Hôm nay,  

HERMANN HESSE: Ngọn Lửa Nhỏ Ngoài Đêm Bão Lạnh

10/06/202200:00:00(Xem: 1137)

Herman
Cung Tiến là một tên tuổi lớn của âm nhac Việt Nam, nhưng ông cũng là một tác giả có nhiều đóng góp vào hai mươi năm văn học miền Nam và văn học hải ngoại. Vào những thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương, Ông đã sáng tác, nhận định và phê bình văn học, cũng như dịch thuật, cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan điểm, và Văn. Hai trong số các truyện ngắn ông dịch và xuất bản ở Việt Nam là cuốn Hồi ký Viết Dưới Hầm của Dostoievsky và cuốn Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn.

Mời đọc lại một bài viết về Hermann Hesse của Thạch Chương, tức nhạc sĩ Cung Tiến.

  

Tâm hồn Đức là một tâm hồn lãng mạn tự bản chất. Lãng mạn và bất kháng cự, và trong sự bất kháng cự đó còn có thể tìm thấy một khoái lạc rất thực sự. Và bởi vậy cũng dễ hiểu cái tình yêu thiên nhiên của mọi tâm hồn Đức, một tình yêu tiêu cực, quên mình, buông thả, một tình yêu của đàn bà – gió thổi qua tóc, nước suối dưới chân, và trăng dội sáng lạnh vào cơ thể, mà ta nằm để mặc cho sao rơi vào mắt, và ta khóc. Cái khóc vô cùng ngây thơ của Schubert trong những khúc lied – chẳng hạn tập Du Hành Mùa Đông, phổ thơ của Muller, kể truyện một người con trai bị tình phụ, bỏ làng ra đi trong mùa đông --: những Gefror’ne Thran’aus (Những giọt lệ thành băng) (1) những Manche Thran’ aus meinen Augen ist gefallen in den Schnee (Biết bao là lệ từ mắt tôi rơi xuống tuyết) trong bản Wasserfluth (Dòng nước chảy).

Và rồi trong bản Letzte Hoffnung (Hy vọng cuối cùng), người con trai nhìn một cánh lá mùa đông , sắp rụng mà chính mình run rẩy, bởi nếu nó rụng thì niềm hy vọng của chàng cũng sẽ rụng theo nó, và rồi wei’n, wei’n auf meiner Hoffnung Grab (khóc, khóc trên nấm mồ hy vọng của tôi)!

Hãy những giọt lệ của Shcumann, của Brahms: ôi những tâm hồn lãng mạn đáng quý đã qua!

Những kẻ thích nhạc lãng mạn Đức (khởi từ Beethoven và cực thịnh ở Wagner) nhất định phải thích Hesse, một tâm hồn Đức điển hình: ưa huyền bí, nhất là cái huyền bí đông phương từ Ấn Độ (Hesse có qua viếng xứ này năm 34 tuổi), yêu thiên nhiên, có thú giang hồ, (người ta còn nhớ những vụ bỏ nhà, bỏ trường ra đi của Hesse hồi nhỏ, và đặc biệt sự từ bỏ tu viện để “vào đời” của Ông (2), có những tình tự của một nhạc sĩ, hồn nhiên, bình thản. Hermann Hesse, thi sĩ hồi thiếu niên, tác giả những truyện ngắn hồi thanh niên (3), còn là một nhà văn nhân bản cổ điển(từ đó, giải Nobel 1946), một ý thức sáng chói (nhưng rồi chỉ le lói qua những cơn giông và thảm kịch thời đại), và, cuối cùng, đã tìm về nơi an nghỉ trong lòng Giáo hội Cơ đốc.

Cái nhân bản chủ nghĩa cổ điển ở Hesse được đặc biệt trình bày trong một truyện dài của Ông mà tôi yêu thích nhất

Der Steppenwolf (Con chó sói vùng hoang nguyên): Nhận rằng có những giá trị thực sự, nhận rằng chúng chỉ tương đối, rồi từ đó chấp nhận phận người, chẳng cần làm Ác Quỷ hay Thiên Thần, hay Thượng Đế, để khỏi phải giết nhân loại với mục đích giải cứu nó, Der Steppenwolf, hiển nhiên, biểu tượng một nhân vật nửa người nửa sói, điển hình của cả thế hệ thanh niên Đức mất hết niềm tin ở mọi giá trị tinh thần, một thế hệ bú mớm hoài nghi – hoài nghi giá trị của trí tuệ, hoài nghi ý niệm về phổ quát, hoài nghi hiệu lực của mọi quy luật. Chỉ còn một điều chắc: xã hội xấu, văn minh là nguồn gốc của đau khổ, cuộc đời là một địa ngục: nhưng Hesse chấp nhận hết thảy, với môi cườ, để, rất bình thường, sống trọn một đời người, Homo humanus!

Nhưng cần phải biết cười mình (một điểm rất không Đức chút nào), quên mình đi, phê phán mình nữa nếu cần: cái ironie dễ thương đó, mà rất hiếm tâm hồn Đức có (4), lại là một bài học trong Steppenwolf: Mozart khuyên Harry Haller là “đừng coi mình quan trọng quá”, “phải tập cười. Nhưng Haller, con người nửa sói nửa người đó, đã không thể làm được như thế.

Cái chủ nghĩa nhân bản cổ điển đó, cùng với sự tôn thờ cá nhân, về sau còn ám ảnh Hesse hoài không thôi: trong truyện ngắn Sự Trở Về của Zarathustra: Sau chiến tranh, giữa thời bạo động, đâu đâu cũng có những nhà hùng biện cho diễn văn, thì nhà tiên tri Zarathustra quay trở về, đứng dựa lưng vào tường lặng yên và khinh bỉ nghe họ. Nhưng ai cũng nghe tin nhà tiên tri này đã trở về và chạy đến tìm, nhưng Zarathustra trả lời rằng ông không có ý thức hệ hay hệ thống nào hết để truyền dạy và do đó không thể chỉ cách cai trị dân chúng ra sao v.v… Nhưng ông chỉ có một lời khuyên: “Hay là chính các ngươi như chính ta đã học làm Zarathustra.” Nhưng cái “biết ngươi” kiểu Socrate đó đã ngầm chứa một sự chấp nhận phận người. Chấp nhận phận người nghĩa là chấp nhận luôn cả đau khổ, bởi đau khổ là bóng mà cuộc đời là hình (5). Đồng thời chấp nhận cả thỏa hiệp (những xung đột nội tâm của nhân vật Demian hoặc của Harry Haller tự chúng đã đòi hỏi một thế quân bình, một thỏa hiệp, một luật tắc, một ý thức sáng suốt về thiện và ác, và từ đó mới không ngã vào hỗn mang, đạo đức cũng như xã hội). Chấp nhận tất cả như thế để thực hiện số phận mình, để giải độc tinh thần, cứu vãn những giá trị tinh thần đang đắm, cứu vãn trí tuệ, để thôi hoài nghi, để tạo dựng một nhân loại mới. Để giải thoát, nói ngắn đi (6).

Trong Narziss und Goldmund, lại một tiểu thuyết khác về sự xung đột giữa tinh thần (Geist) và bản năng (instinkt), cũng vậy. Chán đời, chán thế giới, nhà điêu khác Goldmund tìm một nơi an nghỉ trong một tu viện của Cha Narziss, nhưng không tu, mà đi trốn vào nghệ thuật mình, tạc tượng từ đá, sống với những hình nét muôn đời đó, coi là một tiếng của trí tuệ nó dứt con người ra khỏi những thúc phọc của xác thịt. Nhưng rồi Goldmund lại vào đời, giã từ tu viện, nghĩa là giã từ thúc phọc và bổn phận, đi tìm tự do, sáng tác thêm nữa, và nhân đó không còn thấy sợ chết. Goldmund đã chấp nhận phận người tình yêu, khoái lạc, nỗi xót xa, đau buồn, bản năng, và sự chết.

Chủ nghĩa nhân bản của Hesse là một tổng hợp tài tình của đạo và đời, của paganismechristianisme, hình thành trong một nhà tu kín và trong căn hầm một nghệ sĩ. Từ đó, thôi ám ảnh về tội tổ tông, thôi ám ảnh về huyệt tối. Chủ nghĩa nhân bản của Hesse chống lại thẳng cánh những quan niệm về bổn phận của Kant, và chấp nhận hết thảy: đạo và / hoặ đời, tinh thần và / hoặc bản năng, và giải thoát con người toàn diện, và mỗi cuộc đời là một ý nghĩa tự nó, là một chứng minh cho chính nó. Và rồi giải thoát thế giới bằng grâce của trí tuệ, sưởi ấm thế giới cũng như kiếp người cô lạnh bằng ngọn lửa của sáng tạo.

*

Và trong những giông tố ở Âu Châu suốt hai thế chiến, tiếng nói của Hesse chỉ là tiếng kêu loài chim sẻ một đêm mưa bão, bên cạnh những tiếng mìn nổ tung chát chúa. Ngọn lửa Hesse là một ngọn lửa đều nên sáng lâu, nhưng cũng chỉ là một ngọn lửa cô đơn trong rừng khuya tối mù những chán chường, những hoài nghi, những con người nửa người-nửa sói.

Và “Ý thức hệ”, gài mìn trong trí tuệ. Và ta chết vì đó. Chết mà không thèm cười.
Hôm nay. Hôm qua. Ngày mai.
 
Thạch Chương
(Sài Gòn, X/1966)
 
---
(1)   Gefror’ne Tropfen fallen von meinen Wangen ab, ob es mir denn entgagen, dass ich geweinet hab’? (Có vài giọt lệ thành băng rơi xuống mà tôi, có thực là tôi đã khóc mà không biết?)

(2)   Xem Hugo Ball, Hermann Hesse _ Sein Leben und Sein Werk (Suhrkramp V., erlin, 1956), và Helmut Waibler, H. Hesse – Eine Bibliographic (Bern, 1962). Cũng nên đọc Maurice Boucher, Le Roman Allemand (1914-1933) et la Crise de  l’Esprit (Presses Univeritaires de France, Paris, 1961).

(3)   Cf. Goldmann, Introduction aux premiers e1crils de Georges Lukaes, trong La The1orie du Roman của George Lukaes, tr. 171 (Gonthier, Berlin – Spandau, 1963): “… le roman est la forme litte1raire de la maturite1 virile.”

(4)   Schumann, cũng như Hesse sau này, đã nhận ra đặc điểm đó, và đầu đề một khúc viết cho dương cầm trong tập Cảnh Tượng Ấu Thơ là: “Fast zu ernst !” – “Gần như quá nghiêm trang!”

(5)   Đến đây ta mới thấy ảnh hưởng vô cùng lớn lao của Dostoyevsky trong văn chương Đức, và cái đạo đức Tin Lành của Hesse cũng chính là đạo đức của Dostoyesky vậy. Chính Hesse cũng đã viết một bài khảo luận về Anh Em Nhà Họ Karamazop và cùng với Dostoyevsky chấp nhận cái “tính người” ở mỗi con người: một Karamazov nào cũng vừa là quan tòa vừa là tội nhân, vừa hung dữ vừa hiền lành, vừa thô bạo vừa thanh nhã, hắn cùng một lúc là kẻ tục trần, vị thánh, thằng say, thi sĩ, tội nhân và kẻ tử vì đạo.

(6)   So sánh với Camus thời kỳ L’Homme Revolle1, La Chute, về điểm này, ef. Trình bày và Phê bình Hai Quan niệm Nổi loạn của Albert Camus của tôi đã đăng trong môt số Sáng Tạo, bộ mới (Sài Gòn 1969)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuyển tập Phóng sự Chiến trường 1972 của Nxb Văn Nghệ Dân Tộc in 1973 không có phần tiểu sử tác giả. Phóng viên Vũ Hoàng là ai? Bút ký của ông chật kín nỗi lòng người Kontum. Một chua xót phải mang gương mặt rỗ chằng chịt vết đạn và hơi thở nồng nặc mùi xác chết… Những trang chữ viết về những gì đã mất và còn lại của một thị trấn. [Trần Vũ].
Tôi tự hỏi có phải anh không có ai để nói chuyện nên buồn quá muốn tiêu hóa những suy nghĩ từng nung nấu?...
chữ nghĩa nổi trôi theo sóng biển / ngày ươm nắng trên cánh chim thiên thần / da trời màu xanh đem lại bình an / thời gian như dừng lại / một khoảng không gian lắng đọng...
Người xa, để lại hương đời / Giấc mơ chốn cũ hồn vời vợi trông / Bóng đa, cánh bướm, dòng sông / Mở trang nhạc cũ, ngút lòng ca dao...
Âm nhạc của Nhạc Sĩ Cung Tiến đã chinh phục cả hai, ba thế hệ người thưởng ngoạn, suốt từ thập niên 50 cho đến ngày nay; và có lẽ trong một tương lai rất lâu nữa, người ta vẫn nghe nhạc của ông. Tuy đã khá trọng tuổi, nhưng sự ra đi của ông mới đây vẫn là sự bất ngờ đến bàng hoàng đối với những người thân yêu và mến mộ ông. Nỗi niềm thương tiếc này được biểu hiện bằng đôi lời chia biệt với ông và gia đình từ khắp nơi. Việt Báo trích đăng lại. Cầu mong Ông yên nghỉ.
Cái chết làm nên đời sống của chúng ta. Cũng như mất mát làm nên âm nhạc. Cái chết của một người, một nghệ sĩ, một quê hương...
buổi chiều nào se lạnh / mưa đổ muộn xuống mùa hè miền đông bắc / như trận mưa ở saint paul năm nào / ngày thanh tâm tuyền chết./ buổi chiều tôi biết muộn / cái chết của cung tiến...
Di sản nghệ thuật của nhạc sĩ Cung Tiến không nằm ở số lượng, mà đầy ở phẩm chất. Ngoài những ca khúc, tấu khúc thuần tuý giá trị về âm nhạc, ông còn để lại những bài viết, tiểu luận dưới nhiều đề tài văn học, kinh tế, và truyện dịch. Chúng ta đã đọc, đã nghe khá nhiều về tài hoa và khả năng sáng tác của Cung Tiến từ tuổi 15 cho đến những năm tháng sau cùng. Trong những quà tặng ông để lại tôi đặc biệt yêu thích nghệ thuật phổ thơ thành nhạc của ông, chẳng những cho chúng ta thưởng thức giai điệu bán cổ điển tây phương, ngủ âm đông phương, mà còn mang thơ Thanh Tâm Tuyền, một trong vài thi sĩ hàng đầu trong thời đại của ông đến giới thưởng ngoạn nhạc nghệ thuật và lưu trữ vào kho tàng âm nhạc Việt. Thơ Thanh Tâm Tuyền không dễ phổ thành nhạc.
Như những tiếng cầu xin cứu vớt linh hồn chúng tôi / ngoài khơi bí mật đến tự một con tàu biển; / qua những mảnh danh từ dệt nên hồn mầu nhiệm / em vẫn chỉ là tóc mây cổ nõn và môi./ Sau áo len danh từ là thế giới xa vời, / là đêm không trăng sao là trùng dương thăm thẳm; / qua những chuỗi ngọc cười, em vui nước mất đẫm / vai anh, em buồn. Đêm hồn anh dài không nguôi.
Phiến đá là một vầng trán nơi những giấc mơ hiền than thở/ Không một dòng nước uốn quanh và những cây tùng bách giá băng / Phiến đá là một cánh vai trần để chở đi thời gian / Với những cây nước mắt những dải băng và những tinh cầu / Tôi đã thấy những trận mưa xám chạy dài theo những đợt sóng / Giơ cao lên những cánh tay ngọt ngào lỗ chỗ / Để không cho phiến đá duỗi dài với được / Phiến đá chặt tay chân ra thành từng mảnh mà không thèm hút máu
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.