Hôm nay,  

Con cám ơn

01/04/202211:42:00(Xem: 1753)

Truyện ngắn

 

lao cai
 

Tôi thích ăn phở và người Việt Nam nào đa số đều ưa ăn phở. Phở gà Hiền Vương thơm phức, được trang điểm thêm chùm trứng màu vàng ngà bên hành ngò xanh mướt, bắt mùi.

 

Phở Bolsa, phở ở Little Saigon, Cali, ôi tô phở mới hấp dẫn làm sao cả về phẩm và lượng, tô thì lớn, phở thì nhiều, thịt tái, nạm, gầu đầy ắp, nước phở thơm lóng lánh sóng sánh mùi hành, ngò, húng quế, ngò gai trộn thoang thoảng quế hồi vừa thơm lừng vừa bát ngát.

 

Quê hương Việt Nam tôi đó, ai đi đâu xa vời vợi cũng đảo mắt có ý tìm ăn phở… phở được ví với người tình mà! Người tình phở đó là nói các quý ông… Còn bản thân tôi khi tới San José vào tiệm phở gì ở ngay bến xe đò Hoàng cạnh khu chợ Việt Nam đầy trái cây Á Đông, tiệm phở chỉ một chữ PHỞ thôi, nhưng rất khang trang rộng rãi, cháu tôi gọi cho tôi tô phở gà, lòng gà, tô phở mang ra trước mặt, tôi lặng người nhìn… sao cả cái tô cái đĩa và bát phở nó giống thế, phải gọi đây là phở Nam Xuyên Lý Quảng mới đúng. Tôi lấy máy nhỏ ra chụp hình. Nó thơm quá, đẹp quá, mùi phở, mùi quê hương hòa lẫn mùi ân tình cũ của Saigon năm xưa!

 

Câu chuyện tôi thuật sau đây là phở mà phở chỉ là phụ, còn người ăn phở và bán phở mới là chính. Câu chuyện ăn phở tình nghĩa này may mắn không diễn ra ở Hà Nội ngày nay, không diễn ra ở phố Lý Quốc Sư thủ đô ngàn năm văn vật thời mở cửa này, mà xảy ra ở một con phố nhỏ, đường lên miền cao mà xưa gọi là miền thượng du, miền Bắc Việt Nam.

 

Tiệm phở đó mang tên phở Hiền, tọa lạc ở thành phố Lào Kai, phía đông bắc Hà Nội, là miền cao, xưa gọi là thượng du, nơi tọa lạc dãy núi Hoàng Liên Sơn, rồi Lai Châu, rồi Hà Giang… Tôi cũng không hiểu sao tôi đại kỵ đại ghét phe thắng cuộc mà tôi lại lần mò lên đó. Có thể tôi cảm câu hát: « Đường lên núi rừng, sao hãi hùng, ôi gió lộng…» nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàng (Quảng Trị) nhưng mà không, nay đường lên núi rừng hết hãi hùng, hết vắng vẻ rồi, có lên cao so với đồng bằng, nhưng không ngút ngàn như xưa nữa, mà giờ có đường đi, có đường xa lộ từ Hà Nội lên Lào Kai đi khoảng 3 giờ, nếu mà đi đường xa lộ thì thư thả hơn, mất khoảng 6 giờ đồng hồ, bạn có thể ngắm cảnh rừng xa xa, những con đường vòng vèo uốn khúc, thành phố khá khang trang và nhiều mái nhà đủ màu sắc có một chút hỗn độn, nhưng cũng có những con đường mòn vắng vẻ thưa thớt, khá yên tĩnh mà nếu muốn đi bộ mon men theo bờ cỏ non, bạn có thể vừa đếm bước vừa đọc thơ thiền:

 

Khi xưa bên lối cỏ mòn,

Sư Cô gánh nước lên non tưới vườn.

Ê a câu kệ vô thường,

Rớt theo giọt nước bên đường cỏ khô.

Ngày nay lối cũ tình cờ,

Thấy như lai trụ bên bờ nở hoa!

 

Ở cái thành phố Lào Kai đó, tôi vô tình gặp hai cha con người đó đi ăn phở.

 

Xin dài dòng một chút, tôi là người đồng chua nước mặn, Thái Bình, tôi đã theo cha tôi về Hải Phòng lúc 5 tuổi là năm 1950. Năm năm sau, 1955, tôi di cư vào Nam, sống đi học ở Saigon tới 1975. Rồi sau 1975 tôi sống với cộng sản tới năm 1982. Suốt bảy năm chung sống với họ, thật tôi mắc bệnh chán nản và không một chút ưu ái nào với họ hàng bà con từ miền bắc vào thăm. Phải nói là tôi ghét họ. Ghét chế độ, ghét cộng sản, ghét cả con người vùng miền đó, dù từ nơi đó tôi được sinh ra.

 

Nay tôi đã gần hết cuộc đời và tôi vẫn thấy cái gì ở chỗ đó là đều xấu, rất xấu. Nhưng lần đó, tôi trở về, về dối già nơi chôn nhau cắt rốn và tôi gặp: hai cha con người đó đi ăn phở.

 

Lúc đó tôi chẳng chú ý tới ngoại cảnh xung quanh nữa, vì hình như đi bộ nhiều, tôi mỏi cẳng và thấm mệt, tôi ghé vào quán phở bình dân ở miền cao, nhưng khá ngăn nắp và sạch sẽ, được kể như là chu đáo khang trang với một bà chủ quán ăn mặc nền nếp quần đen, áo cánh trắng, tóc bới gọn gàng và ăn nói vừa phải, lịch sự, nếu muốn gọi là phong độ cũng được.

 

Tôi đã ăn xong một tô phở chín nhỏ và uống nước thêm, cũng xin ngồi nghỉ lại chốc lát nơi quán. Tiệm cũng trung bình có hai dãy, mỗi dãy 3 bàn, vị chi có cả thảy 6 bàn cho khách. Quầy nấu và tủ kính bày hàng lại ở trong cùng. Mặt ngoài cửa có cái bàn dài như bàn học trò có bày 1 khay nước, 1 bình trà và một lọ cổ cắm đầy hoa mẫu đơn, mà trong Nam ta gọi là bông trang.

 

Tôi đã ăn rồi thì dĩ nhiên có thể quan sát họ một cách tự nhiên vô tư, nhưng để cho kín đáo, tôi lôi trong giỏ ra một cuốn sách nhỏ, làm như chăm chú đọc, tôi cũng lấy điện thoại cầm tay ra để ngay trước mặt. Nhưng mà tôi tò mò thiệt!

 

Hai cha con người đó đi ăn phở. Người cha lối 50 tuổi, người tầm thước, hơi gầy, mặc một bộ đồ bộ đội cũ, sờn vai, sờn gấu tay áo. Ông đã bỏ mũ xuống bàn, hai cha con nói chuyện vui vẻ, à thì ra ông ta là một bộ đội phục viên, họ vui vẻ lắm vì mấy tháng rồi mới được gặp lại nhau. Ông ta vá lốp xe ở bên đường ngay vòng đai lối vào thị xã, kiếm ăn tạm qua ngày. Còn anh con trai là sinh viên năm thứ nhất, ban công nghệ thông tin ở Hà Nội về thăm nhà.

 

Người con trai manh mảnh cao, còn rất trẻ, khoảng 19, 20 tuổi gì đó. Trông nhanh nhẹn có vẻ tháo vát. Anh kể với cha là ngoài giờ học ở trường, anh có đi kèm thêm như gia sư cho một em nhỏ, mà tiếc rằng tháng này bé học sinh đó bệnh, nên anh kiếm chẳng được bao nhiêu. Về thăm nhà kỳ này, anh nói nhỏ giọng xuống nghe không rõ lắm, dường như anh muốn mua món quà gì đó tặng bố mẹ mà mua không nổi, vì chỉ còn ít chục ngàn trong túi, sau khi đã chi phí tiền xe cộ. Không quan trọng quà cáp, con về là bố vui lắm rồi, mình gọi phở ăn đi, hôm nay bố trả, bố có tiền đây con. Hai người gọi phở, người con trai đi khuất vào gần bà chủ quán, nói nhỏ:

 

– Bác cho cháu 2 tô phở, một tô có thịt và một tô không thịt, xin thêm nước và hành hoa thưa bác.

 

Bà chủ cẩn thận để hai tô phở nghi ngút khói trong một cái khay khá đẹp mang ra, người con đặt nhẹ tô phở với thịt trước mặt cha và tự nhiên ăn tô của mình sau khi mời bố. Chắc có lẽ đói!

 

Ông bố trang bị chanh, ớt, tương, tiêu, rồi từ từ gắp từng lát thịt bò sang bát của con:

 

– Con ăn đi, ăn còn có sức mà học, bố già rồi, ăn nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe.

 

Người con ngỡ ngàng bịn rịn nhìn cha một giây, rồi rón rén gắp lại thịt sang tô phở của ông.

 

– Bố ơi, bố già rồi, bố cần bồi dưỡng, sức con trai trẻ mà bố.

 

Họ gắp qua gắp lại, sau đó hình như thỏa thuận với nhau chia thịt đều làm hai phần.

 

– Bố ơi, bố mẹ ráng giữ gìn sức khỏe tốt nhé, chờ một vài năm nữa con học xong… hoặc là con về ở cùng bố mẹ, hay là xin được việc làm tốt ở đâu thì con mang bố mẹ theo con tới ở chung.

 

Hai bố con ăn từ tốn, chậm rãi vừa rì rầm tâm sự. Hình như cũng khá lâu rồi họ mới được gặp nhau. Tôi thiu thiu tựa đầu vào thành ghế ngủ gật sau tờ báo rộng.

 

Bà chủ quán tựa cột nhìn xa xa, quán vắng khách, giờ đúng ngọ, vài con chim chìa vôi đuổi nhau lào xào trên bờ rào cây chành giành nhu nhú đầy nụ vàng tươm.

 

Tôi nghe tiếng dép bước nhẹ nhàng, người chủ quán quay vào trong, có tiếng phì phò bật lò bếp, mấy phút sau, có tiếng dép, vẫn là bà chủ quán từ trong bếp đi ra, tay bưng đĩa thịt bò còn bốc khói, bà dừng lại đặt đĩa xuống bàn ăn của hai người khách duy nhất, bà nói trước, tôi ngủ gật, nhưng tôi nghe rõ giọng bà nói, khoan thai và từ tốn, vừa đủ nghe, tôi cố gắng lắm mới nghe lóm được, bà nói như giọng điệu từ từ và ấm áp như của vợ nói với chồng, của người mẹ chu đáo nói với con:

 

– Đây, thịt bò tái tương gừng đây, bố con ăn đi, ăn ngon miệng nhé! Tiếc là ở đây, bác không có tương Cự Đà, bác chỉ có tương bần thôi. Cha con dùng thử.

 

Cậu con trai vội lật đật đứng lên:

 

– Dạ thưa bác, con không có gọi thêm đĩa thịt này. Xin bác cất đi cho.

 

Nhưng bà không cất đi, bà nhẹ để tay lên vai người bạn trẻ giải thích:

 

– Con ơi, bác vừa giật mình nhớ ra ngày hôm nay là ngày kỷ niệm đúng 10 năm bác mở quán ăn này, nên thịt bò không tính tiền, bác chiêu đãi khách. – bà hạ giọng – nhờ trời phật gia hộ, mười năm qua bác kiếm đủ ăn. Con cứ nhìn bình hoa ở cửa ra vào là con thấy đó, bác kỷ niệm!”

 

Tần ngần một phút! Hai cha con tiếp tục ăn, hình như họ khen với nhau thịt bò mềm và ngọt quá. Ăn xong họ uống nước trà. Người cha xoay xoay bình trà ấm, ấm ấm bàn tay, ông cảm thấy thật dễ chịu, người con trai ý tứ gạt chanh và chút ớt còn cặn vào chén nước mắm nhỏ. Chén nhỏ anh xếp vào trong chén lớn, 2 tô xếp gọn vào lòng hai cái đĩa đựng tô, đũa và muỗng xếp thứ tự gác lên thành miệng bát, mảnh khăn ăn còn lại, anh cũng ý tứ lau sạch bàn ăn.

 

Hai cha con ngồi tâm sự rì rầm với nhau, khoảng nửa giờ sau thì họ chào cảm ơn, từ giã chủ quán ra đi nhẹ nhàng như gió thoảng.

 

Bà chủ quán tiễn khách rồi đứng tì tay bên bàn cửa tiệm, bà ngó theo hai bố con người khách vừa ăn xong, vừa ra đi. Bà cứ nhìn theo mãi cho tới lúc bóng họ vừa khuất hẳn dưới con đường dốc xa xa. Bà đã nhìn, đã quan sát thằng con trai đó lúc nó thong thả xếp từng cái chén nhỏ vào lòng cái tô lớn. Bà thầm nhủ giá mình có thằng con khả ái như thế thì hạnh phúc biết bao! Bà cứ đứng như thế đợi gió chiều nhè nhẹ đến, rồi cũng đến lúc phải quay vào dẹp bàn ăn của khách. Hoa gạo đỏ đã bắt đâu rơi trên vai áo! Bà mỉm cười khi thấy chén bát thằng bé đã xếp gọn gàng. Bà nhấc lên khỏi mặt bàn, dưới cái đĩa cuối cùng thì bà thấy có một tờ giấy bạc 50.000 đồng chặn ở dưới! Con cám ơn.

 

Bà bỏ đống bát bước vội ra cửa ngó theo hướng hai bố con vừa đi khỏi, nhưng họ đã đi đâu đó khuất xa rồi!

 

Chúc Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trời tối dần tại bến xe Bà Hạt, chúng tôi lên đường. Tôi nhìn lại Sài Gòn lần cuối (lần nào đi vượt biên cũng có tiết mục nhìn Sài Gòn lần cuối, và lần này là… lần cuối thật sự). Xe chạy ra xa lộ hướng về Mộc Hoá, Long An, gió đêm mát rượi. Nửa khuya, tôi đang chập chờn ngủ thì xe dừng lại, mọi người nhốn nháo bảo nhau “đã tới biên giới Cambodia”.
Xứ Hoa Dương xinh đẹp và thanh bình, những cánh đồng hoa dương bạt ngàn rực rỡ một màu vàng tươi tắn, những cánh đồng lúa mì óng ả như mái tóc phụ nữ Hoa Dương. Đất đai phì nhiêu, trù phú đủ để người Hoa Dương sống sung túc an lành dưới bầu trời xanh thanh bình. Điều này đã làm cho ma vương sanh tâm đố kỵ, y thèm khát mảnh đất ấy từ lâu, y có tham vọng ngông cuồng như những tiền bối của y là phải chiếm lấy cho bằng được.
Từ hơn hai năm nay, kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, như mọi người lớn tuổi, tôi ít khi ra ngoài nhà, trừ phi bắt buộc đi mua chút đồ ăn, đi bác sĩ, đi chích ngừa… Phần lớn thời gian là cách ly với mọi người, một hình thức như là mort sociale. Nhưng không mình vẫn sống nhăn và phải sống để thấy « thương hải biến vi tang điền ».
Không biết có nơi mô giống quê tôi, vùng bán sơn địa miền tây Quế Sơn, gọi cây sống đời bằng tên lụp bụp. Mỗi lần nghe có chút mưa phùn gió bấc, dù ở đâu, làm gì tôi vẫn nhớ về quê nhà với những chùm hoa lụp bụp và những kỉ niệm êm đềm thời thơ ấu!
Tôi chưa được may mắn ghé thăm Đà Lạt trước mùa xuân 1975. Phải đến mười năm sau nhân hè muộn 1985, như một duyên may, gia đình nhỏ của tôi mới đặt chân lên Đà Lạt. Một chuyến đi chơi đáng nhớ những năm tháng quạnh hiu ấy.
Sài Gòn có con đường nối liền hai đường song song Bùi Viện và Phạm Ngũ Lão, nối khúc gần rạp hát Thái Bình ngày xưa với khúc đuôi của Phố Tây Bùi Viện. Con đường không dài hơn 2km đâm ra bến xe buýt mới Sài Gòn, chỗ trước đây nằm trong khu ga xe lửa Sài gòn tên là Đỗ Quang Đẩu. Cái tên Đỗ Quang Đẩu của con đường nầy ngày nay hình như vẫn còn, vẫn mang tên cũ... Nhưng Đỗ Quang Đẩu là ai, sao lại có tên đường ngay một vùng rất gần với những khu tấp nập của Sài gòn? -- Học giả Nguyễn Văn Sâm, nổi tiếng với những công trình biên khảo văn chương nghệ thuật đặc thù Nam bộ, cho chúng ta câu trả lời qua bài viết sau. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Rồi sau đó tôi hét lên, hét thật lâu, và có hết sức lực để hét, rồi tôi trở nên điếc thật, và chết thật sự. Nhưng điều đó đã không xảy ra, tôi chỉ không thể nói được trong rất nhiều tuần lễ.
Mùa đông xuân năm nay, trời lạnh sớm, cái lạnh tái tê kéo dài từng đợt trên khắp cả nước, từ miền cao đến châu thổ. Có những nơi như đèo Ô Qui Hồ, Mẫu Sơn, Y Tý… tuyết rơi trắng xóa. Tuyết nơi miền chí tuyến! Cùng với tiết trời là những đợt gió rét mướt vi vu dễ làm chùng lòng, chẳng dám dậy sớm đi biển. Nên nhớ vẩn vơ. Nhớ gió qua bao nỗi niềm.
Luật bất thành văn/ cho phép anh nói dối một ngày/ anh nói dối cả đêm...
Hôm nay, ngày 30 tháng 3 năm 2022, đúng 47 năm ngày kỷ niệm trận Khánh Dương, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù rút quân về Phan Rang, theo sau là đoàn xe của quân đội và đồng bào theo chân quân đội quốc gia xuôi về nam lánh nạn cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.