Hôm nay,  

Cưỡi Cọp Iraq

19/10/200300:00:00(Xem: 4998)
Việc Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết do Hoa Kỳ đề nghị về Iraq với tỷ lệ 15-0 chỉ là một thắng lợi tượng trưng. Đáng chú ý hơn ở bên cạnh là dường như chính quyền Bush đã có một chiến lược tại Iraq. Thà trễ còn hơn không.
Hoa Kỳ vào Iraq vì nhiều mục tiêu và trong khi dư luận còn tranh cãi về mục tiêu phụ là giải trừ võ khí tàn sát WMD, người ta có thể quên hai mục tiêu chính. Đó là 1) lật đổ một chế độ hung đồ nằm tại một khu vực hung hãn nhất để tiêu diệt mọi khả năng hợp tác của các quốc gia trong khu vực với khủng bố al-Qaeda, và 2) qua việc lật đổ chớp nhoáng, gây chấn động tâm lý trong thế giới Hồi giáo, rằng Hoa Kỳ không là cọp giấy vì thiếu ý chí, hoặc đánh trống bỏ dùi vì những hục hặc nội bộ....
Cuối cùng, Hoa Kỳ đã lật đổ chế độ Saddam Hussein như sấm sét rồi thủ vai ông phỗng trước một vụ tấn công tập thể từ mọi phía: dư luận báo chí Mỹ, Âu châu, Hồi giáo, các lãnh tụ ngoại quốc muốn cho George W. Bush một bài học, các chính khách Dân chủ đang kiếm phiếu, các nhóm tàn quân của chế độ Saddam Hussein, các tổ khủng bố Hồi giáo xâm nhập từ bên ngoài vào Iraq. Bên trong chính quyền, người ta thấy cảnh hục hặc giữa Quốc phòng với Ngoại giao, nạn cận thị của CIA, và nói chung, sự thụ động của ông Bush. Tình trạng đó đã kéo dài quá lâu, từ tháng Năm đến tháng Chín.
Cảm giác chung của dư luận là chính quyền Bush có phản ứng Cộng hòa điển hình: táo bạo lỳ lợm vì tin vào một đạo lý chính đáng nhưng chậm ứng phó trước nghịch cảnh. Phản ứng ù lỳ đó khiến Bush 41, thân phụ đương kim tổng thống, bị thất cử năm 1992, và có thể khiến Bush 43 đang cầm quyền cũng sẽ thất cử.
Từ cuối tháng Chín, tình hình bắt đầu đổi khác và chính quyền Bush dường như đang khởi sự một cuộc tổng phản công khi thấy tỷ lệ ủng hộ sụt dưới 50%. Tuần qua, ông Bush nói thẳng với quần chúng chứ không qua cái lọc của truyền thông tả khuynh và tỷ lệ ủng hộ bắt đầu nhích lên khỏi lằn ranh tâm lý đó. Đáng lẽ, toàn quyền Paul Bremer cũng phải học phép Donald Rumsfeld trong màn đầu của cuộc chiến Iraq là đích thân hoặc cho đại diện trình bày gần như mỗi ngày về tình hình Iraq, không để dư luận tìm hiểu qua sự tường thuật có thiên lệch của truyền thông cánh tả. Thà trễ còn hơn không, cuộc phản công về thông tin đã bắt đầu, do chính ông Bush khởi xướng, được Phó Tổng thống Dick Cheney tiếp tục, và ban tham mưu an ninh và đối ngoại có thể thực hiện tiếp trong những ngày tới.
Về đối ngoại, việc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ủng hộ nghị quyết do Mỹ soạn thảo và tu sửa có nói lên một sự thật ai cũng hiểu, kể cả Pháp, Nga và Đức trong những thảo luận giờ chót của lãnh đạo trước khi ủng hộ nghị quyết, kể cả Trung Quốc và nhất là Syria: Hoa Kỳ sẽ còn ở lại Iraq rất lâu và lời hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử trễ lắm vào ngày 15 tháng 12 chỉ là lời hứa hẹn. Các xứ đó suy tính rằng vì Hoa Kỳ sẽ ở lại Iraq, nếu bác bỏ dự thảo nghị quyết của Mỹ thì chỉ làm suy yếu Liên hiệp quốc và mất phần ăn trong việc tái thiết Iraq, khi dầu hỏa đã được bơm khỏi lòng đất để xuất cảng và nhiều dự án trùng tu đang chờ đợi. Nghị quyết vì vậy được thông qua mà chả có nước nào hứa hẹn góp quân bình định với Mỹ, cho nên thực chất chỉ là một thắng lợi hình thức, không cần thiết nhưng có ích về ngoại giao và tuyên truyền cho Hoa Kỳ.
Nhưng đó chỉ là phần nổi, phần chìm là thực tế ở tại chỗ.
Sau khi đạt thắng lợi quân sự thần kỳ, Donald Rumsfeld đã trải ba tháng gần như tê liệt, trừ phản ứng thiếu bình tĩnh trước việc tái phối trí trách nhiệm về Iraq vào tuần trước. Ông không thể không biết là sau đợt tấn công ban đầu, tình hình sẽ đổi khác vì tàn dư của chế độ Hussein và các nhóm khủng bố sẽ đánh tỉa lực lượng chiếm đóng để phá hoại việc bình định và cản trở hai mục tiêu chính yếu ban đầu: kiểm soát Iraq và tác động vào tâm lý Hồi giáo. Ông ta có thể biết mà không cho dư luận thấy rằng mình biết đối phó. Chẳng riêng Rumsfeld mà cả nội các của Bush lẫn bộ chỉ huy quân sự tại Iraq đều gây ra ấn tượng đó.

Việc tái phối trí cơ cấu tiến hành kế hoạch bình định Iraq và A Phú Hãn có thể là một điển hình của sự chống đỡ: khi cần cho chìm xuồng một việc gì đó thì người ta lập ra ủy ban liên bộ, liên ngành, để giải quyết. Với bốn phụ tá cho Cố vấn An ninh Condoleezza Rice là cấp chuyên viên cao cấp nhưng không có uy tín chính trị, Ủy ban Ổn định Iraq sẽ không có thực quyền và mọi việc đều tập trung vào quyết định của chính ông Bush. Tuy nhiên, ít ra thì dư luận cũng bớt thấy cảnh trống đánh xuôi kèm thổi ngược giữa các cơ quan hữu trách.
Ở tại chỗ, sự kiện lực lượng chiếm đóng bị đánh tỉa làm trung bình mỗi ngày một binh lính Mỹ bị tử thương không phải là bài toán quân sự nguy ngập. Nhưng đó là bài toán chính trị trầm trọng vì tạo ra ấn tượng là Hoa Kỳ lúng túng, một ấn tượng đi ngược mục tiêu tâm lý đối với thế giới Hồi giáo để gián chỉ (can ngăn) mọi cám dỗ khủng bố. “Hoa Kỳ đang bị sa lầy tại Iraq”, truyền thông hàng ngày nói đến điều đó và dư luận bắt đầu nghĩ như vậy. Khi các nước Hồi giáo lân bang cũng nghĩ như vậy, như trường hợp của Syria và Iran, hai xứ đó mặc nhiên dung túng khủng bố, cuối cùng chẳng ai sợ Mỹ và chẳng ai tin vào quyết tâm hay khả năng lãnh đạo của chính quyền Bush nữa. Dù chưa ra đòn tấn công vào lãnh thổ Mỹ và có khi hết khả năng ra đòn như đã hăm dọa, al Qaeda vẫn đạt thắng lợi.
Cho nên, bài toán Iraq của Hoa Kỳ có hai vế phải cùng giải quyết: bình định bên trong và hăm dọa bên ngoài trong khi chính quyền mở chiến dịch thông tin tuyên truyền về sự thật ở tại chỗ. Chiến lược vừa manh nha có thể là giải trừ khủng bố ngoại nhập trong khi khoanh vùng để ổn định Iraq.
Thứ nhất, Hoa Kỳ không che dấu việc sát cánh cùng Do Thái tiêu diệt các nhóm khủng bố Palestine và Hồi giáo tại Syria, bằng cách giữ im lặng khi Do Thái đột kích Syria hôm mùng năm và khi Do Thái cho biết mình có võ khí nguyên tử và sẵn sàng sử dụng. Điều đó khiến Syria đảo ngược lập trường đã đảo lộn trước đấy: sau tháng Năm thì hứa hẹn hợp tác với Mỹ chống khủng bố, khi thấy Mỹ lúng túng thì chế độ Damascus dung túng khủng bố xâm nhập Iraq, giờ đây đành lại ủng hộ nghị quyết của Mỹ. Syria phải làm trò ảo thuật này vì bị ba mặt giáp công là Do Thái, Turkey và Hoa Kỳ.
Thứ hai, việc Turkey đồng ý gửi quân vào bình định Iraq trước khi có nghị quyết Liên hiệp quốc, cho thấy nghị quyết này vô giá trị, sức mạnh hay sự thuyết phục của Mỹ mới đáng kể. Quyết định đó, do Quốc hội Turkey biểu quyết với đa số áp đảo, cũng là tín hiệu cho Syria và cả Iran.
Thứ ba, sau vụ xung đột nội bộ giữa hai phe Shiite do Iran chi phối bên sau, cuối cùng phe Shiite chống Mỹ tuyên bố sẽ không thành lập một chính quyền riêng tại Iraq. Đồng thời, Iran cũng nghĩ đến việc thương thảo với Mỹ trên hai hồ sơ, một là võ khí nguyên tử hai là việc góp phần bình định Iraq.
Sau cùng, tại Saudi Arabia, chính quyền Hoàng gia Saudi cũng đã chuyển lập trường. Họ truy lùng khủng bố thực tình hơn, họ vừa đồng ý cho tổ chức hội nghị về Nhân quyền hôm 14 và công bố kế hoạch bầu cử đại diện chính quyền cấp địa phương vào năm tới. Vụ Iraq quả là có gây chấn động cho chế độ bảo thủ nhất trong vùng, xưa nay là một đồng minh chí thiết của bộ Ngoại giao Mỹ mà cũng là một hậu cứ đáng kể cho khủng bố. Áp lực của Mỹ đang tạo ra nhiều thay đổi tại Saudi Arabia, như tại Turkey, Syria và Iran.
Tổng kết lại, cục diện Iraq không thể là “vũng lầy Việt Nam” như dư luận ưa nói, vì các lực lượng phiến loạn không có hành lang hay hậu cứ phát triển hình thái chiến tranh phá hoại hiện nay thành chiến tranh du kích để mở rộng thành chiến tranh tiêu hao làm soi mòn ý chí của Mỹ. Nhưng, Iraq vẫn có thể là một thất bại vì nạn du kích chính trị trong nội tình nước Mỹ trước sự hoài nghi và chán chường của công chúng. Thất bại tại Iraq là một chiến thắng của khủng bố, là điều chính quyền Bush không thể chấp nhận. Ông chọn cọp dữ Iraq làm gương và đã cưỡi lên lưng cọp thì không thể xuống.
Vì vậy, sau bốn tháng tê liệt, lúng túng, ông bắt đầu nhúc nhích với một chiến lược mới là giải trừ các hậu cứ khủng bố ở vòng ngọai vi và củng cố việc tái thiết bên trong để Iraq là thí điểm minh chứng quyết tâm và khả năng của Mỹ đối với al-Qaeda. Thà trễ còn hơn không, quả như vậy. Nhưng, chiến lược này có thể giải trừ được khủng bố hay chăng thì người ta còn phải chờ. Những chỉ dấu kiểm nghiệm rõ nhất sẽ là tình hình ở các lân bang với Iraq.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.