Hôm nay,  

Đạo Phật Thờ Ai?

20/06/200300:00:00(Xem: 20074)
Ngày xa xưa, khi con người còn sống đời hoang sơ trong xã hội bộ lạc, mỗi hiện tượng thiên nhiên mà loài người không giải thích được đều được xem như một vị thần. Ta có thể kể vài thí dụ như thần núi, thần sông, thần rừng, thần biển, thần lửa, thần sấm sét, thần gió, thần mưa, thần bệnh dịch, thần chết, v.v… Việc “thờ phụng” các vị thần này đều có mục đích cầu xin các thần thương tình, đừng nổi giận gây tai họa cho con người. Thỉnh thoảng, con người phải tế các báu vật, gia súc, thậm chí cả mạng người để làm vui lòng các vị thần trên.
Thế rồi loài người càng ngày càng văn minh hơn. Các quốc gia bắt đầu được thành lập, đứng đầu bởi các vị vua chúa hay hoàng đế có quyền hành tối thượng. Thế giới thần linh cũng thay đổi theo cùng với lịch sử của con người. Thế giới thần thánh bây giờ cũng có một vị Vua Trời cao nhất, ngự trị trên hết các vị thần khác. Ở Hi Lạp, Vua Trời là Zeus. Ở La-Mã là Jupiter. Ở Trung Hoa là Ngọc-Hoàng Thượng-đế. Ở Ấn độ là Bhrama. Ở Do-Thái là Jehovah. Ở Ba-Tư là Ahura Mazda. Tất cả các vị thần bên dưới Vua Trời đều chỉ là bầy tôi, là thừa sai của Vua Trời mà thôi.
Khi cư dân của các vương quốc bắt đầu có khả năng suy tư sâu sắc hơn, thì mỗi vùng trên thế giới liền nảy sinh ra các triết lý khác nhau về Vua Trời.
Một trong những quan niệm về Vua Trời quan trọng nhất là quan niệm của người Do-Thái thời cổ. Nói là quan trọng là vì quan niệm này đã làm nền tảng cho 3 tôn giáo chính ở phương Tây là Do-Thái giáo, Ki-tô giáo, và Hồi giáo.
Trong thế giới của người Do-Thái thời cổ thì vị Vua Trời (hay thường gọi là Thiên-Chúa hoặc Jehovah) đặt ra luật lệ và truyền luật này cho các Tiên-Tri. Con người có bổn phận phải tuân theo các luật của Thiên-Chúa, trong đó có bổn phận phải tôn thờ Thiên Chúa một cách tuyệt đối. Thiên-Chúa sáng tạo ra mọi thứ và có thể phán xét, ban thưởng, trừng phạt, hay cứu rỗi con người. Nói cách khác, Thiên Chúa của người Do-Thái hoàn toàn có những đặc điểm của một ông vua chuyên chế. Như đã được kể trong 5 sách đầu của Kinh Thánh Cựu Ước(Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số, và Thứ Luật), Thiên Chúa đã làm những việc như: ra lệnh cho tổ phụ Abraham phải giết con để chứng tỏ lòng tin, trừng phạt bằng cách tàn sát tất cả con đầu lòng của người Ai-Cập, kể cả con đầu lòng của súc vật, dạy dân Do-Thái phải giết hàng ngàn dê cừu lấy máu trét lên cửa để Thiên Chúa phân biệt được nhà nào là Do-Thái, nhà nào là Ai-Cập, cấm không cho thờ ai khác ngoài Thiên Chúa, đặt ra những luật lệ vô cùng chi li và hẹp hòi về cách ăn uống, nấu nướng …
Ngày nay, nhiều tín đồ có đầu óc phóng khoáng đã cho rằng hình ảnh Thiên Chúa trong Kinh Thánh Cựu Ước chỉ là sản phẩm tưởng tượng của dân Do-Thái thời cổ, khi sự hiểu biết của họ còn nông cạn, và lòng họ còn đầy hận thù sau bao đời sống trong kiếp nô lệ. Thế nhưng, hiện nay vẫn có những khuynh hướng bảo thủ trong Do-Thái giáo, Ki-tô giáo, và Hồi giáo, vẫn nhất định muốn duy trì hình ảnh Thiên Chúa như một ông vua chuyên chế theo đúng như đã được tả trong Kinh Cựu Ước.
Trong thế giới của văn minh Á Đông, triết lý về Vua Trời lại phát triển theo một đường hướng khác. Ông vua Ngọc-Hoàng Thượng-Đế ngự trị trên Thiên Đình đã dần dần trở thành một nhân vật trong truyện cổ tích. Còn quan niệm về Thiên hay Ông Trời chủ yếu có tính cách triết lý và tượng trưng. Ông Trời ở Á Đông không dùng Tiên Tri hay thánh kinh để ra luật lệ, mà để cho mỗi con người phải tự suy ngẩm nhằm hiểu luật Trời đất. Bởi vậy, ta thấy trong dân gian có 3 cách suy nghĩ khác nhau về Trời nhưng đều được tôn trọng như nhau: 1) Mưu Sự Tại Nhân, Thành Sự Tại Thiên 2) Tận Nhân Lực, Tri Thiên Mạng 3) Ý Dân Là Ý Trời. Dân gian ở Á Đông xưa nay tha hồ cầu Trời, tạ ơn Trời, hay trách móc Trời, nhưng chẳng có ai dám độc quyền bảo rằng quan niệm về Trời của mình là duy nhất đúng. Các vị vua tuy tự xưng là Thiên Tử, nhưng từ dân đến vua ai ai cũng thừa biết rằng đó chỉ là mỹ từ. Vua thất đức thì vẫn bị lật đổ như thường. Vì Ông Trời ở Á Đông có tính chất triết lý trừu tượng và không độc tài chuyên chế, nên dân gian có tự do thờ phụng những vị mà họ thương yêu và kính trọng như: tổ tiên, tổ các ngành nghề, anh hùng, liệt nữ hay khai quốc công thần được dân gian tôn làm thần.
Trong khi đó, từ 26 thế kỷ trước, đạo Phật đã có một cách nhìn vô cùng khác biệt. Ta có thể nói rằng trên căn bản, đạo Phật có một vũ trụ quan dân chủ và không đề cao hình ảnh một ông vua Trời chuyên chế, dù là dưới tên gọi gì . Đạo Phật quan niệm rằng có hằng hà sa số các cõi khác nhau. Có những cõi an lạc hơn cõi con người, nhưng cũng có những cõi còn tham, sân, si hơn cả cõi con người. Có những cõi chúng sinh ở đó có khả năng và trí tuệ hơn hẳn con người, nhưng cũng có những cõi thấp kém hơn con người. Mục đích của đạo Phật là giúp chúng sinh trong hết tất cả các cõi vượt thoát tham, sân, si để tìm sự an lạc. Sự an lạc tuyệt đối, nơi không còn tham, sân, si được gọi là Niết Bàn. Phật là các chúng sinh đã đạt được sự an lạc tuyệt đối của Niết Bàn.
Như vậy, đạo Phật kính trọng tất cả chúng sinh trong mọi cõi, và có mục đích là diệt khổ, tạo dựng an lạc cho mọi chúng sinh, chứ không nhằm thờ phụng một đấng tối cao nào cả.
Tuy nhiên, trong các xã hội mà đạo Phật đi đến, đạo Phật thường vẫn tôn trọng các hình thức thờ phụng của dân chúng địa phương, và còn sử dụng các hình thức thờ phụng đó để phục vụ cho mục đích diệt khổ và luyện tập an lạc.
Như vậy thì các bàn thờ Phật trong chùa hay tại tư gia dùng để làm gì"
Trong các chùa hay tại tư gia, ta thường thấy có những bàn thờ như sau:
Bàn thờ Tam Thế Phật: trên bàn thờ có các Phật A-Di-đà, Phật Thích-Ca, và Phật Di-Lạc.
Hình ảnh Phật A-Di-đà có ý nghĩa rằng Phật(tức là chân tâm an lạc của chúng sinh) và Pháp(sự hiểu biết được nguyên nhân của khổ đau và phương cách xóa bỏ những nguyên nhân đó) đã có từ vô lượng kiếp trước và hiện hữu trong vô lượng cõi.
Hình ảnh Phật Thích-Ca có ý nghĩa rằng Phật và Pháp đang hiện diện ở cõi người hiện tại, ngay trong đời sống của chúng ta.
Hình ảnh Phật Di-Lạc có ý nghĩa rằng mọi chúng sinh đều có thể thành Phật trong tương lai.
Ta cũng có thể thấy bàn thờ ba vị: Phật A-Di-đà, Bồ Tát Quán-Thế-Âm và Bồ-Tát đại-Thế-Chí. Phật A-Di-đà biểu tượng cho Phật và Pháp. Hai vị Bồ Tát kia tượng trưng cho 2 phương tiện chính để diệt khổ và luyện tập an lạc: Đó là Từ Bi và Trí Tuệ.
Đôi khi, ta cũng có thể thấy bàn thờ ba vị: Phật Thích-Ca, Bồ Tát Văn-Thù và Bồ-Tát Phổ-Hiền. Cũng giống như trường hợp trên, Phật Thích-Ca biểu tượng cho Phật và Pháp. Bồ Tát Văn-Thù tượng trưng cho Trí Tuệ và Bồ-Tát Phổ-Hiền tượng trưng cho đại hạnh Từ Bi.
Ngoài ra còn có bàn thờ Địa-Tạng-Vương Bồ Tát. Hình ảnh vị Bồ Tát này có ý nghĩa rằng Phật Pháp còn đi vào những cõi thấp kém nhất, nơi mà ta gọi là địa ngục, để giúp chúng sinh ở đó thoát khổ, tìm được an lạc.
Trong gian sau của các chùa ta còn thấy có bàn thờ tổ. đây là một sự kết hợp giừa đạo Phật và đạo thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ tổ thường có hình các vị tăng ni đời trước, cũng như hình ảnh thân nhân đã qua đời của các Phật tử.
Ở tư gia, đôi khi ta thấy bàn thờ có 3 vị: Phật A-Di-đà (hoặc Phật Thích-Ca), Bồ Tát Quán-Thế-Âm, và Quan Thánh. Quan Thánh tức là anh hùng Quan Vân Trường thời Tam Quốc bên Trung Hoa. Bàn thờ kiểu này là sự kết hợp giữa đạo Phật và đạo thờ cúng tổ tiên, thờ anh hùng liệt nữ. Phật A-Di-đà hay Phật Thích-Ca tượng trưng cho Phật và Pháp. Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho hạnh Từ Bi, và hình ảnh Quan Thánh tượng trưng cho đức tính Nghĩa, Dũng theo quan niệm Nho giáo.
Ta nên nhớ rằng các bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa, hay Táo Quân thường thấy ở tư gia hay các cơ sở thương mại là các bàn thờ của tín ngưỡng dân gian. đó không phải là những bàn thờ của đạo Phật.
Một số người Tây Phương chưa hiểu về đạo Phật khi vào chùa có thể hiểu lầm rằng đạo Phật là đạo đa thần vì thấy tín đồ cứ quì lạy trước vô số những vị “Bụt thần”. Nhưng như đã trình bày ở trên, các bàn thờ Phật có mục đích là để tượng trưng nhắc nhở về nội dung của đạo Phật.
Nhưng dường như đa số quần chúng thường chỉ đến các bàn thờ Phật để van vái, cầu xin"
Thông thường thì các bàn thờ Phật tại tư gia là do các vị cư sĩ lập ra. Cư sĩ là các vị vẫn sống đời sống tại gia nhưng có ý hướng muốn tích cực tập luyện để dần dần xóa bỏ tham, sân, si và gầy dựng sự an lạc. Bàn thờ Phật là một phương tiện để giúp các vị cư sĩ có nơi ngồi xuống trong thanh tịnh, giữ được những khoảnh khắc mà tham, sân, si tạm bị lắng xuống để cho tâm được an lạc. Những việc mà các cư sĩ thường làm nơi bàn thờ Phật như tụng kinh, niệm Phật, tập cách thở, lần tràng hạt, v.v… cũng không ngoài mục đích trên.
Còn khi quần chúng tìm đến bàn thờ Phật để van vái, cầu xin, thì bàn thờ Phật trở thành một phương tiện khác, nhưng cũng không ngoài mục đích mang lại an lạc. Trước hết, khi người ta đến van vái, cầu xin, tức là người ta đã có nỗi khổ tâm, lo lắng. Nhiều khi người ta chỉ cần có nơi để thổ lộ nổi khổ của mình thì cũng đã đỡ khổ lắm rồi. Khi thổ lộ nỗi khổ mà không bị phán xét, không bị chê bai, trách móc, và lại có hi vọng rằng nỗi khổ có cơ may được giải quyết, thì con người cũng đã an lạc được phần nào rồi, dù là có thể ngắn ngủi.
Đôi khi, quần chúng có thể tỏ ra kính sợ nơi bàn thờ Phật vì cho rằng đó là chỗ “linh thiêng”. Trên căn bản thì đạo Phật không muốn thấy quần chúng phải “sợ” Phật và Pháp như là sợ các vị thần. Tuy nhiên, đối với một số cá nhân, nếu sự kính sợ có thể giúp kìm hãm tham sân si, không cho tham sân si trở nên thái quá, thì đây cũng có thể trở thành một phương tiện, dù là hạn chế, trong cố gắng diệt khổ.

Như vậy thì van vái, cầu xin ở các bàn thờ Phật có thật sự “linh” hay không"
Tôi xin đưa một ví dụ như vầy. Khi bạn gặp hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bạn lên truyền thanh, truyền hình hay báo chí để kêu gọi giúp đỡ, có lẽ bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ thật sự từ người khác. Những người giúp bạn có thể giàu có hay tài giỏi hơn bạn, nhưng cũng có thể chỉ là những người đồng hoàn cảnh như bạn. Họ có thể là đồng hương nhưng cũng có thể là dân chúng xứ khác. Được giúp hay không, được giúp ít hay giúp nhiều đều do duyên và nghiệp của bạn.
Đạo Phật quan niệm rằng vũ trụ có vô số cõi, vô số chúng sinh. Khi ta lên tiếng van váy, cầu xin, chắc chắn sẽ có sự giúp đỡ đáp lại. Sự giúp đỡ có thể đến ngay từ cõi người, nhưng cũng có thể đến từ những cõi khác mà chúng sinh ở đó có khả năng và trí tuệ hơn hẳn loài người. Có được giúp hay không, và được giúp ít hay giúp nhiều đều do duyên và nghiệp của bạn.
Tuy nhiên, nếu ta cứ lợi dụng lòng từ tâm của người khác(dù đó là của các vị ở cõi người hay là ở cõi khác) để thỏa mản cho cái tham sân si của ta, thì chính ta đang tạo ra thêm đau khổ về lâu về dài cho chính ta.
Đạo Phật quan niệm thế nào về Thượng-Đế" Phật có phải là Thượng-Đế không"
Theo vũ trụ quan của đạo Phật thì có vô số các cõi. Có những cõi ít tham sân si và an lạc hơn cõi người. Có những cõi nhiều tham sân si và đau khổ hơn cõi người. Có những cõi an lạc, thanh cao, nhưng vẫn còn sự phân biệt giữa cá nhân. Có những cõi thanh cao đến độ không còn sự phân biệt giữa cá nhân nữa.
Phật là những chúng sinh đã đạt được đến trạng thái an lạc tuyệt đối, không còm tham sân si, và không còn phân biệt cá nhân. Đó gọi là Niết Bàn.
Bồ-Tát là những chúng sinh đang trên quá trình tu tập thành Phật, nhưng có tâm nguyện rằng sẽ tiếp tục ở lại các cõi còn đau khổ để giúp các chúng sinh xóa bỏ nguyên nhân khổ đau.
Như thế, Thượng-Đế ở đâu giữa các cõi đó"
Thông thường, dân gian hay nghĩ đến Thượng Đế như một ông Vua trên Trời có khả năng biết hết mọi thứ, có thể làm mọi thứ. Thượng đế cũng có ý muốn, có những tình cảm như thương yêu, giận ghét, vui buồn và có hành động như xét đoán, thưởng, phạt, ban phát, tha thứ, cứu rỗi, và thậm chí còn chiến đấu nữa. Thượng đế cũng có thể có kẻ thù là các ác quỷ, quỷ vương, ma vương, hay phản thần.
Theo đạo Phật, nếu quan niệm về Thượng- Đế như vậy, thì ta đã đặt Thượng Đế vào một cõi không lấy gì làm cao lắm. Mặc dù cõi đó có vẻ cao hơn con người rất nhiều về khả năng, nhưng cõi đó rõ ràng là vẫn còn bị chi phối bởi tham sân si, bởi đau khổ.
Tuy nhiên, đạo Phật cũng không bác bỏ quan niệm dân gian kể trên về Thượng đế. Một Thượng Đế theo quan niệm dễ hiểu như trên cũng có thể hữu ích: làm quần chúng nể sợ mà kìm hãm bớt tham sân si. Do đó, quan niệm dân gian về Thượng Đế đôi khi cũng được dùng trong đạo Phật như một phương tiện để diệt khổ.
Cũng có nhiều triết gia cho rằng Thượng-Đế chính là vũ trụ, vũ trụ chính là Thượng- Đế, Thượng Đế chính là tất cả các cõi.
Nhiều triết gia khác lại cho rằng Thượng-Đế ở trên các cõi, ở ngoài các cõi. Thượng Đế sáng tạo ra các cõi. Cũng có người cho rằng Thượng-Đế chính là Niết-Bàn.
Các triết lý trên quả là sâu sắc hơn cách nhìn chất phác của dân gian. Tuy nhiên, theo đạo Phật, nếu chỉ là triết lý để bàn suông thì cũng không giúp ích gì được cho mục đích xóa bỏ đau khổ của đạo Phật.
Vì vậy, trong lịch sử, đạo Phật đã giữ thái độ là không định nghĩa Thượng đế, nếu như việc đó không giúp ích gì cho việc xóa bỏ nguyên nhân đau khổ.
Một số trí thức Tây Phương chưa hiểu rõ về đạo Phật thường nghĩ lầm rằng đạo Phật là “vô thần” vì không tin vào Thượng-Đế. Như đã nói, đạo Phật không lấy việc định nghĩa Thượng đế làm mục đích. điều đó khác với các triết lý “vô thần”(atheism) xuất phát từ Tây Phương, vốn nhất định cho rằng hoàn toàn không có Thượng đế hay một cõi tâm linh nào ngoại trừ thế giới vật chất hiện tại.
Vậy thì ai là người sáng tạo ra vũ trụ"
Trong dân gian, người ta hay nói rằng Thượng-đế tạo ra vũ trụ. Nhưng nếu hỏi rằng ai tạo ra Thượng Đế thì ta sẽ thấy sự bế tắc ngay. Chẳng lẽ lại nói rằng Thượng Đế do Cha của Thượng Đế tạo ra" Và Cha của Thượng Đế do Ông Nội của Thượng Đế tạo ra"
Nếu nói rằng Thượng Đế tự có, không do ai tạo ra, thì ta cũng có thể nói ngược lại rằng vũ trụ tự có, không do ai tạo ra cả.
Nếu cho rằng nói như thế là không kính trọng Thượng Đế, thì tại sao ta lại không kính trọng vũ trụ" Thượng Đế hay vũ trụ thật ra cũng chỉ là 2 danh từ do con người tạo ra và tranh cải nhau xem cái nào có trước.
Vì vậy, đạo Phật cũng không đặt vấn đề ai tạo ra vũ trụ làm trọng tâm, nếu như tranh cải về việc này không giúp ích gì cho mục đích xóa bỏ đau khổ.
Đạo Phật quan niệm như thế nào về Thiên-đàng"
Theo quan niệm phổ thông trong dân gian, khi ta ăn hiền ở lành, hoặc sống đúng luật Trời Đất, hoặc sống theo ý Thiên-Chúa, thì sau khi chết sẽ được lên Thiên đàng.
Theo đạo Phật, những việc như ăn hiền ở lành, ở theo luật Trời Đất, sống theo ý Thiên Chúa, v.v… đều có kết quả là làm giảm bớt tham sân si. Khi tâm của ta bớt tham sân si thì ta sẽ tái sinh vào cõi cũng có ít tham sân si hơn và do đó nhiều an lạc hơn. Nếu muốn được tiếp tục ở các cõi lành, ta phải tiếp tục giữ không cho tham sân si bành trướng. Nếu muốn thăng tiến lên các cõi an lạc, thanh cao hơn, ta vẫn phải tiếp tục tu tâm để xóa bỏ tham sân si hơn nữa. Còn nếu để tham, sân, si bành trướng thì ta sẽ lại tái sinh vào những cõi có nhiều đau khổ do tham sân si tạo ra.
Trong kinh A-Di-đà của đạo Phật có nói nếu ai trì tụng danh hiệu A-Di-đà Phật thì sẽ được vãng sinh vào cõi Cực-Lạc. Trong kinh Tân-Ước của Ki-Tô giáo có nói nếu ai tin vào sự cứu chuộc của Chúa Jesus thì sẽ được sự sống trong nước Chúa Trời. Vậy thì đạo Phật quan niệm như thế nào về các điều trên"
Đạo Phật quan niệm như thế này: Nếu như các chúng sinh được Phật A-Di-đà hay Chúa Jesus “thương tình” mà “cho phép” vào Cực-Lạc hay Nước Chúa Trời, nhưng trong tâm họ vẫn còn đầy tham sân si, thì trước sau gì họ cũng sẽ biến Cực-Lạc hay Nước Chúa Trời thành giống y hệt như cõi trần thế mà thôi, chỉ khác ở tên gọi. Lúc đó Cực-Lạc hay Nước Chúa Trời cũng sẽ đầy đau khổ do tham sân si tạo ra, không có gì khác hơn thế giới hiện tại của chúng ta.
Mục đích của việc trì tụng danh hiệu A-Di-đà Phật là nhằm giúp người đang tụng niệm có thể định tâm lại và nhờ đó có thể thoát khỏi các tư tưởng tham sân si trong một khoảng thời gian, trước ngắn, dần dần sẽ lâu dài hơn. Khi tham sân si giảm thì ta sẽ có nhiều cơ hội tái sinh vào các cõi an lạc hơn. Ở các cõi an lạc hơn thì ta sẽ có điều kiện dễ dàng hơn trong việc tiếp tục xóa bỏ tham sân si. Cực Lạc không phải là nơi để ta đến đó hưởng thụ những lạc thú của cõi người.
Tương tự như vậy, các tín hữu Ki-Tô nếu thật sự có đức tin trong sáng vào Chúa Jesus, thì trong đời sống cũng sẽ có những cố gắng để giảm bớt tham sân si. Những cố gắng đó, dựa trên đức tin, sẽ giúp họ tái sinh vào những cõi an lạc hơn.
Đạo Phật quan niệm thế nào về linh hồn"
Trong dân gian, người ta thường quan niệm rằng mỗi cá nhân đều có một linh hồn. Sau khi chết, linh hồn lìa thể xác để đi đến một thế giới khác.
Bên cạnh đó, có một số triết gia và khoa học gia đưa ra quan niệm duy vật, cho rằng ý thức chỉ là kết quả của sự làm việc trong bộ óc. Khi bộ óc chết đi thì ý thức không còn. Theo phái duy vật, hoàn toàn không có chuyện linh hồn xuất ra đi về thế giới khác.
Theo đạo Phật, mỗi quan niệm trên đều có lý một phần, nhưng chưa toàn diện:
1) Quan niệm duy vật đúng ở chổ khi bộ óc chết đi thì ý thức không còn. Nhưng cái được gọi là “ý thức” ở đây thật ra chỉ là quá trình “xử lý” các dữ kiện của đời sống do giác quan, hệ thần kinh, trí phán đoán, trí nhớ, và tiềm thức đưa đến hầu giúp cho con người hoạt động hữu hiệu trong thế giới này. Sau khi ta chết, quá trình này hoàn toàn dừng lại vì không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, sau khi bộ óc ngừng làm việc, vẫn còn nhiều thứ khác tạo nên cá nhân ta sẽ chuyển dạng để bắt đầu một cuộc sống khác.

Ta có thể lấy thí dụ qua hình ảnh một chiếc xe hơi. Khi xe còn mới thì bộ máy, hệ thống điện, hệ thống computer giúp cho chiếc xe vận hành trên đường. Khi xe bị phế thải thì các hệ thống trên đều ngưng hoạt động. Tuy nhiên, cái “bản vẽ” của xe thì vẫn còn đó. Nó sẽ được bổ túc thêm, làm tốt hơn (hoặc làm tệ hơn), và sẽ được áp dụng vào một chiếc xe khác. Cái “bản vẽ” đó cũng đã từng trải qua một quá trình tiến hóa với biết bao “bản vẽ” đi trước nó.
2) Còn theo quan niệm dân gian, linh hồn có vẽ như sẽ còn tồn tại hoài hoài và lúc nào cũng mang nét đặc thù của cá nhân.
Theo đạo Phật, khi còn tham sân si, những “đặc tính” tham sân si của mỗi cá nhân sẽ kéo lại với nhau để tạo thành cá nhân, thành một dạng sống mới trong một cõi phù hợp với nó. Tuy nhiên, khi tham sân si đã gần bị diệt hết, thì sẽ không còn gì để kéo lại thành những đặc tính cá nhân nữa. Biên giới cá nhân sẽ dần dần biến mất. Khi tham sân si đã bị tận diệt thì không còn cá nhân nữa. Linh hồn theo quan niệm dân gian sẽ chấm dứt.

Trở lại thí dụ về chiếc xe hơi. Cái “bản vẽ” xe hơi có thể sẽ thay đổi, tiến hóa thêm vài ngàn năm nữa. Nhưng đến khi không còn ai cần dùng xe hơi nữa thì cái “bản vẽ” đó sẽ phải biến mất. Lúc đó, sẽ không còn ai biết xe hơi là cái gì nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.