Hôm nay,  

Tuổi Ngọc

23/07/200300:00:00(Xem: 6127)
(Viết tặng các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô và Cựu học sinh trường Jeanne d'Arc, Huế nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường, 1903-2003)
Tuổi Ngọc là tên tờ báo học trò của trường Jeanne d'Arc Huế niên học 1965-1966 do tôi thực hiện với sự đóng góp bài vở của giáo sư và học sinh nhân mùa Lễ Giáng Sinh năm 1965. Tôi chọn cái tên nầy để nói về những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò dưới mái trường Jeanne d'Arc, nhân dịp mừng 100 năm của trường (1903 -2003).
Tôi biết đến trường Jeanne d'Arc và các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô từ năm 1952, cách nay hơn nửa thế kỷ. Hồi đó, tôi mới hơn 12 tuổi, lần đầu tiên đến Huế. Trong khi chờ đợi nhập học tại trường La San Pellerin (trường Bình Linh) do các Sư Huynh Dòng Thánh Jean Baptiste de La Salle (phiên âm tiếng Việt là Dòng các Sư Huynh La San) phụ trách, tôi được một người bà con đưa đến thăm Bà Marie (Dòng "Ma Soeur" Saint Paul) lúc bấy giờ đang phụ trách Bệnh Viện Bài Lao Huế. Bà là Dì ruột của chị dâu tôi (Nguyễn Thị Uyên), và cũng là người đồng hương (Quảng Trị) nên chúng tôi xem Bà như người trong bà con họ hàng của mình.
Cách Viện Bài Lao chừng 500 mét, có trường Jeanne D'Arc của các Soeur Dòng Thánh Phaolô, cùng một Dòng tu với Bà Marie. Ngoài ra, tại làng Kim Long, bên bờ sông Hương, cách Huế chừng 3 cây số còn có một Viện Mồ Côi có tên là Cô Nhi Viện "Dục Anh" do các Soeur Dòng Thánh Phaolô phụ trách cũng đã hoạt động cả trăm năm rồi! (Bà Marie sinh quán tại làng An Lộng, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Dưới con mắt của tôi, Bà Marie là một Nữ Tu có nhiều uy tín và được mọi người kính trọng nhờ lòng đạo đức, tinh thần bác ái, hy sinh phục vụ bệnh nhân và học vấn của bà. Tôi lớn lên ở một miền quê, tỉnh nhỏ, chỉ thấy các Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá, khiêm tốn, nghèo khó, mặc áo dòng đen, đi guốc gỗ, học hành chỉ đủ để dạy giáo lý cho trẻ em quê mùa, dốt nát, nghèo nàn ở các giáo xứ xa xôi, thiếu ánh sáng văn minh của thành thị... Bây giờ thấy một Nữ Tu đi giày da, mặc áo Dòng theo kiểu Tây, nói tiếng Pháp như "đầm", được mọi người kính trọng một cách đặc biệt...nên tôi rất khâm phục.
Năm 1960, vào tuổi trưởng thành, tôi được gia đình trao cho trách nhiệm liên lạc với trường Jeanne d'Arc để lo cho mấy đứa cháu đang học nội trú tại đây. Mỗi năm, vào dịp Tết hay nghỉ Hè, tôi đều nhận được thư mời thay mặt phụ huynh đến dự Lễ Phát Phần Thưởng, xem Văn Nghệ và Hội Chợ do trường tổ chức. Jeanne d'Arc là trường nữ trung tiểu học, tư thục, trước năm 1954-1955, chuyên dạy chương trình Pháp. Bậc tiểu học thì nhận học sinh nam lẫn nữ. Nhưng từ trung học trở lên thì chỉ nhận nữ sinh mà thôi. Các tu sinh cũng học chung với nữ sinh ở ngoài. Trường có nhận học sinh nội trú. Mỗi lớp từ 25 đến 30 học sinh, đa số là con nhà danh giá, giàu có tại Thành Phố Huế và Miền Trung. Trước 1954, nhiều gia đình công chức hay sĩ quan người Pháp cho con đến học trường nầy. Một số các mệnh phụ, phu nhân đều xuất thân ở đây. Tất nhiên nữ sinh trường Jeanne d'Arc cũng có tiếng là xinh đẹp và được đánh giá cao về mặt tư cách đối với xã hội thời đó.
Mỗi lần tổ chức hội chợ, trường lựa chọn các cô duyên dáng, ăn mặc lịch sự, nói năng khôn ngoan, khéo léo để tiếp đón quan khách. Đặc biệt, trường chọn các cô có bàn tay đẹp, đứng núp sau màn, chỉ đưa "bàn tay ngọc" lên cho người ta ném vòng. Vòng nào lọt vào bàn tay đó thì được phần thưởng. Ngoài ra còn những màn múa, hát và diễn kịch do các nữ sinh và các tu sinh trình bày rất công phu, đẹp mắt. Nhiều chàng trai đến xem văn nghệ, tham gia hội chợ...ra về phải mang bệnh tương tư! Có thể nói, đây là cơ hội cho các bà mẹ, các cậu con trai danh giá trong thành phố tìm người để "kết tóc xe tơ", tính chuyện xây dựng gia đình tương lai...
Mặc dù mới ngoài hai mươi tuổi, nhưng với trách nhiệm là người đại diện gia đình, cứ mỗi cuối tuần tôi đến gặp Bà Hiệu Trưởng để xin phép cho các cháu về nhà chơi, ở lại tối thứ Bảy, chiều Chúa Nhật trở lại. Nhiều lần được nói chuyện với Bà Hiệu Trưởng, tôi được Bà quý mến và xem tôi là người đứng đắn, trưởng thành. Năm 1964, tôi đang học tại Đại Học Sư Phạm Huế, thì Linh Mục Nguyễn Kim Bính, lúc đó đang làm Cha Xứ tại nhà thờ Phanxicô, bên cạnh trường Jeanne d'Arc cho biết, trường đang cần một giáo sư dạy Văn Chương và Sử Địa và ngài cũng muốn giới thiệu tôi. Đa số giáo sư của trường là các bậc lão thành hoặc các cô giáo, ít khi có Thầy giáo trẻ tuổi như tôi.
Năm 1964, trường mới có các lớp Đệ Nhất Cấp: từ lớp đệ tứ (tức lớp 9) trở xuống. Bà Hiệu Trưởng là một Nữ Tu nói giọng Huế, có người anh ruột là một Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế, hai anh em đều trở lại đạo Công Giáo, một người làm Linh Mục và một người là Nữ Tu. Bà có văn bằng Cử Nhân, đối với thời đó, rất giá trị. Qua niên khóa 1965-1966, có Hiệu Trưởng mới và trường mở thêm 2 lớp Đệ Tam (lớp 10) và Đệ Nhị (lớp 11) thi Tú Tài bán phần. Các Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng (Kim Đôi) cũng được gởi đến học tại đây, mỗi lớp vào khoảng 40 học sinh. Tôi dạy Quốc Văn (Việt) lớp Đệ Tam (10) và Sử Địa lớp Đệ Nhị (11). Trước khi vào niên học, tôi nhớ có cô sinh viên lên nhận bằng Cử Nhân Văn Chương Pháp tại Đại Học Huế với huy chương danh dự bằng bạc. Khi gọi tên cô, ai cũng chăm chú nhìn xem "nhan sắc" cô như thế nào" Nhưng các nam sinh viên đã quá ngạc nhiên khi được biết cô sinh viên đó lại là một Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô: Soeur Marie Jeanne Đại Thị Đức, em ruột của nhà văn TCHYA (Đại Đức Tuấn). TCHYA là tác giả các tiểu thuyết nổi tiếng trước 1945 như Kho Vàng Sầm Sơn, Đồng Tiền Vạn Lịch,v.v...mà tôi đã say mê đọc một thời...Nữ Tu Đại Thị Đức đã từng du học ở Roma về, là người có tài thuyết phục, ngoại giao rộng, biết tổ chức, chỉ huy.

Niên học mới 1965-1966, Soeur Marie Jeanne (Đại Thị Đức) làm Hiệu Trưởng. Học sinh thường gọi là Bà Marie Jeanne khác với Bà Jeanne (Trương Thị Hưởng) đã từng làm Hiệu Trưởng vào những năm 1960-1963. Bà Marie Jeanne rất có uy, học sinh đều sợ Bà. Tôi còn quá trẻ, sợ mang tiếng với các cô học trò nên mỗi lần đến giờ ra chơi (giờ nghỉ), tôi thường đến văn phòng Bà ngồi nói chuyện. Tôi gọi Bà bằng Dì một cách thân mật, xem Bà như là bậc phụ huynh trong gia đình. Ở Huế, vào khoảng tháng 10 trở đi, thời tiết hay mưa bão, có khi trời trở lạnh bất thường. Có lần Bà đi ngang lớp tôi đang dạy, thấy tôi hắt hơi, sổ mũi...Bà liền đi xuống nhà ăn, bưng lên một ly rượu vang nóng (wine) và hai viên thuốc cảm, để trên bàn cho tôi. Rồi chào tôi, ra đi. Học sinh thấy vậy, nói với nhau:
"Bà Marie Jeanne là Mẹ của ông T. đó!". Cô khác lại nói:"Ông T. là cháu Bà Marie Jeanne!"...
Lễ Giáng Sinh năm 1966, tôi thực hiện cho trường một đặc san, với phương tiện riêng của tôi, không bắt học sinh đóng góp tiền bạc gì. Tôi nhờ họa sĩ Phạm Văn Hạng trình bày hình bìa và trang trí bên trong. Tôi kêu gọi anh em giáo sư và học sinh tham gia, có người làm thơ, có người viết truyện. Tôi cũng góp một truyện ngắn, một bài thơ...cho vui. Báo in Ronéo, nhờ nhà in đóng và cắt xén rất đẹp. So với thời đó, một tờ báo của học sinh mà được như thế là hãnh diện lắm rồi! Đây là kỷ niệm cuối cùng của tôi với trường Jeanne d'Arc.
Sau đó ít lâu, tôi được chuyển về làm việc tại Bộ Giáo Dục và chưa đầy một năm sau (tháng 10-1967) tôi ra ứng cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện tại Thừa Thiên. Sau khi đắc cử, tôi trở về Sài Gòn. Thỉnh thoảng có dịp ra Huế, tôi có đến thăm Soeur Marie Jeanne và thăm trường. Bà Marie Jeanne có xin tôi mua cho trường một cái loa phát thanh cầm tay để khi nói chuyện trước đám đông học sinh cho tiện. Tôi đã thực hiện theo ý của Bà. Trong thời gian làm Dân Biểu, có lần tôi đi qua Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn...Qua sự giới thiệu của Bà Marie Jeanne, tôi có ghé thăm gia đình Ông Bà Thành Quang Nhiên, Tổng Lãnh Sự VNCH tại Hồng Kông và đã được Ông Bà tiếp đón rất ân cần. Bà Nhiên là người trong gia đình của Bà Marie Jeanne.
Từ 1972 trở đi, tôi không có dịp về Huế. Nghe nói Bà Marie Jeanne đã về Nhà Dòng tại Đà Nẵng. Sau ngày 30-4-1975, tôi bị giam giữ trong "nhà tù cải tạo" của chế độ CSVN suốt 13 năm. Tết năm 1988, được về Sài Gòn, tôi liền viết thư ra Đà Nẵng báo tin và hỏi thăm Bà. Nhưng Bà Bề Trên Nhà Dòng ở Đà Nẵng đã viết thư cho tôi biết: Bà Marie Jeanne Đại Thị Đức đã qua đời! Tôi rất buồn và cảm thấy một sự mất mát rất lớn trong cuộc đời của mình: Trong thời gian 13 năm tù, mẹ tôi qua đời năm 1985 và bây giờ 1988, lại thêm một người mẹ tinh thần nữa ra đi! Ở trong tù cũng như khi được tự do, mỗi lần đọc kinh, cầu nguyện hay tham dự Thánh Lễ, tôi đều nhớ đến các ân nhân, trong đó có Bà Marie Jeanne.
Vợ tôi cũng là cựu học sinh Jeanne d'Arc và cũng đã trở lại đây làm giáo sư một thời gian. Cách nay chưa đầy một năm, có mấy người bạn cùng lớp với vợ tôi tại trường Jeanne d'Arc gặp nhau tại TP Westmisnter, Nam California. Tôi có đến thăm. Tất cả được 05 người. Bốn người ở Nam California: Bùi Thu Hương, Phan Thu Hương, Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Thị Lài và Nguyễn Thị Tân ở New Jersey...Các cô mong có dịp họp mặt cựu học sinh Jeanne d'Arc đông hơn. Nghe nói ở vùng San Jose (Bắc California) có nhóm Thiên Hựu - Jeanne d'Arc, không biết được bao nhiêu người" Ở Việt Nam, tôi có gặp chị Nguyễn Thị Sô, chị Lê Thị Bình (Dòng Kim Đôi) và Nguyễn Thị Lệ Mỹ...Tại Hoa Kỳ, tôi có gặp Từ Thị Siêu và Nguyễn Thị Phước...Tôi không còn nhớ mặt các cô, nhưng các cô vẫn còn nhận ra tôi.
Xin cám ơn Soeur Theresa Nguyễn Thị Diệu Thới, cựu học sinh trường Jeanne d'Arc Huế, hiến ở Đà Nẵng, đã báo tin cho tôi biết kỷ niệm 100 năm (1903-2003) trường Jeanne d'Arc Huế sẽ được tổ chức vào ngày 27 tháng 12 năm 2003 tại Huế.
Các cựu Giáo sư và cựu học sinh trường Jeanne d'Arc có thể liên lạc với:
Sr. Benedictine Trần Diệu Khánh
365 Ngu Hành Sơn (Phan Tu)
Quận 3 Đà Nẵng- Việt nam
Địa chỉ email: dieukhanhspc@pmail.vnn.vn
Sau ngày 30-4-1975, trường bị nhà nước CSVN chiếm đoạt, các Soeur phải đi nơi khác, học trò cũng không còn! Đây là tài sản của Giáo Hội Công Giáo, không biết Nhà Nước có chịu trả lại cho Nhà Dòng hay không" Các Soeur suốt đời lo việc giáo dục và bác ái, xã hội, phục vụ người nghèo, người đau ốm...không lẽ chẳng còn ai biết đến công ơn của các Nữ Tu hay sao" Việc tịch thu nhà cửa, tu viện, trường học, nhà nguyện, cô nhi viện của các Soeur...có hợp tình, hợp lý hay không"
NLT (7-7-2003)
(Sau đây là bài thơ về trường Jeanne d'Arc của một cựu học sinh, gởi về Quý Soeur Dòng Saint Paul nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường Jeanne d'Arc)
TRƯỜNG JEANNE D'ARC
Có một ngày, khi trở lại Quê Hương,
Tôi sẽ không quên hỏi tên đường,
Thăm lại Jeanne d'Arc, ngôi trường cũ,
Cho thỏa lòng, tôi vẫn nhớ thương.
*
Thuở ấy, tóc tôi hẳn còn xanh,
Tuổi xuân với ước mộng trong lành,
Mơ ước tuyệt vời và thánh thiện,
Tôi nhìn đời, đời đẹp như tranh.
*
Mỗi ngày hai buổi, tôi đến trường.
Trường tôi giữa núi Ngự sông Hương,
Do Quý Nữ Tu mang áo trắng,
Mà cuộc đời (là) bản nhạc Yêu Thương.
*
Trường như tổ ấm của chim non.
Trường cho tuổi trẻ nụ cười dòn.
Trường khai trí tuệ thêm trong sáng.
Trường luyện con người, tấm lòng son.
*
Tới trường, tôi gặp bạn, gặp Thầy.
Học hành không bỏ một phút giây.
Tôi kính Thầy Cô như Cha Mẹ.
Bạn bè cũng chọc phá một cây!
*
Giờ tôi tuổi đã tóc muối tiêu,
Nghĩ đến trường xưa, nhớ thật nhiều,
Nhớ bạn, nhớ Thầy, ngôi trường cũ,
Lòng thầm cảm tạ Đấng Cao Siêu.
An Siêu
(Cựu học sinh trường Jeanne d'Arc)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.