Hôm nay,  

If You Are Not Happy...

3/28/202319:27:00(View: 2761)
Tạp văn

maple-tree

Hễ mỗi lần nghe nói ai mới qua định cư xứ tự do, mà họ bày tỏ lòng biết ơn, cảm kích với quê hương thứ hai, tôi cũng thấy mát lòng mát dạ sao á!

 

Như trường hợp vợ chồng chị bạn thân, là người chung nhóm với tôi ở trại tỵ nạn Thailand. Anh chị gặp nhau và yêu nhau ở trại, được làm phép hôn phối tại Nhà Thờ trại Panatnikhom. Nhưng họ không được may mắn, cả hai cùng lần lượt rớt thanh lọc, khi chị mới sanh đứa con đầu lòng.

Sau một thời gian nghĩ suy bàn bạc, chị ôm đứa con trai chưa đầy năm và cái bụng… mới có bầu lần nữa về nước, anh ở lại trại tỵ nạn, khu biệt giam, quyết chí tuyệt thực, mổ bụng chống đối hồi hương, vào ra bệnh viện cấp cứu mấy lần, cuối cùng vẫn bị cưỡng bách về Việt Nam khi trại tỵ nạn khắp Đông Nam Á chính thức bị xoá sổ.

 

Về nhà, anh chị buồn quá, đẻ thêm đứa nữa, lao vào buôn bán làm ăn kiếm sống, khá chật vật cho một gia đình với năm miệng ăn. Bên cạnh đó, anh liên lục lên văn phòng Toà Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn kiện cáo, đấu tranh, nộp đơn khiếu nại. Lý do vì gia đình anh thuộc diện “dân hư”, vượt biên và hồi hương, bản thân anh có trong danh sách “hồ sơ đen” vì từng chống đối chương trình cưỡng bách hồi hương và đặc biệt, anh là thành viên sinh hoạt rất tích cực của tổ chức “Việt Nam Quốc Dân Đảng” trong trại tỵ nạn, nên cả gia đình anh đã bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam gây khó dễ khi trở về hoà nhập cuộc sống. Nhờ cố gắng, bền bỉ không nản lòng suốt mười mấy năm trời, “lên bờ xuống ruộng” với Văn Phòng Toà Đại Sứ Mỹ, kết quả là cả gia đình đã được phỏng vấn, được chấp thuận qua Mỹ định cư diện “chính trị đặc biệt” giữa năm 2012.

Nhận được tin, tôi vui sướng mấy ngày liền. Vừa qua đến California, anh phone ngay cho tôi:

 

- Tạ ơn Chúa! Gia đình anh chị đã được cứu vớt lên thiên đàng. À mà không, phải nói rõ hơn là được đưa từ địa ngục lên thiên đàng. Không còn từ ngữ nào diễn tả được niềm hạnh phúc này. Được hít thở không khí dân chủ, được tự do ngôn luận, được quyền làm người.

 

Chị cũng hào hứng không kém gì chồng:

 

- Ba đứa con của anh chị đã được đi học ngay lập tức, chẳng tốn một xu học phí nào, đứa nhỏ còn có xe bus đón đưa mỗi ngày. Có tưởng tượng chị cũng không dám nghĩ đến ngày này em ơi!

 

Anh vẫn còn say sưa niềm vui lớn lao:

 

- Anh hài lòng và mãn nguyện với những gì anh đã hy sinh, kiên nhẫn đợi chờ, bù đắp lại là tương lai tươi sáng của các con, đó là điều vô giá, không có bạc tiền nào so sánh được. Bao nhiêu người ở Việt Nam có tiền tỷ nhưng đâu dễ được qua đây cả nhà năm người làm công dân xứ Hoa Kỳ? Gia đình anh còn hơn trúng số độc đắc em ơi. Tạ ơn nước Mỹ, cám ơn cuộc đời!

 

Anh chị thay phiên nhau nói liên tục, có cho tôi mở miệng được câu nào đâu nà! Mà thôi, tôi có thể hiểu được nỗi niềm lâng lâng ngất ngây ấy, nhất là anh, cứ lập đi lập lại hai câu “trúng số độc đắc” và “anh chị là …triệu phú tiền đô và tỷ phú tiền Việt Cộng, chứ còn gì nữa, phải không em?”

 

Giờ đây, chị có công việc ổn định, đi làm Nails cho tiệm của một người bà con, làm cả ngày vẫn không biết mệt mỏi. Anh vì sức khoẻ yếu hơn sau mấy lần mổ bụng ở trại, nên chỉ đi làm parttime. Thằng con trai lớn, ngày xưa được sinh ra ở trại tỵ nạn, vừa ra trường về ngành Cảnh Sát, đứa con trai kế cũng sắp tốt nghiệp College và cô con út đang học Đại Học. Cuối tuần, anh chị dành thời gian lái xe ra vùng ngoại ô, ngắm cảnh, câu cá, nghỉ ngơi hoặc chăm lo vườn tược rau trái sân nhà.

 

Còn một trường hợp bên xứ lạnh tình nồng là hai người em hàng xóm cũ của tôi. May mắn thay, cách đây khoảng hơn chục năm, thời kỳ Canada mở cửa cho người vào định cư theo diện có tay nghề (không cần bằng cấp cao hay tiền bạc), mà họ được qua Winnipeg với sự bảo trợ của người cô ruột.

 

Lần gặp nhau ở thành phố Edmonton của tôi, nghe tụi nó rộn ràng tâm sự:

 

- Tụi em vẫn còn nghĩ mình nằm mơ chị à. Qua đây, con gái em đi học, nó thích lắm. Được thoải mái học hỏi những điều mới lạ, không phải lo sợ “sao đỏ học đường” theo dõi, không gò mình theo thành tích, chỉ tiêu. Hôm nọ chồng em bị đau ruột thừa, vào bệnh viện cấp cứu, được mổ và nằm viện mấy ngày, bác sỹ y tá chăm lo với trách nhiệm lương tâm và tình người. Trong bệnh viện có tủ lạnh có sữa, nước trái cây, yogurt, bánh mì, người nhà bệnh nhân nếu đói cứ việc lấy thoải mái, vậy mà khi xuất viện, tụi em chỉ việc xách giỏ ra về, không phải trả một đồng nào. Nói thiệt với chị, hai vợ chồng đi bộ ra bãi đậu xe mà không dám đi nhanh, vì nghĩ nếu họ quên thu tiền, nên có ý chờ họ kêu lại để trả viện phí.

 

Nhìn mặt chúng nó rạng rỡ như hoa mới nở, thấy thương ghê nơi. Tôi nói:

 

- Thì Canada nổi tiếng với chương trình Y Tế toàn dân mà. Còn công ăn việc làm thì sao, hai đứa có khó khăn gì không?

 

Hai vợ chồng phá lên cười, giành nhau nói:

 

- Xời ơi, chỉ sợ không đủ sức làm 2-3 jobs thôi chị! Ở xóm mình, em đã không ngại đi làm quán ăn, chồng em đi làm thợ hàn nóng nực cực khổ, thì qua đây chẳng có việc gì làm khó được tụi em hết á, chịu khó thì cái gì rồi cũng có.

 

- Vợ em ban ngày đi làm hãng thịt gà, chiều tối và weekends thì làm bánh trái thức ăn bán cho bà con đồng hương xung quanh kiếm thêm tiền, vì tụi em còn gia đình hai bên ở Việt Nam. Tụi em say mê đi làm trong niềm vui được lo cho người thân khi họ cần giúp đỡ, cảm giác đó hạnh phúc biết bao. Chúng em nhớ ơn Canada vô vàn, Canada thật tuyệt vời!

 

Cả hai trường hợp trên, họ đã mua nhà, ổn định cuộc sống, và việc trả nợ nhà cũng chỉ là vấn đề thời gian.

 

Ai cũng biết, quê hương mình, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, vẫn là đẹp nhất. Nhưng khi quê hương bị tàn phá bởi độc đảng, bất tài, tham nhũng, hèn ác thì người dân đành dứt áo ra đi, dẫu biết cuộc đánh đổi nào cũng có mất mát, hy sinh.

Vậy mà có một số người, sau khi mỏi mòn chờ đợi, trầy trật để qua được xứ tự do, thì cứ than vắn thở dài, như là bị “trời đày”, thậm chí còn chê bai này nọ. Nếu họ là người già cả, như cây cổ thụ bị bưng gốc qua xứ khác không thể thích nghi, thì có thể thông cảm. Còn nhiều người, tiếc thay, lại than vãn những chuyện vớ vẩn, thậm chí chỉ vì tiếc món bún riêu cua đồng, bún mắm, ốc bươu luộc chấm mắm gừng, trà sữa, bánh tráng trộn… Trời ạ, có cho không biếu không tôi mấy món “Ma-dzê in Việt Nam” đó, tôi cũng xin phép “no, thanks!”.

 

Tôi có một bác họ xa, trước đây được con cái bảo lãnh qua Mỹ từ thập niên 80s. Mấy năm trước vợ bác qua đời, bác quyết định về Việt Nam sinh sống với số tiền hưu rủng rỉnh, vì bác nhớ quê nhà, nhớ chòm xóm thân yêu, nhớ cảm giác mỗi sáng bước ra ngõ ngồi nhâm nhi ly cafe và tô phở nóng, xem thiên hạ đi qua đi lại cũng thấy vui. Rồi dịch Covid bùng nổ, bác loay hoay thấp thỏm mãi bên Việt Nam vẫn chưa có cơ hội được chích vaccine, và may mắn thay, bác đã kịp bay về Mỹ chích vaccine trước khi cơn dịch tàn phá bao người dân Việt Nam vô tội vì bọn chính quyền chỉ giỏi nổ nhưng ngu và tham trên cả mạng sống của người dân.

Bác tâm sự, tôi cứ nghĩ về Việt Nam hưởng tuổi già cuối đời, nhưng vài lần phải vào bệnh viện xếp hàng chen chúc chật chội, nếu không có “phong bì” sẽ bị quát tháo, ghẻ lạnh, nay thêm vụ Covid vaccine đã cho tôi thức tỉnh. Lần này tôi thề sẽ không bao giờ rời bỏ quê hương thứ hai của tôi nữa.

Mong rằng bác giữ lời hứa, cũng như xưa kia nhiều người xuống tàu vượt biên, trước bàn thanh lọc phỏng vấn cũng thề hứa đủ điều …À mà thôi, chuyện đó sẽ nói sau, trong một bài viết khác.

 

Riêng tôi, hễ nằm ngủ mơ thấy ngôi nhà cũ cùng cha mẹ anh chị em ruột rà, hàng xóm thân thương, hoặc kỷ niệm dưới mái trường với bạn bè, với người xưa thì không sao. Chớ đêm nào mơ thấy “màu vàng xanh” của mấy tên công an khu vực, “màu xám đặc cán mai” của các cán bộ mặt mỡ bụng phệ chèn ép người dân, “màu tương lai tối thui” của đồng bào Thủ Thiêm, Lộc Hưng, hoặc “màu đỏ máu” của màn “tự té lầu” trong nội bộ “đồng chấy đồng rận”… là mồ hôi hột của tôi vã ra như tắm. Bừng tỉnh dậy sau cơn ác mộng, nhìn qua cửa sổ thấy tuyết đang rơi, nhéo người cùng giường một cái cho chắc ăn, tôi mới hoàn hồn sung sướng, biết mình đang ở Canada.

 

Tôi bỗng nhớ câu nói nổi tiếng của một Tổng Thống Mỹ từng nói cách đây không lâu: “Không ai ép buộc các bạn phải đến Mỹ cả, nếu bạn không hài lòng với đất nước mới này, bạn có thể rời khỏi nơi đây!”

Còn câu nói sau đây là của… tôi:

 

“Tôi thề, sẽ không năn nỉ níu kéo, và sẽ tiễn bạn ra đến tận cổng phi trường”.

 

Xin thề!

 

– Kim Loan

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Thơ của hai thi sĩ: Trần Yên Hòa & Thy An
Chiếc xe hơi chạy trên con đường hẹp, uốn lượn, hai bên là những cánh đồng lúa mì hầu hết đã được gặt xong, đây đó những bó rơm, cỏ khô được cuộn tròn nằm rải rác, những cánh rừng thưa xanh ngắt, những bụi cỏ lau màu tím hồng phất phơ trong gió, những trang trại với hàng chục con cừu, bò, và cả ngựa đang thong dong gặm cỏ, những căn nhà, quán rượu, nhà thờ…hầu hết được xây bằng đá đã xỉn màu vì thời gian, với những cửa sổ bằng kính có khung sơn trắng và kiến trúc đặc thù của vùng Yorkshire...
Kéo dài được hai năm, cuối cùng thì hắn cũng quyết định bỏ trường để về nhà đi buôn. Đây là một việc cân não mà hắn đã dằn vặt vật vã suốt một thời gian dài. Hắn là sinh viên giỏi, vốn được tuyển thẳng vào trường sư phạm, thật tình mà nói thì hắn muốn vào Bách Khoa chứ chẳng phải sư phạm, chọn sư phạm vì được miễn học phí nên miễn cưỡng chấp nhận...
Em yêu dấu: Anh sẽ kiến giải câu nói thời danh của Marcel Proust (*) để qua đó em có thể cầm nắm được trái tim nóng bỏng của anh trên tay. Marcel Proust nói rằng "Tình yêu là đem không gian đổi lấy thời gian”...
Suốt cả tuần nay Tokyo chỉ có một ngày nắng, hôm nay mưa đã tạnh thì khăn gói về vùng Kyoto/Osaka. Hai tuần nữa khi về lại đây thì những cây đào mượt mà nầy chỉ còn những cành cây cằn cỗi, phủ đầy rêu, trơ trụi. Vì thế mà chuôi kiếm của người samurai thường khắc cánh hoa đào để biểu tượng cho cuộc đời hào hùng, đẹp đẽ mà ngắn ngủi, đầy bất trắc.
Thành phố đầu tiên chúng tôi dự tính đến thăm là Thành phố Philadelphia, một thành phố đã từng là thủ đô của Hoa Kỳ trong thời kỳ đầu lập quốc mà nay nó đã trở thành cố đô. Sau đó chúng tôi sẽ đi thăm một vài di tích lịch sử, văn hoá và thắng cảnh đặc biệt của Tiểu bang Pennsylvania nếu thời gian cho phép...
Trong bầu không khí bị ô nhiễm bởi chiến tranh Ukraine, châu Âu nhất là nước Pháp, vị thế và vai trò của Tông thống Pháp Emmanuel Macron – một trong những cột trụ lãnh đạo Liên minh châu Âu – không ngừng bị thử thách. Thêm vào đó, bóng dáng của dịch bịnh Covid-19 vẫn còn lảng vảng đâu đó trong các quốc gia châu Âu. Trong tình trạng như vậy, sinh hoạt văn học nghệ thuật của châu Âu, nhất là của Pháp, vẫn không ngừng phát triển...
Thầy ngồi trên kia, sau cái bàn rộng, chỉ có một quyển sách mỏng trước mặt và không thấy ông mở ra. Như thói quen, ông không viết bài, viết dàn bài trên bảng, phấn với bảng ít khi ông dùng tới, có thể tất cả đã được sắp xếp chuẩn bị chu đáo và có lớp lang trong đầu ông. Đúng vậy, ông vẫn từ tốn nói theo những ý nghĩ dường như vẫn có sẵn trong tâm trí. Ông nói không vấp váp, từ từ, lôi cuốn và thuyết phục. Ông có một « schéma » trình tự đi tới, đi tới không hề áp đảo...
Sau 1975 những người còn ở lại miền Nam Việt Nam không biết những ai đã nghĩ ra và những ai đã là người đầu tiên ra khơi vượt biển đi tìm tự do, để cho dòng người đi sau tiếp nối không bao giờ ngừng nghỉ nếu các trại tị nạn không đóng cửa chấm dứt chương trình cưu mang những người vượt biển. Ai cũng mơ ước, cũng tính đường đi tìm tự do tùy theo hoàn cảnh khả năng tài chính của mình. Bao nhiêu người đã may mắn đến bến bờ và cũng bao nhiêu người bất hạnh bỏ xác ngoài biển khơi!
Ở xóm tôi, từ đầu xóm đến cuối xóm, hầu như nhà nào cũng có người đi vượt biên. Nhưng không phải ai cũng may mắn đến bờ tự do, bởi nếu đếm số người “đi không về và cũng không bao giờ đến” ở xóm cũng cỡ hai chục mạng người, trong đó có cô bạn rất thân yêu của tôi và một gia đình mất một lúc sáu người, đó là gia đình Bà Già Gân...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.