Hôm nay,  

Tiền Ngoại Kiều Gửi Về Sài Gòn Tăng Tới 20% So Với Năm Ngoái Trong Khi Người Dân Đói Nghèo Vì Đại Dịch Vẫn Còn Nhiều

20/10/202117:31:00(Xem: 5279)

Kieu hoi ve SG_RFA
Ảnh minh họa. (nguồn: Đài RFA Tiếng Việt)

 

SÀI GÒN, VN – Tiền từ ngoại kiều gửi về Sài Gòn trong 9 tháng của năm 2021 tăng từ 10% tới 20% với số tiền 5.1 tỉ đô la so với năm ngoái, nhưng Quốc Hội CSVN thì báo cáo tình trạng người dân đói khổ vẫn còn nhiều trong thời đại dịch, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tường thuật hôm Thứ Tư, 20 tháng 10 năm 2021. Bản tin của Đài RFA cho biết thêm thông tin về việc này như sau.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 20/10 thông báo thống kê mới nhất cho thấy lượng kiều hối về TPHCM trong chín tháng vừa qua vẫn tăng mạnh, đạt hơn 5,1 tỷ USD. Truyền thông nhà nước loan tin dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Minh phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết như vừa nêu.

Theo ông Minh, hồi năm ngoái, TPHCM nhận được khoảng sáu tỷ USD và đến thời điểm này lượng kiều hối đổ về TP, tương đương 85% lượng kiều hối cả năm 2020. Dự đoán lượng kiều hối chảy về TPHCM sẽ cao hơn năm 2020 từ 10-20%.

Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thống kê được số lượng kiều hối này chảy vào những lĩnh vực nào trong nền kinh tế cả nước, nhưng trong tình hình dịch bệnh phức tạp nhiều tháng qua nên khả năng phần lớn lượng kiều hối được gửi về nhằm hỗ trợ cho người thân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước còn cho biết lượng kiều hối từ các nước như Mỹ, Úc, Canada và Châu Âu chiếm tỷ trọng lớn.

Trong khi đó một bản tin khác của Đài RFA hôm Thứ Tư cho biết tình trạng đói nghèo còn nhiều trong dân chúng vào thời đại dịch như sau.

Quốc hội Việt Nam hôm 20/10 có báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và nhận định vẫn còn không ít người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Chính phủ. Truyền thông Nhà nước loan tin vào cùng ngày.

Tại phiên họp Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đọc báo cáo thẩm tra cho biết:

“Vẫn còn không ít lao động tự do, những người không đăng ký tạm trú bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách ở đô thị lớn”

Dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm ngoái nhưng đợt dịch thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4/2021 được coi là nặng nề nhất khiến hàng trăm ngàn người nhiễm và con số tử vong lên đến trên 21.000 người.

Nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã phải thực hiện lệnh giãn cách nghiêm ngặt trong nhiều tháng, các nhà máy, công ty phải đóng cửa ngừng hoạt động.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm 12/10 cho biết có hơn 28,2 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch bùng phát lần thứ tư.

Để đối phó với tác động của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành bốn gói cứu trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Gói cứu trợ đầu tiên đưa ra vào năm 2020 trị giá 62.000 tỷ đồng được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đánh giá là không đạt hiệu quả như mong muốn với 39.000 tỷ đồng được chi cho 14,4 triệu người thụ hưởng.

Trong đợt dịch thứ tư, Chính phủ tiếp tục đưa ra gói cứu trợ trị giá 26.000 tỷ đồng được dành cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh và được cho biết là thông thoáng hơn gói trước trong việc làm thủ tục, hồ sơ để người dân nhận tiền. Tuy nhiên, một số người lao động mà RFA tiếp xúc cho biết họ cũng không nhận được tiền.

Trên mạng xã hội Việt Nam trong các tháng qua liên tục xuất hiện những video và hình ảnh người dân tự quay cho thấy người dân tập trung lên uỷ ban nhân dân ở các xã, phường để đòi tiền trợ cấp vì thiếu đói.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.