Hôm nay,  

CUỘI

13/05/202220:36:00(Xem: 2186)

Nghỉ_ngơi

 


Bắc thang lên hỏi tận
trời,

Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời.

Cuội nghe thấy nói Cuội cười,

Bởi hay nói dối nên ngồi gốc cây.

(Ca dao)

 

"Nói dối như Cuội", đó là câu nói đầu môi của thế gian mỗi khi nói về Cuội. Cuội và nói dối không thể tách rời nhau. Muốn nói về Cuội ta không thể không nói về nói dối, hay ngược lại, xăng có thể cạn, lốp có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

 

Vậy nói dối là gì?

 

Nói dối là nói sai hay nói ngược lại với sự thật nhằm đạt mục đích như để lừa, để bịp, để che giấu, để chối, để cãi, để vờ vịt, để chạy tội, v.v. Và để vừa lòng nhau nữa tùy theo đối tượng và hoàn cảnh. Người ta nói dối vì yêu nhau, người ta cũng nói dối vì thù ghét nhau hay chỉ là câu chuyện "làm quà". Nhân vật nói dối có thể là một người, ấy là tự dối mình hay dối lòng, có thể là hai người, là một nhóm hay là cả một "tập đoàn". Tương tự, đối tượng của nói dối cũng có thể là một người, hai người, một nhóm người hay có khi cả nước, cả loài người.

 

Nói dối xẩy ra bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Ai cũng biết nói dối cả. Và có người thích nói dối, đến nỗi nói dối cả những điều không cần phải nói dối. Nói dối đã trở thành cái "tật", không nói dối thì cái mồm trở nên lúng túng ngọng nghịu mỗi khi cần phải nói thật. Cái tật này nguy hiểm ngang với cái tật ăn cắp vặt, ăn cắp cả những cái không cần ăn cắp, khi không ăn cắp thì cái tay trở nên ngứa ngáy vụng về. "Dối" thường đi với "gian" để trở thành "gian dối" hay "Ăn gian nói dối" là thế, cũng như ăn tục thì phải đi với nói phét (nói xạo) để thành "ăn tục nói phét" vậy.

 

Chính vì thế nói dối đã là một trong những giới luật cấm của mọi tôn giáo.

 

Nói dối có nhiều trình độ và thứ bậc khác nhau. Nói dối là cả một nghệ thuật tinh vi, thuộc về một thứ nghệ thuật cao cấp vì nó phải hội đủ nhiều yếu tố phức tạp và bén nhậy cả về tâm lý lẫn hiểu biết để nói dối sao cho người ta tin. Người nói dối phải vận dụng trí thông minh, óc sáng tạo để sự nói dối trở nên có logic, có tính thuyết phục và nhất là sự nói dối ấy không thể bị "lòi" như "nói dối thò đuôi" vậy. Nói dối còn đòi hỏi "khổ công", nghĩa là, để được thành danh như Cuội, người nói dối, ngoài cái thiên phú của mình, phải có nhiều công phu luyện tập sao cho da mặt trở nên dầy, dầy ngang với những chính trị gia tầm cỡ và phải luyện tập thân thể để chịu đựng được những cú đòn thù cỡ võ sĩ hạng nặng, vì đôi khi nói dối bị tổ trác có thể bị đánh đến phù mỏ hay guốc cao gót bổ lủng đầu. Trong trường hợp đó chỉ còn biết “ôm đầu máu” mà chạy. Ngoài ra còn phải có trí nhớ tốt để nhớ rằng mình đã nói dối với ai, trong trường hợp nào và nói gì, ra sao.

 

Nhìn chung thì nói dối có những cái đáng ghét như trong những câu tục ngữ, ca dao:

 

– Dối trên lừa dưới.

– Anh này có tính gian tà,

– Đi ra dối bạn về nhà dối con.

– Đi nói dối cha về nhà nói dối chú.

– Manh tâm nói dối cãi cối đổ thừa (hay cãi cối cãi chầy).

 

Và cũng có những cái nói dối thật đáng yêu và vui vui như:

 

Yêu nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.

 

Nhà em công việc bời bời,

Dối thầy dối mẹ sang chơi với chàng.

 

Dù ai bảo đợi bảo chờ,

Thì em nói dối: Con thơ phải về.

 

Mình nói dối ta mình hãy còn son,

Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.

Con mình những trấu cùng tro,

Ta đi gánh nước tắm con cho mình.

 

Em nói dối anh em chửa có chồng

Con ai em bế em bồng trên tay?

 

Anh có vợ rồi anh nói dối rằng không,

Có nên chăng để thiếp còn đi lấy chồng.

 

Nói dối, đứng về cái nhìn thiền quán của nhà Phật. Có vị Thiền sư ghi lời Phật dạy, đại ý: Vạn pháp (mọi vật, mọi sự việc ...) do nhân duyên tạo thành. Cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này vắng mặt vì cái kia vắng mặt, cái này ẩn diệt vì cái kia ẩn diệt. Vạn vật hay mọi sự việc xảy ra trên đời như một mạng lưới nhân duyên chằng chịt. Vì nương vào nhau nên mọi vật mới có thể có mặt và trong cái một có cái tất cảtrong cái tất cả không thể không có mặt của cái một.

Tôi nói vòng vo theo vị Thiền sư như thế để muốn chứng minh cho các anh thấy "nói dối" cũng nằm trong cái định luật nhân duyên, nghĩa là "nói dối" được phát sinh bởi sự tập hợp của những cái "không nói dối". Chẳng hạn như khi tôi đi chơi với cô hàng xóm bị vợ bắt gặp, "nói dối" được phát sinh. Sự “nói dối” này phát sinh bởi các nguyên tố "không nói dối" đó là vợ tôi với cô hàng xóm. Và cái “duyên khởi” để tạo thành “nói dối” nơi tôi là do họ lại gập phải nhau trong tình huống ấy.

 

Nói dối quá đà thành chối, thành thề. Tôi sẽ thề với vợ như anh sẩm thề:

 

Thề rằng sẩm chẳng thấy gì,

Sẩm mà nói dối sẩm thì cũng đui.  (sẩm là thầy bói mù)

(Ca dao).

 

Sau khi tôi chối tôi thề, vợ tin, "nói dối" bị huỷ diệt. Cứ theo thuyết nhà Phật như thế và nếu các anh chấp nhận "nói dối" không có tự tánh vì không thể tự có và tự đứng một mình được thì chắc chắn các anh không còn trách tôi tại sao hay nói dối các anh. Không có các anh thì đã không có "nói dối" nơi tôi. Cười. Và có khi các anh lại tự trách mình là đằng khác, và cũng có khi các anh thấy tôi nói dối các anh lại là một điều cần thiết và đáng yêu nữa, đáng yêu như Cuội và chị Hằng trên cung trăng vậy.

 

Các anh cười với tôi khi tôi nói dối là các anh đang thực tập thiền quán về sự hiểu biếttinh thương hỉ xả. Lúc nào các anh cũng tỉnh thức để cười như thế thì con đường đi tới Niết Bàn không còn xa nữa. Các anh phải cám ơn tôi. Các anh đừng vội cho tôi là ngụy biện để chạy tội vì hay nói dối các anh đấy nhé.

 

Đấy là chuyện "nói dối " liên quan đến tài danh của Cuội.

 

Bây giờ ta trở lại thế giới của Cuội nhé.

 

Thế giới của Cuội là thế giới nào? Và Cuội là ai?

 

Cứ theo truyền thuyết được kể lại, Cuội là một anh nông dân trẻ tuổi, khoẻ mạnh, đẹp trai, con nhà nghèo, nghèo đến nỗi không nuôi nổi vợ đẹp. Một hôm Cuội ngồi bên bờ rừng than thở về số kiếp "nghèo mà ham" của mình. Bụt hiện ra, thương tình cho Cuội một cây đa đem về trồng, cứ lấy lá đa làm thuốc trị bá bệnh cho thiên hạ để kiếm tiền. Cây đa lớn như thổi theo ngày tháng và cũng chẳng mấy chốc Cuội trở nên giàu có. Cây đa này rất kỵ nước tiểu đàn bà và Cuội dặn vợ như thế. Rồi cũng một hôm, người vợ trẻ và xinh đẹp của Cuội tò mò vén váy làm thử những điều Cuội cấm. Vừa xong, trời đất rung chuyển, cây đa bật rễ bay lên. Cuội tiếc quá chạy tới ôm gốc đa giữ lại, không ngờ Cuội bị nhấc bổng bay thẳng lên cung trăng cùng với cây đa. Gặp Cuội, chị Hằng có bạn vui sướng quá nên không cho Cuội về. Việc trở về trần gian với cô vợ trẻ chỉ còn là giấc mơ của Cuội.

 

Ánh trăng trắng ngà

Có cây đa to,

Có thằng Cuội già

Ôm một mối mơ.

(Bài hát)

 

Trong truyền thuyết vừa kể, tôi chẳng thấy Cuội nói dối chỗ nào, có chăng là Cuội chỉ nói dối chị Hằng. Nói dối chuyện gì thì chỉ có hai người ấy biết. Hai người làm chuyện gì trên đó thì chỉ có Trời biết. Thiên hạ đồn rằng Cuội hay nói dối, ấy cũng chẳng qua là chuyện "nghe qua nói lại" như chuyện thị phi, một thứ thị phi giống như tôi chịu hàm oan về sự việc tôi bị kết tội là hay nói dối các anh vậy. Này nhé, các anh hãy nghe sự thật về Cuội:

 

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời

Cha còn cắt cỏ trên trời

Mẹ còn cưỡi ngưa. đi mời quan viên

Ông thời cầm bút cầm nghiên

Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa.

(Ca dao)

 

(Tôi chăng biết cái lá đa nó quý cái gì mà các quan viên phải vác tiền đi chuộc mang về). Các anh có thấy Cuội hiền không, chỉ lỡ để trâu ăn lúa mà đã gọi cha ời ời rồi. Cuội có dối và có chối chi ai. Cuội chỉ hiền lành ngồi dưới gốc cây đa ăn cơm với cá mà thôi.

 

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Ăn cơm với cá, ăn cà với dưa.

(Ca dao)

 

Trong khi đó, với "cái văn chương hạ giới” (theo cụ Tản Đà là loại văn chương bán rẻ như bèo) cũng thường nhắc tới chị Hằng và Cuội theo cái thị phi loài người như đã nói ở trên, với bà Hồ Xuân Hương thì:

 

Một trái trăng thu chín mõm mòm

Này vầng quế đỏ đỏ lòm lom.

Giữa in chiếc bích khuôn còn méo,

Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm.

Ghét mặt kẻ trần đua xói móc,

Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom.

Hỡi người bẻ quế, rằng ai đó,

Có chị Hằng Nga ghé mắt dòm.

(Hồ Xuân Hương – Trăng Thu)

 

Hay với cụ Trần Tế Xương:

 

Ta thấy người ta vẫn nói rằng,

Nói rằng thằng Cuội ở trong trăng.

Chứa ai chẳng chứa, chứa thằng Cuội,

Tôi gớm gan cho ả chị Hằng.

(Trần Tế Xương – Chị Hằng)

 

Và để rồi câu chuyện chị Hằng có con với Cuội đã trở thành nghi vấn, đàm tiếu:

 

Trải mấy thu nay vẫn hãy còn,

Cớ sao khi khuyết lại khi tròn.

Hỏi thăm chú Cuội đà bao tuổi,(1)

Chớ chị Hằng Nga được mấy con?

Đêm thẳm cớ chi soi gác tía?

Ngày xanh còn cứ thẹn vầng son.

Năm canh lơ lửng chờ ai đó?

Hay có tình chi với nước non.

 (Nguyễn Văn Siêu – Vấn Nguyệt)

 

Hay với ca dao:

 

Tưởng rằng trăng chẳng nguyệt hoa

Sao trăng chứa Cuội trong nhà hở trăng.         

         

Bắc thang lên hỏi ông trăng
Hỏi rằng chị Nguyệt đã từng mấy con.
         

 

Ấy đấy, cái miệng thế gian nói về Cuội như thế chưa hết, lại cũng qua ca dao Cuội còn bị đem ra để người đời:

 

– Than thở khi xa nhau:

 

Ai làm cho bến xa thuyền,

Cho trăng xa Cuội, bạn hiền xa nhau.

Cha mẹ sao chẳng nghĩ sâu,

Để thương để nhớ để sầu cho ta.

   

– Trách móc nhau:

 

Một trăng có mấy Cuội ngồi,

Một thuyền chở được mấy người tình chung

       

– Tán tỉnh nhau:

 

Vợ chồng chung gối chung chăn,

Thằng Cuội làm bạn với trăng đêm ngày.

        

– Và để chanh chua:

 

Em là con gái nhà giầu,

Mẹ cha thách cưới ra màu sính cao.

Cưới em trăm tấm gấm đào,

Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời.

 . . .

Lá đa mặt nguyệt hôm rằm,

Răng nanh thằng Cuội, râu hàm Thiên lôi.

         

Để chấm dứt lá thư này tôi xin rỉ tai các anh rằng trên đất nước ta có một đám Cuội sinh đẻ ở làng Ngang:

 

Đầu làng Ngang có một chỗ lội,

Có đền ông Cuội cao vòi vọi.

Đàn bà đến đấy vén quần lên,

Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối.

Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười:

"Cái gì trăng trắng như con cúi?"

Đàn bà khép nép đứng liền thưa:

"Con trót hớ hênh, ông xá tội"

-"Thôi thôi con có tội chi mà,

Lại đây ông cho giống thằng Cuội"

Từ đấy làng Ngang đẻ ra người,

Đẻ ra rặt những thằng nói dối.

(Nguyễn Khuyến – Chỗ lội làng Ngang)

 

Và tôi cũng nghe nói "thâm cung" đẹp đẽ của chị Hằng đã bị khám phá khi có đoàn thám hiểm của loài người lên thăm chị. Họ chê Trăng chỉ có non mà không có nước nên họ lục tục kéo về mà không buồn quay trở lại. Cuội không kịp theo về nên những đêm trăng sáng, ta vẫn thấy Cuội ngồi buồn bên gốc cây đa mơ về cô vợ trẻ.

 

Ánh trăng trắng ngà,

Có cây đa to, có thằng Cuội già

Ôm một mối mơ.

. . .

 

Kết luận:

 

Nếu tôi trở thành Cuội như các anh nói thì tôi sẽ có thể nói dối với tất cả mọi người, chứ tôi đây, nhất định không bao giờ nói dối vợ. Tôi xin dơ tay trái mà thề như thế. Tôi không nói dối nhưng tôi sẽ chối.

 

Nghe thế, cô hàng xóm nhà tôi đứng nhìn tôi bịt miệng cười rồi ve vẩy bỏ đi. Như chợt nhớ lại điều gì, cô xoa bụng quay đầu nói với lại, tiếng nhẹ và sắc, rít qua kẽ răng chỉ đủ để tôi nghe: “Anh không là Cuội thì anh cũng là nói láo, ba xạo, xạo ke, xạo chuá, dóc tổ ... anh đía quá mà”(2)

 

Tôi nhìn cô mỉm cười và liên tưởng ngay tới những cơn mưa đầu mùa ở miền Nam, mưa chợt đổ xuống rất to nhưng lại tạnh rất mau. Kệ.

 

-- Nguyễn Giụ Hùng

 

Ghi chú:

 

(1) Có bản là: Hỏi con thỏ ngọc đà bao tuổi?

(2) Những tiếng miền Nam chỉ về nói dối.

 

Mời nghe:

 

THẰNG CUỘI - KYO YORK

https://www.youtube.com/watch?v=UPUwE7svvx8

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.