Hôm nay,  

TÀO LAO

07/05/202215:00:00(Xem: 3592)

Tạp bút

 

nonsense



Việc lớn thì chẳng ra sao,

Việc tào lao hay chú ý.

(Ca dao)

 

Dưới cái nắng như thiêu như đốt, tôi cố gắng cắt cho xong bãi cỏ trước nhà. Mồ hôi nhễ nhại, tôi đẩy cái máy cắt cỏ một cách nặng nề, nhẫn nại. Cái máy cứ như muốn ì ra dưới sức đẩy của tôi mỗi lúc một yếu dần đi. Mệt bá thở! Chưa cắt cỏ xong, tôi đã phải nghĩ ngay tới việc phải tìm chỗ để đổ đống cỏ vừa cắt, rồi rải thêm phân bón, tưới thêm nước cho cỏ mọc lên được xanh tươi, và để rồi tuần sau lại vác máy cắt cỏ ra cắt. Nếu lười hay quên, ông hàng xóm sẽ đem máy cắt cỏ của ông ta để ngay trước cửa nhà tôi nhắc khéo.

 

Đã bao năm nay tôi cứ lặp đi lặp lại cái công việc nặng nhọc và nhàm chán này một cách cần mẫn, nghĩa là tốn phí tiền của lẫn công sức nuôi cỏ cho lớn lên xanh tươi rồi cắt nó đi, rồi lại nuôi, rồi lại cắt một cách đều đặn. Nếu công việc này xảy ra vào những ngày mát mẻ thì chẳng nói làm gì, nhưng hôm nay dưới cái nóng bỏng của "cái nóng nung người, nóng nóng ghê" (Nguyễn Khuyến) thế này thì tôi chợt nhận ra, trong công việc của mình có cái gì mang vẻ "tào lao". Nó tào lao ngang với cái luật thành phố San Jose, nơi chúng tôi đang cư ngụ, cấm hủy bỏ hay làm chết bãi cỏ xanh trước nhà vì muốn bảo tồn vẻ đẹp của thành phố. Vào những năm hạn hán, thành phố muốn giữ cỏ xanh tươi, đồng thời lại đòi hỏi cư dân phải hạn chế tối đa hay cấm dùng nước tưới cỏ. Nếu tôi không tuân thủ? Phạt. Tào lao thế đấy!

 

Chuyện tào lao như thế thì cứ "khối" ra đấy, không phải là chuyện của trẻ con đâu mà là chuyện của cả người lớn.

 

Tào lao như câu cửa miệng của dân Việt ta ngày nay:

 

Sáng đúng chiều sai,

Sáng mai lại đúng.

Lúng túng, sáng đúng chiều lại sai,

Lai rai, chiều sai sáng mai lại đúng.

 

Tào lao như cụ Tản Đà viết thơ hỏi vợ trên trời:

 

Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ,

Ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi trời.

Xem thơ trời cũng bật cười,

Cười cho hạ giới có người “tào lao”(1)

 

Tào lao như anh nói khoác:

 

Ta con ông Cống, cháu ông Nghè,

Nói có trên trời dưới đất nghe,

Sức khoẻ Hạng Vương cho một búng

Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe.

Nhẩy ùm xuống biển lôi tầu lại

Nhảy tót lên non dắt cọp về.

Độ nọ vào chơi trong nội phủ,

Ba nghìn công chúa phải lòng mê.

 

Tào lao như những câu chuyện đầu môi của mấy ông thợ cạo ở nước ta. Với những ông này, tào lao là một điều kiện tất yếu không thể tách rời ra khỏi nghề nghiệp của ông. Bỏ tào lao đi, ông chỉ còn biết cạo trọc đầu thiên hạ. Ta hãy tính thử xem có bao nhiêu nghề nghiệp cần đến tào lao như thế, nhiều lắm, mà đặc biệt, nghề làm chính trị. Các chính khách, lãnh tụ, đứng về phương diện nào đó để thành công, tào lao đã trở thành điều kiện “ắt có” không thể thiếu được.

 

Tào lao như bảng thống kê thăm dò ý kiến của viện Harris Poll bỏ tiền của và công sức ra để hỏi về giới tính (sex) của Thiên chúa; hay lý do những người đàn ông Mỹ ra khỏi giường vào ban đêm, kết quả cho thấy: 35% vào toilet, 15% đi làm việc ca đêm, 50% mặc quần áo đi về nhà mình.

 

 Cứ dựa vào những điều tôi vừa kể thì tào lao, đứng về phương diện trà dư tửu hậu, là những câu chuyện nói cho sướng miệng, cho giết thì giờ, cho câu chuyện thêm vui, thêm tức, hoặc nói cho qua rồi bỏ; đứng về phương diện việc làm hay hành động thì tào lao là những việc làm có tính cách vô bổ, ruồi bu, vớ va vớ vẩn hay ngớ nga ngớ ngẩn chẳng đâu vào đâu hoặc chẳng đâu ra đâu cả. Có khi nó còn trở thành trống đánh xuôi, kèn thổi ngược mà cái hậu quả của nó khiến người ta cứ tức mình anh ách. Không nhịn được nhau sẽ có thể xảy ra chuyện lớn: đánh nhau vỡ đầu hoặc có chiến tranh.

 

Những sự việc tào lao hay có vẻ tào lao xảy ra không ít, nó bao trùm trong mọi lãnh vực kể cả vật chất lẫn tinh thần, tâm linh lẫn văn hóa, chính trị... của loài người. Cũng có khi tào lao được diễn ra ở bình diện quốc gia lẫn quốc tế như khi ông Tổng thống cường quốc nọ đem quân đi đánh nước kia vì nghi nước đó có bom hóa học. Đánh xong thì mới "OOPS !!!", cả thế giới xúm lại tìm, chẳng thấy bom đâu. Ông hùng hồn tuyên bố cuộc chiến xảy ra là vì vấn đề dân chủ, dân quyền, nhất định không phải là vì dầu hỏa hay bom. Tào lao chăng? Thật khó hiểu. Tìm hiểu sự thật, âu đôi khi cũng là chuyện tào lao.

 

Tào lao còn được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thời điểm, nơi chốn hay đối tượng nữa. Mức độ tào lao cũng tùy vào hoàn cảnh chủ quan hay khách quan của sự việc. Tào lao có tính chất tương đối, cả về ý niệm, như chuyện tào lao lúc này trở thành chuyện không tào lao lúc khác, và ngược lại chuyện không tào lao lúc nọ lại trở thành chuyện tào lao lúc kia. Những chuyện như thế phải kể đến câu chuyện của nhà “bác vật” Gallilée, trong khi cả nhân loại tin là quả đất hình vuông, riêng ông cho là quả đất hình cầu nên ông chết thảm vì nhân loại tưởng ông tào lao. Nói lên sự thật không đúng lúc, đúng người, đúng hoàn cảnh hay thời đại, âu đó cũng là chuyện tào lao chết người vậy.

 

Cũng thế, ta cũng cứ tưởng Đức Phật tào lao khi ngài nói: “Ta thuyết pháp trong khoảng bốn mươi chín năm mà ta chưa từng nói một lời nào”. Hay trong kinh, ngài dậy: “Cái gọi là Phật pháp, tức chẳng là Phật pháp, nên gọi là Phật pháp . . . Phật nói chúng sinh, tức chẳng phải là chúng sinh, cho nên mới gọi là chúng sinh”. Tưởng ngài tào lao mà lại chẳng phải tào lao, tưởng tào lao chỉ vì ta không hiểu ngài thôi. Như “Kinh thượng thừa” phải là kinh “vô tự”, bám vào “tự” ta sẽ lạc lối về, ngài dặn: “Kìa đệ tử hãy xem theo ngón tay ta mà thấy mặt trăng, nhưng nên nhớ, ngón tay ta không phải là mặt trăng”.

 

Và vì tính chất uyển chuyển, đa dạng của tào lao nên ít ai nghĩ đến chuyện cần phải "cải sửa" tào lao như người ta cố cải sửa việc làm xấu để trở thành người tốt cả. Cải sửa bản tính tào lao đôi khi lại cũng trở thành công việc của tào lao.

 

Có những chuyện tào lao ảnh hưởng đến một người, một nhóm người, hay cả nhân loại. Như cái tào lao không tưởng của Karl Max, đã bị một đám người vận dụng lý thuyết ấy để nhận chìm một phần nhân loại xuống bẩy từng địa ngục. Cũng may nhân loại văn minh đã sớm bức tử nó.

 

Tào lao là chuyện dài "bất tận", vui buồn... lẫn lộn.

 

Tôi nói tào lao một chút cho vui và để các bạn đừng nhăn mặt, nhăn mũi về những điều tôi nói tôi làm. Trong Thánh kinh có một câu chuyện kể về một người đàn bà phạm tội bị đám đông đem đến trước mặt Đức Chúa Jesus xin ngài xử tội ném đá người đàn bá ấy. Đức Chúa Jesus hỏi lại: “Trong tất cả mọi người ở đây, ai là người chưa từng làm tội lỗi thì có quyền ném viên đá đầu tiên”. Khi nghe lời phán ấy, đám đông bỏ đi. Các bạn nghĩ sao về câu chuyện này mỗi khi kết tội tôi là kẻ tào lao.

 

Tôi hỏi lại các bạn, “Có bạn nào chưa một lần tào lao thì có quyền ném vào tôi viên đá đầu tiên!” Chưa nói hết câu, cô hàng xóm nhà tôi nhặt hòn đá ném vào đầu tôi cái cốp, rồi đứng cười ngặt nghẽo. Tôi hỏi tại sao cô ném. Cô trả lời tỉnh bơ: “Ném cho bõ ghét!” Đúng là câu trả lời lãng nhách, tào lao.

 

Gân cổ lên để cãi đúng sai về một câu chuyện đã được xác định là “chuyện Tào Lao” như đề tựa bức thư này, ấy mới chính thật là ĐẠI TÀO LAO.

 

Nghĩ cho cùng, có bao nhiêu chuyện trên đời này là không tào lao nhỉ? (Cười).

 

– Nguyễn Giụ Hùng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi ngày, trước khi đi làm, Mẹ bế Nó đặt vào cái ghế xoay cạnh cửa sổ, cái ghế mà Mẹ đã đóng thêm một miếng ván vuông nhỏ kéo ra kéo vô được để làm thành cái bàn cho Nó, trên đó Mẹ đặt tập giấy, cây bút chì, hộp chì màu, cục gôm. Thêm cái chìa khóa cửa và chiếc điện thoại...
Hôm ấy, giới tăng đồ và Phật tử ở chùa Giao Thủy đã tổ chức một buổi lễ cầu an cho Thiền sư Tuệ Tĩnh và sa di Thiện Ứng lên đường về Thăng Long để sang Tàu. Lệnh vua triệu tập đã đến quá gấp rút. Thiền sư Tuệ Tĩnh không thể nào chọn kịp người kế thừa để lo tiếp kế hoạch phục vụ dân sinh trên lãnh vực y dược đang thực hiện dang dở của ngài...
Anh cũng như bao nhiêu người sĩ quan khác ở miền Nam. Sau 75, đều bị tập trung cải tạo. Những tháng đầu anh được vợ gửi cho một hai lần đồ ăn, sau đó thì biệt tăm. Anh được phép viết thư về cho gia đình nhiều lần. Nhưng không thấy vợ trả lời...
Bữa đó, vừa mới nhập trại Panatnikhom được vài ngày, bốn đứa chúng tôi đang nằm tán dóc trong nhà thì nghe tiếng bước chân rầm rầm ngoài cửa. Chúng tôi nhìn ra thì thấy bác nhà trưởng và một số người khác đứng lố nhố, những bộ mặt vô cùng nghiêm trọng, nặng nề còn hơn trong “Cái Đêm Hôm Ấy, Đêm Gì?” của Phùng Gia Lộc...
Một buổi chiều tháng 3 năm 1994, có một thiếu phụ đến gõ cửa căn nhà gỗ của ông Vương Hồng Sển trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận Bình Thạnh. Ngôi nhà gỗ lúc ấy còn rất đẹp, được chăm sóc kỹ lưỡng. Khi cô đến, ông Sển ra tiếp cô ở trong vườn phía trước nhà...
John Steinbeck sinh tại Salinas, California năm 1902 - một thành phố cách xa bờ biển Thái Bình Dương vài dặm, gần Thung Lũng Salinas màu mỡ và cách San Jose khỏang 70 dặm Anh. Nơi đây đã được dùng làm bối cảnh cho nhiều tiểu thuyết của ông...
Tôi đứng ôm cặp sách nơi đầu đường con hẻm lớn, mặt hướng về ngã năm chờ đợi chuyến xe, không để ý phía bên phải tôi tiệm Minh Ký Trà Gia đang khách vào ra liên tục...
Sau khi ghé thăm Thành phố Baltimore thuộc Tiểu bang Maryland, hôm nay chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình để đến thăm Tiểu bang Pennsylvania, một tiểu bang rộng lớn, trù phú, có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử của quốc gia Hoa Kỳ...
Ngày Thước bước ra, nàng không mang theo bất cứ thứ gì nàng đã sắm trong tám năm. Nhờ nàng, Thụy có ê hề những thứ nàng để lại, nào bàn, ghế, sô pha. Những TV nhỏ, lớn. Những hình, ảnh, những giỏ hoa, nàng thường để trên bàn trang điểm, vẫn còn...
Hải đảo Ga Lang vào thời điểm 1978. Hải âu bay rợp trời. Cơm xấy, cá khô, đậu hộp và là những món ăn quen thuộc của người việt tị nạn trên đảo. Cứ đến giờ là mọi người xếp hàng đi ăn, có khi không phải là đói mà vì cả thói quen, kể cả thói quen chờ đợi, chờ đợi được làm giấy tờ. Chờ đợi được ra đi đến một quốc gia nào đó… Mỹ, Pháp, Úc, Đức… đâu cũng được thôi. Quê hương Việt Nam đã rời bỏ đi rồi, thì nổi trôi đến đâu bám tới đó...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.