Hôm nay,  

Đọc Sách Đầu Xuân: Từ Mặc Chiếu Tới Như Huyễn - Nguyên Giác Phan Tấn Hải

2/16/202400:00:00(View: 3307)

từ-mặc-chiếu-tới-như-huyễn

Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải.

Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.

Niềm hứng khởi bừng lên ngay khi nhìn bìa sách trang nhã, đọc trên bìa sách 6 chữ “Từ Mặc Chiếu Tới Như Huyễn”. Phía bìa sau có giòng chú thích của tác giả:

“Mặc Chiếu là gì? Mặc là lặng lẽ, là tịch tĩnh. Chiếu là tỉnh thức, là quán sát.
Mặc và Chiếu là hai phương diện của tâm. Y hệt như mặt hồ nước, hễ có tịch lặng thì sẽ hiện ra ảnh của ánh trăng và bầu trời. Cũng y như gương sáng hiện ra hình ảnh trong gương, là nhờ sạch bụi nên cảnh mới hiện ra.
 Như Huyễn là gì? Là thực tướng của các pháp, là không phải thực và cũng không phải giả. Hễ ai thấy tánh như huyễn, tức là thấy thực tướng, sẽ lìa được cả Có Hiện Hữu và cả Không Hiện Hữu. Do vậy, thấy như huyễn thường trực ngày đêm, sẽ lìa được tham sân si, sẽ giải thoát”.

Đối với tôi, như vậy là đủ rồi, không đọc thêm cũng được! Bởi vì có dịp đọc nhiều cuốn sách của anh Hải, uống cà phê nói chuyện với anh, hình như mọi chủ đề Phật Pháp rồi cũng sẽ hướng về một vấn đề cốt lõi mà anh vẫn thường nhắc đi nhắc lại: “Cái Thấy chỉ là Cái Thấy, Cái Nghe chỉ là Cái Nghe…” Anh Hải làm tôi nhớ đến Thầy Phước Tịnh, người giảng pháp cả gần hai mươi năm nay chỉ xoay quanh một chủ đề: thắp sáng Sự Nhận Biết sáng rỡ hiện tiền, không bị những tiếng thầm thì trong tâm trí lôi kéo. “Chỉ có ngần đó việc thôi!” Thầy thường nói vậy.  Và cũng giống như khi Thầy Phước Tịnh nói về Sư Ông Làng Mai: chỉ với một đề tài “quán niệm hơi thở” trong Thiền Tứ Niệm Xứ cũng đủ đem Phật Pháp đi cùng trời cuối đất, rộng khắp xã hội Âu Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Phật Pháp nếu qua thực hành sẽ dễ cảm nhận hơn nhiều khi diễn đạt bằng chữ nghĩa. Hình như đọc sách của anh Hải trong tinh thần “nhìn xuyên qua chữ để thấy nghĩa” như vậy, đọc ít mà không sợ hiểu sai.

Tập sách “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” bao gồm những bài viết, bài thơ anh Hải từng phổ biến trong vài năm gần đây. Đọc lại, tôi cũng tự chọn một vài bài mình thích nhất. Thí dụ như bài viết: “Bồ Đề Đạt Ma, Từ Huyền Thoại Đến Tâm Kinh”. Tôi đã từng thử tò mò tưởng tượng rằng nếu anh Hải là một nhà tu, anh Hải sẽ giống ai? Thật là thú vị, tôi nghĩ ngay đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma với hình tướng dữ dằn, với thứ ngôn ngữ trực diện. Anh Hải cho rằng “…Thiền Tông đầy những sương khói và huyền thoại…” Chung quanh Ngài Bồ Đề Đạt Ma cũng thêu dệt bao nhiêu huyền thoại. Nhưng với đoạn đối thoại kinh điển giữa vua Lương Vũ Đế và Bồ Đề Đạt Ma, thì những hư ảo đó hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một thứ ngôn ngữ trực chỉ Chân Tâm:

Vũ Đế hỏi: "Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì chăng?"
Đạt Ma đáp: "Không có công đức."
- Tại sao không công đức?
- Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong cõi người cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.

- Thế nào là công đức chân thật?
-Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu. 
-Thế nào là Thánh Đế nghĩa thứ nhất?
- Rỗng rang không thánh.
- "Đối diện với trẫm là ai?
- Không biết.
 
Những ai đã từng nói chuyện với anh Hải, có thể nhận thấy anh cũng có lối đối thoại thẳng thắn tương tự.

“Thiền Mặc Chiếu - Thiền Sư Thánh Nghiêm” là bài trích dịch từ bản Anh Ngữ của Giáo Sư Dan Stevenson, cũng cho thấy một phần công việc mà anh Hải đang dành nhiều thời gian: dịch kinh sách Phật từ phiên bản tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Trong những người cư sĩ mà tôi quen biết, anh Hải là người có vốn từ Phật Giáo tiếng Anh nhiều nhất. Tại sao anh Hải lại quan tâm đến kinh Phật từ phiên bản tiếng Anh? Có thể là vì anh nhận thấy tiếng Anh diễn đạt Phật Pháp một cách thực tế, dễ hiểu và dễ thực hành. Thầy Phước Tịnh từng nhận xét rằng người Mỹ không tu thì thôi; nhưng khi đã cảm nhận được lợi ích của Phật Pháp đối với đời sống, họ thực hành hết mình, chuyên cần, một sự tinh tấn mà không phải Phật tử Việt Nam nào cũng có. Điều này giải thích vì sao các phương pháp Phật Giáo áp dụng trong đời sống hằng ngày hiện nay đang phố biến rộng rãi trong xã hội Âu Mỹ.

Thiền Sư Thánh Nghiêm là người Thượng Hải, sau chiến tranh tu hành ở Đài Loan, bắt đầu hoằng pháp ở Mỹ từ năm 1977. Tính đến năm 2002, Thầy có khoảng 3,000 thiền sinh ở Mỹ. Một đoạn văn nói về cốt tủy của thiền Mặc Chiếu:

“… Mặc Chiếu là một phương pháp đơn giản, quá đơn giản, thực vậy, rằng sự đơn giản này trở thành sự khó khăn của nó. Trong cùng tận, nó là phương pháp của không phương pháp, trong đó học nhân buông bỏ hết mọi tìm kiếm, mọi ràng buộc gắn bó, mọi mong đợi, và chỉ việc sống Thiền một cách trực tiếp… Hãy đơn giản để cho tâm tỉnh thức một cách tự nhiên của bạn đón nhận mọi thứ, y hết như chúng là chúng. Đó là sự tĩnh lặng và chiếu sáng tự nhiên của thiền…”

Với những ai chỉ từng biết về thiền qua sách vở, sẽ thấy đoạn văn trên “hư ảo” giống như trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, đoạn Trương Tam Phong dạy Trương Vô Kỵ múa Thái Cực Quyền! Nhưng với những người đã từng thực hành thiền, thì nó không khác gì với câu anh Hải thường nói: “Cái Thấy chỉ là Cái Thấy, Cái Nghe chỉ là Cái Nghe…”

Hay là trong bài viết “Tưởng Niệm Thầy Nhất Hạnh, Đạo Bụt Nguyên Chất”, anh Hải tri ân Thầy vì đã phiên dịch và giải nghĩa bài kệ 20 trong Kinh Chuyển Hóa Bạo Động & Sợ Hãi. Theo anh, bài kệ mang trọn đủ pháp hành Bát Chánh Đạo, với đầy đủ nghĩa của Tâm Kinh Bát Nhã:

“…Nhìn xuống không thấy hãnh diện, nhìn lên không thấy sợ hãi, vị mâu ni an trú nơi tự tính bình đẳng, không còn bị vướng vào một kiến chấp nào. Bấy giờ tất cả mọi tranh chấp đều đã được ngưng lại, oán thù và tật đố không còn có mặt, vị ấy tuy đứng trên tuệ giác mà chẳng thấy mảy may tự hào…”

Đọc bấy nhiêu đó thôi, tôi cũng cảm thấy mãn nguyện cho một ngày đọc sách đầu năm của mình. Đọc sách với tinh thần tri kỷ, đâu cần phải đọc nhiều…
Tôi viết bài này không với mục đích “phê bình” cuốn sách Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn. Tôi chỉ muốn được nói lời cảm ơn đời cho đủ cơ duyên để được gặp và học hỏi ở những người thiện trí thức, trong đó có anh Nguyên Giác Phan Tấn Hải. Tấm lòng tri ân đó cũng nhắc nhở rằng một kiếp người không dễ có duyên lành với Phật Pháp. Đừng bỏ phí quãng đời còn lại, làm thêm những việc đáng làm khi có thể…

Xin chép tặng tác giả bài thơ thiền, cho dù không được nhắc tới, nhưng vẫn bàng bạc trong cuốn sách Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn:

Thuở bé chưa từng rõ sắc không, 
Xuân về hoa nở rộn trong lòng. 
Chúa Xuân nay bị ta khám phá, 
Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng. 

(Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông)
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
khuôn trăng gần đầy, rất sáng / vỏn vẹn một mảnh tình che đậy / cơn ái ân vụt tắt / hừng hực thanh âm / rồi những giấc mơ thì thầm...
Mùa hè năm 1914 vua Duy Tân lại ra nghỉ mát ở Cửa Tùng. Lần này triều đình chỉ định quan thượng thư Bộ Học kiêm Cơ Mật Viện đại thần Hồ Đắc Trung theo hầu ngự. Năm này vua cũng vừa bước lên tuổi mười bốn...
Bà Deborah làm chung với Steven mười mấy năm nay. Bả kể tổ tiên bả đã ở thành Ất Lăng này đã hai trăm năm nay rồi. Hồi bà còn bé, bà nhớ nội và ngoại của bà đi hái bông gòn ở mấy điền trang quanh vùng Tara, thời ấy đã xóa bỏ chế độ nô lệ nhưng vẫn bị kỳ thị và khủng bố dữ lắm...
Tháng Mười Hai, tháng cuối năm, gợi nhớ đến những cơn gió chiều se lạnh và mùa Noel lại về. Người ta hay bảo “Xuân về nhớ Mẹ”, còn Noel về thì nhớ ai, dạ thưa: nhớ bạn (khi chưa có… người yêu)...
Xin trân trọng gửi lời chúc tốt đẹp nhất cho dịp mừng sinh nhật 100 tuổi của nhà văn Doãn Quốc Sỹ và chúc ông luôn luôn khỏe mạnh an bình vững chãi từng bước trên con đường ông đi mỗi ngày trước mặt...
Người ta đã gọi Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm bằng nhiều danh hiệu, và lời nào cũng đúng, cũng trang trọng: nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật… Nhưng có một cách gọi khác. Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trần từ Paris viết rằng Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm là Người Giữ Hồn Nước. Và thực tế, xuyên suốt tất cả những tác phẩm của GS Nguyễn Văn Sâm là một tấm lòng thiết tha muốn tìm về cội nguồn, để lắng nghe những chữ nghĩa sâu thẳm nhất của tiền nhân...
Nghe chương trình 70 Năm Tình Ca của nhà báo Hoài Nam là một trong những tiết mục giải trí giúp tôi “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Đi làm về, vội vàng cho xong những việc thường nhật ở nhà, tôi mở máy nghe nhà báo Hoài Nam kể chuyện. Nhà báo Hoài Nam dẫn dắt thính giả đi qua mấy chục năm tình ca Việt Nam...
Tôi và Hùng học chung lớp với nhau suốt thời cấp ba, nhà hai đứa cùng xóm cách nhau nửa cây số. Nhà Hùng mặt tiền phố chợ, má Hùng bán một xe chè đậu xanh đậu đỏ bánh lọt rất đông khách...
Hôm nay ở nhà một mình, tôi mở máy CD, nghe bài ca Malaguena Salerosa, bản nhạc gốc Mexico được hát bởi giọng ca khàn khàn nhưng mạnh mẽ của nữ ca sĩ Bạch Yến với phần đệm nhạc guitar flamenco. Âm điệu vừa trầm buồn vừa giục giã như cuốn hút người nghe vào cơn đam mê đầy lãng mạn của một chàng thanh niên nghèo yêu một cô gái trẻ đẹp. Cuộc tình một chiều đầy vô vọng nhưng không đắng cay, không oán hận vì chàng biết thân phận của mình và điều mà chàng muốn là hát lên những lời ca tụng vẻ đẹp huyền diệu của nàng...
Nhân chuyến về thăm ba má bệnh, tôi ghé thăm ngôi chùa xưa ở chốn làng quê ngày trước. Dân quanh vùng xưa nay quen gọi tên thông dụng là Bàu Lương, chẳng có mấy ai gọi tên chữ Khánh Lâm. Chùa được tổ Toàn Tín khai sơn vào năm Tân Sửu đời Cảnh Hưng 1781, năm 1941 được vua Bảo Đại sắc tứ và đến 1952 thì Pháp dội bom phá hủy hoàn toàn. Năm 1955 hòa thượng Tấm Ấn từ tổ đình Hưng Khánh đứng ra tái thiết lại...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.