Sự kiện này lại diễn ra đúng vào lúc kinh tế toàn vùng Đông Nam Á lâm vào khủng hoảng, khiến kinh doanh ngoại quốc rút lui và cái vòi nước đô-la không chẩy vào Việt Nam nữa. Phe bảo thủ thấy nguy nên hồi tháng 9 năm ngoái đã phải mở cửa nhà giam phóng thích một số tù nhân chính trị và tôn giáo, kể cả những nhân vật nổi danh nhất, để mong được Mỹ và Tây Âu viện trợ đô la. Nhưng tiếp sau đó phe bảo thủ giáo điều lại vấp phải vụ điều tra viên đặc biệt về bất dung tôn giáo Abdelfattah Amor do LHQ cử đến Việt Nam. Báo cáo của ông Amor là một đòn đánh vào chế độ Hà Nội về những vi phạm tự do tôn giáo.
Thừa dịp đó phong trào ly khai trong nước đã trở nên mạnh dạn hơn làm hậu thuẫn cho những bức thư ngỏ của cựu tướng Trần Độ đã phổ biến từ cuối năm 1997. Vào cuối năm 1998 và đầu năm 1999, phong trào đấu tranh chống Cộng sản của người Việt hải ngoại cũng bùng lên với một khí thế mới. Phe bảo thủ giáo điều đã đánh trả lại bằng cách khai trừ cựu tướng Trần Độ và bắt giam nhà vật lý Nguyễn Thanh Giang, đồng thời xiết chặt vòng đai giam lỏng Hòa Thượng Thích Quảng Độ.
Tất cả những biện pháp đàn áp của phe bảo thủ giáo điều đã đem lại kết quả gì" Một sự xuống dốc thê thảm hơn nữa của kinh tế Việt Nam. Đầu tư ngoại quốc đã giảm đến 68% trong quý 1 năm nay và các nhà kinh doanh ngoại quốc tỏ ý lo ngại về viễn tượng đầu tư ở Việt Nam. Họ nói sự vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản Hà Nội là một lá cờ đỏ báo động cho giới kinh doanh ngoại quốc biết có nguy hiểm. Bởi vì với những vi phạm nhân quyền trắng trợn của phe bảo thủ giáo điều cầm đầu đảng, Việt Nam không thể nào đạt được một thương ước với Mỹ để được hưởng tối huệ quốc và cũng không thể nào gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vì Quốc hội Mỹ sẽ chống đối. Không được Mỹ và thế giới thừa nhận về khả năng buôn bán, cái chợ Việt Nam sẽ chỉ còn là bãi mìn chôn ngầm, đi vào đó mìn sẽ nổ bất cứ lúc nào.
Hơn nữa tổ chức Nhân quyền Asia Watch đã phê một câu rất nặng, cảnh cáo kinh doanh ngoại quốc cần phải chú ý đến những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bởi vì cái gương Indonesia đã sờ sờ trước mắt. Khi chế độ không cho phép người dân nói lên ý nguyện của họ, những bất mãn và uất hận sẽ tích lũy để bùng nổ, gây nguy hiểm đến ổn dịnh, do đó nguy hiểm cho đồng tiền vốn đầu tư ngoại quốc bỏ vào nước này.
Một thể chế pháp lý nêu cao và bảo vệ quyền căn bản của người dân rất có ý nghĩa đối với các công ty kinh doanh cũng giống như có ý nghĩa đối với từng cá nhân trong nước. Một thể chế thiếu sự tôn trọng nhân quyền chỉ đem lại tai hại cho mọi cuộc kinh doanh trong nước đó.
Tình thế như vậy cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã bế tắc không lối thoát. Phe bảo thủ giáo điều đã chà đạp lên nhân quyền để củng cố quyền lực thống trị của họ. Họ đã đặt chỗ ngồi của họ lên trên quyền lợi của đất nước.