Hôm nay,  

BHUTAN , XỨ SỞ CỦA HẠNH PHÚC

29/10/201911:19:00(Xem: 6288)

Ngày 2 tháng 10, chuyến bay Eva Airlines ghé Taipei đến phi trường Bangkok Survarnabhumi. Đoàn hành hương 72 người chúng tôi lang thang  từ trưa đến gần sáng mới đáp chuyến Bhutan Airlines từ Bangkok lại ghé phi trường Kolkata Ấn Độ để bay đến phi trường Paro Bhutan lúc 10 giờ sáng ngày 4 tháng 10. Chặng đường bay quá dài, chờ lâu ở phi trường, thức và ngủ chập chờn trên máy bay, hai lần quá cảnh làm thủ tục kiểm tra hành lý kỹ lưỡng, ai cũng bơ phờ, mệt mỏi.

 Có người hỏi tôi đi du lịch ở đâu? Bhutan. Tôi đi tìm gì ở đất nước Bhutan ? Họ ngạc nhiên và thắc mắc với những câu hỏi. Sao không nghe nói về cái xứ “hóc bà tó” này ?  Cái xứ đèo heo hút gió này nằm ở đâu trên bản đồ thế giới ? 

Bhutan 02
À , cái xứ  nhỏ xíu này ở độ cao  hơn 2000 mét trên mực nước biển, dân số cả nước khoảng 800.000 người, nằm  lọt giữa hai anh khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc nhưng thân thiện với Ấn Độ và không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc . Xứ này có gì đặc biệt ? Chắc là  phải có. Có ông vua trẻ, cái tên dài khó đọc và khó nhớ Jigme Khesar Namgyel Wangchuck yêu bà hoàng hậu Jetsun Pema vừa trẻ vừa đẹp, tóc xõa buông dài, tự nhiên và giản dị như một cô sinh viên. Họ đẹp đôi như một cặp “thanh mai trúc mã” hứa hẹn nhau lúc còn bé, lớn lên cùng tốt nghiệp đại học tại nước Anh. Mối tình đẹp. Đám cưới hoàng gia  cũng đẹp như trong chuyện cổ tích.

 Có cái xứ nào trên thế giới “nghèo mà sang” như cái xứ này, hạn chế cấp visa du lịch. Đi du lịch cá nhân xin visa rất khó, muốn đi phải qua  những công ty du lịch Bhutan giá cả quy định rõ ràng. Họ bao trọn phí một ngày tour từ 200 đến 250 đô-la tùy theo mùa . Ngultrum gọi tắt là Nu là đơn vị tiền tệ tính theo tỷ giá của đồng Rupee Ấn Độ, một đô la tương đương với 70 Rupee. Đây là  xứ 70% dân số theo Phật giáo và người lãnh đạo đất nước ăn chay, giữ năm giới của người cư sĩ tại gia. Một đất nước có người lãnh đạo như thế thì làm gì có chuyện tham nhũng , hối lộ, vơ vét của cải, tài nguyên của đất nước thu vén cho bản thân và gia đình. Cái xứ  này còn nổi tiếng bởi câu nói của vị vua trẻ trả lời tờ tạp chí Financial Times năm 1987 khi được hỏi về tốc độ phát triển của đất nước: “Tổng hạnh phúc quốc gia GNH ( Gross Nation Happiness) quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội tính trên chỉ số thu nhập GDP ( Gross Domestic Product per Capita ) tính trên đầu người”.

Trước đây, Bhutan là đất nước khép kín với thế giới bên ngoài. Từ khi lên ngôi , vị vua trẻ đã từng hấp thụ nền văn hóa và văn minh Tây Phương đề cập đến vấn đề  mở cửa, làm thế nào để vừa gia tăng kinh tế về vật chất vừa gia tăng hạnh phúc về tinh thần cho dân Bhutan . Ông vua đề ra bốn đường lối là xây dựng nền kinh tế vừa sức với địa lý, đất nước và con người Bhutan. Bảo tồn nền văn hóa truyền thống và  môi trường thiên nhiên. Phương thức quản lý đất nước nghiêm túc và thân thiện giữa cấp lãnh đạo với người dân và cuối cùng là thúc đẩy việc chăm sóc an sinh xã hội tốt cho người dân về các mặt giáo dục, y tế và đời sống.

 Daniel Kahneman nhà tâm lý học Tây phương  khám phá về sự liên quan giữa mức độ thu nhập và hạnh phúc dựa trên giá trị tinh thần Phật giáo, ông cho rằng đó là sự định hướng thích hợp, thống nhất cho nền kinh tế và văn hóa Bhutan. 

Qua câu nói của ông vua, tôi đi tìm ý nghĩa của hai chữ “hạnh phúc” và muốn nhìn tận mắt giá trị ấy tại một đất nước có truyền thống và văn hóa lâu đời ảnh hưởng từ Phật giáo Tây Tạng. Tôi muốn cảm nghiệm hơi thở của mình trong bầu không khí trong sạch đến mức lượng khí thải carbon ở  độ âm. Tôi có cảm tình với gia đình hoàng gia có ông vua trẻ không theo chế độ đa thê của các vua cha, ông đời trước, trung thành một vợ một chồng với hoàng hậu đương thời và tuyên bố với vua cha sẽ không cưới thêm bà hoàng phi nào khác. Tôi mừng cho hoàng hậu Jetsun Pema vừa sinh cho đất nước Bhutan một hoàng nam  khôi ngô nay được 3 tuổi sau này sẽ nối nghiệp đế vương. Tôi muốn thăm viếng và tìm hiểu những tu viện, đền đài , chùa tháp đã nuôi dưỡng, bao bọc và hình thành đất nước Bhutan ngày nay không khác chi với hình ảnh Phật giáo và đất nước Việt nam trong hai câu thơ cô đọng và sâu sắc của Hòa Thượng Thích Mãn Giác khi nói về sự hòa nhập giữa đạo pháp và dân tộc, giữa đạo và đời:

                                             “...Mái chùa che chở hồn dân tộc.

                                              Nếp sống muôn đời của tổ tông”...


Bhutan 04
Và còn nhiều lý do khác nữa khơi dậy sự tò mò và hiểu biết về con người và đất nước Bhutan nhưng chắc chắn một điều chuyến du lịch Bhutan lần này không phải để ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, mua sắm xa hoa, xài tiền vung vít như những chuyến du lịch ăn chơi hưởng thụ  ở các nước khác. Với tôi, Bhutan vẫn còn là một ẩn số và sự khám phá bất ngờ. 

Từ độ cao nhìn xuống thung lũng là những hàng thông thẳng đứng, chung quanh là rừng núi bạt ngàn, thấp thoáng  là những tu viện nằm bên dốc đá, những mái chùa cong cong nằm khuất bên những rừng cây, những ngôi nhà nhỏ xinh xinh như những dấu chấm nằm ẩn mình trong màu xanh của cây lá .  Bầu trời trong xanh . Các từng mây bay khi cao khi thấp, lãng đãng, mơ hồ nhởn nhơ trước mắt như có thể với tay khỏi cửa sổ máy bay vớt lấy những sợi tơ trời mong manh trắng xóa  .Ngọn Hi Mã Lạp Sơn hùng vĩ ẩn hiện trước mắt, mùa này chưa có tuyết , ngọn núi vẫn còn là một nơi trú ẩn huyền bí của các hành giả tu tập thiền định. Rừng núi hiểm trở, chung quanh là dốc đá, không có cửa biển, không có đường  sắt, di chuyển chỉ bằng đường bay vì thế thật là ngạc nhiên khi biết rằng việc điều khiển máy bay cất cánh và hạ cánh an toàn trong thung lũng này đòi hỏi đội ngũ phi công chuyên nghiệp và đủ tiêu chuẩn hiện nay chỉ có trên dưới khoảng mười người.

“Welcome to Bhutan” . Phi trường Taro nắng ấm, loáng thoáng vài chiếc phi cơ đậu từ xa. Phi trường cách khu nhập cảnh gần lắm, chỉ mất vài phút đi bộ. Tấm hình đầu tiên của đoàn là  cùng với Thầy Thích Tánh Tuệ người hướng dẫn đoàn chụp dưới bức ảnh của gia đình hoàng gia dựng thật to trước khu nhập cảnh. Tấm hình kỷ niệm ghi lại một hình ảnh hạnh phúc của gia đình quý tộc và những khách du lịch từ xa nhưng đối với người dân  Bhutan không có sự cách biệt lớn lao giữa họ và hoàng gia. Họ xem đó là niềm tự hào vì vua và hoàng hậu của đất nước Bhutan rất được thần dân gần gũi, kính mến và quý trọng.  

Bhutan 05
Khác với sự nhốn nháo ở phi trường và phòng hải quan của các nước khác,  ở đây chỉ có vài quầy làm thủ tục. Khung cảnh mát mẻ, yên tĩnh, trên tường trang trí  những hình ảnh tiêu biểu về đất nước và con người Bhutan. Tôi nhìn những khuôn mặt hiền hòa,  những nụ cười thư giãn đang giúp hành khách làm thủ tục nhập cảnh nhanh chóng với ánh mắt đầy thiện cảm. Trong khi chờ lấy hành lý,  tôi rảo một vòng, nhẩn nha liếc vào cửa hàng miễn thuế nho nhỏ, ngắm những bộ quốc phục “gho” truyền thống của nam giới giống như những chiếc áo khoác rộng  và dài, có túi trước bụng, có thắt lưng bên hông và vớ đen phủ đến gối , các bộ “kira” của phụ nữ Bhutan, áo ngắn , kín cổ, tay dài, váy dài đến chân được tô điểm thêm chiếc khăn choàng vai. Họ mặc quốc phục khi đi làm. Tất cả đều đơn giản, chậm rãi và không có gì phải vội vàng. 

 Ngoài cổng, những người hướng dẫn viên Bhutan chờ đợi và đón chào đoàn bằng những chiếc khăn choàng cổ trắng tượng trưng cho sự quý trọng và hiếu khách. Năm chiếc xe van chở đầy người và hành lý. Ai được  xếp đi xe nào sẽ theo cùng xe đó suốt cuộc hành trình. Đoàn chúng tôi về tới khách sạn, nhận chìa khóa rồi về phòng nghỉ ngơi, sau đó ăn bữa cơm trưa chay đầu tiên tại khách sạn. Chương trình chiều nay  là đi thăm một tu viện cổ lúc 3 giờ.

Kyichu Lhakhang nằm trong thung lũng Paro đẹp như một bức tranh vẽ do hoàng đế Songtsen Gampo người sáng lập ra đế quốc Tây Tạng, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 và là một trong 108 ngôi chùa do ông kiến tạo, theo truyền thuyết là  để chế ngự một con quỷ dữ. Chùa có nhiều tầng, đỉnh nhọn, trang trí bằng các hoa văn màu nâu là màu truyền thống , có bảo tháp màu trắng, có các bánh xe cầu nguyện lớn nhỏ chạy dài chung quanh chùa, có cung điện thờ linh thần Naga có hình dạng con rắn, có miếu thờ  Đức Quán Âm Chenrezig 11 đầu và ngàn cánh tay, (người Việt Nam gọi tên Ngài là Quan Thế Âm Bồ Tát), có thờ tượng Ngài Guru Rinpoche Liên Hoa Sinh (Padmasambhava ) một vị đại sư Ấn Độ có công truyền bá Phật giáo vào đất nước Tây Tạng , có thờ Kurukulla là vị Phật Mẫu tay cầm cung tay cầm tên được Phật tử Tây Tạng sùng kính.

Tại ngôi chùa này, đoàn hành hương cùng với Thầy và các sư cô đi kinh hành quanh chùa , vừa đi vừa xoay luân xa, vừa tụng niệm câu thần chú Om- Ma_ Ni- Pat- Mê –Hong. Trong cái nắng chiều, Thầy cùng với các Phật tử  cúng dường đèn và tịnh tài lên Tam Bảo sau đó lên đường trở về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày mai đi thăm một thắng cảnh nổi tiếng của Bhutan đó là Tiger’ s Nest.

“ Bất đáoTrường Thành phi hảo hán”. Đến Trung Quốc không leo lên Vạn Lý Trường Thành thì chưa phải là bậc hảo hán. Đến Bhutan chưa leo lên đỉnh Tiger’ s Nest  hay còn gọi là tu viện Taktsang Palphug xem như chưa biết gì về đất nước Bhutan. Từ trung tâm Paro đi về hướng tây Bắc khoảng 12 cây số là tu viện có hơn 300 tuổi đời, tọa lạc đầy bí ẩn trên một vách núi đá cheo leo cao hơn 3000 mét so với mực nước biển. Từ trên cao nhìn xuống thung lũng Paro, bạn có thể nhìn thấy con sông Pachu hiền hòa nước trôi lặng lờ. Theo truyền thuyết, từ Tây Tạng, đại sư Liên Hoa Sinh , người được dân Tây Tạng tôn thờ như một vị Phật đã đến ngôi đền này từ thế kỷ thứ 8 bằng cách bay trên lưng một con cọp cái. “Taktsang” có nghĩa là hang cọp do người địa phương nhìn thấy con cọp cái sống trong hang động này.  Tại đây, đại sư Liên Hoa Sinh, vị thần bảo hộ dân Brutan đã hóa thân thành thần Dorje Drolo cưỡi cọp. Cọp là một trong tám hóa thân của Ngài. Tại đây Ngài đã thiền định trong 13 tu viện nhỏ, hàng phục tám loại ma quỷ, truyền bá Phật giáo Tây Tạng cho người dân Bhutan. Truyền thuyết còn kể rằng Ngài đã chôn một sợi tóc ở nền móng của tu viện để giữ sự vững chãi khi xây tu viện. Năm 1998, một trận hỏa hoạn thiêu rụi ngôi đền chính. Vua Bhutan và chính phủ đã trùng tu, sửa chữa và hoàn thành vào năm 2005.

Đường lên Tiger’ Nest là  một con đường mòn nhỏ độc đạo, ngoằn ngoèo  và gập ghềnh, thành hình là do những bước chân  của du khách tạo thành lối đi, có chỗ khô ráo. có chỗ trơn trượt, chiều dài lên và  xuống vào khoảng năm đến sáu ki-lô mét, có những bậc thang dốc thẳng đứng , một bên là vách đá, một bên là vực sâu,  không có tay vịn. Người đi lên hay đi xuống phải tránh nhau. Người phải tránh ngựa. Có những con ngựa già mệt mỏi vừa đi vừa thải những đống phân dọc đường, chúng  leo từng bước lên dốc, những bước chân lọc cọc của chúng dẫm lên nền đất sát bên bờ vực. Nhìn thấy cảnh người cưỡi ngựa leo dốc, tôi hình dung bước chân ngựa chỉ cần sơ sẩy trơn trượt một chút, người và vật có thể rơi xuống vực sâu. Thời gian leo núi  mất bao lâu tùy theo sức khỏe mỗi người và chặng đường dừng lại nghỉ mệt, ước tính phải mất từ 2 đến 4 tiếng để leo đến đỉnh, chưa kể chặng về.

Từ dưới chân núi, đoàn hành hương đã chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi người thuê một cây gậy. Ai cũng mang  đôi giày thấp để leo núi. Thức ăn nhẹ, nước uống, thuốc bệnh, nón, áo khoác phòng khi trời trở lạnh hay mưa gió bất ngờ, tất cả gói gọn trong chiếc ba lô khoác trên vai…Đoàn hành hương tập trung nghe Thầy hướng dẫn dặn dò. Chúng ta có một ngày trọn vẹn để thực hiện cuộc phiêu lưu này nhưng làm thế nào khi lên đến nơi, nghỉ ngơi và ngắm cảnh,  phải nhớ tính giờ và nhìn mặt trời để xuống chân núi trước khi trời tối. Xuống núi ban đêm, dốc cao, đèn đuốc không có , đường trơn trượt có thể gây tai nạn. Ai muốn thuê ngựa phải mất hơn 1000 Nu tính ra gần 15 đô. Thuê ngựa có người dẫn nhưng chỉ đưa đến nửa đoạn đường, đoạn còn lại phải leo thêm 750 bậc thang nữa mới đến nơi. Các bác lớn tuổi ở lại không leo núi sẽ được Thầy dẫn đi thăm một số ngôi chùa gần đó. Chúc các bạn lên đường may mắn và trở thành những tay “hảo hán”.

Bhutan 07
Tôi có thói quen đi bộ mỗi ngày nhưng khi leo núi Tiger’ s Nest chưa được nửa tiếng đã thấm mệt. Im lặng. Theo dõi hơi thở. Cầu nguyện. Cứ như thế tôi leo được một phần tư  đoạn đường, đến được một ngôi đền nhỏ là trạm dừng chân tôi đã hụt hơi và thấy các bạn mình đang ngồi trước cửa đền nghỉ mệt từ lúc nào. Leo thêm một chặng nữa có một quán cà phê , khách leo núi ai cũng ghé  vào nghỉ ngơi, đi vệ sinh, uống nước, ăn bánh bổ sung năng lượng để tiếp tục lên đường. Đây là lúc tôi phải chọn lựa “To be or not to be ? ”. Có tiếp tục leo lên đến đỉnh hay không? Tại cột mốc có ngọn cờ, nhìn từ xa đã thấy bóng dáng của  Tiger’ Nest hiện ra đầy hấp dẫn và đẹp như mơ . Góc cạnh đẹp nhất của Tiger’ s Nest chính là đây, lơ lửng trên triền núi cao, chung quanh là vách đá, mái ngói màu nâu đỏ . Lúc ấy trong đầu tôi hiện ra những câu hỏi làm thế nào các vị Lạt Ma ngày xưa xây được Tiger’s Nest trên một dốc núi thẳng đứng như thế này? Các Ngài xây bằng vật liệu và phương tiện gì? Chuyên chở ra sao? Các Ngài sống bằng cách nào trên ngọn núi hoang sơ và nhiều hiểm nguy như thế?

Tôi nhìn quanh thấy có một số bạn trong đoàn đã chọn nơi đây ngồi Thiền bên cạnh dốc đá, hướng về Tiger’s Nest. Một số bạn khác nghỉ ngơi một lúc rồi quyết định  xuống núi. Các bạn trẻ tiếp tục lên đường. Tôi quyết leo lên đến đỉnh, thầm khấn nguyện các Bồ Tát, long thần hộ pháp quanh đây cho tôi có dũng lực và sức khỏe để leo đến đỉnh của ngọn núi này.  Nhìn quanh các bạn đồng hành không thấy ai. Họ đã leo núi trước tôi rồi. Gần đó chỉ có Nick con trai của một chị bạn trong đoàn rất trẻ và dễ thương, nhìn thấy tôi ì à ì ạch chống gậy leo từng bước, thỉnh thoảng cháu quay lại hỏi  bằng tiếng Việt “ Cô ơi cô có ok không ? Cô có cần cháu giúp gì không?”. Khi đi đến gần thác nước , từ trên cao tôi nghe tiếng thác đổ ầm ầm vào cái hồ thiêng giữa hai ngọn núi có chiếc cầu bắc qua, Tiger’ s Nest hiện ra rất gần nhưng tôi  không còn sức leo nổi nữa bèn gọi Nick và nhờ vào cánh tay lực lưỡng của Nick dìu tôi lên . Cảm ơn Nick, vị “Bồ- Tát- Thường- Chuyên- Chở”, cánh tay cháu đã giúp tôi vượt qua mấy trăm bậc thang, những bậc thang như ngắn dần, những dốc đá như thấp hơn. Đây rồi chiếc cầu gỗ nhỏ. Cờ phướn đủ màu tung bay trong gió. Dáng chùa  tựa vào vách núi tôi đã nhìn thấy màu đen của đá. Tiếng thác nước vẫn ầm ầm đổ xuống. Mệt. Hoa mắt. Ngồi thở sâu. Uống nước. Ăn bánh. Nghỉ ngơi. Ngắm Tiger’s Nest trong tầm mắt thật gần . Ngắm buổi chiều xuống trên đỉnh núi. Ngắm toàn cảnh Tiger’s Nest trong ánh nắng vàng bao la, hùng vĩ như trong truyện thần tiên. Con đường dài leo núi đã chấm dứt tại ngôi chánh điện của tu viện.

 Chùa có bốn ngôi chánh điện nối nhau bằng những bậc thang thấp và những lối đi lót bằng đá, bên cạnh là những cây cầu gỗ ọp ẹp. Ngoài ra còn có các nhà dân sống gần đó. Có tám hang động chung quanh chùa nhưng chỉ có bốn hang vào thăm dễ dàng, các hang khác hẹp, tối và khó đi. Những bức tranh vải Thangka treo trên tường , các bức bích họa khắc trên vách đá chân dung Ngài Liên Hoa Sinh, những ngọn đèn dầu, câu kinh, tượng Phật, khung cảnh u trầm, tĩnh lặng. Phật tử từ khắp nơi, leo lên đến đỉnh  không được chụp hình, chỉ ngắm cảnh đẹp với lòng thành kính. Họ ngồi Thiền, đi kinh hành, tụng kinh ê a và lâm râm cầu nguyện quên cả thời gian trong khi ngoài kia chiều đã xuống dần.

Tôi nghĩ đến mình không còn thì giờ nữa để thăm các hang động nên vội vã xuống núi giã từ Tiger’ s Nest. Tưởng chặng về sẽ ngắn đi, nhanh hơn  nhưng ngược lại , những cái dốc cao khó đi trơn trượt hồi sáng bây giờ khi đi xuống lại phải hết sức cẩn thận vì người và gậy có thể trượt như đi cầu tuột.  Những đầu ngón chân và bàn chân bây giờ phải gồng hơn để bám đất nên càng xuống, các đầu ngón bấm vào mũi giầy làm tôi đau điếng. Một cậu thanh niên Bhutan mặc “gho” thấy tôi có vẻ mệt và nhăn nhó bèn hỏi thăm. Tôi  chưa kịp trả lời, cậu nắm cánh tay dẫn tôi xuống. Có được cánh tay cậu nhỏ, tôi xuống nhanh, tự tin và vững vàng gần nửa đoạn đường dài. Thỉnh thoảng chúng tôi trao nhau những nụ cười thân thiện. Thỉnh thoảng tôi nhìn cậu bằng đôi mắt biết ơn và cậu gật đầu trả lại bằng những nụ cười.Thế rồi cậu phải bỏ tôi lại vì đoàn của cậu đang đứng chờ  dưới chân núi. Tôi chia tay , móc túi gửi cậu một số tiền tip gọi là bù đắp một chút công sức. Nào ngờ cậu chắp tay xin lỗi, lắc đầu nguầy nguậy rồi khua tay không nhận. Cậu nói vài câu đơn giản bằng tiếng Anh rằng cậu cảm ơn về số tiền tôi tặng. Cậu chỉ muốn giúp tôi xuống núi an toàn. Trên đường xuống núi, tôi tự hỏi phải chăng nền giáo dục Butan đã đào tạo một con người trẻ có  tâm hồn trong sáng như thế, không tham tiền, bất ngờ thấy việc cần làm thì làm , vui vẻ giúp đỡ người khác mà không cần trả ơn. Cậu ấy đang sống hạnh phúc. Cậu hạnh phúc vì mang sự an toàn và niềm vui cho người khác. Hạnh phúc của người biết chia sẻ lớn hơn cả người nhận. Thêm một vị “Bồ -Tát- Thường- Chuyên Chở” tôi gặp giữa đường.

Bây giờ thì tôi phải cởi giày cho vào túi, tròng thêm một đôi vớ  nữa vào chân. Đi bằng vớ trên đất ướt, giải phóng 10 ngón chân đau buốt dù sao cũng làm cho  tôi cảm thấy dễ chịu .Vừa lúc đó Quang Chánh một anh trong đoàn thấy tôi trầy trật xuống dốc, thở hồng hộc, nét mặt chắc là  xanh lét và đau khổ lắm nên dừng lại dẫn tôi xuống những đoạn dốc đứng mà Chánh biết rằng tôi sẽ trượt té nếu đi một mình. Trong đoàn có một chị nữa cũng trường hợp như tôi. Chánh có thêm job mới, dò bước xuống nơi an toàn trước  rồi dẫn bà này, dắt bà kia . Khi xuống đến nơi, mồ hôi toát ra như tắm, tôi mệt muốn đứt hơi, thấy bóng dáng những chiếc xe đậu trước bãi tôi mới hoàn hồn và mừng thầm vì mình xuống núi trước khi trời tối và không bị trượt té gì.

Trong bóng đêm,  ngồi hít thở trong xe van, chờ thêm vài người trong đoàn còn đang leo xuống núi, chúng tôi cùng  theo tài xế về khách sạn. Trên đường về, tôi thấy nỗi lo sợ nào rồi cũng vô thường, nó đến rồi qua đi nhanh. Tôi ngồi bóp chân, không thấy mình là “hảo hán” chút nào. Tôi chỉ tiếc không có thời gian  ở trên Tiger’ s Nest lâu hơn để ngắm vẻ đẹp của Tiger’s Nest vào buổi hoàng hôn trên đỉnh núi. Tôi chỉ thấy cái tâm háo thắng của mình nổi lên lúc đó và không biết tự liệu sức mình. Tôi nhận ra nỗi sợ hãi trong tâm tôi suốt con đường xuống núi và niềm vui khi thấy tài xế và xe vẫn còn chờ tôi. Nếu không  có Quang Chánh đưa tay cho tôi nắm và đỡ tôi xuống, giờ này chắc tôi đang mò mẫm, lê lết trên những con dốc trơn, nhìn đàn chó hoang tụ tập trong thung lũng , cất những tiếng tru rùng rợn trong chiều chạng vạng mà ớn da gà. Tôi nghĩ vì mình có chút lòng thành kính xin khấn nguyện chư Phật và Bồ Tát cho tôi lên được Tiger’ Nest nên các Bồ Tát xuất hiện.  Ba vị “Bồ- Tát- Thường –Chuyên- Chở” từ đâu đến, đã đưa tôi lên và giúp tôi xuống núi bình an. Bồ Tát không ở đâu xa. Bồ Tát là người bình thường , ở gần, có khi mình không biết. Người nào mang niềm vui và giúp người bớt khổ là học hạnh của Bồ Tát. Đêm nay về khách sạn trong giờ ngồi Thiền, tôi xin hồi hướng công đức leo núi này đến ba vị Bồ Tát. Tôi phải xoa bóp đôi chân rất lâu và chắc chắn sẽ ngủ rất ngon vì quá mệt sau một chuyến leo núi đầy những kỷ niệm và ân tình khó quên trong đời.

Theo chương trình, ngày thứ ba là ngày đoàn hành hương đi thăm hai thắng cảnh Dochula Pass và pháo đài Punaka Dzong.

Bhutan 08
Chúng tôi đến Dochula khá sớm khi đường đi còn thấm nước và cây cỏ còn đọng những hạt mưa đêm qua. Trong ánh nắng bình minh, nhìn từ xa là những cây thông già thẳng tắp, cao vút, chỉa lên trời. Một màn sương trắng như khói lan tỏa trong không gian mênh mông làm nền cho một quần thể các tháp  màu trắng nhìn xa trông thật đẹp và nên thơ. Dochula là tên ngọn đèo nổi tiếng cách thủ đô Thimphu của Bhutan khoảng 30 cây số, nơi đây có thể nhìn dãy núi Himalaya hùng vĩ ẩn hiện rất gần. Đến đây để cảm nghiệm sự tĩnh lặng và hùng vĩ của thiên nhiên nơi đó 108 tháp (chortens ) tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải dốc có cùng một kiến trúc giống nhau quây thành ba tầng, tầng thứ nhất có 45 tháp, tầng thứ hai có 36 tháp và tầng thứ ba có 27 tháp. Đây là công trình  xây cất của Hoàng Thái Hậu Ashi Dorji Wangmo Wangchuck để tưởng niệm những người lính trong quân đội hoàng gia Bhutan hy sinh trong cuộc chiến tranh xâm lăng của phiến quân Assamese Ấn Độ năm 2003. Đi bộ lên đỉnh đồi, bao quanh 108 tháp nhỏ là một tháp lớn ở trung tâm. Có những cầu thang dẫn người đi bộ lên đồi. Đi dọc theo tháp là một dãy hành lang dài cho người đi bộ bao bọc chung quanh đồi. Đi sâu vào trong tháp là Công Viên Thực Vật Hoàng Gia ( Royal Botanical Park ) nơi đây có một quán cà phê cho du khách  đi vệ sinh hay vào nghỉ ngơi uống trà.

 Bên cạnh  Dochula Pass là một tu viện tên là Druk Wangyal Lhakhang xây dựng  trên một ngọn đồi để tưởng niệm vua thứ tư Jigme Syngye Wangchuck, một nơi trang trí nhiều di tích lịch sử thời chiến tranh chống Ấn Độ và các bức tranh đầy tính nghệ thuật và thẩm mỹ của nền văn hóa Bhutan. Đây cũng là nơi quan trọng cho các Phật tử Bhutan khắp nơi đến thăm viếng và Phật tử địa phương đến cầu nguyện mỗi ngày.

 Trưa nay chúng tôi sẽ ăn trưa ngoài trời. Một khoảng đất rộng  mát mẻ bên bờ sông thơ mộng đã kê sẵn bàn ghế. Một chiếc xe van chở thức ăn và hai cô gái Bhutan phục vụ đang chuẩn bị bày biện thành một dãy thức ăn tự chọn trên bàn. Tôi leo lên kè đá, vén các cành liễu rũ nhìn sang bên kia  sông, ngắm giòng nước trôi lững lờ trong tiếng gió thổi lồng lộng. Cảnh thiên nhiên đẹp, sông nước hữu tình và yên tĩnh đến lạ lùng. Sau bữa ăn trưa, chúng tôi sẽ đi thăm một thắng cảnh độc đáo đó là pháo đài Punakla Dzong thuộc thành phố Punakla cách thủ đô Thimphu khoảng 50 ki-lô mét về hướng Đông.

 “Dzong” là một pháo đài hay thành lũy trong đó có lâu đài, cung điện vua và tu viện. Punakha Dzong là cố đô của Brutan đến năm 1950  mới dời về Thimphu. Punakha Dzong đẹp cổ kính, u trầm, nổi tiếng vì tính chất văn hóa và nghệ thuật thẩm mỹ truyền thống mang đầy triết lý Phật giáo  trong cách kiến trúc, điêu khắc và hội họa được thể hiện qua tranh vẽ trên tường và các tôn tượng thờ. Có nhiều “Dzong” nhưng Punakha Dzong là biểu tượng nhất trong các “Dzong” tại Brutan. Đây cũng là nơi diễn ra các  lễ hội, các buổi lễ quan trọng như lễ đăng quang của các vị vua . Vị vua đương triều cử hành hôn lễ với hoàng hậu Yetsun Pema vào ngày 13 tháng 10 năm 2011 cũng tại nơi đây.

Vào thế kỷ thứ 17, vua Zhabdrung Namgyal đóng đô và chọn nơi đây là pháo đài chống lại sự xâm lăng của các nước láng giềng. Pháo đài có chiều dài 180 mét, chiều rộng 72 mét, có tháp trung tâm cao 6 tầng.Punakha Dzong có cảnh trí thuận lợi mặt quân sự vì nằm giữa hai con sông Phochu (Sông Cha) và Mochu (Sông Mẹ). Hai dòng sông thiên nhiên này chảy song song rồi cùng hợp lại thành một  chiến hào . Hai con sông nước chảy xiết do độ dốc cao của dãy Hi Mã Lạp Sơn nên không có thuyền bè qua lại. Chiếc cầu dài 55 mét nối liền Punakha Dzong và sông Mochu.
Trước khi vào cổng là cây bồ đề cao lớn, tàn lá sum suê, sừng sững trước sân. Đi sâu vào cổng, “Dzong” là một tòa nhà  cao, mái hình vuông, cổng hình chữ nhật, kiến trúc và hoa văn đậm màu sắc nâu cổ điển của Bhutan. Có vài chục bậc thang bằng đá và nhiều bậc thang gỗ dẫn vào trong “Dzong”. Trên tường là hình ảnh Ngài Liên Hoa Sinh, “Tứ Đại Thiên Vương”, tượng các vị Bồ Tát Chakrasamvara theo Phật giáo Kim Cang thừa tượng trưng cho lòng đại bi có màu xanh dương , bốn mặt mười hai tay, Dakini Dorje nữ thần bảo hộ… Bên trái pháo đài là bộ sưu tập bằng đá, đền thờ thần Rắn Tsochen, nhà ở của các tu sĩ. Sân trước có hai phòng lớn lưu giữ nhiều thánh tích của dòng tu Drukpa và  là các tháp là nơi chôn giữ hài cốt của các vị vua. Đi vào điện thờ là ba ngôi tượng lớn , Phật Thích Ca Mâu Ni chính giữa, Ngài Liên Hoa Sinh và Ngài ZhabdrungNamgyal, người có công xây dựng Punakha Dzong và khai sáng đất nước Bhutan, cả hai đều được dân Brutan sùng bái như các vị Phật. Punakha Dzong cũng là nơi an nghỉ của Ngài Zhabdrung Namgyal.

Đi thăm một thánh tích đẹp, có ý nghĩa lịch sử và văn hóa lâu đời được dân tộc và đất nước Brhtan trân trọng và bảo tồn là một niềm hạnh phúc lớn và để thấy cái nhìn xa của ông vua trẻ, hạnh phúc dựa trên giá trị tinh thần Phật giáo là một định hướng thích hợp cho sự phát triển đất nước.

Ngày thứ tư, Kezang, người hướng dẫn viên địa phương  nhiệt tình , ăn chay trường, có trí nhớ tốt và khả năng  nói Anh ngữ lưu loát , ngồi trên xe buýt anh vui vẻ giới thiệu một ngôi chùa đặc biệt, độc đáo chúng tôi sẽ ghé thăm sáng nay đó là chùa  Chimi Lakhang. Một người cháu của một vị Lạt Ma Tây Tạng đã giúp vị Lạt Ma Drukp Kunkey xây dựng chùa vào thế kỷ thứ 15 để ghi nhớ công đức của ông trừ được yêu quái trên đèo Dochula, mang sự yên lành cho đời sống dân chúng ở Putakha.

Bhutan 06
Người ta lên án, cười chê, chế giễu, ngộ nhận nhiều về Drukpa Kunley. Có người gọi ông là “Thánh điên” (Divine Madman) vì ông uống rượu, quan hệ với phụ nữ, ca hát, truyền bá đạo Phật vô chấp, vô tướng, vô ngại, vô cầu theo cách của ông khác với truyền thống Phật giáo Đại Thừa khi ông đi  hóa độ chúng sanh. 

Ông dùng thi ca, những câu chuyện hài hước, không ngại xúc phạm  hay nói sự thật để giúp con người ngộ ra những lời giáo huấn sâu xa của đức Phật  mà giới tăng lữ và quy ước xã hội đã tránh né. Ông mang cái tướng khùng điên bên ngoài phủ lấp  cái tánh bên trong là sự minh triết và Phật tánh vốn có của ông. Cuộc đời ông gắn liền với chùa Chimi Lakhang , ngôi chùa đặc biệt ngoài  thờ Phật, thờ tượng Drukpa Kunley, chùa còn là biểu trưng cho sự sinh sản. Những người phụ nữ hiếm muộn thường đến đây để cầu con và được toại nguyện.

Đến Chimi Lakhang để nghe huyền thoại về con Takin một linh vật đầu dê mình bò được bảo tồn và thờ phượng ở Brutan. Chuyện kể rằng vào thế kỷ 15 trên đường hoằng pháp từ Tây Tạng đến Bhutan, Phật tử đến nghe Pháp và xin ông một phép lạ. Ông bảo làm thịt môt con dê và một con bò cho ông ăn. Còn lại bộ xương, ông lấy đầu con dê gắn vào con bò, một cái búng tay thế là con Takin xuất hiện chạy đến gặm  cỏ.

Không còn là huyền thoại cũng không phải là điều cấm kỵ mà trái lại đó là một nét văn hóa của Bhutan.  Đâu đó trên đường đi, tại một quán cà phê, trước cửa nhà hay nơi cửa sổ, bạn sẽ bắt gặp một hình ảnh là lạ, buồn cười đó  là dương vật của đàn ông được vẽ một cách nghệ thuật như một thứ bùa trừ tà ma, trong khung tranh như một hình trang trí, trong chùa Chimii Lakhang như  một sự chúc phúc cho những phụ nữ hiếm muộn. Tín ngưỡng thờ “linga” này còn được tìm thấy ở Việt nam tại khu đền tháp Mỹ Sơn của người Chăm, xem “linga”  như cội nguồn của sự sáng tạo từ hai vị thần Bhrama của Ấn Độ giáo, thần Bhrama biểu tượng cho dương tính và sự phồn thịnh, thần Vishnu tượng trưng cho sự bảo tồn đời sống. Đến chùa Chimii Lakhang để  cảm nhận sự huyền bí và lôi cuốn từ các huyền thoại, gạt bỏ những định kiến và cố chấp về con người, để thấy tôn giáo, truyền thuyết, lịch sử, văn hóa hòa quyện là một.

Tại đây, Thầy chủ lễ hướng dẫn đoàn vào chùa lễ Phật, đi kinh hành ba vòng và niệm danh hiệu đức bổn sư .  Sau đó Phật tử cúng dường tịnh tài và thỉnh những chiếc đèn cầu nguyện, nghỉ ngơi dưới cây bồ đề, chụp hình với các chú tiểu trong chùa và trở về khách sạn.

Chiều này, chúng tôi sẽ đi thăm một xưởng làm giấy bằng tay tên là Jungshi Paper Factory. Đi thăm đền đài, chùa tháp, tu viện đã nhiều, người hướng dẫn viên muốn giới thiệu một nghề thủ công truyền thống lâu đời trong sinh hoạt của người dân Brutan đó là một xưởng sản xuất các tờ giấy bản màu ngà rất mịn có in các hoa văn trang nhã hoặc trơn dùng để vẽ hay trang trí rất đẹp.

Đường đi vào xưởng nhỏ hẹp , chật chội , ướt át và lên dốc thế mà những tài xế xe Van chuyên nghiệp de tới de lui cuối cùng cũng tìm được chỗ đậu. Đây là  xưởng sản xuất nhỏ của gia đình, những người công nhân làm việc trông lam lũ nhưng nét mặt bình an và vô tư với những nụ cười thân thiện khi chúng tôi đến gần tò mò quan sát việc làm của họ. Từ vỏ của cây tên là Daphne, họ lột, ngâm, nấu sau đó nghiền, tạo thành bột thứ bột mịn. Họ xếp lớp thành tầng, ép nước, sấy khô bằng máy móc thủ công. Mỗi ngày có thể sản xuất khoảng1500 tờ. Cạnh xưởng là  một cửa hàng bán các vật dụng làm từ giấy này như thiệp, bao thư, túi giấy... 

Chúng tôi trở về khách sạn khi trời chiều, ăn những bữa ăn chay thanh đạm  có nhiều rau, củ, quả và trứng trong suốt chuyến đi , nghỉ ngơi để sáng ngày thứ năm đi thăm tượng Phật Dordenna lớn nhất tại Brutan.

Nhắc đến các tượng Phật lớn của các nước châu Á ảnh hưởng Phật giáo, nước Nhật tự hào có tượng Phật A-Di Đà Ushiku Daibutsu, Trung Quốc có tượng Phật Lạc Sơn ở Tứ Xuyên, Miến Điện có hai tượng Phật đứng và nằm ở Mandalay, Đài Loan có tượng Phật Quang Sơn, Shi Lanka có tượng GalGal Viharaya, Thái Lan có tượng Phật nằm ở chùa Wat Pho...  đất nước Bhutan có tượng Phật Dordenma cao 51 mét làm bằng đồng và dát vàng nằm trên một ngọn đồi ở công viên Kuensel Prodang nhìn xuống phía Nam của thung lũng Thimphu. Một tượng Phật đẹp và vĩ đại giữa lòng thủ đô Thimphu đúng như lời tiên tri từ ngàn năm trước, hứa hẹn một nền hòa bình và hạnh phúc sẽ lan tỏa cho dân chúng và đất nước Bhutan cùng pháp giới chúng sanh trên trái đất này.

 Như lời dặn dò của Thầy, từ chân đồi, đoàn hành hương chúng tôi chuẩn bị áo tràng, nghiêm trang  sắp thành hàng dài, tuần tự đi trong chánh niệm lên các bậc thang ở tầng thứ nhất và tầng hai, vừa đi kinh hành ba vòng vừa niệm danh hiệu đức Bổn sư.

Có những lúc đi kinh hành ngang qua bức tượng, trước cái đẹp , sự vĩ đại và cái  hồn toát ra từ bức tượng trên cao, tôi đã thất niệm, quên những bước chân đi trên nền đất để ngước nhìn lên,  chiêm ngưỡng đôi mắt từ bi của đấng Thế Tôn ngồi trên tòa sen nhìn xuống chúng sanh trong đó có tôi với nụ cười bao dung độ lượng, để thấy mình thật nhỏ bé trước một kiến trúc khổng lồ, để thấy mình may mắn và có phước báu  được đến đây đảnh lễ Ngài.

Đoàn hành hương tiếp tục đi kinh hành vào chánh điện, được Thầy  chủ lễ hướng dẫn tụng những thời kinh và ngồi Thiền. Điểm đặc biệt là tám  cây cột khổng lồ màu vàng và 125.000 bức tượng Phật nhỏ đúc bằng đồng và dát vàng cùng một khuôn mặt với bức tượng lớn được trang trí chung quanh ngôi điện  thờ làm tăng thêm sự bề thế, lộng lẫy và uy nghi cho ngôi chánh điện. Với kinh phí xây dựng cả trăm triệu đô -la nhờ nguồn tài trợ từ các nước láng giềng và quyên góp của nhân dân Bhutan, phải mất gần gần chín năm từ năm 2006  đến năm 2015 pho tượng mới hoàn thành như một món quà kỷ niệm 60 năm ngày sinh của Quốc Vương đời thứ tư Jigme Singye Wangchuck.

Sân đền thờ sáng nay đầy những du khách nước ngoài. Những người hướng dẫn viên du lịch chắc đã giải thích cho họ về cuộc đời của đức Thế Tôn trước khi Ngài đi tu . Tôi đi lang thang vãn cảnh chùa , cùng với Thầy và các bạn chụp  vài tấm hình, ngắm nhìn tượng Phật với lòng thành kính trước một vị đạo sư vì lòng thương chúng sinh đã bỏ tất cả để tìm con đường giải thoát. Nhìn lại mình, thế mà ngày nay tôi lại ôm lấy những của cải Ngài đã vứt bỏ làm lẽ sống cho đời mình. Những chuyến hành hương  tâm linh như thế này giúp tôi thêm bừng tỉnh trở về với cội nguồn sau những ngày tháng rong ruổi hay lãng quên.

Thời tiết hôm nay thật đẹp, nắng dịu, gió hiu hiu, không khí mát mẻ thật là dễ chịu. Tôi đứng nhìn thành phố Thimphu  an bình dưới thung lũng mà nhận ra đây là một đất nước hạnh phúc vì có chư Phật bảo hộ, có giới luật giữ mình, có người lãnh đạo chân chính, có đời sống tâm linh sâu sắc, có sinh hoạt đời thường   “tri túc”, có môi trường và không gian sống trong lành, con người Bhutan hiền hòa, bình dị, chơn chất sống trong giới luật và giáo lý của quốc giáo là đạo Phật. Khi được hỏi về đất nước và con người Bhutan, người hướng dẫn viên  trên xe kể chuyện tại đất nước Bhutan, người dân sống lành mạnh, họ không hút thuốc và rất ít người uống bia, rượu. Nhà tù rất ít tù nhân. Cảnh sát ít có việc làm. Đa số người Bhutan ăn chay trường, không sát sinh. Họ nuôi bò để lấy sữa và làm phô mai chứ ít ăn thịt. Đường phố không có cảnh sát giao thông tại các ngã tư. Tài xế tự động và tự giác nhường nhau nên không có “chửi” nhau bằng tiếng còi xe inh ỏi. Có các bảng nhắc nhở trên đường đi “Keep the environment clean and clear”. “Bepatient on the road”.  Vài lần, người tài xế chỉ cho chúng tôi xe của nhà vua hay hoàng hậu bắt gặp di chuyển trên đường phố vượt qua xe của chúng tôi. Xe của vua chạy qua cũng như bao nhiêu xe khác, ít ai để ý vì không có “tiền hô hậu ủng”. Không có sự cách biệt quá xa giữa người lãnh đạo và dân chúng. Nhà nước Bhutan chủ trương có mối quan hệ dân chủ giữa các cấp lãnh đạo và người dân đó là bốn chữ “nghiêm túc” và thân thiện”. Không có cảnh bắt nạt, áp bức, “đì” hay vòi tiền hối lộ để được việc. Nhà nước còn chủ trương phát triển kinh tế tập trung vào việc xây dựng nền móng an sinh xã hội tốt cho người dân bằng nền giáo dục và y tế miễn phí và tạo công ăn việc làm cho họ.


Bhutan 01
Trưa hôm nay chúng tôi ghé vào một nhà hàng ăn trưa có trình diễn văn nghệ ca múa theo truyền thống của dân tộc Bhutan.  Nhà hàng có chương trình mời uống rượu cất bằng gạo như rượu đế, có trưng bày sinh hoạt nhà nông của người dân Brutan như đập lúa, xay gạo, có các cặp ca sĩ hát  ngòai trời các bài hát dân ca nói về mùa màng, có những chiếc “linga” trưng bày rất tự nhiên được các hướng dẫn viên giải thích cho khách du lịch Tây phương biết  đây là một trong những nét văn hóa của Bhutan nhưng họ không quên kèm theo những nụ cười hóm hỉnh khi thấy những đôi má đỏ ửng và tiếng cười khúc khích của quý bà quý cô. Trên đường về, Thầy cho vài tiếng đồng hồ để bà con có dịp đi dạo phố mua sắm trên các con đường lớn dẫn vào trung tâm thành phốThimphu vì chỉ còn một ngày nữa là đoàn phải chuẩn bị chia tay. Có khoảng trên 50 người sẽ tiếp tục cuộc hành trình đi Bồ Đề Đạo Tràng trong chuyến hành hương với Thầy tại Ấn Độ. Số còn lại sẽ đi Thái Lan, về Việt Nam và một số về Mỹ.

Ngày thứ sáu đoàn sẽ tiếp tục đi thăm Tháp Tưởng Niệm Quốc Gia, một số “Dzong” nổi tiếng như Simtokha Dzong, Thimphu Tashicho Dzong và lễ hội Thimphu Tsechu.

Từ đàng xa  National Memorial Stupa  là một kiến trúc độc đáo , vượt trội, màu trắng với những tháp hình chóp mạ vàng  tọa lạc tại trung tâm thành phố Thimphu xây dựng vào năm1974 bởi Hoàng Thái Hậu Ashi Phuntsho Choden để tưởng nhớ người con trai là  vua Jigme Dorji Wangchuck đời thứ ba mất vào năm 1972 tức ông nội của vị vua trẻ đang trị vì. Bà muốn thực hiện ước mơ của nhà vua có  một tháp tiêu biểu cho trí tuệ của đức Phật tại thủ đô Thimphu.

Từ đàng xa, tháp lớn được xây cất theo kiến trúc Tây Tạng cổ điển với các cột hình nhọn trên đầu  có vương miện khắc hình mặt trăng và mặt trời và những tháp nhỏ ngoài mặt tiền .Hai bên tháp là khu vườn   có cổng vào, trang trí các hình tượng như Quan Thế Âm Bồ Tát tượng trưng cho lòng từ bi, Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ và Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho sự dũng mãnh.

 Vào bên trong là những phiến đá khắc hình  ba vị Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Liên Hoa Sinh và Vua Ngawang Namgyal . Bánh xe cầu nguyện thật lớn đặt phía bên trái . Bốn hướng đi vào trong tháp  đều trang trí các mạn-đà la, tượng Phật và đền thờ vị vua quá cố. Từ tầng trệt, Phật tử có thể leo lên hai tầng trên để thấy các tượng thần bảo hộ chạm bằng gỗ có khuôn mặt dữ dằn. Mỗi tầng đều hướng về  những lời giáo huấn của đức Phật như tầng một tiêu biểu cho phái tu Vajrkilya đạt tới ba cánh cửa giải thoát là tính trống rỗng, sự độc nhất và sự vô cầu. Pháp khí của phái này là con dao kim cương sắc nhọn. Tầng hai là giáo huấn của đức Phật thuộc  phái Kagyu do Ngài Lạt ma Phakmo Drukpa nổi tiếng với pháp môn Phowa trong đó vị Thầy chuyển thần thức của người chết siêu sinh về cõi Cực Lạc qua luân xa đỉnh đầu. Tầng trên cùng là giáo lý của phái Lama Gongdu hiện thân của sự chứng đạo. Nhìn chung ba phái này đều thuộc phái Nyingmapa Cổ Mật Tông. Riêng ở tầng ba còn là một phòng trưng bày tranh và cũng là nơi nhìn xuống một cảnh quan vô cùng đẹp mắt của thành phố Thimphu.

Rời Thimphu Memorial Stupa,  hướng dẫn viên du lịch cho biết Bhutan là quốc gia có nhiều lễ hội mang tính chất tôn giáo và văn hóa truyền thống. Chúng tôi may mắn đến Bhutan vào dịp thủ đô có lễ hội kéo dài trong ba ngày. Hòa mình trong ngày vui của lễ hội, các chị trong đoàn súng sính trong những chiếc “kira” đủ màu sắc, làm đẹp cho cảnh quan của lễ hội và không khí của đoàn thêm phần vui vẻ. Thimphu Tshechu là một trong những lễ hội được nhiều người biết đến. Mặc dù trời mưa lâm râm nhưng người dân Bhutan  nam, nữ và trẻ em mặc những bộ quốc phục đẹp, che dù, đội nón đi xem lễ hội rất đông. Khán đài là một khoảng sân rộng ngòai trời nơi đó các vũ công nam nữ mặc những bộ quần áo lộng lẫy, múa, hát hay diễn những hài kịch gây cười. Khán giả ngồi xem trên những bậc thang bằng đá chung quanh quảng trường. Quảng trường là những tòa nhà lớn , kiên cố, xây dựng theo kiến trúc truyền thống cổ điển của Brutan màu nâu, khắc những hình thể và hoa văn giống với hình ảnh các chùa tháp khác với kiến trúc bằng xi măng cốt sắt hiện đại của những cao ốc ở các nước Âu Mỹ. Bhutan vẫn giữ được màu sắc văn hóa độc đáo trong ngành xây dựng các “Dzong” cho dù trải qua bao nhiêu biến cố như thiên tai, chiến tranh. Bảo tồn văn hóa là một trong những định hướng xây dựng của đất nước Bhutan trong tương lai.

Tiếp tục chương trình thăm viếng các tháp,  ngày cuối cùng đoàn chúng tôi đi thăm hai ngôi tháp khác là Simtokha Dzong và Thimphu Tashicho  Dzong sau đó là thời gian buổi chiều dành cho các anh chị trong đoàn có nhu cầu mua sắm trức khi chia tay.

 Simtokha Dzong là một pháo đài cổ nhất cách thủ đô Thimphu khoảng 6 cây số, nơi đây  đã là một trung tâm hành chánh được xây dựng từ năm 1629 bởi vua Shabdrung Ngawang Namgyal, người lập ra vương quốc Bhutan.  Nhìn xa đó là một tòa nhà kiên cố nền trắng, các cửa sổ và cửa chính khắc những hoa văn màu nâu cổ điển theo truyền thống kiến trúc của Bhutan gồm ba tầng. Chính giữa là lối đi dẫn vào cổng lớn. SimtokhaDzong được biết là một nơi tàng trữ  nhiều bức họa cổ và đẹp nhất Bhutan. Hiện nay Simtokha Dong vừa là tu viện nuôi các tăng sĩ tu học vừa là trường dạy tiếng Dzonkha là ngôn ngữ Bhutan.

 Lịch sử  Bhutan kể rằng  đội quân người Tây Tạng cùng với năm vị Lạt Ma bất bình đã tấn công pháo đài này . Một trong những  người lãnh đạo là Lạt Ma Palden đã chết trong cuộc chiến. Khoảng năm 1630, những người Tây Tạng lại tấn công lần nữa và chiếm  được pháo đài nhưng pháo đài cháy, mái nhà sụp , những người Tây Tạng bị chết trong đống lửa . Cho đến nay, pháo đài vẫn được trùng tu và sửa chữa nhiều lần bởi những kiến trúc sư Nhật Bản. Khách du lịch đến đây sẽ thấy bóng dáng của những chiếc áo cà sa nâu của các tu sĩ qua lại trong tu viện và hình ảnh một quá khứ kiêu hùng  từ ngàn xưa của người dân Bhutan quyết chiến đấu chống lại sự xâm lăng của các nước láng giềng bảo vệ nên tự do độc lập cho đất nước. 

Thimphu Tashichho Dzong là môt pháo đài và là tu viện Phật giáo về hướng Bắc thủ đô Thimphu do Lạt Ma Gyalwa xâydựng vào  năm 1926 . Năm 1641, vua Shabdrung NgaWang Namgyal chiếm lại pháo đài . Năm1772 pháo đài bị cháy và tiếp tục bị cháy thêm ba lần nữa sau đó bị tiêu hủy bởi một trận động đất. Đến đời vua Jigme  Dorji Wangchuck cha của vị vua trẻ đương thời xây dựng lại theo đồ án khác với kiến trúc cũ và hoàn thành vào năm 1968. Nhìn chung kiến trúc chính của tòa nhà màu trắng này gồm có hai tầng và có ba mươi đền  thờ lớn nhỏ trong “Dzong”. Từ năm 1968 đến nay, Tachicho Dzong là nơi làm việc của chính phủ Bhutan, là hoàng cung nơi có ngai vàng của vua, là văn phòng của vị Tổng thư ký Nội Các, của các bộ trưởng nội vụ và tài chánh và một vài ngành trong chính phủ .  Còn các bộ khác đóng đô ở các tòa nhà tại thủ phủ Thimphu. Về phía tây của Tachicho Dzong là tháp Ny Khang Lakhang có thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và các thần bảo hộ.

Bhutan 03
Anh tài xế thả chúng tôi xuống đầu đường để chúng tôi thả bộ trên lề cùa một con đường nhỏ khá dài. Chúng tôi có hai tiếng đồng hồ đi mua sắm và ngắm nghía các cửa hàng bán hàng lưu niệm dọc theo con đường , băng qua  ngã tư bên kia là những con đường nhỏ có nhiều cửa hàng bán các quà lưu niệm, quán cà phê, tiệm bán các thiết bị điện tử... Hàng hóa ở Bhutan không nhiều và không có hàng hiệu đắt tiền cho một giai cấp giàu có nào hưởng thụ. Hình như giá trị vật chất ở đây đã bị các giá trị tinh thần nhất là giá trị về tâm linh lấn át nên sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo không thấy rõ. Hạnh phúc chính là sự hài lòng vói những gì mình đang có. Sự tìm kiếm hay mưu cầu những cái mình không với tới được chỉ gây ra đau khổ và phiền não. Người dân Bhutan với câu nói “Tôi muốn Hạnh Phúc”, họ đã bỏ đi hai chữ “Tôi” là cái ngã và “muốn” là lòng tham ái, là dục vọng của con người để giữ lại hai chữ “Hạnh Phúc”. Họ sống hạnh phúc.

Thủ đô Thimphu vào buổi chiều thật êm ả. Nắng đã dịu. Bhutan vào buổi hoàng hôn có cái se lạnh của xứ núi. Trong giờ tan tầm, tôi ngồi bên bệ xi măng cuối đường ngắm nhìn sinh hoạt của thành phố vào cuối ngày. Các công chức Bhutan mặc quốc phục “gho” đủng đỉnh  rời công sở túa ra đường. Các em nữ học sinh đằm thắm trong những chiếc “kira” vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ sau giờ học. Các nam học sinh vui đùa trong tiếng cười nói rôm rả trên hè phố. Xe cộ đông hơn nhưng không nghe một tiếng còi nào. Người qua kẻ lại tấp nập với dáng vẻ ung dung, nhàn nhã.  Các cửa hàng vẫn còn mở cửa. Tôi đi trên các con đường nhỏ và dốc thoai thoải sao giống những con đường Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo của thành phố Đà Lạt trước 75. Tôi đi một vòng đã gặp lại những người bạn mới vừa gặp đây làm tôi nhớ vài câu thơ của nhà thơ Vũ hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc trong bài “Còn một chút gì để nhớ” viết về phố núi Pleiku... “Phố núi cao phố núi đầy sương”...“ Phố xá không xa nên phố tình thân. Đi dăm phút đã về chốn cũ. Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng...”. 

 Làm sao không bâng khuâng khi ngày mai chúng tôi sẽ chia tay với Bhutan? Bảy ngày thấm tẩm trong dòng chảy của mạch sống Bhutan,  tuy chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng Bhutan đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp khó quên. 

Buổi tối cuối cùng gặp nhau tại phòng ăn của khách sạn, chúng tôi được xem một màn văn nghệ ca múa và diễn kịch truyền thống trên sân khấu dã chiến. Đoàn đã nhận được mỗi người một món quà kỷ niệm của công ty du lịch Bhutan Wisdomwalk và nghe những lời phát biểu của Thầy và những cảm nghĩ  của các anh chị chia sẻ trong chuyến hành hương. Những ánh mắt lưu luyến. Những lời chia tay bùi ngùi. Những tấm hình kỷ niệm chuyển cho nhau. Những địa chỉ e-mail để liên lạc. Có một cặp anh chị trong đoàn đã đi Bhutan hai năm về trước, lần này anh chị ghé lại thăm Bhutan lần nữa vì “ yêu Bhutan”. Bhutan đáng yêu vì đây là một đất nước hạnh phúc và những con người sống hạnh phúc đầy tình người trong hồng ân của chư Phật.

 Tạm biệt. Nếu còn đủ duyên xin hẹn gặp lại Bhutan.

                                                                 Cali ngày 27 tháng 10 năm 2019

                                                                               Phùng Annie Kim


 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đêm văn nghệ kỷ niệm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân 20-7-1979 Geneva / 20-7-2019 California sẽ diễn ra tại Hội trường Việt Báo 14841 Moran St , Westminster, California 92843 vào tối Thứ Bảy 20/7/2019 trình diễn đúng 8 giờ tối. VÀO CỬA TỰ DO.
cuốn sách không chỉ khiến ta phải ưu tư về đời người, không chỉ làm ta ngưỡng mộ, rung cảm về một cá nhân, một Con Người, một đồng bào máu thịt, cuốn sách còn cho ta những cảm nhận vô cùng sống động tới mức như được sống hoặc được sống lại với một thế hệ thanh niên của dân tộc Việt Nam
chúng con xin cung kính gửi lá thư tri ân này đến Trưởng Lão Đại Sư Garchen Rinpoche, chư Tôn đức, quý Tăng và quý Ni, quý vị Mạnh thường quân, Bảo trợ viên, Tình nguyện viên và toàn thể đại chúng tham dự tại Fountain Valley, CA cũng như trên toàn thế giới qua đường truyền trực tiếp
Bài này sẽ viết về Thiền, phần lớn sẽ ghi về một số lời dạy của Đức Phật trong thiền pháp Thiền Tông, còn gọi là Thiền Đông Độ, hay Thiền Đạt Ma, hay Thiền Tổ Sư, và riêng tại Việt Nam còn gọi là Thiền Trúc Lâm.
Hôm đó, anh em cầm bút ở địa phương Mộng Lệ, theo hẹn hò vào lúc 6 PM, cũng sẽ “dàn quân” tới một quán ăn nhằm đón chào nhà thơ Trần Mộng Tú đi cùng phu quân từ Seatle mát mẻ sang thăm Bắc Mỹ đứng gió đôi ngày
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Cộng thực hiện, cũng như rất nhiều dự án khác của Việt Nam, nhà thầu Trung Cộng luôn luôn có những trò gian manh, xảo trá, ma giáo giống nhau, đó là chậm tiến độ, đội vốn, công nghệ lạc hậu, vật liệu rẻ tiền nên không bảo đảm được chất lượng theo tiêu chuẩn.
Tối Thứ Bảy 20-7-2019 tại Hội trường Việt Báo trên đường Moran St sẽ có đêm kỷ niệm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân- VÀO CỬA TỰ DO, kính mời quí đồng hương tham dự.
Nhìn những khuôn mặt trẻ dấn thân tranh đấu cho quê hương, đất nước, từ quốc nội đến hải ngoại, xuất hiện trong buổi họp mặt ngày 10 tháng 6 vừa qua tại Sydney, Úc Châu. Đứng trên sân khấu, tôi có nói đùa với luật sư Lưu Tường Quang, một nhân sĩ lão thành, đã dầy công hoạt động và đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng tổ chức cộng đồng người Việt tỵ nạn lớn mạnh tại quốc gia này một câu là: “Có lẽ đã đến lúc chúng ta có thể yên tâm để về hưu đươc rồi anh nhỉ”?
Học giả Nguyễn Quảng Tuân- cũng là một nhà giáo dục và nhà nghiên cứu Kiều Học lỗi lạc của Việt Nam- vừa qua đời tại tư gia ở Sài Gòn vào ngày 20/05/2019, hưởng thọ 94 tuổi.
Viện Việt Học sẽ ra mắt sách THẠCH SANH LÝ THÔNG, với buổi nói chuyện với diễn-giả, Giáo-sư Nguyễn Văn Sâm, về “Truyện Thạch Sanh Lý Thông: Một Cách Nhìn Khác” vào Chủ-nhật 26/5/2019 từ 2:00PM -5:00PM tại Viện Việt Học
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.