Hôm nay,  

Chiến Tranh Toán Học

15/04/200300:00:00(Xem: 4822)
Bên cạnh cuộc chiến Iraq còn có một cuộc chiến khác đang xẩy ra tại Mỹ, đó là “cuộc chiến tranh toán học” (Maths War). Thuật ngữ này có thể làm một số độc giả ngạc nhiên, nếu không đọc câu chuyện giáo dục dưới đây.
Thật là khó hiểu khi một nền kinh tế, khoa học và công nghệ đứng hàng đầu thế giới như của Mỹ lại tiến bước song hành bên cạnh một nền giáo dục phổ thông tụt hậu, chất lượng thua kém nhiều quốc gia khác, kể cả một số quốc gia đang phát triển. Đó là một nghịch lý giáo dục từng làm đau đầu các nhà lãnh đạo Mỹ, tạo nên một sức ép nặng nề đối với các nhà sư phạm, buộc họ phải tìm ra chìa khoá để đảo ngược tình hình.
Trong bối cảnh đó, nữ giáo sư kiêm nhà báo Joy Hakim đã công bố một kiểu sách giáo khoa hoàn toàn mới, không viết theo con đường kinh viện như mọi sách giáo khoa khác, mà viết theo phong cách lịch sử khoa học. Dưới đầu đề “Một phương pháp cơ bản để giảng dạy khoa học” (A Radical Formula For Teaching Science), ký giả Valerie Strauss của nhật báo The Washington Post ngày 18-03-2003 nhận định: Joy Hakim đang phá vỡ tất cả các luật lệ... Sách giáo khoa lâu nay thường chỉ là những bản thống kê kiến thức buồn tẻ và nhàm chán, nhưng sách của Hakim lại như một loại truyện kể. Thông qua những câu chuyện lịch sử khoa học hấp dẫn, Hakim dạy cho học sinh hiểu khoa học, hiểu quá trình hình thành các tư tưởng khoa học và ảnh hưởng của các tư tưởng đó đối với thế giới.
Để thấy rõ ý nghĩa cách mạng trong công trình của Hakim, xin đọc giả cùng chúng tôi điểm lại một số nét đặc biệt trong nền giáo dục của Mỹ những năm gần đây.

1. Nghịch lý giáo dục

Ngày 20-11-2002, hãng tin Reuters đưa tin: “Học sinh trung học đạt kết quả kém trong môn khoa học” (High School Students Do Badly in Science). Theo bản tin này, trong kỳ thi kiểm tra toàn quốc môn khoa học (vật lý, hoá học, sinh học) vừa qua chỉ có khoảng 19% học sinh trung học đạt loại khá, 34% đạt trung bình (nắm được kiến thức tối thiểu), 47% đạt loại kém (kiến thức dưới mức tối thiểu). Đây là kỳ thi bốn năm một lần nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở Mỹ.
Theo Reuters, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ non yếu của giáo viên: “Từ lâu dư luận đã phàn nàn rằng nhiều giáo viên không được kiểm tra kiến thức một cách phù hợp để dạy môn khoa học”. Trong khi đó Hội Giáo Viên Khoa Học Quốc Gia lại đổ lỗi cho nhà nước, phê phán nhà nước thiếu chú ý đến việc cải cách chương trình môn học này, không nhận thức đủ tầm quan trọng của môn này. Harold Pratt, chủ tịch Hội, nói: “Bạn không thể mong chờ nhìn thấy những thay đổi lớn trong kết quả học tập của học sinh chừng nào không có những thay đổi lớn trong phương pháp học môn khoa học”.
Tình hình môn toán cũng chẳng có gì khả quan hơn. Sau những cải cách trong hai thập kỷ 1960-1970 dưới danh hiệu “Tân Toán Học” (New Mathematics) với kết cục thất bại thảm hại, thay vì quay trở lại phương pháp truyền thống, ngành giáo dục Mỹ lại tiếp tục cải cách và cải cách. Cuộc cải cách mới nhất từ 1998 đến nay được báo chí gọi là “Tân-Tân Toán Học” (New-New Mathematics) với sự áp đặt cả những môn hiện đại, như Fuzzy Theory, vào trong chương trình phổ thông, v.v. nhưng rốt cuộc vẫn chỉ làm cho nền giáo dục toán học lâm vào khủng hoảng tệ hại hơn. Giới phụ huynh học sinh, và ngay cả nhiều nhà trường, thầy cô giáo cũng kịch liệt phản đối việc áp dụng chương trình mới vì sự quá tải và vô hiệu quả của nó. Nhiều trường tuyên bố không giảng dạy theo chương trình mới. Tranh luận và cãi vã bùng nổ trên báo chí và trên mạng. (Đọc giả nào cần tìm hiểu kỹ vấn đề này xin vào địa chỉ: http://ourworld.compuserve.com/homepages/mathman/index.htm).
Tình trạng lộn xộn đến nỗi báo chí gọi đây là “cuộc chiến tranh toán học” (Maths War). Tình trạng này dẫn tới hậu quả học sinh chán ngấy môn toán, lảng tránh toán, đổ xô vào học những ngành không cần hoặc rất ít cần toán.
Trong cuốn “Thực ra toán học là gì "” (What is Mathematics, Really"), Reuben Hersh, giáo sư Đại học New Mexico, nhận định: “Nước Mỹ đang phải chịu nạn ”mù tính toán" (innumeracy) trong quảng đại quần chúng, nạn “trốn tránh môn toán” (math avoidance) trong sinh viên trung học, và 50% học sinh lớp 11, 12 thi trượt môn vi tích phân (differential and integral calculus). Nguyên nhân bao gồm việc thiếu kinh phí, sự mòn mỏi tinh thần vì xem tivi, phụ huynh không yêu thích môn toán. Nhưng còn có một nguyên nhân khác ít người biết đến, đó là sự thiếu hiểu biết đối với bản chất của toán học".
Năm ngoái, tổ chức TIMSS (Third International Maths and Science Study), một viện nghiên cứu giáo dục khá nổi tiếng, đã công bố kết quả xếp hạng chất lượng học sinh trong hai môn toán và khoa học trên toàn thế giới, trong đó Mỹ chỉ đứng thứ 17 về khoa học và 28 về toán học, sau nhiều nước ở châu á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, ... hoặc nhiều nước châu Âu như Czech, Hungary, ... Từ đó TIMSS đi đến kết luận: Tiền bạc và truyền thống văn hoá tuy rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định chất lượng. Yếu tố quyết định chính là sách giáo khoa và giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Trước tình hình đó, tổng thống Mỹ George W.Bush đã phải lên tiếng kêu gọi cần phải có chính sách đối xử với giáo viên tốt hơn, phải coi giáo viên là những người làm chuyên môn xứng đáng được hưởng đồng lương cao hơn, nhưng ngược lại cũng đòi hỏi giáo viên phải lo trau dồi kiến thức để đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt hơn. Và không chỉ kêu gọi suông, ông Bush đã phê chuẩn một đạo luật trong đó yêu cầu mọi giáo viên từ nay đến năm 2005 đều phải được thẩm định lại kiến thức, giáo viên nào không đạt yêu cầu sẽ bị chuyển sang làm việc khác. Trong một cuộc họp tại Nhà Trắng về giáo dục do đệ nhất phu nhân Laura Bush chủ trì, chủ tịch Liên Đoàn Giáo Viên Mỹ Sandra Felman tuyên bố: “Chúng ta không thể đạt được những tiêu chuẩn hạng nhất về chất lượng nếu chúng ta không có những giáo viên hạng nhất”.
Và để có những giáo viên hạng nhất, ai cũng hiểu rằng cần phải có những cuốn giáo khoa hạng nhất! Nhưng thế nào là giáo khoa hạng nhất"

2. Vấn đề giáo khoa

Theo tờ The Washington Post, sách giáo khoa đóng vai trò nòng cốt trong việc giảng dạy khoa học. Những cuộc thăm dò cho thấy hơn 90% thầy cô giáo dạy khoa học đều sử dụng sách giáo khoa, và một bản thống kê nhà nước kết luận 59% thầy cô giáo nói rằng sách giáo khoa có một ảnh hưởng lớn trong việc giảng dạy của họ.
Nhưng chất lượng sách giáo khoa chưa xứng đáng với vai trò dẫn dắt của nó.
Thật vậy, Hội Vì Tiến Bộ Khoa Học của Mỹ (American Association for the Advancement of Science) đã tiến hành một cuộc thẩm định 45 cuốn sách giáo khoa toán và khoa học nổi tiếng của trường phổ thông và đi đến kết luận không có cuốn nào thực sự làm người đọc thoả mãn.
Hans Christian von Bayer, giáo sư vật lý tại Trường Cao Đẳng William & Mary, nhận xét cụ thể hơn: “Sách giáo khoa hiện nay được viết bởi các uỷ ban (commitees). Họ chẳng có tài văn chương, cũng chẳng có giọng điệu gì hấp dẫn, chẳng có văn phong, chẳng có chút sức mê hoặc (charm) nào cả. Họ chỉ đặc biệt chú trọng đến các chi tiết chuyên môn... Kết quả là trẻ em cố gắng học thuộc, cố nôn mửa (spew out) thông tin vào bài kiểm tra tuần sau, nhưng để rồi quên đi, quên hẳn, quên một cách tuyệt đối”.
Emily Kurkjan, 17 tuổi, học sinh lớp 12 trường trung học Westfield ở Fairfax County, nói: “Em sẽ học tốt hơn nếu sách giáo khoa có nhiều truyện hơn. Sách giáo khoa khoa học mà em học ở các lớp dưới giống như một mớ sự kiện thẳng băng (a bunch of straight facts) nhạt phèo vì chẳng có lấy một dòng truyện hấp dẫn nào cả”. Một số em khác nói đọc sách giáo khoa các em thấy buồn ngủ vì không có gì kích thích trí tò mò của các em.
Nhưng sách của Hakim không giống như thế. Nó được trình bầy theo một phương pháp phi truyền thống, một phương pháp mới hoàn toàn, trong đó việc làm thế nào để thoả mãn tâm sinh lý của người học được coi là điều kiện cần và đủ để tiến tới thực sự hiểu biết.
Nguyên là một cựu giáo viên sống tại Denver và vùng bãi biển Virginia, Hakim còn từng là một nhà báo. Có thể nghề nghiệp đa dạng đã giúp bà có cái nhìn sắc sảo và “mềm mại” hơn các nhà sư phạm thuần tuý. Bà có ý định bước chân vào nghề viết sách giáo khoa sau khi được tham dự một khoá nghiên cứu tại Đại học Minnesota vào khoảng giữa những năm 1980. Tại đó các giáo sư thách thức lẫn nhau làm sao có thể viết lại những sách giáo khoa cần thiết, nhất là nếu cần phải thay đổi một cuốn giáo khoa vốn đã nổi tiếng. Thách thức đó đã kích thích bà thử sức lần đầu tiên với bộ môn lịch sử. Đó là nguyên nhân ra đời bộ giáo khoa “Lịch Sử Nước Mỹ”, gồm 11 tập, lập tức được giới giảng dạy lịch sử và học sinh đặc biệt thích thú, và Hakim được trao tặng giải thưởng James Michener năm 1997.
Đối với Hakim, không có sự khác nhau giữa bộ môn lịch sử và bộ môn khoa học. Khoa học cũng là một quá trình sống động như lịch sử, và một nhà sư phạm khoa học tinh tế cần phải truyền hơi thở sống động đó đến học sinh. Hakim nói : “Khoa học là một quá trình chứ không phải một bản thống kê, nhưng rất nhiều sách giáo khoa khoa học không trình bầy khoa học theo cách đó”. Và Hakim quyết định sẽ dạy môn khoa học cho học sinh theo cách riêng của bà: “Bằng những câu chuyện phản ánh quá trình thay đổi của tư tưởng và tri thức qua các thế kỷ, tôi sẽ cố gắng giúp học sinh hiểu khoa học. Tôi muốn các em nhỏ sẽ trở thành các thám tử, vì thế tôi sẽ cố gắng làm cho các em thích thú để các em còn muốn học tiếp thêm nữa”.
Thực ra lẻ tẻ cũng có những sách giáo khoa viết xen kẽ những câu chuyện lịch sử khoa học bên cạnh các công thức để làm tăng thêm niềm vui học tập cho các em. Tuy nhiên những câu chuyện đó vẫn chỉ được coi là một phần phụ lục bổ xung, in chữ nhỏ, không quan trọng. Trong khi đó đại đa số sách giáo khoa vẫn được viết theo một lối mòn kinh viện: khái niệm + định nghĩa + định luật + công thức. Những sách giáo khoa như thế nếu không được một giáo viên giỏi biến chế thì sẽ thành một cuốn sách chết, không có khả năng kích thích trí tò mò và thu hút người đọc như truyện trinh thám hay truyện lịch sử, truyện thần thoại.


Đó là lý do để Hakim không thể dẫm chân theo lối mòn của sách giáo khoa đương thời. Nếu cái khung của sách giáo khoa hiện nay là một bản thống kê các chi tiết kỹ thuật thì cái khung sách của Hakim là lịch sử. Lịch sử như một dòng sông cuốn theo mọi sự kiện trong đó, khoa học không thể là một ngoại lệ. Hakim muốn đưa các em lên một con thuyền trôi theo dòng sông để các em được chứng kiến các sự kiện xẩy ra hai bên bờ. Khi đó người lái thuyền - thầy cô giáo - có thể giảng giải, mô tả kỹ cho các em nghe bản chất và ý nghĩa của các sự kiện hiện ra trước mắt các em. Với phương pháp này, học sinh không chỉ biết một vài chi tiết khoa học riêng biệt, mà cảm nhận được toàn bộ thế giới, có một cái nhìn khoa học tổng quan, thay vì cục bộ. Chẳng hạn, thay vì bắt học sinh học thuộc công thức tính lực hấp dẫn (gravity force) giữa hai vật thể có khối lượng để áp dụng ngay vào một đống bài tập, Hakim kể cho các em nghe truyện lịch sử từ Thuyết Địa Tâm của Aristotle và Ptolémé, về cuộc cách mạng của Copernic với Thuyết Nhật Tâm, về việc Toà án Giáo Hội xử tội Galileo Galilei, về Johan Kepler với quỹ đạo elliptic của các hành tinh trong hệ mặt trời, rồi đến Issac Newton với câu chuyện “quả táo rơi”, từ đó đẻ ra Định Luật Vạn Vật Hấp Dẫn (Gravity Law) và dùng định luật này giải thích quỹ đạo của các hành tinh...
Xin bạn đọc thưởng thức một trích đoạn trong bộ giáo khoa khoa học mới của Hakim, trong ý định dẫn dắt các em đến Thuyết Tương Đối Đặc Biệt (Special Theory of Relativity) của Einstein:
“Rõ ràng là chàng thanh niên Albert Einstein rất thông minh, nhưng thái độ học tập của anh ta thì có vấn đề bất ổn. Anh thiếu sự kiên trì đối với bài làm ở nhà trường và thường hay vắng mặt trên lớp; có vẻ như anh chỉ chăm chú học những gì mà anh thích. Một thầy giáo gọi anh là “con chó lười biếng" bởi vì anh luôn luôn không làm tròn phần việc được giao. Nhưng ông thầy đã nhầm. Anh chẳng lười tí nào. Bộ óc của anh suy nghĩ không ngừng. Suy nghĩ về một chùm ánh sáng. Suốt hơn mười năm, câu hỏi điều gì sẽ xẩy ra với tốc độ ánh sáng dường như không lúc nào rời khỏi đầu anh... Và cuối cùng, năm 1905, Einstein đã có thể trả lời được câu hỏi của chính mình về chùm sáng đó. Ông đã phát minh ra một trong những lý thuyết quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại - Lý thuyết Tương Đối Đặc Biệt..."

3. Vài nhận xét về môn toán ở Úc

Trước khi đến Úc định cư (cách đây khoảng chục năm), trong đầu tôi thường tưởng tượng ra chuyện học hành ở các nước văn minh tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, v.v. sẽ phải đâu ra đấy (perfect !). Nhưng thực tế không giống như tôi tưởng. Do có người nhà giảng dạy ở Đại học UTS (University of Technology, Sydney) và kèm thêm học sinh lớp 11 và 12 tại nhà, tôi may mắn được tiếp xúc trực tiếp với nhiều học sinh, sinh viên, và được xem khá nhiều bài vở ở nhà trường của các em đó. Thậm chí tôi được xem ý kiến của một số giáo viên ở các trường trung học. Tôi rất ngạc nhiên trước khá nhiều trường hợp tỏ ra thiếu kiến thức toán và khoa học ở trình độ căn bản. Thí dụ có nhiều học sinh lên tới lớp 11 hoặc 12 rồi mà vẫn rất lúng túng trong việc quy đồng phân số, kỹ năng rút gọn biểu thức đại số rất kém, không phân biệt được các khái niệm định nghĩa (definition) với định lý (theorem), hoàn toàn không biết khái niệm tiên đề (axiom), khảo sát hàm số bậc 3 hay bậc 4 không biết lập bảng dấu, v.v... Đó là những kiến thức và kỹ năng cơ bản vốn được coi là rất bình thường đối với mọi học sinh chuẩn bị thi tú tài ngày xưa.
Sự thật này buộc tôi phải tìm hiểu thêm cách dạy của nhà trường thông qua các văn bản gốc, tức là sách giáo khoa. Dần dần tôi vỡ nhẽ ra rằng tại các nước tiên tiến người ta đã tiến hành một cuộc cải cách giáo dục mạnh mẽ từ vài chục năm trước đây, đặc biệt trong môn toán. Đó chính là phong trào “Tân Toán Học” xuất phát từ Pháp, do ảnh hưởng các tư tưởng toán học hiện đại của trường phái toán học lừng lẫy thời bấy giờ - nhóm Nicolas Bourbaki. Đến nay phong trào này đã chính thức cáo chung, và bị xem là một tai hoạ của nền giáo dục toán học trên toàn thế giới. Bản thân các nhà giáo dục của Pháp hiện nay, điển hình như nhà nữ sư phạm nổi tiếng Stella Baruk với bài “Pour des maths sans echec” (Vì một nền toán học không thất bại) trên L’Express năm 1995, đã phê phán thậm tệ phương pháp dạy toán theo kiểu mới này. Nhà bác học Pháp Pierre Gilles de Genes, người đoạt giải Nobel vật lý năm 1993, cũng có cùng quan điểm như bà Baruk. Tóm lại là cải cách toán học đã thất bại. Thất bại thì phải huỷ bỏ. Nhưng tiếc thay, thay vì trở lại truyền thống kinh điển như ngày xưa, người ta lại tiếp tục cải cách của cải cách. Và từ đó đến nay chương trình phổ thông có rất nhiều thay đổi. Trong sự thay đổi đó, khối lượng thông tin bị chất vào đầu các em quá lớn, nhưng chất lượng chẳng hơn gì ngày xưa, nếu không muốn nói là có những kiến thức vô giá đã bị đánh mất.
Thí dụ điển hình như môn hình học Euclid, một cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất và lâu dài nhất trong lịch sử toán học nói riêng và lịch sử nhận thức nói chung, một cuốn sách được tổng thống Abraham Lincoln mang theo bên mình suốt trong thời kỳ học sinh, sinh viên và cả khi đã trở thành luật sư như một sách gối đầu giường, một cuốn sách mà Albert Einstein lúc sinh thời từng tuyên bố đó là cuốn sách hay nhất trong đời mà ông đã từng đọc, một cuốn sách huấn luyện cho chúng ta phương pháp tư duy logic hệ thống (systematic) và tư duy tưởng tượng không gian - một công cụ thiết yếu để nghiên cứu khoa học sau này, một cuốn sách như thế nay đã bị coi là lỗi thời (!).
Ai đã “hạ bệ” Euclid " Câu trả lời: Tân Toán Học. Và mặc dù Tân Toán Học đã chính thức bị phê phán là một thảm hoạ giáo dục, nhưng đến nay Euclid vẫn không hề được phục hồi. Học sinh không hề biết gì về Euclid, và về nhiều tư tuởng khoa học quan trọng khác. Hình như kiến thức nhà trường ngày nay không chú ý giáo dục văn hoá, mà chỉ chú trọng giáo dục nghề nghiệp. Tôi đã hỏi trực tiếp nhiều học sinh, sinh viên về Euclid, về Descartes, v.v. các em chẳng hề hay biết. Dường như các em chỉ biết mỗi một vị là Pythagoras, vì không hiểu làm sao công thức Pi-ta-go được nhắc đi nhắc lại trong sách giáo khoa toán suốt từ lớp dưới lên lớp trên giống y như nhau(!).
Khó có thể hình dung rằng một trí thức sau này mà lại chẳng hề hay biết gì về Eucild, về Descartes, về Newton, về Darwin, v.v. Tôi cảm thấy buồn khi nói chuyện với một học sinh về toán mà trong đầu em chữ “mathematics” chỉ đơn giản là “calculation”, “formula”, “equation”, v.v. Hình như trong nhà trường của chúng ta không tồn tại khái niệm “văn hoá toán học”, “văn hoá khoa học” mà chỉ tồn tại các khái niệm “tính toán” (cộng trừ nhân chia) và “khoa học ứng dụng”. Cái học kiểu này dĩ nhiên không thừa nhưng nó nhạt nhẽo biết bao. Điều này giống như cho ăn chỉ cần no để khỏi chết chứ không cần ăn ngon. Thế đấy, sự học ngày nay là một thứ bắt ăn no. Nếu các em không biết Euclid thì không phải các em có lỗi, mà sách giáo khoa có lỗi, sau đó là các thầy cô giáo có lỗi. Giống như đã là trẻ em Việt Nam mà không biết Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v. thì không phải các em có lỗi, mà cha mẹ các em có lỗi.
Thế đấy, cách dạy và học ngày nay chỉ nặng về nhồi nhét bài tập, nhất là các bài tập đánh đố, miễn sao đi thi các em “pass” thì việc dạy và học đã có thể coi là đã thành đạt. Việc hình thành các trường tuyển (selective) lại càng đẩy mạnh cách học nhồi nhét đó. Sự tồn tại của trường tuyển chỉ nói lên rằng xã hội đã thất bại trong việc xây dựng một nền giáo dục tốt đẹp cho tất cả mọi người. Với lối dạy đó, trách nào mà các em chẳng chán học, và sự học trở thành một gánh nặng. Người Việt chúng ta đến định cư ở một xứ sở mới có rất nhiều khó khăn. Muốn vươn lên một cuộc sống sung túc dễ chịu bằng hoặc hơn người chỉ còn một con đường duy nhất là học. Vì thế chán mấy cũng phải cố. Cố không nổi thì mời thầy kèm thêm. Trách nào mà nghề dạy thêm trở nên phát đạt. Một bạn tôi nói đùa: “Phen này ông quyết đi buôn . . . chữ”. Nhưng tôi không thích công việc đó. Tôi thích các em không cần đi học thêm ở đâu cả mà vẫn vui học. Làm cho học sinh chán học, ngại học, ghét học, đó là lỗi của các nhà sư phạm. Vì thế đọc bài báo về công trình giáo khoa mới của bà Joy Hakim tôi vừa mến phục bà, vừa vui mừng vì thấy vẫn có những nhà sư phạm thực sự tài ba, chân chính.
Theo tôi, nghề sư phạm có hai yêu cầu quan trọng nhất:
-Một, cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh một cách dễ hiểu nhất. Đừng phức tạp hoá những cái vốn đã đơn giản (kiến thức cơ bản bản thân nó vốn đơn giản và dễ hiểu).
-Hai, phải có nghệ thuật thu hút học sinh vào bài giảng. Để có nghệ thuật này, người thầy giáo phải có một tâm hồn và một vốn hiểu biết phong phú, rộng hơn nhiều so với chuyên môn hẹp đang giảng dạy. Nghệ thuật khó nhất không phải là chuyên môn hẹp đang giảng dạy, mà là sự nhậy bén về tâm sinh lý lứa tuổi. Không nên và không thể nhồi nhét những kiến thức quá cao siêu trừu tượng đến nỗi trở thành vô bổ đôí với những đối tượng chưa hoặc không thích hợp.
Kinh nghiệm cho thấy một học sinh đã hiểu kiến thức cơ bản và thích thú với môn học thì em đó sẽ chủ động tìm tòi để học, và sẽ tiến rất xa tới những kiến thức cao siêu.
Nói gọn lại, như bất cứ công việc nào khác, muốn học giỏi thì phải có tình yêu đối với sự học. Vì thế, cách dạy tốt nhất là cách làm thế nào để các em thích học. Khi đó, mọi cái tốt khác sẽ tự động đến theo sau. Sách giáo khoa của Joy Hakim đã làm được việc đó.
4. Thay lời kết
Vấn đề cải tiến sách giáo khoa đang là một đề tài được toàn thể xã hội Mỹ quan tâm. Hội Vì Tiến Bộ Khoa Học của Mỹ vừa quyết định đầu tư 10 triệu USD để thành lập Trung Tâm Tài Liệu Giáo Dục Khoa Học (Centre for Curriculum Materials in Science), nhằm tìm ra những sách giáo khoa khoa học có hiệu quả nhất, đồng thời giúp nâng cao trình độ đội ngũ các nhà viết sách giáo khoa.
Đáp ứng với mong mỏi của xã hội, 3 tập đầu tiên trong bộ sách của Hakim mang tên “Câu chuyện khoa học” (Science Story) đã ra mắt đọc giả. Đó là một cuốn sách dạy khoa học trên cái nền lịch sử từ thời Cổ Hy Lạp đến thời đại ngày nay, được các thầy cô giáo và học sinh nhiệt liệt đón nhận. Nhiều nhà giáo dục coi đây là niềm hy vọng của một thế hệ sách giáo khoa mới, của phương pháp giáo dục mới chú trọng đến tâm sinh lý tự nhiên của con người, thoả mãn nỗi khao khát hiểu biết của con người, cái mà bà Hakim gọi là tính cách “thám tử”.
Hy vọng sách của bà Hakim sẽ sớm có mặt tại úc.

Sydney 6/3/2003
Trần Thanh Bình

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.