Hôm nay,  

Nước Pháp Xơ Cứng

22/03/200600:00:00(Xem: 6099)
-...ta đang chứng kiến, một lần nữa, sự suy sụp của chủ trương bao cấp theo kiểu xã hội chủ nghĩa, một bài học không phải là vô ích cho Việt Nam..

Sau ba tuần bạo động, hôm Thứ Hai tuần này, chính phủ Pháp nhận được tối hậu thư của các nghiệp đoàn là họ sẽ tổ chức tổng đình công nếu đạo luật Hợp đồng Tuyển dụng Đầu tiên không được thu hồi. Diễn đàn Kinh tế Đài RFA sẽ tìm hiểu về vụ khủng hoảng này qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Đỗ Hiếu thực hiện sau đây.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, vì sao nước Pháp lại gặp một vụ khủng hoảng nữa liên quan đến một đạo luật về tuyển dụng" Nội dung văn kiện này là gì" Bối cảnh của nó ra sao"

-- Dự luật này được Hạ viện Pháp thông qua tuần trước, có mục tiêu nguyên thủy là tạo cơ hội cho giới trẻ dễ kiếm ra việc làm, nhưng lại gây phản tác dụng vì thanh niên sinh viên biểu tình chống đối. Rồi các nghiệp đoàn và chính khách bên cánh tả nhập cuộc với lời hăm dọa là sẽ phát động tổng đình công. Bối cảnh hay nguyên ủy của vấn đề này thực ra rất sâu xa nên mới có sự bất ngờ ấy, và tôi thiển nghĩ rằng Nội các của Thủ tướng de Villepin sẽ khó nhượng bộ nên mình chưa biết sự thể sẽ ra sao.

Hỏi: Nếu như vậy, xin đề nghị với ông là chúng ta sẽ đi lại từ đầu, từ bối cảnh của vấn đề.

-- Nếu có thể tóm tắt, tôi xin được gọi đây là sự hấp hối của hình thái xã hội chủ nghĩa bao cấp và nét thanh xuân của tuổi trẻ trong một cơ chế già nua xơ cứng. Điều kinh khủng là giới chính trị lại không nhìn ra chuyện đó và vì vậy nước Pháp sẽ còn nhiều cơ hội khủng hoảng.

Đầu đuôi là dân Pháp nói chung có tinh thần liên đới đùm bọc kiểu xã hội chủ nghĩa lý tưởng nên muốn đảm bảo là mọi người đều có công ăn việc làm và phúc lợi xã hội ở một mức nhất định. Tinh thần ấy lại đi ngược với quy luật kinh tế nên người ta càng muốn bảo vệ quyền lợi của giới lao động thì các cơ sở sản xuất, tức là doanh nghiệp hay thị trường, càng ngại tuyển dụng vì bị dìm dưới gánh nặng xã hội và khó sa thải nhân viên. Một thí dụ nổi tiếng thế giới là chủ trương giảm giờ lao động từ 39 xuống 35 giờ một tuần mà không giảm lương gọi là để san xẻ việc làm cho người khác. Hậu quả là từ nhiều thập niên, Pháp có tỷ lệ thất nghiệp mấp mé 10% dân số lao động. Bị thiệt thòi nhất chính là giới trẻ từ 18 đến 26 tuổi - bị thất nghiệp đến 23%; thiếu tay nghề thì còn bị nặng hơn, thất nghiệp đến 40%. Ở một số khu vực ngoại thành, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ còn lên tới 50%, với rất nhiều hậu quả tệ hại về xã hội…

Hỏi: Và vì vậy chính phủ mới có chương trình trợ giúp giới trẻ và đang bị phản tác dụng"

-- Đúng vậy, mà đây không là lần đầu. Lần trước, năm 1994, sau khi tham khảo ý kiến của cả đối lập lẫn nghiệp đoàn, Thủ tướng Edouard Balladur có chương trình tương tự, gọi là "Contrat d'Insertion Professionnelle CIP nhằm khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng giới trẻ với mức lương thấp hơn lương tối thiểu pháp định. Thanh niên lập tức biểu tình vì cho là bị hạ giá đồng lương. Sau hai tháng bị chống, ông Balladur đành nhượng bộ và thu hồi chương trình CIP này.

Năm ngoái, khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông Dominique de Villepin đã coi nhân dụng là ưu tiên, một cuộc chiến sinh tử của ông. Đầu năm nay, ông tung ra chương trình gọi là Contrat de Première Embauche, Hợp đồng Tuyển dụng Đầu tiên, gọi tắt là CPE, để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng giới trẻ với những điều kiện linh động hơn, thí dụ như có thể sa thải trong hai năm đầu. Điều kiện linh động ấy cho xí nghiệp lại là sự bất trắc cho giới trẻ.

Hỏi: Chẳng lẽ chính phủ Pháp không biết trước được phản ứng đó của thanh niên hay sao"

-- Tôi thiển nghĩ rằng mình khó gán cho chính phủ Villepin cái tội là có ác ý với giới trẻ, hoặc không hiểu được tâm lý giới trẻ. Sau đợt bạo động năm ngoái của con cháu di dân Phi châu, ông Villepin không muốn gây bất mãn cho dân chúng, nhất là khi tính ra tranh cử tổng thống năm tới. Theo thông báo từ Chính phủ, tháng Giêng vừa qua, cuộc thăm dò ý kiến của CSA và tờ l'Humanité cho thấy đến 70% dân chúng ủng hộ chương trình CPE này. Nhưng, đầu tháng ba, một số sinh viên học sinh biểu tình phản đối từ Sorbonne ở Paris. Rồi biểu tình lan rộng qua các đại học khác, sau đó, các nghiệp đoàn và chính khách đối lập hùa theo và gây ra một vụ khủng hoảng xuất phát từ một thiện ý của chính quyền! Và cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy là bây giờ hơn 70% dân Pháp lại không mấy hài lòng với đạo luật này.

Hỏi: Nhìn từ giác độ kinh tế, ông nghĩ sao về chương trình này" Tại sao lại bị chống đối"

-- Tôi nghĩ rằng cả kế hoạch của ông Balladur 12 năm trước và ông de Villepin lần này đều có lý do kinh tế chính đáng. Doanh nghiệp khó tuyển dụng nhân viên trẻ chưa có kinh nghiệm mà trả lương bằng công nhân viên khác và ký hợp đồng vĩnh viễn để cho họ vào biên chế. Vì vậy mà doanh nghiệp ngần ngại và thanh niên bị thất nghiệp cao. Để giải quyết việc ấy, ông Balladur đề nghị mức lương thấp hơn và ông de Villepin đề nghị điều kiện linh động hơn trong hai năm đầu, sau đó mới điều chỉnh theo khả năng của nhân viên. Thuần về kinh tế như ở các xứ khác thì thà có việc với lương thấp ban đầu còn hơn không. Hoặc thà có việc với hợp đồng tạm còn hơn đi làm tập sự hoặc một hợp đồng tuyển dụng ngắn hạn vài ba tháng.

Hỏi: Thế nếu vậy, tại sao thanh niên sinh viên hay học sinh lại chống"

-- Câu trả lời có thể làm nhiều người khó chịu, nhưng họ chống vì cũng có cái lý của họ! Cái lý đó là khi họ so với các thành phần lao động đã vào chính ngạch, biên chế và được bảo vệ hơn. Vấn đề không nằm trong giới trẻ mà nằm trong cả hệ thống lao động kỳ lạ của Pháp. Mà chả riêng gì Pháp, nước Đức cũng thế, đó là chế độ bao cấp xã hội chủ nghĩa. Các nước như Ý hay Tây Ban Nha đã thử nghiệp giải pháp như CPE của Pháp với kết quả khả quan, các nước có chế độ bao cấp thì lại không chịu.

Khi thanh niên bắt đầu biểu tình chống đối, các phần tử thổ phỉ bèn nhảy vào làm loạn. Xu hướng chống tư bản hoặc vô chính phủ cũng xuống đường với cờ đỏ cơ đen rợp trời, và các nghiệp đoàn lẫn chính khách đối lập không lỡ dịp khai thác để đòi thu hồi một đạo luật đã được Quốc hội thông qua. Người ta thay thế đấu tranh nghị trường bằng du kích ngoài đường, nên giải pháp cứu vãn lại thất bại và Pháp sẽ lụn bại…

Hỏi: Ông nói đến chế độ bao cấp xã hội chủ nghĩa, liệu ông có thể giải thích rõ hơn không"

-- Tôi nhớ đến một bài chính tả Pháp văn đã học khi còn bé. Nhiều người chen nhau lên toa tầu và đến đâu cũng được bên trong trả lời là "hết chỗ" - c'est complet. Người nào lách được vào rồi là thoải mái quay ra nói ngay với người ở dưới: "hết chỗ!" Thị trường lao động Pháp cũng có hai tầng. Tầng trên là người đã có việc vững chắc - như công chức và nhân viên các doanh nghiệp lớn - nhìn từ tầng dưới thì họ đã bước vào cảnh "ngồi mát ăn bát vàng".

Tầng dưới là người tân tuyển, tập sự, di dân hay kẻ thiếu tay nghề, có cuộc sống bấp bênh với mức lương rất thấp và rất khó tìm ra việc. Giới trẻ biểu tình chống chương trình CPE vì sự bất công ấy. Nhưng doanh nghiệp không thể mở cửa đón mọi người lên tầng trên của loại công nhân viên quý tộc được bảo vệ, làm như vậy thì phá sản. Mà đòi giảm bớt đặc quyền đặc lợi cho thành phần lao động ở trên bằng chính sách nhân dụng linh động hơn cho mọi người thì cũng sẽ lại có biểu tình, đình công! Rồi lại cờ đỏ cờ đen xuống đường trong khói lựu đạn cay.

Dân Pháp muốn có chế độ bao cấp để mọi người đùm bọc nhau, nhưng thực tế thì chỉ bảo vệ những ai đã lọt vào tầng trên. Còn lại, nhân viên tiểu doanh thương hoặc chưa có kinh nghiệm hay tay nghề thì hậm hực đứng dưới, sẵn sằng biểu tình chống đối để lọt vào tầng trên.

Hỏi: Ông dự đoán là tình hình sẽ biến chuyển ra sao"

-- Khi thấy tâm lý dân chúng xoay chuyển như vậy thì mình thật khó đoán ra cho chính xác. Căn cứ trên các tiền lệ đã thấy tại Pháp thì khi chính phủ phải nhượng bộ quần chúng biểu tình, người cầm đầu chính phủ coi như thất bại và sẽ thất cử. Vì vậy, Thủ tướng de Villepin khó lùi và xã hội Pháp tiếp tục sự nhiễu loạn đã từng thấy vì bất cứ một lý cớ gì.

Nhìn từ góc độ chính trị thì dù bổ nhiệm và ủng hộ Thủ tướng de Villepin, Tổng thống Jacques Chirac vẫn còn có thể ra tái tranh cử năm tới nên có khi sẽ cho nổ cầu chì ở dưới, là hy sinh ông de Villepin. Chưa nói gì đến Tổng trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy cũng đang có nhiều hy vọng tranh cử với một chủ trương gọi là cải cách hơn. Bên phía đối lập thì sau rạn nứt trầm trọng năm ngoái vì bản Hiến pháp Âu châu, đảng Xã hội đang mong khôi phục lại tư thế nhờ vụ CPE nên sẽ khai thác tới cùng, có người còn đòi giải tán Quốc hội. Những tính toán chính trị ấy càng khiến bài toán lao động khó có giải đáp thỏa đáng, vì ai cũng đòi tối đa.

Hỏi: Như vậy, xã hội Pháp sẽ đi về đâu theo nhận định của ông" Chẳng lẽ là một cường quốc kinh tế mà nước Pháp cứ bị khủng hoảng liên tục như thế này"

-- Nhìn từ một viễn ảnh xa, xã hội Pháp có hiện tượng xơ cứng khó thay đổi trong khi giới trẻ lại bất mãn vì có cảm tưởng như bị đẩy ra ngoài nên họ muốn thay đổi. Vì vậy mà tôi nói đến sự hồn nhiên của tuổi thanh xuân trong một xã hội già nua xơ cứng. Tương tự như thời 1968 năm xưa, ta có không khí "cách mạng" cho một cuộc cách mạng không thể có. Sở dĩ không thể có vì không ai biết mình muốn gì, hoặc nói cho đúng hơn, ai ai cũng muốn có mọi thứ và lập tức và muốn người khác phải trả cái giá đó. Cái giá trước mắt là đường phố, cửa hàng bị đập phá, phân nửa các đại học bị tê liệt và niên khóa bị gián đoạn. Sức cạnh tranh của Pháp sẽ bị suy yếu cùng tư thế quốc tế của mình trong Liên hiệp Âu châu. Và người ta sẽ lại tìm ai đó để đổ lỗi: hoặc là vì di dân, vì thợ thuyền Ba Lan lương rẻ, vì hàng hóa Á châu phá giá, v.v….

Hỏi: Câu hỏi cuối, nhìn từ khía cạnh kinh tế, nước Pháp có hy vọng thi hành một chính sách khác hay không"

-- Tôi trộm nghĩ là rất khó. Đối ngoại, Pháp chưa từ bỏ chính sách bảo hộ mậu dịch - ta nhớ đến vụ kiện Trung Quốc và Việt Nam về giày da hay nạn bảo vệ nông phẩm Pháp thì rõ - nhưng được họ ngụy trang dưới chủ nghĩa quốc gia - thí dụ như không cho phép giới đầu tư nước ngoài mua một số doanh nghiệp Pháp, dù là doanh nghiệp về thực phẩm như hãng Danone, chưa nói gì về năng lượng như Suez…

Bên trong, mọi biện pháp cải cách cục bộ như chương trình CPE này sẽ không giải tỏa được ách tắc cơ bản là chế độ bảo vệ thành phần lao động ưu đãi ta nói ở trên. Nước Pháp phải có chính sách lao động linh động hơn cho mọi thành phần để xí nghiệp có thể tuyển dụng, sa thải và đãi ngộ theo với quy luật tự do hơn thì mới giải quyết được nạn thất nghiệp và phản ứng xơ cứng vì muốn bảo vệ thành quả đang có. Nhưng, một giải pháp cách mạng ấy là điều bất khả trong khung cảnh xã hội và chính trị hiện nay. Vì vậy, ta đang chứng kiến, một lần nữa, sự suy sụp của chủ trương bao cấp theo kiểu xã hội chủ nghĩa, một bài học không phải là vô ích cho Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.