Hôm nay,  

Chuyện Việt Nam: "làng Nổi" Bán Máu

02/12/200100:00:00(Xem: 5133)
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật Bản, mặc dù là một quốc gia thua trận, lại chịu đựng sự tàn phá nằng nề về vật chất, tinh thần lẫn tâm linh sau khi bị Mỹ thả hai trái bom nguyên tử, nhưng không đầy 15 năm sau, nước Nhật đã có một nền kinh tế phú cường, khiến ngay Hoa Kỳ, một siêu cường của thế giới cũng phải nghiêng mình kính nể. Vậy mà Việt Nam, một quốc gia được mệnh danh là "cộng sản giải phóng", dưới sự lãnh đạo của những người luôn luôn tự mệnh danh là "đỉnh cao trí tuệ" suốt thời gian hơn phần tư thế kỷ, vẫn là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu và đầy những hủ lậu. Thê thảm hơn, Miền Bắc, nơi được "cộng sản giải phóng" suốt nửa thế kỷ, vẫn là vùng đất đầy tủi cực, trong đó hàng ngàn, vạn bi kịch của thời tiền sử vẫn xảy ra như cơm bữa. Cụ thể, nửa thế kỷ sống trong một xã hội mang danh "độc lập tự do" tại Miền Bắc là nửa thế kỷ có những người dân phải liên tục bán máu. Thậm chí cả một làng từ già đến trẻ đều bán máu. Câu chuyện cả một làng nổi bên bờ sông Đáy ở Miền Bắc cùng theo nhau đi bán máu suốt nửa thế kỷ được ký giả Vũ Toàn tường thuật và đăng trên báo Lao Động số gần đây. Chính cuộc sống gian truân của nhiều nẻo đời bất hạnh này đã biến cái tên thơ mộng - làng chài Phù Vân thành "làng nổi" với những chuyện buồn ứa nước mắt.

*

Một người trong làng thú nhận, "Tôi bán máu đã 24 năm nay để nuôi con ăn học nhưng tụi nó chỉ học đến lớp 4 là dừng vì bố, mẹ không kham nổi. Vả lại nó đẻ ở đây nhưng không được đăng ký khai sinh, học làm gì""

Một người khác thở dài, đau đớn: "Tôi bán máu khắp các bệnh viện tỉnh phía Bắc suốt 30 năm trời nhưng bố mẹ già ở quê không hề biết tôi làm gì mà nuôi được năm con."

Một người đàn ông tuổi đã già, mếu máo nói, giọng thều thào: "Tôi 50 năm chuyên nghề bán máu để nuôi dạ dày. Bán máu ra mới có tiền mua đồ mà tọng vô da dầy. Tọng vô như vậy mới có sức để tiếp tục bán máu."

Từ năm 1986, khi tổ thuỷ cơ của phường Quang Trung, thị xã Phủ Lý, Hà Nam thất cơ lỡ vận, lênh đênh mãi trên sông nước rồi về sống dật dờ bên bờ sông Đáy, mỗi năm tổ có thêm vài người cùng cảnh từ các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc dạt vào nhập cư tạo thành "làng nổi", gồm 18 thuyền kết dính bên nhau với hơn 100 người chuyên nghề bán máu. "Làng nổi" bán máu từ bao giờ" ai sinh ra cái nghề "bán máu vô danh " này"...

Câu chuyện bắt đầu từ một ông lão của "làng nổi" nay đã 79 tuổi, quê ở Bình Định, theo người ra Bắc tập kết năm 1954. Đưa bàn tay gầy run run cầm lấy quai chiếc cốc vại gần đầy rượu, ông lão nói vẻ mệt nhọc: "Tôi hết bán máu rồi, bán suốt 47 năm, mới nghỉ một năm nay thì thành lão". Lần đầu tiên nhìn một ông già uống rượu bằng cốc vại, tôi như lạc về một miền rừng rú xa xôi hẻo lánh nào đó, nơi những người nghiện rượu thường ngồi phơi cả tấm lưng trần dưới nắng lửa, uống ừng ực bằng bát sành trước khi vác rìu vô rừng... Lão làng N.V.P kể: "Trước đây tôi ở bộ đội đã có vài lần hiến máu nhân đạo để cứu sống đồng đội trong trận mạc, sau đó do nỗi buồn của cuộc sống độc thân lẫn cảnh sống khó khăn, tôi tìm đến làng nổi". Một đời bán máu tự nuôi mình mới đó mà tuổi đã già, sức đã yếu. Một mình lão với chiếc thuyền con "mai ăn ở nhà này một ít, mai ăn ở nhà kia một ít" sống cho qua ngày kham khó.

Một lão làng khác - ông N.V.Đ, 70 tuổi - không hề biết đến cha mẹ, đi "bụi" từ bé nay không vợ, không con, cũng một mình, một thuyền nan đơn chiếc. Ông Đ. cũng cầm một cốc vại rượu uống rồi nói: "Tuy được phong già làng nhưng tôi vẫn còn có máu để bán. Khổ nỗi máu già khó bán lắm vì máu trẻ nhiều khi còn bị ế nữa là... Tuổi tôi muốn bán được máu phải cậy nhờ anh em cả trên bến lẫn dưới thuyền". Chị H. 49 tuổi mà trông như một "bác gái" đã về già. "Quê" chị ở Xóm Chiếu, Cầu Ông Lãnh, bến Vân Đồn, phường 9, quận 4, TP.HCM. 12 năm gia nhập làng bán máu, chị là người thường vay nợ ăn đong từng ký gạo để đến tháng bán máu trả nợ. Chị H. nêu một "định nghĩa" thật buồn: "Người nghèo là người không bán được máu. Và người nghèo nhất là người không còn máu để bán".

Hiện "làng nổi" có hai người "hết bán được máu" vì đã trên 70 tuổi, bốn cháu dưới 10 tuổi thì chưa thể đi bán máu được, còn đa số ai cũng lao vào bán máu (nữ chiếm 61%, nam 12% - theo Công an CS phường Quang Trung, thị xã Phủ Lý). Nhưng tương lai của những cháu bé khi qua tuổi thứ 10 liệu có bán máu không" Mẹ của cháu P. chỉ vào con mình nói trong nước mắt: "Con nhỏ này cũng sắp phải đi bán máu đấy! Anh, chị nó ngoài bán máu còn phải nhặt đồng nát hoặc đi làm phụ xây mới trụ được cuộc sống không tay nghề tay nghiệp này".

Một thực tế ở "làng nổi" là không khí bán máu lúc nào cũng nhộn nhạo. Chỉ riêng kể chuyện về bán máu mà ai cũng có những chi tiết "ghi lòng tạc dạ":

- Càng bán được nhiều máu càng tốt.

- Cứ thò tay là mong người ta lấy được nhiều máu.

- Theo nguyên tắc hai tháng mới được bán máu một lần, nhưng trong hai tháng đó có thể đi bán 10 "cửa" khác nhau, hết bệnh viện Hà Nam ra Hà Nội, Bắc Ninh lại vào Thanh Hoá, Vinh xong quay ra Xanh Pôn, Thanh Nhàn. Phải tìm cách đi lọt 2-3 "cửa" bán được nhiều máu mới mong đủ ăn. Ai "phá rào" giỏi thì một tháng có thể "đá" (bán) được 2-3 lần nhưng phải biết "đếm" cho các khoa các phòng họ mới vớt vát cho bán.

Muốn cho mau lại máu, người "làng nổi" thường ăn cá mè rán hoặc hút trứng gà sống. Chi tiết này giúp tôi giải thích được những ám ảnh sau mấy lần thấy một số thanh niên cả nam lẫn nữ vừa đi lững thững vào quán nước, chị bán hàng không cần hỏi han gì, luôn tay đập trứng gà, cứ hai quả cho vào một cốc vại đầy rượu và họ chỉ cần tu vài hơi là cạn cốc. Thấy tôi cầm máy ảnh, một thanh niên tên N.V.C., 21 tuổi, nói: "Cho cháu 20.000 đồng chú chụp kiểu gì cũng được". Những người ngồi trong quán nước đều vén ống tay áo lên. Trên những cánh tay gầy nổi lên những đường gân xanh mờ, tôi nhìn thấy bên chi chít những vết sẹo cũ là những mẩu bông mới đang loang lổ máu tươi.

Tất cả những người này phiêu bạt từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng, Hà Tây, Nam Định, Hà Nội về đây cắm chốt. Họ đều nói: "Mỗi lần bán 200ml máu được 150.000 đồng nhưng số tiền đó không hoàn toàn thuộc về người bán". Một nam thanh niên ngồi tính chi li: tại bệnh viện BN họ khám còn kỹ hơn cả người đi nước ngoài. Nhưng muốn bán được máu và bán nhanh thì phải được nhân viên giám định huyết học phê "khoẻ", vậy là phải "đếm" [hối lộ] cho họ. Trừ tiền vào "cửa" cho cai dẫn cửa và cai cửa rồi tiền cai sếp (ông bầu có dịch vụ điện thoại để giao dịch rồi dẫn người đi bán máu), tiền tàu xe mỗi lần đi bán máu về họ chỉ còn khoảng 40.000 đồng mua gạo cho con.

Một phụ nữ kể: "Hễ nghe bệnh viện Thanh Hoá gọi ra, Thái Bình gọi sang là vợ chồng con cái theo sếp cai lên đường ngay. Có lần vào Vinh bán máu, đêm xuống tôi phải ra nghĩa địa ngủ vì sợ công an đuổi bắt. Bạn tôi còn cực hơn vì con còn bú vẫn phải địu đi để bán máu kiếm tiền. Dân bán máu thường "ăn sáng lo trưa, ăn trưa lo chiều". Vì một bịch máu bị bốn "con đỉa" hút (như đã nêu trên) nên giá thành của máu rẻ mạt. Có người 3-4 ngày đi xa tìm cách vào được "cửa" bán xong ca máu, ra phố thèm một bát phở nóng mà không đành lòng ngồi ăn, vội vàng mua một cặp bánh mì ấn vào nách lật đật ra tàu về lại "làng nổi" mong chờ điện thoại gọi tiếp để hai tháng bán cho được 4 lít máu.

Trước đây đa số họ ở nhà trọ trên thị xã, ai kiếm tiền được ít tiền họ mua thuyền để ở. Ở thuyền vừa đỡ tốn vừa ít bị kiểm tra gắt gao. Chứ như xóm bụi ga Vinh (Nghệ An) hoặc xóm bụi Thanh Nhàn và các bãi rác Thành Công, Phúc Tân (Hà Nội) còn đầy những người bán máu sống dật dờ, chui lủi còn cơ cực hơn nhiều. Ngô Văn T., thương binh, cũng là dân bán máu, ghé tai tôi nói rất nhỏ: "Thương tâm nhất là vợ chống bà L. vừa bán máu, vừa đi ăn xin khắp thị xã mà con vẫn thất học. Cũng giống như bà L., nhiều người suốt đời bán máu nay sắp "về hưu" mà con cái họ vẫn không có việc gì làm ngoài việc nối nghề cha mẹ đi bán máu".

Như một đoạn kết có hậu của câu chuyện ở "làng nổi", khi tôi bất ngờ gặp một "cô Tấm" nhỏ, người duy nhất của "làng nổi" cự tuyệt nghề bán máu. Cô cặm cụi theo nghề thêu ren để kiếm sống. "Cô Tấm" N.T.P. (sinh năm 1987) nhỏ nhẹ kể: "Hồi trẻ, mẹ cháu đi bộ đội bên chiến trường Nam Lào. Sau một lần bị bom đánh sập hầm mẹ bị sức ép rồi lâm bệnh thần kinh. Bố mẹ cháu chỉ có mỗi mình cháu, từ Hà Sơn Bình về gia nhập "làng nổi" cách đây đã 20 năm. Ngày trước mẹ dựng lều bán nước nhưng bán mãi vẫn không kiếm ra cái ăn. Khi ấy cả làng rộ lên phong trào bán máu, mẹ cháu cũng tính chuyện đi bán nhưng bán mãi không xong. Họ bảo mua máu điên làm gì. Thương mẹ, bố cháu liền bỏ nghề bốc vác đi "xả máu" đã được chục năm. Nay bố đã trên 70 tuổi không còn bán máu được thì quay lại nghề bốc vác. Mỗi ngày bố còm cọm nai lưng cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Còn cháu mỗi ngày chịu khó vừa học vừa làm kiếm giúp mẹ 2000, 3000 đồng". P còn bảo: "ít năm nữa có tiền cháu sẽ theo học tiếp, quyết không chịu bị mù kiến thức ở lớp 5".

Vũ Toàn (Việt Nam)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.