Hôm nay,  

Nam Kỳ dễ thương

06/12/202210:21:00(Xem: 3444)
Truyện ngắn

Nam Bộ


Tôi và Hùng học chung lớp với nhau suốt thời cấp ba, nhà hai đứa cùng xóm cách nhau nửa cây số. Nhà Hùng mặt tiền phố chợ, má Hùng bán một xe chè đậu xanh đậu đỏ bánh lọt rất đông khách. Hùng có vẻ thích tôi lắm, ngược lại tôi cũng mến mộ Hùng là học sinh giỏi trong lớp, thỉnh thoảng Hùng đến nhà tôi chơi và mấy lần Hùng mời tôi:

 

– Bữa nào Bông đi chợ ghé quán chè nhà mình, chính tay mình sẽ làm cho Bông một ly chè đặc biệt bảo đảm ngon tuyệt vời.

 

Tôi đến và Hùng làm cho tôi ly chè đặc biệt ngon tuyệt vời đúng như Hùng nói, nhiều nước dừa, nhiều đậu xanh bánh lọt cái gì cũng nhiều và Hùng nhất định không tính tiền dù tôi đòi trả.

 

Mẹ tôi tinh ý lắm, một hôm mẹ ráo đầu răn đe tôi trước:

 

– Thằng Hùng là người Nam phải không? Nó và con hình như đang có cảm tình với nhau? Chỉ là tình bạn thôi nhé, yêu là mẹ cấm đấy.

 

Tôi ngạc nhiên và đùa đùa hỏi mẹ:

 

– Nhưng tại sao mẹ lại cấm con yêu Hùng vì Hùng là người miền Nam? Nếu Hùng là người miền Bắc, miền Trung con có được yêu không?

 

Mẹ bực mình gạt đi:

 

– Không yêu Bắc Trung Nam gì sất.

 

Tôi càng trêu mẹ:

 

– Vậy là con ế chồng muôn thuở luôn cho mẹ vừa lòng.

 

Mẹ nghiêm nét mặt chứ không đùa:

 

– Ý mẹ là con lo học hành đi, chuyện lấy chồng còn lâu nhưng mẹ dặn dò trước phòng xa, kẻo yêu rồi gỡ không ra, chớ lấy người Nam, sướng ít khổ nhiều đấy. Bản tính người Nam tiêu xài thì nhiều mà làm việc thì ít sớm muộn gì cũng… tan nhà nát cửa.

 

Tôi cãi:

 

– Con thấy mẹ bạn Hùng chăm chỉ, bác làm việc nhiều lắm, một mình làm các món chè và vất vả đứng bán cả ngày, hàng chè đông khách, ai mà lấy Hùng… ăn chè sướng luôn đó mẹ.

 

Mẹ lườm nguýt tôi và ra mệnh lệnh:

 

– Đừng vì thích ăn chè mà con thích cả nhà nó nhá.

 

Bố đang ngồi đọc báo gần đó cũng bắt chước tôi trêu đùa mẹ:

 

– Sao bà ghét người miền Nam thế hử? Hay là ngày xưa bà thất tình chàng Nam kỳ nào nên hận Nam kỳ cả đời?

 

Mẹ chứng minh:

 

– Chẳng nhìn đâu xa, vợ chồng bác Lộc người Nam sờ sờ cạnh nhà mình đây, có tí vàng hai vợ chồng đeo hết trên người, toàn là hốt hụi non để sớm có tiền mua sắm rồi è cổ đóng hụi chết cả năm chứ giàu có gì. Người miền Nam thùng rỗng kêu to là thế. Dân miền Bắc như mình tuy bề ngoài ăn cơm rau cà nhưng bên trong là đu đủ đặc ruột, tiền của bao nhiêu đố ai biết được.

 

Bố cũng chứng minh:

 

– Bà nói thế không phải, người Việt Nam vùng miền nào cũng có kẻ thế này kẻ thế kia, bà không thể đem vợ chồng bác Lộc ra làm tiêu biểu đại diện cho toàn thể người miền Nam được. Nếu bà muốn tôi cho bà biết nhiều gia đình người Nam căn cơ còn hơn cả miền Bắc nhà mình.

 

Mẹ biết mình cãi không lại nên ngoe nguẩy đi xuống bếp:

 

– Tôi chẳng thèm tranh cãi nữa, bố con ông là đa số… hà hiếp tôi.

 

Bố tôi không tha nói với theo:

 

– Người ta còn gả con gái cho Chà Và Ấn Độ, cho Ba Tàu, bà kỳ thị ngay với người Việt mình. Nhà mình có 2 đứa con, con Bông và thằng anh nó nữa, bà có giỏi thì sau này se duyên cho chúng nó lấy vợ lấy chồng theo ý bà đi.

 

Chẳng hiểu sao mẹ tôi có thành kiến không tốt cho người miền Nam, nào là nhẹ dạ, hoang phí, ăn xổi ở thì không biết lo tương lai. Thấy bố con tôi cùng lập trường mẹ tôi càng ra mặt chống đối tôi quen Hùng, mỗi lần Hùng đến nhà chơi là mẹ khó chịu ra mặt và mẹ đã nói thẳng với Hùng:

 

– Cháu cũng như Bông hai đứa để thì giờ học bài, thi cử đến nơi rồi, đến nhà chơi làm gì mất thì giờ cháu ạ.

 

Ý mẹ chê Hùng không lo chăm chỉ học hành. Tôi bênh vực Hùng, nói học là học chơi là chơi. Hùng than với tôi mẹ Bông khó tính quá, mẹ Hùng thấy bạn con đến nhà chơi bả cưng như con và múc chè cho ăn xả láng. Mặc cho mẹ tôi ngấm ngầm phản đối, tình cảm Hùng và tôi vẫn thân thiết.

 

Năm ấy Hùng thi đậu vào đại học Bách khoa, tôi thi rớt. Tôi nói với mẹ:

 

– Đứa “Nam kỳ ham chơi không biết lo xa” là Hùng thi đậu đại học Bách khoa đó mẹ, còn con gái Bắc kỳ chuẩn nề nếp, ăn học chăm chỉ của mẹ thi rớt. Thấy con gái “lép vế” mẹ tôi từ từ thay đổi lập trường bấy lâu nay:

– Bố con nói đúng nhỉ, người miền Nam cũng khối kẻ chăm chỉ giỏi giang.

 

Từ đấy mỗi lần Hùng đến nhà chơi mẹ tôi đều vui vẻ tiếp chuyện và quý Hùng ra mặt. Khi Hùng ra trường kỹ sư tôi còn lẹt đẹt làm cô giáo dạy cấp một vỡ lòng cho mấy đứa trẻ con, vừa dậy học vừa phải làm vú em dỗ dành mỗi khi chúng khóc nhè hay đái dầm. Nghề giáo là một trong các nghề phụ nữ bị ế chồng cao nhất. Nếu không có Hùng yêu tôi cưới tôi chắc tôi còn lận đận tìm chồng theo đúng tiêu chuẩn của mẹ, không biết đến bao giờ. Mẹ tôi mừng húm.

 

Anh tôi đi lính đóng quân miền xa lâu lâu anh mới về phép thăm nhà một lần. Một hôm anh đưa một cô gái người Cần Thơ, miền Nam thuần túy chưa pha trộn màu sắc thị thành như Hùng của tôi về giới thiệu với gia đình và muốn cưới làm vợ. Kinh nghiệm từ tôi, xuýt để mất chàng rể người Nam học giỏi hiền ngoan nên lần này mẹ không hề phản đối mà tuyên bố:

 

– Nếu hai con đã thương yêu nhau, tìm hiểu nhau kỹ thì nhà mình sẽ gặp nhà gái bàn chuyện hôn nhân.

 

Chị Ngân về làm dâu nhà tôi, mẹ chồng chỉ dậy chị nấu nướng những món Bắc, chị vẫn trổ tài cho nhà chồng Bắc biết món Nam của chị. Mẹ tôi không còn kỳ thị Nam Bắc nữa, con dâu của mẹ đảm đang tháo vát mẹ thương con dâu Nam kỳ của mẹ như đã thương tôi và mẹ thương con rể Nam kỳ của mẹ như đã thương anh tôi. Đúng là “ghét” của nào trời trao của ấy.

 

Bữa cơm dù chị Ngân nấu hay mẹ nấu vẫn thường xuyên có món Bắc món Nam thay đổi khẩu vị. Cá nấu canh chua thiếu giá sống ngò om là mẹ ăn mất ngon.

 

*

 

Cả đại gia đình chúng tôi hiện nay sống ở Mỹ. Thỉnh thoảng nhắc lại chuyện mẹ phân biệt Bắc Nam. Tôi hù dọa mẹ:

 

– May mà ngày đó con thi rớt đại học mẹ mới nhún nhường không cấm cản con với Hùng, nếu không thì con đã… bỏ nhà đi theo tiếng gọi tình yêu rồi, mà nếu không bỏ đi theo người ta thì con cũng vô chùa tu luôn rồi.

 

Mẹ tôi cười cười nhận lỗi:

 

– Ừ, sao ngày ấy mẹ kỵ người Nam, thấy Nam kỳ dễ ghét thế. Bây giờ mẹ thấy con dâu con rể Nam kỳ của mẹ thật là dễ thương. Con nói đúng đấy mẹ thằng Hùng người Nam mà chăm chỉ làm lụng từ một xe bán chè đá đậu trước cửa chợ sau này họ đã xây nhà 3 tầng lầu, mở lớn cửa tiệm vừa bán hủ tíu Mỹ Tho vừa bán chè nổi tiếng nhất chợ xóm mình. Mẹ phục má thằng Hùng lắm.

 

Tôi thêm vào:

 

– Con thì phục chồng con lắm, mang tiếng người Nam “ lười biếng ăn chơi” theo thành kiến của mẹ, mà Hùng học hành tới nơi tới chốn không như con gái Bắc kỳ chảnh chọe của mẹ học dở ẹc nè.

– Nguyễn Thị Thanh Dương

(10/ 2022)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, tôi có lúc đã quay cuồng “chạy sô” đi học 4 thứ tiếng.
Thơ của hai thi sĩ Thy An & Lê Minh Hiền
Nhận được bài thơ của người bạn Phạm Xuân Tích, tôi thấy bài thơ của ông bạn khá độc đáo và lý thú, tôi mạo muội viết lại sao y bản chính – cả hai bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt cũng của ông ấy, để hầu các vị đọc cho vui...
Mấy hôm nay có những cơn mưa kèm theo gió mạnh buổi chiều kéo dài đến khuya, báo hiệu sắp hết mùa Hè. Tôi lại nhớ tuổi trẻ của mình những năm đầu “lập nghiệp” vào mùa tựu trường...
Nói về "giàu nghèo" là nói về một vấn đề rất tế nhị bởi vì nó đụng đến đồng tiền. Mà đồng tiền luôn luôn có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Nhưng đó là điều cần phải làm vì mấy ai có thể nói mình biết quản lý tốt đồng tiền...
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong chị Bông bước ra ngoài vườn sau và cất tiếng hát mở đầu một bản nhạc tình Bolero “Hôm ấy anh đi, mình với mình vừa quen…” Thấy anh Bông đang lúi cúi bên mấy thùng recycle và thùng rác chị Bông hớn hở chạy đến gần...
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”...
Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác...
Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.