Hôm nay,  

Chuyện Phiếm: Câu Cá

07/05/200200:00:00(Xem: 6086)
Trước đây, mỗi lần thấy bạn bè rủ nhau đi câu, tôi nghĩ: "mấy cha nội này khùng, ở nhà không ở kéo nhau ra đi câu giữa đêm, giữa hôm!" Nhưng bây giờ tôi lại nghiền câu có khi còn hơn cả mấy cha nội bạn nữa. Không cần biết trời nóng hay lạnh, nếu có bạn rủ đi là cấp tốc khăn gói quả mướp lên đường.

Tôi nhớ lần đầu tiên theo bạn đi câu, thật sự là đi ra biển cho mát nhân ngày lễ nghỉ. Ông bạn tôi cho mượn cần câu, buộc lưỡi dùm, móc mồi dùm rồi chỉ tôi cách ném. Đúng, hay không bằng hên. Tôi vừa ném mồi xuống nước chừng một phút là tôi thấy đầu cần câu nhắp nhắp rồi bị kéo gục xuống. Ông bạn nhìn thấy la lên: "Cá cắn rồi, dựt" Tôi làm theo lệnh của ông bạn. Tôi quay máy, kéo gân lên. Ôi con cá hanh to trắng hếu! Thích quá tôi la lên mừng rỡ. Ông bạn lại phải giúp tôi gỡ cá... Sau bữa đi câu ké, tôi rủ ngay ông bạn ra tiệm lựa mua cho tôi một cần tay câu cá hanh đủ bộ. Thế là tôi vào nghề một cách không kèo không trống.

Bỡ ngỡ Làm sao lúc ban đầu, Cái lúc mà tôi mới biết câu. Vụng về không biết sao mà nói Buộc mãi không xong, cái lưỡi câu. Người bạn nhìn tôi khẽ lắc đầu, Chỉ tôi làm sao buộc lưỡi câu, Móc mồi rồi bảo ném xuống nước, Ngồi chờ cá cắn, chờ thật lâu.

Cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa cũng khoái câu cá. Theo như suy luận của tôi, cụ không sát cá nên câu hoài không được. Cụ than rằng:

Tựa gối ôm cần câu chẳng được, Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Những người đi câu là những người kiên nhẫn, kiên nhẫn ngồi chờ. Có những khi ngồi cả đêm không được con nào, Thật là:

Đi không rồi lại trở về không, Cái nợ cần câu chẳng trả xong

Nếu so sánh cái "Chờ" cá với chờ vợ đi chợ thì mới thấy thấm thía. Bạn chờ vợ đi mua sắm, hẳn đã bao lần sốt ruột. Uống mấy ly cafe mà vợ vẫn chưa ra, hút hết mấy điếu thuốc mà vợ cũng chưa thấy. Đi tới đi lui như gà mắc đẻ. Lúc thấy vợ đẩy xe ra bạn nói một câu lãng nhách, "Lần sau không theo em đi chợ nửa". Nhưng ngược lại chờ cá, chờ cả đêm cũng được. Bữa nay chờ cá cắn câu, không có, mai chờ tiếp... Hình như thời gian chờ vợ như ngừng lại, còn thời gian chờ cá như trôi nhanh quá. Khi mới biết yêu, người ta cũng chờ, cũng đợi, nhưng chờ người yêu thú vị hơn chờ vợ, nên nhiều bà vợ trách chồng: "Tại sao ngày xưa mới quen em anh chờ em bao lâu cũng được, con bây giờ chờ một tí thì rên lên". Quả là câu hỏi khó mà trả lời. Một tí của vợ là một giờ. Đề nghị các bà phải sửa lại cho đúng khẩu vị hôm nay, "Tại sao đi câu anh chờ cả ngày thì được, còn đi chợ chờ một tý thì rên"" Ông bạn tôi khi nghe vợ trách móc câu này bèn trả lời không suy nghĩ: "Nhanh lên anh về còn phải đi câu!" Cái mâu thuẫn ở chỗ đó, nó là lý do tại sao nhiều bà vợ không muốn cho ông xã đi câu.

Trong cuộc sống gia đình có "trăm lần thương, có vạn lần sầu", con em chúng ta thêm tuổi thêm khôn ngoan, còn các bà thêm tuổi, thêm khó tính. Khó tính tới mức các ông đôi khi không chịu nổi, thậm chí nhiêu ông bực quá trở thành "Vũ sư " thế mới khổ. Đừng lo, hôm nay có thuốc gia truyền trị tuyệt nọc. Những lúc tình huống căng thẳng như vậy, các ông cứ việc vác cần đi câu cá. Ra biển, tất cả mọi áp lực đều được giải tỏa.

Thương thì thương thật là thương Ở nhà với vợ trăm đường xót xa. Nhược bằng khăn gói đi ra, Tìm nơi câu cá chắc là tốt hơn.

Nhiều đức bà thấy chồng vác cần đi câu hoài nổi xùng lên: "Cá nhà có không câu, cứ vác cần đi câu ngoài". Ý bà nói nhà có cá không cần đi câu, nhưng bực quá thành nói lộn câu văn, nghe qua bị hiều lầm, nguy hiểm. Nhưng cá nhà câu mệt hơn cá sông, cá biển. Ông bạn tôi đọc hai câu thơ so sánh đi câu với ở nhà.

Rằng câu cho biết cá Hanh, Ở nhà với vợ loanh quanh chán bỏ bà.

Vợ buồn, vợ giận, giận riết rồi quen, mỗi lần thấy chồng vác cần đi câu còn ráng dặn dò

Đi câu vợ khéo dặn rằng, Mồi câu đi bắt, chứ đừng có mua.

Chả là bà vợ tiết kiệm, sợ tốn tiền mua mồi. Làm một con toán thấy kết quả: tiền mua mồi so với số cá câu được, thì kết quả trừ. Vì nếu đem tiền mua mồi ra mua cá thì được nhiều cá hơn.... Nếu tính theo kiểu các bà thì mấy shop bán đồ câu dẹp tiệm mất.

Có nhiều người may mắn có vợ yêu thương hết mình, lo lắng cho chồng "đi câu". Vợ biết đi câu rất nguy hiểm, nào là nắng cháy má đào, nào là trèo non lội biển. Nguy hiểm nhất là sóng to gió lớn. Rất nhiều người đã hy sinh vì câu. Cho nên thương chồng, lo lắng cho chồng:

Có đi câu chàng đừng có vội, Hãy từ từ kẻo tội vợ con. Xe hơi chàng chay bon bon, Coi chừng police "lost point" mất tiền. Đến chỗ câu hãy quan sát kỹ, Chàng hãy nhìn tỷ mỷ trước sau. Sóng to, gió lớn đừng câu, Những nơi trơn truột, biển sâu chớ màng. Khi hậu có lúc nóng lúc lạnh Thời tiết có khi tạnh khi mưa. Dầu cho sáng, tối, chiều, trưa Luôn luôn mang nón cho vừa lòng em.

Chồng nghiền câu có vợ lo lắng như vậy, thật là diễm phúc. Những lúc câu không được cá về nhà vợ hỏi: "có cá không anh"" chàng im lặng mặt bí xị không trả lời. Hiểu ý, vợ an ủi: "Thôi câu cá nhà vậy". Nghe nói câu cá là chàng khoái liền, "Câu ở đâu cũng vậy! Câu ở đây dùm đi anh hai."

Cũng có bà, thấy chồng cứ đi câu hoài bèn hỏi chồng: " Anh có nhớ trong truyện Kiều có một câu thơ mà em thích nhấtkhông"" Ông chồng sợ bị gài bẫy bèn trả lời, "Anh không nhớ! Em nhắc anh nhớ". Bà vợ thong thả: "Muốn toan việc nước phải toan việc nhà. Việc nước đây là đi câu đấy. Như vậy anh muốn đi câu, trước nhất anh phải xong việc nhà". Việc nhà thì ối cha, nhiều lắm làm sao mà xong được, mấy bà mà bầy ra thì thua, làm xong thì hết đi câu, hết giờ cá ăn, trật con nước. Có những việc nhà làm xong rồi, chân tay rã rời, rung rinh đầu gối làm sao đi được. Chỉ có nước nằm mà thở.

øLính mới tò te, học câu cá Hanh là nhanh nhất. Chỉ cần biết buộc lưỡi câu, móc mồi, ném xuống nước rồi ngồi chờ... Nhưng muốn trở thành chuyên nghiệp thì hơi lâu... phải học hỏi nhiều hơn. Phải biết lúc nào cá ăn mồi, lúc nào cá không ăn mồi. Mỗi khúc sông cá ăn mồi khác nhau, có nơi cá ăn lúc nước lên, có nơi cá ăn lúc nước rút. Chỉ có cách đi câu nhiều lần mới có kinh nghiệm. Cá Hanh ăn mồi có tính cách cục bộ. thường người câu chuyên nghiệp dùng mồi câu ngay địa phương nơi câu, lý do cá đã ăn quen mồi, gặp mồi lạ cá không cảm thấy hấp dẫn. Những yếu tố về cần câu, lưỡi câu, dây câu, chì câu cũng rất quan trọng, ta không thể dùng cần câu cá lớn mà câu cá Hanh. Cá Hanh nhìn thấy giây quá lớn nó sợ. nhưng nếu dùng dây câu quá nhỏ thì đứt. Lưỡi câu nhỏ, mồi nhỏ thì chỉ câu được cá nhỏ. Kỹ thuật kéo cá cũng đòi hỏi kinh nghiệm thực tế, Nói chung nghề câu cũng lắm công phu.

Đi câu với người không có kinh nghiệm, hay mới biết câu, thật là rầu. Có lần mấy người bạn muốn đi câu với tôi. Từ chối thì sợ mang tiếng ích kỷ, nhận lời thì tội nghiệp cái thân. Mình phải chuẩn bị tất cả, từ cần câu, máy câu, mồi, lưỡi.v.v.. Ra tới chỗ câu, phải làm cần, buộc lưỡi, tóm mồi mọi người trước. Vừa bắt đầu làm cần cho mình, thì ông bạn đã bị đứt dây, mất lưỡi. Lại phải làm lại, mới xong ông này đến lượt ông khác dứt dây, cứ vậy vài lượt, vài vòng làm cần cho bạn, đến lượt mình, cá hết ăn. Đấy là chưa kể tới mấy cha nội để cần bừa bãi , đạp lên, gẫy cần, bể khoen, gẫy máy... Khi về mình phải thu dọn chiến trường, sợ mất đồ... Ôi khổ vì bạn... về nhà phải soạn lại đồ đạc.... Đi câu không có cá thì buồn, có cá cũng buồn, nhiều cá quá cũng buồn. Cá được nhiều ăn không hết, phải đem cho, cho nhiều khi bạn không lấy, cho cá nhỏ bị chê, "Lần sau đừng cho nữa, vì không có thì giờ làm cá". Đúng vậy, đi mua sướng hơn, khỏe hơn. Chả lẽ lựa cá lớn cho, để cá nhỏ mình ăn. Vô lý quá. Không cho ca,ù bạn bè trách móc. Cho cá, bạn bè cũng trách móc.

Ở sao cho vừa lòng người, Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.

Tôi có ông bạn, chuyên nghiệp câu cá Hanh, Mỗi lần đi câu gặp ông bạn này, chỉ có nước đi về hoặc đứng nhìn ông giựt cá. Lý do chỗ câu cá thì nhỏ khoảng vài mét, ông bạn thảy xuống 5 cần câu một lúc, hỏi sao còn chỗ cho mình câu. Cá dưới nước còn không có đường bơi lội huống chi người trên bờ sao có chồ cắm cần. Nên mỗi lần ông bạn rủ đi câu. Câu đầu tiên nói với ông: "Xin bố vác theo 2 cần cho chúng con nhờ!" Ông bạn đã từng "không câu cá mà câu bà xã". Vì bà xã ông thường đi theo câu cá. Hôm đó, không biết vô tình hay hữu ý, ông ném cần câu móc ngay tay bà xã. Ông phải cắt giây câu mang bà xã vô nhà thương để tiêm thuốc tê lấy lưỡi câu ra. Cũng từ đó bà vợ không dám đi theo ông nữa. Ông tha hồ tung hoành...

Cá Hanh sống ngoài biển thường câu bằng mồi tôm, mực cắt nhỏ dài bằng ngón tay, cũng có người dùng ruột gà, hay cá cắt khúc nhỏ, có thể bằng cua bắt tại chỗ, con lớn bỏ chân càng, chia làm 2 hay 4 miếng tùy lớn nhỏ. Cá Hanh sống trong sông thích ăn tôm tép cua còng ngay tại con sông đó. Đây là yếu tố chung của cá Hanh . Nhưng theo kinh nghiệm của tôi mồi trùng hút ở sông là nhạy nhất đối với cá Hanh cũng như cá Whiting.

Thường cá ăn mồi vào lúc nước thay đổi lên hoặc xuống, thời gian trước hoặc sau cao điểm của mực nước cao nhất hoặc thấp nhất. Thời điểm tốt nhất sau cơn mưa lớn, cá thường đón bắt những sinh vật từ đất theo nước mưa trôi xuống. Lúc này nước sông đục nên cá nhỏ không phá mồi, dân câu cá thường câu được cá lớn. Nhưng nếu mưa bão lớn hay kéo dài nhiều ngày, nước sông trở nên quá đục, cá Hanh lại không đi ăn. Cá bị xót mắt, hay mực nước quá tối, cá không nhìn thấy mồi.

Trăng sáng ảnh hưởng nhiều tới sự đánh bắt tôm cá, do đó cũng ảnh hưởng tới câu cá. Mực thủy triều lên xuống, cao thấp tùy theo con trăng. Trăng tròn mực nước cao nhất, còn gọi là øcon nước lớn. Ngược lại ngày tối trời thời gian giữa hai tuần trăng, mực nước lên cao nhưng không cao bằng ngày có trăng, gọi là con nước nhỏ. Sự kiện này giải thích: Do sức hút của mặt trăng nên nước trên trái đất phía có trăng chiếu sáng bị tác dụng đổ dồn lại, dâng lên cao. Ngược lại phía bên kia trái đất chi phối bởi lực quán tính, làm cho nước cũng đổ dồn lại làm cho mực nước lên cao nhưng không cao bằng phía có trăng. Quay lại ảnh hưởng của tuần trăng, chúng ta thấy khi nước lên cao mật độ cá bị loãng ra theo tỷ lệ lượng nước. Chuyện quan trọng khi trăng sáng, với bản năng sinh tồn các sinh vật nhỏ trốn hết vì chúng sợ bị ăn thịt bởi những con cá lớn hơn, vì chúng dễ dàng nhìn thấy dưới ánh trăng. Ngược lại những con cá lớn hơn khó có thể săn được mồi khi có trăng, bản năng này tạo cho chúng một thói quen không đi săn mồi vào lúc có trăng. Nhưng cũng có những loại cá thích săn mồi vào lúc có trăng, như cá Sửu (yewfish), Taylor.

Theo kinh nghiệm của những tay câu cá Hanh, tốt nhất câu cá vào con nước nhỏ, mực nước khoảng 1.2m - 1.5m cao hơn mực nước biển. Sự hiểu biết về thói quen cách săn mồi của cá Hanh giúp cho dân câu cá không tốn thì giờ chờ đợi. Có một bữa ở nhà người bạn chơi, đang nói chuyện vui vẻ, ông bạn nói "xin lỗi nhé mình có hẹn, phải đi khoảng 2 tiếng, đừng về trước, sẽ có quà đặc biệt cho bạn". Đúng 2 tiếng sau ông bạn về, cho tôi coi một thùng khoảng chục con cá Hanh còn đang sống. Lúc đó tôi mới biết, ông bạn vừa đi câu cá. Ông bạn chuyên nghiệp này chỉ câu lúc cá ăn và về khi cá ngừng kiếm mồi. Dĩ nhiên món quà ông bạn cho tôi bữa đó chính là mớ cá Hanh tươi.

Có người mê cờ bạc, người nghiền thuốc, kẻ nghiền rượu... Tôi thấy chỉ có nghiền câu là có lý. Đi câu là môn thể thao đáng được khuyến khích. Nhưng nhiều khi đi câu rất nguy hiểm. Tôi thấy nên đề nghị nhà nước mở những khóa học về "An toàn cho người đi câu". Đa số những người gặp nguy hiểm, đều ít có kinh nghiệm, hay lạ chỗ câu. Hoặc là người đi câu không trang bị đầy đủ dụng cụ cấp cứu như áo phao, giây, giầy chống trơn truột. Một vấn đề quan trọng, "đừng bao giờ đi câu một mình"... Hãy quan sát chỗ câu ít nhất 10 đến 20 phút trước khi hạ cần, để xem đâu là chỗ sóng biển phủ lên, đâu là chỗ không bị sóng phủ. Bao lâu có sóng lớn một lần, độ sóng cao bao nhiêu. Quan sát mực nước lên hay xuống. Chỗ câu có rong rêu trơn truột hay không. Nên có giây để cột vào đá để lên xuống dễ dàng không bị trượt chân. Quan trọng nhất trước khi đi câu phải xem thời tiết, khí hậu. nhiệt độ như hướng gió, cấp gió, sóng cao bao nhiêu. Có mưa bão gì không. Tốt nhất những khi mưa to gió lớn không nên đi câu, vừa nguy hiểm vừa không có cá. Cá cũng như các sinh vật khác, khi mưa to gió lớn, cá tìm nơi ẩn trú, chứ không đi kiếm ăn.

Nghiền câu cá tới độ đêm nằm ngủ mơ thấy mình đi câu, hai tay ôm giựt cần câu trúng ngay bà vợ nằm ngủ bên cạnh. Bị trúng chưởng giữa đêm, bà vợ giận dỗi ôm mền ra sa lông ngủ.

Nửa đêm mơ giựt cần câu, Tỉnh dậy vợ nói, cá đâu cắn mồi Cần anh đã gẫy lâu rồi Lưỡi thời han rỉ không mồi sao câu

Đó là gặp bà vợ hiền. Còn gặp phải sư tử là chết "bị câu lại ngay" sáng thấy cái mặt xưng một cục là biết "Đêm qua mơ giựt cần câu", thay vì bà vợ ôm mền ra sa lông thì bị đuổi ra sa lông câu một mình.

Câu có cái thú nhất lúc đầu cần câu nháy nháy rồi kéo cong xuống, vội vàng giựt cho cá máng lưỡi, sau đó là lôi cá lên. Cá càng to lôi càng khoái. Có người gọi là "fighting". Cái hay của người câu cá giỏi là làm sao kéo được cá lên bờ. Cá cắn là hên xui, kéo cá mới khó, Phải biết cách kéo, cá lôi mạnh ta phải xả giây cho cá chạy, lúc cá ngưng ta quay máy câu thu giây lôi cá vào. Nếu cá lôi ta ghì lại sức kéo tăng gấp bội, dây câu dễ bị dứt. Những người câu cá Sửu, cá Mú, cá Kingfish, nói chung là cá lớn, có đôi khi quần nhau với cá cả giờ, chờ cho cá mệt mới kéo được cá vào bờ...

Chuyện tức cười, dân câu cá thường phóng đại tô màu thành quả câu cá của mình. Anh bạn tôi tối hôm trước câu được con cá khoảng 1kg. Hôm sau khoe câu được con cá cân nặng 1kg rưỡi. Hôm sau nữa anh bạn đó khoe với người bạn khác là mình câu được con cá nặng 2 kg. Trung bình mỗi ngày cá lớn nửa kg. Tôi hỏi lại anh bạn "bữa trước anh nói câu được cá 1 kg, hôm nay anh nói 2 kg, đúng là xạo thiệt". Anh bạn trả lời tỉnh bơ "Cá phải lớn lên chứ!" Cứ cái đà lớn này con cá sẽ lớn mức không có cái nồi nào nấu được.

Có một câu chuyện vui kể rằng, một người chuyên đi câu cá Sửu, hôm đó câu được một con khoảng 5 kg, nhưng về nhà khoe với bạn bè là câu được con cá 7 kg ( theo tiêu chuẩn mỗi ngày lớn thêm 1 kg). Một người bạn nói không tin và hỏi anh, "Tại sao không chụp hình để làm bằng chứng". Anh ta nói: "Nếu chụp hình thì cá không lớn được". Người bạn lấy làm ngạc nhiên hỏi tại sao" Người đó đáp: "Nếu chụp hình rồi thì làm sao mình nói cá lớn hơn được. Không có hình, mình mỗi ngày cho cá lớn bao nhiêu không được". Lúc đó ông bạn mới hiểu, cá câu mang về nhà vẫn lớn như thường, mà còn lớn nhanh hơn nữa là khác.

Nếu đi câu theo nhóm thường số lượng cá câu được của một người được kể là tổng số cá cả nhóm câu. Nên khi hỏi "Hôm qua đi câu được mấy con"" bạn sẽ nhận được câu trả lời là "20 con". Nếu một người câu 20 con thì quả là chuyên nghiệp, nhưng nếu 20ø con cho một nhóm 5 người, vậy trung bình người câu được 4 con. Nhưng thực tế có người không câu được con nào, và có người câu được nhiều hơn. Ông bạn tôi tính luôn những con bị xểnh cho được nhiều hơn. Câu được 6 con nhưng bắt được một con, mất 5 con. Thường những con bị mất rất to, không to sao mất được. Cá câu được còn lên ký huống hồ cá không bắt được, tha hồ cho nó lớn bao nhiêu không được, có ai nhìn thấy đâu mà sợ. Một câu đố vui: "Đố bạn biết cá dưới nước lớn nhanh hay cá trên bờ lớn nhanh"" Câu trả lời "Cá trên bờ lớn nhanh hơn, nhất là cá trong tủ lạnh." Xứ này không có đóng thuế cho kẻ nói xạo, cũng không có GST cho cá đi câu nên tự nhiên... cho nó lớn. Nếu nhà nước đánh thuế GST 10% cho cá câu được, bảo đảm không ai câu được cá to hết.

Sau những ngày làm việc mệt nhọc, hít thở không khí trong hãng xưởng, Bạn ra bờ biển để đổi gió, hít gió biển, thở không khí trong lành, nhìn mây trôi lang thang, nhìn trời xanh cao thẳm. Bạn sẽ thấy thoải mái , khoan khoái vô cùng. Ở biển bạn sẽ quên hết tất cả. Chỉ có bạn và biển... Bạn hãy sắm cho mình cần câu đủ bộ, trong cơ hội hưởng gió biển ấy bạn thả cần chờ cá cắn câu... Lúc đó bạn mới thây thú vị.... Bạn sẽ lấy lại niềm tin yêu đời hơn... và sẽ sống lâu hơn để câu cá.

Trên trời có đám mây xanh Dưới nước có chú cá Hanh kiếm mồi. Cần anh đã sẵn đây rồi, Móc mồi thả xuống, rồi đời cá Hanh.

Mùa đông lạnh lẽo, gió biển thổi làm lạnh thêm, nhưng dân nghiền vẫn đi câu. Cái lạnh ở biển dễ chịu hơn cái lạnh trong đất liễn. Nhưng lạnh thế nào đi nữa, nhìn thấy cần câu cá cắn là hết lạnh liền. Nhất là mùa đông nhiều cá Tailor, muốn câu loại cá này đòi hỏi người câu phải hoạt động liên tục. Do đó cơ thể luôn tạo ra năng lượng, nên không cảm thấy lạnh. Ngược lại những lúc lạnh uống một ly cafe nóng hay ly trà nóng mới thấy thú vị. Nhưng trời lạnh, câu hoài cá không cắn thì cũng buồn năm phút. Chả lẽ vác cần không về. Đành chịu vậy: "Địch chết 3, ta chết hết". Chuyện câu không được cá là chuyện thường không có gì thắc mắc. Bữa nay không có cá cắn câu, ngày mai câu không có cá... Mốt ta lại đi câu... Ông bạn tôi mới than rằng:

Mùa đông cá chẳng cắn câu, Cần anh không biết để đâu bây giờ. Thôi thì gác mái để chờ, Cá ôi sao quá hững hờ với tôi!

Chuyện đi câu là chuyện dài, kể hoài không hết, kể riết không xong. Càng câu thì càng thích. Câu cá cũng lên lớp như thường, lúc đầu câu cá nhỏ, sau câu cá lớn. Lúc đầu câu bộ, sau câu bằng tàu. Bắt đầu câu một lần một tuần, sau lên hai lần một tuần... Nếu có thể, ngày nào câu cũng OK. Hỏi ông bạn tai sao ông bạn trả lời:

Ai ơi câu lấy kẻo già, Măng mọc có lứa người ta có thì.

Già thì sao câu được. Trèo không được thì sao câu được. Đúng như vậy, chân cẳng run lẩy bẩy sao leo núi" Mắt lem nhem sao thấy lỗ mà xỏ" Tay yếu làm sao ném mồi"... Già là thua, cá loại nào cũng không câu được. Nhìn thấy cá mà không làm sao câu được mới tức chứ. Do đó ông bạn tôi mới kêu gọi "Câu đi các bạn ơi, câu đi kẻo già không câu được." Đúng là chân lý.

Người Việt định cư tại Úc . Vấn đề hội nhập vào cuộc sống tại đây đã khó khăn, Vấn đề giải trí càng khó khăn hơn nửa. Vấn nạn cờ bạc chẳng qua là hậu quả của việc không hội nhập. Đối với người Tây phương ở đây, có rất nhiều phương tiện giải trí cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Hay nói rõ họ đã có những phương thức giải trí hợp với lứa tuổi. Còn chúng ta do không hội nhập được, lại không có những tổ chức riêng, nên thường đi tìm phương thức giải trí riêng lẻ, cờ bạc là một môn giải trí dể lôi cuốn con người, lúc đầu chỉ chơi cho đỡ buồn, dần dần thành nghiền... Xì ke, ma túy cũng vậy... Vấn đề là: Khi về già chúng ta phải làm gì, vui chơi những gì, ở đâu, thế nào... Chả lẽ ra vỉa hè đánh cờ tướng hay sao"... Do đó "đi câu" cũng là một phương pháp giải trí lành mạnh, xem chừng được coi là tốt hơn hết. Nhưng có một lời khuyên chân thành cho các bạn đi câu: "Khi chúng ta câu cá hãy nghĩ tới con cháu chúng ta, đừng bắt cá dưới size, bắt nhiều quá, coi chừng bị phạt."

Còn trời còn nước còn non, Còn con cá Sửu anh còn đi câu.

Hay:
Anh về buộc lưỡi cần câu lại, Ra biển câu đua với mọi người Ngoài kia sóng nước mời viễn khách Trong này sương khói tạ cố tri.

Tuấn Linh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.