Hôm nay,  

Xuân Mình Trên Đất Úc…

21/01/200000:00:00(Xem: 4741)
Nhớ hồi còn đi học, cứ mỗi lần thiên hạ nhộn nhạo đón xuân sang thì đập chết cũng nghe thầy nhắc tới bốn câu thơ của thời xưa củ:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Rồi thầy tha thiết bày tỏ sự ước mơ cho đám học sinh còn thơ dại cố gắng hiểu được điều thầy ấp ủ trong tim - là sống một kiếp người - cho dù có uá tàn theo năm tháng thì sự mong cầu điều tốt đẹp cho đời vẫn là mục đích cao trọng phải theo, kiểu như ông đồ già ở trên vậy!

Rồi thời gian nối tiếp nhau cho tới một ngày kẻ hèn này thấy thiên hạ đua nhau hát bài Ly rượu mừng quá trời quá đất, mà chẳng phải chỉ trên làn sóng truyền thanh truyền hình không thôi, ngay cả dịp tổ chức tất niên bè bạn cũng cứ đè ra mà hát. Hát một cách mê say như chưa bao giờ... say như vậy. Mõ tui vốn dốt về nhạc, có bảy cái nốt cũng chẳng biết cái nào đứng trước cái nào sau nên nghe thiên hạ đồn bài hát đó hay thì cũng cứ tin là hay vậy, chứ hỏi hay chỗ nào thì cũng trớt quớt chào thua, rồi những tưởng chuyện ấy cũng lui vào dĩ vãng, nào dè một ngày đẹp trời nọ lại may mắn gặp được quới nhân bèn được nghe đôi điều hữu ích. Vị khách quý đã phán như dzầy:

- Cái độc đáo của bài Ly rượu mừng không nằm ở phần nhạc lý mà ở nội dung. Người mình từ ngàn xưa mỗi khi muốn bàn luận chuyện gì thì chơi miếng trầu cái đã. Trầu với vôi dzô miệng cay nồng cay xé thì có khác gì uống rượu đâu nên các bà têm chừng vài phát là nói liên chi hồ điệp, là má cứ ửng lên như thời con gái. Còn mấy ông thì một hai nam vô tửu như kỳ vô phong. Cờ mà không gió thì khác gì gà nuốt dây thun nên mấy ổng dzô mút chỉ cà tha là điều dễ hiểu, mà thời nào cũng vậy, đàn ông không biết uống rượu là kể như xong bởi bất cứ chuyện chi cũng phải có tí men nhào dzô mới xuôi chèo mát mái. Từ chuyện kết nghĩa đệ huynh đến mừng con thành tài đỗ đạt. Từ chuyện gã cưới đến khai trương sốp xiếc tùm lum, đâu đâu cũng thấy rượu chảy tràn lan trong đó. Và như vậy, rượu là một cái gì không thể thiếu trong đời sống bình thường của... mít chúng ta bởi đang vui mà có rượu lại càng vui thêm nữa, còn buồn nhờ rượu lại vơi đi, và bài Ly rượu mừng chỉ là một nhắc nhở cho tập tục cao đẹp có từ ngàn xưa đó. Mày có để ý không, từ đầu đến đuôi chỉ có mỗi việc... nâng chén mút mùa lệ thủy chứ có làm gì khác đâu! Hết nông dân rồi tới thương gia. Hết công nhân rồi đôi uyên ương. Ngay người binh sĩ lên đàng còn phải dzô một cối trăm phần trăm thì thật là quá đã! Đó là lý do tại sao người ta thích bài Ly rượu mừng. Mày đã hiểu chưa" Và nếu chưa biết uống rượu thì mày phải tập. Tập hoài tập hủy cho đến chừng nào... say sưa từ lúc chạng vạng tới lạng quạng ra về nữa đêm thì lúc í mới có thể ngước mặt nhìn đời. Chứ không làm sao mày khá được" Nhớ có lần tao gặp một ca phê hết biết, bà má chịu chơi ngay buổi rước ông bà chiều ba mươi đã dặn dò đám con gái đang còn hơ hớ tuổi xuân: Chim khôn tìm cây cao mà đậu, gái khôn tìm mấy... cha nhậu mà nhờ. Tao nghe mà sướng cả bo-đy. Kiểu này thuận vợ thuận chồng... uống mấy chai cũng cạn. Thiệt là đã không biết để vào đâu cho hết!

Mõ tui nghe mà ngây ngất cả người bởi không ngờ... nó lại phê đến như thế. Chỉ cần hát đôi ba phút là có thể trở về nguồn cội cả ngàn năm và con cháu đời sau cứ thế mà truy lục. Rồi Mõ tui nhớ có lần được ông cậu đưa về quê ngoại ở Cần thơ đặng hưởng tí gió xuân đồng nội, ngang qua bến phà Mỹ thuận thấy thiên hạ quần là áo lượt, lớp trong lớp ngoài bao quanh một anh chàng bán cao đơn hoàn tán mà lúc ấy đang giới thiệu về loại thuốc nuôi heo, Mõ tui hớn hở nhào dzô thì nghe Anh rao như thế này:
- Thưa quý ông quý bà, con heo nó vui chơi thì mình cũng vui chơi. Gặp khi trái gió trở trời, con heo bỏ ăn hoặc nuôi gặp con heo đẹt ăn hoài hổng lớn, mình cũng đâm rầu. Vậy nên quý bà quý cô hãy bỏ chút tiền nho nhỏ, chỉ có ba ngàn đồng mà thôi, mua một bịch thuốc nuôi heo mau lớn để sẵn trong nhà, gọi là chút lòng thương mến ông Trư Bát Giới. Ba ngàn đồng ăn trầu nhả bã, hút thuốc liệng tàn, mà có thể cứu được một con heo đáng giá ba chỉ vàng bốn con chín. Dạ, ông Tư bên này mua. Dạ, thưa dì Hai, đợi con một chút!

Rồi khi đến bắc Cần thơ lại nghe được một bài về kem Foremost:
- Quý ông, quý bà đi tàu đi xe, khát nước khô cổ, gặp mùa viêm nhiệt, tháo mồ hôi trán lại váng mồ hôi tay. Xin quý ông quý bà hãy dùng kem Foremost, ăn tới đâu nghe mát tới đó, không mát không trả tiền. Dạ thưa cậu Hai, cậu vào tiệm mua mỗi bịch kem này giá đến hai ngàn đồng, ở đây, trong giờ quảng cáo, chúng tôi bán một bịch và tặng thêm một bịch. Ai không lấy bịch kem tặng thì có thể lấy bình dầu Shampoing, gội chí chí nhảy, gội sảy sảy nhào, gội gàu gàu tiêu. Ai không lấy bình Shampoing thì lấy cái thau to tổ nái ba tự, xài ba năm không hư không bể không lủng, mà nếu lỡ bể lủng thì nhường chỗ cho gà đẻ cũng được.

Cô nào thấp thấp lùn lùn
Ăn Foremost hết lùn lại cao
Về nhà mẹ hỏi tại sao"
Dạ, ăn kem Foremost nên cao hết lùn!

Chẳng vậy mà người xưa có nói, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Mõ tui đi chưa đủ ngày đàng nhưng đã thấy nỗi tối tăm trong lòng vơi đi một chút, rồi đến lúc vào chợ, lại đụng phải chiếc xe đang quảng cáo mì Hai con Két, với lời rao quá cản như sau:
- Kính thưa quý ông, quý bà, quý cô, quý cậu, ông chủ tôi sau nhiều năm nghiên cứu đã chế ra một loại mì thích hợp với tì vị của người Đông phương, nhãn hiệu Hai con Két, ăn mặn ăn chay thảy đều dùng được. Mua mì Hai con Két quý vị khỏi phải nấu nướng mất công. Buổi sáng thức dậy, quý bà quý cô khui một gói mì Hai con Két, chế nước sôi vào. Vậy là chồng một tô, vợ một tô, hai đứa con mỗi đứa một tô. Còn thừa một tô dành cho con chó.

Người nào chồng bỏ sang Tàu
Mua mì Hai Két chồng nhào trở qua
Người nào vợ bỏ sang Tây
Ăn mì Hai Két vợ quay trở về
Dạ thưa cô Hai, mì này không có kỵ thai…

Chừng đến ngày Mõ tui đặt chân lên đảo Bi-đông, cũng là lúc đồng hương đã làm lễ hạ nêu đâu vài ba... tháng trước bèn được nghe người ở cùng long-hao kể lại, là tối giao thừa pháo nổ tùm lum, bà con ai có cái gì kêu được thì cứ tự nhiên mang ra mà gõ, thậm chí mấy ông thần mai-nơ chịu chơi leo cả lên mái nhà mà đập. Còn người nào may mắn chộp được cánh hoa rừng thì vội cắm lên cao rồi hướng về nước non mà vái, xong rồi kéo lên đồi tôn giáo đặng hái lộc đầu xuân. Lời cầu chúc quanh đi quẩn lại có mỗi câu: Vượt biên có số định cư có phần là ăn khách hơn cả, bởi ai cũng thấy rõ ràng rằng, số mình phải đỏ lắm mới sung sướng được xếp hàng hứng nước ở nơi đây, chứ như bao kẻ khác cứ... đường đi không đến hoặc mãi vui chơi ở Long cung quên béng cả ngày về. Vả lại, ở đảo ai lại chẳng muốn đi" Mà giả như chưa đi thì tự an ủi phần mình chưa tới, đặng yên lòng đón xuân này rồi... rước cả xuân sau, chứ có đâu Bụt thần mang tới đảo bình yên lại đang tâm đem thằng con thân yêu mà bỏ chợ!

Rồi đến khi đặt chân lên xứ Úc kẻ hèn này mới tá hoả tam tinh, mới thấy sự suy đoán của mình sai quá trời quá đất. Vậy mà tự hồi nào cứ nghĩ, tết ở nước người ắt là bảnh ghê nơi bởi đầy đủ kiểu đó thì muốn gì chẳng được, mà chuyện đời đâu phải lúc nào cũng hai với hai là bốn nên trong sự dư thừa lại thấy lòng thiếu hụt thêm lên, bởi nơi đây không phải đất nước của mình, không có được chút tình của cái nhau cuống rún! Đã vậy ngày tư ngày tết vẫn xách gói ra đi. Cày một phát từ phia đến tối mệt bở hơi tai thì còn hứng thú mà đi đâu nữa, thôi đành ôm chầm cái điện thoại rồi í ới chúc tụng lẫn nhau. Chúc tới chúc lui cũng không thoát khỏi nỗi buồn se lạnh bởi giao thừa gì mà nguội ngắt nguội ngơ, đến lúc ấy mới thấm thía cảnh con ngựa rợ Hồ thấy gió bấc còn cất tiếng kêu. Con chim đất Việt chọn cành nam mới chịu làm tổ - huống chi người tị nạn - thân tạm xứ người mà lòng ở tận mũi Cà mau…

Rồi đến lúc đi thăm bà con mới là khó ăn khó nói bởi không biết phải mở lời chúc tụng ra sao! Chúc nhiều con theo kiểu một mặt con bằng mười mặt của xem chừng người ta hổng khoái bởi có một đứa thì... nghèo đủ ba năm. Có hai đứa tiền nhà muốn trả nhanh nhanh cũng không làm sao vươn tới được, nên có người cứ một hai ít con thì sống, đông con thì thấy mụ nội mày luôn thành ra lời chúc trên coi bộ... tím chiều hoang biền biệt. Còn chúc tiền vô như nước nghe hơi ngồ ngộ bởi ở xứ này ai cũng có một in-com, mà giả như có hai thì cũng không thể vô nhiều như nước được bởi ông thuế sẽ thò tay ra dzớt. Còn như đi làm lậu chẳng lẽ lại chúc năm mới nhiều thuận lợi hơn" Thét rồi quên luôn chuyện này cho nó gọn. Còn chúc vạn sự như ý lại càng trớt quớt hơn bởi ở xứ vật chất này mà cái gì cũng như ý là chết mẹ! Ngoại trừ bà dắt thì không kể, còn muốn như ý chừng... vài sự thì phải hỏi lại cái lưng xem coi tủy tiếc trong đó có còn ngon hay không đã, chứ cứ bang bang đi tới e có ngày bỏ vợ bỏ con. Còn cầu chúc cho tình yêu đôi lứa được trăm năm bền chặt cũng thấy nghèn nghẹn thế nào bởi ở xứ này ly dị dễ như trở bàn tay. Chỉ cần ba cái lý do trời ơi đất hỡi cũng đủ cho thiên hạ kéo nhau ra ba tòa quan lớn. Còn cầu chúc năm mới có... vợ mới cũng hổng xong bởi nó chỉ ô-rai cho những ai muốn về Việt nam làm thêm cú nữa. Cuối cùng chỉ còn mỗi lời chúc dạt dào sức khoẻ mới đến mức ăn thua bởi nó thích hợp cho mọi người mọi giới. Các cụ muốn sống lâu trước là xem con cháu thành người hữu dụng, sau nữa đợi ngày tận thế coi nó ra làm sao rồi chừng ấy về chung với nhau một lần cho tiện, chứ lỡ dọc đường cần chuyện gì cũng có sấp nhỏ nó lo. Còn đám con cháu chỉ mong khoẻ như trâu đặng kéo cày trả nợ, chứ giấy tờ nhà... ngân hàng nó giữ thì ăn ngủ nào có được yên!

Rồi có lần Mõ tui được hầu chuyện với một bác cao niên, nói tới nói lui rồi cũng quay về ngày tư ngày tết. Chợt bác ngồi bất động, dõi mắt ra xa như hồi tưởng một điều gì, để cuối cùng tâm sự với Mõ đây:
- Gần hết cuộc đời, bác mới hiểu một điều quan trọng. Là không phải cái gì mình cho là tốt là đẹp thì người khác cũng đồng ý theo như thế. Bởi họ không phải là mình, không có những suy nghĩ như mình đang có thì làm sao cảm được như mình đây! Cháu biết không, ngày bác đến Úc theo diện đoàn tụ gia đình, chỉ còn non tuần lễ là tết nên lòng lắm nỗi bâng khuâng. Phần xa mồ mả tổ tiên không biết ngày nào gặp lại. Phần muốn gìn giữ tập tục cổ truyền cho con cháu, nên bác chuẩn bị từ bộ áo dài khăn đóng đến những câu chuyện dân gian, hầu có thể mang lại cho sấp nhỏ chút hương vị của người mình. Rồi tối giao thừa bác ngồi rơi nước mắt bởi thằng chồng đang mịt mù cày ở ca đêm. Còn con vợ ê cả mông vì lô hàng may quá gấp. Bác nghĩ, ngày ở bển vì sinh kế phải đi xa thì tết nhứt cũng bươn chải mà về, còn ở đây gần trong gang tấc mà lại diệu vợi mút mù khơi. Đã vậy bàn thờ tổ tiên hương tàn khói lạnh. Chỉ có hai bóng đèn cháy đỏ trong đêm bởi đốt nhang lên thì sấp nhỏ hen xuyển ì xèo, thành thử ông bà nội ngoại ở cõi trên chắc cũng rầu rầu trong dạ, khi thấy con cháu mình vất vã chạy theo biu! Rồi sáng mồng một bác thấy mằn mặn ở bờ môi khi nghe thằng cháu đích tôn nhứt định... Hép-pi-niu-dzia chứ không phải Chúc mừng năm mới! Bác thấy nó hụt hẫng thế nào. Hình như có một cái gì mất mát không làm sao níu lại được. Thiệt là tết ở xứ người lạt thếch lạt thơ! Ngay cả mứt bầu mứt bí cũng... nhạt hơn ở bên nhà nhiều lắm! Bác thấy buồn trong dạ, bởi chỉ sợ con cháu sau này không biết được phong tục người mình có lắm điều hay thì thiệt là có lỗi, rồi tối đến vợ chồng nó đưa bác đi hội chợ tìm vui. Vui đâu chưa thấy lại thấy có cái gì không ổn. Bởi đẹp thì có đẹp. Đông thì có đông, nhưng đa số là ăn với uống. Cuối cùng dừng lại ở gian hàng lô tô, Bác như nghe lại được những âm điệu ngọt ngào của thời xưa củ đến độ không làm sao quên đặng. Bác còn nhớ thiên hạ rao rằng:

Chúc Anh Đài là con gái giả trai, con hai mươi hai, con hai mươi hai. Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê. Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe, chuyện tình ta đã ghi, con năm mươi chín, con năm mươi chín…

Rồi Mõ tui nhớ ngày ở bển cứ sáng mồng một là phải quét rác vô, chứ quét ra thì tài lộc sẽ thăng hết cả, nên chuyện quét nhà trong ba ngày tết cũng nhiêu khê chứ không phải muốn làm sao cũng được. Lạng quạng là đi đứt cả năm. Nhưng ở đây chẳng cần lo chuyện đó bởi... hút một cái ào thì tài lộc chỉ còn nước trở vô, rồi Mõ tui nhớ tục xông đất ngày mồng một, đi chúc tuổi phải đợi xế chiều mới xuất quân chứ rủi đến đầu tiên là chết mẹ. Người ta làm ăn khấm khá chẳng nói chi mà lỡ như bị... giựt hụi thì trăm cái xui đổ lên đầu thằng đến trước, thành ra không thiếu cảnh... chấm người từ trong năm củ chấm đi, mà thường ra ai có tên Giàu, tên Trúng là đi xông đất mệt nghỉ, đã vậy còn có chút tiền đánh cá cọp bầu cua. Thế nhưng ở xứ này thật khó khăn bởi khuya ngày mồng một người ta đi giao sửa, rồi lại đến nhà quảng cáo hàng họ tùm lum, buồn chưa kịp no thì ông bưu điện mang tới một vài biu, thành ra tục xông đất khó lòng tuân giữ được. Đó là chưa nói đến ngày đầu năm phải kiêng cử lời ăn tiếng nói để ngọt ngào xuyên suốt những ngày kia, bỗng phôn đâu ở ci ty gọi về, báo cho biết lô hàng mới giao cần phải sửa với thời hạn như lửa cháy đàng sau. Gặp cảnh đó muốn im cũng không làm sao im được. Thế là ba chân bốn cẳng chạy ào lên ci ty mà lấy, rồi vợ chồng con cái xúm vào toạc toạc cho mau chứ kéo... huôn cả năm thì thấy ông tằng cố tổ!

Nhưng nói là nói vậy thôi chứ tết nhất tới rồi thì lòng không xuyến xao làm sao được. Cứ nhìn lên ti-vi thì biết, bao hoang tàn đổ nát bởi thiên tai! Bao mất mát vì chiến tranh ly tán. Còn mình yên hàn chuẩn bị đón xuân sang. Bi nhiêu đó cảm tạ trời đất còn không hết chứ có đâu lại xin này xin nọ! Thôi thì chỉ còn biết cám ơn Bụt thần đã cho mình sống trọn một năm qua cùng sẵn trớn giúp mình sống thêm năm nữa, cho đúng kiểu lỡ thương thì thương cho trót của ngàn xưa. Chứ chẳng lẽ nữa đường đứt gánh thì mấy ai còn hăng hái nấu oản xôi chè dâng cúng Bụt" Mấy ai còn một dạ một lòng... nuôi Bụt ở trong tâm"

Mõ Sàigòn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.