Hôm nay,  

Đất Hứa - Phần Ii

07/10/200000:00:00(Xem: 4657)
Hình như ghe đã ra khỏi hải phận Thái Lan, đang quay mũi về hướng đông, tức hướng Campuchia. Hòn đảo Kokos quen thuộc đã mờ mờ ở chân trời. Bỗng chiếc ghe cào tăng tốc độ, lao đi vùn vụt và vòng vèo chữ chi khiến ghe chúng tôi khi lạng qua phải, lúc sang trái chỉ muốn lật úp. Tôi hét lớn:

- Tất cả mọi người nắm cho chắc vào lườn ghe. Tụi nó muốn ghe mình lật úp đó!

Tay tôi bám chắc vào mũi ghe, căng mắt nhìn 3 tên Thái. Bọn chúng vừa uống rượu, vừa đưa tay chỉ chỏ chúng tôi, miệng cười hô hố. Cả bọn thích chí khi thấy chúng tôi nhốn nháo, kinh hoàng mỗi lần ghe lạng qua lạng lại. Cái ý nghĩ bọn chúng cố tình dìm ghe chúng tôi chết đuối ngoài biển khơi làm tôi bừng lên một niềm căm hận khôn tả. Tôi chỉ muốn có một khẩu súng để quyết tử với bọn chúng.

Một tên trong bọn chợt đứng dậy, rút lưỡi dao sáng loáng. Tôi hét lớn:

- Nó rút dao!

Tiếng Út Nhị hốt hoảng hỏi vọng lên:

- Tụi nó có kéo ghe mình lại gần không"

- Có, nó đang kéo ghe mình lại gần! Tôi đáp.

Tư Sanh kêu lên:

- Chết rồi! Tụi nó muốn tiết kiệm đạn đây.

Tôi cũng cho là như vậy.

Nhưng kìa, tên kia đã vung dao lên. Và phựt! Sợi dây nối liền hai ghe đã bị chặt đứt, chiếc ghe cào tách khỏi ghe chúng tôi, chạy thêm một quãng ngắn rồi vòng trở lại. Tôi la lên báo động:

- Coi chừng! Tụi nó vòng ghe lại.

Riêng tôi, với ý nghĩ mình có nhào xuống lòng ghe cũng vô ích nếu bọn chúng cố ý giết chúng tôi để phi tang mọi chứng tích. Do đó tôi cứ ngồi bất động ở mũi ghe, chăm chú nhìn ghe tụi nó đang tiến gần chúng tôi. Khi đi ngang ghe chúng tôi, một tên giơ cao chai rượu lên vẫy vẫy. Và, như một cơn lốc, chỉ nghe vù một cái chiếc ghe cào đã bỏ chúng tôi lại đằng sau cùng với những luồng sóng cuộn lên trắng xóa.

Tôi vẫn bất động nhìn theo chiếc ghe cào cho đến khi nó mờ dần ở chân trời. Lúc đó tôi mới giật mình, như choàng tỉnh sau một cơn ác mộng. Chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng. Như một phép lạ, chúng tôi lại vừa thoát khỏi tay thần chết lần thứ hai. Vợ Sáu Tòng ôm chặt lấy đứa con, thở phào:

- Hú vía! Tưởng mẹ con mình đã đi đoong!

Tôi vội lên tiếng để phá tan niềm hoan lạc ngắn ngủi của mọi người:

- Chưa xong đâu bà con ơi! Hãy nhìn lại hoàn cảnh thực tế xem đã nào.

Mọi người nhìn nhau. Quả thực chúng tôi vừa thoát chết trong gang tấc, nhưng chưa chắc chúng tôi đã thực sự được sống. Ghe chúng tôi đang bập bềnh trên biển khơi không một mái chèo, không máy móc. Lương thực chỉ còn vài cái bánh ngọt với khoảng 3 lít nước. Tôi nhìn về phía trái, tức hướng đất liền để quan sát. Có lẽ chúng tôi đang ở ngang tầm của địa phận Kong Yai và Triềm Diêm nhưng ghe chúng tôi ở cách bờ rất xa. Bờ đối với chúng tôi chỉ là một màu xanh xậm. Lưỡng lự một hồi tôi quyết định:

- Tất cả đàn ông cố gắng tháo một miếng ván trên mặt khoang làm mái chèo, các bà các cô phụ tát nước. Giao bình nước uống cho Tám Hải, chỉ ưu tiên cho hai em bé.

Tám Hải hỏi:

- Nhưng mình chèo đi đâu"

Tôi trả lời:

- Bên trái là đất Thái. Đi thẳng là trở về Miên. Con đường ngắn nhất có thể tìm được sự sống là chèo hướng về bên trái để vào bờ.

Qua một hồi bàn cãi, mọi người đồng ý thực hiện theo ý tôi. Nhưng khi bắt tay vào việc, chúng tôi mới thấy lo sợ. Những tấm ván được dùng làm mái chèo xử dụng không dễ dàng gì. CHúng tôi không thể cầm được gọn ghẽ một tấm ván có bề rộng trên 30 cm. Do đó loay hoay một hồi, hình như chiếc ghe vẫn đứng nguyên tại chỗ! Thấy vậy, tôi phải bảo mọi người chèo theo nhịp tôi đếm 1, 2, 3... Lúc đó tôi mới thấy chiếc ghe từ từ tiến tới như một người say mò đường đi trong đêm tối vậy.

Chiều đã xuống dần nhưng nắng vẫn gắt. Sau hơn tiếng đồng hồ cố gắng quạt nước, hình như chiếc ghe đã tiến được khoảng 100 mét! Vừa đói vừa khát, tôi muốn lả đi vì mệt. Có một vài chiếc tầu hàng của Thái đi ngang, chúng tôi vẫy rối rít nhưng tầu vẫn lạnh lùng trôi qua và mất hút.

Cứ hì hục như thế, khi mặt trời đã khuất sau rặng núi mờ xa, chúng tôi đã thấy được mờ mờ cảnh vật trên bờ. Có vài ánh đèn le lói. Tôi chọn một bãi vắng để chuẩn bị đổ bộ. Sau khi căn dặn mọi việc, tôi nằm xuống sàn ghe và thiếp đi lúc nào không hay.

Tôi đang lịm trong giấc ngủ mệt nhọc bỗng nghe tiếng lao xao vội nhổm ngay dậy. Có ánh đèn pin. Một người đàn ông lực lưỡng mặc sơ mi trắng, quần tây màu sậm, lưng quần dắt khẩu P.38, tay cầm máy bộ đàm đang chiếu đèn pin về phía chúng tôi. Ông ta ra hiệu bảo chúng tôi xuống ghe đi theo ông ta. Đi ngang một xóm nhỏ, tôi xin phép người đàn ông cầm máy bộ đàm ghé mua một thùng mì ăn liền vì mọi người đã muốn lả hết rồi. Ông ta chấp thuận rồi cầm máy bộ đàm gọi đi đâu đó. Ít phút sau, một xe jeep nhà binh chạy tới. Chúng tôi lên xe, có hai lính mặc đồ đen mũ nồi (như lính commando của Pháp) đeo phù hiệu một binh chủng gì đó của quân lực hoàng gia Thái Lan đi kèm. Chiếc xe đưa chúng tôi đến một hội trường. Tới đây lại diễn ra cái màn lột truồng để lục soát tìm vàng và tiền bạc. Nhưng những người này quá xui xẻo, vì chúng tôi còn gì nữa đâu khi đã bị lục soát chi li từng chân tơ kẽ tóc từ hồi sáng.

Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa vào trại tỵ nạn Klong Muon nơi đang chứa khoảng 300 thuyền nhân VN. Klong Muon được biết đến như là địa ngục trần gian của những người VN vượt biên qua Thái Lan. Hơn 3 tháng ở đây, thuyền nhân VN bị đày đọa, hành hạ như súc vật. Những tên lính Thái có thể đấm đá chúng tôi bất cứ lúc nào. Buổi sáng chạy ra sân chào cờ, ai chạy chậm một tí bị phạt 100 cái hít đất hay chạy 50 vòng sân bất kể đàn ông hay đàn bà. Người nhận công tác trực nhật làm vệ sinh các toilet của bọn chúng không sạch, cả trại bị tập trung để lãnh mỗi người một cái tát nháng lửa! Có một lần, một tên lính Thái khám phá ra một cái toilet của bọn chúng bị ai đó vào sử dụng. Toàn trại bị tập họp, đích thân tên trưởng trại tra hỏi. Hắn bảo, ai thú nhận chỉ có người đó bị phạt, nếu không cả trại sẽ bị trừng trị. Không ai trả lời. Thế là hơn 300 người bị tên trưởng trại dồn vào hai cái toilet nhỏ xíu. Tính ra, hơn 100 người bị dồn cứng trong một chiếc toilet có kích thước 1mx 2m. Cửa đóng lại, các lỗ hổng bị nhét kín. Chúng tôi bị ép sát vào nhau không thể cục cựa. Chỉ một lát, mồ hôi chúng tôi ra như tắm, hơi thở dồn dập. Sau đó có vài người bị xỉu. Người bị xỉu không ngã xuống được vì thân hình đã bị ép cứng. Chúng tôi đập cửa liên hồi để kêu cứu. Phải thật lâu, cửa mới được mở. Chúng tôi ào ra như được thoát ra từ phòng hơi ngạt của bọn Đức quốc xã. Sau khi cấp cứu những người bị xỉu, chúng tôi được dồn lên hội trường.

Một thanh niên trẻ đã đứng sẵn ngay chính giữa hội trường, trước mặt là tên trưởng trại cầm can mặt hầm hầm, bên cạnh là hai tên cận vệ cầm M 16. Tên trưởng trại cho biết anh thanh niên này đã thú nhận tội xử dụng lén toilet riêng của bọn cán bộ trại. Vừa rồi mọi người bị phạt oan, bây giờ được quyền đánh trả thù. Hắn ra điều kiện, hắn chỉ ai, người đó sẽ ra đá một phát vào anh thanh niên. Phải đá thật lực, tận tình và phải đá trúng. Ai nương tay, sẽ bị hắn trừng trị tương tự như anh thanh niên này!

Nghe điều kiện của hắn, mọi người tá hỏa. Nhìn nạn nhân đứng ủ rũ, gục đầu nhìn xuống đất, ai mà không thương. Đồng bào của mình đó. Người cùng hoàn cảnh với mình đó. Nhưng nếu thương người, bản thân mình cũng lại trở thành nạn nhân. Vòng quay cứ thế xoay vần. Thôi thì chúng tôi đành cầu cho nạn nhân chịu đựng được để sống sót. Nạn nhân chịu được 10 người với 10 cái đá kiểu "Lý Tiểu Long" vào bụng, mạng sườn, vào đầu thì gục hẳn xuống hết cục cựa. Lúc đó tên trưởng trại mới ra lệnh ngưng và cho chúng tôi giải tán. Nạn nhân được khiêng đi bệnh xá. Hú vía! Tôi không bị chỉ định để biểu diễn quyền cước! Sau hơn 3 tháng trong địa ngục trần gian Klong Muon, chúng tôi được chuyển lên trại tỵ nạn Phanat Nikhom ở tỉnh Chonburi, cách Bangkok chừng 200km. Đây là trại tỵ nạn chính thức và lớn nhất ở Thái Lan. Vào thời điểm đó, có hơn 10,000 thuyền nhân VN ở trại chờ thanh lọc. Trong trại có các phòng đại diện của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ (UNHCR), JVA của Mỹ và các cơ quan thiện nguyện lo về y tế hoặc dạy Anh văn.

Theo chương CPA (Complehensive Plan of Actions) của UNHCR, sau ngày Cut off Date (14/3/89), thuyền nhân VN đến Thái đều phải qua thanh lọc do nhân viên bộ Nội Vụ Thái phụ trách, đại diện UNHCR và JVA chỉ là quan sát viên hoặc cố vấn. ai bị cho là đi tỵ nạn vì lý do kinh tế sẽ bị hồi hương. Vậy là có nhiều cảnh bi hài cười ra nước mắt trong các cuộc thanh lọc. Một đại úy QLVNCH bị hỏi giầy botte de saut có mấy lỗ! Lúng túng không trả lời được (ngay cả tôi đây, một quân nhân có chiều dày thâm niên quân vụ cũng chịu thua vì có ai lại để ý đến những chi tiết lẩm cẩm và vô lý đó) liền bị quy kết là đại úy dỏm và cho rớt. Một anh khai năm đó cưới vợ xong thì đi lính, được hỏi: trong đêm tân hôn, vợ anh mặc áo cưới có bao nhiêu khuy nút, xì líp màu gì"

Do những sự việc vô lý trí, tôi bèn ngấm ngầm liên lạc với các phân trại C, S 1, và O để tổ chức một cuộc biểu tình phản đối. Cuộc biểu tình diễn ra liên tục 3 ngày đêm với toàn thể các thuyền nhân VN hiện diện trong trại. Quân đội Thái có trực thăng yểm trợ được gởi đến đàn áp, giải tán, nhưng thất bại vì sự tranh đấu bất bạo động nhưng kiên quyết của hơn 10,000 thuyền nhân VN dưới sự chứng kiến của nhiều ký giả báo chí và truyền thông quốc tế. Chính phủ Thái phải chấp nhận mở các cuộc thương thuyết. Cuối cùng họ chấp nhận một số lớn các điều khoản do chúng tôi đưa ra. Cuộc biểu tình được giải tán trong êm thắm.

Hai tháng sau chúng tôi được chuyển xuống trại Sikiew, một trại bỏ hoang từ năm 1987, ở về phía đông bắc Bangkok 300km. Lệnh của chính phủ Thái ban ra rõ ràng: Trại Phanat Nikhom đóng cửa, chỉ còn để lại phân trại Transit dành cho những người đã đậu thanh lọc. Thuyền nhân VN ai muốn được thanh lọc để được quyết định đi tỵ nạn ở nước thứ ba phải di chuyển đi Sikiew vì trại này nay là trung tâm thanh lọc chính thức ở Thái Lan. Ai ở lại Phanat Nikhom sẽ không được thanh lọc và sẽ bị trả về VN. Vậy là không ai có lý do để phản đối. Chương trình thanh lọc các thuyền nhân VN ở Sikiew được tiến hành suông sẻ, có lẽ do ảnh hưởng cuộc biểu tình vừa qua. Sau những hăm dọa của tên Mống, trưởng ban an ninh trại và tên Lâm Chô (tức Joe) phụ tá an ninh cho là tôi sẽ bị đánh rớt vì đã chủ xướng cuộc biểu tình ở trại Phanat Nikhom, ngày 8/1/92 vợ chồng tôi lên phòng thanh lọc trong tâm trạng nửa hoang mang nửa lo sợ, nửa tự tin vào lý lịch của mình. Nhưng rồi mọi việc đều trôi qua êm đẹp. Tôi được quyết định cho đi tỵ nạn vì lý do chính trị. Và chúng tôi chuẩn bị hành trang để chuyển lên khu Transit Centre ở trại Phanat Nikhom để làm các thủ tục đi định cư ở nước thứ ba.

Ngày 22/1/92

Bốn chiếc xe bus đậu nối đuôi nhau giữa con đường ngăn cách khu A và B của trại Sikiew. Đồng bào hai khu đứng đầy sau hàng rào kẽm gai tò mò nhìn chúng tôi xếp hàng lên xe. Họ đưa tay vẫy chào. Có người cười vui vẻ. Có người cười như mếu. Có những tiếng khóc vang lên nghẹn ngào. Đây là trường hợp cha mẹ có con cái bị tách phom và kẻ đậu người rớt. Cùng chịu trăm ngàn gian khổ để vượt biên với nhau nay kẻ đi người ở lại sao không đau lòng.

Xe từ từ chuyển bánh, mắt tôi mờ đi vì những cánh tay tuyệt vọng đưa cao lên vẫy chào. Dẫy hàng rào kẽm gai hai bên đường lùi lại, như kéo theo vùng trời đen tối trở về với quá khứ. Vĩnh biệt Sikiew. Vĩnh biệt khung trời đầy nắng lửa vào mùa hè, lạnh căm vào mùa đông. Nơi đây tôi có nhiều kỷ niệm vui và buồn. Nơi đây lần đầu tiên tôi đã tranh đấu để lá cờ vàng ba soọc đỏ được tung bay trên nóc trại Sikiew. Bây giờ tôi phải dứt áo ra đi, chuẩn bị cho một chuyến viễn du về một nơi xa lạ ở một nơi nào đó...

Tới Phanat Nikhom vào nửa đêm, chúng tôi được đưa đến khu Transit Centre. Nơi này hiện có khoảng 800 người, đa số đã vượt qua cửa ải thanh lọc. Có một số người ở đây đã 8, 9 năm nay, nghĩa là vượt biên trước ngày cut off date 14/3/89 không phải thanh lọc, nhưng oái oăm thay, chưa có nước thứ ba nào chịu nhận họ. Chúng tôi gọi họ là chú cùi, có một số là thành phần sì ke ma túy, đại bàng, tù hình sự vượt biên, cùng một số là chó săn của bọn M.O.I (an ninh trại hay bộ nội vụ Thái). Điển hình nhất là tên Hoàng Phi Hùng tức Tư Râu, một hung thần và cũng là một dâm thần, đệ tử ruột của tên Lâm Chô (hiện tên Tư Râu đang định cư ở Mỹ).

Trong thời gian ở Transit Centre, chúng tôi phải trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê. Trước hết, những người đã được đậu thanh lọc phải được phòng JVA (Joint Voluntary Agency) trực thuộc tòa đại sứ Mỹ ở Bangkok phỏng vấn, phân loại. Sau khi phân loại, những người thuộc diện đi Mỹ còn phải chờ phái đoàn Mỹ INS (Immigrantion and Naturalization Service) tới phỏng vấn (một năm phái đoàn INS của Mỹ chỉ tới trại chừng 3 lần thôi). Ai bị phái đoàn Mỹ "đá" mới được xách hồ sơ đi gặp phái đoàn các nước khác như Pháp, Canada, Úc, Nhật... Nếu chờ INS muốn đi tắt, các nước khác cũng không chịu tiếp.

Ai bảo đậu thanh lọc là yên chí, ung dung ngồi chờ đi nước thứ ba. Chưa đâu! Ở Transit Centre vẫn xảy ra nhiều bi hài kịch. Điển hình là trường hợp của thượng sĩ cảnh sát VNCH Nguyễn Bá Ninh đã đậu thanh lọc nhưng không hiểu sao khi gặp phái đoàn Mỹ ỡ Transit Centre lại bị từ chối. Ôm hồ sơ đi phái đoàn các nước khác cũng bị lắc đầu. Thế là anh Ninh không còn con đường nào khác ngoài con đường hồi hương mặc dù đã đậu thanh lọc!

Chúng tôi ở Transit Centre đã hơn 5 tháng. Phái đoàn Mỹ đã vào trại hai lần, nhưng chúng tôi vẫn chưa được phỏng vấn. Phòng JVA cho biết lý do chậm trể là vì họ chưa nhận dược hồ sơ thanh lọc của chúng, tôi (do bộ nội vụ Thái chuyển sang). Họ còn cho biết, không bảo đảm là cuối năm nay chúng tôi sẽ được gặp phái đoàn Mỹ.

Bất ngờ đầu tháng 12/92, văn phòng UNHCR thông báo ai không có thân nhân ở nước ngoài (tức diện mồ côi) được đăng ký xin đi Úc. Thấy chờ đợi lâu quá ở những trại tù trá hình này của Thái Lan chỉ là cực hình, tôi bèn ghi tên xin đi Úc, mặc dù cho đến lúc đó, tôi vẫn có ý định chờ đợi phái đoàn Mỹ.

Cuối tháng 7/92, phái đoàn Úc đến trại. Sau khi được phỏng vấn, tôi có tên trong danh sách 44 người được chấp thuận đi định cư ở Úc. Sau đó, chúng tôi lại còn phải qua các thủ tục khám sức khỏe, chích ngừa. Tưởng đến đây là êm xuôi, ai ngờ vẫn có chuyện! Cựu trung úy Pháo binh QLVNCH Trần Ngọc Tiếng với hơn 3 năm tù cải tạo VC lại bị tòa đại sứ Úc bác vào giờ chót. Anh Tiếng ngẩn ngơ không biết mình bị bác vì lý do gì (sau khi hồi hương, anh Tiếng được đi Mỹ theo diện HO).

Ngày 18/8/92, chúng tôi lên đường đến Úc. Vĩnh biệt Phanat Nikhom. Vĩnh biệt những căn nhà tôn u ám, ngục tù, đã gói ghém trong đó những năm tháng đọa đày của hơn chục ngàn thuyền nhân VN khốn khổ vì hai chữ tự do. Chào đất nước Thái Lan với những hãi hùng, kinh hoàng trong cuộc hành trình đi tìm miền ĐẤT HỨA.

Chiếc phi cơ Boeing 747 của hãng hàng không Quantas mang chúng tôi xuôi nam. Lòng tôi rộn ràng với những địa danh tràn đầy ánh sáng hoa lệ. Mã Lai thoáng qua trong những ngày hè sôi bỏng với ngôi trường Jungle Warfare School ở tiểu bang Johore. Singapore cùng với những ky niệm về một mối tình của hơn 20 năm về trước... Tám giờ tối đêm đó, phi cơ vượt qua đường xích đạo để tiến vào vùng trời nam bán cầu. Dưới chân tôi là vùng biển, vùng đất hoàn toàn xa lạ. Tôi chỉ hình dung ra một đại lục Úc châu khổng lồ với những địa danh mà tôi chỉ được biết qua bản đồ, qua huyền thoại của một thuyền trưởng Cook dũng cảm. Úc châu đây rồi, ngay dưới chân tôi, bập bềnh nặng nề bên mép bờ Nam Băng Dương.

9 giờ 30 sáng ngày 19/8/92, chúng tôi đặt chân xuống phi trường Hobart, một thành phố cực nam của hải đảo và tiểu bang mang tên Tasmania. Tôi ngạc nhiên khi một cảm giác quen thuộc chợt ùa đến với tôi. Phi trường nhỏ, im lìm. Trời âm u lành lạnh. Dẫy nhà khách "đi và đến" với phòng kiểm soát không lưu trên lầu thượng. Tất đều mang vẻ mặt quen thuộc của phi trường Liên Khương Đà Lạt, quê hương ngàn dặm của tôi.

Xe của một gia đình người Việt (nhận bảo lãnh chúng tôi) đưa chúng tôi vào một thành phố xa lạ nhưng mang đầy hình ảnh thân quen của thành phố Đà Lạt mù sương mà tôi đã bỏ lại trên bắc bán cầu. Cũng với những ngọn đồi, đường dốc lên xuống quanh co, những ngôi nhà mái ngói đỏ. Khung cảnh yên bình được chấm phá bởi những cánh anh đào đang nở rộ hai bên đường. À, thì ra ở đây bây giờ đang là mùa đông. Quê hương thứ hai của tôi đây. Thành phố Hobart. Đà Lạt trong tim của tôi đây. Tôi ngước nhìn những cụm mây xám đang dần trôi về phương bắc, thầm mong một ngày về để nhìn lại vùng trời thơ ấu nơi xứ hoa anh đào: Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi Nghe hơi gió len vào hồn người... chiều xuân mây êm trôi

Dư âm ngọt ngào của bài ca quen thuộc đưa chúng tôi vào một thành phố đang cựa mình trong cái nắng hanh vàng của vùng trời nam bán cầu...

Phan Trần Sơn Hà

Ý kiến bạn đọc
30/06/201205:22:29
Khách
Chuyện đăng đã lâu nhưng nó xảy ra trước mắt, cám ơn tác giả đã đăng bài viết này ,Cầu mong hồng ân Thiên Chúa bù đắp cho tất cả các Anh ,Chị
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.