Hôm nay,  

Cảm Ơn Lê Uyên Phương

05/07/199900:00:00(Xem: 6489)
Bạn hãy hình dung ra một xã hội vắng mặt hoàn toàn các hoạt động nghệ thuật. Không khó để tưởng tượng đâu. Cứ thử bước vào các thị trường chứng khoán New York hay Nasdaq chẳng hạn. Các con số có thể làm bạn chóng mặt được, cho dù nó làm nặng túi thêm cho chúng ta. Nhưng rồi bạn sẽ phải chạy theo nó liên tục trong những mùa cổ phiếu lên ào ạt, và rồi lại âm mưu tính kế dè dặt khi thấy mặt mũi ông Alan Greenspan quạu quọ vì kinh tế sắp nóng máy. Bạn sẽ phải giấu bản tường trình kinh tế của hãng mình cho qua các ngày Thứ Ba để chờ Quỹ Dự Trữ Liên Bang họp xong đã. Hay là bạn thử vào khu nhà quốc hội Mỹ, Capitol Hill, chẳng hạn. Bạn sẽ nghe đủ thứ chuyện chia phe, dự luật này của Cộng Hòa đòi giảm thuế, dự luật kia của Dân Chủ cho phá thai... Lại liên tục thức khuya họp hành, mở chiến dịch quyên tiền với vận động cho qua mùa bầu cử. Bạn lại phải nói dối quanh co khi thấy ông xếp Clinton bị khui thêm chuyện sex, và phải gài bẫy để moi móc chuyện tương tự nơi các dân biểu Cộng Hòa, hay là ngược lại, đại loại như vậy. Và đủ thứ nhảm nhí tương tự như vậy trên đời này đang vây quanh bạn.
Và bất chợt nghe tin một nghệ sĩ vừa từ trần — như nhạc sĩ Lê Uyên Phương tuần này, và như nhà văn Mario Puzo hôm Chủ Nhật — bấy giờ mới thấy là chúng ta cứ như dường chạy theo bắt bóng, và chợt ý thức rằng có nghệ thuật vốn thật giá trị hơn là các trung tâm quyền lực kia thật nhiều. Những nghệ sĩ, như anh Lê Uyên Phương, trên chiếc thảm đa sắc đa dạng của cuộc đời chỉ là những hình bóng mờ nhạt khi so với hình ảnh các chính trị gia và kinh tế gia. Nhưng nếu không có các bóng tưởng như mờ ảo này thì chiếc thảm đó không thể cất cánh bay được, bởi vì nó sẽ bị xiềng theo các két bạc của thị trường chứng khoán và các bẫy sập của Capitol Hill.
Tôi thuộc một thế hệ đi sau, và nhờ đó được may mắn được nghe nhạc của Lê Uyên Phương từ thời còn bậc trung học. Và bây giờ khi nhìn lại những ngày đạp xe tới trường, lòng vẫn còn rưng rưng xúc động như lần đầu nghe nhạc anh khi nằm trên căn gác Phú Nhuận của một người bạn. Lúc đó là buổi chiều. Có lẽ là một chiều hè, bởi vì lúc đó tôi hình như không bận rộn gì. Tiếng nhạc từ máy phát ra nghe thật lạ lùng:
“Một chiều nào chúng ta... một chiều nào thiết tha... Ngày đầu hè tình nở ngát hoa biết đâu buồn vui...”

Nét nhạc anh không hề giống một ai, đứng riêng một thế giới của anh. Tôi nghe cuộn băng đó trên căn gác đó suốt buổi chiều, và lòng thầm cảm ơn những dòng nhạc từ đó đã trở thành một phần thân thể tôi, một phần tim óc tôi. Tôi biết là tôi không thể quên ngay các nét nhạc đó được nữa. Những buổi chiều Sài Gòn không còn như cũ nữa, sau khi tôi nghe nhạc Lê Uyên Phương. Đây không phải là những ngợi ca quá lời. Nhưng là những kinh nghiệm, có lẽ nhiều người cũng từng trải qua. Nắng chiều cũng cùng một màu như trước, nhưng lòng tôi đã như dịu hơn và từng giờ từng phút thấy mình trân trọng với cuộc đời hơn. Những kinh nghiệm về nghệ thuật này cũng y hệt như khi tôi khám phá ra Kinh Phật và tư tưởng của Krishnamurti. Các nghệ sĩ, các thiền sư và các đạo gia đã cho tôi run rẫy cảm nhận được cái mong manh của nắng trên đồi, cái hư ảo của đời người, cái lòng khát khao sống cho tận cùng cái máu thịt của con người mình...
Lê Uyên Phương là một trong vài nghệ sĩ đã để lại dấu ấn của họ trong hồn tôi. Sau này về Quận Cam, tôi may mắn có chút tình thân với anh. Anh có lối xưng hô của một người còn ảnh hưởng văn hóa Pháp, thường thì tự gọi là “moa” và gọi tên người đối diện. Đôi khi anh tự gọi là “mình.” Nhưng tôi không bao giờ kể cho anh nghe về buổi chiều tôi khám phá ra âm nhạc của anh. Nó có gì không ổn nếu kể ra... Tính Lê Uyên Phương thì xuề xòa, ít trình diễn. Tính tôi thì trầm lặng, không ưa nói cả điều xấu lẫn điều tốt... Tôi chỉ đơn giản biết rằng mình mang ơn nhạc Lê Uyên Phương, và mang ơn cuộc đời...
Một lần tôi tới nhà anh ở Long Beach. Anh nói về chiếc máy điện toán tốc độ 33 Mhz mà anh đang tập đánh nốt nhạc trên đó với một nhu liệu nào đó. Lúc đó cũng cách nay gần mười năm. Anh nói về những chuyện anh sắp làm. Nơi đó, tôi biết thêm rằng anh cũng vẽ, bên cạnh những cuốn tùy bút anh in ra. Tôi nghĩ là anh hạnh phúc hơn tôi, bởi vì anh biết là anh sẽ phải làm gì, trong khi tôi chưa biết mình nên làm gì... Mới đầu năm nay, anh cùng chị Lê Uyên và ban nhạc ESL của con gái tổ chức đêm nhạc ở Emerald. Tôi ngồi nghe cho tới khi chấm dứt bản nhạc anh phổ bài thơ của Phạm Công Thiện. Mây trắng trên đồi trổ bông. Hình ảnh mây trắng trổ bông là ngôn ngữ đặc biệt của nhà Phật. Hình ảnh mây trắng vây quanh đỉnh núi Tu Di là của Kinh Lăng Già. Người thường không vào nổi. Đó chỉ là nơi cho các vị Phật và Bồ Tát. Nơi mà lòng độ lượng và yêu thương chứa được cả thế giới. Và bây giờ tôi tin là đó cũng là thế giới riêng của nghệ sĩ.
Tôi đang đi bên các hè phố Bolsa. Các tiệm ăn trong những ngày này đa số đang để nhạc Lê Uyên Phương. Buổi chiều thời trung học của tôi hiện lại trước mắt. Tôi vẫn thấy anh trước mắt tôi, bên quán cà phê Coffee Factory, các nốt nhạc bay lượn quanh tôi. Nhạc của Lê Uyên Phương đã chứa đựng một phương diện khác của Kinh Phật: nói lên những hư vỡ, mong manh của đời người.
Cảm ơn anh Lê Uyên Phương. Cảm ơn tất cả những nghệ sĩ như anh. Anh đã là một phần đời của rất nhiều người, thế hệ của tôi và những thế hệ đi sau nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.