Hôm nay,  

Đỗ Ngọc Yến: Một Nhà Báo Biết Sống Và Biết Chết

21/08/200600:00:00(Xem: 2904)

Đỗ Ngọc Yến trong đồng phục Hướng Đạo.

Ông Đỗ Ngọc Yến qua đời chiều Thứ Năm 17/8/2006. Ông là một nhà báo. Tôi lớn hơn ông tám tuổi, không có hân hạnh quen thân ông. Nhưng qua những gì ông đã làm và thỉnh thoảng theo chân vài người bạn đến thăm ông tôi đem lòng cảm mến ông. Mấy năm gần đây khi thận của ông suy yếu tôi thấy ông vẫn đến văn phòng làm việc như không hề bệnh tật gì. Có lần tôi đề nghị ông nếu chờ thay thận tại Hoa Kỳ quá lâu ông nên sang Trung quốc thay thận, ông  trả lời rằng ông  có nghĩ đến việc đó, nhưng qua tin tức ở Trung quốc người ta lấy thận của tử tù, thậm chí đôi khi người ta giết người bán thận nên ông không đành lòng.

Khi hay tin ông qua đời tôi muốn viết về ông, về một con người biết sống và biết chết, nhưng sau khi đọc bài báo của Jeff Brody, giáo sư ngành báo chí tại đại học Fullerton trên tờ Orange County Register, một tờ báo Anh ngữ lớn nhất tại quận Cam tôi thấy bức tranh giáo sư Brody vẽ ông  quá trung thực và quá đầy đủ, tôi chỉ cần ghi lại.

Giáo sư Jeff Brody viết:

Ông Đỗ Ngọc Yến, một nhà báo lỗi lạc và là một trong những lãnh tụ cộng đồng xuất sắc tại Little Sàigòn đã qua đời vì bệnh tiểu đường và suy thận.

Ông Yến, 65 tuổi, người sáng lập tờ báo Việt ngữ Người Việt, tờ báo lớn nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ. Qua một quá trình dài từ những ngày còn là sinh viên tranh đấu và làm báo tại Việt Nam, ông trở nên một người lãnh đạo cộng đồng tị nạn Việt Nam nổi tiếng thông minh và rộng lượng. Là một nhà báo tiên phong ông đã dùng tờ báo của ông ghi lại lịch sử trưởng thành và sự hội nhập của cộng đồng người Việt tị nạn vào xã hội Hoa Kỳ. Trên cương vị chủ nhân kiêm chủ nhiệm báo Người Việt ông đã lăn xả vào sinh hoạt cộng đồng và giúp biến Little Sàigòn thành một trung tâm thương mãi, văn hóa và chính trị của người Việt tị nạn ở hải ngoại. Tờ Người Việt được phát hành rộng khắp Hoa Kỳ, sang tận Âu châu và ngay cả tại Việt Nam cũng có người đọc. Ba năm sau khi chạy khỏi Sàigòn ông Đỗ Ngọc Yến bắt đầu làm báo.

Khởi đầu là một tuần báo, ông Yến vừa viết bài vừa đi bán báo, tờ báo đã  lớn dần thành một tờ báo hằng ngày mỗi ngày in 16.500 số với một ban biên tập 70 người. Dưới tay ông, tờ Người Việt là một cơ sở có nhà in riêng, đài phát thanh và trang Web tọa lạc trên một diện tích 16.000 feet vuông trên đường Moran ở trung tâm thành phố Westminster.

Ông Yến sinh năm 1941 tại Sàigòn, con thứ ba trong một gia đình năm con. Mẹ ông người Công giáo. Cha ông làm nghề thợ may và ủng hộ Việt Minh trong cuộc đấu tranh chống Pháp giành độc lập sau Thế chiến thứ II.

Ông lớn lên trong một khu phố dưới mức trung lưu gần nhà lao Sàigòn, biểu tượng uy quyền của người Pháp. Dân sống chung quanh nhà lao không ưa người Pháp. Hồi còn bé ông từng thấy người ta bắt bớ các nhà đấu tranh và nghe tiếng súng nổ từ nhà lao.

Nhờ thông minh sớm ông Yến đã thi đỗ thứ 20 trong một kỳ thi tuyển vào một trường Trung học nổi tiếng tại Sàigòn trong số 3.000 học sinh dự tranh. Ông Yến phụ trách tờ báo của trường và đã lén in và phát tán truyền đơn chống chính quyền Pháp. Có lần ông vội đốt truyền đơn xuýt làm cháy nhà trước khi cảnh sát đến lục soát nhà ông. Ông bị đuổi học do hoạt động chống chính quyền. Tự học, mãi đến năm 22 tuổi ông mới lấy được mảnh bằng Tú Tài. 

Ông có trí nhớ tốt, ham đọc sách và tự học Anh và Pháp ngữ. Khi vào đại học ông trở thành một đại diện trong ban Chấp hành Sinh viên và đã tổ chức những cuộc xuống đường rầm rộ lật đổ tướng Nguyễn Khánh năm 1964. Năm sau ông Yến bắt đầu làm việc với International Voluntary Service (IVS), một hội thiện nguyện Hoa Kỳ. Ông vận động và tổ chức thanh niên sinh viên giúp IVS phân phối thực phẩm cho đồng bào bị nạn bão lụt ở miền Trung.

Về khuynh hướng chính trị ông Yến vừa chống thực dân vừa chống chủ nghĩa cộng sản, nhưng ông nghĩ rằng chỉ có Hoa Kỳ mới đủ sức mạnh chống cộng sản. Cuối thập niên 1960 khi cuộc chiến tăng cường độ ông Yến làm phóng viên chiến trường một thời gian. Ông hợp tác với một tạp chí và viết về các vấn đề kinh tế và xã hội cho một tờ báo khác.

Người ta thấy ông thường xuất hiện trước tiệm cà phê Givral bên cạnh các nhà báo lão thành khác đang giúp các phóng viên nước ngoài. Năm 1971 trên tờ tuần báo Newsweek người ta thấy ông Yến đang chia một điếu thuốc với mấy thương binh quân đội miền Nam. Một phóng viên nhiếp ảnh Pháp thấy ông mặc áo nhà binh tưởng ông là một quân nhân. Trước khi Sài gòn sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 ông Yến cùng Philip Caputo, tác giả cuốn “A Rumor of War” và các phóng viên người Mỹ khác viết tường thuật các trận đánh sau cùng. Ngày 26/4 ông cùng vợ và 3 con: Anh 9 tuổi, Mary 6 tuổi và John 3 tuổi rời Sàigòn trên một chiếc máy bay quân sự C-130. Ông chưa gặp lại cha, mẹ và nhìn lại đất nước cho đến ngày nhắm mắt.

Vài ngày sau ông Đỗ Ngọc Yến đến trại Pendleton trong túi vỏn vẹn có 40 mỹ kim. Năm đó ông vừa 34 tuổi. Ở đó 2 tháng ông di chuyển gia đình lên Santa Rosa ở bắc California, và bà Yến có thai đứa con thứ tư, Lynn.

Một thời gian sau ông và gia đình di chuyển về Dallas với thân nhân, sau đó ông về làm cho Sở Xã hội ở Port Arthur, một làng chài lưới nhỏ bé ở Texas.

Trong 3 năm đầu ở Hoa Kỳ ông Yến thay đổi ít nhất 10 chỗ ở và làm ít nhất 10 công việc khác nhau. Ông thường tự hỏi tại sao ông không nhân không khí tự do ở Hoa Kỳ mà làm báo. Tin tức từ Việt Nam cho biết chính quyền cộng sản Việt Nam thu và đốt sách làm ông hết sức bất mãn.

Năm 1977 ông Yến bỏ hết tâm trí khi làm chủ nhiệm nguyệt san Hồn Việt ở San Diego, nhưng dần dần ông thất vọng vì tờ báo không đăng tải đầy đủ sinh hoạt của người tị nạn. Ông quyết định tự mình xuất bản một tờ báo đăng đầy đủ tin tức thế giới và cộng đồng. Ông Yến tâm sự: “Tôi muốn làm một tờ tuần báo viết về những gì đang xẩy ra tại Việt Nam và những gì liên quan đến đời sống hằng ngày của người tị nạn, từ cách lái xe trên xa lộ, mua bán ở siêu thị, đi bỏ phiếu …”

Tờ tuần báo Người Việt bắt đầu tại San Diego được 3 số thì đình bản, và tái bản năm 1979 tại quân Cam.

Để giúp bán báo, bạn bè của ông Yến ghim báo trước ngực và sau lưng đứng trước các nhà thờ và chùa của người Việt Nam trong vùng. Những ngày đầu tiên tại quận Cam thật là gian nan.

Gia đình ông Đỗ Ngọc Yến ở chung với 10 người bạn trong một căn phòng cho thuê 2 giường ngủ. Ông mua một máy đánh chữ hiệu IBM chạy bằng điện và đánh dấu chữ Việt bằng tay. Lúc đó Little Sàigòn còn trong trứng nước. Suốt cả đường Bolsa chỉ có 12 tiệm do người Á châu làm chủ. Tờ báo sống bằng quảng cáo. Năm mỹ kim mỗi kỳ quảng cáo, còn báo sáu mỹ kim nếu đặt mua 3 tháng.

Ông Yến lấy tin từ Việt Nam qua thư từ của thân nhân người tị nạn và theo dõi tin tức trên báo chí Hoa Kỳ và báo của các nước khác.

Để giúp những người tị nạn mới tới hội nhập vào xã hội mới ông viết về mọi vấn đề từ việc ghi tên đi học, cách dùng phương tiện chuyên chở công cọng, mua bán. Tìm danh từ tiếng Việt để viết cũng là một việc nhức đầu. Thí dụ chữ “auto body”, ông dịch “body xe” nghĩa là chỉ dịch chữ  auto là xe còn chữ body để nguyên vì trong Việt ngữ không ai nói là thân xe cả.

Theo truyền thống làm báo của người thiểu số ở Hoa Kỳ, ông Yến tiếp cận mật thiết với cộng đồng mình và trở thành một ông chủ nhiệm năng nổ, gióng lên tiếng nói của cộng đồng và bênh vực cộng đồng khi cần thiết. Năm 1981 ông đứng ra chống lại sự tấn công của Sở Y Tế quận Cam khi sở này cảnh giác dân chúng quận Cam rằng 80% người Việt tị nạn có mầm mống bệnh lao làm cho dân chúng trong quận hoảng hốt và cộng đồng bị xa lánh. Nguyên do chỉ vì Sở Y Tế không hiểu nguồn gốc của vấn đề. Thật ra đa số người Việt khi làm test bệnh lao đều thấy dương tính vì (khi còn ở Việt Nam) họ được chủng ngừa bệnh lao theo cách của người Pháp là chích vào người một số vi trùng bệnh lao đã  bị làm yếu đi để tập cho cơ thể có khả năng chống vi trùng lao.

Ông Đỗ Ngọc Yến thành lập một ủy ban và tổ chức một cuộc họp báo với các lãnh tụ cộng đồng và các bác sĩ của trường đại học UCI (University of California, Irvine) để giải thích vấn đề. Ông viết nhiều bản tin báo chí và thuyết trình cho các phóng viên báo chí địa phương. Trong nhiều năm ông Đỗ Ngọc Yến trong nhiệm vụ chủ nhiệm một tờ báo đã đóng vai trung gian chuyển đạt quan điểm của người Việt tị nạn trong nhiều vấn đề đến với báo chí người Mỹ.

Little Sàigòn càng thịnh đạt tờ Người Việt càng khá lên. Năm 1987 trên đường Bolsa thuộc thành phố Westminster và Garden Grove có đến 500 cơ sở buôn bán của người gốc Á châu. Các bảng hiệu mọc lên như nấm và Người Việt sống nhờ quảng cáo. Năm đó cơ sở Người Việt dọn về đường Moran. Ông Đỗ Ngọc Yến chia tiền lời với nhân viên theo công thức của tờ báo Le Monde ở Paris biến tờ báo thành của chung. Triết lý của ông Yến là khi tranh đấu có nhau thì cần phải duy trì cái tinh thần cộng đồng đấu tranh đó. Cơ sở Người Việt trở thành nơi quy tụ của nghệ sĩ, văn sĩ cũng như những người kém may mắn - trong đó có nhiều cựu giáo sư - bị tù tội sau chiến tranh. Ông Đỗ Ngọc Yến không từ chối giúp đỡ một ai, đôi khi dùng tiền túi của ông.

Trong tinh thần đó cơ sở Người Việt lập một Quỹ xã hội và thành lập một Phòng Hội. Quỹ xã hội giúp văn sĩ và nhạc sĩ in sách và nhạc, cho nhân viên vay tiền mua nhà không lấy lời hay giúp đỡ nhân viên gặp nghịch cảnh. Phòng Hội làm nơi sinh hoạt, thuyết trình, triển lãm hội họa hay biểu diễn ca nhạc. Phòng Hội cho thuê với giá rẻ hoặc có khi cho mượn không.

Ông Đỗ Ngọc Yến rất tự hào về chương trình của các sinh viên thuộc thế hệ thứ hai đến cơ sở Người Việt  trao đổi học hỏi với nhau về văn hóa, lịch sử và văn chương Việt Nam. Mặc dù ông Yến không có bằng cấp đại học ông cũng rất thích thú thảo luận với các sinh viên và ông chứng tỏ là một người thầy có khả năng. Ông cũng học nơi các sinh viên nhiều chuyện. Các sinh viên đã hướng dẫn ông cách dùng internet và ông đã áp dụng để lập trang Web cho Người Việt.

Trang Web giúp Người Việt có độc giả khắp nơi trên thế giới và ít nhất có 1.000 độc giả tại Việt Nam, đa số là thành phần giỏi điện toán để vượt tường lửa. Quan hệ đối với chính quyền Việt Nam là một điều rất tế nhị đối với ông Yến cũng như đối với các nhà báo Việt ngữ khác.

Trong khi đó một thiểu số người trong cộng đồng chưa ý thức thế nào là tự do báo chí và dùng bạo lực vì lý do chính trị. Tại Mỹ đã có 5 ông chủ nhiệm báo Việt ngữ bị giết và hằng chục nhà báo khác bị bạo hành vì đăng quảng cáo hay viết những câu chuyện liên quan đến Việt Nam (mà họ không thích). Ông Đỗ Ngọc Yến cũng từng bị đe dọa. Những người chống cộng quá khích cho ông Yến nương nhẹ đối với chính quyền Việt Nam. Một lần trong một chương trình truyền hình của Người Việt về một sinh hoạt tại Việt Nam xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng nơi hậu cảnh, một số người đã quẳng bom lửa vào một chiếc xe của cơ sở Người Việt và đòi ông Yến từ chức. Tờ báo cũng bị chỉ trích vì đăng quảng cáo của các cơ sở thương mãi làm ăn với Việt Nam. Trong khi những người tị nạn quá khích tấn công ông Yến thì Hà Nội cũng tố cáo ông Yến làm báo chống lại đất nước. Ông Yến bình tĩnh chấp nhận sự chỉ trích của mọi phía, xem đó là một quá trình học tập. Ông Yến nghĩ ông có bổn phận giúp người Việt hiểu thế nào là tự do báo chí, và những quyền quy định bởi tu chính hiến pháp số 1 (của Hoa Kỳ).

Sau khi quan hệ Việt-Mỹ dịu bớt nhiều người Việt đã có thể về thăm quê nhà ông Yến vẫn không thể về, ngay khi mẹ ông bệnh nặng. Không khí chính trị không thích hợp cho ông. Về, một mặt ông ngại chính quyền Hà Nội có thể bắt giữ ông, một mặt ông ngại cộng đồng người Việt ở Little Sàigòn chỉ trích ông.

Những năm tháng căng thẳng đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông.

Làm việc 18 giờ một ngày. Bị đe dọa. Căng thẳng bởi công việc. Bước vào thế kỷ 21 sức khỏe ông suy kiệt. Ông bị tiểu đường và suy thận hằng tuần phải vào bệnh viện lọc máu. Bác sĩ khuyên ông bớt làm việc. Mấy năm sau này ông bớt công việc dùng thì giờ viết hồi ký. Ông giao công việc cho người con gái lớn, cô Anh tốt nghiệp đại học Nam California (University of Southern California – USC, một đại học tư) và là người viết bỉnh bút cho tờ Orange County Register.

Lúc nào thấy trong người hơi khỏe ông đến cơ sở Người Việt mà ông đã dày công xây dựng và trân quý. Với dáng đi chậm rãi vì bệnh kinh niên, ông bước qua khu làm việc, lướt nhìn phòng làm tin, ngừng đây đó bắt tay nói chuyện với nhân viên. Nhân viên ông còn cần sự chỉ dẫn và kinh nghiệm của ông. Các vị lãnh đạo cộng đồng cũng thường gọi ông. Ngay cả nhân viên sứ quán Việt Nam cũng đến hỏi thăm sức khỏe ông. Ai cũng kính trọng ông, xem ông như một nhà nho. Ông trải lòng sống với mọi người, không than trời trách đất vì đau ốm, không bao giờ nói đến bệnh trạng của mình.

Vào những ngày cuối cùng trên giường bệnh, bạn bè đến thăm ông, hát chúc tụng ông, ông ráng sức hát theo, nhắc những đoạn bạn quên lời, đôi mí mắt nặng cố giương lên như một trẻ sơ sinh, ngời sáng.

Không ai biết câu chuyện về Little Sàigòn bằng ông.

Với bản chất nhu hòa, nói tiếng Anh một cách ôn tồn, hùng biện khi nói tiếng Việt ông Yến sống với tinh thần bác ái, khiêm nhượng và kiên nhẫn đối với mọi người.

Bạn bè gọi ông là một người hiền không bị lung lạc bởi sự thành công vật chất.

Người ta sẽ nhớ tới ông như một nhà trí thức hàng đầu của Little Sàigòn./.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.