Hôm nay,  

Việt Nam Và Apec

31/05/200600:00:00(Xem: 2028)

...Khi hội nhập khu vực, VN tiếp cận với các quốc gia có tự do và dân chủ hơn, khiến viên chức VN phải thay đổi dần cung cách làm việc với chính người dân.

Tuần này, Việt Nam bận rộn tổ chức các phiên họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương gọi là APEC với một cao điểm có thể là lễ ký kết thỏa ước song phương Hoa Kỳ và Việt Nam về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhân dịp này, Diễn đàn Kinh tế trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về APEC và về vị trí của Việt Nam trong Diễn đàn APEC. Chương trình chuyên đề hàng tuần sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, dư luận trong nước chú ý đến hàng loạt hội nghị trong khuôn khổ của Diễn đàn APEC đang được tổ chức ở trong Nam. Nhân dịp này, chúng tôi xin đề nghị là chúng ta sẽ cùng trao đổi về Diễn đàn APEC này. Trước tiên, APEC là gì" 

- Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương mà ta hay gọi tắt theo Anh ngữ là APEC là một khối kinh tế hiện quy tụ 21 nước trong vành cung Thái bình dương, từ Tây qua Đông là các xứ Đông Á - kể cả Australia và New Zealand của Úc châu - qua tới phía Đông biển Thái bình, gồm có các nước Bắc Mỹ như Canada và Hoa Kỳ và các nước Trung Nam Mỹ tiếp giáp với Thái bình dương. Yếu tố quan trọng ở đây là Thái bình dương hơn là Á châu.

Tên gọi sở dĩ lại là "Á châu Thái bình dương" - thay vì Vành cung Thái bình dương, Pacific Rim, chẳng hạn - vì sáng kiến này xuất phát từ châu Á, từ một hội nghị do Australia tổ chức năm 1989 tại Canberra, quy tụ 12 nước sáng lập. Đó là sáu nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN cùng sáu nước đã phát triển là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Nam Hàn, Hoa Kỳ và Canada. Mục tiêu ban đầu là lập ra một diễn đàn trao đổi để tăng cường hợp tác kinh tế và chính sách giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Sau đấy, nhiều hội viên khác đã gia nhập, như Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan năm 1991, rồi Mexico và Papua New Guinea năm 1993, Chile năm 1994. Ba nước mới nhất tham gia diễn đàn APEC là Peru, Liên bang Nga và Việt Nam vào năm 1998.

- Hỏi: Nghĩa là Việt Nam là một nước mới gia nhập gần đây thôi phải không"

- Thưa vâng, nếu nhìn lại quá khứ thì khi APEC thành hình vào năm 1989, Việt Nam mới chập chững đổi mới và rút quân khỏi Cambodia sau 10 năm chiếm đóng. Việt Nam bắt đầu nhìn ra ưu tiên mới là kinh tế và lúc ấy còn chưa rõ các cơ chế quốc tế là gì, cơ chế nào có tính chất cưỡng hành, cơ chế nào chỉ là diễn đàn thảo luận và phối hợp. Sau đó mới dần dần hội nhập vào cộng đồng các nước trong khu vực vì thấy ra lợi ích của việc này, nhờ vậy, mà cũng học được cách tổ chức các hội nghị quốc tế theo lối văn minh.

- Hỏi: Và năm nay, Việt Nam mới đăng cai tổ chức các hội nghị của APEC với cao điểm là hội nghị cấp Bộ trưởng Thương mại vào ngày mùng một tháng Sáu tới đây"

- Thưa vâng, và nhân đây cũng xin có một ý kiến về danh xưng cho thích hợp. Kể từ năm 1993, Hoa Kỳ thấy lợi ích của một diễn đàn rộng lớn như vậy nên mới đề nghị các vị nguyên thủ quốc gia hay lãnh đạo các nền kinh tế hàng năm gặp nhau một lần. Đó là Thượng đỉnh APEC, lần này sẽ họp kỳ thứ 14 tại Hà Nội vào hai ngày 18-19 tháng 11 tới. Thượng đỉnh hay gọi theo Anh ngữ là "Summit" là kỳ họp hàng năm quan trọng nhất của APEC.

Vì lý do ngoại giao chính trị liên hệ đến vị trí của Đài Loan và Hong Kong - nhìn từ quan điểm của Trung Quốc, vốn không coi Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan là một quốc gia và Hong Kong chỉ là một đặc khu hành chính - người ta không gọi các hội viên là "quốc gia" mà "nền kinh tế", và nguyên thủ các nước hội viên được gọi là "Lãnh đạo các nền kinh tế". Đại diện Đài Loan tại Thượng đỉnh sẽ không là Tổng thống Trần Thủy Biển mà chỉ là một giới chức kinh tế cao cấp của đảo quốc này.

- Hỏi: Ông vừa nói đến việc danh xưng cho thích hợp là gì"

- Trước đây, lãnh đạo Hà Nội không muốn dùng từ "Thượng đỉnh" xưa kia thông dụng trong Nam, nên cứ gọi hội nghị vào tháng 11 là "Hội nghị Cấp cao". Trong cơ chế và sự vận hành của APEC, ta có một Thượng đỉnh quy tụ các nguyên thủ, trừ trường hợp Đài Loan như vừa nói; ở dưới, ta có nhiều Hội nghị cấp Bộ trưởng; dưới nữa là nhiều Hội nghị các Viên chức Cao cấp, thường là ngang hàng Thứ trưởng, APEC gọi tắt là SOM. Khi gọi Thượng đỉnh là "Hội nghị Cấp cao", người ta chỉ làm dư luận có thể lầm với hội nghị quan chức cao cấp.

- Hỏi: Trở lại APEC, thưa ông vì sao năm nay Việt Nam lại bận rộn với nhiều hội nghị như vậy"

- Năm nào quốc gia đăng cai tổ chức cũng đều bận như vậy, và đây là dịp cho Việt Nam học bài. Năm nay, Việt Nam phải tổ chức ba Hội nghị Viên chức Cao cấp, gọi là SOM I, II, và III. Mỗi hội nghị ấy cần tới chừng 25 phiên họp các cấp chuyên môn của rất nhiều ngành.

Hội nghị Cấp cao SOM I đã họp hồi đầu năm tại Hà Nội và nối tiếp bằng Hội nghị cấp Bộ trưởng liên hệ đến việc phòng chống dịch bệnh và cúm gia cầm. Hội nghị SOM II đang hoàn tất tại Sàigon với cao điểm là Hội nghị cấp Bộ trưởng Thương mại vào hai ngày đầu tháng Sáu, là dịp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ là bà Susan Schwab có thể ký thỏa ước song phương Mỹ Việt về WTO. Qua Tháng Chín, Việt Nam sẽ còn tổ chức Hội nghị SOM III tại Nha Trang với cao điểm là Hội nghị cấp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương.

Đến tháng 11, từ 12 đến 19, Việt Nam còn có một tuần cực kỳ bận rộn với Hội nghị Tổng kết các Hội nghị Cấp cao SOM, Hội nghị của Hội đồng Tư vấn APEC là một cơ chế tham mưu quy tụ doanh giới, rồi Hội nghị các Bộ trưởng; sau cùng là Thượng đỉnh vào các ngày 18-19 tháng 11 khi nguyên thủ các nền kinh tế gặp doanh giới và gặp nhau.

Bên lề các hội nghị cao thấp này là những phiên họp, các buổi triễn lãm, giải trí và sinh hoạt giới thiệu nét văn hoá nghệ thuật của nước chủ nhà. Tập quán của APEC là tại Thượng đỉnh, lãnh tụ các nền kinh tế được mặc quốc phục của quốc gia đăng cai tổ chức. Lần này, ta sẽ xem quốc phục Việt Nam được thiết kế hiện đại ra sao và bản sắc dân tộc là gì hay lại cũng môtíp rồng phượng mà thiên hạ tưởng như là của Trung Quốc…

- Hỏi: Thế còn nguyên thủ các nước thăm viếng Việt Nam trong khuôn khổ Thượng đỉnh thì sao"

- Trong khuôn khổ Thượng đỉnh, lãnh đạo các nước có thể tiếp xúc song phương với nhau và cũng có thể ở lại sau Hội nghị để chính thức thăm viếng Việt Nam, là điều Hà Nội mong muốn Tổng thống Bush sẽ làm. Nghĩa là ông Bush đến Việt Nam để dự hội nghị APEC rồi mới chính thức thăm Việt Nam như một quốc khách của Việt Nam.

Năm 2006 do đó là một năm bận rộn cho Việt Nam vì APEC. Đã vậy, lại còn có Đại hội đảng khoá 10 và từ đầu năm Hà Nội còn muốn Hoa Kỳ thỏa thuận việc Việt Nam gia nhập WTO vì thể diện của một nước đăng cải tổ chức các hội nghị của APEC. Từ 1989 đến nay, Việt Nam đi được một chặng đường khá xa theo lối đi một đàng học một sàng khôn.

- Hỏi: Qua phần phân tách, theo ông nhận xét thì Hội nghị của APEC năm nay có những đề mục gì quan trọng và đáng chú ý"

- So với tổ chức WTO có 149 quốc gia hội viên thì APEC quy tụ 21 quốc gia hay nền kinh tế, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là những đầu máy kinh tế lớn nhất, bên cạnh các nước đã phát triển và khối Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Về địa dư, ta có các nước gọi là Tây bán cầu là Trung Nam Mỹ chủ yếu trao đổi với kinh tế Hoa Kỳ và các nước Đông Á chủ yếu trao đổi với Hoa Kỳ, Trung Quốc và với nhau. Nói chung, luồng trao đổi buôn bán giữa các nước APEC với nhau đã gia tăng khả quan, trừ một lãnh vực chưa có cải thiện đáng kể là nhân dụng, là thất nghiệp, một đề tài rất đáng quan tâm.

Vì đầu tư và ngoại thương của khối APEC chiếm tỷ trọng rất lớn của kinh tế thế giới, diễn đàn APEC kỳ này là nơi mà các nước cố san bằng những dị biệt quan điểm để thúc đẩy vòng đàm phán Doha của tổ chức WTO bị đình trệ. Một trong các lý do ngưng trệ là chính sách bảo hộ mậu dịch của các nước giàu, chủ yếu là bảo hộ nông nghiệp, nhất là của Liên hiệp Âu châu trong khuôn khổ gọi là "Chính sách Nông nghiệp chung". Tôi dự đoán là kết quả về vòng Doha sẽ chưa có đột phá tuần này và các nước đành chấp nhận một vòng Doha nhỏ hơn, đi cùng từng thỏa ước mậu dịch song phương. Đây là cơ hội cho Việt Nam theo dõi và học hỏi kỹ thuật đấu tranh về ngoại thương và đầu tư trong khuôn khổ WTO và với từng nước khác.

- Hỏi: Ngoài các đề mục kinh tế hay ngoại thương, APEC còn quan tâm đến các vấn đề gì khác"  

- Song song, cùng với việc hạ thấp rào cản trong giao dịch mua bán để mở rộng thị trường, các nước hội viên APEC cũng phải thảo luận về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải tiến việc quản lý kinh tế và ứng phó với nạn xăng dầu lên giá, rủi ro lạm phát và cả nguy cơ suy trầm kinh tế trong năm 2007 tới đây nếu như đầu máy kinh tế Hoa Kỳ bị trì trệ. 

Bên cạnh nỗ lực phát triển mậu dịch và đầu tư, vì Đông Nam Á cũng có hiểm họa khủng bố của xu hướng Hồi giáo cực đoan cho nên, như các hội nghị trước, APEC sẽ lại được yêu cầu chú trọng đến nỗ lực liên hợp chống khủng bố, phá vỡ hệ thống kinh tài của khủng bố, tăng cường bảo vệ biên giới và các thương cảng. Phải có an ninh thì mới nói đến chuyện phát triển. Và nói đến an ninh, ta không quên hai điểm nóng Đông Bắc Á vì vụ Bắc Hàn muốn chế tạo võ khí hạch tâm và vì mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Đài Loan. Đồng thời, các nước sẽ đặc biệt quan tâm đến dịch cúm chim xuất phát từ châu Á đang lây lan ra các lục địa khác và những bạo động đang xảy ra tại Đông Timore gần Indonesia.

Cuối cùng, Indonesia lại vừa bị động đất tuần qua khiến hơn 4.000 người thiệt mạng và vài chục vạn dân mất nghiệp, không nhà. Sau khi đã bị sóng thần vào cuối năm kia, Indonesia lại gặp thiên tai nên các nước hội viên cũng cấp tốc thảo luận việc phối hợp trợ giúp.

- Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, nhìn từ phía Việt Nam thì việc gia nhập APEC đã đem lại những mối lợi gì"

Đầu tiên là việc hội nhập vào luồng trao đổi của các nước trong khu vực khiến Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn. APEC là nơi Việt Nam thao dượt sự hội nhập cấp vùng trước khi hội nhập toàn cầu khi vào WTO. Việc gia nhập diễn đàn APEC này giúp Việt Nam giải tỏa dần cơ chế đầu tư và mậu dịch, tiếp nhận những kiến thức mới để cải thiện môi trường kinh doanh và mở rộng hợp tác về kinh tế lẫn kỹ thuật và luật lệ rất cần thiết. Một thí dụ cụ thể là Việt Nam học được chuẩn mực văn minh của khu vực trong các giấy tờ khai báo áp dụng cho người nước ngoài, và tất nhiên sẽ phải áp dụng cho dân chúng trong nước.

Một yếu tố đáng chú ý dù ít được nói tới là khi hội nhập vào khu vực, Việt Nam tiếp cận với các quốc gia có tự do và dân chủ hơn, khiến viên chức Việt Nam phải thay đổi dần cung cách làm việc với chính người dân. Phần tiến bộ ngoài kinh tế ấy kể ra còn chậm, nhưng tình hình đã có đôi chút thay đổi so với năm 1989. Chúng ta sẽ còn cơ hội trở lại những lợi ích này nhân Thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.