Hôm nay,  

Mậu Thân Hồi Giáo?

06/08/200500:00:00(Xem: 5093)
- Chiến dịch tổng phản công của al-Qaeda lại khiến thiên hạ nói đến Việt Nam. Lầm lẫn tai hại!
Suốt tháng Bảy vừa qua, khủng bố al Qaeda đã ra tay liên tiếp. Chiến dịch tổng phản công lập tức gây tranh luận trong dư luận, và nhiều người liền báo trước, rằng sau cùng Hoa Kỳ sẽ tháo chạy khỏi Iraq như đã từng tháo chạy khỏi Việt Nam sau vụ Mậu Thân 68. Nếu chịu khó theo dõi tình hình cho sát, chúng ta sẽ thấy ra sai lầm của kết luận ấy.
Tuy nhiên, vượt ra khỏi tình hình Iraq, Hoa Kỳ cũng có thể thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu nếu đa số dư luận Mỹ lại ngả theo kết luận sai lầm - và nguy hiểm - ấy.
Chúng ta phải tổng kết lại tình hình để hiểu ra những khúc mắc rắc rối này.
Chiến dịch tổng phản công
Mở đầu cho chiến dịch là hai đợt khủng bố tại London, cách nhau đúng hai tuần (vụ 7-7 và vụ 21-7); nhồi ở giữa là vụ đánh bom hàng loạt tại khu nghỉ mát Sharm el Sheikh của Ai Cập; trong khi quân khủng bố tự sát liên tiếp ra tay tại Afghanistan, Iraq và cả Pakistan; lần này, họ nhắm vào viên chức chính quyền, giới ngoại giao và thường dân Hồi giáo. Sau cùng, đập mạnh vào ấn tượng của dân Mỹ là việc khủng bố nhắm vào các đơn vị Hoa Kỳ, với mức tổn thất tăng vọt từ cuối tháng Bảy cho đến những ngày đầu tháng Tám: trong tháng Sáu, khủng bố tấn công đơn vị Mỹ sáu lần đáng kể; qua tháng Bảy, họ ra tay 17 lần; riêng ba ngày đầu của tháng Tám, có 20 binh lính Mỹ thiệt mạng riêng trong tỉnh Al Anbar ở miền Tây Iraq, tiếp giáp với Syria, trong số này có sáu tay xạ thủ của Thủy quân Lục chiến bị phục kích và hạ sát gần thị trấn Al Hadithah hôm mùng một đầu tháng. Vụ phục kích các xạ thủ (snipers) cho thấy quân khủng bố không theo chiến thuật tấn công gián tiếp mà chủ động ra đòn.
Trên cao điểm của chiến dịch tổng phản công, hôm mùng bốn, thủ lãnh số hai của al Qaeda - tay lý luận đang trở thành phát ngôn nhân - là Ayman al-Zawahiri tung ra một băng hình để hăm dọa là London sẽ còn bị tấn công nếu Anh quốc không rút quân khỏi Iraq và rằng Hoa Kỳ càng trì hoãn việc triệt thoái khỏi Iraq thì càng bị thêm tổn thất. Nội dung thông điệp cho thấy là dù không chính thức xác nhận trách nhiệm trong đợt tấn công vừa qua ở khắp nơi, al Qaeda muốn tự khẳng định tư thế lãnh đạo phong trào mệnh danh Jihad, "Thánh chiến Hồi giáo", trong khối Hồi giáo và ở cả các nước khác, nhất là Tây phương.
Mục tiêu của al Qaeda rõ rệt là thuyết phục dư luận Tây phương là phải gây áp lực để Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Iraq và mọi xứ Hồi giáo khác. Như vậy, vấn đề không thu hẹp vào Iraq - hay mối quan hệ giữa Iraq và phong trào "Thánh chiến" - (nhân đây, người viết xin nói gọn: trong suốt bài này, "Thánh chiến" đồng nghĩa với khủng bố Hồi giáo quá khích).
Chúng ta quay trở lại mục tiêu của "Thánh chiến" và mục tiêu của Hoa Kỳ trong cuộc chiến mà chính quyền Bush gọi là cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Từ đấy mình mới có cơ sở thẩm định lẽ thắng bại của đôi bên.
Cuộc chiến chưa có tên
Chúng ta đều biết - riêng người Việt Nam còn trả một cái giá đắt đỏ để biết - rằng chiến tranh chỉ là một hình thái bạo động và quân sự của đấu tranh chính trị.
Trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, chiến tranh tại Việt Nam xuất phát từ việc Hà Nội muốn thống nhất với miền Nam để thiết lập chế độ cộng sản trên toàn lãnh thổ. Mục tiêu chính trị ấy đòi hỏi loại hoạt động quân sự và bạo động, thể hiện qua nhiều hình thái khác nhau, từ chiến tranh phá hoại, khủng bố đến du kích và cả vận động chiến trong giai đoạn dứt điểm. Trong cuộc chiến ấy, có hai lần Hà Nội phải tổng phản công để giành lại thế chủ động khi đang bị thua, đó là vụ Đồng khởi và việc ra mắt Mặt trận Giải phóng Miền Nam tại Hà Nội năm 1960 và vụ Mậu Thân năm 1968. Họ thành công trong cả hai lần. Phía Hoa Kỳ thất bại vì không minh định mục tiêu cho rõ ràng, đánh trong thế thủ và đã thắng lại còn tưởng rằng thua.
Ngày nay, nhiều người cho rằng lịch sử đang tái diễn vì Hoa Kỳ lâm chiến mà không minh định được mục tiêu cho rõ ràng.
Cuộc chiến nào cũng phải có một mục tiêu chính trị vì là một phương tiện của chính trị.
Khi al Qaeda mở cuộc tấn công 9-11, mục tiêu của quân khủng bố là gây chấn động trong dư luận Hoa Kỳ và thế giới, khiến Mỹ phải lui về thế thủ, chấm dứt can thiệp vào thế giới Hồi giáo (mở đầu là triệt thoái khỏi các căn cứ quân sự tại Saudi Arabia), khiến các chế độ Hồi giáo ôn hòa phải sụp đổ khắp nơi để rồi cuối cùng, một vương quốc Hồi giáo toàn cầu sẽ xuất hiện, cai trị khối Hồi giáo theo giáo luật thủ cựu nhất. Phương tiện hay phương pháp thực hiện mục tiêu chiến lược ấy là khủng bố.
Vì lười biếng hay thực dụng hơn là vì thiếu sáng suốt, chính quyền Bush và cả thế giới đã lầm lẫn gọi cuộc chiến của Hoa Kỳ là "chống khủng bố toàn cầu", tức là chống ở ngọn, chống phương pháp bạo động mù quáng nhắm vào thường dân. Lối gọi tên ấy không nói rõ mục tiêu của cuộc chiến và còn khiến Mỹ bị đả kích là vô cớ can thiệp vào Iraq. Một lý do khác ngoài sự lười biếng là mặc cảm, khiến Hoa Kỳ không dám minh định, hoặc gọi tên, cuộc chiến là "chống Thánh chiến", vì e sợ gây ác cảm trong thế giới Hồi giáo. Mặc nhiên Mỹ đã nhường cho kẻ thù mỹ từ "Thánh chiến", y như đã cho Hà Nội cơ hội nói chữ "giải phóng".
Từ phía Hoa Kỳ, mục tiêu cuộc chiến là nhằm chứng minh al Qaeda không thể thành công, cơ sở khủng bố trước sau gì cũng bị tiêu diệt trong khi các nước Hồi giáo sẽ lần lượt chuyển hóa qua một chế độ tự do và dân chủ hơn. Nếu Mỹ xác định mục tiêu như thế, thay vì lòng vòng nói qua chuyện võ khí tàn sát WMD, dư luận có thể hiểu và đồng ý, hoặc ít ra thông cảm, với việc tung quân vào Iraq lật đổ chế độ Saddam Hussein và xây dựng lên một chế độ mới.
Cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq và trên toàn cầu vì vậy vẫn là một cuộc chiến không tên vì mục tiêu không công khai minh định để có được hậu thuẫn của quần chúng và dư luận. Nhưng, dù chẳng có tên gọi, cuộc chiến vẫn tiếp tục và Hoa Kỳ có đạt nhiều chiến thắng mà dư luận vẫn cứ tưởng rằng đang thua.
Tương quan cuộc chiến "chống Thánh chiến"
Dù đã bị thảm bại tại Việt Nam, đa số người Mỹ vẫn quan niệm rằng chiến tranh là xung đột võ trang giữa hai quốc gia, có hai quân đội được hậu thuẫn bởi bộ máy chiến tranh và kinh tế. Vì quan niệm như vậy, họ chưa thống nhất ý kiến về hiện trạng của cuộc chiến chống "Thánh chiến" và còn tranh luận về tội ngược đãi tù binh, giam giữ quân khủng bố theo thủ tục đặc biệt mà không xét xử hoặc không tôn trọng Hiến chương Geneve về tù binh!
Thực tế thì Hoa Kỳ đang ở trong thời chiến, ở giữa một cuộc chiến không cân xứng.
Một đằng là quân khủng bố, hoàn toàn phi quy ước, phi quốc gia nhưng liên quốc gia, có thể dùng mọi thủ đoạn để đạt mục tiêu; đằng kia là một siêu cường số một về quân sự và kinh tế nhưng lại bị ràng buộc bởi thể chế chính trị dân chủ bên trong và sự hoài nghi của thế giới bên ngoài vì khả năng siêu cường độc bá của mình.
Cho đến nay, gần bốn năm sau vụ khủng bố 9-11, al Qaeda không đạt được mục tiêu giai đoạn của mình, là gây ra khủng hoảng lớn trong thế giới Hồi giáo, khiến các chế độ ôn hòa đều lần lượt sụp đổ, và cũng không làm nước Mỹ phải thoái lui về loại giải pháp cục bộ hay nhượng bộ được ngụy trang ngoại giao. Ngược lại, các chế độ Hồi giáo ôn hòa đều hoặc tích cực chống Thánh chiến hơn trước (Pakistan, Saudi Arabia) hoặc chuyển hóa dù chậm qua một thể chế chính trị tạm gọi là dân chủ hơn (Egypt, Lebanon và nhất là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới là Indonesia). Các chế độ Hồi giáo độc tài và chống Mỹ thì tự lột xác (Lybia) hoặc du dây ở giữa để khỏi gặp sự thịnh nộ của Hoa Kỳ (Syria). Ngoại lệ duy nhất có lẽ là Iran, một quốc gia trở nên cực đoan hơn và tiếp tục thách đố Hoa Kỳ với màn võ khí nguyên tử, theo gương Bắc Hàn.

Và do vai trò quyết định của Bush, Hoa Kỳ không thoái lui mà tiến thẳng vào Afghanistan rồi Iraq đồng thời truy lùng cơ sở khủng bố ở khắp nơi, khiến đã có lúc al Qaeda phải đả kích các nước Hồi giáo, hoặc nói đến hưu chiến (thông điệp 15 tháng Tư của Osama bin Laden, do al Zawahiri vừa nhắc tới), và chuyển hướng thành phong trào đấu tranh chính trị và kinh tế. Trong khi ấy, người ta cũng hiểu rằng dù al Zawahiri đã năm lần xuất hiện qua băng hình, kể từ gần một năm nay, Osama bin Laden hiện đang bị truy lùng rất gắt và phong trào "Thánh chiến" thực sự đang gặp thoái trào.
Nếu nhìn lại sự việc như vậy, khó có thể nói rằng Mỹ đang thua. Ngược lại là đằng khác. Hoa Kỳ chưa thắng, nhưng đang ở trên đà chiến thắng.
Cũng vậy, nếu cứ điểm quân tính số tổn thất trong Thế chiến II, dư luận có thể đã hiểu lầm là cuộc đổ bộ tại Normandie vào tháng Sáu năm 1944 hay cuộc tổng phản công của Đức quốc xã trên rặng Ardennes của Pháp vào cuối năm 1944 là những tổn thất lớn cho phe Đồng minh. Và không thấy trước được đà đại thắng vào tháng Năm năm 1945.
Trong hoàn cảnh ấy, ta mới trở lại trận Mậu Thân 68.
Mậu Thân của Hồi giáo
Cuối năm 1967, tình hình chiến cuộc tại Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng khích lệ.
Miền Nam đã thoát cơn khủng hoảng do những lăng nhăng chính trị của giới lãnh đạo Sàigon gây ra sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, còn tổ chức được bầu cử, với kết quả thực ra đáng khích lệ hơn cuộc bầu cử vừa qua tại Iraq, và có một bản Hiến pháp mới thay thế Hiến pháp 1956 của Đệ nhất Cộng hòa. Dù phạm rất nhiều sai lầm, chính quyền Johnson cũng không hoàn toàn sai khi thông báo là phe Bắc Việt đã bị tổn thất và lui về thế thủ.
Vụ Mậu Thân là cuộc tổng phản công của Hà Nội để minh chứng ngược lại.
Mục tiêu ở đây là 1) cho thấy sức mạnh và khả năng tấn công của miền Bắc, 2) gây chia rẽ giữa bộ chỉ huy Mỹ tại Việt Nam với giới lãnh đạo tại Washington về cách lượng định tình hình tại chỗ, và 3) gây chia rẽ giữa chính quyền Johnson và dư luận Mỹ. Mục tiêu chính yếu của cuộc tổng phản công vì vậy có thể là hai phần chính trị một phần quân sự.
Kết cuộc thì Bắc Việt thảm bại về quân sự và phải mất gần bốn năm mới hồi phục lực lượng. Một thất bại khác về tổ chức là các cơ sở và cán bộ bị lộ diện và tiêu diệt gần hết, nhưng đây chủ yếu là một thất bại cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Nhìn ngược lại thì đây là một đại thắng quân sự cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng, Bắc Việt lại đại thắng về chính trị nhờ vụ Mậu Thân.
Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam bị mất uy tín, Tướng Westmoreland gây thất vọng cho chính quyền Johnson, trong khi dư luận Mỹ lại cho rằng Johnson đã gian dối khi nói rằng mình đang chiến thắng. Kết cuộc thì dư luận cho là Mỹ đang thua, chính quyền Johnson phải duyệt lại toàn bộ chiến lược và chấp nhận thương thảo, trong khi bản thân Johnson thì quyết định sẽ không ra tái tranh cử. Thời gian thương thảo, từ 1968 đến 1972, là lúc Hà Nội có điều kiện bổ sung quân số và kết thúc chiến tranh bằng quân sự sau khi Hiệp định Paris đã được ký kết để kết thúc chiến tranh bằng chính trị.
Nhớ lại chuyện cũ, người ta không khỏi giật mình.
Khi một phe bị yếu thế về quân sự thì có thể nghĩ đến tổng phản công nhằm chứng minh 1) rằng mình vẫn còn khả năng và sức chủ động về quân sự, 2) rằng mọi giải pháp quân sự đều vô vọng hầu 3) đề nghị một giải pháp thương thảo hay chính trị, nhằm 4) tạo điều kiện cho một giải pháp quân sự khác để dứt điểm. Được hay thua, kết quả ngã ngũ hay không là tùy theo cách dư luận - sức mạnh chủ yếu tại Hoa Kỳ - đánh giá kết quả của cuộc tổng phản công. Năm 1968, Hoa Kỳ thắng mà chính giới, truyền thông và dư luận cứ tưởng là thua nên góp phần tạo điều kiện để bị thua thật!
Ngày nay, tình hình đang xoay chuyển ra sao"
Dù không có đợt tổng phản công vừa qua của al Qaeda, một phần dư luận Mỹ vẫn cho rằng Hoa Kỳ đang thua. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về một số chính khách bên đảng Dân chủ sau khi đã đồng ý cho Bush ra quân tại Iraq: họ thù ghét Bush hơn là e ngại quân khủng bố. Trách nhiệm kế tiếp thuộc về truyền thông Mỹ vì cho đến nay vẫn đánh giá sai và tường thuật lệch lạc về cuộc chiến chống Thánh chiến và nhất là về những gì đang xảy ra tại Iraq.
Tuy nhiên, trách nhiệm không nhỏ vẫn thuộc về chính quyền Bush - từ bộ Quốc phòng đến Tình báo và ban tham mưu chính trị - vì không giải thích được động lực và mục tiêu của cuộc chiến và khi lâm trận lại lượng giá sai những chướng ngại có thể gặp tại Iraq.
Cho nên, trong khi tình hình đang bất phân thắng bại tại Iraq và có hướng thuận lợi hơn cho Mỹ trên các chiến trường khác thì hậu phương Mỹ lại phân vân. Nhiều người thiếu am hiểu còn uyên bác giải thích rằng Mỹ sẽ thua như đã từng thua tại Việt Nam.
Vì sao lý luận ấy sai"
Chiến tranh Việt Nam và Cuộc chiến "chống Thánh chiến"
Trước hết, Iraq chỉ là một phần dù tiêu biểu nhưng không là toàn bộ của cuộc chiến chống Thánh chiến.
Tại Việt Nam, Hoa Kỳ sai lầm khi giữ thế thủ và không tấn công thẳng vào hậu cứ nhỏ của chiến tranh (Lào, Miên và miền Bắc) lẫn hậu phương lớn của Bắc Việt là hệ thống tiếp vận từ Liên xô và Trung Quốc. Đánh dứ mà tính chuyện tháo chạy là sai lầm của chính quyền Kennedy, từ 1960 đến 1963; đánh toàn cầu hòa là sai lầm của chính quyền Johnson, từ 1963 đến 1968.
Hoa Kỳ ngày nay không phạm sai lầm ấy khi truy lùng khủng bố khắp nơi trong khi cố tạo điều kiện cho các phe Hồi giáo tại Iraq tìm ra nền tảng đồng thuận để từ xung đột võ trang chuyển qua đấu tranh chính trị, dù là đấu tranh chính trị chưa hoàn toàn trong sáng như trong một xứ dân chủ bình thường. Nếu căn cứ trên tiêu chuẩn bình thường để thẩm định tình hình Iraq, như truyền thông Mỹ đã từng làm khi phê phán xã hội miền Nam, người ta chẳng giúp gì cho dân Iraq mà còn tiếp sức cho lý luận ngoa ngụy của khủng bố: Hoa Kỳ cứ rút là mọi sự đều xong! Y như chỉ càn lật đổ chế độ Diệm, hoặc Thiệu Kỳ Khiêm, hoặc Nguyễn Văn Thiệu, v.v… là có hòa bình.
Cũng vậy, ngược với trước đây, suốt năm qua al Qaeda đặc biệt đề cập tới Iraq trong các thông báo của mình. Nhưng đấy chỉ là một diện của cuộc chiến mà thôi.
Chính quyền Iraq ngày nay tại Baghdad không thể sụp đổ như chính quyền Kabul đã sụp đổ năm 1992 khi Liên xô triệt thoái, và sau đó rơi vào tay Taliban để al Qaea có hầu cứ hoạt động. Lý do là sắc dân Shiite đa số tại Iraq muốn chính quyền này tồn tại và nói chung, đa số dân Iraq không có cảm tình với al Qaeda và lãnh tụ al Qaeda tại Iraq là al Zarqawi chỉ được sự yểm trợ rất nhỏ của sắc dân Sunni. Sở dĩ al Qaeda tập trung vào Iraq chỉ vì họ muốn đạt cùng mục tiêu với một số chính khách Mỹ: Hoa Kỳ rút khỏi Iraq.
Nhưng, nếu Mỹ tháo chạy khỏi Iraq, al Qaeda thành công trong mục tiêu chiến lược của mình: Mỹ chỉ là cọp giấy và các chế độ Hồi giáo ôn hòa khác sẽ sụp đổ.
Sau khi Mỹ rút khỏi Iraq, al Qaeda sẽ đòi hỏi Mỹ thiệt thoái khỏi Afghanistan, phải ngưng yểm trợ chế độ Pervez Musharraf tại Pakistan, Phillipines và Thái Lan phải cho dân Hồi giáo tại các tỉnh miền Nam được tự trị, Indonesia phải chấm dứt mọi hợp tác quân sự với Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi, v.v…
Người dân Mỹ khó chấp nhận nổi số phận đà điểu chui đầu xuống cát như vậy, các nước khác - kể cả Anh quốc - càng khó chấp nhận hơn, cho nên cuộc chiến sẽ không thể chấm dứt tại Iraq.
Điều nguy hiểm là lẽ thắng bại của nó có khi lại do những dư luận thiếu am hiểu tại Hoa Kỳ quyết định. Như đã từng làm như vậy sau vụ Mậu Thân, và giúp cho kẻ thù chuyển bại thành thắng.
Ít ra, chính quyền Bush không tái phạm sai lầm của chính quyền Johnson, trong khi dân Hồi giáo ngày càng mất cảm tình với đòn tổng phản công mù quáng và ác độc của Thánh chiến.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.