Hôm nay,  

Xa Mặt Cách Lòng - Philip Ruddock & Số Phận Những Người Việt Sắp Bị Trả Về Vn

28/04/200100:00:00(Xem: 5335)
Tuần qua, tòa soạn hân hạnh nhận được bài viết của Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, nhan đề, "Philip Ruddock & số phận những người Việt sắp bị trả về Việt Nam". Trong bài viết, Bác sĩ đã trình bầy và phân tích những thực tế phi lý trong chính sách di trú của Úc và số phận bi thảm của những thanh niên Việt Nam đang bị giam giữ chờ ngày Úc trục xuất về VN mặc dù những thanh niên đó đã ở tù mãn án. Xúc động và bất bình trước những sự thực được Bác sĩ trình bầy trong bài viết, tác giả Hữu Nguyễn cũng đã viết một bài nêu lên những điểm phi lý và bất nhân của bộ di trú Úc, đứng đầu là tổng trưởng Philip Ruddock. Mặc dù bận rộn trong việc nghiên cứu cũng như giảng dậy y khoa tại viện đại học Sydney, Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn luôn luôn quan tâm đến các sinh hoạt của cộng đồng và đã dành cho tuần báo Sàigòn Times một sự ưu ái đặc biệt. Thay mặt tòa soạn, chúng tôi chân thành cảm ơn lòng ưu ái của Bác sĩ, và xin trân trọng giới thiệu cùng qúy đọc giả bài viết của ông.

*


Có thể nói Chính phủ Úc là một chính phủ thích lên lớp các nước láng giềng Á châu về tình trạng "vi phạm nhân quyền" ở các nước này. Úc biết mình nhược tiểu, nên cố gắng bắt chước và rập khuôn người Mỹ, lên tiếng dạy các nước lân cận là phải tôn trọng nhân quyền, tự do, dân chủ... Họ rất nhạy cảm và cảm thấy xúc phạm khi công dân Úc bị nhà cầm quyền các nước Á châu giam giữ qua một thủ tục pháp lý, mà theo họ, là không rõ ràng. Trường hợp của ông bà Kerry và Kay Danes bị Nhà cầm quyền Lào giam giữ là một ví dụ điển hình mới nhất. Chính phủ Úc thường tự nghĩ rằng trong những trường hợp như thế, nếu phạm nhân là người nước ngoài (không phải công dân Úc) thì hệ thống pháp luật của Úc sẽ đảm bảo công bằng cho họ.

Thực tế xảy ra không phải như thế. Ngược lại là đằng khác.

Trong những tháng gần đây, công chúng càng ngày càng nhận ra một sự thật phũ phàng: Úc đối xử với người tị nạn rất tàn nhẫn, tàn nhẫn hơn cả Thái Lan, Mã Lai Á, Nam Dương, v.v… mà người tị nạn Việt Nam đã từng trải qua. Suốt mấy tháng nay, chúng ta nghe nhiều tin tức về một số người tị nạn bị giam ở một trại tạm giam thuộc tiểu bang Nam Úc đã biểu tình, kêu gọi lương tâm công chúng Úc và thế giới về thảm nạn họ đang gặp phải. Cả trại có cả ngàn người tị nạn, nhưng họ hầu như bị cô lập với thế giới bên ngoài, không được nhận báo chí, không sách vở cho trẻ em học, và chỉ có một ti-vi duy nhất (nhưng khi đến phần tin tức thì nhân viên trại tắt đài). Nhân viên thiện nguyện bên ngoài muốn vào thăm đều phải ký giấy cam kết là khi ra trại không được tiết lộ tình trạng trong trại với bất cứ ai.

Tôi nghĩ các trại tị nạn ở Thái Lan, Mã Lai Á, Nam Dương, v.v…, những trại kinh hoàng mà chúng ta từng trải qua, cũng không tồi tệ đến thế. Điều đáng buồn là những trại tị nạn địa ngục trần gian như thế lại hiện diện trên nước Úc, một nước tự coi mình là "văn minh" và đã phát triển! Khi được phóng viên hỏi về điều kiện trong trại, ông Philip Ruddock, Bộ trưởng Bộ Di trú, trả lời, "Họ sống ở trong đó [trại tị nạn] cũng như họ sống ở nhà thôi"!

Cách đây vài tuần, một người Úc gốc Paskistan tự thiêu trước Toà nhà Quốc hội để phản đối về quyết định của Bộ Di trú Úc từ chối không cho vợ và con ông ta đoàn tụ. (Cho đến nay, sức khoẻ ông này vẫn còn ở trong tình trạng nguy kịch trong bệnh viện). Lý do mà Bộ Di trú Úc từ chối đơn xin đoàn tụ của ông chỉ xoay quanh "vấn đề" ông có một đứa con gái bị một bệnh bẩm sinh, mà theo dự đoán của Bộ Di trú, chính phủ Úc sẽ phải tốn khoảng $400,000 để nuôi nấng em bé này suốt đời, nếu như họ chấp nhận đơn! Một nước Úc sẵn sàng chi ra hàng tỷ đô-la để khoe với thế giới là họ có thể tổ chức Thế vận hội Olympic thành công, nhưng lại sợ tốn tiền cho một người bất hạnh!

Hôm thứ Năm tuần qua (19/4), trong chương trình Insight của Đài truyền hình SBS, phóng viên Anne Delaney có tường trình về một số trường hợp thanh niên người Việt phạm tội buôn bán ma túy và bị bỏ tù. Nhưng nếu câu chuyện chỉ có thế thì cũng không có gì đáng bàn thêm. Xã hội kì vọng rằng người phạm tội trước pháp luật đáng được trừng phạt. Nhưng vấn đề oái ăm ở đây là những thanh niên này đã mãn hạn tù, đã trả nợ đầy đủ cho những sai lầm của mình, nhưng họ vẫn bị cầm tù! Không những không được trả tự do (mà đáng lẽ họ phải được), các thanh niên này còn bị Bộ Di trú do ông Philip Ruddock làm Bộ trưởng tiến hành thủ tục trục xuất về lại Việt Nam, nơi mà họ đã trốn chạy khỏi trước đó!

Câu chuyện có vẻ khó tin, nhưng hoàn toàn là sự thật. Câu chuyện của hai thanh niên gốc Việt tên là Trần Thành Tuấn và Nguyễn Thành Vũ, mà ký giả Anne Delaney phỏng vấn và thu thập, sau đây là một câu chuyện đau lòng, nhưng đồng thời nói lên sự vô lí của luật pháp Úc và thái độ đối xử không hợp tình của Chính phủ Úc.

Hai câu chuyện đáng thương

Câu chuyện của Trần Thành Tuấn được kể lại như sau: Sau năm 1975, Nhà cầm quyền có chương trình "Nghĩa vụ", mà trong đó, thanh niên đến 18 tuổi phải gia nhập quân đội một thời gian. Vì không muốn thấy một viễn ảnh con mình đi lính, và muốn cho Tuấn có một tương lai và một cuộc sống tốt hơn, mẹ của Tuấn quyết định cho Tuấn rời Việt Nam. Thế là, Tuấn cùng một người cậu (Nguyễn Hữu Lộc) và một người anh họ vượt biển. Chuyến đi kéo dài khoảng 4 ngày trên biển, và trôi dạt vào Đảo Pulau Galang thuộc Nam Dương (Indonesia). Sau khi lưu lại ở trại tị nạn Pulau Galang hơn 1 năm, Tuấn và cậu được chấp nhận đi định cư ở Úc vào năm 1984. Tại Úc, Tuấn lại đoàn tụ cùng người anh, Trần Tung Tranh, đã vượt biển trước kia.

Sau khi định cư, cả người cậu và người anh của Tuấn đều phải làm việc ngày đêm, có khi hai ca, để dành dụm đủ tiền sinh sống và giúp thân nhân đang nghèo khó ở Việt Nam. Trong khi người thân của Tuấn làm việc ngày đêm, Tuấn cảm thấy mình cô đơn, không cha, không mẹ để chăm sóc hay trò chuyện khi có vấn đề. Tuấn bắt đầu lang thang trên đường phố và giao du với những thành phần bất hảo. Cậu của Tuấn, ông Lộc, tâm sự: "Có lúc chúng tôi thấy nó [Tuấn] thờ thẫn, uể oải, có lẽ vì bị thuốc hành hạ. Thỉnh thoảng, chúng tôi mang nó về nhà và khóa cửa phòng, không cho ra ngoài. Nó đòi ra. Nó phàn nàn là bị giam như chó trong chuồng. Rồi chúng tôi cũng phải cho nó ra. Nhưng nó lại biến mất sau đó. Tôi rất buồn, vì biết rằng nó không có cha mẹ ở đây và tôi là người đã mang nó đến đây. Nhưng tôi không biết mình phải làm gì. Tôi chở nó đến trung tâm điều trị ma túy ở Fairfield vài lần, nhưng nó lại không chịu theo chương trình chữa trị và bỏ lửng giữa chừng. Điều này làm tôi bực tức và có một lần tôi đã đánh nó, nhưng nó giữ yên lặng, không chống cãi gì."

Năm 1994, Bộ Di trú đã cảnh cáo Tuấn là em sẽ bị trả về Việt Nam. Lúc đó, Tuấn đã sa vào con đường nghiện ngập và sống một cuộc sống tội phạm bằng buôn bán á phiện. Tuấn cũng cố gắng cai thuốc, nhưng không thành công.

Trường hợp của Nguyễn Thành Vũ: Thân phụ của Vũ là ông Nguyễn Quang, người từng làm việc trong Chính quyền miền Nam trước năm 1975. Sau khi miền Nam sụp đổ vào tay người Cộng sản năm 1975, ông Quang bị đi cải tạo. Sau khi ra tù cải tạo, ông cùng hai người con là Vũ và Tùng (anh của Vũ) vượt biển đến Mã Lai Á. Hai tháng sau khi lên trại tị nạn, hi vọng được đoàn tụ cùng mẹ của em bị tiêu tan theo mây khói, vì bà mẹ rất mực thương Vũ đã chết trên đường vượt biển. Biến cố này là một dấu ngoặc quan trọng trong đời sống tinh thần của Vũ và cả gia đình. Mỗi đêm, em khóc thầm cho người mẹ xấu số và thân phận không nhà của mình.

Ba bố con ở trại tị nạn trong một thời gian 2 năm, và sau đó được chính phủ Úc chấp nhận cho đi định cư ở Úc. Đến Sydney, Vũ ghi danh theo học tiếng Anh cấp tốc trong vòng 3 tháng, và sau đó ghi danh vào học trung học tại Trường Trung học Bankstown. Nhà trường sắp xếp cho em vào học lớp 10. Nhưng Vũ không theo kịp chương trình học, vì một phần tiếng Anh chưa vững vàng, và một phần quan trọng hơn là em đang ở trong tâm trạng buồn rầu của một đứa trẻ nghèo khổ, không mẹ. Vũ tâm sự: "Tôi được cho vào học lớp 10, nhưng tôi chẳng hiểu nhiều về bài học, rồi từ đó tôi cảm thấy chán nản với việc học, tôi không tha thiết gì đến trường lớp nữa. Trong khi đó, ở nhà thì có chuyện buồn. Tôi trốn học, và lang thang trong các khu buôn bán. Tôi bắt đầu làm quen với vài người và thấy thích họ. Lúc đó, tôi còn non dại và ham vui. Nhưng lúc đó tôi chưa dùng á phiện. Chỉ sau khi tôi chơi với họ một thời gian và thấy một số họ dùng á phiện, và tôi bắt đầu làm quen với á phiện từ đó …" Tuy nhiên, Vũ không dám nói cho cha biết là em đang sa ngã vào con đường nghiện ngập, vì - vẫn theo lời của em: "Tôi không muốn cha tôi lo lắng và giận dỗi. Tôi bị nghiện và rất buồn. Tôi bỏ nhà ra đi." Vũ đi vào con đường tội phạm từ đó.

Trong khi Vũ lang thang ngoài phố và sa ngã vào con đường thuốc phiện thì cha em, ông Nguyễn Quang, không hay biết gì cả. Khi nghe tin Vũ bị bỏ tù, ông Quang rất ngạc nhiên và không hiểu tại sao. Ông Quang tâm sự, "Khi tôi đến thăm nó trong nhà tù, tôi bị sốc, chết lặng đi, và không tìm được chữ để tả cảm xúc của mình. Sau khi cơn xúc động lắng xuống, tôi hỏi tại sao con lại ở đây, thì nó nói là nó bị bắt trong lúc dùng bột trắng cùng với một người bạn."

Rắc rối pháp luật: công dân và thường trú nhân

Tháng 7, năm 1997, Trần Thành Tuấn bị tuyên án 16 tháng tù, vì tội buôn bán ma túy. Thực ra, đó không phải là lần đầu tiên Tuấn chạm trán với pháp luật. Trong thời gian 10 năm trước đó, Tuấn đã ra vào nhà tù 5 lần, vì các tội buôn bán ma túy, hành hung (assault) và ăn trộm. Bây giờ, sau khi hết hạn tù gần hai năm, Tuấn vẫn chưa được trả tự do, và đang bị trục xuất về Việt Nam.

Cũng như trường hợp của Tuấn, Nguyễn Thành Vũ cũng từng ra tù vào khám 7 lần trong quá khứ chỉ vì một tội duy nhất: tàng trữ và buôn bán ma túy. Vũ bị tuyên án hai năm tù giam, và đã "trả nợ" xong bản án này. Nhưng đã sau 2 năm sau khi mãn hạn tù, Vũ vẫn bị giam cầm trong tù. Và, Vũ cũng không biết bao giờ mình sẽ được trả tự do. Thực ra, Chính phủ Úc đang tiến hành thủ tục và điều đình với Chính phủ Việt Nam để trả Vũ về Việt Nam.

Nhưng tại sao họ lại bị trục xuất về Việt Nam" Câu trả lời nằm ở sự khác biệt giữa công dân (citizen) và thường trú nhân (permanent resident). Cả Tuấn và Vũ, tuy ở Úc khá lâu, nhưng họ chưa trở thành công dân Úc, mà chỉ là thường trú nhân. Và, theo luật pháp Úc qua lời nói của ông Bộ trưởng Di trú Philip Ruddock, một thường trú nhân có thể bị trục xuất khỏi Úc nếu họ phạm phải một tội nghiêm trọng.

Nói một cách khác, Vũ và Tuấn vẫn nằm trong nhà tù không phải vì họ đã phạm tội - Họ đang bị giam cầm vì họ không phải là công dân Úc, mà chỉ là những thường trú nhân, dù thân nhân của họ định cư cùng thời đều trở thành công dân Úc. Cả hai không biết được sự khác biệt giữa công dân và thường trú nhân trước khi phạm tội.

Tuy nhiên, phía chính phủ Việt Nam không chấp nhận một cách dễ dàng đề nghị trục xuất của chính phủ Úc. Phía Việt Nam đòi xác định lại nếu hai thanh niên này là công dân Việt Nam trước khi thảo luận chuyện trao trả nhân sự. Tất nhiên, ai cũng hiểu được không chính phủ nào lại muốn nhận những thành viên có tội phạm. Úc không muốn. Việt Nam cũng không muốn. Sự giằng co này đang trở thành một vấn đề ngoại giao. Và, trong khi hai chính phủ đang bàn thảo thì số phận và tương lai của những thanh niên này vô định...

Thực ra, Tuấn và Vũ không phải là hai trường hợp cá biệt. Theo ký giả Anne Delaney, có khoảng 34 trường hợp khác như Tuấn và Vũ cũng đang nằm trong giai đoạn làm thủ tục trục xuất về Việt Nam.

Quyết tâm của Bộ Di trú với những nguyên nhân mù mờ

Mục đích trục xuất tội phạm về nguyên quán rất ư là mù mờ: giảm tình trạng tội phạm ở Úc. Khi được hỏi nếu trục xuất một số người như Tuấn và Vũ thì tình trạng tội phạm ở Úc có khác đi hay không, ông Philip Ruddock thản nhiên trả lời: "Qua nhiều năm, Hạ nghị viện đã xác định rằng chúng ta không phải giữ những người phạm những tội nghiêm trọng ở lại Úc. Nếu trục xuất 100, 150 người tội phạm mỗi năm thì có thể sẽ làm giảm đi sự phân phối ma túy …" Câu trả lời của ông Bộ trưởng Ruddock làm cho nhiều người có chút suy nghĩ, có chút tri thức phải lắc đầu, phì cười về tính ấu trĩ đến sơ đẳng của nó và tính sỉ nhục cho sự thông minh của con người. Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy trục xuất một vài tội phạm sẽ dẫn đến sự thuyên giảm tội phạm trong một xã hội. Chưa có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình sẽ làm giảm bớt tình trạng tội phạm trong xã hội.

Ngô Đức Thắng, một Hội động viên dân cử trong Hội đồng Thành phố Fairfield, nhận được thư cầu cứu của hai em Tuấn và Vũ [và nhiều người khác cùng cảnh ngộ] đã dàn xếp một cuộc gặp mặt giữa thân nhân của can phạm và nhân viên của Bộ Di trú. Cuộc mit-ting không mang lại một kết quả khả quan nào. Bộ Di trú dứt khoát không thay đổi quyết định trục xuất những người như Tuấn và Vũ về Việt Nam.

Tuấn và Vũ có thể xin Hội Đồng Khiếu Tố Hành Chánh (Administrative Appeal Tribunal, còn gọi là AAT) cứu xét, nhưng họ cần phải có luật sư đại diện và biện hộ, một điều ngoài khả năng tài chính của hai em. Thực tế, chính Vũ đã từng ra Toà AAT tự biện hộ cho mình, nhưng không thành công. Thực ra, ngay cả có luật sư chuyên môn biện hộ đi nữa, xác suất thành công cũng rất thấp, vì AAT chịu sự chi phối của Bộ trưởng Di trú Philip Ruddock rất nhiều. Theo ông Ruddock, AAT đã quá khoan hồng trong quá khứ. Do đó, chính ông Ruddock là người chỉ thị cho Tòa AAT phải làm theo ý của ông ta: không khoan hồng.

Điều đó cũng có nghĩa là việc xin được ở lại Úc và không bị trả về Việt Nam nằm trong quyết định của một người - và chỉ một người duy nhất: Philip Ruddock. Chính ông Ruddock tuyên bố một cách không giấu giếm gì cả: "Quyết định tùy vào tôi" (nguyên văn: "The decision rests with me").

Khi được hỏi, "Ông có thấy công bằng hay không khi mà sinh mệnh của những người không hiểu rõ về hệ thống chính trị, những người không được đại diện bằng luật sư, những người không có khả năng tìm sự trợ giúp về pháp lý, lại tùy thuộc vào một người - đó là ông", ông Ruddock trả lời một cách hờ hững: "Hạ nghị viện đã quyết định rằng đó là quyền lực của tôi, và tôi không nao núng quyết định điều mà tôi được giao phó phải làm. Nhưng tôi không đồng ý khi cô ám chỉ rằng khi quyết định, tôi không có nhận thức về những điều mà cô vừa nói."

Một vài nhận xét

Câu chuyện của những đồng hương trẻ tuổi trên đây làm cho chúng ta, những ai còn quan tâm đến vấn đề này, phải suy nghĩ về thái độ của chính phủ Úc và cộng đồng người Việt ở đây. Như đã đề cập trên, tôi nghĩ không ai trong chúng ta phản đối việc những người phạm tội buôn bán ma túy, phạm tội trước pháp luật phải trả giá cho hành động tội lỗi của mình. Nhưng nếu họ đã đền đáp xong "nghĩa vụ" của một người phạm tội thì họ nên được trả tự do. Không có lí do gì giam cầm họ trong nhà tù, nhất là họ lại là thường trú nhân ở Úc.

Theo ý kiến của một luật sư từng quan tâm đến vấn đề này, ông Chris Livingston, thì hành động của chính phủ Úc là phi pháp, vô nhân đạo, và lạm dụng quyền lực. Ông Livingston nói một cách khẳng khái và gay gắt: "Giam cầm họ trong nhà tù khi họ đã mãn hạn tù là một việc làm điên cuồng. Việc làm đó sai trái. Việc làm đó phi đạo đức. Việc làm đó phi lí và bất chính. Việc làm đó, theo quan điểm của tôi, là một sự lạm dụng quyền lực. Việc làm đó, theo quan điểm của tôi, là phi pháp."

Ngay cả ông John Watkins, Bộ trưởng Cải huấn thuộc tiểu bang New South Wales cũng nói: "Tôi không hài lòng chút nào khi Chính phủ Liên bang cầm giữ những người đã mãn hạn tù trong các nhà tù thuộc tiểu bang New South Wales. Họ không nên được giữ ở đó. Chúng tôi đã nói rõ cho Chính phủ Liên bang rồi, và chúng tôi mong muốn họ phải giải quyết vấn đề này."

Ông Ngô Đức Thắng kêu gọi Chính phủ Liên bang nên trả tự do cho những thanh niên đã mãn hạn tù: "Những em này đã định cư ở đây qua chương trình nhân đạo, và chính quyền đem vào những người tốt cùng những người xấu. Và, những em này đã phạm lỗi lầm, không ai chối cãi điều đó. Nhưng họ đã trả giá cho lỗi lầm của mình - chúng ta nên trả tự do cho họ."

Chính phủ Úc đã chi ra hàng tỉ đô-la để khống chế tình trạng ma túy đang hoành hành ở các đô thị lớn, nhưng họ vẫn chưa đạt được kết quả gì đáng kể. Họ sẵn sàng chi ra hàng ngàn đô-la hàng ngày để điều trị cho hàng ngàn người nghiện ma túy, nhưng lại sẵn sàng tống khứ vài chục người cùng cảnh ngộ tuy đã ở Úc hơn 10 năm nhưng chưa có cơ hội thành công dân Úc. Thái độ của Bộ Di trú quả là mâu thuẫn.

Quyết định của Bộ Di trú Úc cho thấy họ chỉ muốn giải quyết một vấn đề phức tạp bằng một giải pháp đơn giản: tống khứ thành phần bất hảo ra khỏi nước Úc. Nó là một sự đầu hàng trước vấn đề, một sự trốn chạy thực tế. Vì lí do mù mờ nào đó, họ chỉ muốn tống khứ những thanh niên Việt này mà không cần quan tâm đến bối cảnh và động cơ đưa đẩy những thanh niên này vào con đường tội phạm. Đề cập đến khía cạnh này, Luật sư Chris Livingston nói: "Tôi không còn nghi ngờ gì cả: hoàn cảnh và lịch sử cá nhân đã quyết định tương lai họ [Tuấn và Vũ - ghi chú của người viết]. Họ đã được bố trí để hư hỏng. Họ đến Úc, với một gia đình không trọn vẹn, không có nhiều quan hệ tình cảm chung quanh, và họ được thả vào môi trường của cộng đồng - "Chào mừng bạn đến Úc" và thế là xong. Một cái vỗ vai không thể thay thế được một môi trường của gia đình. Họ bị sa ngã vào thành phần tội phạm bởi vì họ đi tìm một nơi chốn mà họ cảm thấy mình còn hữu dụng, và chỉ có một nơi chốn họ thực hiện được ý nghĩ đó là vào băng đảng. Rồi họ làm việc cho băng đảng, buôn bán á phiện, sa lưới pháp luật. Họ rơi vào vòng tròn của tội phạm, cùng khổ và bất hạnh."

Qua những lời nói chân thành của Tuấn và Vũ, người ta thấy hai em tỏ vẻ ăn năn và sám hối. Nguyễn Thành Vũ tâm sự: "Ma túy làm cho tôi kinh hãi. Tôi dứt khoát sẽ không bao giờ dính dáng vào ma túy hay vào nhà tù nữa. Tôi biết tôi phạm phải lỗi lầm. Tôi biết tôi đáng được trừng phạt. Tôi cố gắng chịu hết hạn tù, cho đến ngày tôi được tự do. Nhưng cho đến nay, dù tôi đã chịu nhận lỗi lầm của mình, tôi vẫn chưa có một cơ hội để hối cải." Nói về một viễn ảnh bị trả về Việt Nam, Vũ lo lắng: "Tôi biết rằng cha tôi đang cố gắng sống cho qua ngày. Có lúc chỉ nhìn ông làm tôi cảm thấy buồn. Nếu tôi bị trục xuất về Việt Nam, ở đây chỉ còn lại một mình cha tôi. Mộng ước của tôi khiêm tốn lắm, không có gì cao xa cả: đó là tôi muốn trở thành một người bình thường trong xã hội, có một công việc, có chút tiền, và lấy vợ, có con. Thế thôi! Không có gì quá tham vọng."

Còn Tuấn thì tha thiết: "Tôi rất mực thương yêu gia đình của tôi. Bà con ngoài đó, tôi yêu thương họ. Tôi biết họ đang trông chờ tôi. Tôi không muốn làm hại họ. Ngay cả bản thân tôi, tôi muốn có một tương lai tốt hơn."

Ông Philip Ruddock ngụ ý cho rằng khi ông cầm bút ký quyết định, ông sẽ cân nhắc hoàn cảnh của từng cá nhân. Tuy nhiên, nhìn qua vẻ mặt lạnh lùng đến tàn nhẫn, thái độ kiêu ngạo đến đáng chê trách, và cách trả lời hờ hững đến vô tâm của ông làm tôi nghĩ những thanh niên Việt Nam này thật không có cơ hội.

Cách đây vài năm, trên Đài truyền hình ABC có trình chiếu một cuốn phim tài liệu có tựa đề mượn từ một thành ngữ Anh, "Out of sight, out of mind" mà tôi tạm dịch là "Xa mặt cách lòng", mô tả tình trạng bi đát của những thanh niên người thổ dân đang lây lất trong các nhà tù của Úc. Cố nhiên, trong chúng ta chắc ai cũng biết rằng tỷ lệ thanh niên người thổ dân bị cầm tù cao hơn tỷ lệ thanh niên người da trắng bị cầm tù rất nhiều. Không những xác suất người thổ dân bị cầm tù cao hơn người da trắng, tỷ lệ người thổ dân tự tử trong nhà tù còn cao gấp bội. Hiện tượng người thổ dân tự tử trong nhà tù Úc đã trở thành một vấn đề thời sự nóng. Nó nóng đến nỗi một Ủy ban Hoàng gia được thành lập để điều tra về tình trạng này. Nó trở thành một nỗi nhục cho Úc, một nước đã phát triển (developed country) duy nhất trên thế giới bị Liên Hiệp Quốc lên án công khai là "thiếu nhân quyền".

Nếu tình trạng thiếu nhân quyền của người thổ dân trong nhà tù Úc là một vấn đề nhức nhối cho chính phủ, thì tình trạng thanh niên người Việt Nam bị cầm tù trong các nhà tù Úc lại là một nhức nhối cho cộng đồng người Việt tị nạn tại đây. Cứ mỗi lần cộng đồng Việt Nam tuyên dương những em học sinh xuất sắc trong năm, tôi lại liên tưởng đến những em kém may mắn [không, phải nói là "không may mắn"] và bất hạnh đang phải lây lất trong nhà tù Úc. Xa mặt cách lòng. Rất ít người quan tâm đến vấn đề này. Nhiều người không muốn nghe và biết đến. Họ chạy trốn sự thực. Theo tôi, đó không phải là một thái độ đứng đắn. Chúng ta cần phải đối diện với vấn đề. Chúng ta cần phải tìm hiểu vấn đề và tìm cách giúp đỡ họ, để hi vọng qua đó mà ngăn ngừa những trường hợp tương tự sắp xảy ra.

BS Nguyễn Văn Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.