Hôm nay,  

Người trong mộng

15/10/202213:55:00(Xem: 3331)
Truyện ngắn

Trong giấc mơ tôi

Trong giấc mơ tôi Tranh Đặng Mậu Tựu.


Chàng đi làm về, thấy nàng ngồi thừ ở salon, tờ báo chương trình truyền hình trước mặt. Đứa con bên cạnh chăm chú chơi cái xylophone. Ti-vi đang sặc sỡ những đoạn phim quảng cáo. Chàng ngạc nhiên lắm. Thường ngày, nghe tiếng chàng lách cách mở khóa cửa, nàng hớn hở bế con ra đón. Thể nào nàng cũng chuyền con cho chàng bế và bắt chàng phải hôn con một cái thật kêu. Thế mà hôm nay, nàng dường như không biết chàng vào nhà. Nàng giật bắn người khi chàng hỏi:

 

– Sao, hai mẹ con bữa nay ở nhà vui không?

 

Nàng lí nhí câu gì trong miệng, chàng nghe không rõ. Đến tối, chàng thực sự kinh ngạc. Thấy nàng đang bận rộn lo cơm nước, chàng bảo:

 

– Giờ này ti-vi chưa có gì. Anh tắt nha.

 

Nàng bỗng cao giọng, vẻ bất bình:

 

– Sao anh biết không có! Anh không xem, thì em xem.

 

Khuôn mặt nàng đỏ bừng, giận dữ. Chàng đấu dịu:

 

– Ừ, thì để.

 

Từ trước đến nay, nàng thường xuyên mắng nhiếc cái ti-vi, vì tội rù quến chàng. Nàng từng nói: “Nếu túng tiền phải bán vật dụng trong nhà, thì ti-vi sẽ là món hàng đầu tiên phải ra đi”. Nàng rất lạnh nhạt với ti-vi. Chỉ khi có phim xưa, các chương trình ca nhạc, tạp kỹ đặc sắc, nàng mới ngồi trước màn hình nhỏ. Nàng khăng khăng: “Phim hay, ra hẳn ngoài rạp chiếu bóng xem mới thích”.

 

Ngược lại, chàng mắc bệnh ghiền máy truyền hình. Chàng thường “ôm” ti-vi xem phim trinh thám của Mỹ, hoặc phim kiếm hiệp từ máy video. Nhiều lúc nàng mát mẻ: “Em phải ghen với ti-vi. Coi bộ anh yêu nó hơn em.”

 

Thời gian sau đó, nàng như một người khác. Nàng lơ là, ít chuyện trò với chàng. Nàng hay nổi nóng bất ngờ. Đôi lần chàng muốn hỏi, nhưng ngại cơn thịnh nộ khó lường, nên thôi. Nàng vẫn quấn quít con. Nhưng giữa những chăm sóc, chơi đùa với con, nàng bỗng đăm chiêu, ngưng cười giỡn. Rồi sau đó, như cảm thấy có lỗi, nàng ôm con nựng nịu, bù lại những lúc xao nhãng vai trò làm mẹ của mình. Lạ hơn nữa, hàng tuần, nàng tự đi siêu thị mua báo truyền hình. Nàng đọc xuôi, đọc ngược tờ báo, nghiên cứu kỹ càng từng mục. Nàng mở ti-vi cả ngày. Buổi tối, khi chàng xem truyền hình, nàng bế con ngồi bên cạnh. Nhưng nàng chẳng theo dõi cuốn phim hay chương trình giải trí trên màn hình. Khi thấy chàng không xem nữa, nàng bấm đổi đài lia lịa. Chàng nghĩ, có lẽ nàng đang sáng chế trò chơi gì mới. Tính nàng nhiều khi nghịch ngợm, ngộ lắm. Tối nọ, nàng vờ giọng rất tự nhiên:

 

– À, anh. Anh chàng JJ xuất hiện trong chương trình gì anh biết không?

 

Chàng nhíu mày một hồi:

 

– Tên nghe quen quá.

 

Lúc lâu sau, chàng mới nhớ ra:

 

– À! Anh này làm phụ tá cho ông bầu nổi tiếng của đài ZDF trong các chương trình thể thao đặc biệt đó.

 

Nàng hỏi dồn:

 

– Chương trình đó chiếu ngày nào vậy anh, mấy giờ?

 

Chàng nhún vai:

 

– Bất thường, khi nào có dịp đặc biệt kia.

 

Từ đó, nàng không mở ti-vi, mà chỉ dò kỹ chương trình từng ngày. Chàng lờ mờ hiểu, như vậy là nàng muốn xem chương trình Sport Extra. Mà để làm gì! Có trời mới hiểu. Nàng thích thơ văn nhạc, phim ảnh, chớ nàng có màng đến thể dục, thể thao bao giờ đâu.

 

Chàng định, lúc thuận tiện sẽ hỏi nàng. Nhưng bận rộn quá. Trong tuần, đi sớm, về trễ. Cuối tuần, hấp tấp chạy từ siêu thị này qua siêu thị kia mua đầy đủ đồ ăn, đồ dùng cho vợ chồng con. Chủ Nhật như con thoi, đưa vợ con thăm hai bên nội ngoại. Rồi một tuần lại qua. Thấy những thay đổi nơi nàng, chàng lo lắng:

 

– Em có sao không?

 

Nàng lơ đễnh:

 

– Em vẫn thường.

 

Chàng gặng hỏi, dỗ dành:

 

– Có gì không? Nói anh nghe đi.

 

Nàng rơm rớm nước mắt:

 

– Em kể, mà anh hứa là không giận em nghe.

 

Nàng ngần ngừ, như tìm lời mở đầu thích hợp:

 

– Cách đây không lâu, em nằm mơ. Một giấc mơ đẹp hết sức. Em nằm mơ thấy anh chàng JJ. Không biết em và anh ta yêu nhau từ lúc nào. Khi đó, đông đủ mọi người trong nhà bếp, em đang đứng rửa chén. Anh ta choàng vai em, nhìn sâu vào mắt em. Ánh mắt làm em chới với. Hai đứa ngồi bên nhau rất lâu, chẳng nói năng gì, mà em vui không thể tưởng. Lúc anh ta cười với em, khoe hai cái răng khểnh, dễ thương ghê lắm.

 

Chàng phì cười, cắt ngang:

 

– Thì anh cũng có hai cái răng lòi xỉ nè.

 

Giọng nàng nhỏ, nhưng rõ ràng, nàng rất xúc động:

 

– Anh ta cao cao, gầy gầy, có giọng nói ngọt ngào. Em chẳng nhớ, trong mơ, anh ta nói tiếng Việt hay tiếng Đức. Ngày hôm sau, em đến trường, còn ngẩn ngẩn, ngơ ngơ. Lạ thiệt. Hồi giờ em ngủ hay nằm mơ. Nhưng là những chuyện không đầu đuôi và thường sau khi ngủ dậy, chừng mươi phút sau, em quên sạch trơn. Giấc mơ này lại tròn trịa câu chuyện. Em chỉ tình cờ thoáng thấy anh ta trong ti-vi. Mà em có hề quan tâm, có bao giờ nghĩ ngợi gì đến anh ta đâu. Lạ hơn nữa, về sau, em vẫn thỉnh thoảng gặp anh ta  trong mơ. Có lúc em đi xi– nê với anh ta, đi ngang qua phố phường, anh ta mua những món quà nho nhỏ cho em. Khi gặp anh ta trong giấc mơ, em thấy mình vui sướng vô ngần. Sáng ra, thức giấc, em lại cảm thấy bất an, bứt rứt. Càng ngày, ước muốn được thấy rõ mặt anh ta càng mãnh liệt.

 

Nàng khóc tấm tức:

 

– Anh có giận em không?

 

Chàng lắc đầu:

 

– Đâu có, ai lại đi giận giấc mơ bao giờ?

 

Chàng thở phào nhẹ nhõm. Nàng kể lể nỗi lòng được rồi, mọi việc sẽ ổn thỏa. Nhưng không! Nàng vẫn miệt mài với những tờ báo ti-vi. Chàng hốt hoảng thực sự, khi nghe nàng gọi tên JJ trong mơ. Hay là chàng ghen? Nhất định không phải! Nàng rất dạn dĩ và hội nhập nhanh chóng vào cuộc sống ở đây. Tuy nhiên, trong tình cảm, nàng luôn chủ trương, ta về ta tắm ao ta. Nếu nàng gọi Hùng, Cường gì đó, chắc chắn chàng sẽ đỏ mặt tía tai, phừng phừng nổi giận. Nhưng người “ngoại quốc” chẳng là đối thủ của chàng. Mười anh JJ chàng cũng chẳng ngán. Nàng bệnh mất rồi. Chàng lo lắng không biết đưa nàng đến bác sĩ chuyên khoa nào, không lẽ đi bác sĩ tâm thần. Chàng sốt sắng cùng nàng nghiên cứu báo ti-vi. Không may, mùa này các đội đá banh nghỉ dưỡng giò. Chương trình tường thuật thể thao cũng không xuất hiện. Chiều thứ Năm đi làm về, ngang qua sạp báo, chàng mừng rỡ đến độ suýt la lớn. Hình anh chàng JJ ngay trang bìa báo. Dưới có đề tựa: “JJ, một khuôn mặt rất nhiều triển vọng trong làng tường thuật thể thao”. Chàng mua vội tờ báo, phóng như bay về nhà. Nàng sẽ “gặp” hắn, để xem, nàng phản ứng ra sao.

 

Nàng đang ngồi bó gối ủ rũ trên thảm. Trên bàn có tờ báo giống tờ báo chàng cầm trong tay. Đứa con bên cạnh đang tẳn mẳn xếp mấy con thú  gỗ. Ti vi không mở. Nghe tiếng chàng, nàng ngước lên, cặp mắt đỏ hoe. Chàng lúng túng, thảy tờ báo lên bàn, nói vụng về:

 

Alles ok không em?

 

Không trả lời câu hỏi của chàng, nàng nói nhỏ:

 

– Anh đưa con đi chơi một chút nha.

 

Còn một mình ở nhà, không cần kềm chế, nàng òa khóc. Không, đó không phải là anh chàng trong mơ của nàng. Nàng hiểu ra. Anh chàng phóng viên thể thao JJ chẳng phải là người trong giấc mơ của nàng. Nói đúng hơn, “anh chàng” trong mơ của nàng chẳng là ai ngoài đời cả. “Người trong mộng” chỉ là bức tranh nàng vẽ vời trong trí tưởng tượng của tuổi đôi mươi. Của lòng nàng bay bổng với ước mơ đời êm như tiếng hát của lứa đôi. Nàng đứng dậy, lau nước mắt, dứt khoát cầm hai tờ báo bỏ vào thùng giấy.

 

Năm thì mười họa, nàng xem chương trình với những chủ đề đặc biệt của anh phóng viên JJ. Anh ta nói chuyện có duyên, đối đáp thông minh. Tiếng Đức của anh ta dễ nghe cho đôi tai Việt của nàng. Nàng thấy anh ta là một người dễ mến. Nhưng tuyệt nhiên, nàng chẳng chút xao xuyến, vấn vương.

 

Như mọi người, cuộc sống của nàng buồn vui lẫn lộn. Lần giở những cuốn sổ ghi chép chi chít, nàng giật mình khi đọc mấy câu thơ trong nét viết tay ngả nghiêng của mình.

 

Có khi ta ngủ mà ta biết/  Cũng có khi lòng ta dửng dưng

...

Bao nhiêu ngày tháng trôi qua đó/ Chẳng lúc nào vui cứ mãi buồn

 

Nàng chắc chắn không phải là thơ của nàng, bởi nàng không biết làm thơ. Có lẽ, nàng đã buồn ghê gớm, nên mới mượn mấy câu thơ ướt sũng chép vào nhật ký. Có lẽ, nàng mải bận rộn sụt sùi, nên quên ghi tên tác giả bài thơ. Bên cạnh những ngày tháng sầu khổ, nàng vẫn có muôn vàn thời khắc hạnh phúc. Có lúc nàng mượn câu nói nàng đã đọc đâu đó, một ngày đẹp trời, cây cỏ đẹp, tình nhân đẹp..., để chụp lại những giờ giấc nàng phơi phới tin yêu.

 

*

 

Thời gian vùn vụt trôi. Mới hồi nào nàng nằm mộng thấy người của đài truyền hình. Nay đã ba chục năm qua. Nàng vẫn hay mơ trong những giấc ngủ. Đâu ai ngủ mà không mơ. Nhưng chẳng giấc mơ nào có bóng dáng người trong mộng. Thời nay, nếu nàng nằm mơ tương tự như thuở xưa, nàng khỏi cần mua báo ti-vi. Mà muốn mua, e không dễ, vì báo ti-vi đang trên đường tuyệt chủng. Mở mắt ra, nàng chỉ cần vài phút vào internet là tìm được đầy đủ thông tin, hình ảnh cần thiết. Ai đó đùa rằng, trăm năm trong cõi người ta/  điều gì không biết thì tra “gú-gồ”.

 

Ngày nọ, nàng mở đường link người bạn giới thiệu một bài hát phổ thơ của người quen. Bài hát, trong tai nàng, không để lại ấn tượng nào rõ nét. Bởi vậy, nàng vừa nghe hát, vừa dọn dẹp “thùng” thư điện tử. Mải miết mở thư, xếp thư, xóa thư, nàng không để ý link đã chuyển qua bài hát khác.

 

Bỗng nhiên, giọng hát trầm ấm của ca sĩ nàng rất ái mộ làm nàng vứt phăng mớ thư từ ngổn ngang. Nàng ngồi yên, lắng nghe từng chữ của lời bài hát, lắng nghe từng nốt của tiếng đàn dương cầm dìu dặt. 

 

Tôi như nắng cháy ngoài đồng khô khan / Cỏ buồn hoang mang mong giọt mưa về thăm hỏi...

 

Chữ “hỏi iii”...  luyến nhè nhẹ, như lời ru êm dịu. Phút giây đó, nàng ngỡ như thấy người trong mộng bước ra cõi thực, thì thầm vào tai nàng lời đường mật.

 

Từ một giấc mơ tôi gặp em niềm vui vỡ bờ/  Từ một giấc mơ tôi về trên ngõ cũ ngày nào/  Trông vời em dáng áo nhạt màu/  Cho lòng thấy đời tôi còn em như giấc mơ.

 

Nàng ngộ ra, bao nhiêu năm nay, khi nàng lao đao, vấp ngã, không chỉ vòng tay thân yêu của gia đình nâng đỡ nàng, mà còn có “người trong mộng” với chiếc áo được dệt bằng những vần thơ óng ả, những đoạn văn mượt mà, những điệu nhạc du dương, bước ra đời thường, thân ái dìu nàng, nhẹ nhàng an ủi, vỗ về nàng, đằm thắm thắp sáng niềm vui trong tim nàng. Để rồi, nhiều sớm mai thức dậy, nàng có thể xuýt xoa đón ngày mới: “Ôi, đời còn dễ thương”.

 

Hoàng Quân

(Trích lời ca trong các nhạc phẩm Hương Xưa của nhạc sĩ Cung Tiến và Từ Một Giấc Mơ của nhạc sĩ Mai Anh Việt).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cô tôi chết, gia tài của cô để lại cho con mèo. Thỉnh thoảng, đọc báo, thấy có một nhà giàu nào đó, chết, để lại gia tài kếch sù cho thú cưng, tôi cho rằng họ là những người lập dị và keo kiệt. Cô tôi, chắc chắn là keo kiệt. Cô chết tôi không dự đám tang. Chỉ biết cô qua đời vì nhận được lá thư gửi từ văn phòng luật sư quản lý tài sản của cô. Thư đòi nợ...
Mỗi ngày, trước khi đi làm, Mẹ bế Nó đặt vào cái ghế xoay cạnh cửa sổ, cái ghế mà Mẹ đã đóng thêm một miếng ván vuông nhỏ kéo ra kéo vô được để làm thành cái bàn cho Nó, trên đó Mẹ đặt tập giấy, cây bút chì, hộp chì màu, cục gôm. Thêm cái chìa khóa cửa và chiếc điện thoại...
Hôm ấy, giới tăng đồ và Phật tử ở chùa Giao Thủy đã tổ chức một buổi lễ cầu an cho Thiền sư Tuệ Tĩnh và sa di Thiện Ứng lên đường về Thăng Long để sang Tàu. Lệnh vua triệu tập đã đến quá gấp rút. Thiền sư Tuệ Tĩnh không thể nào chọn kịp người kế thừa để lo tiếp kế hoạch phục vụ dân sinh trên lãnh vực y dược đang thực hiện dang dở của ngài...
Anh cũng như bao nhiêu người sĩ quan khác ở miền Nam. Sau 75, đều bị tập trung cải tạo. Những tháng đầu anh được vợ gửi cho một hai lần đồ ăn, sau đó thì biệt tăm. Anh được phép viết thư về cho gia đình nhiều lần. Nhưng không thấy vợ trả lời...
Bữa đó, vừa mới nhập trại Panatnikhom được vài ngày, bốn đứa chúng tôi đang nằm tán dóc trong nhà thì nghe tiếng bước chân rầm rầm ngoài cửa. Chúng tôi nhìn ra thì thấy bác nhà trưởng và một số người khác đứng lố nhố, những bộ mặt vô cùng nghiêm trọng, nặng nề còn hơn trong “Cái Đêm Hôm Ấy, Đêm Gì?” của Phùng Gia Lộc...
Một buổi chiều tháng 3 năm 1994, có một thiếu phụ đến gõ cửa căn nhà gỗ của ông Vương Hồng Sển trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận Bình Thạnh. Ngôi nhà gỗ lúc ấy còn rất đẹp, được chăm sóc kỹ lưỡng. Khi cô đến, ông Sển ra tiếp cô ở trong vườn phía trước nhà...
John Steinbeck sinh tại Salinas, California năm 1902 - một thành phố cách xa bờ biển Thái Bình Dương vài dặm, gần Thung Lũng Salinas màu mỡ và cách San Jose khỏang 70 dặm Anh. Nơi đây đã được dùng làm bối cảnh cho nhiều tiểu thuyết của ông...
Tôi đứng ôm cặp sách nơi đầu đường con hẻm lớn, mặt hướng về ngã năm chờ đợi chuyến xe, không để ý phía bên phải tôi tiệm Minh Ký Trà Gia đang khách vào ra liên tục...
Sau khi ghé thăm Thành phố Baltimore thuộc Tiểu bang Maryland, hôm nay chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình để đến thăm Tiểu bang Pennsylvania, một tiểu bang rộng lớn, trù phú, có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử của quốc gia Hoa Kỳ...
Ngày Thước bước ra, nàng không mang theo bất cứ thứ gì nàng đã sắm trong tám năm. Nhờ nàng, Thụy có ê hề những thứ nàng để lại, nào bàn, ghế, sô pha. Những TV nhỏ, lớn. Những hình, ảnh, những giỏ hoa, nàng thường để trên bàn trang điểm, vẫn còn...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.