mạnh, đã lấn chiếm biển đảo của các lân quốc trong vùng Đông Nam Á, nuốt trọn Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, và đang mưu toan bóp nghẹt yết hầu Malacca, nơi mà mỗi ngày đều có một khối lượng hàng hóa trị giá tới hơn 10 tỷ đô la được chuyên chở qua đây.

Trung Cộng mà kiểm soát được eo biển này thì nếu muốn, họ có thể ngăn chặn dòng hàng hóa lưu thông qua đây bất cứ lúc nào, gây khủng hoảng cho nền kinh tế thế giới và bắt chẹt được các nước Tây phương, uy hiếp luôn mấy anh lớn đầu vùng Nam Á như Nam Dương, Ấn Độ.

Hoa Kỳ cũng đã thấy rõ nguy cơ đó nên, dù chậm còn hơn không, phải gấp rút quay trục chiến lược, về lại Châu Á, lập ngay một căn cứ TQLC Mỹ với quân số được trù liệu có thể lên đến 2,500 người, trang bị bằng các chiến hạm cao tốc với kỹ thuật tàng hình ở hải cảng Darwin nhìn thẳng ra eo biển này. Trung Cộng nếu có bất cứ động thái gây hấn nào tại đây là sẽ bị ngăn chặn ngay tức khắc.

Nhưng thôi, hãy tạm dẹp chuyện chính trị quốc tế để nói sang chuyện đi thăm đồng hương ở Úc. Tôi đến Sydney vào những ngày cuối năm 2012, khi cộng đồng người Việt ở nơi đây đang hân hoan chuẩn bị đón mừng cái Tết năm Tị. Tổng số người Việt tỵ nạn sang định cư ở bên Úc dĩ nhiên không thể đông bằng bên Mỹ nhưng cũng lên đến khoảng 250,000 người. Đa số đều tập trung ở 2 khu đô thị lớn là Sydney và Melbourne.

Tôi may mắn được một người đáng gọi là thổ công ở Sydney chỉ đường dẫn lối, đó là anh Nguyễn Văn Sơn, một cựu tù nhân cải tạo, hiện đang hành nghề Psychologist. Anh quen biết hầu hết mọi người, mọi giới ở đây. Anh cũng là một tay viết văn, viết báo có hạng, với bút hiệu Lưu Dân, ngụ ý anh là người dân lưu vong trên đất Úc. Sơn vừa cười vừa bảo "cái bút hiệu này thường được bạn bè ưu ái cố tình bỏ dấu sai lầm thành Lựu Đạn". Tôi thấy anh chẳng có vẻ lựu đạn chút nào, mà chỉ là một anh chàng bặt thiệp rất dễ thương và tận tâm với bạn.

Dân Việt Sydney tập trung ở 2 khu vực. Một là Cabramatta, nơi có đông người Việt nhất trên nước Úc, đông đến độ người Úc gọi đùa là Vietnamatta. Hai là Bankstown (được thị trưởng yết bảng là Saigon Place đàng hoàng) tuy nhỏ hơn, nhưng phố xá sang trọng lịch sự hơn.

Một trong những người đầu tiên tôi gặp ở Sydney là ông cựu Đại Sứ Đoàn Bá Cang, vị Đại Sứ cuối cùng của VNCH tại Úc.
le-van_2
Khi quân Bắc Việt chiếm trọn miền Nam, nước VNCH không còn nữa, chính phủ thiên tả của Úc lúc ấy ra lệnh cho Đại Sứ Đoàn Bá Cang phải rời khỏi Úc trong vòng 6 tháng. Tuy được đại sứ Hoa Kỳ đề nghị đưa ông và gia đình sang Mỹ, ông đã từ chối vì vẫn còn cay đắng với quyết định bỏ rơi đồng minh một cách bạc bẽo của nước bạn Hoa Kỳ. Trong khi đang chuẩn bị sang Pháp (ông có bằng tiến sĩ luật khoa ở Pháp) hoặc sang Nhật (ông đã là đại sứ VNCH tại Tokyo) thì đảng Bảo Thủ thắng cử ở Úc. Tân chính phủ Bảo Thủ mời ông ở lại nước họ và làm việc trong guồng máy công quyền của Úc. Ông cám ơn, nhưng ra ngoài làm việc tư để sinh sống như những người Việt tị nạn bình thường khác. Cụ năm nay đã 84 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, còn lái xe, đi đứng chưa phải chống gậy. Tôi gặp Cụ để tỏ lòng ngưỡng mộ một bậc tiền bối có tư cách cương trực, đáng kính, trong ngành ngoại giao.

Từ downtown Sydney-Opera House đến khu VN cũng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ lái xe. Biết tôi là dân ghiền phở, Sơn đưa chúng tôi vào tiệm phở An mà anh giới thiệu là tiệm phở lớn nhất Úc châu, với 250 chỗ ngồi cho thực khách mà chỉ bán duy nhất một món phở. Khá ngon, nhưng cũng khá đắt so với bên Mỹ, tính ra khoảng US$16 cho 1 tô lớn.

Ăn phở xong, Lưu Dân và tôi được Cô Kim Hoàng (giám đốc Vietface TV Úc) mời đến làm một cuộc phỏng vấn trên TV.

Cơ sở của đài này rộng lớn hơn điều tôi dự liệu cho một cộng đồng tương đối nhỏ ở Sydney. Về sau tôi mới biết Vietface cộng tác với Thúy Nga Paris ở bên Úc.
le-van_3
Với Lưu Dân và Kim Hoàng Thúng nhân chứ không phải thuyền nhân
Tôi hơi ngạc nhiên khi được Sơn cho biết anh Lưu Tường Quang có nhã ý đặt một bữa tiệc mời tôi và bè bạn tới dự. Lưu Tường Quang là một người bạn chưa bao giờ gặp, vì anh chỉ nghe Lê Văn qua đài VOA. Chỉ là văn kỳ thanh nhưng bất kiến kỳ hình. Vậy mà đón nhau, gặp nhau ân cần như bạn cố tri.

Vào những ngày chót của VNCH, anh Lưu Tường Quang đang giữ chức Tổng Thư Ký Bộ Ngoại Giao. Anh chính là người đã ký chiếu khán cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đi Đài Loan, rồi từ đó ông Thiệu mới sang định cư bên Anh.

Ký chiếu khán cho nhiều người khác ra đi nhưng chính anh lại bị kẹt lại vào giờ chót, khi tất cả mọi phương tiện vượt biên đều không còn nữa. Đứng trên bờ biển, anh cùng với 2 người thân chỉ tìm thấy một chiếc thuyền thúng, hay đúng hơn là một cái mủng tròn vo với mái chèo nhỏ. Nhưng biết làm sao bây giờ? Trong phút giây tuyệt vọng ấy, anh quyết định thà chết ngoài biển cả còn hơn sống trong nhà tù Việt cộng. Thế là leo lên thuyền thúng, và cố chèo ra khơi. Khổ nỗi, thúng tròn nên chèo thì chỉ xoay quanh, không đi tới được. Anh đành bó tay, hy vọng sóng sẽ đưa thúng ra biển khơi, và sẽ gặp được tàu ngoại quốc cứu vớt.

Trên tay anh chỉ có một cây dù để che mưa che nắng, tay kia cầm một chiếc radio transistor để bắt nghe BBC và VOA. Khi tìm được làn sóng điện của VOA, anh đã nghe tôi loan tin về những chiếc thuyền chở đầy người tỵ nạn gặp được tàu ngoại quốc đi ngang qua vùng biển Việt Nam cứu vớt và đưa đến các trại tỵ nạn ở Pulao Bidong và nhiều chỗ khác. Anh lênh đênh trên mặt biển bằng chiếc thuyền thúng như vậy tới hơn 1 ngày 1 đêm thì may mắn được một chiếc tàu lớn vớt, rồi cuối cùng cũng tới Úc.

Gần 40 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, vậy mà anh vẫn nhớ nguyên cái cảm giác "ra khơi, biết mặt trùng dương... biết đời viển vông, biết ta hãi hùng". Anh bảo:

"Giữa cảnh trùng dương hãi hùng như vậy mà tôi nghe được tiếng nói của anh qua radio thì nỗi lo âu cũng giảm bớt. Anh không biết đâu, nhưng anh chính là người bạn đồng hành của tôi trong chuyến ra khơi ngày ấy. Không phải chỉ riêng tôi mà với nhiều người khác, tiếng nói của anh chính là một phần của quãng đời tị nạn lưu vong, trong những ngày tù cải tạo, khi lênh đênh trên biển đen, khi hoang mang trên đảo lạ. Và hôm nay anh đến Sydney, tôi muốn mời anh cùng ngồi uống với bạn bè một ly rượu để ôn lại chuyến vượt biển bằng thuyền thúng năm xưa."


Câu chuyện thật bất ngờ và cảm động đối với tôi. Mặc dầu hồi ấy tôi cố gắng loan tin thật nhiều về những chương trình cứu người vượt biển, đôi khi nhiều hơn là chính phủ Mỹ cho phép (mấy lần tôi bị các ông Dân Biểu, Nghị Sĩ thiên tả, không muốn tiếp nhận người Việt tị nạn vào nước Mỹ, hạch hỏi là phải chăng tôi cố tình khuyến khích thuyền nhân ra khơi), tôi vẫn nghĩ rằng khi nói trên đài VOA, tôi chỉ làm công việc của một ký giả truyền thanh, chẳng có gì đáng kể.

Những điều mà anh Lưu Tường Quang và nhiều anh em cựu tù nhân chính trị thuật lại về niềm hy vọng mà họ tìm được qua những buổi phát thanh của đài VOA hay BBC trong hoàn cảnh tối tăm của đất nước thời đó, chính là phần thưởng vô giá cho những người làm nghề truyền thông như chúng tôi.

Ngồi cạnh tôi hôm ấy còn có 2 vị khách quý là nhà văn lão thành Phan Lạc Phúc và linh mục nhạc sĩ Văn Chi. Tôi vốn ưa thích lối viết văn giản dị, nhẹ nhàng mà thâm trầm, ý nhị của ký giả Lô Răng trên tờ Tiền Tuyến ngay từ hồi tôi còn là sinh viên ở Saigon. Trước đây mấy năm, tôi vẫn được đọc những bài tạp ghi, bút ký hay hồi ký rất thú vị mà anh Phan Lạc Phúc gửi đều đặn qua cho tờ tuần báo Ngày Nay ở Houston. Nhưng rồi anh bỗng loan báo với độc giả rằng anh bắt đầu cảm thấy mình già yếu, mệt mỏi, phong độ viết văn không còn được như trước nữa nên anh gác bút về hưu.

Tôi tiếc quá khi thấy trên văn đàn của chúng ta ở hải ngoại lại vắng bóng thêm một cây viết gạo cội, từng hấp dẫn người đọc qua hơn nửa thế kỷ bể dâu biến đổi. Nghĩ lại thì tuổi anh đã quá 80, lại phải chịu đựng hơn mười năm tù đầy gian khổ qua các trại tù nghiệt ngã của VC, làm sao cơ thể khỏi hao mòn. Trước khi đến gặp anh, tôi tưởng mình sẽ thấy một ông già lụ khụ, hom hem, mắt mờ, chân chậm. Nhưng không! Anh đi đứng vẫn vững vàng, nói năng hoạt bát, kể chuyện thật vui, cả những chuyện trong nhà tù cộng sản nơi rừng thiêng nước độc.
le-van_4
Ngọc Hân (cộng tác viên kỳ cựu của VOA tại Úc), Lưu Tường Quang, Lê Văn, Phan Lạc Phúc
Nhà văn Phan Lạc Phúc kể chuyện Tôi thích nhất khi nghe anh thuật lại câu chuyện về thượng tọa Thích Thanh Long và vị linh mục bạn cùng trại giam với Thầy. Môt hôm, khi đi chặt cây đốn củi trở về, Thầy gặp một đứa bé gầy yếu xanh xao nằm co quắp ở ven rừng. Rõ ràng là nó vừa đói vừa lạnh đến độ đi không nổi nữa. Giữa trời rét căm căm của mùa Đông đất Bắc, Thầy cởi tấm áo nâu sồng mà Thầy đang mặc, ôm nó lên, ủ cho nó ấm rồi bồng nó về trại. Tên quản giáo mặt mũi non choẹt chỉ đáng tuổi con cháu Thầy bỗng chỉ mặt Thầy quát tháo: "Lày anh kia, ai cho phép anh đem thằng bé vào trại? Buông ngay nó xuống, không thì kỷ nuật niền nập tức."

Thầy đành phải để đứa bé nằm tạm bên ngoài trại rồi vào xin các anh em bạn tù khác chút ít đồ ăn do thân nhân tiếp tế còn sót lại để cứu nó qua cơn đói lả. Có chút cơm vào bụng, nó tỉnh người nhưng vẫn rét run cầm cập. Thầy cho luôn nó tấm áo tăng bào để nó khỏi chết rét nhưng chính Thầy thì chỉ còn manh áo lót mỏng teo, làm sao chống lại được với khí hậu buốt giá trên rừng, nhất là tuổi Thầy lúc ấy đã cao lại ăn chay khổ hạnh. Vị linh mục thấy thế bèn moi chiếc áo chùng thâm ra tặng ông sư bạn. Thế là vị thượng tọa mặc tấm áo linh mục! Nhưng tâm của Thầy vẫn đích thực là tâm Phật. Vị linh mục chẳng có áo chùng thâm nhưng trái tim Cha vẫn tràn đầy ơn Chúa.

Thật đúng như câu phương ngôn của Pháp "L'habit ne fait pas le moine", tấm áo đâu có làm nên ông thầy tu. Chỉ có tình người đối với nhau, tình thương yêu đồng loại, tấm lòng từ bi hỉ xả của vị cao tăng đắc đạo, sẵn sàng quên cả thân mình để cứu vớt đứa bé sắp chết, mới là tấm áo dệt bằng hào quang chói sáng của Chúa, của Phật, phủ lên mình các vị chân tu khả kính.

Đọc lại nhiều câu chuyện tương tự trong cuốn "Bạn Bè Gần Xa" của Phan Lạc Phúc, tôi chợt nhớ đến một nhận xét của Võ Phiến về Doãn Quốc Sỹ: "Đọc văn anh mà ta thấy thơm tho cả tâm hồn". Vâng đúng thế, trong tâm hồn của mỗi người chúng ta đều có tiềm ẩn cái thơm tho của chữ thiện. "Thiện căn ở tại lòng ta", như Nguyễn Du đã viết. Và mỗi khi đọc được văn chương của những cây bút làm nổi bật tình người như Doãn Quốc Sỹ hay Phan Lạc Phúc, ta thấy chính tâm hồn mình bỗng tỏa ngát hương thơm.

Cha Văn Chi ngồi cùng bàn với chúng tôi cũng rất thích câu chuyện mà anh Phan Lạc Phúc kể lại về vị thượng tọa và vị linh mục bạn tù của anh. Chính Cha Văn Chi cũng là cựu tù nhân trong trại cải tạo của cộng sản. Cha bị bắt chỉ vì Cha làm tuyên úy trong quân đội VNCH, y hệt như thượng tọa Thanh long vậy. Trong những năm tháng bị tù đầy, Cha vẫn tìm được niềm can đảm khi nghĩ rằng nỗi gian khổ mà mình chịu đựng nào có nhằm nhò gì so với những khổ hình mà Chúa phải gánh chịu để cứu chuộc nhân loại. Đó chính là niềm cảm hứng để vị linh mục nhạc sĩ này sáng tác bản "Con Đường Chúa Đi".

Sau khi Cha ra khỏi tù và được sang phục vụ cộng đoàn giáo dân VN tỵ nạn ở Sydney, cái tài năng âm nhạc của Cha đã nổi bật, khiến Đức Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Sydney quyết định gửi Cha qua Mỹ học thêm về âm nhạc. Tôi được quen biết và rồi quý mến Cha chính trong thời kỳ Cha đi du học ở Nam California.

Gặp lại nhau ở Sydney, Cha rất vui mừng mời tôi đến thăm nơi cư ngụ của Cha tại giáo xứ, và tặng tôi mấy tác phẩm đồ sộ nghiên cứu về âm nhạc được in ấn rất công phu mà Cha vừa xuất bản. Không phải chỉ là về thánh ca, mà còn về âm nhạc cổ truyền của nước ta cho tới tân nhạc thời cận đại và hiện đại nữa.

Viết ký sự về chuyến du hành sang Úc, đáng lẽ tôi phải nêu thêm nhiều điểm du lịch lý thú về quốc gia tương đối mới mẻ này. Nhưng tôi nghĩ, những cái đó thì vào Google gõ mấy chữ là có hết. Chỉ xin nêu một điểm về quá trình lập quốc rất khác thường của Úc.
le-van_5
Thăm Linh mục nhạc sĩ Văn Chi
Bước Úc, đất nước của tù nhân lập quốc

Khác với những dân tộc có lịch sử lâu đời như Việt Nam vẫn tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên, hay Nhật Bản vốn cho rằng họ là dòng dõi của Thái Dương Thần Nữ, dân Úc ngày nay chính là con cháu của những người tù bị chính phủ Anh lưu đầy sang vùng đất xa xôi hẻo lánh này, mà lúc đó còn là nơi hoang địa. Chính những người tù ấy đã đem sức lao động và tài khéo chuyên môn của họ ra khai phá đất hoang, mở mang thành thị rồi dần dần kiến tạo nên một quốc gia hùng cường phú túc như ta thấy ngày nay. Họ nghiễm nhiên trở thành các vị tiền nhân lập quốc của Úc.

Nhìn thấy sự văn minh thịnh vượng của Úc, nơi dân chúng sống tự do no ấm giữa những đô thị đẹp đẽ không kém Hoa Kỳ, rồi nhìn lại nước mình, trong thì dân chúng bị đàn áp bóc lột, nghèo đói xác xơ, ngoài thì giặc Tàu xâm lược ức hiếp, lấn biển chiếm đảo, tôi bỗng thấy một sự mỉa mai cay đắng.

Người ta là con cháu tù nhân mà xây dựng được một quốc gia phú cường như thế, còn mình tự hào là con Rồng cháu Tiên, giờ lại hậu tiến, yếu hèn. Ước mong sao, trong năm Con Rắn này, nhờ phúc ấm tổ tiên của Việt tộc, rắn sẽ biến thành rồng, vươn lên trời cao để đưa toàn dân thoát khỏi cái chế độ đáng xấu hổ hiện giờ.

Lê Văn
Down Under 12.12.12

Nhấn Vào Đây Để Tải Tập Tin PDF

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nói về thơ Nguyễn Chí Thiện, thường người ta chỉ chú ý tới những ngôn từ khô khốc, lạnh lùng, đanh thép để hài tội cộng sản của ông. Điều này có thể hiểu được. Bởi vì ngay từ đầu thập niên 80,
Không có gì quý hơn sự sống. Không những các nhà đạo đức, thần học, tu hành tôn giáo nói thế mà cả các nhà khoa học cũng xác định như vậy. Điều khác biệt là các nhà bác học đặt vấn đề nặng nề phần vật lý hơn đạo lý.
“…Và bạn tôi, ông phải vẽ thôi (tôi hay kêu ông bằng tiếng kêu thân mật) khi xem bức tranh “Trên Ngọn Buồn Thánh Thót, Treo cao,” ghi tháng 5-2012 trên website của Hạnh Tuyền (người bạn đời hỗ trợ Du Tử Lê không ít về việc rẽ qua thế giới hội họa, tôi nghĩ vậy) tôi như gặp lại mối đồng cảm của sự cô đơn cùng tận, và phải chăng như tiếng hát đớn đau của Billie Holiday nghe lại những ngày này,
Người minh hoạ Việt Báo Tết Quí Tỵ, 2013 là hoạ sĩ Đinh Cường. Ông sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một - Việt Nam. Sống ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn cho đến 1989. Hiện cư ngụ tại Burke, Virginia. Hoa Kỳ. Studio: 9826 Natick Road , Burke - Virginia 22015. Phone: 703 323 5046
“Nhịp điệu uy nghi hùng dũng mà trong sáng êm dịu.”
Nguồn tin cuối cho biết họ đã tìm ra cha tôi, bằng cách đơn giản nhất là đảo nghịch tên tôi: A M A B O K C A R A B < = > B A R A C K O B A M A
Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Vietnamese International Film Festival – ViFF) do hai tổ chức bất vụ lợi là Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) và Hội Văn Hóa và Ngôn Ngữ (Vietnamese Language & Culture) tại đại học UCLA thực hiện cách mỗi năm một lần, kể từ năm 2003.
Người Việt từ lâu thường nói tới 4000 năm văn hiến, nhưng chỉ là truyền thuyết. Đây là lần đầu tiên, từ những xương cốt cổ, có thể mô tả thấy được nếp sống văn hiến thời ấy, dựa trên những bằng chứng và luận cứ khoa học.
Một ngày nhàn rỗi trước tuần lễ Giáng Sinh ở New York, tôi tỉnh dậy khoảng 2 giờ trưa, tôi cố thức dậy pha ly cà phê đen. Liếc qua trang bìa tờ Science Time, một phụ bản của báo New York Times, hình ảnh một cái xác chôn ở tư thế thai nhi nằm trong bào thai đập vào mắt tôi.
Mặt bàn và cả nhà đều nám bụi. Không sao. Thân thong thả lôi trong túi đồ nghề thầy thuốc ra từng món. Sau ống nghe, dụng cụ đo huyết áp, là một chai cognac.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.