Hôm nay,  

TÌNH

19/02/201300:00:00(Xem: 3342)
tinh_1
Tác giả ba mươi tuổi, sinh năm 1982 tại Việt Nam, du học Australia từ 2007. Sau khi học xong từ đầu năm 2012, hiện sống tại Flemington, Victoria, và đang tìm việc làm. "Một chị bạn từng sống một thời gian ở Mỹ khích lệ tôi viết văn trong lúc nhàn cư vi. Chị có giới thiệu với tôi về Việt Báo, và ngỏ ý muốn tôi viết câu chuyện có thật xảy ra với người bạn bị tật nguyền bẩm sinh của chị: Một Tiến sỹ người Mỹ đã yêu thương một cô gái Việt tật nguyền," tác giả kể trong thư gửi Việt Báo. Và ngay từ bài Viết về nước Mỹ đầu tiên, người viết 30 tuổi đã làm tỏa sáng được tình yêu cao thượng, thuần khiết.

Tình là tên bố mẹ chị đặt cho chị. Chị sinh ra trong nước mắt của bố mẹ, buồn nhiều hơn vui. Chị bị liệt từ lúc lọt lòng, đôi chân teo quắt, gấp lại như những que củi khô. Tuổi thơ của chị đến và qua đi như cuộc chiến tranh kéo dài trên quê hương Việt Nam của chị.

Năm 1992 chị đến Mỹ với sự bảo lãnh của gia đình. Chị theo học trường Pháp ngữ, kết thúc học với bằng dịch thuật Anh-Pháp-Việt. Tình làm việc cho một công ty tư vấn pháp luật trên đại lộ Newman. Sau hai năm làm việc chị đã 30 tuổi và vẫn chưa chồng. Cũng phải thôi, đôi chân tàn tật, lưng mang một cái bướu, và gương mặt không được nữ thần sắc đẹp chiều chuộng thì cơ hội kiếm một tấm chồng đối với chị thật là xa vời. Vẻ đẹp duy nhất mà vị thần sắc đẹp quên lấy cắp đi của chị là đôi mắt. Một đôi mắt trong veo, với màu nâu bình dị, khi nhìn vào là cả một sự trầm lắng, một sức mạnh nội lực lan tỏa khiến người ta có cảm giác đối diện với một thảo nguyên mênh mông, hoang sơ, đang lắng đọng dần trong ánh hoàng hôn. Giọng nói của chị trầm đục. Có lẽ chính vì thế mà chị nhìn nhiều hơn nói. Trong một ngày hè đẹp trời chị cùng với một cô bạn đến một cửa hàng bán xe lăn và những dụng cụ hỗ trợ cho người già và người tàn tật. Người nhân viên tiếp chị hôm đó là James.

James tốt nghiệp khoa kỹ sư xây dựng. Sau khi ra trường James làm việc trong một văn phòng của công ty xây dựng New Glance. Công việc của anh là giám định những bản vẽ kỹ thuật cho những ngôi nhà sẽ xây. Công việc có chút nhàm chán nên anh xin làm thêm tại cửa hàng bán dụng cụ cho người già và tàn tật vào những ngày cuối tuần. James đẹp trai và hấp dẫn, đôi mắt anh xanh, hàm râu quai nón vuông và không rậm lắm. Nụ cười của anh hóm hỉnh và ấm áp. Anh có hai cánh tay chắc khoẻ của một người thợ xây dựng, cánh tay ấy ôm ai thì rất khỏe.
tinh_2
James đã từng ôm tôi ngày công ty New Glance của chúng tôi ăn mừng lễ Giáng Sinh ở tổng văn phòng tại đại lộ Victoria. Tôi còn nhớ đó là ngày 15 tháng 12, hôm đó tuyết trắng rơi ngập mái làm trĩu nặng những cây thông phía trước toà nhà. Cái ôm chúc mừng Giáng Sinh của James làm tôi thật ấm áp, tôi thích cái ôm của James hơn của những người đàn ông khác, có lẽ đôi tay rắn rỏi của anh ôm chặt hơn, và nụ hôn lên má của anh thân thiện hơn. Trong công ty, đàn ông chưa vợ và cả có vợ thích ôm tôi và nhảy. Tôi tự tin là với mái tóc nâu cắt ngắn ôm sát khuôn mặt, và với chiếc áo bó từ nửa vai xuống gối, tôi thừa sức khuất phục mọi cặp mắt đàn ông. Đêm hôm đó trong tiếng nhạc "Happy new year" của Abba và những ly sâm-panh chúng tôi đã liên hoan đến tận ba giờ sáng. Tôi thích khoảnh khắc cùng nhảy điệu waltz với James. Chúng tôi hẹn nhau sẽ đưa mấy đứa cháu đi chơi sở thú Moonridges. Nhưng mọi chuyện thay đổi, từ ngày Tình gặp James.

Thấy hai người phụ nữ đến xem những chiếc xe lăn dưới ánh nắng ngoài hiên, James tươi cười bước ra giới thiệu mặt hàng, anh nhìn người bạn nữ của Tình rồi nhìn Tình "Mọi việc tốt đẹp chứ? Tôi có thể giúp gì cho cô?" Tình không để ý gì, cô tiếp tục lăn tới một chiếc xe màu nước biển để ở dãy hàng bên trong nhà. James bắt chuyện với cô bạn của Tình.

Để ý thấy Tình có vẻ chú ý giám định chiếc xe lăn màu nước biển, James liền tới gần Tình để giới thiệu: "Chị thích chiếc xe này phải không? Tôi thấy nó hợp lắm, vừa nhỏ, vừa nhẹ lại vững vàng hơn chiếc xe chị đang ngồi, nó có thể thay đổi độ cao của ghế ngồi dễ dàng, và cái tựa lưng có thể điểu khiển ngả ra sau." Tình nhìn James chị nói: "Vâng, tôi đang tìm một cái xe có thể thay đổi độ cao ghế ngồi." James nói: "Chị có muốn thử ngồi chiếc xe đó không, tôi có thể giúp chị." Nói xong anh cúi xuống và trong tư thế sẵn sàng bế Tình qua chiếc xe lăn màu nước biển để thử. Tình gạt tay anh ra, chị tự mình hãm xe, rồi bám vào càng hai bánh trước để nhấc mình khỏi ghế và khéo léo nhẹ nhàng đặt mình xuống nền nhà. Cả thân người của chị phải lắc qua lắc lại để chị có thể bước bằng hai đầu gối của đôi chân co quặp vào trong lòng. James ngạc nhiên nhìn trân trối, rồi anh chạy lại giữ chiếc xe để chị leo lên.

Nắm vào hai bên để tay của chiếc xe màu nước biển, Tình tì mạnh hai đầu gối lên sàn rồi chị bật đầu gối và dùng sức mạnh của đôi tay thu mình lên ghế. Chỗ ngồi còn khá cao do James không đủ thời gian hạ ghế xuống trước những di chuyển nhanh và quyết đoán của cô gái tàn tật, gối của Tình mắc vào bên dưới ghế khiến chị lỡ đà phải tì nửa trên người xuống ghế. James mau mắn nhoài người đỡ lấy hai bên sườn chị nâng lên rồi đặt chị ngồi trong ghế xe lăn ngay ngắn. Tình cám ơn James và chị tỏ ra hài lòng với chiếc xe lăn sau khi thử những chức năng của chiếc xe, và lăn thử vài vòng quanh dãy hàng. Chị trả tiền cho chiếc xe mới, để lại chiếc xe cũ cho cửa hàng rồi cùng người bạn ra về trên chiếc xe lăn màu nước biển. James tiễn khách ra cửa, anh còn đứng trông hai cô gái cười nói vui vẻ với nhau và đi xa dần trong ánh nắng của ngày thứ bẩy cuối tuần.

Anh quay lại dãy hàng xếp lại những chiếc xe lăn, và định mang chiếc xe cũ của Tình vào kho. James chợt nhìn thấy một cuốn sổ tay nhỏ rơi dưới gầm một chiếc xe lăn bên cạnh. Nhặt cuốn sổ, lật qua vài trang, James nhận ra đó là cuốn lịch hẹn các buổi làm việc của công ty mà cô gái tàn tật có tên là Tình đánh rơi. Có lẽ lúc chị trèo lên thử ghế đã làm cuốn sổ rơi ra. James chạy vội ra đường nhưng đã không còn thấy bóng hai cô gái, họ đã mất hút qua ngả đường nào đó.

Buổi chiều chủ nhật, chuông điện thoại của cửa hàng xe lăn reo nhưng không ai nhắc máy vì chủ nhật cửa hàng đóng cửa không làm việc. Sáng thứ hai đầu tuần, Tình đến văn phòng tư vấn luật sớm hơn mọi ngày, có lẽ chị khám phá ra mình mất quyển sách hẹn công việc nên đến sớm để sắp xếp lại. Thang máy mở, Tình lăn xe tới trước cửa văn phòng mình, thấy một người đàn ông đang đứng xoay lưng lại đọc giờ làm việc dán trên cửa kính văn phòng. Người đàn ông quay ra và Tình nhận ra đó là James. Anh mừng rỡ chìa tay bắt tay chị, và lôi ra cuốn sổ nói: "Hôm nọ chị đánh rơi cuốn lịch làm việc ở cửa hàng, tôi nghĩ nó rất quan trọng với chị nên đến sớm đưa cho chị." Tình nhìn vào mắt anh và cám ơn.

Đó là lúc James khám phá ra đôi mắt có vẻ đẹp thanh bình và chứa ánh hoàng hôn trên thảo nguyên của cô gái. Tình nhìn theo James bước tới cầu thang máy để xuống lầu, và chị thấy anh quay lại nói: "Hai tuần tới tôi cũng đưa mấy đứa trẻ đi chơi sở thú Moonridges, hy vọng gặp lại cô ở đó." Tình nhớ lại mình đã ghi thời gian đi chơi sở thú trong cuốn lịch hẹn mà James nhặt được, cô nói với James: "Vâng, hy vọng gặp lại anh."

Tình rất thích đi chơi sở thú Moonridges, hầu như cứ hai tuần một lần chị ghé thăm những người bạn thú vật, đôi khi chị chỉ đi một mình. Hôm đó là lần đầu tiên tôi gặp Tình. Hai đứa cháu tôi là Chris và Jessy đòi đến sở thú, tôi đã hẹn với James đi cùng để giúp tôi trông hai đứa trẻ nghịch ngợm. Lúc chúng tôi đang mua vé thì Tình cũng vừa lăn xe đến. James giới thiệu Tình với tôi, chị nhìn tôi khẽ gật đầu, rồi chị chìa tay bắt tay hai đứa nhỏ. Tôi hơi phật lòng vì chị chỉ gật đầu với tôi.

Chúng tôi cùng bước qua cửa soát vé rồi theo lối mòn đi tới các khu nuôi động vật. James và tôi thật vất vả với hai đứa trẻ hiếu động, chúng chạy lăng xăng nhiều khi mất dạng, tôi không ngừng réo tên từng đứa và nói chúng đợi. Có lúc James hài hước dọa chúng rằng trong bụi cây có con sư tử vừa lạc làm chúng hét toáng lên chạy lại sau xe lăn của Tình nấp. James và tôi phá lên cười. Tình nói giờ này sư tử sưởi nắng rồi, chúng chưa đi săn đâu. Rồi hai đứa trẻ bắt đầu hỏi chị đủ thứ câu hỏi trên đời. Chị tỏ ra rất am tường kiến thức về động vật hoang dã, say sưa giải thích tập quán từng loài vật cho chúng nghe. Tôi để ý thấy James rất thích thú nghe chị giải thích tập quán từng loài một bằng cái giọng hơi khàn đục của chị.

Quá trưa chúng tôi tới chỗ nuôi bầy sói. Chúng tôi lấy mấy cái bánh san-uých ra ăn trưa và cùng nhau xem người quản lý lôi một con nai chết ra cho bầy sói ăn. Lũ sói lăn vào tranh giành và cắn xé nhau, duy nhất một con sói không dám tranh ăn mà chỉ lởn vởn bên ngoài rồi nằm thè dài lưỡi đợi cả bầy tranh nhau. Chúng tôi lắng nghe người hướng dẫn giải thích sự phân cấp trong xã hội loài sói, con đầu đàn sẽ dành ăn phần tốt nhất, nó sẽ trừng phạt bất kỳ con sói nào dám cạnh tranh phần thức ăn đó của nó. Các con sói khác cũng theo thứ tự mà chia nhau phần thức ăn còn lại. Trong đàn sói luôn có một con yếu thế nhất đàn không được chấp nhận ăn chung mà chỉ được ăn phần thừa còn lại của những con khác. Cậu nhóc Chris lúc này quay sang hỏi Tình: "Sao bầy sói lại gầm gừ cắn nhau khi ăn?", và bé Jessy thêm: "Sao con sói đằng kia không dành phần ăn mà nằm đợi?" Đôi mắt nâu đen của chị nhìn những đứa trẻ âu yếm và chị kể cho chúng về hành vi bầy đàn của loài sói. Trong giọng kể của chị, loài sói có tổ chức xã hội rất cao, ngay cả khi săn mồi lẫn chia thịt con mồi, trật tự trong đàn được duy trì bởi con đầu đàn hay còn gọi là con an-pha, Khi ăn con mồi, con an-pha sẽ dành quyền ăn phần bụng gồm lá gan và trái tim con mồi, nó cho con nào ăn thì con đó được ăn, nếu bất tuân sẽ bị con an-pha trừng trị. Sự trừng phạt của con an-pha không có nghĩa là nó tàn nhẫn và sự quy phục của các con sói khác không có nghĩa là yếu đuối, mà bản chất cuộc sống hoang dã của bầy sói dạy cho chúng cần phải sống trong trật tự đó để tồn tại. Ngay cả con sói có vị thế kém nhất đàn hay còn gọi là con ô-mê-ga, luôn bị hắt hủi và phải sống bên lề của đàn sói cũng thấy rằng nó vẫn cần sống với đàn hơn là sống đơn độc. Và dẫu vậy từng thành viên trong đàn sói luôn quan tâm đến nhau, dành nhiều thời gian để chơi đùa với nhau.
tinh_3
James và tôi đều ngạc nhiên và thích thú với câu chuyện về đời sống bầy đàn của loài sói mà Tình kể. James quay qua trêu chọc Chris: "Với loài sói là phải tranh nhau thức ăn thì ăn mới ngon" rồi anh gầm gừ giả tiếng sói và đòi tranh bánh san-uých với Chris và Jessy, tôi phá lên cười. Tình tủm tỉm cười, đôi mắt chị lấp lánh hạnh phúc khi nhìn những đứa trẻ nô đùa với James. Tôi quay qua nhìn bầy sói thấy con sói có vị thế thấp nhất đàn bây giờ cũng đã được con đầu đàn cho ăn, tôi nghĩ "con sói ô-mê-ga đó có ít tính chất sói nhất mặc dù cũng là sói." Tôi lén nhìn đôi chân của Tình và thấy cảm thương cho chị.

Buổi đi chơi sở thú làm tôi thấy thú vị, Tình giúp tôi kiểm soát mấy đứa trẻ khéo quá. Cũng từ đấy, James thỉnh thoảng mời Tình đi ăn tối, còn tôi, tôi thấy mình không thể bước thêm một inch nào gần hơn tới trái tim của James. Tôi cảm thấy James vẫn chỉ đối xử với tôi như một đồng nghiệp, ngoài văn phòng và công việc ra chúng tôi là những người bạn thân, không hơn. Thỉnh thoảng một nỗi buồn thoảng qua trong lòng tôi như một cơn gió nhẹ.

Khoảng tám tháng sau ngày đi chơi chung đó, cả nước Mỹ chấn động với sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9. James và Tình gửi tin nhắn và email liên tục tới động viên tôi, vì người em gái của tôi là mẹ của Chris và Jessy mất tích và cho rằng đã bị chôn vùi cùng với toà tháp đôi. Dẫu sao sự kiện này kéo chúng tôi lại gần nhau. Gần một tháng qua đi trong khổ đau và nước mắt, cuối cùng người em gái của tôi được xác định danh tính qua những mảnh xương thịt vương vãi trong đống đổ nát.

Buổi chiều hôm đó bố của Chris và Jessy tới đón chúng đi, Tình và James tới nhà tôi chia tay với những đứa nhỏ. Ngoài trời tuyết rơi trắng xoá, trong căn phòng khách nhỏ, Tình rời khỏi xelăn, chị tiến tới bên hai đứa nhỏ đang bó gối ngồi buồn trên ghế sô-fa. Đứng trên hai đầu gối ở dưới sàn, Tình ôm hai đứa nhỏ trong lòng, hôn lên trán chúng và chị tặng cho chúng hai con gấu bông màu xanh và màu hồng, với dòng chữ: "I love you" thêu nắn nót trên chiếc áo nhỏ mặc bên ngoài những con gấu. Tôi ôm hai đứa nhỏ vào lòng khóc nức nở, Tình nắm lấy bàn tay tôi, tôi nhìn chị qua đôi mắt ướt nhẹp, đó là lúc tôi cảm nhận được vẻ đẹp của đôi mắt chị, một ánh mắt đầy an bình với một sự nhẫn nại và sức chịu đựng vô bờ bến, khiến tôi như vơi đi nỗi buồn. James đến chia buồn với người chồng cũ của em gái tôi. Rồi chúng tôi đứng lặng nhìn chiếc xe chở mấy đứa cháu tôi đi xa dần.

Gần một năm đã trôi qua, nỗi buồn 11 tháng 9 cũng khuây khoả dần, năm đó chúng tôi chứng kiến sự quan tâm và tấm lòng yêu thương của bạn bè dành cho nhau thật nồng hậu. Biến cố đó đã kéo trái tim chúng tôi lại gần nhau hơn. Những đồng nghiệp trong văn phòng cũng hay mời tôi đi ăn, nhất là John, người bạn thân của James. Con đường vào trái tim James đối với tôi vẫn còn xa xăm lắm. Tôi chủ động mời anh nhưng anh lại bận với công việc cuối tuần và những cuộc hẹn khác. Người anh hẹn lại là Tình. Trong thâm tâm tôi nghĩ Tình và James chia sẻ với nhau nỗi buồn 11/9 đã làm rỉ máu những trái tim người Mỹ. Nhưng điều gì đến đã phải đến, nó xảy ra vào ngày sinh nhật của James.

Buổi tối đó gió thổi buốt lạnh. Cánh cửa đóng lại phía sau cắt đứt những tiếng gào thét của gió tuyết bên ngoài. Ánh sáng màu vàng từ chiếc đèn chùm trong căn phòng James thuê của nhà hàng Ezabella mang lại cho tôi cảm giác ấm áp. James chỉ mời những người bạn thân thiết nhất cùng với bố mẹ và các chị em gái của anh. Tình ngồi bên cạnh tôi trên chiếc xe lăn, chị mặc chiếc váy màu chàm và áo len trắng, cổ quàng chiếc khăn len mỏng màu tím nhạt. Gương mặt chị đánh nhẹ phấn, mái tóc đen thẳng chảy hai bên bờ vai khiến chị ưa nhìn hơn nếu trông ngang. Chiếc áo len trắng và khăn quàng che bớt đi cái bướu u trên lưng chị. Bàn đối diện với Tình là bàn của ba mẹ và chị em gái của James. Họ thật nhã nhặn và vui vẻ. Chiếc ghế bên cạnh Tình trống và sau một hồi chào đón mọi người James ngồi vào chiếc ghế đó, bữa tiệc sinh nhật bắt đầu. Chúng tôi thưởng thức những món ăn và trao đổi với nhau về mùa gió tuyết năm nay, những trận bóng bầu dục, và về những bộ phim. Tình hỏi tôi về mấy đứa nhỏ Chris và Jessy, chị nói chị có mang một món quà nhờ tôi chuyển đến cho hai đứa nhỏ. Tôi hơi chạnh lòng khi nghĩ tới hai đứa nhỏ đang sống với bố và người mẹ kế. Tôi kể cho Tình là hai đứa nhỏ có viết thư cho tôi và nói muốn cùng đi chơi sở thú với chị. Thấy tôi có chút buồn khi nói về hai đứa trẻ nên James thêm vào một câu chuyện vui về ngày 9/11, anh hỏi mọi người đội bóng hâm mộ của Al Quaida là gì? John nói đội Manchester, tôi nói đội Bomber, Bill nói đội tuyển quốc gia A-rập, Tình lắc đầu không biết... James nói đội bóng hâm mộ của Al Quaida là đội New York Jets. Tôi phá lên cười. Không khí vui vẻ trở lại. Sau một vài chuyện cười nữa về biến cố 9/11, bữa tiệc tới phần cắt bánh sinh nhật.

Đèn chùm tắt, căn phòng ăn chỉ còn ánh sáng lờ mờ phát ra từ những cây nến trên bàn tiệc. John mang ra một bánh sinh nhật hình trái tim với những cây nến cắm giữa lòng bánh tạo nên một trái tim nhỏ lồng trong trái tim lớn. Ngoài trời mưa tuyết vẫn hắt lên khung cửa kính và trong ánh sáng nến hiu hắt của căn phòng mọi người cùng nhau hát bài chúc mừng sinh nhật James. Chiếc bánh sinh nhật hình trái tim như bay trong không khí tới bên James và nhè nhè đáp xuống trên bàn trước mặt anh. Không khí thật ấm áp và lãng mạn. Tôi thấy James nhìn Tình rồi anh nhắm mắt nghĩ cho mình một điều ước. Chúng tôi nín lặng chờ anh. James mở mắt và anh thổi tắt những ngọn nến.

Đèn phòng bật sáng trong tiếng vỗ tay. Một chiếc bánh sinh nhật đẹp tuyệt vời hiện ra trong ánh đèn vàng lung linh. Chiếc bánh có ba lớp, lớp trên cùng là jelly màu dâu tây, lớp bên dưới là sô-cô-la nâu, lớp dưới cùng màu trắng sữa. Mùi vị của chiếc bánh thật ngon, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mùi vị của nó. Lớp trên cùng hơi ngọt và rất mềm mại thơm mùi dâu tây giống như một khai vị cho những lớp bánh dưới, lớp sô-côla thơm và ngọt vị ngọt rất đằm khiến cho ăn không thấy ngán, lớp cuối cùng với vị rượu rum thơm nồng làm bốc lên trong người một cảm giác ấm áp phấn khích. Tôi hỏi James ai đặt bánh thật ngon. James nhìn Tình nháy mắt và nói của một người tặng. Tôi hỏi Tình: "Có phải chị tặng anh không?" Tình nhoẻn cười gật đầu. Tôi hỏi: "Chị đặt ở tiệm nào mà vừa đẹp vừa ngon, tôi không thấy nhãn hiệu quảng cáo trên đĩa giấy của chiếc bánh?" Tình nhìn tôi khoé mắt lung linh hạnh phúc nói "Tôi tự làm lấy." Tôi ồ lên ngạc nhiên thán phục.

Sau khi đã thưởng thức bánh sinh nhật của James, John đứng ra gần lò sưởi để sửa soạn nói. John vừa chỉnh cà vạt vừa hắng giọng lấy hơi. Bầu khí trong phòng lúc này thật ấm áp và mọi người lắng nghe giọng nói cố làm ra vẻ nghiêm trang của John, tôi bấm bụng cười với cách lấy giọng của John. Rồi John bắt đầu nói: "Quý ông bà thân mến, chàng hiệp sĩ James của chúng ta đã đi được một quãng đường ba mươi ba năm của cuộc đời. Trong suốt hành trình rong ruổi đó chàng hiệp sĩ của chúng ta đã luôn tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời là gì. Chàng đã chiến đấu thật dũng cảm, nhiều khi bị thương tổn và ngã xuống cô đơn. Nhưng cám ơn Chúa là trái tim của chàng hiệp sĩ vẫn nguyên vẹn như quý vị vừa thưởng thức đó. Quý vị có thể kiểm chứng là trái tim của chàng hiệp sĩ rất ngọt ngào phải không ạ?" Có lẽ John ám chỉ chiếc bánh sinh nhật hình trái tim của James. Mọi người trong phòng trầm trồ: "Vâng rất ngọt ngào; tuyệt vời; tôi muốn cắn trái tim hắn một lần nữa..." Căn phòng ngập tràn niềm vui và tiếng cười. James quay sang mọi người cám ơn, nét mặt anh thật rạng rỡ.

John tiếp tục nói: "Một hôm trên con đường đi tìm hạnh phúc của mình, chàng hiệp sĩ của chúng ta đã tìm thấy câu trả lời nằm trong trái tim của một tiểu thư. Để hiểu ngôn ngữ trái tim của cô tiểu thư này, chàng đã phải học ngôn ngữ của loài hoa hồng. Giờ đây chàng hiệp sĩ của chúng ta sẽ tặng bông hoa hồng này cho cô tiểu thư bấy lâu nay đã giữ câu trả lời cho hạnh phúc mà chàng dày công tìm kiếm."

John vừa dứt lời cả căn phòng rộ lên tiếng huýt sáo tán thưởng, tiếng lanh canh gõ ly rượu vang lean. Vậy là họ sắp được biết người yêu của James là ai. Mọi cặp mắt đổ dồn về phía James đang bước đến bình hoa hồng bên trên lò sưởi.

Cầm bông hoa hồng trên tay khẽ ép vào ngực James tiến lại phía bàn của tôi, đôi môi và khóe mắt anh lấp lánh nụ cười. Tôi nhìn xuống chiếc ly rượu trước mặt, trống ngực tôi đập loạn thấy James đang đi về hướng tôi, cảm giác vừa bất ngờ ngạc nhiên, vừa phấn khích hồi hộp hòa trộn vào nhau và lan trong lồng ngực. Nhưng kìa trước mắt tôi, bông hoa hồng nhẹ hạ xuống bên Tình, người ngồi kế bên tôi. Chị ngước mắt nhìn James. Cả căn phòng điếng lặng. Lòng tôi bẽ bàng. James quỳ bằng một gối, tay trái anh nhẹ đỡ cánh tay của Tình đang run run cầm bông hồng đưa.

Lúc đó thân thể tôi đông cứng, khuôn mặt sượng sùng đỏ bừng tưởng như ai cũng đã nhìn thấy trái tim tôi vừa chuyển từ trạng thái mừng hụt sang trạng thái ghen tương, còn đôi mắt tôi lại không thể dứt ra khỏi nụ hồng đang toả sáng trên môi hôn của Tình. Căn phòng im lặng, mỗi người đều như đang thẫn thờ trước cách bầy tỏ tình yêu khác thường bằng bông hồng mà James trao cho Tình. Tôi không biết, nhưng dẫu sao cái im lặng đã bị phá vỡ bởi tiếng nói phát ra từ phía bàn của gia đình James: "Speak, Speak", có lẽ một em gái của James đã phá vỡ cái im lặng như ngây đó.

Mọi người như vừa quay trở lại từ một khu rừng cổ tích rất xa xưa. Rồi tiếng huýt sáo, vỗ tay, gõ ly cũng vang lên như muốn che dấu đi sự bất ngờ khi vừa lạc từ khu rừng cổ tích về. Bên ngoài cửa sổ, tuyết trắng vẫn xuyên qua màn đêm theo từng làn gió buốt, vài bông tuyết quyện vào ô kính cửa sổ rồi lặng lẽ trượt xuống. Lúc đó lòng tôi chợt thấy lạnh lẽo lạ thường. Tiếng kêu "speak, speak" lại đòi hỏi từ phía bàn của gia đình James. Ánh mắt Tình tìm ánh mắt James, anh khẽ gật đầu động viên chị. Tay trái chị cầm bông hồng ép vào ngực, tay phải chị nắm bàn tay James, chị hít một hơi dài, ánh mắt long lanh chứa đựng hoàng hôn của chị đẹp hơn bao giờ hết.

Căn phòng một lần nữa chìm vào thinh lặng. Giọng chị trầm và run, chị ngập ngừng nói: "Tôi đã luôn học biết đón nhận, và từ bây giờ tôi sẽ học cách để đón nhận tình yêu của James." Một vài giây im lặng rồi căn phòng oà vỡ trong tiếng huýt sáo, tiếng gõ lanh canh của các ly rượu, tiếng vỗ tay chúc mừng. John đưa cho James chai sâm-panh để mở rồi mọi người cùng nâng ly chúc mừng cho James và Tình.

Buổi sinh nhật kết thúc trong điệu nhảy waltz, và đó là lần cuối cùng tôi nhảy waltz với James.

Giờ đây ngồi một mình trong nhà tôi đang nghe rõ hơi thở của chính mình. Chiếc hộp quà có hai chú sói con nhồi bông Tình nhờ tôi gửi cho Chris và Jessy vẫn còn trên giá sách kia, và trước mặt tôi là bó hoa cưới của Tình tung cho tôi sau tiệc cưới vẫn còn tươi nguyên. Tất cả còn rất mới, rất thực, chứ không phải trong chuyện cổ tích nữa. Hai con sói nhồi bông khiến tôi nhớ lại lần đi chơi sở thú. Tôi chợt nhận ra Tình không phải là con sói có vị thế thấp nhất trong đàn, có lẽ con sói bên lề đó lại chính là tôi. Tôi nhếch mép gượng cười như vừa lĩnh hội một bài học thực tế của cuộc sống. Tình mạnh hơn tôi, thứ hấp lực của chị không giống như ngọn lửa ngồn ngộn thu hút những con thiêu thân, đó là hấp lực của những dòng sông ngầm chảy trong những hang động sâu dưới lòng đất, hình thành qua hàng ngàn năm. Những dòng sông ngầm đó lôi cuốn những nhà thám hiểm gan dạ nhất của cuộc sống.

Ôi Thượng Đế thật khéo ban cho mỗi người phụ nữ một cái đẹp riêng.

Hương thơm của bó hoa cưới lan toả trong phòng. Mỗi lần tôi nhìn bó hoa cưới của chị thì như lại thấy nụ hôn chị và James trao cho nhau trong ngày lễ cưới. Chị đã có một nụ hôn say đắm nhất của đời người con gái. Tà áo dài truyền thống Việt Nam của chị đang còn cuộn bay như đôi chân thiên thần trong trí nhớ của tôi lúc James bế bổng chị lên để hôn. Tôi đưa bó hoa lên hít một hơi thật dài, thấy nước mắt và nụ cười của mình như chìm trong hương hoa.

Không còn cảm giác ghen với chị nữa, tôi đẩy cửa sổ. Ngoài hiên người đưa thư vừa bỏ thư vào hộp. Lấy xấp thư ra để xem, tôi thấy trong đó có vé mời tới buổi hoà nhạc của John. Tôi cất bó hoa cưới của Tình lên trên giá sách, lấy hộp quà của Tình trong có hai chú sói nhồi bông xuống, tôi muốn đi thăm Chris và Jessy và tôi nhấc điện thoại gọi cho John.

Ánh mặt trời ngày đầu năm đang tràn vào phòng.

Nhấn Vào Đây Để Tải Tập Tin PDF

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tác giả tên thật David Huỳnh, cư dân Los Angeles, là một "chức sắc" của Hội Đi Câu tại Hoa Kỳ, từng nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012 với loạt bài kể chuyện đi câu đủ nơi, đủ loại, từ cá sấu gar Houston tới cá tầm California, câu tới Alaska, sang Mễ, qua tận Thái Lan, và nay thì câu về đến quê cũ.
Trương Ngọc Anh (hình bên) đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002. Bài và hình ảnh được thực hiện theo lời kêu gọi của chương trình Foodbank tại Quận Cam: "Nếu biết ai đó cần sự giúp đỡ, xin vui lòng hướng dẫn vào chương trình trợ giúp của chúng tôi."
Nếu viết về con rồng, thật dễ có văn chương bay bướm, kiến thức bao trùm thiên hạ, ai đọc cũng phục lăn. Vì sao? Vì con rồng chẳng hề có trên thế gian, chẳng ai thấy, nên cứ viết tào lao thiên địa, không ai bắt bẻ được. Giống như chuyện ma. Có hàng triệu chuyện ma mà chẳng ai thấy ma bao giờ.
Alice Springs? Gớm! Cái phố nhỏ như mắt muỗi, có đốt đuốc cháy mười ngày cũng chẳng nom thấy đâu trên bản đồ nước Úc.
"Hơn bốn mươi năm sau khi xuất hiện, Dương Nghiễm Mậu vẫn còn là nhà văn avant-garde đối với văn học Việt Nam bởi những suy tưởng và cách đặt vấn đề của ông vẫn còn nguyên những mấu chốt bí mật, nhiều truyện ngắn với lối cấu trúc rất lạ, chưa ra khỏi vòng trăn trở tìm tòi của người viết hôm nay." (Thụy Khuê viết về Dương Nghiễm Mậu, Con Người Nội Soi)
Nếu bạn có một người yêu, yêu rất yêu, bạn có muốn nói về người ấy không, có muốn giới thiệu người ấy cho cả “thế giới” biết không. Tôi chắc chắn bạn sẽ “lật đật” nói rằng có. Không cần hỏi, tôi đã thấy cả triệu người trên mặt đất này đã và đang làm việc đó.
Tác giả tên thật Vũ Văn Cẩm; Vượt biển năm 1981. Đến Mỹ 1982, hiện là cư dân Oklahoma từ 2003. Nghề Nghiệp: Electrical Engineer. tại Công Ty American Airlines, M&E Center, Tulsa, OK. Bài viết -trích từ Việt Báo Tết QWuý Tỵ - là một chuyện tình đẹp.
Tác giả là một luật gia và nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm 1934, tại Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Luật khoa Saigon 1958. Du học tu nghiệp tại Mỹ 1961-62. Nghề nghiệp tại Saigon: Chuyên gia luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62),
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Mới đây, Khánh Vân đã hoàn tất việc đón ba má, và vợ chồng người em trai sang đoàn tụ. Bài tết năm nay của cô là chuyện vui.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.