Hôm nay,  

Tin Tức Úc Châu

11/11/200100:00:00(Xem: 3954)
HOWARD: GIỚI CỬ TRI TRUNG GIAN SẼ QUYẾT ĐỊNH KẾT QUẢ CUỘC BẦU CỬ

SYDNEY:Thủ tướng John Howard tin rằng giới cử tri trung gian sẽ là những người quyết định tối hậu trong cuộc bầu cử cuối tuần này, vì ông nghĩ rằng kết quả sẽ rất khít khao giữa hai chính đảng. Kết quả cuộc thăm dò dân ý của Newspoll cho thấy mức ủng hộ dành cho Liên đảng tụt xuống còn 51% và Lao động tăng lên đến 49%.

Ông Beazley, lãnh tụ đối lập tin rằng những thông điệp của đảng Lao động về các vấn đề y tế, gia đình và công ăn việc làm đã được cử tri đón nhận và lắng nghe. Ông nói: "Họ đã bắt đầu nhận thức được rằng chính phủ Liên đảng chả có tí sáng kiến nào về những vấn đề ấy cả".

Ông Howard từ chối không tiên đoán kết quả, và chỉ cho biết rằng ông tin chắc kết quả sẽ vô cùng khít khao và chính sự phán xét của giới cử tri trung gian về khả năng lãnh đạo quốc gia trong thời kỳ kinh tế khó khăn cùng tình hình quốc tế dầu sôi lửa bỏng sẽ quyết định đảng nào thắng đảng nào thua.


TNS BOB BROWN CÓ NGUY CƠ BỊ THẤT CỬ

HOBART: Thượng nghị sĩ Bob Brown, Thủ lãnh đảng Xanh có nguy cơ bị thất cử phen này, bởi vì cuộc thương lượng cách hướng dẫn bầu cử về những chọn lựa phụ (preferences) giữa đảng Lao Động và đảng Xanh không bao gồm ghế TNS đại diện Tasmania của ông.

Ông nói: "Tôi luôn luôn nghĩ rằng đạt được 14% số phiếu là một điều rất khó khăn cho đảng Xanh. Cả hai đảng lớn đều không muốn tôi trở lại Thượng Viện".

Đảng Lao Động quyết định chia số phiếu chọn lựa phụ đồng đều cho đảng Dân Chủ và đảng Xanh. Đảng Tự Do để đảng Xanh sau đảng Dân Chủ và đảng Lao Động. Giới kỹ nghệ lâm nghiệp khuyến khích cử tri để đảng Xanh xuống hạng chót.

Giáo sư Chính trị học của đại học Tasmania, ông Richard Herr, cho biết tương lai chính trị của TNS Brown rất lu mờ. Ông cho rằng TNS Brown cần có được một số phiếu chính (primary vote) khá cao để không bị loại từ những vòng đầu, và ngay cả trong trường hợp đó, ông vẫn còn nguy cơ bị thua thiệt bởi vì không được dồn phiếu phụ.

Tuy nhiên, TNS Brown cho biết ông vẫn tràn đầy hy vọng rằng ông và một người của đảng Dân Chủ sẽ đoạt được hai trong số 6 ghế TNS của Tasmania. Ông nói: "Tôi chưa bao giờ nhận được nhiều sự ủng hộ như bây giờ, đặc biệt là từ những người trẻ tuổi quan ngại về vấn đề Tampa và giáo dục. Người dân Tasmania rất thông minh và họ sẽ nhìn thấu được hết".

ANH GIÁO: CHÍNH PHỦ CẦN NHÂN ĐẠO ĐỐI VỚI NGƯỜI TỴ NẠN

SYDNEY: Giáo hội Anh giáo thuộc giáo phận Sydney đã lên tiếng kêu gọi chính phủ liên bang nên duyệt xét đơn xin tạm trú của người tỵ nạn nhanh chóng hơn.

Trong kỳ đại hội thường niên của giáo hội, cả giáo phận đã đồng tâm yểm trợ đề nghị kêu gọi giới lãnh đạo chính trị ở Úc phải có những quyết định sáng suốt trong việc giải quyết những khủng hoảng liên quan đến người xin tỵ nạn, đặc biệt là những người từ A Phú Hãn và Iraq.

Tổng Giám Mục Geoff Huard, người khởi xướng đề nghị trên, nói rằng nước Úc có vẻ như đang bịt mắt bưng tai và cố tình không để ý đến nỗi thống khổ của hơn 22 triệu người tỵ nạn khắp thế giới.

Ông cũng nói rằng Úc cũng cần phải có một hệ thống tạm giam nhân đạo hơn. ông nói: "Những dữ kiện mà chúng ta được biết về các trại cấm này thật là kinh khủng, những chuyện xảy ra trong vòng rào trại, và chúng tôi yêu cầu những người lãnh đạo quốc gia nên kính trọng và khuyến khích những người khác nên kính trọng những dị biệt về văn hóa và tôn giáo".

Tổng trưởng Di trú Phillip Ruddock, khi được giới truyền thông hỏi về lời kêu gọi của giáo hội Anh giáo đã thẳng thừng cho biết rằng cách hữu hiệu nhất để đáp ứng đến những mối quan tâm về trại cấm ở Úc là ngăn cản những người xin tỵ nạn đến Úc không hợp pháp. Ông nói: "Tôi nghĩ chính phủ đang dẫn đầu về những vấn đề này và chuyện mà chúng tôi muốn đảm bảo là việc chúng ta không cần có trại cấm nữa bởi vì người ta sẽ không còn tới đây lúc không được phép tới".

Ỵphude = Những người tỵ nạn chen chúc trên ghe đánh cá.

THIẾU NỮ TÀN TẬT TỪ THUỞ SƠ SINH ĐƯỢC BỒI THƯỜNG $13 TRIỆU

SYDNEY: Một thiếu nữ tàn tật từ thuở lọt lòng mẹ do sự bất cẩn của bác sĩ sản khoa vừa nhận được một số tiền bồi thường kỷ lục trong lịch sử Úc.

Cô Cassandra Simpson, 22 tuổi, đã được chánh án Tony Whealy, tuyên bố cho nhận số tiền bồi thường là $13 triệu vì "gần như hầu hết tất cả những thú vị của đời sống bình thường của cô đã bị hủy hoại" do sự bất cẩn của bác sĩ sản khoa Robert Diamond.

Ông Diamond thú nhận rằng chính sự bất cẩn của ông đã khiến cho cô bị tàn tật ngay lúc lọt lòng mẹ.

Được biết năm 1979, khi đỡ đẻ, ông đã cố gắng dùng ba loại đồ kẹp để kéo cô ra khỏi bụng mẹ trong suốt 20 phút và không thành công. Chỉ đến khi mức tim đập của cô, lúc đó còn là thai nhi, hạ xuống còn 60 cái mỗi phút thì ông mới đưa mẹ cô vào phòng mổ để dùng phương pháp caesarean mổ kéo cô ra.

Và chính sự chậm trễ này đã khiến cho cô bị thiếu dưỡng khí, gây ảnh hưởng đến não của cô, tạo ra bệnh cerebral palsy khiến cho cô tật nguyền suốt đời.

Số tiền bồi thường khổng lồ này được chánh án Tony Whealy chấp nhận là một sự đền bù "công bằng và đúng đắn". Thế nhưng, giới bảo hiểm chuyên môn cho bác sĩ đã lớn tiếng tấn công phán quyết của tòa và tuyên bố rằng nó sẽ khiến cho lệ phí bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ tăng vọt.

Bác sĩ John Quayle, chủ tịch công ty bảo hiểm United Medical Protection nói: "Bác sĩ sẽ phải chuyển mức tăng lệ phí này sang bệnh nhân của họ, hoặc sẽ không làm việc nữa, và cách nào đi nữa thì xã hội sẽ bị thiệt thòi".

Tuy nhiên, chủ tịch Hiệp Hội Luật Sư Giúp Nguyên Đơn (Australian Plaintiff lawyers Association) ông Robert Davis cho biết giới bảo hiểm không nên quá lo âu rằng mức tiền bồi thường như thế sẽ xảy ra thường xuyên.

LIÊN DOANH FOX-LEW GẦN MUA ĐƯỢC ANSETT

SYDNEY: Trong thời gian kể từ khi Ansett bị sập tiệm đến nay, có ba phe đang tung hết mọi nỗ lực nhằm mua lại hãng hàng không nội địa này. Thứ nhất là Anstaff, bao gồm một tập hợp các phi công và nhân viên của Ansett. Thứ nhì là liên doanh Fox-Lew của hai nhà triệu phú Lindsay Fox và Solomon Lew. Thứ ba là công ty Lang Corporations, không muốn mua toàn bộ hãng hàng không, nhưng chỉ muốn mua lại cơ sở của hãng tại các phi trường cùng quyền hoạt động kho hàng tại đấy.

Đến hôm đầu tuần, thì cuộc chạy đua gần như đã có kết quả với liên doanh Fox Lew có vẻ là người thắng cuộc.

Trở ngại cuối cùng mà liên doanh này phải vượt qua là đòi hỏi của chính phủ Howard trong việc sử dụng tiền phụ cấp $195 triệu từ thuế bán vé. Hai vị quản lý tài chánh Mark Mentha và Mark Korda muốn sử dụng số tiền này được để vào một quỹ riêng nhằm bảo đảm rằng chủ nhân mới của Ansett sẽ không bị thiệt thòi khi cần phải trả tiền bồi thường cho nhân viên bị sa thải trước đây. Chính phủ John Howard thì lại muốn số tiền ấy phải được hoàn trả lại cho chính phủ từ ngân khoản thu được do việc phát mãi tài sản của Ansett.

Một phát ngôn nhân của Bộ Trưởng Giao Thông John Anderson cho biết chính phủ chưa hề nhận được lời đề nghị nào liên quan đến việc dùng tiền thuế vé để làm bảo hiểm cho người mua.

Hiện giờ hai ông Korda và Mentha phải chọn lựa giữa hai đường: bán hãng hàng không cho liên doanh Fox-Lew, và liên doanh sẽ điều hành hãng hàng không với sự giúp đỡ của hãng hàng không Singapore, hoặc là bán tháo, bán đổ các tài sản khác của Ansett và bán những cơ sở tại phi trường, cùng quyền hoạt động kho hàng tại đấy cho Lang Corporations.

Nếu chánh phủ khăng khăng đòi số tiền $195 triệu, thì có lẽ Fox-Lew sẽ không tiến hành thương lượng mua bán, và công ty Lang Corporations có lẽ sẽ thành công. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng công ty Lang Corporations đã từng dính líu vào vụ chính phủ lén lút luyện nhân viên bốc dỡ hàng ở Dubai nhằm đập tan công đoàn Maritimes Union of Australia vài năm trước đây.

TT HOWARD BỊ LÊN ÁN ĐÃ DÙNG LÁ BÀI CHỦNG TỘC

Trong tuần vừa qua, thủ tướng John Howard đã bị một số người có tên tuổi trên chính trường Úc cho rằng ông đã sử dụng lá bài chủng tộc trong thời gian gần đây.

Trước hết là cựu lãnh tụ liên bang của đảng Tự Do, tiến sĩ John Hewson. Trong một bài bình luận đăng trên tờ Australian Financial Review, tiến sĩ Hewson đã viết rằng có nhiều người nghĩ ông Howard "đã cố ý sử dụng lá bài chủng tộc trong vụ Tampa". Ông Hewson viết thêm: "Có thể ông ta đã đánh lá bài ấy một lần nữa. Ít nhất là ông đã khơi đúng mạch kỳ thị chủng tộc ngầm trong những phần khá quan trọng của xã hội Úc, kể cả, và quan trọng hơn nữa là, cộng đồng người di dân".

Sau đó là cựu thủ tướng Malcolm Fraser với lời phê bình rằng chính sách dùng các đảo quốc ở Thái Bình Dương như một phương pháp nhằm giải quyết khó khăn của Úc trong vấn đề người tỵ nạn là chuyện "tục tĩu" ("obscene").

Kế đến là ông Richard Woolcott, cựu tổng giám đốc Bộ Ngoại giao, người đã từng 2 lần được ông Howard dùng làm sứ giả đặc biệt, trong một bài viết đăng trên tờ The Age hôm đầu tuần, đã chỉ trích cái gọi là "giải pháp Thái Bình Dương" của chính phủ như một "phương pháp chai đá, man rợ nhằm lấy điểm với cử tri nội địa" ("insensitive, hairy-chested approach for domestic electoral consumption"). Ông cũng cho rằng giải pháp này chắc chắn sẽ thất bại và cảnh cáo rằng chính sách tỵ nạn của chính phủ đã gây thiệt hại cho các mối quan hệ của Úc tại Á châu.

Tuy nhiên, ông Howard đã khăng khăng phủ nhận ông không hề "chơi lá bài chủng tộc" trong kỳ vận động bầu cử này, và khẳng định rằng những lời cáo buộc ấy không hề làm ông quan tâm "bởi vì nó không đúng". Tuy nhiên, ông từ chối không lên tiếng về những lời chỉ trích của các ông Hewson và Fraser.

ỨNG CỬ VIÊN TỰ DO GỐC Á CHÂU BỊ CÁC ĐẢNG VIÊN KHÁC RUỒNG BỎ

BRISBANE: Sir James Killen, cựu bộ trưởng quốc phòng, và một trong những đảng viên Tự Do có quyền thế tại đơn vị Ryan cho biết ông nghĩ rằng ứng cử viên của đảng Quốc Gia có nhiều cơ hội thắng cử trong kỳ tổng tuyển cử tại đơn vị một thời là thành trì của đảng Tự Do. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng tiến sĩ Gillies sẽ được khá nhiều phiếu". (Ông Stewart Gillies là ứng cử viên của đảng Quốc Gia cho đơn vị Ryan).

Và ông Killen chỉ là một trong số rất nhiều các đảng viên Tự Do cao cấp tại đơn vị này với ý nghĩ như trên. Sau một cuộc tranh quyền ứng cử rất căng thẳng và dữ dội giữa các phe phái trong đảng, rất nhiều đảng viên Tự Do không ủng hộ ứng cử viên của đảng, anh Michael Johnson, một luật sư gốc Hoa, và quay sang ủng hộ ứng cử viên của đảng Quốc Gia.

Anh Johnson đã đánh bại ứng cử viên ưa thích của thủ tướng Howard là ông Bob Tucker trong kỳ tranh quyền ứng cử sau khi khuyến khích những người gốc Á châu gia nhập vào chi bộ đảng.

Một đảng viên cao cấp cho biết nhiều người với trọng trách điều khiển việc phân phát truyền đơn tại các phòng đầu phiếu đã được khuyến cáo không nên cho những người gốc Á châu, ủng hộ viên của anh Johnson, đứng phân phát truyền đơn tại các nơi này. Người này nói: "Đã có lời khuyên nhủ rằng, tại vài vùng, sự hiện diện của những khuôn mặt Á châu phân phát truyền đơn hướng dẫn bầu cử sẽ không tốt cho thể diện của đảng".

Ông Peter Low, chủ tịch Hội Nghị Người Trung Hoa tại Queensland (Queensland Chinese Forum) cho biết ông sẽ "cực kỳ thất vọng" nếu đảng Tự Do có quan niệm như thế.

PETER COSTELLO: KHÔNG CÓ CHIA RẼ TRONG ĐẢNG TỰ DO VỀ VẤN ĐỀ TỴ NẠN

MELBOURNE: Hồi đầu tuần, tổng trưởng kinh tế Peter Costello đã lên tiếng phủ nhận rằng trong nội bộ đảng Tự Do bắt đầu có sự chia rẽ về chính sách tỵ nạn của chính phủ Howard.

Cuối tuần qua cô Julie Bishop, một dân biểu Tự do liên bang ở Tây Úc, được một tờ báo địa phương trích dẫn đã tuyên bố: "Tôi đồng ý rằng Úc cần phải nhận thêm nhiều người tỵ nạn hơn nữa", và sau đó đã phải ra thông cáo báo chí rằng cô hoàn toàn đồng ý với vị thế của chính phủ về vấn đề tỵ nạn.

Sau đó, một nhân vật sáng giá trong đảng Tự Do tại Hobart, ông Greg Barns, người đã từng chỉ trích chính sách xua đuổi người tỵ nạn và việc từ chối không gia tăng mức thâu nhận người tỵ nạn là hành động phá sản luân lý, cho biết ông tin rằng sau kỳ tổng tuyển cử vào thứ Bảy tới đây, trong nội bộ đảng Tự Do sẽ có thêm nhiều chỉ trích về chính sách di trú của liên đảng. Ông nói: "Việc ấy chứng minh rằng có một số người thuộc đảng Tự Do và thuộc đảng Lao động tin rằng chính sách vô luân về tỵ nạn, từ cả hai phe của chính trường, là một việc không thể nào dung dưỡng được".

Ông nói thêm: "Chúng ta đã thấy các ông John Hewson, Malcolm Fraser và Fred Chaney đã mạnh mẽ phê bình về vấn đề này".

Tuy nhiên, ông Peter Costello cho biết ông Greg Barnes, một người đang tranh quyền làm ứng cử viên trong kỳ bầu cử tiểu bang của Tasmania, không hề có chút ảnh hưởng nào về chính sách di trú cả. Ông nói: "Đấy không phải là vấn đề của quốc hội tiểu bang Tasmania. Đấy không phải là vấn đề mà dân biểu tiểu bang Tasmania quyết định, và chắc chắn đó không phải là thẩm quyền quyết định của những kẻ đang tranh quyền ứng cử viên".

PHƯƠNG PHÁP THẦN DIỆU TRỊ LIỆU VẾT PHỎNG

SYDNEY: Một phương pháp mới trị liệu nạn nhân của các vụ phỏng nặng mà không để lại những vết xẹo sần sùi nơi bị phỏng sau khi được áp dụng một cách thành công tại bệnh viện Concord đã được cơ quan Therapeutic Goods Administration chấp thuận cho phép sử dụng rộng rãi.

Bác sĩ Trưởng của Phòng Điều Trị Phỏng tại bệnh viện Concord, ông Peter Maitz đã thí nghiệm việc sử dụng một loại băng mới trong hai năm qua cho 24 bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện, với kết quả hết sức khả quan.

Từ xưa đến nay, nạn nhân của các vụ phỏng cấp 2 hay cấp ba cần phải được giải phẫu và được ghép da. Khi bị phỏng nặng, tế bào da bị chết khiến cho vết phỏng không lành lại. Phần da chết phải được cắt bỏ đi, và da tươi từ chỗ khác ghép vào, đưa đến những vết thẹo sần sùi. Ở độ phỏng cấp hai, nếu để cho da tự lành lại sẽ mất ba tháng, và do đó cũng tạo nên thẹo.

Loại băng được thử nghiệm được nuôi từ những tế bào da quy đầu của trẻ sơ sinh. Các tế bào này được nuôi dưỡng trên một miếng lưới ny lông để có thể tạo ra protein và những chất dưỡng sinh. Sau đó, lớp băng này sẽ được đông lạnh để giết những tế bào ấy đi, hầu không tạo dị ứng giữa vết thương và lớp băng.

Bác sĩ Maitz cho biết: "Khi rã đông và đắp lên vết thương, nó sẽ kích động các tế bào của bệnh nhân và giúp cho vết thương được lành lặn nhanh chóng hơn".

Dù giá $500 làm loại băng này đắt gấp 10 lần loại băng bình thường, nhưng theo bác sĩ Maitz thì phương pháp sử dụng băng này lại rẻ hơn, vì người bệnh không cần phải giải phẫu. Tuy nhiên, bác sĩ Maitz nói: "Để có được kết quả tốt 100%, thì băng cần được sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi bị phỏng.

Cô Sarah Lambourne bị phỏng nặng trên mặt vì khi chảo dầu trong bếp bốc cháy, thế nhưng, chỉ sau hai tuần được điều trị bằng băng TranCyte, da mặt của cô đã liền lặn trở lại và không hề có tí thẹo nào.

SIÊU VI TRÙNG LỜN THUỐC TRỤ SINH TẤN CÔNG BỆNH VIỆN HOBART

HOBART: Sự gia tăng của loại siêu vi trùng lờn thuốc trụ sinh MSRA (Methicillin Resistant Staphylococcus Aureus) tại bệnh viện Royal Hobart Hospital đã khiến cho những cuộc giải phẫu không cần thiết tại đây bị đình hoãn vô thời hạn, cho đến khi nào có thể kềm chế được sự lan tràn của vi trùng.

Pat Martin, tổng giám đốc bệnh viện, cho biết Royal Hobart Hospital vốn có tỷ lệ vi trùng Staph thấp nhất trong các bệnh viện dùng làm nơi huấn nghệ y khoa ở Úc, thế nhưng trong hai tháng vừa qua, con số trường hợp nhiễm vi khuẩn đã vọt tăng.

Loại vi khuẩn MESA được khám phá ra trên da và trong các vết thương. Trung bình hàng tháng có ba vụ bị nhiễm vi khuẩn này. Thế nhưng con số này tăng lên đến 7 vụ trong tháng 9 và 15 vụ trong tháng 10 vừa qua.

Hiện nay đã có 8 vụ mổ được tạm đình chỉ và khu mổ được phát hiện là nơi loại siêu vi trùng này sinh sôi nẩy nở đã được khử trùng và chùi rửa sạch sẽ.

Thêm vào đó sự di chuyển của bệnh nhân giữa các khu cũng bị ngăn cấm để ngăn ngừa sự lan tràn của siêu vi trùng này.

LÁI XE CÁN CHẾT NGƯỜI CHỈ BỊ PHẠT VẠ $500

MELBOURNE: Một nữ thẩm phán tại Melbourne đã chuẩn bị nhận lãnh những chỉ trích từ công chúng về hình phạt mà bà dành cho một người đàn ông đã gây ra tai nạn giao thông khiến cho hai người phải tử nạn.

Bà Jill Crowe phạt vạ ông Roland Martyn, một người buôn đồ cổ, $500 không lưu hồ sơ tội phạm, và rút bằng lái 6 tháng về tội lái xe bất cẩn. Bà nói: "Chắc chắn sẽ có người cho rằng "đây là một kẻ đã sát hại hai người nhưng được thả tự do", tuy nhiên, tôi phải thi hành chức vụ của tôi, và tôi tin rằng mình đã thi hành nó đúng đắn với bản án này".

Ông Martyn 61, chưa hề có tiền án, từng lái hơn 1 triệu cây số trong cuộc đời ông, đã bất thần đâm xe ông đang lái vào đầu xe của hai vợ chồng một người khác tại Western Highway gần Serviceton khiến cho họ thảm tử còn ông thì bị gẫy hai chân, gẫy xương sườn, bể xương chậu, gẫy cổ tay.

Phe công tố cho biết hôm ấy xe ông Martyn "bất thần và không hề thông báo trước" đâm ngược chiều qua bên kia đường, vào ngay trước mũi ba chiếc xe và hai chiếc đầu đã lách tránh được.

Luật sư biện hộ cho biết ông Martyn đã bị trọng thương trong tai nạn, và thêm vào đó, có bằng chứng rằng ông ta đã có những biện pháp ngăn ngừa cho nên không thể nào nói ông gây ra tai nạn vì mệt mỏi và thiếu ngủ trên đoạn đường từ Melbourne về Adelaide được.

PHÒNG TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT THẾ KỶ 21

PERTH: Những ai đến tham dự Liên Hoan Nghệ Thuật Awesome, được tổ chức tại Forest Chase ở Perth sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người sắp hàng trước một chiếc xe Mini Minor đậu trên hành lang, để thay phiên nhau thò đầu vào trong xe trong chốc lát, rồi thơ thới bỏ đi.

Đấy là "Drive In Mini Gallery", một phòng triển lãm nghệ thuật độc đáo, do anh sinh viên nghệ thuật Stuart Clipston thuộc Trường Nghệ Thuật Curtin, thực hiện.

Trong xe, anh dàn dựng rất nhiều các bình dầu làm thơm (air fresheners) thành một cánh rừng thơ mộng với mùi bạc hà. Đấy là tác phẩm nghệ thuật tham dự liên hoan của anh.

Anh Clipston, 26 tuổi, vô cùng hãnh diện cho biết rằng chỉ trong ngày đầu tiên của cuộc liên hoan mà phòng triển lãm tí hon của anh đã có đến 865 người thò đầu vào chiêm ngưỡng.

Anh nói: "Tôi đã phải dán giấy cảnh cáo trước về mùi thơm của nó rồi đấy. Mùi thơm của nó nực nồng kinh khủng. Thử nghĩ xem, 70 chai dầu làm thơm trong một diện tích nhỏ bị bít kín thì ngộp hở đến cỡ nào".


ỦY BAN TỔ CHỨC THẾ VẬN HỘI SOCOG BỊ TÒA BẮT PHẢI BỒI THƯỜNG $3,5 TRIỆU

SYDNEY: Một người đàn ông vừa được tòa án tuyên bố cho phép nhận số tiền bồi thường là $3,5 triệu từ Ủy Ban SOCOG.

Được biết ông Peter Tao Zhu, một thương gia gốc Hoa đã bắt đầu thương lượng từ đầu năm 1999 để quảng cáo khuyến mãi và bán thẻ hội viên của Olympic Club tại Trung Hoa, bao gồm cả vé tham dự Thế Vận Hội cùng chỗ ở tại các khách sạn.

Sau đó, ông ta đã được ký hợp đồng làm đại lý độc quyền tại Trung Hoa. Thế nhưng sau đó thì SOCOG đã nắm toàn quyền hoạt động về Olympic Club.

Cũng trong thời gian ấy, Đội Tình Báo Thế Vận Hội của lực lượng cảnh sát NSW khám phá ra những dữ kiện mà họ cho là đã chứng minh được mối quan hệ giữa ông Zhu và các tổ chức tội phạm Á Châu. Họ thông báo với SOCOG rằng hợp đồng với ông Zhu phải được thu hồi lại.

Tuy nhiên, trước khi hợp đồng được thu hồi, ông Zhu đã bị câu lưu và thẩm vấn. Thế rồi 5 tháng sau đó, ông lại bị bắt một lần nữa và bị buộc tội đã lừa đảo khi bán những thẻ hội viên này mà không phải là đại diện chính thức của Olympic Club. Những tội trạng này sau đó đã được bãi bỏ.

Nữ chánh án Patricia Bergin đã miêu tả hành vi của SOCOG là "chuyện quá đáng và đáng khiển trách". Bà mạnh dạn lên án SOCOG và nói rằng không có một bằng chứng nào cho thấy ông Zhu là một người xấu cả, ngược lại, ông là một người lương thiện, ngay thẳng. Và bà đã tuyên bố trao cho ông món tiền bồi thường là $3,5 triệu.

BIỂU TÌNH KHẮP NƠI Ở ÚC ĐỂ CHỐNG CHIẾN TRANH

TIN TỔNG HỢP: Hôm cuối tuần qua, tại các thành phố lớn khắp nước Úc, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình chống lại việc Hoa Kỳ thả bom A Phú Hãn và đồng thời chống thái độ sắt thép của chính phủ Howard đối với người tỵ nạn.

Những cuộc biểu tình này được tổ chức bởi Refugee Action Collective và Network Opposing War and Racism.

Tại Brisbane, hơn 500 người đã tề tựu tại King George Square để lắng nghe những bài diễn văn của giới lãnh đạo tôn giáo, của đại diện công đoàn và của đại diện cộng đồng Hồi Giáo, và sau đó biểu tình tuần hành đến trước văn phòng của đảng Tự Do tại đường Eagle.

Ở Canberra, hơn 300 người tụ họp tại trụ sở cũ của Quốc Hội và sau đó tuần hành đến trụ sở của cả hai đảng Tự do và Lao động, mang theo những biểu ngữ như "Ngưng ngay cuộc chiến với người tỵ nạn", "Người tỵ nạn là con người, không phải phân bón cây", "Howard và Beazley là những kẻ vi phạm nhân quyền".

Tại Melbourne, 500 người tụ tập, kêu gọi các đảng chính trị hãy ngưng việc dùng người tỵ nạn làm vật tế thần để thủ lợi chính trị.

Ở Adelaide, khoảng 500 người tuần hành trên đường phố, miệng hô to: "Hòa bình có thể, Chiến tranh không phải là giải pháp".

Riêng tại Sydney, cuộc biểu tình hòa nhã thầm lặng của khoảng 2,000 người tại Hyde Park trở thành một vụ tranh cãi ồn ào, to tiếng, sau khi một nhóm thân Hoa Kỳ, tên gọi Protect Against Xtremists (Bảo Vệ Chống Kẻ Quá Khích), xuất hiện, mặc áo với những khẩu hiệu như "Thượng Đế Ban Ơn Cho George W.", tay cầm cờ Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.