
Một số khoa học gia đã nghiên cứu theo dõi đường tiếp đất (grounding line) của sông băng, nơi băng trượt ra và chảy vào đại dương lần đầu tiên (hay vị trí mà băng bám vào đáy, điểm tròn màu cam trong hình bên trên). Họ phát hiện ra rằng nước ấm đang thấm vào những điểm yếu của con sông, khiến tình trạng tan chảy trở nên tồi tệ hơn. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
MEXICO CITY – Các khoa học gia nghiên cứu sông băng Thwaites ở Nam Cực – còn có biệt danh là Sông Băng Ngày tận thế (Doomsday Glacier) – cho biết nước ấm đang thấm vào những điểm yếu của Sông Băng, khiến tình trạng tan chảy trở nên tồi tệ hơn, theo trang Reuters đưa tin ngày Thứ Tư, 15 tháng 2 năm 2023.
Sông băng Thwaites có kích thước gần bằng Florida. Nó chứa đủ lượng nước để nâng mực nước biển lên cao hơn nửa mét (1.6 foot) trên toàn cầu và có thể làm mất ổn định các sông băng lân cận, dẫn tới nguy cơ nâng mực nước biển cao thêm ba mét (9.8 foot).
Là một phần của International Thwaites Glacier – chiến dịch thực địa lớn nhất từng được thực hiện ở Nam Cực – một nhóm gồm 13 khoa học gia của Hoa Kỳ và Anh đã dành khoảng 6 tuần nghiên cứu trên sông băng này vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Nhóm nghiên cứu sử dụng một phương tiện robot dưới nước, được gọi là Icefin, đặt các thiết bị cảm biến neo đậu dưới nước để thu thập dữ liệu. Họ đã theo dõi đường tiếp đất (grounding line) của sông băng, nơi băng trượt ra và chạy vào đại dương lần đầu tiên (hay vị trí mà băng bám vào đáy).
Trong một bài nghiên cứu, dẫn đầu bởi khoa học gia Britney Schmidt tại Trường Cornell, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước ấm đang xâm nhập vào các kẽ hở và các khe hở khác, còn được gọi là ruộng bậc thang, khiến băng tan chảy mỗi năm từ 30 mét (98 feet) trở lên.
Schmidt nói: “Nước ấm đang xâm nhập vào những phần yếu nhất của sông băng và khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Đó là điều mà tất cả chúng ta nên thực sự nghiêm túc chú tâm.”
Những phát hiện khác cho thấy mỗi năm, khoảng 5 mét (16 feet) băng tan chảy gần đường tiếp đất của sông băng – ít hơn so với những phỏng đoán trước đây. Nhưng đáng ngại nhất vẫn là sông băng đang tan chảy. Schmidt nói: “Dù ta quan sát thấy được sự tan chảy ít hơn ta dự đoán... nó không thay đổi được thực tế là sự tan chảy vẫn đang diễn ra.”
Trước đây, các khoa học gia dựa vào hình ảnh vệ tinh để suy đoán tình hình của băng, thành ra cũng khó mà có được các thông tin chi tiết. Nghiên cứu mới đại diện cho lần đầu tiên có một nhóm đến ‘tận nơi’ tiếp cận đường tiếp đất của một sông băng lớn và “thực hành.”
Paul Cutler, giám đốc Antarctic Sciences at the National Science Foundation cho biết, những phát hiện mới sẽ giúp phát triển các mô hình về biến đổi khí hậu. Ông nói: “Những thứ này giờ đây có thể được đưa vào trong các mô hình dự đoán tình hình trong tương lai. Đó cũng chính là mục tiêu của nghiên cứu này.”
Gửi ý kiến của bạn