Hôm nay,  

Đồng Nghiệp Dị Chủng

11/03/202209:44:00(Xem: 1968)

Truyện ngắn

worker

 

Ông anh họ, là nhân viên ngân hàng ở Việt Nam, gật gù:

 

– Vậy ra, Thi làm ở phòng Tham Mưu Tín Dụng Quốc Tế.

 

Tôi giật bắn cả người:

 

– Úi trời trời, nghe sao mà dao to búa lớn quá vậy. Việc của em đơn giản lắm, săm soi mấy con số trong báo cáo tài chánh của con nợ, vạch lá tìm sâu. Rồi viết lời đề nghị, nên cho vay bao nhiêu. Hội đồng quản trị của ngân hàng quyết định, chớ em đâu có quyền hạn gì.

 

Ông anh nghiêm giọng:

 

– Mấy lời bàn ra, bàn vô đó, tiền không! Chẳng biết ở Tây thì sao, chứ ở ta, mấy ghế này, phúc lợi từ cửa sau nhiều lắm, xây cửa, xây nhà mấy hồi.                         

 

Tôi ngồi ở “ghế” này mấy năm. Bổng lộc đến bằng cửa trước đàng hoàng, ghi tên tôi là người nhận ngay ngắn. Có lịch các loại, hoặc dao rọc thư, hoặc khối thủy tinh, thẻ kim loại để chận giấy. Cứ đà này, tôi bám trụ ở đây mãn kiếp, vẫn chưa đủ vật liệu xây nhà. Thật ra, tôi chẳng hề mơ màng đến những đặc quyền, đặc lợi của công việc. Nhưng đôi lúc, giữa những tám tiếng ở văn phòng, tôi hay có những ý nghĩ rất... khoa học giả tưởng. Chẳng hạn như Diedrich không phải từ Hamburg, tít tận bắc Đức, mà là Đình, dân Hà Nội. Chẳng hạn như Viktor, chẳng phải là dân Franfurt ở trung Đức mà là Vinh, chàng trai xứ Huế. Ngồi đối diện tôi là Ralph, người Bavarian duy nhất trong nhóm. Khi ông trưởng phòng xếp chỗ ngồi, tôi than thầm, xúi quảy thiệt, boss đặt đâu phải ngồi đó. Chớ nghe nói, dân miền nam Đức khó chịu, kỳ thị chủng tộc lắm. Ban đầu, tôi kính nhi viễn chi. Dần dà, tôi thấy thiên hạ dường như gieo tiếng ác cho người dân Bavarian. Ralph rất dễ thương, đã nhiều lần “quạt” thẳng tay những ai dám xách mé hình thức và nội dung da vàng, mũi tẹt của tôi. Trong văn phòng, Ralph nói tiếng Đức tiêu chuẩn... quốc tế. Nhưng khi nói chuyện với người nhà, Ralph chuyển “tông” qua tiếng địa phương. Tôi nghe, tiếng được, tiếng mất. Tưởng tượng như nghe một người Việt miền Tây nói, “bắt con cá gô bỏ trong cái gổ nó kêu gột gột”. Tôi chớp vội vài ba chữ hiểu lõm bõm, láo lếu nhại giọng Ralph. Ralph không chấp nê tôi, chửi cha không bằng pha tiếng, mà còn chỉ cho tôi dăm ba câu thổ ngữ thứ thiệt của nhà quê Bavaria. Lâu lâu, tôi trả bài, cả đám có dịp cười rân. Tôi nghĩ, nếu nói tiếng Việt với Ralph, sẽ xưng hô ông tui, chớ không lẽ mày tao sao. Có lần Ralph kể về một chuyến nghỉ hè ở Úc và Tân Tây Lan. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với Ralph là Tân Tây Lan không có thú dữ. Tôi trề môi, tỏ vẻ nghi ngờ:                              

 

– Thiệt không? Tui chưa đi Tân Tây Lan lần nào. Nhưng tui chắc chắn bên đó có thú dữ.

 

Ralph giọng chắc nịch:

 

– Đã không biết mà còn bày đặt hỏi vặn vẹo. Đánh cá một cây kem nhe. Tôi sẽ đưa sách nói về thú vật xứ đó cho Thi coi.

 

Tôi nhún vai rất “lạnh”.

 

– Khỏi cần, ông đưa cho tui coi lại xấp hình ông chụp bên đó đi.

 

Ralph đẩy xấp hình qua:

 

– Đây, người đẹp cứ tự nhiên. Trưa nay đi mua kem, nộp cho tôi.

 

– Đừng có mơ với mộng!

 

Tôi chùn mũi, rút tấm hình Ralph chụp giữa phố, thảy ra trước mặt Ralph. Tôi chỉ mấy cô gái trong hình, nhướng mày hỏi:

 

– Đây là gì hả? Không phải thú dữ sao! Quê nhà tui, quý ông khơi khơi gọi tụi tui là cọp, là sư tử.

 

Ralph không nín cười được:

 

– Okay, chịu thua. Vậy chớ Thi là cọp hay sư tử?

 

– Vừa cọp, vừa sư tử mà còn hơn nữa...

 

Tôi bỏ dở câu nói, nhớ đến bài hát Ta Yêu Em Lầm Lỡ của nhạc sĩ Phạm Duy thuở nào. Ai đời, đường đường một đấng nam nhi, hậu duệ của Lạc Long Quân, mà tự xưng là loài cỏ cây man rợ, loài ma quái ngu si. Rồi rền rĩ ta yêu em lầm lỡ, bây giờ đường nào đi. Ta hỏi lẩm cẩm xong, ta dài giọng chì chiết em yêu ma quỷ dữ đã đến gieo sầu đau. Vừa phải thôi chớ, em nghe mà sôi cả ruột gan, ta rặt một tuồng đem than gắp bỏ tay người.

 

– Sao, là beo, báo hay gấu?

 

Tiếng Ralph kéo tôi khỏi cơn nóng mặt giùm cho bao nhiêu con cháu Âu Cơ. Tôi rùn vai:

 

– Là gì nữa hả? Chắc tui cần cả nửa ngày để cắt nghĩa. Mà thôi! Tui còn cả đống việc. Lúc khác nghen.

 

Nói vậy, chớ tôi nghĩ, Ralph chẳng bao giờ có thể hiểu được. Tiếng Đức của tôi, dù được rèn luyện qua nhiều năm trung học và đại học với người bản xứ, cộng thêm dạn dày kinh nghiệm thông ngôn. Nhưng tôi làm sao cắt nghĩa Ta yêu em vất vả, ôi! lần cuối lần đầu, em là cành gai sắc cho thịt nát xương đau... Tôi có đanh đá với Ralph rằng, người khôn nói với người… kia bực mình. Chắc Ralph cũng chẳng thấm, để mắng tôi điêu ngoa, chua chanh, chát khế.

 

Ralph kể, khi ông trưởng phòng dẫn tôi đến nhận việc, Ralph nghĩ, tôi là người Hoa, tức sẽ gặp vấn đề với chữ R. Tôi cười lục khục:

 

– Ông yên tâm. Tui không gọi ông là Lalph đâu. Nhưng cái chữ L cắc cớ ở giữa lại làm tui tréo cả lưỡi. Nếu ông cho phép tui gọi ông là Raph, chắc tui sẽ tăng tuổi thọ thêm vài năm.

 

– Ừ, gọi sao cũng được. Hy vọng Thi thông cảm. Trong con mắt Âu châu của chúng tôi, người Á châu nào cũng giống nhau.

 

Tôi đâu thèm để bụng chuyện lặt vặt này. Tại, nhầm lẫn như vậy đã xảy ra nhiều lần. Mà tôi rầu nhất, là lần người đồng hương nhầm. Trong hội Tết, khi mấy cô bé Bắc kỳ đang quây quanh chồng tôi hỏi chuyện, chồng tôi chỉ tôi:

 

– Bà xã anh tới rồi đây. Mấy em thắc mắc gì, thì cứ hỏi chị đi nhe.

 

Một cô bé láu táu:

 

– Chị chắc là người Trung?

 

Tôi lật đật mừng rỡ. Thường thì, trời có tối như đêm ba mươi, nghe giọng tôi cũng biết tôi từ nơi quê hương em nghèo lắm ai ơi. Nhưng đằng này, tôi đã mở miệng đâu. Mà cô bé nhận ra, chắc trông tôi ngoan hiền như mấy o Huế chính hiệu chớ gì. Chao ơi, sao hồi giờ, bao người nhận ra điều này, mà chẳng nghe ai “thành thật” góp ý cho tôi vui. Tôi chưa kịp lên tiếng để xác nhận cho cô bé, là cô có nhận xét rất chi chính xác, thì cô khác phản đối:

 

– Này, đằng ấy nói thế nào đấy chứ. Mắt chị ấy không xếch, mà lại to nữa.

 

Nếu hơi “chậm tiêu” như thường lệ, chắc tôi vội lên tiếng đính chính rằng, cô bé ơi, có lẽ tại cô bé chưa đặt chân lên đất Thần Kinh, nên cô có suy nghĩ sai lạc về đôi cửa sổ linh hồn của người xứ đó. May quá, bỗng nhiên, trong đầu óc rù rờ của tôi sáng lên ánh chớp. Trung đây là Trung Quốc nằm phía bắc của Cao Bằng. Chứ không phải là Trung Việt, nằm ở phía nam Hải Phòng. Tôi nào trách chi lời con trẻ nói thiệt, tưởng nhầm tôi là thím xẩm. Cho chừa cái tật xí xọn, mặc áo chẽn nút vải. Chỉ ngậm mà nghe thôi, đã đau nhoi nhói ở tâm thất trái hết mấy chục phút.

 

Vào hãng, như thường lệ, Ralph chào “Hi”. Tôi muốn ghẹo, giả đò hỏi:

 

– Ông nói Hai với ai đó?

 

– Với Thi. Tại sao?

 

– Tại tui không phải Hai mà là Năm. Biết chưa! Tui là con thứ năm trong gia đình, hai là Zweite, mà tui là Fünfte, là Năm.

 

– Trời đất, tôi có biết nói tiếng Việt hồi nào đâu. Tôi là người Đức mà.

 

– A, vậy ý ông nói tui là cá mập. (Hai: tiếng Đức có nghĩa là cá mập) 

                               

– Aha, tôi đâu chào bằng tiếng Đức. Tôi không nghĩ đến điều này. Nhưng bây giờ tôi thấy Thi đúng là cá mập. Ralph cười cười.

 

Từ đó, Ralph hay gọi tôi là Hai hoặc Sharky. Giữa hai bàn chúng tôi, gần hai màn ảnh computer to tướng, tôi trưng mấy chậu cây hết đất sống ở nhà tôi, một chậu long tu, một chậu thủy trúc và cây lan hồ điệp chỉ toàn lá. Có lần, tôi đang chăm chú truy cập thông tin trên liên mạng, tay điều khiển con chuột, tay kia cầm hột xí muội nhâm nhi. Bất chợt, tôi có cảm tưởng bị “theo dõi”. Ngước lên, nhìn qua mấy chậu cây, Ralph đang quan sát tôi. Bị bắt gặp, Ralph lúng túng:

 

– Thấy Thi đang ăn say sưa món gì đó. Tôi nhìn nãy giờ vẫn chưa nhận ra.

 

Tôi phịa:

 

– Đây là một món trân châu. Vừa ngon, vừa bổ.

 

Tôi lạng ghế qua hộc tủ, lấy hộp kẹo ho đựng xí muội. Mở nắp hộp, tôi chồm qua bàn:

 

– Mời ông ăn thử miếng ngon quê tui.

 

– Cám ơn Thi.

 

Ralph nhón một hột xí muội, cho vào miệng. Tôi không kịp hướng dẫn cách ăn, chưa kịp tưởng tượng phản ứng của Ralph. Mặt Ralph nhăn quéo, quýnh quíu lấy khăn giấy, nhả hột xí muội vào khăn. Ralph như chưa hoàn hồn, lắp bắp:

 

– Xin lỗi, xin lỗi Thi nhe. Vị của món này lạ quá. Tôi, tôi không vứt đâu. Lát nữa tôi sẽ ăn, và ăn hết.

 

– Ông biết không, ăn chầm chậm thưởng thức. Chứ ông thảy cả hột vào miệng như ăn sô–  cô – la là hỏng.

 

Tôi nói từng chữ, cố giữ cho mình đừng cười rú lên. Chớ Ralph vừa hoảng sợ, lại vừa cảm thấy bị quê mà ngã lăn ra, tôi mang tội ngộ sát, hay cố sát chứ chẳng chơi.

 

Ôi, bây giờ lên lớp cho Ralph về nghệ thuật ẩm thực của lứa tuổi thích ô mai, chắc như đàn gảy tai trâu. Tôi biết tỏng Ralph chờ tôi quay đi, lén vứt hột xí muội vô thùng rác. Tôi tội nghiệp cho số phận hẩm hiu của hột xí muội... trao thân nhằm tướng cướp.

 

Ralph xúi... khôn tôi nhiều chuyện. Tôi nhận được thư báo tặng cổ phiếu của ngân hàng, phần thưởng đồng đều cho nhân viên còn trong mức lương cố định. Tôi nói, sẽ bán để đãi gia đình tôi vài bữa đại tiệc. Hỏi Ralph sẽ làm gì với mớ cổ phiếu đó. Ralph sửa sửa gọng kính:

 

– Tôi lãnh lương ngoài mức. Nên chờ đến tháng ba, khi có kết quả tổng kết tài chánh của ngân hàng, mới có tiền thưởng.

 

Buổi trưa khi đi ăn chung, Ralph rành rẽ chỉ dẫn cho tôi nhiều lập luận để nói chuyện với xếp, đòi lên lương. Tôi rất ngại nói chuyện tiền bạc:

 

– Ralph à, tui cảm thấy hài lòng với lương bổng hiện tại. So với đồng nghiệp cùng phòng, tôi là người đến sau rất lâu.

 

– Thi nghĩ như vậy là sai. Thi cũng nhận công việc tương tự như những người khác. Những đòi hỏi trong việc làm buộc phải có thù lao tương xứng. Nếu Thi không chu toàn trách nhiệm, thì xếp đã “bứng” Thi đi rồi.

 

Tôi hoãn binh:

 

– Ờ, ờ, thong thả tui lựa lời nói với xếp.

 

– Thong thả là bao giờ. Chắc Thi không đủ tự tin để nói chuyện chớ gì?

 

Tôi sửng cồ:

 

– Còn lâu à. Ông chống mắt coi nhe. Nội trong tuần tui sẽ lo xong chuyện này.

 

Có lẽ do câu nói khích của Ralph, tôi đùng đùng gặp boss, dõng dạc, “Thưa xếp, tôi có thể nói thẳng với ông...” Khi nhận được thư báo tăng lương từ phòng nhân sự, tôi vui, vì có thêm xu hào mỗi tháng trong trương mục. Nhưng có lẽ vui hơn, vì thấy mình đã biết… mở miệng. Tôi kể cho Ralph nghe, rồi đùa:

 

– Vậy là từ nay gia đình tui sẽ ăn tôm gỗ.

 

Ralph ngây thơ, tưởng đó là loại tôm, như tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm...

 

– Tôi không rành về hải sản, nhưng đoán tôm gỗ ngon lắm.

 

Tôi rõ ràng từng chữ:

 

– Không phải hải sản, mà là mộc sản. Tôm bằng gỗ mà.

 

Ralph nói như reo:

 

– Tôi đoán, sắp được nghe một câu chuyện lý thú.

 

Tôi đều đều giọng văn tả cảnh:

 

– Ừ, hồi giờ tụi tui thích ăn đồ biển lắm, mà không có tiền mua. Cho nên tui sắm con cá gỗ. Mỗi bữa dọn lên bàn, ngày nào cũng có cảm tưởng thưởng thức hải vị. Bây giờ lên lương, ăn món sang hơn, ăn tôm gỗ đó.

 

Ralph xuýt xoa:

 

– Chúa ôi! Tôi thấy người Việt có óc khôi hài dễ thương ghê.

 

Tôi ngoe ngoảy:

 

– Ông đừng có vơ đũa cả nắm nghe. Có tới mấy chục triệu người Việt. Ông mới nghe một mình tui nói, đã vội vàng nhận xét này kia.

 

– Thi làm tôi tò mò muốn biết về quê hương của Thi lắm. Kỳ nghỉ tới, có lẽ tôi sẽ đến Việt Nam, để coi thú dữ ở đó... dữ chừng nào.

 

Tôi thấy vui vui. Ralph đâu đến nỗi “u mê” như tôi vẫn thỉnh thoảng hồ đồ tuyên bố.                      Ralph đi ngang, gõ gõ nhẹ bàn tôi:

 

– Thi à! Ngồi thẳng lưng lên. Khòm như vậy hại cột sống đó.

 

Tôi sửa thế ngồi, ậm ừ, mắt vẫn không rời màn ảnh, tay vẫn nhấn bàn phím rào rào. Hồi xưa, tôi đã có thời hài lòng với cái tật khòm của mình. Tại có người “chôm” đâu đó câu thơ Dáng đứng lưng còm, dễ thương dữ dội!  Cho tôi lô... độc đắc. Bây giờ, lô độc đắc xài hết rồi, tôi đôi lúc muốn “sửa lưng” mình, mà coi bộ tật thành mãn tính. Tôi đành tự trao giải an ủi, mình có tật, chắc có tài. Tật thì rành rành đó, mà tài nằm đâu kỹ quá, tìm hoài chẳng thấy. Ờ, ờ, nếu bây giờ người ta có hỏi Vẫn tóc ngang vai, vẫn dáng đứng lưng còm? Thì tôi sẽ trả lời rằng...

 

– Thi à, Thi nói bà Krone thủ kho bút chỉ văn phòng đặt mua loại nệm ghế đặc biệt để ngồi cho đúng.

 

Vừa nói, Ralph vừa đưa cuốn Hướng Dẫn Chăm Sóc Sức Khỏe Cho Những Người Làm Việc Văn Phòng. Khỉ thiệt, Ralph lại “phá đám”.

 

– Ừ, ừ...

 

Tôi đang tiếc phút mơ màng, để tâm hồn treo ngược ở cành cây, nên không thấy Ralph đang nhìn tôi chờ đợi lời cám ơn.

 

Thứ Hai vào, tôi còn mệt đừ vì cuối tuần khách khứa. Lâu lắm rồi, rủ rê được bạn bè đến chơi tán nhảm. Vui quá trời, nhớ lại, tôi cười tủm tỉm. Ralph gởi email cho tôi, “Trưa nay đi ăn với tôi nghe”. Tôi trả lời trong email. “Hẹn hôm khác. Cuối tuần tui đã ăn đủ cho cả tháng rồi”. Buồn cười, ngồi đối diện nhau, mà thỉnh thoảng, tụi tôi vẫn thư qua lại vèo vèo. Ralph lại gởi email, “Tôi cần nghe ý kiến của Thi. Ăn trưa nhe”. Chà, hấp dẫn đây, được làm quân sư quạt mo. Tôi đứng dậy, chỉ vào đồng hồ, hẹn giờ. Chẳng biết chuyện gì, mà mặt Ralph giống đưa đám suốt bữa ăn. Lúc qua bên cafeteria, tôi nhắc, nói giọng Bavarian:

 

– Ông làm ơn dẹp cái bản mặt bảy ngày trời mưa của ông đi.

 

Giọng Ralph rầu rĩ:

 

– Ừ, tôi cố gắng lắm, mà vui không nổi. Tôi tìm được đúng người của đời tôi. Nhưng sai thời điểm. Tôi đang buồn muốn chết.

 

Tôi ráng nín cười. Chu choa ơi, người Đức mà bày đặt tương–  tư– thổn– thức–  thất– tình–  toan–  tự – tử... Chuyện lạ bốn phương đó chứ. Tôi dịch đại khái câu thơ cà... muối cho Ralph nghe. Chung vui anh gởi lời mừng,/ Mai kia ly dị xin đừng quên anh.

 

Giọng Ralph ráo hoảnh:

 

– Tôi đâu có phải chờ. Bettina ly dị rồi.

 

Tôi tỏ vẻ hiểu chuyện:

 

– À, vậy, cô ấy không yêu ông?

 

– Có, có chứ!

 

– Ủa, vấn đề ở đâu? Thôi, tui không biết sao nữa. Hay là bây giờ ông lây cái “văn hóa” của tui.

 

Lâu lâu nghệch mặt buồn một bữa, mà chẳng có lý do gì rõ ràng.

 

Ralph chẳng thèm để ý đến cái giọng xóc óc của tôi:

 

– Tôi rủ Bettina dọn về ở chung. Nhưng nàng không chịu. Ban đầu nói, cần thời gian suy nghĩ...

 

Tôi sốt ruột, không chờ Ralph dứt lời:

 

– Thì cũng phải. Chuyện sống chung, phải cân nhắc kỹ càng. Ông thương người ta, phải tập kiên nhẫn chứ.

 

– Tại Thi không biết đó. Cả năm nay rồi, cuối tuần nào tôi cũng chạy mấy trăm cây số thăm nàng.

 

Trời, trời, tưởng gì. Tự thuở khai thiên lập địa, con Rồng cháu Tiên chúng tôi, khi yêu nhau, bất kể mấy núi, mấy sông, mấy đèo cách trở, có ai nề hà gì đâu.

 

– Thì ông chạy thêm một năm nữa, hay miết cho đến bao giờ cô ấy xiêu lòng thì thôi.

 

Đang ủ rũ, Ralph bật cười:

 

– Bộ Thi tính trù cho tôi như vậy cho đến khi về hưu hay sao? Mà đến lúc đó cũng chẳng có gì thay đổi. Mới đây nàng nói với tôi, nàng rất thương tôi, nhưng không muốn bước vào một quan hệ nào nữa. Có lẽ, những sóng gió trong hôn nhân vừa qua đã làm nàng ngại.

 

– Ông còn muốn gì nữa. Ông yêu và được yêu, hạnh phúc quá trời rồi.

 

– Nhưng đâu có sống chung với nhau đâu.

 

Tôi nghiêm chỉnh:

 

– Thì ông hẹn với cô ấy kiếp sau.

 

Ralph quay qua hẳn nhìn tôi:

 

– Thi không giỡn đó chứ. Thể nào Thi sẽ hét toáng rằng, người Âu châu chúng tôi hời hợt, cạn cợt. Nhưng tôi nói thật, tôi thực tế lắm. Những gì đang hiện hữu trước mắt, mới đáng kể. Kiếp trước, kiếp sau gì đối với tôi chỉ đơn thuần là những từ, những ngữ mà thôi.

 

*                                                                       

 

Tôi nhìn bâng quơ qua cửa kiếng. Mùa thu đã đến tự hồi nào. Rừng cây trước cafeteria đổi sang màu vàng, cam, đỏ. Thấy gió lùa từng đám lá rơi lả tả, tôi tự nhủ, mùa này đi đứng, phải cẩn thận từng bước chân. Không phải tìm chiếc lá vàng để làm bằng chứng yêu ai. Mà lo đạp nhằm lá ướt, trơn trợt, dơ tay với thử trời cao thấp, có nước đi đo giường bệnh viện. Chao ơi, thời gian, không gian. Sao mà trật lất vầy trời. Nếu đứng đối diện tôi, bên tách cà phê thoang thoảng hương, không phải là Ralph, mà là một Tuấn, Tú, Tài, Toàn nào đó, một chàng trai nước Việt, chắc tôi sẽ ân cần khuyên nhủ Kiếp nào có yêu nhau thì xin tìm đến mai sau. Cứ ấp ủ, nâng niu niềm mơ ước như vậy, cũng đủ hạnh phúc cả kiếp này. Mà không chừng, vậy lại đẹp hơn, chứ lỡ... có thành đôi lứa chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau...

 

– Chiều nay họp tổng kết quý ba đó. Thôi, trở về văn phòng kẻo trễ.

 

Tiếng Ralph kéo tôi về thực tại. Còn mười lăm phút nữa là phải nhọc lòng, mệt óc với những bận rộn của... kiếp này. Tôi không còn đủ thì giờ để tâm sự với đồng nghiệp đồng chủng trong tưởng tượng rằng, tôi thương lắm câu ru, Tóc mai sợi vắn sợi dài, Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.

 

Hoàng Quân

 

Trích lời ca trong các nhạc phẩm:

Ta Yêu Em Lầm Lỡ của nhạc sĩ Phạm Duy

Tiếng Sông Hương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Kiếp Nào Có Yêu Nhau của nhạc sĩ Phạm Duy

Bài Không Tên Trở Lại Cuối Cùng của nhạc sĩ Vũ Thành An

Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài nhạc sĩ Phạm Duy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.