Hôm nay,  

THE JOY LUCK CLUB QUAY PHIM Ở HOA LỤC

18/02/201300:00:00(Xem: 7753)
Entertainement Weekly, ngày 28-10-2004, loan báo: Trong số 50 phim của lịch sử điện ảnh thế giới đạt số thu nhiều nhất về… nước mắt, The Joy Luck Club được bình chọn vào vị trí thứ 22. Và cúp nước mắt -The trophy of tear- được trao cho Kiều Chinh, khi diễn vai bà mẹ Suyuan bị buộc phải bỏ rơi hai đứa con song sinh trên đường chạy loạn. (hình bên dưới)
kiu-chinh_1
Phim nói tiếng Mỹ, tiếng Quan Thoại, Quảng Đông. Cảnh diễn trên đất Tầu, nhưng trong phim, tiếng kêu xé ruột của bà mẹ Tầu gọi con lần cuối lại chính là… tiếng Việt: "Con ơi!" Hai mươi năm sau ngày phim ra mắt -1993-2013- lần đầu tiên chuyện này được kể lại. Bài viết sau đây của Kiều Chinh được dành riêng cho báo xuân Việt Báo. Tựa nhỏ cho các phân đoạn trong bài là do toà báo đặt.

The Joy Luck Club là cuốn phim được dựng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ gốc Hoa Amy Tan, do chính tác giả viết lại thành truyện phim, với sự hợp soạn của Ronald Bass, người viết phim Rain Man từng nhận giải Oscar. Phim do hãng Disney sản xuất với ngân sách 11 triệu mỹ kim, được thực hiện bởi đạo diễn Wayne Wang, dài tới 139 phút. Đây cũng là cuốn phim lớn đầu tiên của Hollywood dựng lại được cảnh loạn ly thời Đệ Nhị Thế Chiến trên đất Tầu, tại Quế Lâm, Quảng Châu, giáp ranh với miền Bắc Việt Nam, vào thời vùng đất này còn nằm khuất phía sau bức màn tre kỳ bí.
kiu-chinh_2
Bánh sinh nhật bất ngờ được mang ra và mọi người cùng hát Happy Birthday Kieu Chinh.
Cả sách và phim, cho tới nay, vẫn được coi là tác phẩm văn học và điện ảnh thành công nhất của người Mỹ gốc Á. Sách thành best seller ngay năm đầu tiên, đã dịch sang 35 ngôn ngữ, được dựng thành kịch trên nhiều sân khấu. Phim thì ngay tuần đầu trình chiếu trong nội địa Hoa Kỳ, số thu đã là 17 triệu mỹ kim. Rồi được công nhận bởi National Board of Review Awards, vào danh sách Top Ten trong số phim hàng đầu thế giới năm 1993. Khi phim ra video, số lượng phát hành cũng đạt mức kỷ lục. Nhờ cả phim và video được phổ biến rộng rãi, khi có dịp đi đây đi đó, tôi thường được hưởng nhiều gặp gỡ bất ngờ.
kiu-chinh_3
Chiếu phim lần đầu tại Santa Monica. Kiều Chinh và Tippi Hedren tới Báo chí truyền hình chờ sẵn.
Những "phần thưởng sống"

Năm 2007, hội chợ sách quốc tế được tổ chức tại Martinsburg, West Virginia, vùng đất lịch sử của thời nội chiến Mỹ. Được mời làm keynote speaker tại buổi lễ khai mạc West Virginia Book Fair, trong phần Q&A (Question & Answer, hỏi và trả lời) tôi nhận nhiều câu hỏi về The Joy Luck Club. Sau đó, khi thăm mấy gian hàng sách, bỗng thấy một chàng da đen cao lớn chận đường bằng cách vừa cười vừa… gãi tai. Anh ta xưng tên là Ringo (?), nói tôi muốn cám ơn bà vừa trả lời dùm điều tôi thắc mắc lâu nay khi coi phim. Câu hỏi anh ta đưa ra trong phần Q&A là bà làm cách nào để có thể diễn vai bà mẹ Suyuan lúc phải rời bỏ hai đứa con thơ. Trong câu chuyện tiếp theo, Ringo cho biết anh là một sinh viên du học chỉ mới 20 tuổi, vừa tới từ Phi Châu, đang học tại trường điện ảnh và kịch nghệ nổi tiếng tại Martinsburg. Ringo nói chính The Joy Luck Club đã khiến anh chọn ngành học này. Thì ra chàng tuổi trẻ da đen này có bà mẹ là người Tầu. Từ bé thường cùng mẹ coi video, ngay khi mới lớn, Ringo đã muốn viết sách, làm phim về câu chuyện của chính anh, mẹ con anh, gia đình anh. Vì vậy mà khi tới West Virginia học về điện ảnh, thấy người đóng vai bà Suyuan ngoài đời, anh ta phải liều mạng chặn đường.
kiu-chinh_4
Trong vai Suyuan Wo, Bà Mẹ Trung Hoa bị buộc phải bỏ con trên đường chạy loạn thời đệ nhị thế chiến.
Câu chuyện của Ringo cho thấy là không chỉ với người Tầu trong lục địa Trung Hoa hay với dân châu Á, sức sống của The Joy Luck Club đã vượt qua mọi ranh giới của đất đai, chủng tộc, thời gian. Tôi coi việc giao truyền được cảm hứng tới lớp người trẻ của tương lai là thành tựu đáng kể nhất của một tác phẩm nghệ thuật. Nụ cười dễ thương của anh bạn trẻ đến từ lục địa đen Phi châu, và của nhiều người trẻ khác mà tôi từng gặp gỡ, chính là những "phần thưởng sống" dành cho cuốn phim.

Chỉ mới đây thôi, cuối tuần qua, trong bó thư tới hàng ngày của mình, tôi vừa có thêm một cái "residual check" đề tên Kiều Chinh The Joy Luck Club. Ngoài khoản thù lao chính đã nhận khi đóng phim, đây là loại check các hãng phim tại Mỹ chia cho diễn viên phần phụ trội, khi cuốn phim cũ vừa có thêm lợi tức nhờ mới được trình chiếu đâu đó. Cái check nhỏ thôi, nhưng cho thấy là dù bao năm qua, cuốn phim vẫn tiếp tục được khán giả yêu mến. Điều này làm tôi nhớ ra "nụ cười Ringo", và nhớ lan man nhiều chuyện khác, tưởng như đang nghe thấy những tiếng cười thân quen từ cuốn phim chung, lâu lâu vẫn thường gọi cho nhau.
kiu-chinh_5
Với diễn viên Richard Gere khi tiếp tân ra mắt phim
Thân tình Joy Luck Club

Đó là cách nói về thân tình nhờ cuốn phim mà có. Với riêng dàn diễn viên tập trung tới 64 nhân vật, 16 nam nữ tài tư chính, hiếm thấy ê kíp phim ảnh nào có nhiều dịp tụ họp đông vui thân tình như The Joy Luck Club, cả khi làm phim cũng như khi chiếu phim.

Một ngày tháng Chín năm 1993, thân tình Joy Luck Club cho tôi một sinh nhật đáng nhớ.

Đó là lúc cả ê kíp lại cùng nhau tụ họp khi đưa phim đi dự Telluride Film Festival. Buổi trưa, có anh bạn cũ Frank Vrecheck, chủ tịch Pacific Rim Films, Ltd., một tay phim ảnh sừng sỏ tại Hồng Kông đến dự film festival, mời các bạn nghệ sĩ The Joy Luck Club đi hưởng thú kỹ mã rong chơi vùng đồi núi nổi tiếng tuyệt đẹp tại Colorado. Giữa buổi du ngoạn, có một lúc tôi tách rời đoàn, một mình một ngựa phóng lên đồi. Gió lồng lộng trong tóc trong áo làm nhớ thời kỵ mã xa xưa. Nhớ thời mới lớn thường cùng Bố và Bác Phúc cưỡi ngựa trong khu đồn điền cam Bố Hạ mênh mông. Nhớ khi đóng vai nàng công chúa Ấn Độ phóng ngựa chạy trốn khi kinh thành bị loạn quân tấn công, trong phim Evil Within quay tại Ấn Độ năm 1972. Nhớ con ngựa thân quen sau Tháng Tư bị bỏ lại trong Hội Kỵ Mã / Cercle Hyppique trên đường Nguyễn Du. Nhớ Sàigòn.

Dừng ngựa bên sườn đồi nhìn trời xanh mây trắng, tôi tự cười mình là hôm nay lại thêm một sinh nhật xa nhà làm nghệ sĩ lang thang, nhưng không nói với ai điều này.

Vào lúc chiều tối, khi cả ê kíp phim tụ họp tại khách sạn dự một buổi tiệc thân mật, bỗng thấy có lúc mọi người được đạo diễn yêu cầu ngồi lại cạnh nhau. Lại đủ bốn bà mẹ, bốn cô con. Góc này góc kia có tác giả Amy Tan và ông xã luật sư Louis DeMattei, đạo diễn Wayne Wang, nhà viết phim Ron Bass, thêm cả Producer Janet Yang… Rồi bánh sinh nhật bất ngờ được mang ra và mọi người cùng hát Happy Birthday Kieu Chinh. Rồi những vòng tay ôm, những nụ hôn.

Hai tay nâng đĩa bánh, mắt nhìn ngọn nến lung linh thêm một tuổi, lòng tôi tràn ngập cảm xúc, biết ơn các bạn, biết ơn nghệ thuật và cuộc sống.

Thân tình Joy Luck Club còn được thể hiện trong nhiều buổi ra mắt phim, được tổ chức qui mô ở nhiều nơi khác nhau.

Tại Los Angeles, nơi được chọn để chính thức ra mắt phim là Santa Monica, thành phố biển tấc đất tấc vàng. Buổi chiếu phim được tổ chức tại rạp lớn có đội quân chính qui của truyền hình và báo chí chờ sẵn bên đường để thu hình phỏng vấn. Sau đó còn có thêm tiếp tân ở private club. Với sự hiện diện của những tên tuổi lớn tiêu biểu cho Hollywood như đạo diễn Olive Stone, diễn viên Richard Gere… buổi tiếp tân được host bởi nữ tài tử Annette Bening -bà vợ lịch thiệp của diễn viên, đạo diễn Waren Beatty, 15 lần được đề cử giải Oscar- đã dành cho ê kíp The Joy Luck Club sự ân cần đặc biệt.
kiu-chinh_6
Kieu Chinh vai Suyuan Woo France Nguyen vai Ying-Ying St. Clair Lisa Lu vai An-Mei Hsu-Ming-Na Wen vai June Woo Tamlyn Tomita vai Waverly Jong vai Lauren Tom vai Lena St. Clair Rosalind Chao vai Rose Hsu Jordan - Michael Paul Chan vai Harold, Lena's Husband Andrew McCarthy vai Ted Jordan Christopher Rich vai Rich Russell Wong vai Lin Xiao Vivian Wu vai An-Mei's Mother Chao-Li Chi vai Canning Woo Victor Wong vai Old Chong the Piano Teacher Irene Ng vai Lindo (Adolescent)
Sau Los Angeles là Orange County, nơi có Little Saigon, thủ đô tinh thần của người Việt tại Mỹ. Buổi ra mắt phim tại đây được chính thức loan báo là để vinh danh người diễn viên gốc Việt. Đúng ngày chiếu phim, nhật báo The O.C. Register số ra ngày 1 tháng Mười 1993, đã dành trọn trang báo cho ảnh chân dung Kiều Chinh do Bruce Strong chụp.

Sau các buổi ra mắt phim tai Hoa Kỳ, The Joy Luck Club đạt số thu 17 triệu trong tuần lễ đầu tiên, hãng phim Disney dành cho tác giả Amy Tan, Ming Na Wen và Kiều Chinh một chuyến đi thượng hạng, bay sang Âu Châu ra mắt phim kiểu Paris hào nhoáng, họp báo tại phòng hội mang tên bà hoàng thời trang Coco Chanel, bay sang Brasil.đi dự "Festival International du Film de Bruxelles".

Giữa các bà mẹ, 4 năm sau ngày phim ra mắt, kỷ niệm 40 năm điện ảnh Kiều Chinh, vẫn có France Nuyen tới góp vui, Lisa Lu mang đến cho món nữ trang ngọc quí.

Với các bạn trẻ hơn, 13 năm sau, mẹ con Kiều Chinh còn bay lên San Francisco cùng George Daugherty, nhạc trưởng kiêm nhà sản xuất phim, dự phần tổ chức vinh danh Amy Tan, người từng gọi Kiều Chinh là bà mẹ thứ hai. Cùng năm, khi The San Diago Asian Film Festival 2006 vinh danh Kiều Chinh Lifetime Achievement Award, Ming Na Wen đứng host vẫn kêu "mom" như buổi đầu gặp gỡ, nói "Thank you for sharing your talents and for paving the way for Asian actress like me."
kiu-chinh_7
Mùa đông Paris với Amy Tan
Chuyện của câu chuyện

Trong các buổi chiếu phim và tiếp tân ra mắt ở khắp nơi, khi được truyền hình báo chí quốc tế hỏi về vai chính trong phim, tôi thường nói vai chính của The Joy Luck Club không phải người này hay người kia mà là cả câu chuyện.

Là một độc giả của Amy Tan trước khi sách thành phim, tôi thật tình thấy vậy.

The Joy Luck Club, tên sách và phim, cũng là tên cái hội vui vẻ may mắn của bốn bà mẹ di dân ở phố Tầu San Francisco. Bà chủ hội là Suyuan Woo, người gốc Quảng Châu, từng mất con mất chồng khi nước Tầu loạn lạc thời thế chiến thứ hai. Các bà biết nhau từ thời 1949, khi mới được nhà thờ bảo lãnh cho định cư. Làm lại cuộc đời, mỗi bà có một cô tiểu thư. Khác với mẹ, các cô được sinh ra và lớn lên tại Mỹ, chạy đuổi mệt nghỉ với cuộc sống kiểu Mỹ. Còn lại mấy bà me về già, bà Suyan lập ra cái hội bốn bà bốn tụ, thường họp hành ăn uống kể lể chuyện xưa quanh một cái bàn vuông với cỗ bài mạt chược.

Quan hệ giữa mẹ và con của bốn bà di dân gồm đủ loại hầm hố, giống như những quân bài sát phạt, biến hoá khó lường. Lấp được cái hố ngăn cách mẹ con khi đang sống đã khó. Càng khó hơ khi người mẹ đã chết. Đó là trường hợp cô June, sau khi bà mẹ Suyuan qua đời, đi tìm hai người chị cùng mẹ mà cô chưa từng biết.

Do đâu mà có thể tưởng tượng để viết The Joy Luck Club?

Nhờ một cú phôn, nhà văn bảo tôi.

Và "chuyện của câu chuyện" được kể lại. Là một cô giáo đang dạy học, sống ở San Francisco với bà mẹ già. Đời sống rất bận rộn, ít có thì giờ ngồi hầu chuyện với bà mẹ đã về hưu, có dư thì giờ, thích kể chuyện xưa. Càng không có thời gian hộ tống bà mẹ đi đây đi đó. Bốn bà mẹ rảnh rang bèn rủ nhau đi Hawai nghỉ mát. Một hôm, đúng thời gian bận rộn nhất thì Amy Tan nghe phôn gọi bảo mẹ mày hấp hối. Bà dì đang ở chung với mẹ điện thoại từ Hawaii, luôn miệng nhắc nhở phải bay ngay, bay ngay, coi chừng không kịp.

Chạy xất bất xang bang mãi tới chiều tối mới vào được phi trường, với cái red eye ticket, loại vé phải chờ đỏ con mắt. Vậy là suốt cái đêm một mình lây lất ấy, đủ thứ chuyện không đầu không đuôi mà bà mẹ thường kể không hiểu từ đâu cứ ào ào kéo về. Mẹ ơi chờ con, mẹ ơi chờ con, con cần mẹ nói, con sẽ nghe mẹ. Đó là điều mình không ngừng lập lại khi cầu nguyện, xin Chúa cho bà mẹ qua khỏi, cho hai mẹ con còn cơ hội thấy nhau. Mãi tới trưa hôm sau, mới tới Hawaii.

Emy Tan kể tiếp là khi về được tới hotel, nơi 4 bà mẹ ở, thì cô như trên trời rơi xuống.

Vừa tới cửa phòng, đã nghe vang ra tiếng ồn ào cười nói.

Đẩy cánh cửa, cảnh trước mắt hiện ra còn hơn một phép lạ.

Cái hội bốn bà vẫn nguyên vẹn. Bà mẹ nguyên vẹn, tiếp tục xoa mạt chược. Bà bạn thấy cô cháu quăng túi hành lý xuống sàn nhà cái rầm thì bật cười ha hả, nói các bà thấy chưa, tôi đã cá là nó phải tới.

Đúng là nhờ một cú phôn cá cược của bà bạn của mẹ mà nhà văn nhận ra giá trị những câu chuyện của bà mẹ. Và "chuyện của câu chuyện" Joy Luck Club được kết bằng happy ending. Hai năm trước khi cuốn sách được xuất bản, Amy Tan đã hộ tống bà mẹ đi du lịch Thượng Hải, tìm lại được mấy người con năm xưa bà phải bỏ lại bên đường chạy loạn khi tưởng mình sắp chết. Chị em chúng tôi đã gặp nhau vui vẻ, Amy Tan nói bà mẹ hiện nay vẫn khoẻ mạnh, tiếp tục làm bà chủ cái hội mạt chược của bà.

Trong cái đêm đỏ mắt chờ bay tới với bà mẹ hấp hối, nhà văn đã cầu nguyện cho mẹ con còn cơ hội thấy nhau. Đó cũng là lúc cô tự hỏi mình sẽ phải đi đâu, phải làm gì để mẹ con có thể thấy được nhau và thấy được chính mình, khi mẹ không còn trên cuộc đời này nữa. Do vậy, khác với sự thật ngoài đời, nhân vật bà chủ hội trong truyện phim là "bà mẹ quá cố".
kiu-chinh_8
Đạo diễn Wayne Wang và Kiều Chinh tại Quế Lâm
Nhân vật và diễn viên

The Joy Luck Club là chuyện quanh 4 bà mẹ, 4 cô con, nhưng cần tới 16 diễn viên chính để dựng lại câu chuyện tròng tréo đan xen nhau. Để có được các vai chính, việc tuyển chọn tài tử đã được tổ chức ở nhiều nơi, từ New York, Sanfrancisco, Los Angeles tới Hồng Kông, Thượng Hải. Trên 5,000 người, gồm cả những diễn viên nổi tiếng, đã được phỏng vấn.

Riêng phần Kiều Chinh, sau khi được chọn, đã có buổi họp chung với nguyên dàn sản xuất gồm đạo diễn Wayne Wang, hai tác giả viết phim Amy Tan, Ronald Bass, và nhà sản xuất Patrick Markey của hãng phim Disney.

Chưa từng ngồi vào bàn mạt chược, cũng không hiểu tiếng Tàu. Sẽ phải diễn những đoạn đối thoại tiếng Tầu học câp tốc theo kiểu mì ăn liền. Đã tưởng đây là trở ngại sẽ được đề cập trong buổi họp. Nhưng không. Đạo diễn Wayne Wang vui vẻ nói tất cả chúng tôi đều biết rõ Kiều Chinh. Có người còn nhắc tới bài báo của Richard Berstein phỏng vấn sau khi Kiều Chinh đã diễn vai bà mẹ Cam Bốt gào thét trong phim Wellcome Home, cuốn phim cuối cùng của đạo diễn Franklin Shafner.* Đây là bài viết nhấn mạnh yếu tố bi kịch trong đời một diễn viên gốc Việt tị nạn, mất mẹ vì thế chiến, lạc bố vì chiến tranh. Bài viết và hình ảnh, với tựa đề "Art meets Life for a Vietnamese Artist," gọi Kiều Chinh là người mang cảm xúc đời thật lên màn ảnh, chiếm cả trang báo đã được New York Time đăng trong một số báo cuối năm 1989, cùng năm với sách The Joy Luck Club được xuất bản. Trong buổi họp, khi được hỏi ý về vai trò bốn bà mẹ -ba bà sống, một bà chết- nếu được quyền chọn tôi sẽ chọn vai nào, tôi nói mỗi bà một vẻ, nhưng nhân vật mà tôi yêu nhất, thấy hợp với tôi nhất, chính là vai bà mẹ quá cố Suyuan Woo. Nghe vậy, Emy Tan cười tươi nhìn mọi người và tất cả gật đầu.


Theo truyện phim, bà Suyuan quá cố sẽ có một flash back, diễn lại cảnh loạn ly thời thế chiến khi quân Nhật tràn tới quê hương của bà là vùng Quế Lâm, Quảng Châu. Tôi nói về hình ảnh lính Nhật và bom đạn thời thế chiến còn hằn sâu trong đầu tôi. Đó là khi quân Nhật đã chiếm đóng Núi Bò ngay trước Kim Mã gia trang của bố mẹ tôi, rồi mẹ và em tôi chết khi phi cơ đồng minh oanh tạc quân Nhật.

Như danh sách cho thấy, diễn viên đóng vai các bà mẹ đều là những tài tử gốc Á đã thành danh thế giới. Bà mẹ Lindo Jong được diễn bởi Tsai Chin, thành viên Hàn Lâm Viện Hoàng Gia về Kịch Nghệ Anh quốc, tài tử trong loạt phim Jame Bond. Đóng vai bà mẹ Ying-Ying St. Clair là France Nguyen, từ 1958 đã là vai chính sân khấu kịch The World of Suzie Wong, rồi phim In Love and War, đồng diễn với Robert Wagner; phim The Satan Never Sleeps, 1962, đồng diễn với William Holden. Bà mẹ thứ tư, An-Mei Hsu được diễn bởi Lisa Lu, xuất thân nghệ sĩ Opera Bắc Kinh, từ thời 1970' đã ba lần nhận giải Goden Horse Award, thường được gọi đùa là Từ Hy Thái Hậu vì Hollywood có ba phim về bà thái hậu này thì cả ba vai diễn đều được giao cho Lisa Lu.

The Joy Luck Club không chỉ là chuyện hai thế hệ. Vai diễn của Lisa Lu, bà An Mei là bi kịch ba đời, ngoài mẹ và con, còn thêm chuyện bà ngoại. Đặc biệt, người đóng vai bà ngoại lại là nữ tài tử trẻ đẹp nổi tiếng Vivian Wu, gốc diễn viên Thượng Hải, từng được People Magazine bầu vào danh sách 50 người nữ xinh đẹp nhất thế giới năm 1990. Vivian Wu là người đã đóng vai bà Tống Mỹ Linh, phu nhân Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, trong The Soong Sisters bộ phim lớn của Trung Hoa. Như Vivian Wu, các diễn viên trẻ của Joy Luck Club đều là những nữ tài tử gốc Á hàng đầu.

Với đoàn diễn viên hùng hậu làm việc liên miên suốt 4 tuần lễ, hầu hết cuốn phim được dàn dựng và quay tại San Francisco. Chia tay với San Francisco an bình, cuốn phim chỉ còn lại hai cảnh diễn của mẹ con bà Suyuan, nhưng đây là phần gai góc nhất, vì phải thực hiện trong nội địa Hoa Lục, phía sau bức màn tre kỳ bí. Theo lịch quay phim, dàn sản xuất chuyên viên đi trước. Kiều Chinh được hẹn gặp tại Quế Lâm để một mình diễn cảnh bà Suyuan chạy loạn. Sau đó cả đoàn sẽ bay tới Thượng Hải, quay cảnh cuối phim: Ming Na diễn vai cô June đến từ nước Mỹ, và ba chị em chưa một lần gặp gỡ nhận ra nhau, nhờ cái bóng của bà mẹ quá cố.
kiu-chinh_9
Với Ming Na Wen, dự "Festival International du Film de Bruxelles".
Chuyến bay gặp bão

Chuyến bay đưa tôi từ Hồng Kông đi Quế Lâm nửa đường gặp bão phải đáp xuống một phi trường nào đó ở Quảng Châu chờ tin tức. Phi trường tỉnh nhỏ, vắng tanh, mấy người an ninh mặc quân phục, mặt mày khó đăm đăm, lạnh lùng qua lại quan sát. Sau nhiều giờ ngồi chờ, hành khách được gọi xếp hàng để lãnh mỗi người một gói mì ăn liền, rồi lại xếp hàng chờ lãnh một ca nước. Nước chưa sôi, chỉ hơi ấm ấm, cũng phải ngâm mì thôi, cố ăn cho có sức vì không biết còn phải ngồi đây bao lâu. Tối khuya mới biết sẽ phải qua đêm gió bão tại nơi xa lạ này.

Hành khách lại được lệnh xếp hàng, chờ an ninh phi trường gọi tên rồi lên xe đưa về nhà trọ ở một nơi đồng không mông quạnh. Đây là một dẫy nhà gồm nhiều căn phòng nhỏ, bóng đèn mờ đục.

Đêm đầu tiên một mình trong vùng đất xa lạ của nước Trung Hoa đỏ, mưa bão ào ạt bên ngoài, tiếng gió hú như gào thét đập vào cửa sổ. Trời lạnh buốt. Mưa như trút nước đổ trên mái nhà nhắc bao điều phải nhớ. Tôi nhớ bố. Nhớ mẹ. Nhớ thời thơ ấu. Mẹ tôi mất khi phi cơ đồng minh oanh tạc quân Nhật Hà Nội năm 1943. Năm ấy tôi chỉ mới sáu tuổi. và bố tôi 34 tuổi. Trong ba anh chị em, tôi là đứa nhỏ nhất, được bố thương nhất.

Suốt thời chiến tranh Việt Pháp, bố tôi ở vậy nuôi con cho đến khi có hiệp định Geneve năm 1954, đất nước chia đôi, gia đình tôi chia ba. Chị tôi theo chồng sang Pháp. Còn lại ba bố con, đêm trước ngày di cư vào Nam, anh trai tôi bỏ nhà theo bạn, nhập đoàn sinh viên ra chiến khu. Hôm sau, tại phi trường Bạch Mai bố đẩy tôi lên phi cơ, nói con vào Nam trước, bố ở lại tìm anh Lân rồi sẽ đoàn tụ với con sau, con đi...

Đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy bố, nghe thấy tiếng bố nói. Tại Sài gòn, tôi thành người tị nạn chơ vơ một mình ở tuổi 16. Rồi Nam Bắc chiến tranh. Từ tháng Tư 1975, một đời hai lần tị nạn, tôi thành một diễn viên lưu vong tại Mỹ. Bố tôi mất năm 1977. Anh tôi còn sống. Nhưng cho tới nay (1992) tôi chưa thể trở về, 38 năm xa cách anh em chưa được gặp nhau.

Bố ơi. Bố ơi.

Suốt đêm mưa gió, tôi thấy mình gọi bố, tôi thấy bố gọi mình.

Có lúc thấy như mình còn sống trong căn nhà ấm cúng có bố, có mẹ tại Kim Mã Gia Trang. Có lúc thấy lại chính mình ở những đêm mưa bão, cô đơn, sợ hãi. Khi xa, khi gần. Cứ như thế chập chờn. Cho tới khi bật dậy vì tiếng đập cửa gọi ra xếp hàng lên xe đi phi trường. Trời đã sáng, cơn giông đã yên.
kiu-chinh_10
Bà Suyuan và đôi bé gái song sinh
Công việc đóng phim

Chuyến bay tiếp tục. Hành khách ghế bên tôi là một chàng thanh niên còn trẻ, mặc chiếc blouson đỏ có in hàng chữ Film Crew. Thấy tôi không hiểu tiếng Tàu, anh ta dễ dàng chuyển ngay sang tiếng Anh, kể chuyện đi Quế Lâm làm phim rồi hỏi bà muốn đóng phim không, tôi mướn. Anh ta nói có lương và còn được cung cấp 3 bữa ăn, sáng, trưa, chiều. Hãng phim cần mướn tới 2000 người extra phụ diễn, đừng ngại. Công việc bắt đầu ngay sáng mai.

Trước khi phi cơ đáp, chàng Film Crew tử tế còn trao cho tôi mẩu giấy, chỉ dẫn nơi tập trung, nói sáng mai cứ đến là sẽ thấy anh ta ở đó. Tôi cảm ơn anh, chúc mọi việc tốt đẹp và nói mong gặp lại.

Mang được bà tài tử từ phi trường về khách sạn an toàn, mọi người đều mừng. Sau một bữa ăn trưa đầy đủ, "lunch meeting" cùng với toàn phái đoàn quay phim từ Mỹ qua. Chỉ có mình tôi là tài tử trong những ngày quay phim tại Quế Lâm. Từ Amy Tan, Patrick Markey, Wayne Wang, tới dàn chuyên viên, tất cả đều làm việc tận lực sửa soạn cho ngày mai trước khi ra quân. Wayne Wang điều khiển từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ, trước khi buổi họp chấm dứt ông không quên dặn dò ban lo quần áo phải mang thêm chăn mềm, heat pad quấn quanh người cho tôi, vì suốt ngày quay ngoài trời, đồi núi gió sẽ rất lạnh.

Sáng hôm sau, tới "location", có khói, có lửa, hàng đoàn xe nhà binh vận tải chở quân Nhật võ trang súng ống chờ sẵn. Hàng ngàn phụ diễn trong y phục thời 1940' ngồi la liệt bên đường. Anh bạn mặc áo đỏ Film Crew đang bận rộn đôn đốc đoàn dân phụ diễn, vừa nhận ra tôi đứng từ bên kia đường anh dơ cao tay ngoắc tôi qua. Thấy tôi đứng im, anh nhanh chóng chạy tới, nhưng phụ tá đạo diễn và các chuyên viên giúp tôi đã tới trước anh. Trao cho tôi chiếc xe gỗ đẩy hai đứa con song sinh.

Đạo diễn Wayne Wang bước tới ôm tôi, chúng tôi chúc nhau ngày ra quân tốt đẹp.

Chắc anh Film Crew áo đỏ hiểu ra, hy vọng anh không buồn vì tôi không có dịp chào anh. Vì là cảnh lớn, đông người nên Wayne Wang đã phải dùng tới 4 toán quay phim, 4 camera thu hình đủ góc cạnh khác nhau.

Khói lửa bốc lên, tiếng máy của đoàn xe vận tải chở lính Nhật nổ vang lẫn tiếng hô lớn của đạo diễn: "Action". Tôi đẩy chiếc xe gỗ nặng nề chở hai đứa con song sinh chạy lẫn vào đám đông. Những chiếc xe chở lính Nhật rầm rộ trấn tới. Hai bên đường, đồ đạc vứt ngổn ngang, nhà cháy.

Đoàn người di tản đi từ làng này sang làng khác, từ sườn núi này qua sườn núi kia, đi mãi, đi mãi, mặt trời đã xuống, chiếc xe gỗ bị gẫy đổ, bà Suyuan ngã xuống ôm hai đứa con vào lòng, cố đứng dậy tiếp tục đi tới, vượt qua đồi núi.

Cảnh loạn ly thời thế chiến được dựng lại lớn hơn tôi tưởng. Có lửa, có khói, có đoàn xe quân Nhật súng ống. Có cả ngàn người phụ diễn. Có thêm cảnh trí mà không sức nào có thể dựng lên được, đó là hình thù khác thường của những chỏm núi đá vôi vươn lên chơ vơ trên nền trời. Trong cái buốt giá chưa từng thấy, khi nhìn toàn cảnh chiến trường, tôi cảm nhận được vì sao cảnh này phải là ở đây chứ không thể đâu khác.

Cảnh lớn chạy loạn chiến hoàn tất, tôi chúc mừng đạo diễn đã hoàn tất được cảnh lớn lao khó khăn nhất theo đúng dự tính. Wayne cảm ơn nhưng nói chưa phải đâu. Cái khó làm nhất không phải là với đám đông mà với sự vắng lặng. Đó chính là cảnh khi bà Suyuan phải bỏ hai đứa con. Chúng ta sẽ phải đi xa hơn, sớm hơn cho kịp bắt khi mặt trời mọc, quay sẽ khó hơn và diễn khó hơn.

Vậy là theo đúng chương trình, hôm sau phải dậy sớm, đi sớm, mang theo cả nồi lửa chống lạnh, những tấm bạt nylon chống gió. Xe đi thật xa, tới nơi lúc 5 giờ sáng, mặt trời chưa mọc. Thấy toán chuyên viên đi trước đó mấy giờ đang ngồi trụ một chỗ, nói không thể làm gì hết. Lý do tại cái gốc cây cổ thụ, nơi chọn để quay phim đã bị dân làng gậy gộc kéo nhau đến vây quanh, chiếm giữ, không cho đoàn quay phim làm việc. Nhiều tiếng la ó từ phía xa vang lại. Producer Patrick từ phía ấy đi ra, nói tôi đã đưa giấy phép quay phim do huyện, do tỉnh cấp có chữ ký đóng dấu đàng hoàng, nhưng họ nói ở đâu cấp giấy thì về đó mà quay. Gốc cây này của làng, phải làng này cho phép mới quay được. Họ muốn đòi tiền, mấy ngàn đô la. Kể cả những chiếc xe của đoàn phim đậu trước nhà ai, nhà ấy cũng đòi thêm tiền.

Hai bên thương thảo mãi không xong. Mặt trời đã lên cao. Đã quá giờ để có thể thu hình tia sáng buổi sớm chiếu xuống cái cây mà đạo diễn cần có. Wayne nói không có tia sáng ấy, không quay.

Thời tiết thay đổi thình lình, mặt trời có đó bỗng nhiên biến đi, mây đen kéo tới, mưa đổ xuống ào ào. Patrick trùm lên tôi một tấm nylon rồi dìu tôi ra khỏi con đường đất nhỏ trơn trượt vì nước mưa, để tới chỗ đậu xe. Cả đoàn kéo nhau ra về, trong cơn mưa gió lạnh thấu buốt da thịt.

Sau khi mất thêm một ngày để ngã giá, sáng sớm hôm sau đoàn làm phim trở lại.
kiu-chinh_11
Nhật báo The O.C. Register số ra ngày 1 tháng Mười 1993, dành trọn trang báo cho ảnh chân dung Kiều Chinh do Bruce Strong chụp.
Chỉ hai tiếng kêu

Patrick lại dìu tôi qua con đường nhỏ để tới điểm quay. Hai bên đường, nhà nhà, người người lấp ló qua cửa sổ nhòm ngó.

Tới gốc cây, mọi thứ đã sẵn sàng, camera đã ở vị thế. Có thể diễn ngay. Nhưng chưa. Phải chờ tới lúc tia sáng sẽ chiếu xuống đúng chỗ. Tôi nhìn gốc cây. Ôn lại vai bà mẹ Suyuan.

Chiến tranh tràn tới, bom đạn khắp nơi
Đôi trẻ sơ sinh được đặt trong xe đẩy
Bà mẹ một mình đẩy xe đưa con thơ chạy loạn
Cái xe đẩy đã gẫy đổ bên đường
Mẹ ôm hai con thơ chạy đến gốc cây này
Sức cùng lực kiệt, mẹ biết là mình sắp quỵ ngã
Một ông lịch sự xách cặp xuất hiện bên gốc cây
Mẹ nâng hai con thơ trên tay,
hướng về ông ta, kêu cứu
Ông ta bỏ đi
Mẹ hướng về gốc cây. Cây không bỏ đi
Trước khi gục ngã, mẹ gửi con của mẹ cho nó.

Đó là đoạn flastback của bà mẹ Suyuan. Chỉ vậy thôi mà để dựng lại được thành mấy phút phim thì biết bao công phu, cực nhọc. Về phần diễn viên, chẳng thấy đối thoại gì khó khăn. Chỉ hai tiếng kêu. Kêu cứu cho con và kêu vĩnh biệt con. Cả hai tiếng kêu của bà mẹ Suyuan tôi thuộc lòng từ lâu, cũng vừa mới nhẩm lại.

Lại một cơn gió buốt giá vừa thổi tới. Vẫn chưa tới giờ. Mà làm sao định được giờ tia sáng sẽ chiếu xuống đúng chỗ? Đâu có cách gì khác, ngoài việc chính đạo diễn phải đến đây từ trước để chờ đợi, quan sát, tính toán. Cái tia sáng phù du giây lát ấy sao quan trọng tới vậy? Tôi nhớ lời Wayne nói hôm trước, cái khó làm nhất không phải là với đám đông mà với sự vắng lặng.

Tôi hỏi đạo diễn muốn chỉ cho tôi diễn cảnh này như thế nào. Ông nói Kiều Chinh biết rồi, hay diễn theo cách riêng của bà. Rồi nghiêm trang nói thêm, tiếng kêu sau cùng không cần phải kêu bằng tiếng Quảng Đông. Hãy kêu bằng thứ tiếng bà muốn.

Wayne dặn dò: "Máy quay sẽ sẵn sàng khi ánh sáng chiếu xuống là bắt dầu diễn, tôi sẽ không hô "Action."

Mọi người chung quanh im lặng. Wayne im lặng, tôi im lặng. Gần như nghe thấy tiếng tim đập, hơi thở ra khói vì buốt lạnh.

Từ phía sau những ngọn núi đá vôi xa xa, bỗng thấy một vầng sáng hiện ra.

Trên tàn lá cây cổ thụ, một tia sáng tóe lên.

Nhập vai bà Suyuan tôi ôm ghì hai con vào lòng. Một người đàn ông xách cặp đi tới, tôi đưa hai đứa con thơ về phía ông, tôi kêu cứu bằng tiếng Quảng Đông. Ông ta bỏ đi. Tôi nhìn lên phía tia sáng trên lùm cây xin phù hộ cho con, khi đặt con xuống góc cây, tôi nghe tiếng bố tôi kêu tôi, tiếng mẹ tôi kêu tôi, rồi nước mắt dàn dụa, và tiếng kêu xé ruột từ trong lòng bật ra, "Con ơi."

Tôi tiếp tục run rẩy. Hai tay bấu chặt xuống gốc cây. Mắt mở trừng trừng cố nhìn qua màn lệ nhoà nhạt. Cứ như thế. Bất động.

Không nghe tiếng hô "Cut" thường lệ. Cho đến lúc một vòng tay ôm vai tôi lặng lẽ. Biết chính là đạo diễn, cố giữ giọng nhẹ nhàng, tôi hỏi cần quay thêm "Take" nữa?

Wayne nói không, không. Không thể làm hơn được. Hình như không phải Wayne nói với tôi, mà nói với chính ông.

Cuối ngày

Không biết là mấy giờ. Đang mê man, tôi bật dậy vì tiếng gõ cửa. Cửa mở, chỉ là nụ cười thân tình của Amy Tan. Một cái ôm vui vẻ, hỏi sao không thấy xuống Bar. Cả"Team" uống rượu mừng. Chờ mãi. Mệt quá, tôi nói. Amy nắm tay tôi, Thôi xuống Restaurant. Mọi người đang chờ. Đi, bữa ăn chia tay với Quế Lâm. Mệt quá, tôi nói và lắc đầu.

Amy khựng lại, nhìn, rồi đặt tay lên trán tôi. Sao nóng thế này? Sốt nặng rồi. Ừ, sốt từ đêm qua. Lúc nóng, lúc lạnh. Cả đêm không ngủ được. Sao không báo cho biết để kêu bác sĩ lo? Vậy mà sáng nay còn đi quay phim sớm.

Nói gì bây giơ. Sau bao chuyện xẩy ra cấp bách đến vậy, làm sao có thể nhìn thẳng vào mắt Wayne , Patrick để nói tôi bị ốm không thể làm việc được, cho tôi nghỉ một ngày. Cả ngàn người đã được huy động. Đoàn làm phim hàng trăm người đang lo ngược lo xuôi. Bà Suyuan nghỉ một ngày có nghĩa là tất cả dừng lại. Còn lịch bay, lịch quay tiếp theo. Làm sao thu xếp? Phải khoẻ thôi, đâu có cách nào khác.

Amy Tn nói sẽ cho gọi bác sĩ. Tôi cố cười, nói không. Đừng gọi. Không sao đâu. Tôi đã uống Tylenol. Tôi cần ngủ để lấy lại sức. Nói dùm cho mọi người yên tâm ăn ngon. Ngày mai lên đường đi Thượng Hải.

Kiều Chinh

Nhấn Vào Đây Để Tải Tập Tin PDF

Ý kiến bạn đọc
17/09/201408:52:36
Khách
2 ngày nay vô tình đọc được thông tin về cô Kiều Chinh và bộ phim. Thật xúc động.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tác giả tên thật David Huỳnh, cư dân Los Angeles, là một "chức sắc" của Hội Đi Câu tại Hoa Kỳ, từng nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012 với loạt bài kể chuyện đi câu đủ nơi, đủ loại, từ cá sấu gar Houston tới cá tầm California, câu tới Alaska, sang Mễ, qua tận Thái Lan, và nay thì câu về đến quê cũ.
Trương Ngọc Anh (hình bên) đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002. Bài và hình ảnh được thực hiện theo lời kêu gọi của chương trình Foodbank tại Quận Cam: "Nếu biết ai đó cần sự giúp đỡ, xin vui lòng hướng dẫn vào chương trình trợ giúp của chúng tôi."
Nếu viết về con rồng, thật dễ có văn chương bay bướm, kiến thức bao trùm thiên hạ, ai đọc cũng phục lăn. Vì sao? Vì con rồng chẳng hề có trên thế gian, chẳng ai thấy, nên cứ viết tào lao thiên địa, không ai bắt bẻ được. Giống như chuyện ma. Có hàng triệu chuyện ma mà chẳng ai thấy ma bao giờ.
Alice Springs? Gớm! Cái phố nhỏ như mắt muỗi, có đốt đuốc cháy mười ngày cũng chẳng nom thấy đâu trên bản đồ nước Úc.
"Hơn bốn mươi năm sau khi xuất hiện, Dương Nghiễm Mậu vẫn còn là nhà văn avant-garde đối với văn học Việt Nam bởi những suy tưởng và cách đặt vấn đề của ông vẫn còn nguyên những mấu chốt bí mật, nhiều truyện ngắn với lối cấu trúc rất lạ, chưa ra khỏi vòng trăn trở tìm tòi của người viết hôm nay." (Thụy Khuê viết về Dương Nghiễm Mậu, Con Người Nội Soi)
Nếu bạn có một người yêu, yêu rất yêu, bạn có muốn nói về người ấy không, có muốn giới thiệu người ấy cho cả “thế giới” biết không. Tôi chắc chắn bạn sẽ “lật đật” nói rằng có. Không cần hỏi, tôi đã thấy cả triệu người trên mặt đất này đã và đang làm việc đó.
Tác giả tên thật Vũ Văn Cẩm; Vượt biển năm 1981. Đến Mỹ 1982, hiện là cư dân Oklahoma từ 2003. Nghề Nghiệp: Electrical Engineer. tại Công Ty American Airlines, M&E Center, Tulsa, OK. Bài viết -trích từ Việt Báo Tết QWuý Tỵ - là một chuyện tình đẹp.
Tác giả là một luật gia và nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm 1934, tại Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Luật khoa Saigon 1958. Du học tu nghiệp tại Mỹ 1961-62. Nghề nghiệp tại Saigon: Chuyên gia luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62),
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Mới đây, Khánh Vân đã hoàn tất việc đón ba má, và vợ chồng người em trai sang đoàn tụ. Bài tết năm nay của cô là chuyện vui.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.