1. Suốt chiều dài những kênh, những rạch, bên hai bờ sông Vàm Cỏ Đông, tuổi thơ miệt trũng, miệt giồng bên cạnh những con trâu, con bò, con vịt… còn có những lá, cỏ và hoa trái gắn bó và làm quà cho tuổi nhỏ, đó là những thứ lá chua chua, chát chát, nhâm nhi nhấm trong miệng như lá vừng, lá mặt trăng, lá cóc, lá cách…, còn có những thứ trái với những hương vị ngọt, đắng, chua, chát, béo bùi như trái trường, trái trâm, trái chùm đuông, trái cò ke, trái gùi, trái bứa, trái bình bát và trái cà na!
Hoa cũng đủ để về luộc, xào nấu như hoa súng, rau dừa, điên điển, lục bình, kèo nèo, nhãn lồng, trang trí và kết thành vương miện đội đầu, ước mơ công chúa, hoàng tử… như sim, mua, bằng lăng, bướm bạc…
Song thứ trái có thể ăn sống, chín, ngâm muối, ngào đường với đủ… cung bậc của chuyện ăn uống thì chỉ có trái cà na!
2. Tra sách Sinh vật và Tự điển những cây thuốc, cây trái cà na được mô tả như sau: Cây cà na còn có tên: “Côm háo ẩm, Côm cánh ướt, Trám xanh (miền Bắc)”, tên khoa học là: Elaeocarpus hygrophilus Kurz, thuộc họ Familia, chi Genus. Cà na là cây đại mộc sống lâu năm, sống được trên vùng đất ẩm hoặc có dao động thủy triều. Cây cao từ 10-15m và có thể cao đến 30m, mọc hoang hay được trồng dọc theo hai bên kênh, rạch bờ sông. Có nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Trái cà na có hình bầu dục, hơi nhọn hai đầu, trái sống có màu xanh nhạt vị chua, khi chín màu xanh đậm, vị chát…Về công dụng, trái cà na có thể dùng làm thực phẩm, và nấu nước cho sản phụ sau khi sinh uống!
Cà na ăn sống, chưa chế biến, thì bất kỳ đứa trẻ con nào ở vùng có cây cà na cũng đều thử qua. Kể cả những tráng niên, trung niên, thích lai rai ba sợi, cũng khoái đĩa mồi trái cà na. Mùa cà na chín, thường từ tháng 8 tháng 9, trái được hái mang về chế biến đơn giản thì lấy dao khía dài dọc theo vỏ trái, ngâm với nước muối, muối dưa để dành ăn với cơm, thay cho dưa chua, cà pháo. Cầu kỳ hơn một chút thì ngâm với nước mắm ngon, đường cát cùng ớt hiểm, để ăn với cơm cũng rất bắt, nhất là lúc trời mưa dầm, ngồi co chân nước lụt, ăn với cơm nóng…
Các bà, các chị khéo tay, thích nữ công gia chánh thì làm món cà na ngào đường, hoặc sên làm mứt. Hòa quyện cái vị đắng, chua, chát với thanh ngọt của đường, mời gọi các cô cậu học trò, mỗi dịp ra chơi, ngày nghỉ, ngồi chia nhau nhâm nhi để rồi thương, rồi nhớ một khoảng trời thơ ấu và hoa mộng.
3. Cây cà na thích hợp ở những vùng trũng, có nước, mùa nước lũ, cây ngâm mình trong nước, gốc đọng đỏ váng phèn, cây vẫn sum suê cành lá, theo những lão nông hay những người quen vùng sông nước thì cây cà na ra trái nhiều ở phần cây quay ra sông, rạch, cho dù đó là hướng nào, phần phía trong bờ trái ra ít hơn. Có lẽ cây thích cái gió sông thổi mát mẻ quanh năm, hay phía gợi nhớ hình ảnh ghe, thuyền. Nơi xuất phát những chuyến đi, và cũng đón những chuyến về?
Một đời người gắn với vùng sông, rạch. Giấc mơ thương hồ như con sóng sông, đêm vỗ vào giấc ngủ. Cha ngày xưa vẫn ở bên con sông Trà Khúc của miền Trung thương khó. Chẳng có cây cà na nào, nhưng đời người trôi nổi, xô đẩy dạt vào mãi tận phương Nam, để rồi tôi lớn lên cũng gắn bó với những dòng sông quê thời thơ ấu. Nhớ những trưa chang chang nắng, lặn hụp cùng rạch, cùng sông. Thân quen với từng gốc tràm, gốc sung và cả những cây cà na, gầy, còi cọc, vì lũ trẻ quanh năm suốt tháng trèo lên cây, buông mình lông nhông xuống nước, mùa hoa, rồi mùa trái, hau háu những cặp mắt thèm thuồng, háu ăn, lùng sục khi trái chỉ mới vừa bằng đầu ngón út. Có khi oẳn tù tì, xí phần. Và người thắng bao giờ cũng xí phần ở phía ngoài sông.
Trái cà na xanh mơn mởn, mình còn trắng màu phấn chấm với muối hột giã chung cùng ớt. Hít hà, với nước mắt, nước mũi của trẻ con. Cặp bàng mang đến lớp cũng có những trái cà na dầm muối. Rồi lên trường huyện, trường tỉnh. Trái cà na lăn vào tận trong mơ, cồm cộm những hồi ức một bờ sông…
4. Hơn sáu mươi tuổi rồi, bỗng gặp lại trái cà na mới vừa nhu nhú trên cây, còn run rẩy, ngỡ ngàng với nắng với gió, cái màu xanh trắng, bần thần như ngón tay út của người bạn năm nào đưa ra… cho nắm. Rồi nhớ lọ cà na ngào đường, bạn cất kỹ trong rương cùng với chiếc áo dài màu tím Huế, dẫn dụ lũ chuột nhắt cắn thủng cả chiếc rương, lỗ chỗ dấu răng trên áo. Khóc tiếc mà nước mắt chẳng rơi cứ như… mếu? Chép miệng và biết thêm, cà na còn ngào cả thương, cả nhớ… ngọt ngào thấm tận vào tim…
TRẦN HOÀNG VY