Hôm nay,  

Nhớ Quê

11/02/200300:00:00(Xem: 4748)
“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê”
Câu ca dao nói lên tâm trạng người con trai một lần cúng giỗ chăng" Dĩ nhiên không phải. Giọng thơ lục bát trải dài theo yêu vận bình, tiết tấu của trầm bình thanh như vang vang ngân đọng trong ta, đưa dẫn ta vào trong cõi nào dìu dịu, lâng lâng, mơ hồ, xa vắng, theo một trầm tư mênh mang, cô tịch, ẩn một ít buồn hiu hắt, nhè nhẹ, xa xa...
“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê”
Đốt đỉnh hương trầm cho khói lên nghi ngút phải chăng là một hành động cũng giỗ" Nhưng, thường ít ai cúng giỗ về đêm. Và có gì phải nhớ trong một lần cúng giỗ"
Bữa giỗ, ngày cúng, chẳng qua là một lần họp mặt gia đình, sum họp bà con, thường là một cuộc vui ấm cúng, nhưng cũng có thể xảy ra ít nhiều xích mích tị hiềm. Dĩ nhiên có nhớ lại thì cũng không phải là cái nhớ âm thầm, riêng lẻ, cô đơn. Có thể đây là trường hợp một kẻ cô thân lạc loài nơi xứ lạ, ngày giỗ một mình bơ vơ nơi đất khách, nên niềm thương cảm mới mông lung, âm thầm, quạnh quẻ, nỗi nhớ nhung mới hắt hiu, sầu lắng, cô liêu. Giải thích như thế có thể dìu ta vào phiền muộn của thân phận cô đơn, nhưng làm tan biến hết cái thắm thiết của vần lục bát nơi đây, và làm mất hết ý nghĩa cao xa của lời ca dao đơn giản.
‘Đêm qua’, mới đêm qua đây thôi, thời gian còn gần lắm với hôm nay, nhưng không giản dị là thế. ‘Đêm qua’ còn có nghĩa là rất lâu, đã rất lâu rồi, đã nhiều lần lắm, bao nhiêu lần đã qua, và có thể chính là hôm nay; sự việc mãi mãi đi về sống động trong tâm tư, một nguồn cơn bứt rứt không nguôi, một bước đi về tâm thức trong cuộc hành trình ngắn hơn một ‘sát na’ tại thế.
‘Nhớ quê’ đâu phải chỉ một lần, đâu chỉ mới đêm qua, mà đã từng đêm, từng đêm, cứ mỗi lần vào khuya, cứ mỗi lần thao thức. Nhịp điệu đi về của nỗi nhớ niềm thương như một mơ sầu lẽo đẽo khiến thời gian như rút ngắn, cô động lại một lần, vì bao nhiêu lần cũng thế, vì lưu đày nào cũng thế, cho dù đó là thứ lưu đày lãng mạn tự thân, hay lưu đày từ những cơ nguyên trần tục lụy phiền.
Thời gian không còn là thời gian mà biến thể thành tiếng kêu, một tiếng gọi vô ngôn, một hò hẹn không lời, với quá khứ xa xưa, để cảm thức trong hiện tại chính là nỗi trầm mặc u hoài, lắng động, thể hiện một ước mơ, không phải ‘mơ đến’ mà ‘mơ về’ trong tâm tưởng.
Nhạc điệu và tình ý lời thơ khiến từ ‘Đêm qua’ ở đầu câu không còn để chỉ thời gian đúng là thời gian hiện hữu, mà là thứ thời gian nội tại của tâm tư, một thời gian đã hóa thành ngôn ngữ, tức tiếng lòng thổn thức nhớ quê hương, tâm thức bàng hoàng xao động, nửa muốn trốn chạy, nửa muốn đón nhận thực tế phũ phàng vây quanh như những nhức nhối không rời. Chẳng khác nào:
“Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ...”
(Ca dao )
‘Đêm qua’ nơi đây có thể là một lần, một lần duy nhất, mà cũng có thể là nhiều lần miên viễn, từ sơ nguyên trôi về viễn mộng, lần nào cũng vậy, bao nhiêu lần rồi vẫn thế. Từ ‘Đêm qua’ nơi đây cũng chẳng khác gì từ ‘chiều chiều’:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”
(Ca dao )
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai...”
(Ca dao )
‘Hương trầm’, hương đốt lên là để gọi hồn về, và trầm đốt lên là để tạo bầu không khí u linh cho hồn ngụ. Hương và trầm đi đôi không đưa ta vào một vùng âm u huyền bí có tính cách phù thủy, không dẫn ta vào địa ngục tối đen thù hận, không đưa ta vào những bon chen tranh chấp thiệt hơn, mà trái lại nâng tâm hồn ta ngan ngát lên cao, mở phơi cả cõi lòng thanh thoát, nhẹ nhàng.
Trong đêm vắng lặng, nhìn một đốm nhang nơi bàn thờ, hay đâu đó – nhưng do ta hay một người ta quen biết thắp – ta cảm thấy một yên bình, một mạnh dạn, một tin tưởng lâng lâng, như có một người thân cận đâu đây, một hình bóng hiền từ đang ở bên ta, nâng niu, dìu dắt, vỗ về, ve vuốt...
Ngửi mùi trầm, đối với người Việt Nam, cũng như người tín đồ Thiên Chúa giáo văng vẳng nghe một điệu thánh ca, ta tự nhiên thấy mình thanh sạch, mơn man trong một niềm vui êm nhẹ.
Nếu có cả hương và trầm, bầu không khí trở nên thi vị, nhiếp dẫn ta vào một trạng thái tâm tư trầm lắng, mơ màng, lâng lâng, dìu đặt, quyện vào trong ta một niềm hoan lạc thanh cao, hòa nhập vào với những hình bóng lãng đãng bao quanh vô cùng thâm mật, vô cùng trìu mến, đang nhìn ta thăm hỏi, đang nhìn ta gởi trao, đang vào trong ta, nâng tâm hồn ta dìu dịu bay bay.
“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm...”
Lời thơ êm êm nâng dìu ta vào một mộng mơ dàn trải, sửa soạn cho một hội nhập, hiệp thông nào đó trong mùi trầm thanh khiết giữa màn ẻo lả khói hương. Câu thơ đưa ta vào sống trong bầu không khí tâm linh thanh tĩnh, xa đi mọi xao xuyến, bàng hoàng, khắc khoải, lo lắng, băn khoăn. Ta đang sửa soạn cho mơ, sửa soạn vào mơ, mơ về một cõi xa xưa mà con người hiện tại chỉ là một ‘bán hữu thể’ (le demi-être) luôn luôn hướng vọng đi về tìm lại nguyên sơ tròn đầy thuở trước. Khói hương trầm ru đêm vào tình tự chính là một đáp ứng cho hoài vọng âm thầm, da diết, hằng hữu nơi lòng con người đã (hoặc bị) đánh mất quê hương.
“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê”
Trong làn khói hương nghi ngút, trong mùi trầm ngào ngạt, lòng con người thoát ra ‘khung cửa hẹp’ bay về cội nguồn nguyên thể, mong tìm về quê hương thời tuổi trẻ, nơi chứa đụng cõi trời ấu thơ, nơi gắn bó đời mình với những thân thương không rời, mà mỗi bước đi xa là một khúc ruột bị chặt lìa, một thứ ‘đoạn trường tân thanh’ muôn đời, miên viễn.
‘Âm thầm nhớ quê’, niềm nhung nhớ không hiện bày trong thực tại, vì giữa cõi đời hiện thể trầm luân, bao buộc ràng giăng mắc cưỡng bức con người phải đoạn tuyệt với suối nguồn tính thể uyên nguyên. Một thoát ly bằng hành động rõ ràng là một tỏ bày khước từ lộ liễu, một nổi loạn với thực tại đang diễn ra, dĩ nhiên sẽ bị phũ phàng dập tắt bởi loạn cuồng của lịch sử đa đoan.
Chính vì thế mà cỗi nguồn chỉ được ghi truyền bằng huyền thoại, thần thoại...; cả cái năng lực của giống dòng, cái tiềm lực tinh thần đành giấu mặt dưới những dạng thức mơ hồ, không rõ nét, cho kẻ thù không bao giờ nhìn thấy, không thể nào tiêu diệt đến tận nguồn tận gốc.
Trạng thái nổi loạn chống lại thời gian hiện hữu, thời gian lịch sử đang bủa giăng trước mắt, biến thành một cảm thức hoài hương luôn luôn âm ỉ trong người, nhưng chỉ hiện bày thực sự vào những giờ thanh vắng nhất, và mượn qua hình thức của tín ngưỡng thông thường: khói hương trầm nghi ngút.
“Năm sau về lại Jérusalem!” Cái tâm thức ‘nhớ quê’ của người Do Thái có thể hiện bày trong những lời cầu nguyện tập thể, và được nói ra rõ ràng như một đoan quyết với lòng mình, vì họ bị lưu đày nơi xứ lạ; còn tác giả câu ca dao lại là kẻ bị lưu đày ngay trên mảnh đất quê hương, nên phải âm thầm trong vắng lặng, phải ra ‘ngõ sau’ – chiều chiều ra đứng ngõ sau – để tránh né mọi dòm ngó, mọi tò mò, theo dõi, vì ngõ trước đầy dẫy những kẻ qua người lại, rộn ràng bao thù nghịch, dáo gươm...
Trang diễm sử đầu tiên đã trở thành hoài vọng, trở thành thứ ‘ước mơ trở về’ tiềm tại nội sinh nơi con người đang chạm trán với bao trở lực bên ngoài tràn tới ra sức dìm chết sức sống của giống nòi, dân tộc, đang phải sống kiếp du mục lang thang giữa dòng trầm luân lịch sử, ngay trên quê hương, mà quê hương mình lại đang trong cảnh lưu đày. Phải đợi vào đêm, phải mượn mùi nhang và hương trầm trong giờ phút tịch liêu đó, nỗi lòng mới hồi phục sắc màu diễm tuyệt của quê hương:
“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê”
‘Nhớ quê’, quê nào đây" Có phải khu vườn xưa xanh um bóng lá" Có phải mảnh ruộng đồng lúa mạ đơm bông" Có phải mái nhà tranh hay nóc ngói đơn sơ mà nay ta cách biệt" Nếu chỉ thế thì đâu phải đợi vào đêm, trong phút giờ quạnh quẽ, ta mới chạnh lòng vương vấn tâm tư" Có phải ông bà tổ tiên đã mất" Có phải là cha mẹ, anh em hiện nay không còn hoặc đang phải phân ly" Có thể là như thế, nhưng nếu chỉ là thế thôi thì cũng chẳng phải đợi vào đêm, phải đốt hương trầm lên mới nhớ. Vì niềm vọng tưởng ông bà, cha mẹ, anh em hẳn sẽ rộn ràng từng lúc, quặn thắt từng cơn, đâu có trở thành một u hoài lãng đãng mênh mông, như nhạc điệu lời thơ mơn man, trải dài xa vắng: “Đêm qua đốt đỉnh hương trầm...”
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
(Thôi Hiệu – Hoàng Hạc Lâu)
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai")
(Tản Đà dịch)
Cái ‘Quê hương’ Thôi Hiệu nói lên nơi đây không phải cái địa bàn thổ nhưỡng mà chính là cái quê hương thuở nào có hạc vàng cư ngụ, mà nay hoàng hạc đã thiên di. Trong ý nghĩa bài thơ, cái ‘quê hương’ đó chính là ‘hạc vàng’, nghĩa là cái linh hồn, cái tính thể óng mượt xa xưa. Lầu Hoàng hạc còn trơ ra đấy nhưng hạc vàng đã chắp cánh bay xa vì một lẽ oái oăm nào đó để đến nay chỉ còn là ‘Nghìn năm mây trắng’, để người nay quạnh quẻ:
“Ta đứng hoang vu một bóng gầy
Trùng quang sa mạc buốt bờ vai
Nhìn quanh chỉ thấy toàn mây trắng
Ngoảnh lại phiêu bồng mây trắng bay”
(N.T. – Hành Hương)
“Đỉnh đồi mây trắng đi hoang
Bơ vơ bóng nắng trải vàng áo ai
Tóc buồn rủ nhẹ bờ vai
Gió lung lay gọi mười hai bến chờ”
(Huy Phong)
Cái ‘bây giờ mây trắng’ khiến con người tưởng nhớ một cảnh ‘thiên đàng xanh ngát’ nao xưa.
Huy Cận còn đi xa hơn:
“Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

(Trường Giang)
Không đợi hoàng hôn lên mờ mắt biếc tác giả cũng đã thao thức trong lòng tình tự quê hương. Nỗi nhung nhớ triền miên chính là một khát vọng trở về, trở về với quê hương, trở về với mái nhà xưa để tìm nơi cư ngụ bằng an, tìm lại niềm ấm cúng ngày xưa, sống lại những giai điệu ngày xưa mà nay đã mất, nay đang bị người chà đạp tả tơi. Trở về là tìm lại, sống lại thời tuổi mộng nguyên sơ trong một thế giới không sai biệt, không tính toán, đếm đo, chia cắt.
‘Quê hương’, đấy là hình tượng nghệ thuật của muôn đời thi sĩ. ‘Trở lại với quê hương’ không chỉ là một ước vọng, một động lực của hồn thơ mà còn là sứ mạng của họ. Vì hơn ai hết, thi sĩ mới là người cảm nhận được tất cả tan vỡ, đọa đày của cái thế giới sai biệt nầy mà con đường giải thoát chỉ còn là ‘trở lại với quê hương’.
Tiếng thơ của họ là lời cảnh tỉnh, một mời gọi làm lại cuộc đời bằng cách trở về với ‘Ngôi nhà Hằng thể’ (la maison de l’ Être), trở về lại với cái quê hương yêu dấu buổi ban đầu. Dù có nói về tình yêu, cái chết hay cái sống, dù có khóc vì một tan vỡ đau thương, có ca ngợi một thành công cách mạng hay khoa học..., người thi sĩ – đúng là thi sĩ – vẫn muốn nhiếp dẫn mọi người vào ý niệm một thời điểm phục sinh, phục hồi quê hương cũ, một ‘qui hồi cố quận’, cái cố quận không chỉ là một mặt bằng vật lý mà là cái hồn nguyên thể ban sơ, cái ‘bản lai diện mục’ của con người trong cái ‘bản lai đồng’ của vũ trụ càn khôn.
Nhưng hầu như lời họ chẳng ai nghe, nên nhiều khi họ chẳng khác gì con hải âu rã cánh khập khễnh trên boong tàu làm trò vui phút chốc cho thủy thủ ngoài khơi.
“Hải âu phi xứ chập chờn
Cánh bay mỏi rã dỗi hờn bâng quơ”
(Huy Phong)
Nhưng họ vẫn luôn luôn vùng dậy, nối tiếp lời cảnh tỉnh, khẩn khoản mời tất cả trở về với nước non xưa. Cõi nước non xưa cũ đó là buổi bình minh thơ mộng của loài người, là thiên đàng, là niết bàn; cõi nước non chúng hương, hay nước Đức Chúa Trời, mà họ gọi là Quê Hương.
Trong cái quê hương muôn thuở đó, mọi người, mọi vật đều khoác lấy cách thế nào, dù hình tượng, sắc màu nào, thì tất cả vẫn tròn đầy chất ngọc tuổi thơ.
“Chiều tái tạo bâng khuâng từng ngọn cỏ
Hoa thanh quí nở bừng trang diễm sử
Thần tiên đâu về tắm mát sông đào
Ta nghiêng mình làm một trái non cao”
(Đinh Hùng – Mê Hồn Ca)
“Thuở nào em đếm trăng sao
Nghe trong im vắng chút chao đảo buồn
Và nghe tận đáy yêu thương
Đôi chân hạc nhỏ vấn vương sân đình”
(Huy Phong)
Người thi sĩ bình dân chưa lên lời mời gọi mà chỉ mới phát biểu một tâm tư:
“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê”
Từ ‘quê’ đơn sơ nhưng chứa đựng bao nhiêu tình ý! Nó xem ra còn chứa đựng hơn cả từ ‘quê hương’. Đôi khi được ghép với một từ khác, nó càng thêm ý vị, tình cảm đậm đà: ‘quê ta, quê nhà, quê cha, quê mẹ...’
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”
(Ca dao)
“Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy là cỏ cụt nhưng là cỏ quê”
(Ca dao)
“Hỏi rằng anh ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”
(Bùi Giáng–Chào Nguyên Xuân)
“Em hỏi mình quê ở đâu
Mình quê ở dưới bầu trời bao la”
(Thùy Dương Tử)
Từ ‘Quê’ nơi đây có lẽ là cần nên viết hoa. Vì nó không giản dị chỉ một phạm trù không gian vật lý mà trở thành một ‘hồn mộng lênh đênh’, một ‘đò tình’ hò hẹn chuyên chở ta về xứ mộng ban sơ, về ngôi nhà mà xưa kia ta từng sống, thuở đất trời chưa hờn dỗi phân ly.
Âm thanh của từ ‘Quê’ nơi tâm hồn người Việt Nam đậm đà, ấm cúng, thơ mộng và du dương. Nó gợi bao niềm nhung nhớ, bao tình tự đẹp đẻ xa xôi, bao ý tình lãng đãng, phiêu diêu, bao dạt dào cảm xúc. Nó mang chở ta ra ngoài kinh-vĩ-độ của không gian, lội ngược dòng thời gian đến tận cuối chân trời dĩ vãng, nơi đó ta sống lại cái thời xa xưa, trên mê lộ phiêu du tuyệt vời tình mộng, nơi đó ta tìm lại được cái ‘Ta nguyên thủy’.
Không ai trong chúng ta, mỗi khi nhắc đến từ ‘Quê’ trong một câu ca dao hay trong một bài thơ nào đó mà không thấy lòng ngập tràn nhung nhớ, yêu thương; không cảm thấy hồn mình trang trải, mở rộng, thoát ra cảnh đời giới hạn hôm nay để bay bay về một vùng trời tươi mát nên thơ, chỉ có mộng và mơ, màu xanh và sắc biếc trong một sầu tình lắng đọng xa xôi:
“Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”
(Nguyễn Du – Kiều)
“Hồn quê luống những mơ màng
Bèo mây hợp bến, chim ngàn về hôm”
(Nguyễn Bá Trác)
Chính nơi miền quê đó,
“Tôi thấy lại cả thời tôi tuổi trẻ
Trên đôi môi tôi như một loài chim bé
Sẵn sàng lời cất tiếng hót ca thanh”
(J’ai vu le temps où ma jeunesse
Sur mes lèvres était sans cesse
Prête à chanter comme un oiseau)
(A. de Musset – Nuit de Mai)
Từ ‘Quê’ trong ca dao cũng như trong lời thơ vô cùng quyến rũ, nhưng nó có một âm điệu mênh mang, buồn hiu hắt, chập chờn, vì ‘nhớ lại bao giờ cũng buồn’, vì ‘trở về là để tìm cái gì đã mất’.
Con người chúng ta đã mất quê hương, nghĩa là đã xa lạc uyên nguyên để mãi mãi bị lưu đày trong sai biệt, nên càng đắm chìm trong luân lac, càng hoài vọng ‘miền đất hứa’ xa xưa của buổi đầu hiện hữu.
“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm...”
Trên mặt xã hội, tâm lý và chánh trị, từ ‘Quê’ trong văn chương dân gian Việt Nam không chỉ riêng một miền đất nước, một xóm làng, thôn ổ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mà còn là cái ‘truyền thống quí báu’ đã lưu truyền từ bao thế hệ tổ tiên. Nó (từ Quê) không chỉ diễn đạt một tình cảm mà còn biểu hiện một tài sản, một vốn liếng, một thứ của cải hương hỏa vô cùng quí báu, dấu yêu. Đấy là cái ‘hồn dân tộc’ gắn bó con người với nhau, gắn bó con người với đất nước, non sông, gắn bó con người với lịch sử đọa đày, tỏa chiết, để mỗi con người Việt Nam âu yếm trở về, dù xa xôi cách trở, dù bị sức mạnh nào cản ngăn, hoặc vì một lý do nào cách biệt. Quê nội hay quê ngoại, quê mẹ hay quê cha, tất cả đều là di sản của tiền nhân, bao trùm lên tất cả cái nguồn gốc xa xôi từ khởi thủy của giống nòi.
“Ngó lên mây bạc trời hồng
Dạo miền sơn thủy bẻ bông thái bình”
(Ca dao)
Câu ca dao thơ mộng cho thấy cái không gian sống động, rộng lớn, đẹp tươi, đầy tình gắn bó cùng ước mơ hoài bão của nhân dân. Cái không gian sinh tồn bát ngát đó do đâu mà có" Người bình dân trả lời rất kín đáo, tế nhị:
“Non cao ai đắp mà cao
Sông sâu ai xới ai đào mà sâu"”
(Ca dao)
Câu hỏi chẳng cần đợi trả lời, vì ai chẳng cảm nhận rằng cái ‘non sông’ đó là công nghiệp bền bỉ lâu dài của bao đời tích tụ đến hôm nay. Nhưng cái non sông gấm vóc bao đời công nghiệp cha ông luôn luôn bị dày xéo bởi kẻ bên ngoài, bởi kẻ bên trong, nên người bình dân đau lòng, mượn tiếng hát lời ru ngụ ý nhắc nhở nhau nghe:
“Dù cho cạn lạch Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ không sai tấc lòng”
(Ca dao)
Tấc lòng nào" Dĩ nhiên hình ảnh hiện thực nơi đây là mối tình trai gái, nhưng bên trong chính là cái hồn dân tộc chơi vơi mãi mãi đi về trong tâm tư những con người nặng lòng với đất tổ quê cha.
“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm...”
Từ ‘Quê’ quả diễn đạt một ‘trở về’, trở về với ‘quê xưa’, trở về với miền cư ngụ bằng an muôn thuở, trở về với hồn dân tộc tự nguyên sơ; trở về là phải giành lại mảnh đất quê hương đã mất bởi tay người hay bởi tay ai("). Từ ‘Quê’ không riêng chỉ cái gia tài vật chất mà còn là cái gia tài văn hóa từ bao đời kế tiếp đã không hề được lưu ý bảo tồn, phát huy, hoặc vì cái oái oăm lịch sử đã không xây dựng thành ý hệ1, đành phải cam lòng để bàng bạc mông lung, giấu mặt, qua những lời tình truyền miệng nhau nghe. Trở về với nguồn cội, trở về với cuối trời dĩ vãng, để sống trọn cái tinh anh của suối nguồn tinh thể.
Nhưng trở về cũng chính là ‘hướng đến’, vì làm sao trở về với chân trời dĩ vãng, nên ‘trở về’ chính là ý hướng và hành động tái tạo ở cuối trời mơ – mơ về hay mơ đến cũng chỉ là một. Chân trời quá khứ cũng là chân trời viễn mộng trong tâm thức con người bình dân thao thức bắt gặp lại mình trong hữu thể căn nguyên, bắt gặp lại được cái tinh thần dân tộc tinh ròng giờ nầy đang trong cơn đày đọa, được sống lại cái quê hương tròn đầy ân ái. “Rồi Zarathoustra bảo: ‘Tôi là tôi hôm nay của quá khứ nhưng nơi tôi có một cái gì là ngày mai và của ngày mai nữa và của cả tương lai”.2
“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê”
Câu ca dao đơn sơ, ngọt ngào tình tự, cho thấy cái khắc giờ hội nhập ‘quá khứ – tương lai’ trong cảm thức chàng thi sĩ bình dân, đã phải giấu khuất hướng vọng trở về trước mọi người, mọi kẻ, nên phải chờ đêm vắng, mượn trầm hương nhiếp dẫn tâm tư vào cõi mộng. Tâm thức chàng cũng là tâm thức của dân tộc đối diện với thực tại đất nước bị xéo dày, chà đạp, vừa ru ta vào một hoài vọng mênh mang, vừa mơ màng thao thức hoài hương hướng về Hằng thể.
“Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không"”
(Bùi Giáng)
“Từ ngàn xưa đến ngàn sau
Ai về ai ở ai đào huyệt yêu
Ai nhìn mây nhớ ráng chiều
Nghe trong lặng lẽ áo điều ai bay”
(Huy Phong)
Cái ‘đẹp nguyên màu xưa cũ’ đó có hiện về trong mai sau hay không do từ hôm nay con người có nuôi lòng thao thức:
“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê”
(Trần Minh Xuân & Nguyễn Thùy)
1 Xem thêm “Tinh Thần Việt Nam” hay “Việt Nam: Cơn Khổ Nạn Sinh Thành”, cùng tác giả, Mekong-Tynan xuất bản, San Jose, Bắc California, 1992.
2 “Je suis d’aujourd’hui de jadis mais je sens en moi quelque chose de demain, de l’après demain et de l’avenir”. – F. Nietzche, Ainsi parlait Zarathoustra (bản dịch Pháp ngữ của Maurice Betz, coll. Le Livre de poche).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.