Hôm nay,  

Giờ Cuối Của Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974

14/01/200000:00:00(Xem: 4493)
* Sơ lược trận hải chiến Hoàng Sa:
Trong số trước, chúng tôi đã lược trình trận hải chiến giữa Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16) với các chiến hạm Trung Cộng trên vùng biển Hoàng Sa vào sáng ngày 19 tháng 10/1974. Như đã trình bày, trận hải chiến đã xảy ra vào 10 giờ 25 phút, về lực lượng Hải quân VNCH ngoài HQ 16 còn có Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5, Khu trục hạm Khánh Dư (HQ 4), Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ 10). lực lượng Trung cộng có 6 chiến hạm, 2 tàu chiến ngụy trang tàu đánh cá và một số tàu đổ bộ. Các tàu của Trung Cộng đều có hỏa lực mạnh, với các ụ súng hỏa tiễn và đại bác 100 ly đến 130 ly.

Trong trận hải chiến, sau khi bắn cháy một chiến hạm của Trung Cộng, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt đã bị trúng một trái đạn đại bác ở lườn bên tả. Tàu bị nghiêng với tốc độ khủng khiếp, để cứu nguy, hạm trưởng quyết định cho tàu ủi mũi vào bờ đảo Hoàng Sa để tử chiến. Đúng 11 giờ 27 phút, qua màn ảnh radar không thám, trung tâm Chiến Báo phát giác và báo cáo một phi đội phản lực cơ của Trung Cộng tiến về đảo Hoàng Sa. Trước tình hình mới, các chiến hạm của Hải quân đã chuyển đội hình từ yểm trợ cho nhau sang đội hình phòng không (Trong các bài viết về trận hải chiến Hoàng Sa dựa theo lời kể của các nhân chứng, không có chi tiết về trận không-hải chiến này. Một số nhân chứng cho biết có phản lực cơ của Trung Cộng nhập trận bay trên không phận của quần đảo để yểm trợ cho Hải quân Trung Cộng).

* Giờ cuối của trận chiến:
Tổng kết sau 62 phút giao tranh, các chiến hạm VN đã bắn hạ 4 chiến hạm Trung Cộng, riêng chỉ trong 5 phút đầu, chiếc tàu mang số 396 đã trúng đạn của HQ 10, tiếp đến tàu Trung Cộng mang số 271 (loại Kronstadt) bị trúng thương mất tay lái, lủi vào bãi san hô rồi tự hủy. Chiếc thứ ba bị hạ cũng thuộc loại Kronstadt mang số 274 bị trúng đạn phát hỏa dữ dội, rồi sau đó chiến hạm thứ tư của Trung Cộng cũng bị hải pháo Hải quân VNCH bắn cháy. Bị thất bại nặng, đoàn chiến hạm Trung Cộng đã điều động thêm hai chiến hạm mang số 281 và 282 tăng cường để tập trung hỏa lực tấn công HQ 10. Chiến hạm 10 bị trúng đạn ở phòng máy chánh, tàu bị nghiêng sang mạn phải. Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng, một số chiến binh thủy thủ đoàn hy sinh. Dù ở trong tình trạng nguy kịch, nhưng hạm trưởng Ngụy Văn Thà và thủy thủ đoàn HQ 10 vẫn quết chiến với đối phương. Vừa tự cứu chiến hạm vừa tập trung hỏa lực chống trả hai chiến hạm Trung Cộng. Thêm một trái phá từ chiến hạm Trung Cộng bắn trúng đài chỉ huy, hạm trưởng bị thương, chiến hạm bị chết máy, nghiêng tới mức rất nguy hiểm.
Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà ra lệnh cho đại úy hạm phó Nguyễn Thành Trí chỉ huy thủy thủ đoàn đào thoát, còn anh ở lại tàu, hạm phó xin ở lại cùng hạm trưởng nhưng không được chấp thuận. Hạm trưởng vẫy tay chào vĩnh biệt mọi người, anh ở lại với đại dương và con tàu. Còn hạm phó Nguyễn Thành Trí, dù bị thương nặng, đã đem hết sức lực điều động anh em vượt thoát trên 4 chiếc bè, nhưng do vết thương quá nặng, anh đã vĩnh viễn ra đi, đồng đội làm lễ thủy táng người hạm phó anh hùng giữa đại dương bao la theo truyền thống của quân chủng Hải quân. (Chi tiết về những giờ tử chiến của toàn thể chiến binh HQ 10 và sự hy sinh đầy dũng liệt dũng của cố hạm trưởng Ngụy Văn Thà và cố hạm phó Nguyễn Thành Trí sẽ được trình bày trong một bài riêng).

Về Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16), theo tài liệu của ông Trần Thế Đức ghi lại thuật sự của các nhân chứng, thì sau khi trận hải chiến kết thúc, tàu HQ 16 đã được chiến hạm HQ 11 dìu về Đà Nẵng.

* Câu chuyện về những tù binh VNCH trên đất Hoa Lục:
Trở lại với tình hình trên đảo, như chúng tôi đã lược trình, sau trận chiến trên biển, ngày 19-1-1974, tàu Trung Cộng đã tập trung hỏa lực bắn vào đảo Hoàng Sa. Trung đội Địa phương quân và toán đặc nhiệm của Quân đoàn 1 phân tán ra rừng và các đống phân nằm bố trí. Từ tàu nhỏ, quân Trung Cộng đổ bộ lên đảo rất đông như kiến, nhưng chưa dám tiến sâu, tất cả nằm ở bãi cát và 30 phút sau mới tiến vào trong đảo. Trung đội Địa phương quân bắn tới hết đạn thì Cộng quân mới chiếm đảo.

Mọi người trên đảo bị quân Trung Cộng bắt tập trung lại để lấy cung và chụp hình từng người, tất cả có 42 người bị địch bắt, gồm 31 quân nhân trung đội Địa phương quân phòng thủ đảo, 4 nhân viên khí tượng, 7 người thuộc Toán của Quân đoàn 1 do HQ 16 thả lên đảo. Toán này có 1 thiếu tá, 4 đại úy hải quân, 1 trung úy Công binh kiến tạo, 1 trung úy Công binh chiến đấu, hai binh sĩ VNCH và một người Mỹ thuộc Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn biệt phái làm liên lạc viên cạnh bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải. Khi hỏi cung, toán lính Trung Cộng nói tiếng Việt rất rành rẽ. Đến tối, 42 người bị lính Trung Cộng đưa vào trong nhà chứa phân và canh phòng nghiêm ngặt. Quá nửa đêm, tất cả bị lính Trung Cộng đánh thức dậy, bắt xếp hàng đi ra biển, xuống ghe nhỏ ra tàu lớn. Lính Trung Cộng nói với anh em rằng sẽ được đưa đến nơi an toàn hơn. Anh em đoán rằng địch sẽ đưa mình vào đắt Trung Cộng.


Tàu chạy được một quãng, quân Trung Cộng lại chuyển tất cả sang tàu lớn hơn. Riêng các sĩ quan VNCH và 1 người Mỹ bị đưa sang tàu khác. Lúc nào trên tàu cũng có những lính Trung Cộng rành tiếng Việt nhòm ngó, ra lệnh. Tàu tới Hải Nam (tiếng Hoa ở địa phương này gọi là Hải Nàm), quân Trung Cộng chuẩn bị một đoàn phóng viên bu lấy anh em khi anh em bước lên bờ. Rồi sau đó, anh em lại bị chuyển đi nơi khác cũng bằng tàu. Hỏi thăm thì lính Trung Cộng bảo đây là Quảng Châu. Anh em từ sông Châu Giang lên bờ vào lúc 8 giờ tối mồng một Tết Giáp Dần.

Mọi người bị quân Trung Cộng bắt trên đảo Hoàng Sa và các đảo khác bị giam chung ở một nơi gọi là “Trại thu dung tù binh, Bộ đội Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông”.

Suốt trong một tuần, cán bộ Trung Cộng thường xuyên nói rằng “chúng tôi không xâm lăng”, rồi hỏi anh em: Ai có thắc mắc thì cứ việc phát biểu ý kiến. Vài anh em đã dám đứng lên hỏi: Đất nước của chúng tôi, chúng tôi đang trấn giữ, các ông đánh chiếm mà bảo rằng không xâm lăng. Cán bộ Trung Cộng trả lời: Hoàng Sa là đất của chúng tôi. Từ lâu chúng tôi biết phía Nam đảo Hải-Nàm có một quần đảo. Người chúng tôi đã tới đó vào khoảng năm 1200.
Như cố biện hộ cho hành động xâm lăng, cán bộ Trung Cộng đưa ra nào sách, nào vở, nào bản đồ ra, nhưng anh em mù tịt vì không biết chẳng biết thứ chữ ngoằn ngoèo đó. Một số anh em, nhất là những anh Hải quân, những người có học vấn khá đã cãi lại: Nếu các anh bảo rằng các anh biết đảo Hoàng Sa từ lâu, thì cả đất Chợ Lớn, cả miền Đông Nam Á, hiện nay là của các anh cả hay sao" Có người lại hỏi vặn cán bộ Trung Cộng: Các anh bảo các anh không phải là đế quốc xâm lăng, thế thì ở Tây Tạng, Ấn Độ các anh đã làm gì"

Khi bị hỏi ngược lại, cán bộ và lính Trung Cộng thường nổi quạu, la lớn: Các anh khiêu khích chúng tôi.
Khi thảo luận thì hai bên đều phải được trao đổi ý kiến. Đàng này, vị thế của hai bên hoàn toàn chênh lệch: một đằng bắt đằng kia nghe và chấp nhận tư tưởng của mình, thì đâu còn thảo luận được nữa. Biết đối phương bắt mình nghe, chứ không muốn mình phát biểu ý kiến trung thực, nên anh em đành ậm ừ cho qua chuyện. Hơn nữa người nào trình bày ý kiến trái ngược đều bị gán cho là khiêu khích, cần phải “đả thông tư tưởng”, bị gọi vào gặp cấp cao là “thủ trưởng” hay là “tư lệnh Quân đội Quảng Đông” gì đó. Dần dần, anh em chẳng muốn cãi nhiều nữa, vì cứ cãi là bị ngồi lâu hơn.

Quân Trung Cộng chia anh em thành từng tổ 10 người, dưới sự kiểm soát của hai cán bộ thông thạo tiếng Việt, thường xuyên có mặt bên cạnh. Hàng ngày anh em cứ bị tuyên truyền bằng các buổi học tập và bằng xi nê chán ngấy. Có bấy nhiêu đề tài mà cứ chiếu hoài. Truyện phim cũng chỉ có bấy nhiêu khuôn mẫu. Phim cũng có tình tiết nhưng bao giờ cũng lồng vào khung cảnh tuyên truyền. Quá ngấy với ba thứ đó, anh em bèn nói khích để cán bộ Trung Cộng cho ra ngoài trại, để bớt tù túng. Cán bộ Trung Cộng vẫn thường đề cao là Hoa Lục tiến bộ kinh tế. Anh em bèn đưa đối phương vào tròng: Các anh nói nhiều nhưng chúng tôi có thấy gì đâu. Chúng tôi đâu có thấy các anh tiến bộ.

Phần vì bị mắc lừa, phần vì muốn tuyên truyền cho những khu trang trí, xếp đặt sẵn, cán bộ Trung Cộng cho anh em ra khỏi trại, đi thăm viếng vài nơi. Thật sự, anh em chỉ muốn ra khỏi trại cho khỏi tù túng mà thôi. Những màn gài bẫy khác của anh em vẫn diễn ra, mà cán bộ Trung Cộng tự dẫn vào tròng.

Lo lắng vì không biết bị Trung Cộng đến bao giờ. Hỏi thẳng thì cán bộ Trung Cộng dại gì trả lời. Anh em đã làm cho họ phải bật mí mà họ không biết. Có người hỏi: Các anh đào luyện một người như chúng tôi mà thành cán bộ Cộng sản thì phải mất bao lâu" Cán bộ Trung Cộng trả lời: Mất chừng mười năm. Anh em lắc đầu, tỏ vẻ ngao ngán, thì cán bộ Trung Cộng bèn bảo: Chúng tôi không có ý định đào tạo các anh thành cán bộ, mà chỉ giác ngộ các anh trong ít lâu thôi. Thế là anh em biết Trung Cộng không có ý định giam mình lâu dài, thế nào cũng có ngày về. Một thời gian ngắn sau, Trung Cộng đã trả anh em về Việt Nam qua ngã Hương Cảng.

(Biên soạn dựa theo các tài liệu của báo Lướt Sóng, tạp chí KBC, đặc san Sử Địa của trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa).

Kỳ sau: Cuộc đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc của 15 cảm tử quân Hải quân VNCH.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.