Hôm nay,  

Diễn Đàn Độc Giả

16/12/200100:00:00(Xem: 3966)
*
Thắc mắc về TTSHCĐ & chuyện lấy phiếu bầu Cử!
Một Thành Viên CĐNVTD - NSW

Thưa ông Hoàng Tuấn. Tôi và mấy người bạn có 8 thắc mắc xin mạnh dạn nêu cùng ông. Rất mong ông bớt chút thì giờ trả lời thì anh em chúng tôi rất lấy làm cảm kích. 1. Tôi được biết, ông Trần Nhu, một người từng làm Chủ tịch BCH CĐNVTD ở Nam Úc thì phải là người chống cộng triệt để và phải là người hiểu biết, có trình độ. Ông ta lại từng ra ứng cử BCHCĐ, đủ chứng tỏ ông ta rất quan tâm đến việc chung. Hơn nữa, chung quanh ông ta có rất nhiều vị bằng cấp Colombo cử nhân tiến sĩ đầy người và rất thông thái về tính toán. Vì vậy khi ông Nhu đưa ra câu hỏi về số tiền mà Bác sĩ thủ qũy Vũ Ngọc Tấn ghi trong một bản báo cáo được nhiều báo đăng tải: "Số tiền này gồm $150,734 là tiền mặt có trong ngân hàng", tôi thấy ông Nhu và chúng tôi có lý để tin rằng đó là số tiền phải có trong trương mục của CĐ tại ngân hàng. 2. Đọc báo Sàigòn Times trước đây thấy có nói đến chuyện ông Vi Mạnh bị cáo buộc là lấy trộm phiếu bầu cử bảo làm giấy nháp và cộng đồng mình có làm biên bản chuyện này. Vậy mà đến giờ sao vẫn thấy êm ru bà rù là thế nào" Tôi muốn hỏi tại sao Ủy Ban bầu cử không giải quyết câu chuyện cho minh bạch. Đã lập biên bản thì phải giải quyết. Nếu bắt oan, lập biên bản oan thì phải xin lỗi người ta chứ. Còn nếu ông Vi Mạnh có lỗi thì trong tình người Việt mới nhau, ông ta phải xin lỗi. Nếu ông ta không xin lỗi thì cứ việc lập hồ sơ báo cho cảnh sát. Tôi thấy qúy vị có lối làm việc nửa vời. Nói thì ghê lắm, ầm ĩ lắm nhưng rồi cứ bỏ đó không à. Đúng là đầu voi đuôi chuột...

Thưa ông Thành Viên CĐNVTD! Ông có 8 thắc mắc, nhưng chỉ có 2 thắc mắc liên quan đến việc chung là chúng tôi thấy cần phải đề cập trước. Còn 6 thắc mắc khác, chúng tôi phải cân nhắc trước khi đăng báo. Trước khi trả lời thắc mắc của ông, chúng tôi cũng xin thưa với ông, theo quyết định của buổi họp ngày Chủ Nhật 2/12, toàn thể CĐNVTD đã đồng ý gạt sang bên tất cả mọi thắc mắc, mọi nghi ngờ để cùng nhau đoàn kết, hậu thuẫn tân ban chấp hành, tiếp tục các cuộc quyên góp, xây cất TTSHCĐ. Tôn trọng quyết định của tập thể, và tôn trọng thắc mắc có nội dung hoàn toàn xây dựng của ông, thay vì phải viết một bài rất dài mổ xẻ những thắc mắc trong phiên họp ngày 2/12, chúng tôi chỉ xin có vài ý kiến ngắn gọn như sau.

Thắc mắc một. Nếu ông (cũng như ông Trần Nhu) đọc kỹ bài viết của Bác sĩ Tấn, chắc chắn chúng ta đã không mất nhiều thì giờ vô ích quanh vấn đề này. Nguyên văn trong bài viết của Bác sĩ Tấn là: "BCH của ông Trần Thanh Phúc đã cố gắng không ngừng trong một thời gian và sau đó đã kiếm ra số tiền ngoài $200,000 đồng sau nhiều đợt gây qũy (số tiền này gồm $150,734 là tiền mặt có trong ngân hàng, cộng với số tiền đã chi ra trong thời gian đó có chứng minh đầy đủ, và $55,780 là giá trị các công trình được các đoàn thể và tư nhân hứa cho)".

Đọc đoạn văn trên chúng tôi thấy rõ ràng mấy điểm. Thứ nhất, sau nhiều đợt gây qũy, BCH của ông Trần Thanh Phúc đã kiếm ra số tiền hơn $200,000 đồng. Hai, số tiền hơn $200,000 đồng này được chia làm hai khoản. Khoản 1 có $150,734. Khoản 2 có $55,780. Nói về khoản 1, $150,734 ta phải hiểu nó bao gồm "tiền mặt có trong ngân hàng, cộng với số tiền đã chi ra trong thời gian đó có chứng minh đầy đủ". Nói về khoản 2, $55,780, ta phải hiểu nó là "giá trị các công trình được các đoàn thể và tư nhân hứa cho".

Như vậy, ông thấy, Bác sĩ Tấn đã trình bầy rất khúc chiết và giản dị về vấn đề thu chi này bằng chữ Việt và văn phong Việt. Bất cứ người Việt Nam bình thường nào khi đọc cũng đều hiểu rõ như hai lần 5 là 10. Vì vậy, chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao, ông Trần Nhu cứ khăng khăng một mực bảo, sau khi đọc đoạn văn trên, ông đinh ninh số tiền $150,734 là tiền mặt cộng đồng phải có trong ngân hàng. Lầm lẫn sơ đẳng của ông Trần Nhu khiến chúng tôi không thể không liên tưởng đến câu chuyện tiếu lâm, một ông thầy lang vô tình giết chết bệnh nhân do ông theo sách kê toa "đau bụng uống nhân sâm" mà ông không chịu khó đọc tiếp hai chữ "thì chết" ở trang sau.

Có điều chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa là bài viết của Bác sĩ Tấn đã đăng trên các báo Việt ngữ từ trung tuần tháng 5 năm 2000. Tính đến nay đã năm rưỡi trời, vậy mà ông Trần Nhu vẫn không hiểu rõ được đoạn văn trên thì kể cũng lạ. Ông không hiểu đã đành, còn bao nhiêu người quanh ông, nhất là những người mà theo ông Thành Viên CĐNVTD, đều là dân khoa bảng thông thái, cũng không hiểu nữa hay sao" Vả lại, nếu ông Nhu đã hiểu như vậy, tại sao ông không đem ra hỏi trực tiếp Bác sĩ Tấn và những vị liên hệ để mọi chuyện minh bạch"

Thắc mắc hai, tôi hoàn toàn đồng ý với ông, Ủy Ban Bầu Cử BCHCĐ kỳ rồi phải có trách nhiệm làm đến nơi đến chốn vấn đề ông Vi Mạnh. Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên, và không đồng ý ở cách thức làm việc nửa vời của các vị hữu trách trong cộng đồng. Nếu qúy vị thấy đó là việc quan trọng đến độ lập biên bản, thì phải mời ông Vi Mạnh tới hỏi cho ra chuyện. Nếu ông Vi Mạnh có thiện chí giải quyết và thấy rằng đây chỉ là chuyện lầm lỡ có thể bỏ qua thì bỏ qua. Bằng không, báo cho cảnh sát để họ điều tra, vì nếu quả thực đúng như lời cáo buộc thì hành động lấy cắp phiếu bầu cử là một tội hình, chứ không phải đơn giản có thể giảm khinh.

Trên đây là hai thắc mắc của ông Thành Viên CĐNVTD. Trong những số tới, sau khi tham khảo và phối kiểm những chuyện ông đề cập, thấy có thể trả lời được những thắc mắc kế tiếp của ông, chúng tôi sẽ tiếp tục hầu chuyện cùng ông. Trân trọng chào ông.

Hoàng Tuấn - Sàigòn Times

*
Chế độ phong kiến VN rất tôn trọng phụ nữ!
Lương Đình Hiệp - Perth WA

Theo dõi báo Sàigòn Times khoảng hai tháng qua, tôi thấy nhiều vị độc giả tranh luận về chuyện những ông chồng Việt Nam vũ phu. Có nhiều vị bảo đó là bản chất tự nhiên, mạnh phải hiếp yếu. Nếu người chồng mà yếu thì vợ sẽ ăn hiếp chồng. Một số vị khác lại bảo đó là ảnh hưởng của văn minh Tàu. Vì người Tàu xưa nay coi khinh phụ nữ, nên mình học của họ chữ Tàu, sách vở Tàu, mình cũng nhiễm luôn cái tính coi khinh phụ nữ. Nhiều vị lại lớn tiếng tố cáo chế độ phong kiến của ông bà mình ngày xưa luôn luôn coi khinh phụ nữ theo kiểu "nam tôn nữ ti" nên ngày nay mình bị ảnh hưởng. Tôi không muốn nhảy vô cuộc tranh luận cùng qúy vị. Nhưng nếu vị nào bảo ngày xưa phong kiến coi khinh phụ nữ là không đúng. Tôi xin dẫn bằng chứng. Thứ nhất, luật Gia Long quy định ba trường hợp khiến chồng không thể bỏ vợ là: vợ đã để tang cha mẹ chồng, vợ đã làm cho chồng nên giàu có, và ngoài nhà chồng ra vợ không còn chỗ nào nương tựa nữa. Thứ hai, Sắc chỉ của Lê Chiêu Tôn năm 1517 có nói "con gái trưởng có đủ các quan hệ nghĩa vụ về pháp luật và tôn giáo như một người gia trưởng". Thứ ba, cha ông ta ở thế kỷ 18-19, đã biết soạn thảo luật trừng trị đàn ông tội "quấy rối tình dục". Hà hà... nói có sách mách có chứng à nghe. Điều 17 khoản 168 luật Gia Long quy định rất rõ thế này: "Người nào dùng lời thô tục dâm đãng làm cho người đàn bà đến xấu hổ mà tự tử thì phải xử đến hình giảo giam hậu". Điều 12 còn nói thêm là "trong trường hợp không cố ý vẫn sẽ bị xử hình trượng nhất bách lưu tam thiên lý". Như vậy qúy vị phải thấy, người Việt có truyền thống tôn trọng phụ nữ. Còn chuyện người chồng nào nặng tay nặng chân là chuyện người đó. Tuyệt nhiên không nên đổ cho tự nhiên, hay cho Tàu, hay cho ông cha mình. Đó là ngụy biện.

*
Khóa Mưu Sinh Thoát Hiểm
Một cựu Mũ Nâu Melbourne

Mưu sinh thoát hiểm không phải là một khóa học, nhưng là một môn học trong các khóa huấn luyện về quân sự từ binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan tại các quân trường. Trong môn này, các học viên được học hỏi về một số kiến thức như: - Hệ thực vật tại Việt Nam, chủ yếu các loại cây cối, cây cỏ và các loại nấm... làm sao biết được loại nào có thể ăn được, loại nào gây độc, loại nào có thể dùng trị bịnh hay trị thương. - Cách sử dụng la bàn, bản đồ. - Định hướng dựa vào các vì sao vào ban đêm. Và một số kỹ năng khác như: - Cách thức tạo ra lửa bằng các dụng cụ thô sơ. - Một vài cách tạo ra những bẫy đơn giản để bắt cá trong các con suối hay trong các con lạch hoặc đánh bẫy các con gà rừng, thỏ rừng...

Nói chung các học viên được huấn luyện một số kỹ năng cần thiết để trong trường hợp khẩn cấp, như đi lạc đơn vị, hoặc các toán trinh sát, viễn thám mất liên lạc với đơn vị đón mình có thể sống sót được trong thời gian nào đó chứ tuyệt nhiên không dạy cách "bắt gà qué trong vùng địch làm sao để địch không phát hiện như ông bạn Nguyễn Sơn đã viết trong số trước. Bởi vì đã vào hoạt động bí mật trong vùng địch thường là những mật khu, mà lại đi bắt gà, vịt của địch, cho dù không bị phát hiện ngay lúc đó, cũng bị phát hiện vào ngày hôm sau, thì cũng chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này" không.

*
Thành lập CLB Việt Kiều Hà Nội
Ông Vũ Đ.K. - Melbourne VIC

Thưa qúy báo và thưa ông Hoàng Tuấn. Tôi thấy qúy báo là một tờ báo chống cộng đàng hoàng, trước sau như một nên tôi thấy rất an ủi. Nhân đây, tôi xin báo để qúy vị biết, tôi có thằng con rể lấy đứa con gái tôi còn kẹt lại ở Việt Nam. Nó cũng đi làm cho cộng sản nên nó biết được nhiều chuyện bí mật. Nó bảo tôi, con dù có làm cho cộng sản, nhưng lòng con lúc nào cũng ở với ba má và dân tộc. Mới đây nó bảo tôi chính sách của Mặt Trận Tổ Quốc VN và của Ủy Ban Người Việt Nước Ngoài gì gì đó là sẽ cho thành lập các hội đồng hương, đồng nghiệp, bề ngoài là giúp đỡ lẫn nhau, nhưng bề trong là tìm cách bòn rút tiền của Việt kiều một cách triệt để theo hình thái địa phương tính và nghiệp vụ tính. Mới đây, CSVN cho thành lập CLB Doanh nghiệp Việt kiều Hà Nội do một ông Việt kiều ở Úc làm chủ nhiệm. Nghe đâu ông này tên là NNM. Ngoài ra, thằng con tôi cũng nói là chính phủ CSVN hiện nay không những xuất cảng lao động, xuất cảng gái điếm, gái nhảy, cave ra nước ngoài, mà chúng còn cài trong đó cả gián điệp để ra ngoại quốc nằm vùng, làm đủ thứ chuyện.

*
CSVN dụ dỗ Việt kiều làm lãnh sự
Ông Vũ Đ.K. - Melbourne VIC

Theo lời của thằng con rể của tôi thì vừa rồi, CSVN đã tìm cách dụ dỗ Việt kiều hải ngoại bằng cách tuyên truyền là nếu Việt kiều nào mang tiền của về VN đầu tư, hay chịu khó gửi tiền về VN cho chính phủ vay không lấy lãi mỗi năm nửa triệu Mỹ kim, họ sẽ có cơ hội được chính phủ VN cố vấn với quốc gia Việt kiều đang ở để họ cho làm lãnh sự quán danh dự. Đây là mánh mung mới của CS. Lúc đầu nghe thằng rể nói, tôi không tin, nhưng sau thấy CS làm thiệt. Thế mới biết CS nó rất trọng đô la. Có đô la là nó sẵn sàng làm mọi chuyện. Thằng rể có cho tôi xem một tờ báo ở VN đăng tin một Việt kiều ở Đức là ông Ngô Hồng Chuyên, có nhà hàng ở Tiệp, nhờ mang tiền về VN lập hãng chế tạo bia cho CS nên tòa đại sứ CS tại Tiệp cho ông làm "lãnh sự danh dự" mặc dù ông này chả biết tí ti ông cụ gì về ngoại giao.


*
Giám sanh, Giám lặc và ba loại hoạn!
Vũ Ứng Hòa - Gympie, QLD

Trước đây, tôi không nhớ rõ là bao giờ, có một cụ viết về truyện giám quan trong triều được chia ra làm hai loại, loại giám sanh là người ngay khi sinh ra đã không có ngọc hành được tuyển vô cung làm quan hoạn và giám lặc là loại người có ngọc hành bình thường nhưng phải chịu thiến để được làm quan hoạn. Nhưng theo sự hiểu biết nông cạn của tôi thì không phải tất cả giới hoạn quan thuộc loại giám lặc ngày xưa đều bị hoạn giống nhau đâu thưa qúy báo. Sự thực, tùy theo từng người và nhu cầu công việc trong cung cấm mà có những loại hoạn khác nhau. Tôi đọc có sách nói có ba loại hoạn chính. Loại thứ nhất, hoạn trọn vẹn cả ngọc hành lẫn dương vật gọi là cung hoạn. Loại thứ hai, chỉ cắt bỏ hai tinh hoàn ngay từ khi còn bé khiến cho dương vật không phát triển được gọi là tằm hoạn. Loại thứ ba, chỉ mang một thiết bị nắp hơi bao phủ dương vật gọi là yếm hoạn.

*
Một Vòng Âu Châu
Lâm Hữu Xưa (VIC) (Tiếp theo...)

Bên ngoài khuôn viên nhà thờ, toàn là các tiệm bán tranh ảnh và đồ kỷ niệm. Đặc biệt tại một góc nhỏ, tập trung rất nhiều họa sĩ vừa vẽ vừa bán tranh. Trong số những nghệ sĩ cơm gạo này, có một vài người Việt, tôi nhận ra vì nghe họ đang thảo luận về đề tài 11/9 bằng ngôn ngữ Nam kỳ quốc, rất xôm tụ. Tôi tới hỏi thăm vài câu xã giao, khi biết tôi từ Úc sang, họ vội hỏi thăm, tôi có biết Lê Thành Nhơn (Melbourne)" Vì cùng là dân Mỹ Nghệ Gia Định mí nhau.

Chúng tôi rời Sacré Coeur lúc trời chạng vạng, đi lại sông Seine, trước tháp Eiffel để xuống Batobus, dạo cảnh ban đêm dọc theo sông Seine. Như một loại phà, bắt đầu từ tháp Eiffel, chạy xuống tới Notre Dame quay trở lại, qua khỏi Eiffel một đoạn thì quanh về bến đậu, cộng chung hơn một giờ. Hai bên hông phà có gắn nhiều đèn cực mạnh, chạy đến đâu là rọi sáng hai bên bờ. Nhờ ánh của phà, du khách có thể nhìn thấy các kiến trúc dọc hai bên bờ sông Seine thật đẹp. Các kỳ công xây cất đã trải qua thời gian lâu dài, có cái đã mấy ngàn năm; đã trở thành những kiệt tác nghệ thuật vượt thời gian. Nhất là các cây cầu bắc ngang sông Seine, không chỉ là một phương tiện giao thông thông thường. Mỗi chiếc cầu là một tác phẩm, biểu lộ tính cách siêu đẳng về trình độ văn minh và tiến hóa của thời đại bấy giờ.

Chúng tôi lên bờ lúc hơn 9 giờ tối, xe còn chạy quanh quẩn thêm nhiều đường, nhiều chỗ trước khi về lại khách sạn đã gần 11 giờ đêm. Tắm rửa xong, tự nhiên tôi thấy tỉnh táo lạ và đầu óc bỗng dưng nhớ lại thật nhiều chi tiết về Paris. Nào là công trường Concorde với một cột đá Ai Cập Obelist cao 23 mét. Trong lúc cách mạng Pháp 1789 là nơi đặt máy chém, ông vua Louis 16 và hoàng hậu Marie Antoinette đã bị xử trảm tại đây. Cách đó không đầy 1 cây số về hướng bắc Công Trường Opera, một công trường nhộn nhịp nhất so với hơn 130 công trường khác của Paris. Nơi bồn binh này là tụ điểm của đại lộ Capucine và nhiều đường khác. Xe cộ luôn ứ đọng vì quanh đây đều tụ họp các văn phòng thương mại, các cửa hiệu thời trang nổi tiếng, các nhà hàng, các hí viện và các quán cà phê ngon đầy rẫy dọc theo các vỉa hè. Opera là tòa nhà nổi bật nhất công trường. Nghe nói Nhà Hát Lớn ở Hà Nội cũng được xây cất giống hệt nhưng chỉ nhỏ hơn Opera ở Paris.

Hôm trước đó chúng tôi cũng có dịp xuyên qua khu Đại Học Quartier Latin, thiết lập từ những năm 1100, nằm bên tả ngạn. Sở dĩ có tên gọi như thế là vì ngay thời trung cổ, các sinh viên và giáo sư sống trong khu này đều nói chuyện với nhau toàn bằng tiếng Latin. Trong khu này có đại học Sorbonne, trường mỹ nghệ nổi tiếng nhất thế giới là École des Beaux Arts, trường kỹ thuật Polytechnic, và thư viện quốc gia Nationale Biblithèque, chứa chừng 9 triệu cuốn sách quý, một thư viện lớn nhất của Tây Âu. Ngoài ra chúng tôi cũng có đi ngang qua nhà mồ Napoleon 1, kế đó là Viện Bảo tàng quân đội, lớn nhất thế giới. Cả hai cùng nằm trong khu trụ sở thương phế binh Hôtel des Invalides. Và cũng gần đấy là trường quân sự École Militaire - nơi mà Nã Phá Luân bắt đầu quân nghiệp.

Có thể nói bao quát, Paris là nơi nổi tiếng nhất về nghệ thuật. Hàng ngàn diễn viên kịch nghệ, nhạc sĩ, danh họa, điêu khắc gia, sáng tác kịch truyện; họ đến đây từ khắp nơi bởi một hấp lực to lớn là không khí sinh hoạt tự do trong mọi đường hướng nghệ thuật, không bị gò bó bởi bất cứ khuôn khổ tiên định nào! Cho nên không lạ gì khi nghe thấy các tên tuổi như Picasso, Albert Camus, André Gide, Victor Hugo, Marcel Proust và Jean Paul Sarte; đều chọn Paris làm nơi sống và chết cho nghệ thuật, lưu lại mãi với thời gian vô tận.

Sau vài giờ say ngủ qua đêm, chúng tôi dậy sớm ăn sáng trong khách sạn, theo kiểu gọi là Continental Breakfast. Ra xe khởi hành lúc sương sáng chưa tan! Chúng tôi để lại Paris lùi dần phía sau, trên đường sang Thụy Sĩ. Hôm đó là ngày 15.9, đâu đâu vẫn còn xôn xao về chuyện Bin Laden.

Thông thường tại các khách sạn của Tours đều cho ăn sáng, gọi là Continental Breakfast. Đó là một bữa ăn sáng tùy theo mình chọn thức ăn, đã được nấu sẵn, một hình thức giống như "all you can eat". Vì tha hồ ăn, bao nhiêu cũng được! Cho nên nếu chịu khó ăn kỹ một chút thì có thể qua được buổi trưa, chỉ cần ăn tối là xong một ngày. Trong tours có một số ngày gồm cả ăn tối, có một số ngày mình phải chi phí riêng. Những ngày này, hoặc mình đóng tiền cho tours guider để đi ăn chung nhóm, hay mình đi ăn riêng tùy ý. Có một vài người ăn sáng tại chỗ, còn cưu mang thêm một chút để ăn trưa! Đây là một cách xử sự ngoại lệ, ngoài ý nghĩa Continental breakfast!

Nhân đây tôi cũng xin đề cập thêm một chút về nguyên tắc chọn chỗ trên xe bus. Vì tâm lý chung ai cũng thích ngồi phía trước, để dễ quan sát. Nhưng cũng có người, ngồi phía sau dễ bị chóng mặt, nhức đầu. Cho nên để cho có một sự công bằng nào đó, người hướng dẫn đề nghị, mỗi ngày chúng tôi cứ dời lên hai hàng ghế, lên tới hàng ghế đầu thì qua bên kia lùi xuống 2 hàng, cứ thế mà xoay vòng. Còn trường hợp ngồi phía sau bị car sick thì nhờ người hướng dẫn loan báo, để nếu có người hảo tâm tình nguyện đổi chỗ giùm.

Chúng tôi ra khỏi Paris cũng theo hướng Đông Nam, chạy dọc theo con đường số 6, hai bên đường toàn là nông trại, trồng củ cải đường, trồng bắp làm thức ăn gia súc, trồng hoa hướng dương để chế tạo dầu ăn, mênh mông bát ngát. Chúng tôi đi ngang qua Fontainebleau, nơi Hòa Đàm Pháp-Việt trước kia" 9.30 sáng tới Anxerre, và đến ngã ba Beaune lúc 12.30, nghỉ ăn trưa nửa tiếng. Từ Beaune nếu tiếp tục đường 6 thẳng xuống hướng Nam sẽ tới Lyon, và tiếp nối đường 7, xuyên qua cao nguyên Massit Central sẽ đụng hải cảng Marseille. Bà hướng dẫn chúng tôi cho biết thêm một vài chi tiết quan trọng về rượu Pháp, theo bà bỏ quên là một thiếu sót lớn. Hầu hết các cánh đồng nho đều nằm về miền Nam của nước Pháp. Vùng đất gần bờ Địa Trung Hải, hạ lưu sông Rhone, bao quanh khu vực Marseille, nho trồng ở đó sẽ sản xuất các loại rượu thường, giá hạ. Còn nho để làm các rượu thượng hạng thì trồng ở các vùng khác như Bordeaux, Alsace, Champagne... mỗi vùng rượu nho có một hương vị riêng. Đặc biệt nho trong vùng Tây Nam, về phía Đại Tây Dương, dùng để sản xuất rượu Brandy.

Từ Beaune, chúng tôi không xuôi Nam mà đi hơi ngược lên hướng Đông, Đông Bắc. Chạy theo xa lộ 36 để đến Mulhouse, một thành phố Pháp cuối cùng, trước khi đi qua biên giới Thụy Sĩ. Từ Paris tới biên giới Thụy Sĩ theo lộ trình hôm đó dài hơn 500km. Biên giới Pháp và Thụy Sĩ coi như hoàn toàn bỏ ngỏ, không còn phải dừng lại để kiểm soát như những năm xưa. Bây giờ mỗi bên chỉ treo một lá cờ để phân biệt hai nước; bên này lá cờ tam sắc, bên kia lá cờ Bạch Thập Tự ở giữa một nền đỏ vuông. Như ngược lại với lá cờ của Hội Hồng Thập Tự.

Qua biên giới là bắt đầu liên tiếp chui qua các đoạn đường hầm, nhô lên là thành phố Basel. Tôi hơi nao nức, ngóng cổ nghe cho kỹ những khái quát về thành phố, như đã thân quen với tôi từ lâu đời. Vì là dân Bưu Điện gốc IMC, nên chúng tôi cứ mỗi tuần đều làm công việc sửa soạn cân ghi, vô bao, cột labels mà nơi đến là Basel, cho các bưu kiện gửi qua Thụy Sĩ. Còn thư tín thì gửi đến Zurich.

Chúng tôi dừng chân ở Basel khá lâu, đây là một thành phố giao thông kỹ nghệ, cửa ngõ giao dịch với các nước phía tây. Đại học Basel là một đại học lâu đời nhất trong số 7 đại học khác của Thụy Sĩ. Được thành lập từ năm 1460, nổi tiếng không thua gì các đại học danh tiếng như Yale và Havard của Hoa Kỳ.

Lên xe là chúng tôi có ngay một bài học tổng quát về Thụy Sĩ, một quốc gia nhỏ bé so với hầu hết các nước Âu châu. Nhưng lại là một Thánh Địa Hòa Bình, nổi tiếng nhất thế giới. Người dân Thụy Sĩ đã chọn lựa một đường lối trung lập, ngay lúc sơ khai lập quốc từ 700 năm về trước. Thụy Sĩ là một xứ đồi núi, với những phong cảnh xanh tươi và hùng vĩ, các đỉnh núi cao đều có tuyết phủ quanh năm. Hai rặng núi Jura phía Tây và Alps phía Đông, chiếm hơn phân nửa đất đai Thụy Sĩ. Dân cư đều tập trung trong khu bình nguyên ở giữa hai rặng núi cao kéo dài từ Bắc xuống Nam. Thủ đô là Bern và thành phố lớn nhất là Zurich, cũng nằm trong thung lũng trù phú kỹ nghệ và màu mỡ nông nghiệp này. Ngoài ra Thụy Sĩ cũng nổi tiếng với các hồ xanh biếc, hai hồ lớn hơn cả là Constance ở cực Bắc và Geneve, nằm ở mỏm đất cực Nam ăn sâu vào đất Pháp, cách Lyons chỉ hơn 50km. Nơi có nhiều trụ sở và hội họp quốc tế. Hiệp định chia cắt Việt Nam năm 1954, cũng đã được hình thành tại nơi chốn này. Dân Thụy Sĩ dùng 4 ngôn ngữ chính: Đức, Ý, Pháp và Romance miền Núi. Công nhân Thụy Sĩ tan sở là về thẳng nhà, ít ghé lại các quán rượu như dân các xứ khác. Nên ra đường tìm thấy Pub không dễ dàng như ở Úc chúng ta, hầu như cứ vài góc đường là có một.

Từ Basel chúng tôi chạy theo hướng Đông Nam, dọc theo xa lộ 35, xa gần 100km thì đến Lucerne (Luzem). Chúng tôi sẽ ngủ qua đêm tại thành phố du lịch này. Lucerne nằm ở giữa Zurich và Bern, cách mỗi nơi chừng 30km. Lucerne là thành phố cổ kính, lịch sử đã nhắc đến từ năm 840 AD, nằm ở trung tâm điểm của Thụy Sĩ và Âu Châu, là một trong 6 thành phố có nhiều du khách nhất thế giới.

Tới nơi lúc 2 giờ chiều, chúng tôi được chuyển xuống một tàu du ngoạn chạy một vòng quanh một hồ lớn. Trên tàu có ăn nhẹ; nhưng uống thì nặng, có đủ các thứ rượu thông thường. Dọc theo bờ hồ là những ngọn đồi thoai thoải, có những tòa nhà nghỉ mát của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Như nhà của Sophia Loren("), của Richard Burton trước kia là nhà của chủ hãng Heineken(") nữa -mỗi căn nhà chung quanh đó được tính hàng chục triệu Mỹ kim. Vì giá trị nặng về khung cảnh êm đềm, thơ mộng hơn là giao thông, chợ búa, trường sở tiện lợi như những tiêu chuẩn hàng đầu để người mua nhà thường tìm kiếm.

Lên bờ, chúng tôi được hướng dẫn đến cửa hàng Bucherer, một cửa hàng sang trọng, tiêu biểu cho Lucerne. Toàn là quý kim và đồng hồ Thụy Sĩ, đủ các hiệu Rolex, Gucci, TAGHeuer, Omega, Longines, Raymond Weil... giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn. Một chi tiết khiến tôi lấy làm lạ, là khu kỹ nghệ làm đồng hồ của Thụy Sĩ lại nằm trên những vùng núi Jura, giáp với biên giới Pháp, chứ không phải ở miệt đồng bằng. Một sản phẩm địa phương nổi tiếng của địa phương là dao Hướng Đạo, loại dao có nhiều tiện dụng khác gom thành một. Từ trên xe đang trên đường tới Lucerne, một mình có thể ghi tên cho người hướng dẫn, đặt mua một con dao Thụy Sĩ có khắc mấy chữ kỷ niệm theo ý mình. Bà ta tới trạm xăng gửi giấy đặt hàng đi trước, khi mình tới Bucherer thì chỉ trả tiền và lấy dao. Chúng tôi có chừng vài giờ mua sắm, sau đó vào ăn sơ sài tại một nhà hàng tên Culture and Congress Centre, có trình diễn ca nhạc dân ca, vũ các điệu truyền thống giúp vui. Họ mời các du khách lên cùng tham gia vài câu họp ca với họ. Không khí buổi ăn trưa thật vui nhộn, du khách có thể cảm nhận tinh thần hiếu khách nồng nàn của người dân Thụy Sĩ nói chung. Trong các món có món cheese được nấu sôi lên, để cho mình chấm bánh mì ăn. Lúc đầu thấy lạ và ngon miệng, nhưng ăn thêm một vài miếng, tôi đành chịu thua. Nếu sau này có dịp gặp lại chắc tôi đành phải làm lơ.

Ăn uống xong, hôm đó trời mưa tầm tã, nên tôi lỡ dịp, không cùng tháp tùng mọi người đi bộ qua Chapel Bridge. Một thắng tích của Lucerne, xây cất từ năm 1333, mà dân Bưu Điện khắp nơi vẫn thường thấy trên Post Card. Hai bên cầu có bông đỏ thắm, trên có mái che; băng ngang con sông khá lớn, giữa cầu là một tiểu giáo đầu hình bát giác.

Lúc đến khách sạn, đa số trên tay ai cũng cầm ít nhất một phong Chocolate Thụy Sĩ, cho biết hương vị đệ nhất danh truyền, có người khệ nệ đến cả túi. Khách sạn STECHOF ngay trong trung tâm phố xá, vào tắm rửa xong là hơn 7 giờ tối kịp để ăn tối ngay tại nhà ăn trong khách sạn. Đêm ấy tôi nằm trên chiếc giường Thụy Sĩ cũ mèm, tấm nệm lún xuống thật sâu, không sao ngủ được. Sáng ra nghe ai cũng than phiền chuyện đêm qua; không hiểu có phải tại vì dân Thụy Sĩ chỉ chú trọng vào công việc sổ sách ngân hàng, sản xuất đồng hồ đủ loại mà bỏ quên việc chăm sóc giấc ngủ; hay tại khách sạn chỉ có 3 sao là thế chăng"

Hôm sau 16/9, báo thức 6.50, 7.50 ăn sáng, 9 giờ rời khách sạn. Chúng tôi lên đỉnh núi, núi Pilatus, núi này nằm bên ngoài, cách Lucerne chừng nửa giờ xe. Đỉnh cao 7000 feets, mùa đông tuyết phủ kín từ chân núi tới ngọn núi, vì giờ là đầu thu nên chỉ có chút ít trên chót cao. Chúng tôi lên bằng xe lửa (Cogwhell railway) chạy trên ba đường rầy. Đường rầy giữa có răng cưa, nghiêng 48 %. Được mệnh danh là đường rầy dốc nhất thế giới (steepest railway in the world). Mất 40 phút cho mỗi bận lên, xuống. Chúng tôi bắt đầu lên xe lửa tại chân núi có tên là Alpnachstad, vì an toàn các cửa được khóa từ bên ngoài. Xe chạy lên dốc, tôi có cảm tưởng như là dựng nghiêng theo triền núi, di chuyển chừng 20 phút thì bỗng có gió to, xe lắc lư, tôi dòm thấy dây điện đu đưa, chạm vào nhau xẹt lửa, nổ bùm bụp. Rồi đột nhiên xe ngừng ở lại lưng chừng, lắc lư qua lại, tôi nhìn ra phía sau thấy bên dưới thăm thẳm. Thấy nguyên một dàn sắt đang treo lơ lửng trên sợi dây cáp điện, nhìn kỹ tôi mới biết cái bộ phận tiếp nhận điện từ dây dẫn để làm cho xe lửa chạy, đã bị gió đưa dây điện cuốn vào và giựt văng nó rơi ra ngoài. Ai cũng đứng tim và chỉ còn nghĩ tới thảm họa sẽ xảy ra mà thôi! Chỉ cần xe tuột ra ngoài đường rầy một tí là xe sẽ rơi xuống vực thẳm, sẽ chẳng còn ai sống sót. Lúc đó là 9.55 sáng, chừng 5 phút sau, gió hơi dịu bớt, mới thấy người tài xế ra ngoài quan sát. Chờ một chập mới có chiếc xe đến ủi xe hư này lên đến đỉnh. Chúng tôi bước ra khỏi xe ai cũng hú hồn. Vội mua một ly cà phê nóng và ngồi ì trong shop ga, không buồn nhìn ngắm gì cả! Tôi cố chui ra chụp vội một vài tấm hình, nhưng trời đầy sương tuyết mờ mịt, không thấy đâu là đâu!

Chúng tôi xuống núi an toàn lúc xế trưa, ai cũng tươi cười thở phào nhẹ nhõm và càng tin tưởng mãnh liệt vào thuyết định mệnh nhiều hơn. Sau đó chúng tôi tiếp tục lên xe đi thăm Lion Monument, tượng con sư tử bị trúng lao đang nằm chờ chết; được tạc vào một hang đá thiên nhiên. Tượng đã được tạo ra từ năm 1792, để tưởng nhớ những anh hùng Thụy Sĩ đã hy sinh Tuileries, Paris.

Chúng tôi ăn trưa với những thức ăn cầm tay, ra xe vội vàng giã từ Lucerne đi đến một địa điểm kế tiếp là Milan, Italy. Lúc xe chuyển bánh là 2.30 chiều, hy vọng là chúng tôi sẽ đến nơi không quá tối, để còn có thể nhìn ngắm Milan cho gọi là mình có qua đây một lần.

Trên đường rời Lucerne, ngang qua một vài đường phố chính, tôi thấy có một nhà hàng có tên Á Đông, chắc chắn là của phe ta. Khi nào bà con mình có dịp đến Lucerne nhớ tìm quán quen để cảm thấy bớt lạnh giá. Xứ tuyết đẹp như tranh nhưng mùa đông chắc sẽ buồn cho dân mình, bởi lạnh lẽo, lẻ loi và xa xăm vạn dặm chăng"

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.